Trang trong tổng số 55 trang (547 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] [6] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Vodanhthi

Viện Goethe tổ chức Học viện mở 2010

SGTT.VN - Học viện mở 2010 (Open Academy), chuỗi hoạt động nghệ thuật bao gồm các buổi chiếu phim, trình diễn, hoà nhạc, sắp đặt, thuyết trình và giao lưu nghệ sĩ hai nước Đức – Việt do viện Goethe tổ chức sẽ diễn ra từ ngày 8.11 đến 10.12 tại Hà Nội, Huế, TP.HCM.

Dự án nhằm chia sẻ các kinh nghiệm sáng tạo, đưa ra thảo luận các đề tài về tương lai xã hội và toàn cầu. Mười nghệ sĩ thuộc các lĩnh vực tạo hình, trình diễn, điêu khắc, nhiếp ảnh và âm nhạc của Đức cùng với các nghệ sĩ, nhạc công Việt Nam sẽ tham gia các hoạt động sáng tạo, nghiên cứu và giao tiếp. Học viện mở khuyến khích sự giao lưu và đối thoại giữa các nghệ sĩ. Nét thú vị trong dự án này là sự tham gia của nghệ sĩ Danh Vo. Danh Vo là người gốc Việt, sinh năm 1975, từng nhận giải thưởng Blue Orange của Đức, được rất nhiều gallery nghệ thuật ở châu Âu đánh giá cao. Các tác phẩm sắp đặt của anh thường tạo nên tranh luận trong giới phê bình nghệ thuật đương đại Đức. Các hoạt động của học viện mở sẽ diễn ra tại viện Goethe Hà Nội, ĐH Mỹ thuật Hà Nội, ĐH Mỹ thuật Huế, ĐH Mỹ thuật TP.HCM, Sàn Art, Không gian nghệ thuật mới TP.HCM, Himiko Cafe.

Phạm Vi
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Tặng Kiều cho Huế



TT - Một bộ sưu tập truyện Kiều với hơn 1.500 hiện vật vừa được linh mục Nguyễn Hữu Triết, ở nhà thờ Tân Sa Châu (Q.Tân Bình, TP.HCM) tặng giáo phận TP Huế.

Đáng chú ý nhất của sưu tập là 27 cuốn Kiều bằng chữ Nôm được in trên giấy bổi, ấn hành thời triều Nguyễn. Cổ nhất trong số đó là bản Kim Vân Kiều tân truyện in năm 1886, dưới thời Đồng Khánh. Kế đến là bản in năm 1872 và một bản tương tự in năm 1891... Có đến chừng 50 bản Kiều cổ bằng chữ quốc ngữ, cổ nhất do hiệu Ích Ký ở Hà Nội ấn hành năm 1915.

Có nhiều bản in kế tiếp vào năm 1916, 1929, 1936... Một sưu tập khác với 170 đầu sách Kiều bằng nhiều thứ tiếng như tiếng Hàn, Pháp, Đức, Romania, Nhật... Cạnh đó là 700 cuốn sách nghiên cứu về truyện Kiều từ xưa đến nay, kể từ những bản viết vào đầu thế kỷ 20 đến những năm trở lại đây.

Một mảng sưu tập khác, đó là hàng loạt tranh vẽ về cuộc đời chìm nổi của nàng Kiều. Từ những bức ký họa của Nguyễn Thành Long đến tranh Kiều của cây đại thụ Nguyễn Tư Nghiêm; từ những bức sơn mài hơn 50 năm trước cho đến những bức thư pháp Truyện Kiều; từ cây đàn tì bà - vật không thể thiếu khi diễn tả đời Kiều, cho đến đôi guốc “Kiều thường mang” ghi câu thơ về Kiều.

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=463093
Linh mục Nguyễn Hữu Triết và sưu tập 27 bản Kiều chữ Nôm quý giá ông dành tặng Huế - Ảnh: THÁI LỘC




Ngoài ra, linh mục Nguyễn Hữu Triết còn đưa về Huế một sưu tập hiện vật gốm sứ liên quan đến nàng Kiều rất quý giá. Đó là bộ tượng gốm sứ cổ tả cảnh Kiều gặp Kim Trọng; tượng gốm Cây Mai khoảng đầu thế kỷ 20 tả nàng Kiều đàn phục vụ Hồ Tôn Hiến; đĩa sứ “mai hạc” ký kiểu có câu thơ Nôm Nghêu ngao vui thú yên hà/Mai là bạn cũ hạc là người quen tương truyền của Nguyễn Du. Đặc biệt, có cả bộ ấm chén bằng gốm sứ Pháp sản xuất năm 1951, viết trên đó những câu Kiều bằng chữ quốc ngữ: Bóng tà như giục cơn buồn/Khách đà lên ngựa người còn nghé theo; Một vùng cỏ áy bóng tà/Gió hiu hiu thổi một vài bông lau...

Bộ sưu tập truyện Kiều hiện đang trưng bày tại Tòa tổng giám mục giáo phận Huế. Theo linh mục Phan Xuân Thanh - người phụ trách ban văn hóa Tòa tổng giám mục giáo phận Huế, từ năm 2011 bộ sưu tập sẽ được trưng bày lâu dài tại Đan viện Thiên An, Huế (công trình đang được xây dựng).

THÁI LỘC
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Cháo lòng kiểu Sài thành



(SGTT) - F. bạn tôi, gã thầy thuốc gốc “Tây dương” nhưng bụi đời hơn cả Xuân tóc đỏ, kẻ đã một mình một xe Minsk dọc ngang vòng cung Tây Bắc, kẻ mà sự từng trải về đất Việt chẳng khác gì một cuốn Lonely Planet biết đi. Với một tên sành đời quá xá vậy, F. hất hàm bảo tôi: “Hê, cuối tuần, chú dẫn anh đi ăn cái gì vừa khoái khẩu, vừa có phong vị đất Sài Gòn nhà chú cái coi?”

Ái dà, cái ”phong vị Sài Gòn” mà F. yêu cầu, dứt khoát không thể có trong nhà hàng máy lạnh, kín cổng cao tường phải là vỉa hè, lề đường, bên một quán cóc hay một gánh hàng rong nào đó. “Quán triệt” cái khoản này cái đã, ta mới từ từ mà tuyển lựa, F. lõi đời kia nhé!

http://www.sgtt.com.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=116554
Theo làn khói nghi ngút kia, cháo lòng là khí quyển đúng chất Sài Gòn. Không thấy cháo lòng xuất hiện trong nhà hàng sang trọng, trong tiệc buffet chen chúc.





Duyệt qua thử món quen…
Phở bò là trò xoàng với F., vì hắn sành phở, trải nghiệm nhiều, sau bao nhiêu năm la lết nếm phở trên toàn cõi Việt Nam. Phở gánh lề đường kiểu Nam Định hồi nẳm thì bói đâu ra? Phở máy lạnh kiểu phở 24, phở Ta thì chỉn chu, nghiêm túc như vào rạp opera. Tự thân phở đã du dương, hoà thanh hoà điệu rất êm dịu như thế, xứng đáng cho vào nhà hàng máy lạnh. Nhưng vì chỉn chu nề nếp như opera giao hưởng, phở bò đã dần dần “xa rời quần chúng” và không thể là phong vị Sài Gòn được. Cho qua đi F.!

Phở gà thanh cảnh, dịu dàng với nước dùng trong vắt, thịt gà mềm thơm thì cũng như thiếu nữ Tây đô tấm mẳn ngoan hiền, đã ngon lại lành rất mực. Đàn bà ngoan ấy, lấy làm vợ thì hảo hạng và tuyệt đối an tâm. Nhưng vui vẻ cuối tuần thì rất chán, F. mau mắn nhận xét thế!

Cũng theo tiết điệu du dương đó, các món nước như bún, hủ tíu, bánh canh… cũng chỉ nên là bữa ăn tối cho gã gia trưởng bận bịu bầu đoàn thê tử. Không thể là chỗ khoái hoạt cho tên lãng tử được.

Bánh mì thịt Sài Gòn, dù thần sầu gấp vạn lần ổ sandwich dung tục, chỉ có thể là món quà sáng bên tờ báo mới còn thơm mùi mực, với ly cà phê sữa. Hoặc để cho gã công chức lót dạ khi dán mắt vào tờ báo online đầu ngày. Không có quán, không có chỗ ngồi, không có không gian cho bánh mì kẹp thịt Sài Gòn.

Xôi chăng? Sài Gòn có đủ thứ xôi vỉa hè hay xôi gánh lông nhông xe đạp. Nhưng xôi đơn giản cục mịch, không phá cách. Xôi nhịp nhàng như khúc quân hành, với đậu, mè, vừng lạc. Xôi chắc dạ, nặng trình trịch như gót diễu binh. Cho xôi qua phà luôn, F. phán cái một!

Thời may, đã có cháo lòng!
Cụ Vũ Bằng đã vô cùng sành điệu khi tả cháo lòng với con mắt hội hoạ siêu thực. Thật vậy, có nhiều dân tộc cũng xơi lòng lợn. Nhưng tỉ mẩn, cầu kỳ chế biến như khúc salami của Ý thì thiệt là quá oải, mặc dù ngon (và đắt). Còn như miếng phá lấu đỏ đen deo dẻo của mấy chú ba Tàu thì muôn phần ngán ngẩm. Cái ấy chỉ dành cho mấy chú nhỏ tiểu học chấm mút cho đỡ đói lòng thôi. Chỉ có dân Việt ăn lòng luộc, nguyên vẹn, không thèm chế biến lăn tăn cho nó hỏng mùi, hỏng vị. Cháo lòng tuy giản dị nhưng không kém phần tinh tế với đủ mọi cung bậc.

Dẫn vợ yêu đi xơi cháo mà viết được thế này, cụ Vũ Bằng quả là bậc thần bút: “Thực mà, không nước nào lại có một thức ăn lạ như lòng lợn của ta. Cũng là trong con lợn cả, mà mỗi bộ phận ăn ngon một cách: gan thì ngòn ngọt mà lại đăng đắng, ăn vào với rau mùi lại thấy thơm thơm; tim nhai vào trong miệng mềm cứ lừ đi; cổ hũ giòn tanh tách; lòng tràng sậm sựt; còn ruột non thì quả là đáo để, mới cắn tưởng là dai nhưng kỳ thực lại mềm, ăn vào cứ lo nó đắng thành thử đến lúc thấy nó ngọt và bùi và thì cái bùi cái ngọt ấy lại càng giá trị…

Điểm vào đó, còn ớt màu đỏ, thơm mùi và húng màu ngọc thạch, thiên thanh, mắm tôm chanh màu hoa cà... ba thứ đó tươi cười ngự ở bên màu trắng ngà của lòng tràng, màu trắng xanh của ruột non, màu trắng phơn phớt lòng tôm của cổ hũ, tạo thành một cuộc “chơi màu sắc” hoà dịu làm cho tâm hồn người ăn tự nhiên thơ thới”.[1]

Giao hưởng khúc… cháo lòng
Cháo lòng như cụ Vũ Bằng tả, là thứ âm nhạc cao cả và thần thánh. Mỗi miếng lòng, tim, gan, phèo, phổi… là một nhạc cụ, một thanh âm. Khi cùng hoà điệu hoà thanh rất hợp tiết tấu, nhạc thuật. Khi phá cách, chỏi nhau như một đảo phách, biến tấu hơi chát, hơi nhân nhẩn kiểu giao hưởng đương đại của Stravinsky hay Rimsky Korsakov [2]. Lại thêm tô cháo phơn phớt tím màu tiết canh, ngọt và êm dịu có khác chi một bộ đàn dây làm nền cho các món lòng gan đủ tiết tấu bên trên. Thỉnh thoảng, nhón cọng rau thơm cho vào miệng ngẫm nghĩ, lại càng giống một tiếng gõ cymbal điểm nhịp làm duyên cho bản nhạc lòng giàu tiết điệu thanh âm kia?

Cháo lòng ngon nhưng không cầu kỳ, béo bổ nhưng không tục tằn nhầy mỡ, xem qua tưởng chừng nhếch nhác nhưng lại rất đúng phép vệ sinh vì đã nấu sôi luộc chín. Ăn tô cháo lòng hợp khẩu, cứ tưởng ta là bậc tiên thánh với quần jeans áo thun xộc xệch, giáng trần tìm chút mùi tục luỵ.

Theo làn khói nghi ngút kia, cháo lòng là khí quyển đúng chất Sài Gòn. Không thấy cháo lòng xuất hiện trong nhà hàng sang trọng, trong tiệc buffet chen chúc. Không bà nội trợ nào thết chồng con bằng món cháo lòng cả. Món khoái khẩu này là món ăn chơi ăn bời, ăn ngả ngớn sì sụp ở một góc phố, lề đường nào đó. Không chỉ ăn bằng miệng, mà còn no mắt, đầy tai với không khí của Sài Gòn quanh ta. Cháo lòng chưa bao giờ bị gán ghép với không gian nhạc Trịnh văng vẳng như người ta đã làm với bún bò Huế. Hay đóng cho cái mác “cung đình” với cơm hến, với tôm chua. Cháo lòng là Sài Gòn đích thực, không pha trộn, không màu mè kiểu cọ.

Ngà ngà một tí, lại nghe một bạn mày râu ở bàn bên cạnh, rưng rưng nâng ly rượu trắng mà rằng: “Mấy năm nay lên Sài Gòn làm ăn, nhớ vợ vô cùng, mà có biết gái gú bậy bạ là gì đâu!”

Hức! Chỉ khi ăn món tâm can tì vị chú Trư trên hè phố Sài Gòn gió bụi, người ta mới có thể phơi gan ruột, lòng dạ một cách thành thực đến thế. Tô cháo với lòng người chồng tha phương nhớ vợ, là đoạn kết coda tuyệt vời cho một đêm ngật ngưỡng với F. bên vỉa hè năm ấy.

bài: Lê Đình Phương
ảnh: A.Q


[1] Tiết canh, cháo lòng (Vũ Bằng, Miếng ngon Hà Nội).
[2] Igor Stravinsky, Rimsky Korsakov: hai nhà soạn nhạc giao hưởng đương đại Nga.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

Ông Rimsky Korsakov sinh ngày 18 tháng 3 năm 1844, mất ngày 21 tháng 6 năm 1908. Ông Igor Stravinsky sinh ngày 17 tháng 6 năm 1882, mất ngày 6 tháng 4 năm 1971. Như vậy, nếu gọi hai ông ấy là "hai nhà soạn nhạc giao hưởng đương đại Nga" thì có đúng không?
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Thành Sơn Tây lại “thất thủ”!



TT - Thành Sơn Tây (Hà Nội) xây dựng năm 1822 lại được khoác tấm áo mới khiến nhiều người bức xúc.

Sau nhiều lần tiến hành trùng tu tôn tạo một cách đầy... tai tiếng, hiện nay người ta lại tiếp tục thực hiện dự án gia cố toàn bộ các đoạn tường cổ của di tích quốc gia thành cổ Sơn Tây (nằm trên địa bàn thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội).

Rất nhiều cây cối bị chặt bỏ, tường đất đá cổ bị kè thêm, xây mới, nới rộng và nâng cao bằng đá ong mới tinh, đất đỏ đất vàng được đổ kín, nện chặt; gần 50% chu vi của hệ thống tường cổ bao kín tòa thành được đánh giá vào loại nguyên vẹn nhất Việt Nam này đã được đào bới, thi công xong (tính đến ngày 17-11-2010).

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=463522
Trước khi dự án trùng tu được triển khai, đoạn tường thành nối từ cửa nam ra cửa bắc của thành cổ Sơn Tây vẫn nguyên bản, có tường đá ong cổ, có cây cổ thụ mọc trên tường thành và một “rừng” sinh thái tạo cho thành vẻ quyến rũ đặc biệt - Ảnh: Thanh Tâm





Những lần “khoác áo mới” cho thành cổ Sơn Tây!
Thành cổ Sơn Tây từng bị đe dọa “làm mới” nhiều lần bởi nhiều dự án mà chỉ nhắc đến thôi nhiều người đã phải mỉm cười một cách đau xót, mỉa mai.

Mở đầu là cuộc làm biến dạng tòa cổng đẹp nhất (trùng tu tòa cổng, mắc bóng điện xanh đỏ lên), chặt toàn bộ cây cổ thụ bao phủ rậm rịt nhất ở phía bắc thành cổ Sơn Tây vào năm 1995 (ngay sau khi được công nhận di tích quốc gia!).

Bây giờ, công trình kiến trúc quân sự nổi tiếng quanh năm im ỉm đóng cửa, công nhân môi trường đô thị dùng khoảng tối trong lòng cổng thành để tập kết xe chở rác. Tiếp đến là vào khoảng năm 2005, sau 10 năm, dự án gần 50 tỉ đồng “sửa sang” thành cổ Sơn Tây lại được khởi động. Những gì đã biến mất khỏi mặt đất như kỳ đài, vọng cung... sẽ được phục dựng theo tài liệu cũ.

Đặc biệt người ta quyết định sẽ diệt trừ hết hệ thống mà họ gọi là “cây dại” (thật ra là cây cổ thụ) trên hai cổng thành cổ còn lại, đưa cổng thành rêu phong (cách đây 188 năm) kia trở về thời tinh tươm - “ý tưởng” này gây tranh cãi ầm ĩ trên báo chí.

Cuối cùng, những người muốn “công thành” buộc phải giữ nguyên hiện trạng cho hai tòa cổng thành Sơn Tây đến hôm nay. Tuy nhiên người ta vẫn quyết tâm dựng lại các đoạn tường thành cổ bằng cách... đào ra xây mới lên.

Tường cũ (theo tài liệu) cao tới 5,2m, có lỗ châu mai nhìn ra, vật liệu là đá hộc, đất sét, ngoài bọc đá ong...; có lẽ người làm dự án thấy tường thành cổ bây giờ thấp quá, hơn 180 năm trôi qua nó cũng rêu phong, cây cỏ phủ kín đầy bí hiểm nên họ quyết định... làm mới. Thế là một tòa thành mới nghênh ngang mọc lên, cao 5,2m, rộng mênh mông, đá ong 100% mới đánh từ lòng đất lên.

Di tích bị biến thành công trình 1 ngày tuổi. Các nhà khoa học, đặc biệt là GS Phan Huy Lê, chủ tịch Hội Sử học Việt Nam, đã lên tận hiện trường tìm hiểu và cực lực phản đối lối trùng tu kể trên. May mà họ mới chỉ phá di tích được có... 100m, tức là 100m tường của thành cổ Sơn Tây bị khoác áo mới, lạ hoắc.

100% thành lũy của di tích quốc gia sẽ được... “phục dựng”?
Những tưởng chuyện chỉ dừng lại ở đó. Vào những ngày cuối tháng 11-2010, chúng tôi lại tiếp tục sửng sốt trước việc thành cổ Sơn Tây được khoác tấm áo mới trên diện rộng.

Nếu cứ làm tròn, ước tính chu vi tường thành bốn mặt dài tổng thể 2.000m; thì hiện nay có chừng 1.000m (nối từ cổng phía nam ra cổng phía bắc) đã bị thay đổi hiện trạng (dự kiến 1.000m còn lại sẽ chung số phận).

Sự tôn tạo trùng tu trên nguyên tắc tôn trọng di tích cổ, hay là phục dựng, làm mới toàn bộ tường thành? Một di tích quốc gia có giá trị đặc biệt trên cả nước như thành cổ Sơn Tây có nhất thiết phải bị làm mới không? Nếu phục dựng để du khách biết thành ngày xưa có cổng thế này, tường bao quanh thế kia, hào nước sâu thế nọ thì chúng ta đã làm rồi (như đã nói ở trên: phá cổng phía bắc, xây 100m tường thành mới cao 5,2m đè lên di tích cổ).

Nếu cần cho bà con và du khách hiểu thành cổ Sơn Tây lúc chưa bị chiến tranh và thời gian làm cho rêu phong, chỉ cần làm mô hình là được, cần gì phải phá di tích cổ vô giá đi để đè di tích mới lên?

Trên hết, những đoạn tường thành đang mọc lên với tốc độ ào ào, theo đó thì các quy định/ nguyên tắc gìn giữ nguyên trạng cho di tích cổ đã gắn bó nhiều đời với bà con Sơn Tây và cả nước đã bị san lấp và coi rẻ.

Qua trao đổi với nhiều cán bộ văn hóa địa phương (các vị đề nghị giấu tên), nhóm nhà báo chúng tôi nhận thấy dự án hiện nay có nhiều điều cần bàn tính kỹ trước khi tiếp tục thực thi rầm rộ theo lối phá thành cũ xây thành mới. Các quan điểm “vẽ dự án” và thi công đã được khuyến cáo còn nhiều bất cập nhưng không hiểu sao người ta vẫn quyết tâm “xây dựng”.

LÃNG ANH - NGUYỄN THỊ THANH TÂM


GS Phan Huy Lê (chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam):

Di tích đang bị tổn thương rất nặng nề!
Điều làm tôi bức xúc  là thành cổ Sơn Tây nằm giữa thủ đô Hà Nội, lại là một trong những cái thành rất hiếm hoi của triều Nguyễn còn tương đối nguyên vẹn, phải nói là còn nguyên vẹn nhất, của chúng ta hiện nay. Qua các bức ảnh nhà báo cho xem, tôi thấy rõ ràng di tích đang bị tổn thương rất nặng nề, yếu tố gốc bị phá hủy, cách trùng tu như thế này rõ ràng có vấn đề. Bức xúc hơn, đây không phải lần đầu tiên chuyện này diễn ra với thành Sơn Tây. Có nhiều vấn đề cần phải được đặt ra ở đây”.



http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=463521
Toàn bộ đất, đá, cây cối đã bị “giải phóng mặt bằng” để xây dựng tường thành mới cho di tích - Ảnh: Thanh Tâm



Thành Sơn Tây là một tòa thành quân sự được xây dựng vào năm 1822, triều vua Minh Mạng, nhà Nguyễn, vật liệu là gạch đá ong hết sức độc đáo.

Từng là thủ phủ của vùng đất Tam Tuyên mênh mông (gồm ba tỉnh Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên Quang) dưới thời nhà Nguyễn; từng là một pháo đài oanh liệt của quan quân nhà Nguyễn trong việc kháng Pháp hồi cuối thế kỷ 19, thành Sơn Tây (năm nay đã 188 tuổi) được bà con và cả nước hết sức gìn giữ, trân trọng.

Thành thất thủ vào tay giặc Pháp năm 1883. Đến năm 1924, Toàn quyền Đông Dương còn ra nghị định để xếp hạng di tích quý này. Năm 1994, Bộ Văn hóa thông tin nước ta cũng chính thức công nhận thành cổ Sơn Tây là di tích lịch sử kiến trúc cấp quốc gia.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Không mua được tranh của vua Hàm Nghi



TT - Ngày 25-11, ông Nguyễn Văn Phúc - trưởng phòng đối ngoại Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế - cho biết đã không mua được bức tranh Chiều tà (Déclin du jour) của vua Hàm Nghi ở buổi đấu giá tại Paris diễn ra lúc 15g (giờ Paris) ngày 24-11.

Bức tranh có giá khởi điểm từ 800-1.200 euro, đã được đại diện Đại sứ quán VN tại Pháp (đơn vị được Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế ủy quyền đấu giá) và một số bà con Việt kiều (quyết tâm mua để tặng Huế) đẩy lên 8.000 euro, nhưng cuối cùng tranh đã được bán cho một người không tiết lộ danh tính đấu giá qua điện thoại với giá 8.800 euro.

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=464445
Bức tranh Chiều tà (Déclin du jour) của vua Hàm Nghi - Ảnh do Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cung cấp




Trên thực tế, từ trước khi quyết định ủy quyền đấu giá, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế chưa có điều kiện thẩm định hiện trạng và giá trị nghệ thuật của tác phẩm, mà chỉ được quyết định thông qua giá trị lịch sử với tư cách là hiện vật liên quan đến hoàng cung triều Nguyễn.

Tuy nhiên, theo ông Phúc, một số Việt kiều trực tiếp chứng kiến đã nhận xét tình trạng bức tranh đã xỉn màu, xuống cấp mà nguyên nhân chủ yếu được cho là khi vẽ nó, tác giả đã không phủ lớp sơn lót mà vẽ màu trực tiếp lên toan...

Dù người bán tranh đang giấu tên, song theo phỏng đoán ban đầu, bức tranh do một người được tặng làm kỷ niệm gửi đấu giá, chứ không phải do con cháu vua Hàm Nghi gửi.

Ông Nguyễn Văn Phúc cho biết sắp tới trung tâm sẽ tiếp tục thông qua Đại sứ quán VN tại Pháp, Hội Việt kiều Pháp và Hội người yêu Huế tại Pháp tìm cách tiếp cận công chúa Như Lý (con gái vua Hàm Nghi đang sinh sống tại Pháp, người được xem đang sở hữu khá nhiều tranh của cha mình) đặt vấn đề tặng hoặc sang nhượng tranh của vua Hàm Nghi cho Huế.

Lý do, theo ông Phúc: “Cơ chế và thủ tục về tài chính trong việc này của chúng ta khá phức tạp nên việc đấu giá tương tự sẽ rất khó thành công”.

THÁI LỘC
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Gãi vào các bức tường ký ức



SGTT.VN - Xem cái cách mà Tiffany Chung làm “tân hoạ đồ” trong triển lãm Gãi vào các bức tường ký ức, ngoài cảm hứng toát lên từ sự hài hoà về mặt thị giác, nó còn là một sử truyện được kể bằng thái độ trung lập với cái nhìn bao dung.

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=120861



“Tân hoạ đồ” theo phong cách của Tiffany Chung, mới nhìn thoáng qua, thấy khá đơn giản, đó chỉ là những tấm bản đồ sẵn có được vẽ lại. Nó như những ảnh chụp từ vệ tinh, cũng bao gồm những ký hiệu điểm, ký hiệu đường và ký hiệu diện. Ví dụ khi vẽ Gò Vấp, sông Mekong, Hiroshima, Nagasaki, bức tường Berlin, châu Âu… thì Tiffany Chung dùng chính sườn bản đồ của các địa điểm này để vẽ lại. Thế nhưng, về mặt thao tác, những tác phẩm của Tiffany Chung mở rộng biên độ vật liệu và chất liệu cho bản đồ, tăng sự kỳ công với các kỹ thuật phối kết của vật liệu tổng hợp; về mặt ý niệm, đó là cách tái cấu trúc những văn cảnh, những địa điểm (không phải ngẫu nhiên) được nghệ sĩ chọn để làm mới.

Cảm hứng tính nữ trong tác phẩm của Tiffany Chung khá đậm nét và khó lẫn lộn. Nhìn thoáng qua, có cảm giác ta đang nhìn một tà áo dài, một vạt áo… với các đường thêu, nét vẽ, rồi gắn đá quý, gắn cườm… lấp lánh. Thế nhưng, khi những phụ kiện tưởng chừng đơn lẻ đó “liên kết lại” trong ý niệm và chủ đích mà nghệ sĩ muốn hướng đến, chúng lại thành biểu hiệu giàu ngữ nghĩa.

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=120862
Tác phẩm Gò Vấp, 140x92cm, sơn dầu và cồn trên giấy, 2008.




Tuy người xem có thể gọi “tân hoạ đồ”, nhưng đó lại là những ký ức cũ, chúng đã bị sự định kiến dựng xây thành các bức tường khó vượt qua. Không những bắc nhịp cầu bao dung để xoá nhoà ranh giới của sự e dè, kỳ thị, Tiffany Chung dường như cũng muốn bắc những chiếc thang để vượt qua các bức tường định kiến đó. Chính vì vậy mà lịch sử và những biến cố của nó, theo cách nhìn của nữ nghệ sĩ này, phải là một cuộc hoà giải và tiệm tiến, để làm sao những cột mốc và thời điểm mãi mãi chỉ là ký ức được nhắc nhớ, chứ không phải để chung sống.

Tiffany Chung sinh năm 1969 tại Đà Nẵng, lấy bằng thạc sĩ nghệ thuật tại đại học California (Santa Barbara, Mỹ) vào năm 2000, sống và làm việc chủ yếu tại Sài Gòn. Cô được đánh giá là một trong những nghệ sĩ đương đại nổi bật của Việt Nam, chuyên làm điêu khắc, video art, nhiếp ảnh, đa phương tiện và cả pop art. Tiffany Chung đã thực hiện khoảng 15 triển lãm cá nhân và gần 20 triển lãm chung tại nhiều nước. Năm 2009, cô có tác phẩm tiêu biểu tại triển lãm lưỡng niên quốc tế dành cho nữ nghệ sĩ tại Incheon, Hàn Quốc.

HIỀN HÒA

Vào lúc 18 giờ ngày 4.11, giờ Mỹ, triển lãm Scratching the walls of memory (tạm dịch: Gãi vào các bức tường ký ức) sẽ khai mạc và kéo dài đến 31.12 tại trung tâm mỹ thuật Tyler Rollins (529 West 20 Street, 10-W, New York).
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Tưởng nhớ Nguyễn Du: lặng lẽ và đầm ấm



TT - Sáng 28-11, buổi lễ kỷ niệm 245 năm ngày sinh, 190 năm ngày mất của đại thi hào Nguyễn Du diễn ra trong không khí lặng lẽ và đầm ấm tại khu di tích Nguyễn Du ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh).

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=466034
Viếng mộ đại thi hào Nguyễn Du và rưới rượu lên mộ cụ - Ảnh: V.Toàn




Cùng dự lễ có đại diện Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, Hội Nhà văn VN, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, huyện Nghi Xuân, dòng họ Nguyễn Du và hơn 500 người dân địa phương.

Lễ động thổ tu bổ, tôn tạo nhà thờ Nguyễn Du trong khu lưu niệm, lễ viếng tại phần mộ Nguyễn Du, lễ khai mạc phòng trưng bày ấn phẩm về Nguyễn Du... nối tiếp nhau diễn ra trong một ngày khiến lễ kỷ niệm sinh động hẳn lên.

Nhắc tới hai câu thơ Sinh tiền bất tận tôn trung tửu/Tử hậu thùy kiêu mộ thượng bôi (Sống mà uống chẳng bao nhiêu/Chết rồi ai xách rượu theo rưới mồ - nhà thơ Vương Trọng dịch) trong bài thơ Đối tửu của Nguyễn Du, các đại biểu đã cùng nhau rưới rượu lên mộ cụ Nguyễn.

Khách tham quan phòng trưng bày ấn phẩm về Nguyễn Du cũng dừng lại khá lâu khi cô gái Vân Huyền (cháu bảy đời của Nguyễn Du, hiện là cán bộ hướng dẫn khu lưu niệm) giới thiệu về độc bản Truyện Kiều (do cụ Nguyệt Đình thực hiện) nặng 75kg, dài 1,6m, rộng 1,2m.

Lễ kỷ niệm khép lại với chương trình nghệ thuật tái hiện chân dung và tình yêu thương nhân loại của Nguyễn Du vào tối 28-11 tại Trung tâm văn hóa triển lãm Hà Tĩnh.

V.TOÀN - V.ĐỊNH
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Nghệ thuật kết nối cộng đồng



TT - Sử dụng sơn, chổi vẽ và cùng những người tình nguyện, Jane Golden đang làm sạch những bức tường của Philadelphia (Mỹ) và xây dựng tinh thần cộng đồng trong người dân.

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=466419
Một bàn tay cầm những bông hoa tại một tiệm làm móng tay ở giao lộ đường 39 và Haverford, tây Philadelphia - (Ảnh: CSM)




Jane Golden quản lý Chương trình nghệ thuật trên tường (Mural Arts), khuyến khích người dân xóa đi các hình vẽ linh tinh, thay vào đó là những hình ảnh mô tả lịch sử và văn hóa của họ.

Đó có thể là tình yêu của người dân với những thần tượng âm nhạc Philadelphia như Patti LaBelle hay Mario Lanza, hoặc là lời kêu gọi sống hòa hợp sắc tộc như “Một thế giới nhỏ. Chúng ta đều là người thân. Ai cũng tốt bụng”.

Golden tốt nghiệp ĐH Stanford năm 1977 với bằng mỹ thuật và khoa học chính trị. 26 năm trước, Jane Golden bắt đầu ý tưởng bằng cách tự mình “xuống phố”, mang theo sơn, cọ và một nhóm bạn đồng hành.

Ngày nay, hơn 3.000 bức tường đã được trang trí và dự án của bà trở thành sáng kiến lớn nhất của Mỹ, liên quan đến sự kết hợp sáng tác nghệ thuật giữa công chúng và các tổ chức nhà nước, giáo dục nghệ thuật và liệu pháp nghệ thuật. Bà cùng với 50 người tình nguyện là nòng cốt của chương trình.

Kể từ năm 1984 đến nay, họ đã đặt cây cọ vào tay của hơn 35.000 đứa trẻ ở thành phố. Họ đã đem nghệ thuật tới các tù nhân, những người nghiện ma túy và cả những người không nhà cửa. Các nghệ sĩ ở ngoài Philadelphia cũng muốn có thiết kế của họ trên các bức tường nơi đây. Dưới sự giám sát của Golden, Philadelphia đã trở thành “thành phố của nghệ thuật trên tường”.

Khoảng 1.500 du khách đã tới Philadelphia tham quan các tác phẩm trên tường của Golden và các cộng sự. Nhiều người là quan chức của Paris, Rome, London và các thành phố đang muốn tìm cách giải quyết các hình ảnh xấu xí trên các bức tường thành phố, tìm hiểu xem vì sao nghệ thuật trên tường lại có thể tồn tại.

Câu trả lời mà Golden tiết lộ: sự tham gia của mỗi người dân vào mỗi tác phẩm.

Nghệ thuật trên tường giờ có mặt ở các khu vực nghệ thuật, kinh doanh cao cấp của thành phố và cả những khu dân cư nghèo. Với Golden, tạo ra các bức tranh tường là một phần xây dựng cộng đồng.

Đầu tiên, bà tìm kiếm và tập hợp các tài năng trẻ từ chương trình giáo dục nghệ thuật ở các trường công. Sau đó nhắm tới những người dân thường có ý tưởng thiết kế rồi cùng với nhóm tạo ra thiết kế. Cuối cùng, khuyến khích mọi người trong cộng đồng xuất hiện và cùng sơn.

Golden tin rằng khi người dân xuất hiện và cùng vẽ, họ chợt nhận ra nếu có thể cùng nhau làm được việc này thì cũng làm được việc khác. Giống như giải quyết tình trạng đường phố bẩn thỉu hay con cái hư.

HẠNH NGUYÊN (Theo CSM)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Tu bổ tháp Chăm thành... vườn hoa?



TT - Nhóm tháp Khương Mỹ (xếp hạng di tích quốc gia vào năm 1989) thuộc xã Tam Xuân I, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam gồm ba cụm tháp được người Chăm xây dựng vào cuối thế kỷ 9 đầu thế kỷ 10.

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=466864
Gạch Chăm bị đào lên vương vãi để lắp đặt đèn trang trí - (Ảnh: Chánh Trực)




Tháp Khương Mỹ có giá trị đặc biệt là tháp Chăm duy nhất ở miền Trung được trang trí thân tháp theo môtip nghệ thuật Khmer, kiểu cành lá vút cong vểnh lên ở đầu mút. Chính vì vậy các nhà nghiên cứu Pháp trước đây đã xếp chúng vào phong cách riêng: phong cách Khương Mỹ - đầu thế kỷ 10.

Tuy nhiên, hiện nay di tích tháp Chăm Khương Mỹ được đơn vị trùng tu là Trung tâm Quản lý di tích Quảng Nam... biến thành vườn hoa công viên. Khu vực I (khu vực trung tâm tháp) đã bị băm nát, làm biến dạng không gian di tích.

Đơn vị thi công đã xây các rãnh, ô để trồng hoa, cây cảnh. Toàn bộ khu vực được đổ bêtông, lối đi xung quanh được lát gạch trông rất phản cảm. Điều này hoàn toàn trái với lịch sử văn hóa Chăm, vì người Chăm xưa xây dựng tháp để dâng cúng các vị thần, làm gì có vườn hoa với bêtông cốt thép.

Đặc biệt nghiêm trọng hơn, để lắp đặt các bóng đèn trang trí cho “vườn hoa”, họ còn đào bới sát cạnh chân tháp để đặt dây điện ngầm, làm lộ ra cả mảng dài chân tháp và gạch Chăm đào lên vương vãi.

Trước đây vào năm 2000, tỉnh Quảng Nam tiến hành dự án tu bổ tháp Chăm Khương Mỹ, đã phát lộ phần móng tháp với nhiều mảng trang trí điêu khắc trên chân tường bằng đá sa thạch. Khu vực này đến nay vẫn chưa có cuộc khai quật khảo cổ học để nghiên cứu các vết tích còn nằm trong lòng đất. Nhưng hiện nay, đơn vị thi công lại chở đất đỏ về lấp lại mặt bằng để tăng nền di tích.

Ngoài phần tường rào xây dựng bằng sắt thép sát cạnh tháp, không phù hợp không gian và cảnh quan di tích, đơn vị thi công còn xây dựngcác mương thoát nước cũng bằng bêtông đậy nắp vốn không phù hợp, vì người Chăm xưa xây dựng các tháp trên vùng gò đồi, nước sẽ tự nhiên chảy xuống xung quanh.

Tường rào bảo vệ được xây trong quá trình tu bổ cũng không đúng với vị trí, bản đồ khoanh vùng di tích, làm diện tích khu vực I của di tích bị thu hẹp lại, có chỗ bị méo mó. Số diện tích đất của di tích, trước đây có trường mẫu giáo và sinh hoạt thôn, đã bị xuống cấp hoàn toàn, địa phương đã xây dựng tại địa điểm mới. Tuy nhiên phần đất này gần 5.000m2 lại không được sử dụng để mở rộng khu vực di tích. Năm 2008, thôn Khương Mỹ đã cho một công ty tư nhân thuê làm xưởng cưa và bãi đỗ vật liệu, thời gian ít nhất là 10 năm, với giá 10 triệu đồng/năm.

Với những giá trị vốn có của tháp Chăm Khương Mỹ, việc tu bổ di tích không thể tùy tiện làm biến dạng không gian và yếu tố gốc di tích như điều 32 Luật di sản văn hóa quy định: “Khu vực bảo vệ I di tích phải được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian. Việc xây dựng không được làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích”.

Dư luận rất cần cơ quan có thẩm quyền ở Quảng Nam xem xét để bảo vệ di tích Chăm khỏi nguy cơ bị biến dạng thành... công viên!

CHÁNH TRỰC
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 55 trang (547 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] [6] ... ›Trang sau »Trang cuối