.
Vĩnh biệt bậc thầy “thủ ấn họa” Tú Duyên: Người khai sinh một dòng tranh
(TT&VH) - Bậc thầy “thủ ấn họa” Tú Duyên qua đời tại TP.HCM ở tuổi 98 để lại nhiều tiếc thương trong giới mỹ thuật. Nhà giáo Nhân dân, họa sĩ Uyên Huy - Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM - một trong những học trò của họa sĩ Tú Duyên đã chia sẻ với TT&VH nhiều điều ít được biết đến về người thầy tài năng của mình.Họa sĩ Uyên Huy cho biết: “Tranh của thầy Tú Duyên được cả thế giới từ nghệ sĩ cho đến doanh nhân đều mến mộ. Trước năm 1975, vua dầu lửa Rockefeller khi sang Sài Gòn đã tìm đến nhà thầy để mua bức Trần Bình Trọng. Có nhiều nhà sưu tập trên thế giới như: Witness Collection của ông Adrian L.Jones đã sưu tập rất nhiều tranh của Thầy Tú Duyên. Hiện ông này đang chuẩn bị in sách về tác phẩm và cuộc đời của họa sĩ Tú Duyên (nhà lý luận quá cố là Huỳnh Bội Trân và tôi đã cộng tác với ông Jones để viết bài về họa sĩ Tú Duyên ).
Tiếc thay họa sĩ Tú Duyên không thể nhìn thấy quyển sách mà ông hằng mong đợi”.
Họa sĩ Tú Duyên (phải) và họa sĩ Uyên Huy
“Mỗi bức tranh là một bài thơ kỳ diệu” Giới mỹ thuật TP.HCM nghiêng mình kính cẩn, chào vĩnh biệt người họa sĩ cao tuổi nhất thành phố. Với cái tuổi 98 mùa Xuân, họa sĩ Tú Duyên đã cống hiến hoàn toàn cuộc đời mình cho sự nghiệp mỹ thuật. Sự ra đi của ông là nỗi mất mát quá lớn đối với lớp lớp học trò và cả công chúng yêu hội họa.
Ngày 10/3/1953 ông mở cuộc triển lãm cá nhân tranh “thủ ấn họa” đầu tiên tại Nhà hát lớn Sài Gòn.
Giáo sư, họa sĩ U Văn An, giảng dạy tại Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn đã nói về họa sĩ Tú Duyên, như sau: “Với nghệ thuật chắc chắn, nhiều hy sinh, tận tụy họa sĩ Tú Duyên làm sống lại, làm sinh động hơn một lối in bản gỗ tranh Tết Việt Nam… mà các họa sĩ ta chưa ai dám làm vì phải tốn kém, hy sinh nhiều quá …”.
Sinh thời, đóng góp “thủ ấn họa” của họa sĩ Tú Duyên cho mỹ thuật còn nhận được rất nhiều đánh giá tốt đẹp từ công luận nước ngoài. Ông P. Faucon đã viết trên báo Le Journal d’Extrême-Orient số 2717 ngày 15/11/1957: “Mỗi bức tranh thủ ấn họa của họa sĩ Tú Duyên chính là bài thơ kỳ diệu. Ở đó nó được sáng tác từ các truyện kể, từ cõi mộng mơ. Từ trong chiều sâu những tác phẩm của ông ta là những vẻ đẹp đậm đà, duyên dáng. Hơn nữa, nó là những nét tài tình và những sắc thái nhẹ nhàng, tạo nên sự lôi cuốn, đẹp mắt …”.
Ông René de Berval đã viết trên tờ Tạp Chí Pháp - Á (Revue Francaise Asia): “Những tác phẩm thủ ấn họa của ông đã hấp dẫn người xem bởi vì nó được trình bày bởi chính một dân tộc ham nghiên cứu, tìm tòi và nó chỉ có thể được tìm thấy trong những kho tàng văn học và truyện kể ở quốc gia của ông ta”.
Tác phẩm “Trần Bình Trọng” với câu nói bất tử “thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc” đã tạo cảm hứng để họa sĩ Tú Duyên khắc họa chân dung danh tướng đời Trần
“Cải biên” tranh khắc gỗ Cả thế giới đều biết đến họa sĩ Tú Duyên không chỉ ở khả năng sáng tạo, sự khám phá nghiên cứu ngôn ngữ đồ họa mà còn bằng cách cải tiến kỹ thuật in khắc gỗ truyền thống thành nghệ thuật “thủ ấn họa” mà giới mỹ thuật gọi là tranh khắc cải biên (estampe renové).
Có 2 điểm nổi bật của kỹ thuật khắc và in này: Một là khắc bằng tay, khắc ít bản nhưng nhờ khai thác cả bản khắc âm (négative) và dương (positive) cho nên in được nhiều màu. Hai là khi in không dùng con lăn (rouleau) để lăn, đè cho màu trên mặt lồi của bản gỗ in thấm vào giấy hay lụa mà là dùng cạnh bàn tay, ngón tay để chà, vuốt, ấn, vỗ để thay cho con lăn trước kia.
Có thể nói ông là nghệ sĩ mỹ thuật bậc thầy có tài năng trong việc cải tiến, làm phong phú thêm trong kỹ thuật và khả năng thể hiện ngôn ngữ nghệ thuật đồ họa khắc gỗ truyền thống dân gian thành ngôn ngữ tuyệt vời được thế giới kính phục bởi khả năng dùng ít bản khắc nhưng in được rất nhiều màu.
Cách đây hơn 37 năm ông đã từng có thời gian tham gia giảng dạy kỹ thuật “thủ ấn họa” cho sinh viên mỹ thuật Gia Định từ 1963 đến 1975. Khi đó, họa sĩ Uyên Huy là một trong những học trò của thầy Tú Duyên.
Từng được đề nghị “Giải thưởng Nhà nước”Chuyên về tranh khắc gỗ “thủ ấn họa”, ông thường sáng tác về những sinh hoạt văn hóa truyền thống, lịch sử anh hùng dân tộc. Đường nét, màu sắc, con người, khung cảnh, cây cối, vạn vật, không gian trong tranh của ông luôn xôn xao, chuyển động mang tinh thần, cảm xúc rất riêng.
Đề tài sáng tác của ông cũng rất độc đáo, bởi nó xuất phát từ thi ca, văn học, lịch sử, âm nhạc, đời sống dân nghèo… Ông có rất nhiều tác phẩm nổi tiếng, nổi bật nhất là tác phẩm Đàn nguyệt. Kế đó là tranh về đề tài lịch sử anh hùng dân tộc thể hiện khí phách kiêu hùng chống ngoại xâm: Trần Bình Trọng, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Trãi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ… Tranh về đề tài văn học của ông có các tác phẩm như: “Lầm than bao quản nắng mưa/ Anh đi em liệu chen đua với đời”, “Nọ thì Ả Chức chàng Ngưu”, “Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt/ Xếp bút nghiên theo nghiệp đao cung”,“Chẳng ham vựa lúa anh đầy/ Tham năm ba chữ cho tầy thế gian”. Ông còn sáng tác tranh theo nguyên quyển Truyện Kiều và Chinh phụ ngâm khúc…
Họa sĩ Tú Duyên và một số họa sĩ lão thành miền Nam được chọn giới thiệu trong quyển sách nghiên cứu về văn hóa Nam Bộ Văn học dân gian Việt Nam ở Nam Bộ do NXB Khoa học Xã hội in năm 1992. Trong thời khắc đau buồn vĩnh biệt một bậc thầy, có nhiều người tiếc nuối: Lẽ ra họa sĩ Tú Duyên phải được Nhà Nước sự ghi nhận công lao bằng các giải thưởng tương xứng. Trước đây, lãnh đạo TP.HCM và Hội Mỹ thuật TP.HCM và cũng từng đề xuất giải thưởng Nhà nước cho họa sĩ Tú Duyên nhưng tiếc thay không được như ý.
TRẠC TUYỀNHọa sĩ Tú Duyên tên thật là Nguyễn Văn Duyến, sinh năm ngày 20/12/1915 tại làng Bát Tràng, Hà Nội. Ông từng học tại Trường Cao đẳng Mỹ Thuật Đông Dương cùng với Mạnh Quỳnh, Nguyễn Sỹ Ngọc, Hoàng Tích Chù, Nguyễn Thị Kim… Mở mắt thì chạy theo cảnh
Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
(Ngọc Tuyền Hạo)