(tiếp theo và hết)
Lòng dạ để hết ở ca trù
Có thể hình dung về nỗ lực đưa ca trù vào đời sống cộng đồng của chị?Đến nay tôi vẫn chạy xe máy khắp Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Thanh Hoá, Thái Bình… khi thăm các cụ bị ốm, thắp hương cho những người đã qua đời, khi dự một buổi hát, một lễ giỗ tổ ca trù. Đơn giản như việc đưa đón các cụ đi hát, đi dạy, tôi cũng phải trực tiếp làm: chạy xe mấy chục cây số, thuyết phục chính quyền và gia đình đồng ý... Mình không làm thì ai làm, không lo thì ai lo. Lỡ các cụ mất mà không kịp truyền nghề, thiệt thòi cho nghệ thuật, cho công chúng lắm! Tôi rất tâm huyết việc đưa ca trù từ kho băng trở lại cộng đồng những giọng hát quý hiếm của lớp nghệ nhân cũ – đã bỏ nghề từ 30 – 70 năm như cụ Vũ Văn Hồng (hiện 93 tuổi, bỏ từ năm 1942 – 1943, năm 2004 mới đàn lại); cụ Nguyễn Thị Sinh, đào nương hát cửa đình nổi tiếng Hà Nội xưa, lấy chồng vào Sài Gòn 1944, một lần về thăm quê, đã “bị” tôi thuyết phục hát trở lại.
Câu lạc bộ ca trù đầu tiên của cả nước do chị làm chủ nhiệm đã ra đời ra sao?Tôi thưa với nghệ nhân Chu Văn Du ý định tập hợp các nghệ nhân khác như bà Hồ, bà Kim Đức, bà Phúc, ông Kỳ, ông Ban… Được các cụ ủng hộ, năm 1991, câu lạc bộ ca trù Hà Nội do tôi khởi xướng và đặt tên đã ra mắt tại Văn miếu. Vì các nghệ nhân đều ngại đứng tên, nên tôi trở thành chủ nhiệm câu lạc bộ. Khái niệm “ca trù” trước đó chỉ tồn tại trong sách bắt đầu đi vào cuộc sống. Giờ thì không chỉ chúng tôi, cả nước đã có tới 100 câu lạc bộ ca trù.
20 năm qua, người hâm mộ đều biết Bích Câu đạo quán và nay còn có cả đình Kim Ngân phố Hàng Bạc (Hà Nội) luôn đều đặn những buổi hát ca trù?Để có địa điểm hoạt động thường kỳ, tôi phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi. Mười mấy năm chuyên về công tác lễ hội, tang và làng văn hoá của sở Văn hoá thông tin, tham gia viết quy chế lễ hội Hà Nội (những năm 1990 – 1991, tôi hay đi xem tế lễ – hồi đó tế lễ bị cấm, chỉ làm “chui” vào ban đêm, từ 3 – 5 giờ sáng, khi “chính quyền đi ngủ”), tham gia đề xuất phục dựng, mở lại lễ hội và tế rước truyền thống, trực tiếp viết bài về lễ hội Bích Câu đạo quán, nơi thờ đạo Lão duy nhất ở Việt Nam, nên các cụ đã đồng ý cho câu lạc bộ ca trù về đây sinh hoạt. Nhờ thế ca trù đã được trở lại đình chùa, di tích…
Bí quyết duy trì hoạt động ngay cả những khi khó khăn nhất: công chúng khan hiếm, không tiền, không có bất cứ đồng tài trợ nào, thưa chị?Khó khăn là vô vàn. Nói thật, nhiều lúc tôi cũng mệt mỏi, chỉ muốn bỏ cuộc. Nhưng nếu vậy, câu lạc bộ tan mất. Tuần ba buổi diễn tối thứ tư, thứ sáu và chủ nhật, một khách cũng diễn, hai khách cũng diễn. Hàng đêm, tôi là người đầu tiên đến, người cuối cùng nhặt rác trước khi ra về. Viết chương trình, giao lưu khán giả, hát, đưa đón các cụ… để tiết kiệm chi phí lo việc này việc nọ, tôi làm tất. Tiêu tiền cho mình thì tiếc, tôi chỉ vui khi tiêu tiền cho ca trù; có đồng nào thì để dành nuôi ca trù đồng ấy. Các thiết bị hiện đại giúp giải phóng người phụ nữ và nâng cao chất lượng sống đều xa lạ với tôi. Tôi vẫn nấu cơm bằng bếp than, tự giặt quần áo bằng tay, tủ lạnh không, điều hoà cũng không, xe máy tôi cũng đã cắm để có tiền trả lương diễn viên. Thời điểm này, càng làm càng lỗ, tôi tự biết mình đang “cưỡi lưng cọp”: để câu lạc bộ đỏ đèn, tiền túi không đủ, vay mượn khắp nơi, nợ như Chúa Chổm. Nếu nghĩ cho bản thân thì tôi chẳng làm thế, vừa tốn tiền vừa mệt người.
Chị có nghĩ mình đã trả giá cho niềm đam mê ca trù bằng tuổi trẻ và cả sự “bất bình thường” của một người đàn bà gần như không gia đình, không con cái, không tiền của… trong bấy nhiêu năm qua?Tôi nghĩ, người đi đầu nào cũng phải chấp nhận thiệt thòi, hy sinh. Có điều lạ là hễ tôi bỏ ca trù là ốm, là vào bệnh viện. Như bị trời đày. Ca trù như bố mẹ, như con đẻ, như chồng, là niềm đam mê, là người bạn đồng hành của tôi. Gia đình ư? Mãi đến năm 44 tuổi, tôi mới lấy chồng, người đó kém tôi 13 tuổi, gặp tôi khi đang tu ở chùa Một Cột... Người đó còn mở tiệm cơm chay mang tên tôi. Nhưng cuộc hôn nhân quá ngắn ngủi. Chỉ vì tôi không phải là người đàn bà của gia đình và tôi không đi theo quán cơm kiếm tiền được, tôi mê ca trù và hầu hết thời gian của tôi là dành cho nó… Ca trù đã đem lại cho tôi cả vinh quang lẫn cay đắng. Gần 30 năm qua, với tôi danh cũng ở ca trù, tủi cực cũng ở ca trù. Tôi hết khóc rồi lại cười, chỉ vì ca trù.
Sở hữu huy chương bạc khu vực phía Bắc về hát dân ca năm 1988; huy chương vàng về hát ca trù tại hội thi Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 1993; danh hiệu nghệ sĩ trẻ tài năng trong hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc năm 1995… những lúc đó chị thấy mình ít nhiều được bù đắp?Tôi rất vui khi hai trung tâm từ điển Oxford và Cambridge của Anh năm 2003 đã bầu chọn tôi là một trong 2.000 thức giả xuất sắc nhất thế kỷ vì những đóng góp cho ca trù; cùng trong năm đó tôi được mời dự diễn đàn xã hội thế giới tổ chức tại Ấn Độ để diễn thuyết về ca trù; là đồng tác giả kịch bản và cố vấn nghệ thuật cho bộ phim Thể phách ca trù.
Theo chị, cần làm gì để ca trù sau khi được công nhận là di sản tiếp tục phát huy thế mạnh của một bộ môn nghệ thuật bác học?Việc cần làm ngay là quan tâm những nghệ nhân cao niên, có nghề, giúp họ đúc kết kinh nghiệm, truyền dạy một cách bài bản; đầu tư tuyển chọn đúng người để đào tạo; không nên mạnh ai nấy chạy, rót tiền không đúng chỗ… Muốn thế, phải có có hội đồng thẩm định chuẩn mực, nghiêm túc. Đã là di sản mà bảo tồn không đúng cách, ca trù sẽ không còn là nó nữa, sẽ bị thui chột, biến dạng. Người mượn ca trù để nổi tiếng, để kiếm tiền, là phá ca trù. Báo chí và cơ quan có thẩm quyền thờ ơ, khen chê không đúng chỗ, là làm hại ca trù. Có nơi, người ta chỉ học hát 20 ngày, hai tháng, cũng được công nhận là địa chỉ văn hoá, là làng ca trù, rồi đi dạy khắp nơi, rồi huy chương vàng bạc, phong tặng danh hiệu… Làm thế là giết ca trù! Những vấn đề đó, tôi đã đơn thương độc mã phản ứng, nhưng đâu vẫn hoàn đấy! Nhiều người ghét tôi cũng mặc! Tôi nói và làm vì lương tâm, vì nghề, vì di sản thiêng liêng của tổ tiên để lại. Xót xa lắm…
thực hiện phỏng vấn:
Kim HoaMở mắt thì chạy theo cảnh
Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
(Ngọc Tuyền Hạo)