Trang trong tổng số 55 trang (547 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [30] [31] [32] [33] [34] [35] [36] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Vodanhthi

Đến Bái Đính rồi… bái biệt!



SGTT.VN - Chuẩn bị chuyến du lịch đến Ninh Bình, giám đốc một công ty lữ hành đã khuyên chúng tôi chỉ nên tham quan khu hang động Tràng An, không nên đến chùa Bái Đính. Tuy vậy, chúng tôi vẫn cố đến tham quan Bái Đính một lần cho biết, để rồi phải... bái chào luôn!

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=175864
Và tiền... trên cả mặt trống đồng!



Ngay trước cổng khu chùa Bái Đính là cảnh mua bán lộn xộn. Người ta còn mang sách tử vi, quần áo, đồ chơi Trung Quốc vào bán dọc các dãy hành lang bên trong khu chùa. Trong dòng người vào tham quan, không ít người mang tiền đi khấn Phật và các vị La Hán. Thay vì bỏ tiền vào các hòm công đức, người ta lại nhét tiền vào chân, vào tay của các vị La Hán; nhét cả vào dây xích treo chuông trong điện Tam Thế. Vậy mà không thấy một nhân viên nào của chùa Bái Đính can ngăn, nhắc nhở. Chưa hết, trên tháp chuông, người ta cũng xả đầy những tờ bạc 500 đồng – 1.000 đồng lên trên mặt trống đồng.

Những ai đã từng đi tham quan Thái Lan, Campuchia, Hàn Quốc – những đất nước có ngành du lịch đang phát triển sẽ thấy sự tôn nghiêm ở các chùa, đền được giữ gìn rất nghiêm túc. Không so sánh đâu xa, các đình, chùa ở miền Trung, miền Nam cũng nhiều, nhưng không có cảnh tượng tiền bạc rải trên bàn, trên tượng như ở Bái Đính – ngôi chùa lớn nhất và nhiều kỷ lục nhất Việt Nam.

bài và ảnh: Nguyệt Hồng
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thái Thanh Tâm

Họ làm thế mong được Phật yêu đấy mà. Họ làm thế vì họ chưa học được lời nào của Phật. Đáng trách là người để cảnh này liên tiếp diễn ra. Dưng mà...họ làm chùa Bái Đính cốt để các Phật tử đến đây mua lòng yêu của Phật. Chung quy chỉ tại Phật có tình yêu thương bao la mới ra nông nỗi vậy.
Trên đời này, chuyện gì cũng có thể xẩy ra-Thái Thanh Tâm
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Cho phép... đào di tích quốc gia



TT - Một phần của di tích khảo cổ quốc gia Thành Hồ (Phú Yên) được Sở VH-TT&DL tỉnh này cho phép đào phá, bất chấp Luật di sản văn hóa.

http://images1.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=571060
Xe công nông chở cát đi qua đoạn thành bị đào bới để làm đường - Ảnh: Duy Thanh



Ngày 13-6, con đường nối từ quốc lộ 25 băng ngang qua bờ nam di tích khảo cổ quốc gia Thành Hồ ầm ào những chiếc xe tải, xe công nông qua lại chở cát từ lòng sông Ba đem bán cho người có nhu cầu. Việc khai thác cát do Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp - kinh doanh tổng hợp thị trấn Phú Hòa (HTX Phú Hòa) thực hiện hơn bốn tháng qua.

Ông Nguyễn Quang Thu - chủ nhiệm HTX Phú Hòa - cho biết HTX sẽ khai thác cát ở sông Ba đến hết tháng 10-2012 (theo giấy phép do UBND tỉnh Phú Yên cấp) và con đường duy nhất để vận chuyển cát từ sông vào vẫn là băng qua bờ nam Thành Hồ (thuộc khu vực bảo vệ I - phải được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian theo Luật di sản văn hóa). Cũng theo ông Thu, lúc đầu chỉ tính đi vòng qua đất của dân, song do không thỏa thuận được chi phí nên phải xin cơ quan chức năng... đào bờ nam Thành Hồ làm đường.

Trước đó ngày 31-8-2011, UBND huyện Phú Hòa đã làm văn bản xin ý kiến Sở VH-TT&DL tỉnh Phú Yên và sở này có công văn trả lời với nội dung: "Ðồng ý cho UBND huyện Phú Hòa mở đường công vụ đi qua bờ Thành Hồ (bờ phía nam giáp với sông Ba) như văn bản đã trình: hạ thấp chiều cao bờ Thành Hồ khoảng 0,5m, chiều rộng 2,5m, chiều dài 3m" và "khôi phục hiện trạng ban đầu của bờ Thành Hồ khi ngừng khai thác cát". Ông Thu thừa nhận tháng 2-2012 đã đào bờ Thành Hồ hơn mức cho phép, cụ thể là đào chiều cao hơn 1m, chiều rộng khoảng 3m để tạo thuận lợi cho xe ra vào chở cát.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Bảo Ðàn - ở Phân viện Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật VN tại Huế, đã khảo sát Thành Hồ năm 2011 - cho rằng bờ nam Thành Hồ là một bộ phận của di tích Thành Hồ bắt buộc phải bảo tồn.

"Không thể đào thành cổ lên xong rồi lấp lại như cũ được. Thành Hồ và nhiều thành Chăm khác ở miền Trung có một quá trình tu bổ và sử dụng qua nhiều lớp chủ nhân khác nhau, khi khai quật nghiên cứu khảo cổ học sẽ thấy có nhiều lớp văn hóa cụ thể, là tài liệu cực kỳ quan trọng để nghiên cứu. Còn khi đào nó ra rồi, xong việc lấp lại cho có hình dáng như cũ nhưng bên trong nó thì không còn gì nữa, không có giá trị gì cho nghiên cứu về sau cả. Ðó là điều không thể chấp nhận được" - ông Ðàn bày tỏ.

Trong khi đó, ông Phan Ðình Phùng - giám đốc Sở VH-TT&DL Phú Yên, người ký văn bản cho phép đào bờ nam Thành Hồ - lại nói: "Chúng tôi thấy việc làm đó chỉ tác động một tỉ lệ nhỏ so với tổng thể của di tích nên không ảnh hưởng gì. Với mức độ không làm thay đổi lớn hiện trạng, không làm biến dạng di tích như vậy thì ở cấp địa phương có thể cho phép được, không phải xin ý kiến Bộ VH-TT&DL"(!).

Ngày 13-6, ông Trần Quang Nhất - phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên - nói: "Tôi mới biết việc cho mở đường đi qua bờ nam di tích Thành Hồ. Tôi yêu cầu Sở VH-TT&DL kiểm tra ngay hệ thống văn bản cho phép này xem đúng sai thế nào, báo cáo cho UBND tỉnh biết để xem xét, xử lý."

DUY THANH - HUỲNH HIẾU
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Đón bằng công nhận Di sản văn hóa Thành nhà Hồ



TTO - Tối 16-6, UBND tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao và du lịch, Bộ Ngoại giao tổ chức lễ đón bằng công nhận Thành nhà Hồ là Di sản văn hóa thế giới tại quần thể khu di sản này (huyện Vĩnh Lộc).

Dự buổi lễ có ngài Eric Falt - trợ lý Tổng giám đốc (phụ trách quan hệ đối ngoại và thông tin công) - đại diện cho bà Tổng giám đốc UNESCO Irina Bokova cùng 80 đại biểu là chủ tịch và tổng thư ký đến từ 37 Ủy ban quốc gia khu vực Châu Á- Thái Bình Dương cùng đông đảo lãnh đạo trung ương và nhân dân địa phương.

Tại buổi lễ, ông Eric Falt - trợ lý Tổng giám đốc (phụ trách quan hệ đối ngoại và thông tin công), đại diện cho bà Tổng giám đốc UNESCO Irina Bokova - đã trao bằng công nhận Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ của UNESCO cho đại diện Ủy ban UNESCO Việt Nam và lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa.

Ông Eric Falt chúc mừng nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã vinh dự được nhận bằng công nhận Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ; đồng thời mong muốn tỉnh Thanh Hóa phát huy giá trị di sản văn hóa Thành nhà Hồ theo đúng cam kết với UNESCO.

http://images1.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=571561
Chương trình nghệ thuật chào mừng lễ đón nhận bằng công nhận Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ vào tối 16-6 - Ảnh: Hà Đồng



Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: với việc UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, Thành nhà Hồ từ nay đã trở thành tài sản chung của nhân loại, đây là niềm vinh dự, là cơ hội để chúng ta giữ gìn, phát huy tốt hơn nữa giá trị của di sản; đồng thời đặt ra những yêu cầu hết sức nghiêm túc trong việc bảo tồn, phát huy theo Luật Di sản văn hóa Việt Nam và công ước quốc tế về bảo vệ di sản văn hóa thiên nhiên thế giới.

Những ngày này, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức hàng loạt các hoạt động chào mừng sự kiện này.

HÀ ĐỒNG
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Khi đàn tranh Trung Quốc thắng giải



TT - Tại một liên hoan nhạc cụ “tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần giữ gìn, phát huy tinh hoa âm nhạc của dân tộc”, ban tổ chức đã trao giải cho một tiết mục dùng đàn tranh xuất xứ từ... Trung Quốc.

http://images1.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=571770
Tiết mục độc tấu đàn tranh của nghệ sĩ Bùi Thị Phương Nhung - Ảnh: Trọng Bình



Ðó là Liên hoan nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam lần thứ I - 2012. 380 diễn viên, nhạc công của 19 đơn vị nghệ thuật (gồm nhạc viện, đoàn nghệ thuật, trường văn hóa nghệ thuật, nhà hát...) từ nhiều miền trong cả nước đã tham gia liên hoan (do Cục Nghệ thuật biểu diễn - Bộ VH-TT&DL, Hội Nhạc sĩ VN và UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức từ ngày 5 đến 10-6).

Trong số khoảng 100 tiết mục biểu diễn (gồm các thể loại độc tấu, song tấu, tam tấu, tứ tuyệt, hòa tấu...), ban tổ chức đã chọn trao 18 huy chương vàng, 17 huy chương bạc và nhiều giải khác. Trong đó, nghệ sĩ Bùi Thị Phương Nhung đến từ Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long, Hà Nội đoạt giải nghệ sĩ biểu diễn và trình diễn đàn tranh hiệu quả với tiết mục độc tấu đàn tranh tại đêm bế mạc.

Tuy nhiên, từ bức ảnh chụp lại phần trình diễn của nghệ sĩ Phương Nhung, nhiều người đã nhận ra đây là loại đàn tranh của Trung Quốc chứ không phải đàn tranh của Việt Nam.

Tuổi Trẻ ghi nhận một số ý kiến xoay quanh vấn đề này từ những người trong nghề:

* Giáo sư TRẦN VĂN KHÊ:

Sơ suất của ban tổ chức

Nhìn qua tấm ảnh, ai cũng dễ dàng nhận ra đây là loại đàn tranh hiện đại của Trung Quốc. Ðàn tranh của người Việt thường chỉ có kích thước khoảng 1m hoặc 1,1m là tối đa, đó là loại đàn tranh mà nghệ sĩ Vĩnh Bảo vẫn thường biểu diễn. Còn đàn tranh Trung Quốc dài hơn, có thể đến 1,4m. Ðây là loại đàn hiện đại, còn đàn tranh Trung Quốc xưa cũng nhỏ, không to và dài đến thế.

Cùng là một loại đàn nhưng ở mỗi quốc gia, tùy theo văn hóa lại có những sáng tạo khác nhau. Ví dụ như chiếc đờn cò của Việt Nam và Trung Quốc cũng vậy. Nếu như đờn Việt Nam có ống hình tròn thì đờn Trung Quốc lại có hình bát giác, âm thanh phát ra cũng to hơn, nên các nghệ sĩ Việt khi trình diễn thường chọn loại đờn Trung Quốc. Nếu nghệ sĩ biểu diễn chơi thì không sao, như nghệ sĩ đàn tranh Vân Ánh vẫn có khi sử dụng loại đàn tranh Trung Quốc để biểu diễn...

Thật ra nếu xét về mặt chuyên môn, chỉ cần nghệ sĩ đàn hay thì đàn của Việt Nam hay Trung Quốc đều không phải là vấn đề, nhưng đặt trong bối cảnh một liên hoan nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam, lại chọn trao giải thì tôi cho rằng đó là sơ suất của ban tổ chức, làm mất đi ý nghĩa, giá trị của chương trình.


* Nhà nghiên cứu âm nhạc ÐẶNG HOÀNH LOAN:

Việc dùng đàn Trung Quốc đã thành thói quen

Tôi nghĩ cây đàn không có tội. Vì người ta đã dùng đàn nhị, tam thập lục cải tiến của Trung Quốc từ rất lâu rồi. Vấn đề là người nghệ sĩ có đánh ra đúng ngôn ngữ âm nhạc Việt Nam hay không. Trung Quốc có những cải tiến mạnh về mặt nhạc cụ cổ truyền và chất lượng nhạc cụ của họ tốt hơn Việt Nam. Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam rồi các nhà hát cũng nhập về rất nhiều nhạc cụ này. Ðây là cuộc thi vừa có tính truyền thống, vừa có tính sáng tạo cho nên theo tôi không có vấn đề gì cả.

Nó chỉ có vấn đề trừ khi người ta bảo đó là đàn truyền thống Việt Nam hoặc họ đưa vào nhã nhạc để trình diễn. Ở Việt Nam, từ lâu chúng ta đã không chỉ sử dụng nhạc cụ cải tiến của Trung Quốc mà bắt chước cả cách đánh của họ. Ðàn nhị là một minh chứng điển hình. Việt Nam có đàn nhị kẹp giữa hai chân nhưng sau này bắt chước Trung Quốc lại đặt lên đùi và cách thức chơi đàn cũng bắt chước luôn.

Lối chơi đàn nhị của người Việt từng được các chuyên gia Trung Quốc khen là độc đáo thì giờ chúng ta cũng bỏ để bắt chước họ.

Khó có thể phê phán hay trách móc gì được khi sân khấu của liên hoan hay các sân khấu biểu diễn nói chung không còn nhạc cổ truyền nữa. Thay vào đó là nhạc cải biên, nhạc sáng tác từ chất liệu cổ truyền. “Nhờ” sự cải biên đó mà chúng ta làm mất sân khấu cổ. Giờ việc sử dụng đàn Trung Quốc, chơi những tác phẩm cải biên đã thành thói quen mất rồi. Những nghệ sĩ tốt nghiệp trường nhạc, về các đoàn học thêm chút chèo, tuồng, cổ nhạc thì họ thích nhạc cụ Trung Quốc và chơi rất sành nhạc cải tiến. Hơn nữa, liên hoan là cuộc chơi của các nhà hát với nhau, ở đó vốn đã chẳng tồn tại cái gọi là nhạc cụ truyền thống hay âm nhạc truyền thống thuần chất nữa.


* Nhà giáo ưu tú PHẠM THÚY HOAN (chủ nhiệm CLB Tiếng hát quê hương, Cung văn hóa Lao động TP.HCM):

Đàn tranh Việt có những nhấn nhá riêng

Là người chơi đàn tranh bao nhiêu năm qua, tôi rất buồn với thông tin này. Quả thật với mỗi loại đàn tranh, đàn của Việt Nam hay Trung Quốc đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng, tùy theo tác phẩm trình diễn.

Ưu điểm của đàn tranh Trung Quốc là sợi dây rất mảnh, nghệ sĩ chơi ít khi bị lạc dây, tuy nhiên âm thanh của đàn này thường là nét thẳng mà ít có những nhấn nhá mang dấu ấn riêng của nghệ sĩ như đàn tranh Việt Nam. Tôi đi biểu diễn ở nhiều quốc gia trên thế giới, đến những nơi đàn tranh được nhiều người biết đến như Hàn Quốc, Ðài Loan..., bạn bè trong nghề đều nhận xét: ít có loại đàn tranh nào mà nghệ sĩ còn giữ được tay trái rất tế nhị như với cây đàn của Việt Nam.

Dĩ nhiên, tùy theo tác phẩm, người nghệ sĩ có thể chọn loại đàn tranh cho phù hợp, đó là quyền của họ. Vấn đề ở đây là ban tổ chức phải tinh ý ngay từ đầu để không xảy ra những sơ suất như thế này.

M.TRANG - H.HƯƠNG - TH.LỘC
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Ngôn ngữ - sự nở hoa của nhân cách



Qua ngôn ngữ, qua tiếng nói, chúng ta có thể đánh giá từ một con người cho đến một quốc gia... Không thể nào có xã hội cao cấp nếu ngôn ngữ thấp lè tè. Đơn giản, bởi vì ngôn ngữ không phát triển nghĩa là trí óc không phát triển.

Ngôn ngữ là một phép lạ. Nó là một thứ mạng mà nhờ đó tôi có thể nối kết với Vô Ngôn Thông, Lý Công Uẩn, Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du và bất kỳ ai trong lịch sử Việt Nam đã từng nói và để lại tiếng nói. Ngay cả phép lạ phi thường của thời hiện đại, máy điện toán chỉ với ký hiệu 0,1 mà có thể ghi nhớ và chuyển tất cả văn hóa, khoa học, mỹ thuật... loài người thì thực ra phép lạ ấy cũng chỉ để phục vụ cho phép lạ ngôn ngữ là chính.

Những con người sẽ qua đi, chúng ta sẽ qua đi, nhưng ngôn ngữ vẫn tồn tại. Tồn tại cho đến con người cuối cùng trên Trái đất. Nguyễn Du đã qua đi, căn nhà nơi Nguyễn Du đã sống, cây bút lông, nghiên mực, ngọn đèn dầu quen thuộc với Nguyễn Du trong lúc ông viết văn cũng không còn. Nhưng tiếng nói Nguyễn Du, ngôn ngữ Nguyễn Du vẫn tồn tại không chỉ qua Truyện Kiều mà còn trong các tác phẩm văn học khác.

Đôi khi ở những nơi xa xôi, bất ngờ nghe được vài tiếng nói địa phương, sự bồi hồi đảo ngược về nguồn cội của một đời người. Nơi đó, những khoảng trời thơ ấu. Nơi đó, những người thân đã từng nói những tiếng này nay đã mất. Sự vắng mặt tồn tại trong rải rác những tiếng địa phương đặc biệt này.

Ngày nay điều may mắn cho dân tộc là chúng ta có một tiếng Việt chung nhất, người ở mũi Cà Mau nghe người ở Lạng Sơn nói vẫn hiểu dễ dàng. Những cũng chớ đồng nhất hóa mà trở thành đồng dạng và đơn điệu. Cần giữ lại những tiếng địa phương. Chúng ta đã thấy sự thất bại của Quốc tế ngữ (Esperanto, sau hơn 100 năm, cả thế giới chưa đến 2 triệu người sử dụng) là như thế nào. Tiếng địa phương là cái duyên (và cả cái dáng), cái hồn của một vùng. Không có sự phát âm những tiếng ấy, đôi môi kia sẽ không được như vậy nữa, đôi mắt sẽ không có màu sắc và ánh nhìn như vậy nữa.

Tiếng nói, hay ngôn ngữ, là một trong ba thành phần tạo nên một con người, theo đạo Phật. Ba thành phần đó là thân, ngữ, tâm hay thân, khẩu ý. Ý hay tâm thì rất khó biết vì nó không biểu lộ. Nhưng ngữ hay khẩu là cái biểu lộ, cái đại diện của tâm ý, cho nên chính nó là cái để đánh giá một nhân cách, đo lường chiều cao, chiều rộng của một tâm thức. Cũng chính nó tạo ra những tương quan xã hội, những liên hệ thông tin. Thân là cái biểu lộ nhiều nhất, cụ thể nhất, nhưng cũng có thể hóa trang nhiều nhất. Bằng quần áo, bằng trang điểm (cả bằng giải phẫu thẩm mỹ!), bằng những đồ dùng đi với thân. Ngôn ngữ là tính tình con người, là con người thật nhất, hầu như không thể hóa trang, giả vờ. Ngôn ngữ là sự trang điểm (mà Phật giáo gọi là trang nghiêm) của con người, là sự nở hoa của nhân cách.

Thế nên, qua ngôn ngữ, qua tiếng nói chúng ta có thể đánh giá từ một con người cho đến một quốc gia. Không phải là nhà xã hội học, nhà kinh tế chính trị học, hay nhà doanh nghiệp, chúng ta rất khó biết một đất nước phát triển cả về mặt vật chất và tinh thần đến đâu (rất khó nếu chỉ nhìn vào những gì họ quảng cáo, những con số họ đưa ra, hay chỉ đi qua một vài đường phố lớn của họ...), nhưng chúng ta có thể biết họ có thực sự phát triển toàn diện hay không, có thực sự thịnh vượng hay không nhờ nhìn vào sự phát triển ngôn ngữ của họ. Ít nhất là qua ngôn ngữ (đã được dịch) của những nhà lãnh đạo của họ. Không thể nào che giấu được. Không thể nào có xã hội phát triển nếu ngôn ngữ không phát triển. Không thể nào có xã hội cao cấp nếu ngôn ngữ thấp lè tè. Đơn giản, bởi vì ngôn ngữ không phát triển nghĩa là trí óc không phát triển.

Đừng có nói tôi chỉ giỏi toán, giỏi khoa học kỹ thuật nhưng tôi dở ngôn ngữ. Newton, Einstein, Planck, Heisenberg, Bohr... đều có ngôn ngữ chính xác, phong phú, đẹp đẽ. Chắc hẳn vì sức mạnh và sự nâng cao của ngôn ngữ mà Einstein đến thăm Tagore, Suzuki đến thăm Heisenberg và Ideka nói chuyện với Kim Dung... Mọi người cao cấp trong bất cứ lĩnh vực nào đều có một ngôn ngữ đúng tầm cỡ của họ. Một quốc gia giàu mạnh phải có một ngôn ngữ phát triển. Và dĩ nhiên một quốc gia còm cõi, suy dinh dưỡng chỉ có thể có một ngôn ngữ còm cõi, suy dinh dưỡng.

Không có ngôn ngữ thì không có tư duy, vì tư duy là tư duy trên ngôn ngữ và bằng ngôn ngữ. Ngôn ngữ kém thì tư duy phải kém. Thế nên khẩu của một dân tộc kém thì ý của dân tộc ấy phải kém. Thân, khẩu, tâm ý là một hợp thể thống nhất.

Thời bây giờ con người ít đánh nhau, ít tiến hành chiến tranh, nghĩa là quân sự do thân hành động không còn là sự quan trọng duy nhất. Công việc chính trị được tiến hành chủ yếu bằng ngoại giao, thương thuyết, nghĩa là trên lời ăn tiếng nói. Từ trọng tâm là quân sự của đời xưa chuyển qua trọng tâm là ngoại giao của đời nay, chúng ta thấy đó chính là sự tiến hóa của con người. Tiến hóa từ thân qua ngữ. Và từ ngữ qua tâm có lẽ là công việc của thiên niên kỷ này chăng? Có phải định mệnh thiêng liêng của ngôn ngữ là dẫn dắt chúng ta đến Tâm như Trần Nhân Tông đã nói không? “Trăm năm lòng nói lòng” (Bách niên tâm ngữ tâm, Đăng Bảo Đài Sơn).

Ngôn ngữ là một loại năng lượng. Năng lượng ấy không hề cạn kiệt chừng nào còn có con người. Sự đoàn kết hào hùng của toàn dân ở Hội nghị Diên Hồng có được chẳng phải là nhờ ngôn ngữ và qua ngôn ngữ hay sao?

Thế nên khi đang lo khai thác năng lượng và khoáng sản từ nhiều nguồn thì cũng chớ nên quên rằng chúng ta cũng rất cần khai thác nguồn năng lượng và khoáng sản ngôn ngữ trong tâm ý của mình. Vốn sống dân tộc - ngôn ngữ - cần phải được giữ gìn và làm giàu có thêm qua mỗi thế hệ. Không có cách gì phản bội tổ tiên nhanh bằng cách làm hư, làm nghèo nàn, làm xơ cứng ngôn ngữ, bởi vì ngôn ngữ nằm trong tầm tay và trong quyền lực của mỗi chúng ta. Chúng ta đã không sinh nó ra - mà trái lại, nó đã sinh ra chúng ta - thì chúng ta hoàn toàn không có quyền hủy hoại nó.

Tiếng Việt là di tích cổ xưa nhất và cũng là gia tài hiện đại nhất của người Việt. Di tích đó không cần phải đi hàng trăm ngàn cây số mới thấy được, mới nghe được, mới chiêm ngưỡng được. Nó đang ở trong tâm ý và trên môi của mỗi người Việt.

Khi nhận định rõ rằng ngôn ngữ là cái miệng, là bản sắc, là tâm ý, tâm hồn của một dân tộc, chúng ta biết chúng ta phải làm gì. Chúng ta biết một cách căn bản những đứa con dân tộc có hiếu với ngôn ngữ của dân tộc là những ai.

Chắc hẳn với nhiều người Việt, tiếng Việt vẫn là cái gì còn ở phía trước. Mãi mãi vẫn ở phía trước.

Vì phụng sự ngôn ngữ là phụng sự cho dân tộc.

Nguyễn Thế Đăng

(Báo điện tử Đại biểu Nhân dân, chép theo Văn hóa Phật giáo)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thanh Ngọc

Cần đặt vấn đề di sản ngôn ngữ




Lâu nay khi nói đến di sản văn hóa dân tộc, người ta kể ra khá nhiều loại, song hình như rất ít người kể đến một loại hình di sản rất căn bản: di sản ngôn ngữ. Điều đáng nói là, so với những loại di sản văn hóa như di tích lịch sử, ca hát dân gian… thì các loại di sản ngôn ngữ chứa đựng hàm lượng tri thức và sáng tạo cao hơn, đậm đặc hơn.

Ngôn ngữ là một loại hình tài nguyên nhân loại; sự hình thành các dân-tộc-quốc-gia luôn diễn ra đồng thời với việc tạo ra hoặc lựa chọn một hoặc một số ngôn ngữ (gồm phần lời nói và dạng chữ viết tương ứng) trong mỗi thời kỳ nhất định làm công cụ giao tiếp chung trong cộng đồng dân-tộc-quốc-gia, làm phương tiện cho những sáng tạo tri thức hoặc sáng tạo nghệ thuật dùng vật liệu ngôn ngữ. Trong các loại hình di sản mà một dân-tộc-quốc-gia có được sau những thời đại phát triển lịch sử nhất định bao giờ cũng có loại hình di sản ngôn ngữ, bao gồm các thành tạo ngôn từ cả dưới dạng lời nói lẫn các tác phẩm chữ viết. Dưới dạng lời nói là hệ thống thành ngữ, tục ngữ, ca dao, dân ca, chuyện kể… Dưới dạng chữ viết có thể là các sáng tạo về tri thức (tạm gọi chung là trứ thuật), cũng có thể là các sáng tác nghệ thuật (đây là nghệ thuật ngôn từ, tức là những sáng tác văn chương, văn học); những con người làm ra các tác phẩm chữ viết ấy là tác gia. Di sản ngôn ngữ, như vậy, vừa có loại thuộc di sản phi vật thể, vừa có loại thuộc di sản vật thể.

Các dạng văn tự từng được người Việt sử dụng có thể có nguồn gốc ngoại lai hay nội địa, nhưng những sản phẩm được tạo ra bằng văn tự ấy thì chắc chắn chỉ thuộc về văn hóa Việt. “Chiếu dời đô” hay “Bình Ngô đại cáo” được viết bằng chữ Hán nhưng là tác phẩm của văn hóa người Việt, cũng giống như “Tuyên ngôn độc lập” (1776) viết bằng tiếng Anh nhưng hoàn toàn thuộc về người Mỹ.  

Lịch sử sự trứ thuật và sáng tạo bằng ngôn ngữ của các cộng đồng dân cư Việt Nam gắn với nhiều ngôn ngữ và chữ viết mang tính quốc gia hoặc quốc tế khác nhau, nhưng được xem là đã được sử dụng nhiều hơn cả chính là dạng văn tự Hán - Nôm và dạng văn tự Quốc ngữ; bên cạnh đó là các văn tự của một số tộc người có chữ viết riêng (như Thái, Chăm v.v…) và các văn tự nước ngoài mang tính quốc tế hóa (như chữ Pháp, chữ Anh v. v…).

Đối với nguồn di sản bằng dạng chữ Hán -Nôm, do gắn với một giai đoạn lịch sử đã lùi vào quá khứ, đến một lúc nhất định, có thể kể là vào những năm 1980 - 1990, do nhận thấy sự mất mát nguồn di sản này đã thành nguy cơ thật sự trước mắt, việc kiểm định và gìn giữ chúng mới được đặt ra ở quy mô quốc gia và quốc tế: đặt vấn đề kiểm định di sản này hiện có ở các nơi trong nước cũng như đang được giữ ở nước ngoài; nguồn kinh phí cho kiểm định và gìn giữ được đảm bảo bằng một phần ngân sách nhà nước bên cạnh nguồn tài trợ quốc tế; lực lượng làm công việc kiểm định và gìn giữ được hưởng quy chế công chức, nằm trong cơ quan chuyên trách thuộc tổ chức khoa học của nhà nước (viện Hán Nôm, các khoa hoặc ngành Hán Nôm tại các đại học chuyên ngành…). Tất nhiên các chuyên gia làm việc liên quan đến nguồn di sản Hán - Nôm này có thể còn thấy nhiều điều chưa vừa lòng, song phải thừa nhận đây là khu vực di sản ngôn ngữ văn tự duy nhất ở Việt Nam hiện nay được tạo các điều kiện tốt đến như vậy để chúng có thể vừa được bảo quản gìn giữ lâu dài vừa được khai thác hợp lý.

Đối với nguồn di sản được sáng tạo bằng dạng chữ Quốc ngữ, dù mới chỉ được dùng trong cộng đồng Việt từ 1865, tức là từ gần 150 năm nay, song do gắn với thời đại phát triển năng động hơn về nhiều mặt, lượng sản phẩm được tạo ra bằng chữ Quốc ngữ (về tri thức, thông tin, nghệ thuật v.v…) là rất lớn; số lượng tác gia cũng hết sức đông đảo. Về mặt đó, một vài công trình mang tính tổng kết chuyên ngành, ví dụ các bộ “Tổng tập văn học”, dù quy mô đến hàng chục ngàn trang, cũng mới chỉ bao gồm được một phần rất nhỏ tác gia và tác phẩm; một số công trình miêu tả lịch sử (văn học sử, sử báo chí, sử văn hóa v.v…) đã xuất bản cũng chỉ mô tả ghi nhận (làm thành thông tin) về một phần nhỏ tác gia và tác phẩm do họ sáng tạo ra suốt gần 150 năm ấy.

Trong khi đó, các vật liệu lưu giữ những di sản từng được sáng tạo ra, tức là những sưu tập báo chí hoặc sách in, trong các thư viện hoặc kho lưu trữ, qua thời gian hàng trăm năm, đều đã ở trạng thái cũ nát, từng ngày từng giờ đối mặt với nguy cơ bị mất mát hẳn. Hậu quả là, phần di sản bằng văn tự Quốc ngữ cũng đang đối mặt nguy cơ bị mất trước khi được lập kế hoạch kiểm định và gìn giữ.

Vậy mà trong cư dân hậu thế chúng ta, nhu cầu tìm biết một cách chi tiết, cụ thể về phần di sản này đang tăng lên, sau những thời gian dài chiến tranh loạn lạc, các cộng đồng cư dân bị mất liên lạc, bị gián đoạn thông tin. Các địa phương từ quy mô lớn (vùng, miền, tỉnh) đến nhỏ (huyện, xã), các bộ phận cư dân (dòng họ, chi họ, gia đình) không chỉ bằng lòng với những nguồn thông tin về “bộ phận tiêu biểu” tác gia tác phẩm của cả nước ở mỗi thời đại lịch sử, mà còn muốn biết cụ thể, chi tiết những tác gia xuất thân từ địa phương mình, dòng họ, chi họ, gia đình mình, và những tác phẩm do họ đã tạo ra và đã từng công bố tại các thời điểm cụ thể.

Nhu cầu nói trên hầu như không được đáp ứng hoặc chỉ được đáp ứng một phần rất nhỏ bởi các công trình mang tính tổng kết lịch sử phát triển về sử học, văn hóa, văn học đã có, là vì ngoài mấy trăm tác gia mà dù ít dù nhiều đã có tác phẩm được hậu thế in lại, tên tuổi được hậu thế nhắc đến, thì một số rất đông tác gia khác, cũng từng hoạt động với tư cách nhà báo, nhà văn, nhưng nay con cháu rất khó tìm thấy dù chỉ một số thông tin ít ỏi về cuộc đời và sự nghiệp, chưa nói đến diện mạo tác phẩm đã từng được viết ra, in sách in báo.

Có ý kiến cho rằng, sự lãng quên là quy luật của thời gian. Tuy vậy, chỉ nên chấp nhận điều ấy ở phương diện sự thưởng thức, thị hiếu của từng bộ phận công chúng, tại một thời điểm nhất định. Ngoài ra, không thể buông xuôi trước tình trạng hàng loạt bộ phận di sản như vậy bị tan nát mất mát theo các ấn phẩm cũ, trong khi còn có cơ hội để có thể cứu thoát chúng. Vấn đề là tổ chức sự hành động.

Một trong những điểm gây nên tình trạng kể trên là tâm lý ỉ lại vào nhà nước, trông chờ vào công việc biên khảo do các cơ quan nghiên cứu của nhà nước đề xuất và tiến hành, trong khi bộ máy nhà nước phải làm việc trước hết trên những lĩnh vực kinh tế xã hội cốt thiết, vả lại phần ngân sách dành cho sự nghiệp văn hóa, trong đó có công việc nghiên cứu di sản, dù sao cũng chỉ có thể có ở mức hạn chế. Chúng tôi cho rằng, đối với việc bảo vệ phần di sản bằng chữ Quốc ngữ của người Việt, bên cạnh phần đảm bảo của nhà nước (cho hệ thống thư viện, bảo tàng…), ngày nay nên thúc đẩy các phương thức mang tính cộng đồng: do cộng đồng thực hiện, nhằm những mục tiêu tương đối cụ thể của cộng đồng, đồng thời cũng là góp phần gìn giữ di sản chung.

Trên đây tôi mới chỉ nói về phần di sản bằng chữ Quốc ngữ đang đối mặt nguy cơ mất mát. Nhưng ta biết, cạnh đó còn có các di sản ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số cũng đang rất cần được khôi phục, giữ gìn, bảo vệ. Bởi vậy, theo tôi, cần đặt vấn đề về các di sản ngôn ngữ (tiếng nói, chữ viết) của các dân tộc Việt Nam. Đây là phương diện còn bị coi nhẹ cả trong giới nghiên cứu lẫn trong giới quản lý văn hóa.

Lại Nguyên Ân
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

Vodanhthi đã viết:

Ngôn ngữ - sự nở hoa của nhân cách

Thanh Ngọc đã viết:

Cần đặt vấn đề di sản ngôn ngữ

Một khi chính tả cáo chung
Toàn bộ ngôn ngữ cũng cùng số phân!
(*)

(*) Số phân: số phận. Theo kiểu Bút Tre.

Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

.
=D>

Bác Tuấn chơi chữ thơ rất độc đáo...

... mà chú thích lại còn độc đáo hơn, hehe.
.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Hương vị quê nhà

Món ngon truyền thống trong ngày tết Đoan Ngọ



SGTT.VN - Cứ đến ngày mùng 5 tháng 5, trên đất Sài thành phồn hoa lại xuất hiện những chiếc bánh ú lá tre dân dã ở khắp các chợ. Ngược dòng thời gian, theo truyền thống Việt Nam trong ngày tết Đoan Ngọ này, dân ta còn có những món ăn dân dã khác, đậm đà hồn Việt.

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=176292
Món cơm rượu Gò Công. Ảnh: Quang Tâm



Nửa năm tròn trịa
Xuất phát từ ý nghĩa trọn vẹn, đoàn viên, trải qua nửa năm tròn trịa, trong ngày mùng 5 tháng 5 dân Việt có món cơm rượu và chè trôi nước để dâng cúng ông bà. Theo quan niệm xưa, ăn cơm rượu để diệt sâu bọ (giun sán) trong đường ruột. Ở hai miền Nam – Bắc cơm rượu cũng khác nhau. Cơm rượu miền Bắc làm bằng nếp lức có màu nâu đất, dạng tơi và hạt cơm rượu vẫn còn đủ cứng để khi ăn có thể nhấm nháp từng hột cơm thấm đẫm vị rượu. Còn cơm rượu miền Nam được làm bằng nếp dẻo, sắc trắng đẹp được rắc men rồi vò viên tròn. Riêng cơm rượu Gò Công thì được nắn theo dạng khối vuông hoặc hình chữ nhật, mang ý nghĩa vuông tròn. Cơm rượu thường ăn kèm với xôi vò. Ở Sài Gòn, muốn ăn món gì ra chợ mua là có. Nhưng, với những người lớn tuổi thường tự tay làm cơm rượu ở nhà để tạo không khí gia đình và cũng để con cháu gìn giữ truyền thống.

Món chè trôi nước miền Nam được làm từ bột nếp, nhân đậu xanh trộn dừa nạo, thêm chút hành lá và mỡ heo. Trẻ con thì lại thích nhất là những viên nhỏ xíu, tròn vo. Ngày xưa, ông bà nấu chè trôi nước bằng đường thẻ, chè có màu vàng mượt mà. Ngày nay, chè trôi nước nấu bằng đường cát trắng nên chè có màu trắng tươi cũng khá hấp dẫn. Một số người muốn giống vị xưa thì nấu bằng đường thốt nốt. Chè trôi nước ăn với ít mè rang, giới trẻ thích béo thì chan thêm nước cốt dừa.

Dân dã hồn quê
Tết Đoan Ngọ người Hoa hay người Việt đều có món bánh ú lá tre. Nhưng, bánh ú lá tre của người Hoa có nhân thịt, hột vịt muối, lạp xưởng… không có hương vị chân chất, thấm đẫm hồn quê như bánh ú nước tro của người Việt.

Bánh ú nước tro của người Việt nho nhỏ, gói bằng vài chiếc lá tre đơn sơ bên ngoài. Nếp gói bánh được ngâm với nước tro, khi nấu chín, hạt nếp hoà thành bột, tạo thành khối vàng nâu trong suốt. Bánh có hai loại, loại nhân đậu và loại không nhân chấm với đường. Kiểu ăn bánh ú không nhân chấm với đường thể hiện rõ nét văn hoá ẩm thực dân dã của người Việt. Những người lớn tuổi kể rằng, ngày xưa tay cầm miếng bánh ú cắn một miếng, tay kia cầm miếng đường thẻ nhấp một chút, vị bánh hoà với đường, ngon sao lạ kỳ. Ngày nay, thời đại của công nghệ, người ta ăn bánh ú chấm đường cát trắng.

Quang Tâm – Minh Cúc
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 55 trang (547 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [30] [31] [32] [33] [34] [35] [36] ... ›Trang sau »Trang cuối