Trang trong tổng số 55 trang (547 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [15] [16] [17] [18] [19] [20] [21] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Vodanhthi

Hà Nội có phố “Cam Đai”



SGTT.VN - Nhiều người đàn ông thường úp mặt vào tường hay gốc cây trên các con phố Hà Nội đích thị bị mắc “bệnh đái đường”. Bệnh không chỉ tàn phá... đường mà còn giết chết nhiều thứ vô hình khác. “Triệu chứng lâm sàng” của “bệnh đái đường” thế nào, xin dạo một vòng qua các con phố Hà Nội sẽ được thấy tận mắt...

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=162040
Phố cổ “tấc đất, tấc vàng” nên nhà vệ sinh ở phố Hàng Bồ bị biến thành nơi mua bán. Ai dám vào đây “giải quyết nỗi buồn”? Ảnh: Thanh Chương



Đái bậy ở phố “Cấm Đái Bậy”
Con phố rất đẹp, mọc lên từ chợ 19.12, nối phố Hai Bà Trưng với phố Lý Thường Kiệt nhưng lại bị các cư dân hay qua đây gọi là phố “cấm đái bậy”. Phải mang cái tên đó bởi tuy chỉ dài 200m, nhưng con phố này “cõng” trên mình hơn chục cái biển “cấm đái bậy”. Những tấm biển và cả những dòng chữ viết tay cùng nội dung hiện lên rất dày trên hai bức tường chạy dọc phố. Cũng như muốn tìm rác hãy đến nơi có biển “cấm đổ rác”, ở Hà Nội, nơi nào xuất hiện chữ “cấm đái bậy” thì tại đó có rất nhiều người đái bậy.

Anh xe ôm đứng đầu đường bảo với tôi: “Trong vòng mười phút mà không có người úp mặt vào tường thì tôi xin bỏ nghề luôn”.

Chỉ 30 giây sau, một người đàn ông dừng xe máy, nhảy xuống tè ngay vào luống hoa cúc bên đường. Phía đầu phố Hai Bà Trưng, hai ba người đàn ông khác cũng dừng ôtô, điềm nhiên “xả”. Trong khoảng tám phút, tôi đã đếm được năm người tè ngay dưới tấm biển... “cấm đái bậy”.

Một quý ông mặc veston thản nhiên “tưới” vào luống hoa cúc, trở thành người thứ 39 tè bậy. “Người thứ 40 sẽ là ai nhỉ?” Tôi hỏi anh xe ôm. Anh xe ôm bảo: “Là tôi”, rồi bước tới bức tường cạnh khách sạn Melia và “xả”. Xong, anh ta cười: “Ở quê quen tiểu đồng, giờ thì tiểu phố chứ biết đi vào đâu. Anh cứ đứng đó sẽ trở thành người thứ 41”.

Vắng, không hàng quán, lại có nhiều bụi hoa che lấp bên hai bức tường, con phố “cấm đái bậy” này trở nên rất thuận tiện cho những ai không biết xả chỗ nào. Thế nên, nhiều người nước ngoài ở khách sạn năm sao Melia ngay cạnh đứng thứ trên tầng cao nhìn xuống, không hiểu vì sao lại có nhiều người đàn ông úp mặt vào tường đến vậy. Có em bé mẹ chở ngang phố ấy cũng thắc mắc: “Mẹ ơi, mấy chú kia bị cô giáo phạt hay sao mà cứ đứng úp mặt vào tường?”

Lại có chuyện một ông khách du lịch người nước ngoài đến thủ đô ta đã thắc mắc: “Tôi đã đi thăm hai vịnh rất nổi tiếng ở Việt Nam là “Ha Long bay” và “Cam Ranh bay” nhưng chưa biết “Cam dai bay” nằm ở đâu? (từ “bay” trong tiếng Anh nghĩa là vịnh)

Tôi đã cảm thấy choáng khi nhìn thấy những người đàn ông úp mặt vào bức tường và đưa tay vẩy vẩy ở trước cổng Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Trên con đường gốm sứ dài nhất thế giới vừa khánh thành vào dịp ngàn năm Thăng Long, khách đi đường thản nhiên “tưới... nước trong lòng” vào những hoa sen, chim lạc... Thứ nước ấy cũng đã chảy xuống những gốc cây bên hồ Gươm vào những đêm sáng đèn đường.

Bất cứ chỗ nào kín đáo một chút ở trên phố, người ta đều có thể “giải quyết nỗi buồn”. Chuyện thật như đùa: có ông đã phê phê bia rượu, dừng ôtô trên đường cao tốc, vẫn để nổ máy và đi ra phía lốp sau để “xả”. Khi đang “xả” thì có kẻ lẻn vào mở cửa lái xe đi mất hút. Lại có kẻ đang đái bên đường sắt thì đoàn tàu đi ngang chia cắt người một bên, xe máy một bên. Khi tàu đi qua thì không thấy xe máy đâu nữa. Đến trình báo, công an hỏi: “Có ai làm chứng việc anh mất cắp xe máy không?” Anh này trả lời: “Có cả đoàn tàu Bắc – Nam chứng kiến ấy chứ”.

Chuyện đái đường bị trả giá đắt như vậy cũng thỉnh thoảng xảy ra nhưng “bệnh” vẫn ngày càng tăng. Đái đứng, đái ngồi, lại thêm độc chiêu đái nằm. Một ngày đẹp trời ở trong công viên Thống Nhất, tôi thấy có ông già nằm trên ghế đá, có vẻ như đang thiu thiu ngủ. Nhưng một vòi nước cầu vồng bỗng tuôn chảy từ ghế đá. Xung quanh, công viên vẫn nhiều người qua lại, có cả bảo vệ đeo băng đỏ mà chẳng ai phát hiện ra.

Sức tàn phá của “bệnh đái đường”
Những ai từng đái đường đều “trần tình” rằng làm cái việc đó ở thành phố quả thật vạn bất đắc dĩ, khổ ải chứ chẳng xếp được vào “tứ khoái”.

Trên vườn hoa gần đường Lý Thánh Tông, một bác xe ôm sau khi đã “xả” vào gốc cây, lắc đầu bảo: “Chẳng muốn đái bậy đâu, nhưng ngặt vì muốn làm người lịch sự cũng khó, ở đây không tìm đâu ra nhà vệ sinh công cộng, mà cứ nhịn mãi thì vỡ bàng quang mất. Các ông lịch sự cứ thử ra phố đi bộ một buổi sáng xem ở Hà Nội này có bao nhiêu nhà vệ sinh công cộng?”

Nỗi “khổ tâm” ấy chưa giải quyết được nhưng trên thực tế, hậu quả của nó có sức tàn phá vượt xa hình dung của nhiều người. Một ngày nọ, cây đa trên phố Lò Đúc bỗng nhiên bật gốc. Cư dân quanh đó không hiểu vì sao cây đa cổ thụ rễ chùm rễ cọc bám sâu là vậy sao lại đổ kềnh ra? Hoá ra “cụ” đa ngày nào cũng phải hứng chịu hàng trăm lượt người tè vào gốc rễ. Thứ dung dịch ấy cứ tích tụ lại và ăn mòn, ăn rỗng hết cả rễ chùm rễ cọc, khiến cho “cụ” đa đã chết một cách lãng xẹt.

Ngay cả những bức tường gạch được xây chắc chắn cũng đã đổ sập vì nước đái. Bức tường trên phố Nguyễn Trãi sau nhiều năm bị người đi đường “tưới” vào chân móng, đã ngã xuống vào một ngày không hề có gió mưa. Cũng ở đường Nguyễn Trãi, một nhà chờ xe buýt đã đổ sập vị phải hứng chịu những “trận” đái đường năm này qua tháng khác.

Nhiều cột điện cũng chịu chung số phận như vậy. Cột điện bằng sắt đầu phố Nguyễn Bỉnh Khiêm đang như “ngọn nến trước gió” khi chân cột bị ăn mòn đến mức chỉ còn một lõi sắt bằng ngón tay. Nước chảy đá mòn, huống gì thứ nước có rất nhiều axít ấy.

Bệnh đái đường là cả một nỗi kinh hoàng cho nhiều người dân ở gần đường. Mùi hôi hám rất đặc trưng ấy bay vào nhà, gây buồn nôn, gây khó chịu. Có không ít gia đình mất ngủ triền miên vì thứ nước chứa nhiều chất amoniắc ban đêm cứ xộc vào.

Thanh Chương
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Hát xoan Phú Thọ trở thành di sản thế giới



TT - Trưa 24-11, từ Bali (Indonesia), tiến sĩ Lê Thị Minh Lý (phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa) cho biết UNESCO chính thức công bố đã ghi danh hát xoan của Việt Nam vào di sản văn hóa phi vật thể nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp.

http://images1.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=533725
Thiếu niên phường xoan Phù Đức (Phú Thọ) trình diễn tại lễ hội đền Hùng năm 2010 - Ảnh: Quốc Hội



“Theo báo cáo của ban thẩm định hồ sơ thông báo tại Hội nghị Ủy ban liên chính phủ họp tại Bali (từ ngày 21 đến 29-11-2011), hồ sơ hát xoan là hồ sơ duy nhất được sự đồng thuận hoàn toàn của ban thẩm định và đánh giá là hồ sơ làm tốt nhất trên tổng số 33 hồ sơ khẩn cấp được đệ trình lần này. Tổng số di sản được bảo vệ khẩn cấp được ghi nhận sáng 24-11 là 10 di sản của chín quốc gia (Việt Nam, Indonesia, Iran, Trung Quốc, Brazil, Mali, Mauritus, Mông Cổ, UAE” - bà Lý thông báo.

Từ Indonesia, tiến sĩ Lê Văn Toàn (Viện Âm nhạc) cho biết hồ sơ khoa học về di sản hát xoan đã được hội đồng UNESCO đánh giá rất cao, đáp ứng đầy đủ tiêu chí và đã được coi là một trong số những hồ sơ mẫu. Hội đồng UNESCO đánh giá hát xoan là loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo bởi tính cổ xưa, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa và được cộng đồng gìn giữ qua nhiều thế kỷ.

Hát xoan (điệu hát mùa xuân) là loại hình nghệ thuật dân gian có từ rất lâu đời ở Phú Thọ. Hiện ở Phú Thọ có bốn phường xoan, trong đó có ba phường xoan cổ và phường An Thái mới thành lập. Thống kê của Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Phú Thọ cho thấy hiện còn 69 nghệ nhân hát xoan (từ 60 tuổi trở lên), 49 người (từ 60 tuổi trở lên) biết hát xoan, 81 người tham gia các phường xoan, trong đó chỉ có tám nghệ nhân còn khả năng trình diễn và truyền dạy. Hồ sơ hát xoan ở Phú Thọ được hoàn thành vào tháng 3-2010, đến tháng 8-2011 nhận được ý kiến đánh giá của các chuyên gia quốc tế kèm khuyến nghị UNESCO ghi nhận đề cử của Việt Nam.

HÀ HƯƠNG


* Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan (thành viên ban soạn thảo hồ sơ hát xoan Phú Thọ trình Unesco):

Phải nhìn thấy hát xoan ở cả ba chiều: lịch sử, văn hóa và nghệ thuật. Hát xoan quý ở chỗ là sáng tạo của quá khứ, có bề dày của lịch sử văn hóa và đến nay vẫn còn sức sống trong cộng đồng. Đời sống của hát xoan chính là đời sống của cộng đồng, được họ trân trọng, gìn giữ. Đó là tiêu chí rất quan trọng để Unesco đánh giá và vinh danh.

Giữ hát xoan không có cách nào tốt hơn là giữ nguyên dạng như hiện nay. Còn chuyện phục hưng phải từ từ. Nếu cứ thêm mắm, thêm muối, thêm lời, thêm từ thì chẳng còn gì là hát xoan cả. Phải làm hát xoan sống như thể là hơi thở của đời sống cộng đồng. Rất may cho hát xoan hơn nhiều di sản khác là có người nghe. Hàng nghìn người dân ở bốn làng xoan đều yêu hát, truyền dạy cho nhau và bảo tồn hát xoan. Họ còn dạy cho lớp 9-10 tuổi và các cháu hát rất hay. Đôi khi, cũng phải có chút bảo thủ mới giữ được di sản.

* Ông Nguyễn Khắc Xương (nhà nghiên cứu hát xoan Phú Thọ):

Hát xoan là điệu hát nghi lễ. Hầu hết các làng hát xoan đều hát thờ vua Hùng. Có thể nói hát xoan là hát thờ tín ngưỡng Quốc tổ Hùng Vương, cũng là biểu hiện cho tín ngưỡng thờ tổ tiên của người Việt. Vì vậy, về mặt nghi lễ, đó là nghi lễ linh thiêng nhất.

Hát xoan ngoài phần lễ nghi còn là tập hợp của những điệu hát trữ tình giao duyên, vừa nôm na lại vừa duyên dáng. Trong lễ hội của làng xoan, sau phần lễ đều có phần vui chơi mà người phường xoan gọi là hát chơi bời gồm có hát đúm, hát đố, hát đối đáp trai gái... mang dáng dấp của các bài dân ca, ví giao duyên, hát trống quân. Sức sống của hát xoan chính là tổng hợp của loại hình hát lễ nghi với hát giao duyên, tồn tại lâu dài và được người già đến người trẻ yêu thích.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Khi nghệ thuật bác học... ra đường



LĐ - Không còn xa lạ ở nước ngoài, nhưng ở Việt Nam, nghệ thuật đường phố còn là một danh từ khá mới mẻ. Phản xạ chung của người qua đường khi bắt gặp những giàn nhạc thường chỉ xuất hiện trong nhà hát lớn nay chơi nhạc cụ ngay ở góc công viên là tò mò, thích thú và thắc mắc: Ồ, bài này nghe quen quen…

http://www1.laodong.vn/Images/2011/11/28/2JPG-101838
Dàn nhạc “Tôi yêu sự chia sẻ” đang say sưa biểu diễn.



Nằm trong những dự án mang nhạc giao hưởng đến gần hơn với công chúng, chương trình “Tôi yêu sự chia sẻ” và “Luala Concert” diễn ra ở các công viên Hà Nội những ngày cuối tuần đang mang lại những thú vị cho người xem.

Với Luala Concert, (có buổi biểu diễn đầu tiên vào 11.11 tại vỉa hè Nhà xuất bản Âm nhạc, 61 Lý Thái Tổ) 20 nghệ sĩ đàn dây đến từ Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam trình diễn các tác phẩm của những nhà soạn nhạc thế giới và Việt Nam hàng tuần vào thứ Bảy (15h-17h) và Chủ nhật (10h-12h và 15h-17h) từ 11.11.2011 đến ngày 11.1.2012.

Dự án “Tôi yêu sự chia sẻ” có buổi buổi biểu diễn đầu tiên sáng chủ nhật 20.11 vừa qua tại vườn hoa Lý Thái Tổ. Trong buổi hòa nhạc, các học viên của Học viện âm nhạc Quốc gia sẽ hòa tấu những bản giao hưởng của các nhà soạn nhạc nổi tiếng trên Thế giới và Việt Nam. Dự án âm nhạc này sẽ được diễn ra đều đặn vào sáng Chủ nhật hàng tuần từ nay tới hết 2012. Dự kiến dự án sẽ mở rộng ở nhiều tỉnh thành khác trong cả nước.

“Tôi yêu sự chia sẻ” là sẽ không chỉ biểu diễn âm nhạc cổ điển như Luala Concert mà còn có nhiều thể loại âm nhạc khác nhau. Sẽ có độc tấu, hòa tấu các loại nhạc cụ Việt Nam và châu Âu với dàn nhạc dây, dàn kèn, dàn nhạc dân tộc, dàn nhạc jazz, hòa tấu accordeon với số lượng nhạc công từ 8 đến 30 người.

Hòa nhạc, người ta thường chỉ thấy trong không gian sang trọng của nhà hát lớn, nay được… ra đường, để violon, kèn… và những sáng tác bất hủ của Schubert, Mozart...  cùng hòa tấu giữa bát ngát gió, nắng và những tiếng vỗ tay không ngớt của khán giả đứng, ngồi đủ tư thế xung quanh.

Khách qua đường tỏ ra khá thích thú với loại hình âm nhạc mới mẻ này của Hà Nội. Ông Hoàng Cao Minh- một người dân sống ở gần Bờ Hồ cho hay chưa bao giờ vào Nhà hát Lớn xem hòa nhạc và trình độ của mình chưa đủ để hiểu hết các bản nhạc trên. Nhưng vào sáng Chủ nhật hàng tuần, được nghe những bản nhạc nhẹ nhàng ở góc phố, công viên, ông cảm thấy thư thái và thấy Hà Nội bình yên vô cùng…

Từng được sử dụng làm nhạc phim, rồi nhạc quảng cáo không biết bao nhiêu lần, nhưng sáng tác của Mozart với Piano concerto K. 488, hay Mozart - Symphony No.40 vẫn còn rất xa lạ với Việt Nam. Chỉ tính riêng bản nhạc vô cùng quen thuộc trước bản tin dự báo thời tiết hàng ngày, ai cũng nhẩm được giai điệu, nhưng có mấy ai biết đó là Vivaldi - Serenade To Spring?

Nghệ thuật là không biên giới. Mới mẻ và độc đáo, âm nhạc đường phố mang một cơ hội được thể hiện, trải nghiệm, trình diễn trước đám đông cho các học viên của Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam và hướng tới cho khán giả Việt những thú vị của một loại hình nghệ thuật bác học, nhưng không hề xa lạ…

Thúy Hằng
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thái Thanh Tâm

TQ cấm quảng cáo giữa giờ phim
Cập nhật: 10:16 GMT - thứ ba, 29 tháng 11, 2011

   
   
   
   
   

Dự đoán các đài truyền hình sẽ thất thu vì quy định mới

Trung Quốc ra lệnh cấm quảng cáo trong các phim chiếu trên truyền hình trong một phần chiến dịch cải cách hoạt động văn hóa.

Quảng cáo sẽ bị cấm ở giữa các chương trình có độ dài trên 45 phút, bắt đầu từ 1 tháng Giêng 2012.


   

Giới chức nói điều này là phù hợp với "tinh thần" một cuộc họp gần đây của Đảng Cộng sản.

Các lãnh đạo cao cấp khi đó nói họ muốn phát triển "nền văn hóa xã hội chủ nghĩa", mặc dù không giải thích rõ ý là gì.

Nhưng các đài truyền hình hiểu rõ động thái mới nhất có ý nghĩa gì - họ nói doanh thu sẽ giảm sút.

Loan báo được Cục Quản lý nhà nước về phim, đài phát thanh và truyền hình (SARFT) thông báo trên trang web.

Cục này nói quy định là một phần của thái độ mới đối với văn hóa, được Ban Chấp hành Trung ương đảng đề ra hồi tháng 10.

Thông cáo của SARFT nói: "Phát thanh và truyền hình là cơ quan ngôn luận của đảng và nhân dân - mặt trận tuyên truyền quan trọng về tư tưởng văn hóa."

Một phát ngôn nhân của cục nói với Tân Hoa Xã rằng mục tiêu là đưa các show truyền hình trở nên phù hợp với "lợi ích và khát vọng của nhân dân".

Đảng Cộng sản luôn kiểm soát chặt chẽ hoạt động văn hóa, ví dụ như chương trình truyền hình.

Vài tháng trước, Đảng yêu cầu một kênh thương mại ăn nên làm ra phải ngừng phát chương trình thi thố tài năng, Super Girl.

Tại cuộc họp gần đây của Ban Chấp hành Trung ương, các lãnh đạo cao cấp có vẻ muốn để ý kỹ hơn nữa các đài truyền hình.

Nhưng động thái mới nhất sẽ tác động đến tiền bạc của các công ty này.

Một lãnh đạo truyền hình giấu tên được cho là đã bình phẩm: "Chính phủ có thể giết chúng ta nếu cấm quảng cáo trong các loạt phim truyền hình ăn khách nhất."

Một nữ phát ngôn của Truyền hình Vệ tinh Hồ Nam nói quy định mới đưa ra sau khi phần lớn hợp đồng quảng cáo cho năm sau đã được ký.

"Các ông chủ truyền hình toàn quốc sẽ có nhiều đêm mất ngủ," bà nói.

Ngành quảng cáo truyền hình Trung Quốc có giá trị gần 500 tỉ nhân dân tệ hồi năm ngoái.

Giá một suất quảng cáo trước bản tin buổi tối của Truyền hình Trung ương lên tới 440 triệu nhân dân tệ cho tám tháng, tại một cuộc đấu giá gần đây.
Trên đời này, chuyện gì cũng có thể xẩy ra-Thái Thanh Tâm
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Vị chua thương nhớ



SGTT.VN - Vị chua đóng một vai trò quan trọng trong ẩm thực. Nêm nếm vị chua cũng là một cách để đánh giá khả năng nấu nướng khéo léo của người làm bếp.

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=157382
Canh chua cá thát lát.



Những chất chua trong ẩm thực
Các nguyên liệu làm cho món ăn có vị chua, có thể được xem là một dạng gia vị đặc biệt và đa dạng, gồm các loại rau quả có chất chua hoặc các thực phẩm lên men khác nhau.

Như dưa cải muối, bông súng muối chua, măng chua… Các loại quả như sấu, me, chanh, cà, thơm, muỗm, thanh trà, khế,… Với lá thì có lá me, lá giang, lá giấm... Và một số nguyên liệu lên men vi sinh cũng thường xuyên được sử dụng để tạo chua như mẻ, bỗng rượu, giấm... Qua những chất chua như trên, biết bao món ăn đã được chế biến. Từ đơn giản như nước rau muống luộc vắt chanh, cho đến những món cất công hơn như riêu cua, nước mắm pha chua ngọt… không thể thiếu vị chua – làm nên sự kích thích hài hoà cho vị giác.

Canh chua
Đặc biệt, vị chua được người Việt chế biến rất nhiều món canh mà ở cả ba miền đất nước đều có với hương vị đặc thù. Nguyên liệu nấu canh chua là các loại rau, quả hoặc các loại nguyên liệu lên men vi sinh có vị chua nấu cùng các loại thịt hay thuỷ hải sản (cá, tôm, cua, ốc, hến, nghêu…). Một đặc điểm đã được dân gian đúc kết bao đời là tuỳ theo nguyên liệu chính là gì để sử dụng chất tạo chua tương ứng và liều lượng chua khác nhau. Chính điều này đã tạo nên khẩu vị riêng cho từng món canh chua của các vùng miền.

Canh chua miền Bắc phần nhiều sử dụng những loại gia vị lên men tự nhiên, như giấm nuôi, giấm bỗng, cơm mẻ. Phổ biến nhất là canh riêu, từ riêu cua, riêu ốc đến riêu cá, mỗi món có một vị chua khác nhau. Riêu cua, riêu ốc nấu với giấm bỗng rượu nếp, vị thanh nước trong cho hương thơm ngạt ngào. Riêu cá phối cùng cơm mẻ mang lại vị chua dịu dàng hơn. Canh chua sấu giằm được xem là món canh chua theo mùa hạng nhất của miền Bắc. Mùa hạ là mùa sấu, trời nóng bức, tô canh chua sấu – nghe đã thấy… dịu lại.

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=157383
Canh chua mực



Ở miền Trung, vị chua từ cây trái được dùng nhiều hơn, phổ biến nhất là khế, cà chua. Tô canh chua hến hay tép nấu khế chua, hoặc cá biển nấu cà; chất chua của khế, cà có lẫn chút ngòn ngọt, thơm thơm hoà hợp một cách đặc trưng của canh chua miền Trung. Và, trong đó có thêm vị cay nhiều của ớt, ớt không thể thiếu và làm nên hương sắc riêng cho canh chua miền Trung.

Là vùng đất sản vật cây trái, rau quả phong phú nên tô canh chua miền Nam có phần “rộn ràng” hơn với đủ thứ rau như giá, bạc hà, đậu bắp, rau om, ngò gai... và lấy chua từ trái me, thơm, cà... Để tô canh đậm đà hơn còn được nêm thêm chút đường, đó là đặc điểm riêng của canh chua Nam bộ. Ngoài trái cây, những loại lá cũng được dùng để nấu canh chua như lá me, lá giang, lá giấm... Cái chua thanh tao của lá giang nấu với gà, hay lá giấm nấu cá đã tạo nên vị chua đặc trưng cho dòng canh chua đất phương Nam. Vị chua là một trong ngũ vị quan trọng của ẩm thực. Những cung bậc của vị chua đã góp phần tạo nên vẻ “bóng bảy” cho món ăn ba miền.

bài và ảnh: Quang Tâm
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

avgroup

Ngày 07/12, trang web smarttravelasia.com, trang web của tạp chí du lịch trực tuyến Smart Travel Asia chính thức công bố danh sách các thương hiệu du lịch tốt nhất châu Á năm 2011.

Hà Nội và Hội An- 2 địa điểm du lịch hấp dẫn nhất Việt Nam theo vietlongtravel.com đã lọt vào top 10 điểm đến du lịch tốt nhất châu Á (Top 10 Holiday Destinations).

Theo đó, Hà Nội và Hội An lần lượt đứng ở vị trí 6 và 7 trong top 10 điểm đến tốt nhất châu Á. Như vậy, Hà Nội tăng một bậc so với năm 2010, còn Hội An tụt 2 bậc so với năm 2010.

Cùng pv ngắm vẻ đẹp của Hà Nội và Hội An, 2 trong 10 điểm đến du lịch tốt nhất châu Á:
http://lh5.ggpht.com/-2lIqkJ1tMZc/TnMymXDE5nI/AAAAAAAAIcs/MlRFvD79OFM/dep-nhu-viet-nam-0%25255B7%25255D_thumb.jpg?imgmax=800


Khách nước ngoài đến Hà Nội ấn tượng với phố cổ...
http://lh4.ggpht.com/-hBNTRPqzmHk/TnMyoKKIx5I/AAAAAAAAIc0/P_0T5-6aYx0/dep-nhu-viet-nam-1%25255B5%25255D_thumb.jpg?imgmax=800



http://lh6.ggpht.com/-7ld8E1cYo08/TnMyrtowHjI/AAAAAAAAIdE/tvzaAHfqXIg/dep-nhu-viet-nam-3%25255B4%25255D_thumb.jpg?imgmax=800


Một Hà Nội dịu dàng

http://lh4.ggpht.com/-B16L4q9vgb0/TnMytdbHUAI/AAAAAAAAIdM/kVJT9Np-mP4/dep-nhu-viet-nam-4%25255B4%25255D_thumb.jpg?imgmax=800

Hà Nội trong mắt ai

http://lh6.ggpht.com/-R78esaGmyfk/TnMyvITepAI/AAAAAAAAIdU/wE6zK1_5MOY/dep-nhu-viet-nam-5%25255B4%25255D_thumb.jpg?imgmax=800

Hà Nội cũng rất ồn ào
http://lh3.ggpht.com/-QukChj2RBfc/TnMyyfIiS6I/AAAAAAAAIdk/MVuskaMmLMM/dep-nhu-viet-nam-7%25255B4%25255D_thumb.jpg?imgmax=800


Khách sạn Mertropole về đêm
http://lh5.ggpht.com/-k-Vvy11Aaps/TnMy2ZGQPeI/AAAAAAAAId0/25cpFCsPmHs/dep-nhu-viet-nam-9%25255B4%25255D_thumb.jpg?imgmax=800
http://lh5.ggpht.com/-CB0SkJkQhCI/TnMy5_f2l7I/AAAAAAAAIeE/BWqhDFHM9Qk/dep-nhu-viet-nam-11%25255B4%25255D_thumb.jpg?imgmax=800
Đèn lồng Hội An
http://lh4.ggpht.com/-Ze0SVZCe4u8/TnMy-BeMRRI/AAAAAAAAIeU/nHad_7vHFvw/dep-nhu-viet-nam-13%25255B4%25255D_thumb.jpg?imgmax=800
Cầu Chùa cổ kính
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đồ Nghệ

.

10 đặc tính cơ bản của người Việt (*)


   
Theo Viện nghiên cứu xã hội học Hoa Kỳ thì người Việt có 10 đặc tính cơ bản sau:

1. Cần cù lao động song dễ thỏa mãn nên tâm lý hưởng thụ còn nặng.
2. Thông minh, sáng tạo, song chỉ có tính chất đối phó, thiếu tầm tư duy dài hạn, chủ động.
3. Khéo léo, song không duy trì đến cùng (ít quan tâm đến sự hoàn thiện cuối cùng của sản phẩm).
4. Vừa thực tế, vừa mơ mộng, song lại không có ý thức nâng lên thành lý luận.
5. Ham học hỏi, có khả năng tiếp thu nhanh, song ít khi học “đến đầu đến đuôi” nên kiến thức không hệ thống, mất cơ bản. Ngoài ra, học tập không phải là mục tiêu tự thân của mỗi người Việt Nam (nhỏ học vì gia đình, lớn lên học vì sĩ diện, vì kiếm công ăn việc làm, ít vì chí khí, đam mê).
6. Xởi lởi, chiều khách, song không bền.
7. Tiết kiệm, song nhiều khi hoang phí vì những mục tiêu vô bổ (sĩ diện, khoe khoang, thích hơn đời).
8. Có tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, song hầu như chỉ trong những hoàn cảnh, trường hợp khó khăn, bần hàn, còn trong điều kiện sống tốt hơn, giàu có hơn thì tinh thần này rất ít xuất hiện.
9. Yêu hòa bình, nhẫn nhịn, song nhiều khi lại hiếu thắng vì những lý do tự ái, lặt vặt, để tiểu cục làm mất đại cục.
10. Thích tụ tập, nhưng lại thiếu tính liên kết để tạo ra sức mạnh (cùng một việc, một người làm thì tốt, ba người làm thì kém, bảy người làm thì hỏng).

According to the American Institute of Social Research, the Vietnamese people have 10 major characteristics.

1. First, they are hard working but easy to satisfy.
2. Second, they are smart and creative to cope with short-termed difficulties, but lack long-termed and active reasoning abilities.
3. Third, they are dexterous but hardly pay attention to the final perfection of their products.
4. Fourth, they are both practical and idealistic, but don’t develop either of these tendencies into theories.
5. Fifth, they love knowledge and have quick understanding, but hardly learn from the beginning to the end of things, so their knowledge isn’t systemic or fundamental.   In addition, Vietnamese people don’t study just for the sake of knowledge (when small, they study because of their families; growing up, they study for the sake of prestige or good jobs).
6. Sixth, they are open-hearted and hospital, but their hospitality doesn’t last.
7. Seventh, they are thrifty, but many times squander money for meaningless reasons (to save face or to show off).
8. Eighth, they have solidarity and help each other chiefly in difficult situations and poverty; in better conditions, this characteristic rarely exists.
9. They love peace, and can endure things, but they are often not frank for sundry reasons, so sacrifice important goals for the sake of small ones.
10. And last, they like to gather, but lack connectivity to create strength (one person can complete a task excellently; 2 people do it poorly, and 3 people make a mess of it).

Người dịch: Lê Văn Út, ĐH Oulu, Phần Lan
(*): Viện nghiên cứu xã hội học Hoa Kỳ liệt kê

Nguồn: http://cc.oulu.fi/~levanut; http://utvle.wordpress.com; https://levanut.wordpress.com
...
Все пройдет и печаль и радость
Все пройдет так устроен свет
Все пройдет только верить надо
Что любовь не проходит нет ..
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đồ Nghệ

Mười tật xấu của người Việt



1- Hay ồn ào nơi công cộng, chưa có ý thức tôn trọng người khác. Gặp nhau trên xe buýt, trên tàu, nhà ga… thường nói oang oang coi như không có ai. Vào quán nhậu thì "một, hai, ba… dô!…". Vui đấy nhưng ảnh hưởng người khác. "Sáng tạo" đổi "bô" xe máy, đổi còi xe để tiếng nổ quái dị hơn. Hay làm ầm ĩ nơi cầu thang, nói chuyện tiếng to như cãi vã, nên mặt và cổ nổi đầy gân guốc…

2- Không có phong thái lịch sự khi giao tiếp, điệu bộ cử chỉ "quê mùa". Khi nói chuyện thường không nhìn thẳng nên có cảm giác như muốn che giấu điều gì đó. Khi bắt tay quan trên hoặc người quan trọng thì cúi lưng rồi làm động tác "lật đật" (dân Nhật hoặc dân Thái thì lại khác).
Chưa được mời đã sỗ sàng ngồi chễm chệ nên thường ngồi sai vị trí theo ý muốn của gia chủ. Khi ngồi còn co chân lên ghế. Hay cười thì tốt nhưng nhiều khi cười rất vô duyên. Đa số không biết nện gót giầy, mặt ngẩng cao, sải bước dài. Tay lại hay vẩy tứ tung nên trông rất lận đận, ngay cả các người mẫu.

3- Không kiềm chế tốt nên hơi cãi vã là có thể dẫn đến đánh nhau, có khi còn rút cả dao ra đâm chém nhau trong khi vấn đề chẳng có gì nghiêm trọng.
Đặc biệt người Việt hay sĩ diện hão (nhà chẳng có gì, thậm chí không có bộ bàn ghế, cốc chén ra hồn để tiếp khách, nhưng lại dốc hết tiền mua xe máy đẹp, điện thoại đẹp để khoe mẽ).
Ngay ở một số thành phố lớn, nhiều người phương tiện sinh hoạt lạc hậu nhưng ra ngoài lại rất "oách". Điệu bộ cử chỉ lời nói, hành động mâu thuẫn với hình thức.

4- Lúng túng, không tự nhiên trong ứng xử, nhất là các tình huống bất ngờ  (khác với sự chuẩn bị). Rất ít người có tài hùng biện mà đa số phải giở giấy viết sẵn ra đọc, ngay cả đọc cũng vấp váp liên tục.

5- Bừa bãi, bạ đâu vứt đó mà ít tuân thủ nguyên tắc, quy định của cộng đồng. Như ăn chuối, ăn kẹo, kem, kẹo cao su… tiện tay vứt xuống đường. Tham gia giao thông thì mạnh ai nấy chạy, coi mặt đường như của riêng mình. Khi không có cảnh sát, sẵn sàng bất chấp. Sai thì cố cãi bằng được, không được thì xin xỏ, không xin xỏ được thì giở trò đút lót…

6- Hay cậy thế nhờ vả họ hàng là quan chức, "thấy kẻ sang bắt quàng làm họ". Sẵn sàng đút lót để đạt mục đích, không chú tâm rèn luyện chuyên môn mà tìm mọi cách chạy vòng vo mang tính khôn lỏi. Sẵn sàng chà đạp lên người khác để đạt mục đích nên rất nhiều quan có chức to nhưng bất tài.
Cả xã hội lao vào con đường chạy chọt: Chạy vào trường điểm, thuê thi hộ, chạy vào cơ quan Nhà nước nhiều lộc, chạy quyền chạy chức, chạy dự án, chạy quy hoạch… Người Việt rất khéo trong việc đút lót nên thường đã "đút" là "thành công".

7- Hay nói nước đôi lập lờ nên nhiều khi không biết đâu mà lần. Có nhiều người trong phòng nhưng hai người thì thầm nhỏ to, mắt liếc ngang liếc dọc như đang nói xấu ai đó. Đi đường hay rẽ ngang mặc dù đang thực hiện một việc khác, tệ "buôn dưa lê"cũng từ thói quen này mà ra. Khi nhìn cái gì lạ thường không biết kiểm soát hành động như để mồm há hốc, mắt thô lố…

8- Ưa nịnh, khi bị phê bình hoặc tố cáo thường tấn công lại chính người đã tố cáo phê bình mình mà ít khi tự xem sai lầm ở chỗ nào. Hay tìm cách đổ lỗi, đùn đẩy trách nhiệm… Nhiều nhà văn chẳng có tác phẩm nào gây sự chú ý của độc giả mà chỉ suốt ngày mượn mặt báo để khích bác nhau, lại còn chơi chữ nữa chứ!

9- Thụ động, sức sáng tạo kém khi ra bên ngoài do bị giáo dục một chiều, quen vâng lời. Phải mất một thời gian dài mới hòa nhập được. Có người hồi bé do hồn nhiên trong sáng nên làm thơ hay tuyệt, sau này trưởng thành không biết có phải vì được giáo dục nhiều "tính" quá nên nay viết dở.

10- Thích đủ thứ nhưng không muốn phải mất tiền (cũng do nghèo nên hèn?). Đi nhà hát, xem ca múa nhạc kịch… là để các nghệ sỹ có điều kiện sống và phát triển nghề phục vụ lại công chúng thì đa số thích xem ti vi (miễn phí) ở nhà.
Phần mềm máy tính thì chỉ săn Free, Crack hoặc cùng lắm là "tải về bản dùng thử". Con cái các quan giàu có là thế cũng cố cướp lấy tiêu chuẩn ưu tiên dành cho người nghèo, người giỏi. Ngay cả cựu Bộ trưởng đi học cũng muốn được Free (miễn phí).

Mai Văn Khách
...
Все пройдет и печаль и радость
Все пройдет так устроен свет
Все пройдет только верить надо
Что любовь не проходит нет ..
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thái Thanh Tâm

Đồ Nghệ đã viết:
.

10 đặc tính cơ bản của người Việt (*)


   
Theo Viện nghiên cứu xã hội học Hoa Kỳ thì người Việt có 10 đặc tính cơ bản sau:

1. Cần cù lao động song dễ thỏa mãn nên tâm lý hưởng thụ còn nặng.
2. Thông minh, sáng tạo, song chỉ có tính chất đối phó, thiếu tầm tư duy dài hạn, chủ động.
3. Khéo léo, song không duy trì đến cùng (ít quan tâm đến sự hoàn thiện cuối cùng của sản phẩm).
4. Vừa thực tế, vừa mơ mộng, song lại không có ý thức nâng lên thành lý luận.
5. Ham học hỏi, có khả năng tiếp thu nhanh, song ít khi học “đến đầu đến đuôi” nên kiến thức không hệ thống, mất cơ bản. Ngoài ra, học tập không phải là mục tiêu tự thân của mỗi người Việt Nam (nhỏ học vì gia đình, lớn lên học vì sĩ diện, vì kiếm công ăn việc làm, ít vì chí khí, đam mê).
6. Xởi lởi, chiều khách, song không bền.
7. Tiết kiệm, song nhiều khi hoang phí vì những mục tiêu vô bổ (sĩ diện, khoe khoang, thích hơn đời).
8. Có tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, song hầu như chỉ trong những hoàn cảnh, trường hợp khó khăn, bần hàn, còn trong điều kiện sống tốt hơn, giàu có hơn thì tinh thần này rất ít xuất hiện.
9. Yêu hòa bình, nhẫn nhịn, song nhiều khi lại hiếu thắng vì những lý do tự ái, lặt vặt, để tiểu cục làm mất đại cục.
10. Thích tụ tập, nhưng lại thiếu tính liên kết để tạo ra sức mạnh (cùng một việc, một người làm thì tốt, ba người làm thì kém, bảy người làm thì hỏng).

According to the American Institute of Social Research, the Vietnamese people have 10 major characteristics.

1. First, they are hard working but easy to satisfy.
2. Second, they are smart and creative to cope with short-termed difficulties, but lack long-termed and active reasoning abilities.
3. Third, they are dexterous but hardly pay attention to the final perfection of their products.
4. Fourth, they are both practical and idealistic, but don’t develop either of these tendencies into theories.
5. Fifth, they love knowledge and have quick understanding, but hardly learn from the beginning to the end of things, so their knowledge isn’t systemic or fundamental.   In addition, Vietnamese people don’t study just for the sake of knowledge (when small, they study because of their families; growing up, they study for the sake of prestige or good jobs).
6. Sixth, they are open-hearted and hospital, but their hospitality doesn’t last.
7. Seventh, they are thrifty, but many times squander money for meaningless reasons (to save face or to show off).
8. Eighth, they have solidarity and help each other chiefly in difficult situations and poverty; in better conditions, this characteristic rarely exists.
9. They love peace, and can endure things, but they are often not frank for sundry reasons, so sacrifice important goals for the sake of small ones.
10. And last, they like to gather, but lack connectivity to create strength (one person can complete a task excellently; 2 people do it poorly, and 3 people make a mess of it).

Người dịch: Lê Văn Út, ĐH Oulu, Phần Lan
(*): Viện nghiên cứu xã hội học Hoa Kỳ liệt kê

Nguồn: http://cc.oulu.fi/~levanut; http://utvle.wordpress.com; https://levanut.wordpress.com
Cũng là cách nhìn nhận của người ngoài. Đúng nhưng chưa đủ và chưa thật đặc trưng.
Trên đời này, chuyện gì cũng có thể xẩy ra-Thái Thanh Tâm
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Trí thức và vai trò của trí thức châu Âu



Trần Thị Phương Hoa
Viện Nghiên cứu châu Âu
Viện Khoa học Xã hội Việt Nam



1.  Trí thức Anh, Pháp - sự khác biệt

           Một trong những gương mặt tiêu biểu của trí thức châu Âu hiện đại là Pierre Bourdieu, người kế tục truyền thống của các thế hệ trí thức Pháp từ Voltaire tới Foucault. Vào khoảng giữa những năm 1990, Bourdieu đã xuống đường biểu tình bảo vệ quyền lợi cho  công nhân thất nghiệp và lên án  học thuyết kinh tế tự do mới ngày càng đào sâu hố ngăn cách giữa người giàu và người nghèo, giữa quốc gia phát triển và quốc gia chậm phát triển. Bourdieu đã rời bỏ các thư viện, giảng đường, viện nghiên cứu để xuống đường, từ một nhà nghiên cứu xã hội học (được đánh giá là nhà xã hội học hàng đầu tại Pháp) thành một nhà hoạt động xã hội tích cực. Niilo Kauppi viết ‘Lý thuyết cần có nền tảng luân lý để biến thành thực tiễn, khoa học cần  đạo đức để nắm quyền lực’[1], khi đánh giá cao giá trị con người Đạo đức, bên cạnh con người Khoa học của Bourdieu, người luôn đứng về phía quần chúng để bảo vệ cho lợi ích của họ. Ở Pháp và châu Âu, hình ảnh của ông được ví với ‘người trí thức anh hùng của nước Pháp, một điển hình của trường phái Lãng mạn một mình chống lại những thiên kiến tập thể, người dũng cảm nói lên sự việc như nó đang xảy ra trên thực tế’[2].

Nếu trí thức Pháp, cũng như trí thức Nga, luôn tự nhận về mình những trách nhiệm cao cả đối với xã hội, quyền lực của họ được đánh giá tương ứng, trong nhiều trường hợp, ngang với quyền lực chính trị, thì ở Anh, “trí thức không mấy được để ý đến”, bất chấp những tên tuổi như Isaac Newton, John Locke, Adam Smith, Jeremy Bentham, William Wordsworth, Charles Dickens, Charles Darwin... Thậm chí ở Anh “không ai muốn được gọi là trí thức, vì họ hoàn toàn không có chút quyền lực và ảnh hưởng nào”[3]. Thái độ của người Anh đối với khái niệm “trí thức” không hề giống với những gì mà ngừơi Pháp tôn trọng “ ở hầu hết các nước nói tiếng Anh, tên gọi ‘trí thức’ không hàm ý khen ngợi, ngược lại nó có nghĩa dè bỉu hoặc bị lạm dụng”[4], bởi vì, người Anh được giáo dục  rằng “tính cách quan trọng hơn trí tuệ”. Trên thực tế, trong khi trí thức Pháp và Nga luôn cảm thấy trách nhiệm xã hội nặng nề của mình thì trí thức Anh, với bản tính “phớt Ang-lê”, “không bao giờ thích được ưu tiên và trao quyền lực”. Đối với người Anh, nước Pháp tiêu biểu cho “chủ nghĩa thế giới, nhân tạo, lệ thuộc vào mốt, khôn khéo  và láu cá”[5]. Trong khi người Anh tự cho mình là thẳng thắn, tự nhiên, “mang chất đàn ông”. Trí thức Anh tìm cách lánh xa các hiện tượng bề nổi, các danh hiệu, tước phong và định hướng tới “thực tại, kinh nghiệm”. Cũng chính vì thế mà trí thức Anh bị chỉ trích là “đại diện cho tầng lớp trung lưu “Philistanh”- những người ham làm hơn là ham nghĩ ngợi, những nhà đạo đức mà thiếu “sự ngọt ngào và ánh sáng tư tưởng”, đặc điểm khiến cho trí thức Anh khác với trí thức Pháp và Đức vốn là những người khởi xướng ra chủ nghĩa lãng mạn.

           Tuy nhiên, nếu như trí thức Anh không hướng tới quyền lực thì giới quyền lực và tinh hoa của Anh lại có xuất thân từ  các gia đình có truyền thống học thức lâu đời, nhiều trong số họ là các nhà chuyên môn, các chuyên gia đỉnh cao. Họ tạo nên một giới “quý tộc có học thức”, liên kết với nhau bởi các mối quan hệ gia tộc và hôn nhân như những Macaulay, Trevelyan, Wedgwood, Darwin, Stephen, Strachey... Vào thế kỷ 18, 19, và những thập kỷ đầu thế kỷ 20, tầng lớp quý tộc này được đào tạo ở những trường học nổi tiếng, có bề dày thành tích hàn lâm. Họ đổ nhiều tiền của đầu tư cho nhà trường, phát triển các kho sách, thư viện, và tới lượt con cái họ được thừa hưởng những di sản học thức được vun đắp qua nhiều thế hệ.

           Vậy thì ở nước Anh, khái niệm “trí thức” (intellectual trong tiếng Anh,  intellectuele trong tiếng Pháp) mang hàm ý gì? Trước hết, người Anh dùng khái niệm “intellectual” để nói về văn hóa của họ, một nền văn hóa được đúc kết từ trí tuệ của con người. Sau sự kiện Dreyfus ở Pháp[6], nước Anh mới tập trung vào “intellectual” như là một giai tầng đặc biệt và vấn đề trách nhiệm của họ đối với xã hội. Trước thế kỷ 19, khái niệm “intellectual” hoặc “intelligentsia” không được sử dụng để chỉ một “giai tầng”. Những người làm việc trí óc được mô tả qua các từ “clerisy” (trí thức), “man of letter”, “literary men” (kẻ sĩ), hoặc “cultivators of science” (người vun trồng khoa học). Sau những năm 1870, 1880 mới dùng các từ “intellectual”, “intellectual life” (trí thức, đời sống trí thức)[7], trong đó “đời sống trí thức” bao gồm thơ ca, nghệ thuật, triết học, và tôn giáo. Đến cuối thời Victoria (cuối thế kỷ 19), “đời sống tri thức” bao hàm hoạt động trong các trường đại học. “Trường đại học là một tổ chức của đời sống trí thức của đất nước; đó là nơi học tập, nơi nuôi dưỡng khát vọng khoa học, là viện hàn lâm, là tổ ấm của học thức, là nơi trú ẩn của kẻ sĩ và những kẻ thích trầm tư”[8]. Năm 1910, Từ điển bách khoa Encyclopaedia Britannica định nghĩa “trí thức” là “người làm việc với lý thuyết và nguyên tắc hơn là với thực hành, lý thuyết của họ thường liên quan đến những vấn đề trừu tượng: họ xa rời thế giới, và họ chủ yếu thuộc giới dạy học và văn hóa, những người ít chú ý đến những thú vui tầm thường”[9]. Hayek phân biệt năm ý nghĩa khác nhau của khái niệm “trí thức”. Ý nghĩa thứ nhất như đã nói đến ở trên, trí thức là “học giả”. Ý nghĩa thứ hai, “trí thức” được dùng như tính từ có nghĩa là “trí tuệ”: trí thức là người có trí tuệ, thường có nghĩa bổ sung là người có học thức cao, phân biệt với những ngừơi làm việc tay chân. Ý nghĩa thứ ba, trí thức là người có tư duy độc lập và có đầu óc phê phán. Họ phải luôn nuôi dưỡng trong mình thái độ khách quan, đứng ngòai chính trị. Ý nghĩa này được khởi xướng  bởi triết gia và nhà văn Pháp Julien Benda, người chống lại những thiên kiến chính trị, chủng tộc và dân tộc của các trí thức cánh tả. Ý nghĩa thứ tư: trí thức là người thực hiện các chức năng xã hội hoặc vì xã hội. Xung quanh vấn đề này có nhiều bàn cãi, chẳng hạn chức năng này bao gồm những nhiệm vụ cụ thể nào hoặc cần phải thực hiện ở mức độ nào. Nhìn chung, đối với trí thức Anh thì chức năng này được hiểu là những định hướng văn hóa cho xã hội, trong khi đối với trí thức Pháp và Nga thì trí thức phải tiên phong trong các phong trào cách mạng và xả thân cùng những biến động xã hội. Ý nghĩa thứ năm, người trí thức, ngòai chức năng định hướng văn hóa còn có vai trò định hướng chính trị và xã hội- điều mà các trí thức Nga và Pháp coi là trách nhiệm hàng đầu. Họ phải có vai trò can thiệp vào đời sống chính trị và có tiếng nói đối với nhà cầm quyền dựa trên quan điểm khoa học.

(còn tiếp)

===================================================================
[1] Kauppi Niilo. The Sociologist as Moraliste: Pierre Bourdieu’s Practice of Theory and the French Intellectual Tradition/ SubStance, Vol 29. No 3, Issue 93: Special Issue: Pierre Bourdieu (2000), tr. 7-21, Published: University of Wisconsin Press.

[2] Kauppi Niilo, sđd, tr. 15

[3] Thomas William Hayek. Myths and Meanings of Intellectuals in Twentieth-Century British National Identity. The Journal of British Studies. Vol 37, No 2 (tháng 4/1998), tr. 195

[4] Dẫn theo Hayek. Sđd, tr. 195

[5] Hayek, sđd, tr. 196

[6] Sự kiện Dreyfus (Dreyfus affair)- diễn ra vào những năm 1890 tại Paris. Năm 1894, sĩ quan Dreyfus (gốc Do Thái) bị buộc tội lộ bí mật quân sự cho sứ quán Đức tại Paris và bị kết án chung thân dù tòa không có chứng cớ. Hai năm sau, người ta đã tìm ra chứng cớ minh oan cho Dreyfus, tuy nhiên quân đội Pháp đã cố tình bưng bít và tìm cách tiếp tục kết tội Dreyfus. Vụ án Dreyfus đã chia rẽ dư luận Pháp ra làm hai phe, một phe ủng hộ Dreyfus, trong đó có bức thư của Emile Zola (1898) gửi Tổng thống Pháp tố cáo sự bất công của phiên tòa xử Dreyfus , phe kia tiếp tục luận tội Dreyfus, trong đó chủ yếu gồm những ngừoi theo chủ nghĩa bài Do Thái. Sự kiện Dreyfus đã khiến giới trí thức Pháp nhận thấy rằng, trong nhiều trường hợp, họ phải đứng về một phía nào đó để bảo vệ cho lẽ phải.

[7] Hayek, sđd, tr. 203

[8] Mark Pattison. “A Chapter of University History”, Macmillan’s Magazine (8/1875), tr. 308.

[9] Encyclopaedia Britannica, tái bản lần thứ 11 (New York, 1910), mục “Intellect”

(Mời xem phần tiếp theo)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 55 trang (547 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [15] [16] [17] [18] [19] [20] [21] ... ›Trang sau »Trang cuối