Bây giờ ta bàn đến khả năng giữ và củng cố chính quyền của Tào Tháo.
Làm chính trị có hai điều tối kỵ là ngắn hơi và dềnh dàng. Trong sự nghiệp chính trị: "Đáng kể nhất không phải là sự bắt đầu mà là sự làm đến cùng". Dẹp loạn bắt đầu xây dựng lực lượng, rồi tạo uy thế, rồi nắm quyền chính chưa đủ, còn cần củng cố vững vàng, phát triển trật tự mới, thúc đẩy tiến bộ. Triều Chính Đông Hán đổ nát, tập đoàn Khăn Vàng dấy lên, rồi Đổng Trác, Vương Doãn, Viên Thiệu, đến Lý Thôi, Quách Dĩ thay nhau nắm quyền chính, nhưng tất cả không giữ nổi chính quyền củng cố và phát triển. Tất cả đều quan niệm chính quyền như một thế lực, một phương tiện để hưởng thụ, do đó hành động của cả bọn rất ngắn hơi, nghĩa là không biết hướng nào để làm đến cùng. Riêng Viên Thiệu thường mắc phải cái bệnh dềnh dàng, kéo dài sự việc lê thê chẳng dứt khoát bề nào bao giờ. Tào Tháo trái lại, ông cưa mạch nào đứt mạch ấy, liên hợp hay đấu tranh đối với Tháo chỉ là những thủ đoạn, để thực hiện đến cùng cho một đường lối chính trị mà Tháo cùng tập đoàn của ông quyết định theo đuổi. Kéo quân về Lạc Dương dẹp loạn, Tháo không phí bao hơi sức mà đã loại ra dễ dàng lực lượng chính trị quan trọng bấy giờ là phe cánh Đổng Trác. Nhưng trước mắt Tháo đã hiểu ngay ra kẻ địch đáng sợ trên quân sự là lực lượng Viên Thiệu, và trên chính trị là các vấn đề thuộc nội bộ. Tào Thào cũng nhìn thấy ngay nhược điểm của chính mình. Tháo bèn thực hiện ngay phương châm của Tôn Tử: "Trước hãy tìm cái thế không thể bại được". Nên Tháo nghe ngay lời Đổng Chiêu, thiên Triều đình về Hứa Đô để phòng mọi bất trắc. Ở Hứa Đô, Tháo đưa công tác chỉnh đốn nội bộ lên hàng đầu về mặt kiến thiết. Xây dựng sửa sang nhà cửa, cung miếu, lập kho tàng. Về mặt văn học: lập nền tảng giáo dục mới. Về mặt hành chính: định lại các quan tước phẩm vị, tạm thời dùng đám triều thần cũ và cài răng lược những người mới để chuẩn bị thay thế dần dần. Về mặt xã hội: Tháo đề ra ba phương châm: Trừ gian- Cấm dâm- Trừng tham. Về mặt kinh tế: kiểm soát và định lại thể thức tô thuế đất ruộng.
Làm cho người sợ gọi là uy, làm cho người chịu gọi là thế. Hợp cả uy lẫn thế lại tức là lực lượng vậy. Có quyền mà không có lực thì quyền rỗng, có lực mà không có quyền thì lực hẫng. Uy với thế cũng vậy. Uy là thể mà thế là dụng. Có uy không có thế cũng vậy. Giống như hổ về bình nguyên làm kẻ thất thế, đã thất thế thì lấy gì để bồi đắp uy cho lớn rộng. Cho nên Tào Tháo lúc nào cũng lo kiến lập uy thế. Hễ cứ mỗi hành động ra uy, ông lại dựa ngay vào đấy để phát triển thế.
Đánh giặc Khăn Vàng ở Duyên Châu là lập uy. Chiêu mộ hiền sĩ là tạo thế. Rút gươm chém Trương Liêu là lập uy, nghe lời Lưu Bị, Quan Vũ tha Trương Liêu, khiến Liêu cảm phục là tạo thế.
Machiavel viết trong quyển Le Prince rằng: "Les Etats subitement formés manquent de racines profondes et le premier orage risque de les renverser" (chính quyền mới xây dựng thiếu rễ sâu sẽ rất bị lật nhào ngay khi gặp cơn giông bão đầu tiên).
Chính quyền mới lập của Tháo, nhờ phương pháp uy và thế tiến hành song đôi, đã vững như bàn thạch.
Vụ chiếu chỉ Đai áo vỡ ra, Tào Tháo thẳng tay đàn áp, bọn chính thống thường coi việc đó như một bằng chứng hiển nhiên về tính gian hùng tàn ác của Tào Tháo. Các bạn độc giả, chắc cũng có bạn muốn phán xét phân minh việc làm của Tào Tháo. Vậy xin bạn hãy đọc lại lời Machiavel: "Cruauté bénie, si elle tue dans l' oeuf les désordres, gros de meurtres et de rapines, que trop de pitié eût laissé s' élever? Ces désordres blessent la société tout entière, tandis que les rigueurs ordonnées par le prince ne tombent que sur des particuliers. (Hành động tàn ác đáng ban phước lành khi nào nó tiêu diệt được từ trong trứng sự hỗn loạn chứa đầy chém giết và cướp bóc. Hành động tàn ác ấy vượt xa hẳn tình thương nếu tình thương để cho hỗn loạn dấy lên. Hỗn loạn sẽ tàn phá cả xã hội, còn những biện pháp cứng rắn chỉ giết vẻn vẹn mấy cá nhân). Machiavel kết luận: protéger d' abord la société, voilà où git la vraie clémence d' Etat. (Bảo vệ xã hội trước hết, đây mới chính là lòng nhân từ của nhà nước).
Bọn chính thống đời sau cũng thường mang đối chiếu vụ giết Đổng Phi, Đổng Thừa, Vương Tử Phục, Cát Bình với vụ tàn sát của Đổng Trác giết Trương Ôn, vụ chém giết ở Duyện Châu, Thanh Châu với vụ tàn sát ở Lạc Dương. Sự thật các vụ kể trên chẳng mang một điểm tương tự nào cả, dù ta xét chung trên quan điểm chính trị hay trên quan điểm đạo đức.
Đứng trên quan điểm chính trị, Đổng Trác thua xa Tào Tháo một trời một vực. Việc làm của Tào Tháo nhằm mục đích lập uy, còn việc làm của Trác hoàn toàn mang tính cách khủng bố. Cho nên Tào Tháo chấm dứt rất chóng bất cứ sự kiện nào có máu chảy người chết, còn Trác kéo dài ra để làm trò vui, để thoả mãn tính khát máu thích doạ nạt. Tháo phân định dứt khoát người có tội kẻ không. Còn Trác thì miên man chẳng biết chỗ nào là bờ bến, khiến cho hết thảy mọi người ngồi đứng không yên. Machiavel gọi lối hành động loại Đổng Trác là tàn ác thú tính và tàn ác vụng về (cruautés mal pratiquees).
Đứng trên quan điểm đạo đức, vụ chém giết ở Duyên Châu, Thanh Châu là kết quả của chiến tranh. Còn vụ tàn sát ở Tràng An là kết quả của cuộc đàn áp bắt di dân.
Tam Quốc chí diễn nghĩa đã viết rõ ràng tự sự như sau:
Lý Nho xui Đổng Trác:
- Nay tiền lương thiếu thốn nhiều, ở Lạc Dương nhiều nhà giầu, nên tịch thu cả lấy của phát cho quân.
Trác lập tức sai năm ngàn quân thiết kỵ đi bắt những người nhà giàu ở Lạc Dương, cả thảy mấy ngàn họ, mỗi người cầm một lá cờ lên đầu để bốn chữ: "Phản thần nghịch đảng" rồi đem ra ngoài thành chém tuốt, bao nhiêu của cải lấy sạch. Lý Thôi, Quách Dĩ bắt hết cả dân Lạc Dương, ước mấy trăm vạn, đưa sang Tràng An, cứ mỗi đoàn dân lại cho một đội quân đi áp, người chết ở dọc đường không biết bao nhiêu mà kể. Đàn bà con gái đã vừa nhọc vừa đói khát đau đớn trăm chiều, lại còn bị quân lính hãm hiếp, tiếng kêu khóc động trời chuyển đất. Người nào đi chậm, đằng sau có quân lính đốc thúc, quân lính còn chém giết người ngay giữa đường.
Lúc Trác đi, sai phóng hoả đốt cả cửa nhà dân ở. Trác lại sai Lã Bố khai quật các mồ mả để lấy vàng bạc châu báu.
Bàn về cách sử dụng quyền uy của Tào Tháo
Quyền uy là tất cả những gì quý báu đối với chính trị. Do quyền uy mà ta có thể sinh hay sát, cho hay đoạt, phải hay trái, phúc hay hoạ, thao túng hay khống chế cả người lẫn vật. Tuy nhiên cũng do quyền uy mà chính trị gia hay chế độ bị oán ghét hận thù hoặc được kính nể yêu mến, không biết sử dụng thì bị oán ghét hận thù. Cổ nhân đối với việc sử dụng quyền uy đặt ra ba điều:
a) Pháp
b) Lệnh
c) Thưởng phạt
Pháp là cách thức tổ chức của chế độ, pháp cũng là kỷ cương của chế độ đặt ra để điều chỉnh sinh hoạt toàn bộ xã hội. Chữ Pháp ở đây nếu đem so với danh từ pháp luật, thì hàm nghĩa nó rộng lớn hơn, vì pháp luật chỉ là những điều lệ được ghi rõ ràng để quy định quyền hạn, vị trí, phạm vi cho mỗi hành động. Danh từ Pháp theo nghĩa triết học chánh trị phương Đông ngoài những điều lệnh rõ ràng ấy, nó còn bao gồm cả một số nguyên tắc sống mà đại đa số người trong xã hội nhìn nhận trên tâm lý. Sách cổ viết: "Pháp là công cụ để trị thiên hạ. Không có pháp tất sẽ mất nhịp độ, mất nhịp tức là hỗn loạn vậy".
Tào Tháo tiến quân về Lạc Dương, tình hình hỗn loạn tơi bời. Ông đã chế định được pháp nghiêm minh để ngăn chặn sự loạn. Lúc đánh Duyện Châu cũng như lúc đến Lạc Dương, nguyện vọng của nông dân cũng như lòng mong mỏi của phần tử trí thức đang lên đều được toại ý. Ta có thể căn cứ vào việc cải biến nhanh chóng các đám quân nổi loạn ở Thanh Châu, Duyện Châu cùng việc Đổng Chiêu ra sức giúp Tào Tháo bình định Lạc Dương để chức minh.
Lệnh là hình thức biểu thị của pháp. Lệnh ví như sấm sét, gió bão để cổ võ vạn vật cho nên lệnh phải nghiêm, không mờ ám, không bất nhất sáng thay chiều đổi.
Đức tôn trọng lệnh luật của Tháo, trong đời Tam Quốc chẳng mấy ai sánh kịp. Rất nhỏ nhặt như việc con ngựa của Tháo hoảng hốt dẫm lên ruộng lúa, Tháo cũng đã tự cắt tóc để thị chúng, ta có cho đấy là một thủ đoạn đi chăng nữa, nhưng thủ đoạn không ngoài mục đích hướng vào sự tôn trọng luật lệnh.
Trong khi Trương Phi say rượu đánh Tào Báo để Lã Bố cướp mất Từ Châu, và Quan Công nóng nảy phá tan cả một chính sách Liên Ngô, Tam Quốc chí không cho ta thấy mảy may biện pháp trừng phạt của Lưu Bị đối với hai người này dù rất ít.
Về vấn đề thưởng phạt, Hoàng Thạch Công nói:
- "Công nhỏ không thưởng, tất công lớn không có. Oán nhỏ không tha tất oán lớn nảy sinh. Thưởng không làm cho người phục, phạt không khiến cho người vui chịu, tất bị phản. Thưởng kẻ vô công, phạt kẻ vô tội, cái nguy đến sau lưng.
Sách Quân Cấm viết:
Hương nhĩ chi hạ tất hữu tử ngư
Trọng thưởng chi hạ tất hữu tử phu.
(Dưới mồi thơm chắc có cá chết. Biết trọng thưởng, người sẽ vì ta mà hy sinh). Hàn phi Tử nói: "Ái đa giả tắc pháp bất lập, uy quả giả tất hạ xâm thượng". (Nuông chiều tất Pháp khó thi hành. Uy ít tất dưới nhờn).
Độc giả Tam Quốc Chí diễn nghĩa chắc đã có nhiều dịp so sánh Tào Tháo với Lưu Bị về đức tính này. Sự dung túng của Lưu Bị đối với Quan, Trương gieo mầm cho việc thất thủ Kinh Châu sau này.
Nghi án Lã Bá Sa và Lưu Phúc
Đời Tào Tháo có hai lần giết người bị đời sau coi là những hành động tội phạm:
Vụ thứ nhất: giết cả nhà Lã Bá Sa.
Vụ thứ hai: cầm giáo đâm chết Lưu Phúc.
Ngay đêm hôm ấy, Trần Cung thu xếp hành trang và lộ phí, cả hai người thay quần áo, mỗi người đeo một thanh gươm, cưỡi một con ngựa đi về quê Tào Tháo. Đi được ba hôm đến Thành Cao, trời đã xâm xẩm tối. Tháo cầm roi ngựa, trỏ vào một đám cây cối um tùm bảo Cung rằng:
- Ở trong này có Lã Bá Sa là bạn kết nghĩa với cha tôi. Tôi muốn vào chơi thăm nhà, rồi ngủ đấy một đêm, nên không?
Cung nói: Thế thì hay lắm.
Hai người đến cửa, xuống ngựa vào chào Lã Bá Sa. Sa hỏi Tháo rằng: Ta nghe triều đình tầm nã anh cấp lắm. Cha anh phải lánh sang ở Trần Lưu rồi. Sao anh đến được đây?
Tháo bèn đem chuyện đầu đuôi kể với Lã Bá Sa, rồi trỏ vào Trần Cung nói: Nếu không gặp được quan huyện đây, thì bây giờ đã thịt nát xương tan rồi.
Lã Bá Sa vái Trần Cung rồi nói:
- Cháu nó không gặp được ngài thì họ Tào còn gì? Đêm nay xin ngài hãy thong thả nghỉ lại đây. Nói xong đứng dậy vào trong nhà, một chốc trở ra bảo Trần Cung: Nhà tôi không có rượu ngon. Để tôi sang xóm Tây mua một bình rượu ngon về uống.
Nói rồi lật đật cưỡi lừa ra đi.Tháo với Cung ngồi ở nhà, chợt nghe thấy sau nhà có tiếng mài dao.
Tháo bảo Trần Cung rằng:
- Lã Bá Sa đối với tôi không thân thiết gì lắm. Chuyện này đáng nghi lắm.
Hai người sẽ rón rén bước vào sau nhà tranh, chỉ nghe thấy có tiếng người nói:
- Trói lại mà giết.
Tháo bảo cùng Trần Cung:
- Phải rồi, nếu ta không hạ thủ trước thì sẽ bị bắt.
Tháo và Cung hai người cùng rút gươm đi thẳng vào, gặp người nào trong nhà giết người ấy, giết một lúc tám mạng. Tìm đến trong bếp thì chỉ thấy một con lợn trói bốn vó sắp chọc tiết.
Cung giật mình nói:
- Mạnh Đức ơi! Đa nghi giết nhầm phải người tử tế rồi.
Hai người vội vàng trở ra lên ngựa đi. Đi được độ hai dặm gặp Lã Bá Sa cưỡi lừa về, trước yên treo hai vò rượu, tay xách một nắm rau quả. Sa hỏi hai người rằng:
- Hiền điệt với sứ quân sao lại đi?
Tháo nói:
- Tôi là người có tội không dám ở lâu.
Lã Bá sa nói:
- Ta đã dặn người nhà làm thịt con lợn rồi. Sứ quân với hiền điệt ngại gì một đêm. Xin quay ngay ngựa về cho.
Tháo cứ tế ngựa đi. Đi được vài bước, rút gươm ra quay trở lại, gọi Lã Bá Sa hỏi:
- Ai đi đằng sau ông đấy?
Sa quay đầu lại xem, Tháo chém ngay, Sa ngã xuống chết.
Cung cả sợ hỏi Tháo:
- Lúc nãy nhầm đã đành. Bây giờ sao lại đang tay như thế?
Tháo nói: Bá Sa về nhà, thấy nhiều người chết, tất nhiên không để im, nếu đem người đi đuổi thì ta bị vạ ngay.
Cung nói: Biết rằng mình nhầm rồi, lại còn cố ý giết người nữa, thực là đại bất nghĩa.
Tháo nói:
- Thà rằng ta phụ người còn hơn để người phụ ta.
Tám chữ:
Ninh ngã phụ nhân, vô nhân phụ ngã
của Tam Quốc Chí diễn nghĩa đã gây phản cảm ghét bỏ của người đời sau đối với Tháo rất mạnh.
Tào Tháo có tội hay không? La Quán Trung đã khép tội Tào chắc nịch trên tiểu thuyết. Nhưng trên chính sử ra sao?
Tôi xin kê khảo ra đây để độc giả phân xử.
Sách Tam Quốc Chí của Trần Thọ ghi:
"Tào Tháo không chịu nhận chức uý của Đổng Trác nên cải đổi tên họ trốn về miền Đông".
Sách Nguỵ Thư chép:
Thái Tổ rõ biết rằng Trác thế nào cũng đổ, không lời cáo biệt trốn về quê, tuỳ tùng có mấy người tìm gặp cố nhân Lã Bá Sa tại Thành Cao. Bá Sa đi vắng. Con cháu Lã Bá Sa hợp với ít gia nhân đánh Thái Tổ cướp của. Thái Tổ giết mấy người. Sách Nguỵ Thư Xuân Thu do Tôn Thịnh đời Tấn chép: "Thái Tổ nghe tiếng dao liếc loẹt xoẹt, nghĩ rằng họ đánh bắt mình, nhờ bóng đêm Thái Tổ vào giết hết. Sau biết mình nhầm rồi, nói: Ninh ngã phụ nhân vô nhân phụ ngã. Rồi đi"
Cũng sách trên, Tôn Thị (Thịnh?) chép:
Tư Mã Ý giả bắt Trịnh Tiểu Đồng uống thuốc độc, nói: "Ninh ngã phụ khanh, vô khanh phụ ngã".