“Đức hạnh cao diệu, dụng chỉ khả pháp. Kỳ đức túc dĩ lệ phong tục kiến lập pháp chế; cường quốc phú dân. Kỳ pháp túc dĩ chính thiên hạ, tư thông đạo hoá. Sách mưu kỳ diệu”
Ý nói: chính trị gia lý tưởng phải là người có nhãn quan xa rộng, nhận rõ thời đại, học vấn quảng bác, tư tưởng chu đáo, có kế hoạch an bang tế thế, giỏi ứng phó với hoàn cảnh nhân sự, can đảm gánh vác trách nhiệm biết đùng đạo đức, dám nói và dám làm.
Chỉ có Vũ hầu Gia Cát Lượng Khổng Minh là nhân vật duy nhất trong Tam Quốc có thể mang so sánh với mẫu người chính trị lý tưởng của cổ nhân mà thôi. Tuy nhiên Khổng Minh vẫn kém Tháo trên ý thức thực tiễn khả dĩ ứng phó với xã hội nhiễu nhương xã hội Tam Quốc.
Đọc lại những lời tha thiết trong bài biểu cuối cùng:
“Tôi chết đi không để trong nhà có tấm lụa thừa, hay có chút của riêng để phụ lòng bệ hạ đâu.”
Người đọc đều có chung một cảm giác yêu mến kính phục mẫu người chính trị lý tưởng Gia Cát Lượng.
Thất thủ Nhai Đình
Mã Tắc không tuân lời Gia Cát Khổng Minh để mất Nhai Đình thật là một vết thương chí mạng cho Vương nghiệp nhà Thục, đồng thời cũng là một thất bại lớn trong đời chánh trị của Khổng Minh. Mã Tắc còn gây nên chia rẽ trong nội bộ nước Thục để tạo thành môi trường cho sự đổ vỡ của nước Thục.
Sự thể như dưới đây:
Lưu Bị đến Ba Thục lập vương nghiệp, chính sách quy tụ nhân tài khi đem ra thực hiện, trên hiện tượng ta thấy có người bốn phương kéo tới, nhưng sự thực chủ lực cán bộ đều chỉ trông cậy vào tập đoàn trí thức vùng Kinh Châu.
Khổng Minh là thủ lãnh tập đoàn Kinh Châu.
Sau khi Lưu Bị chết, thì nhân sự Thục liền chia làm hai phái của tiên chủ và phái của Gia Cát.
Phái tiên chủ với các người cốt cán như: Nguỵ Diên, Trương Dực, Vương Bình, Hứa Từ, Tiều Chu, v.v…
Hai phái chống đối nhau.
Phái Khổng Minh giỏi hơn và nắm nhiều quyền hơn, tuy nhiên phái tiên chủ lúc nào cũng hục hặc không chịu và mưu toan giành giật quyền lại.
Các chiến tướng giỏi như Nguỵ Diên và Triệu Vân không ưa tập đoàn Khổng Minh nên dùng đủ mọi cách chống đối, ngược lại Khổng Minh cũng luôn luôn thiết kế chấn áp nhóm Diên. Mã Tắc nguyên quán Tương Dương, là một trí thức có hạng của tập đoàn Kinh Châu. Nhờ Khổng Minh nâng đỡ, nên lên chức rất nhanh. Mã Tắc giỏi biện thuyết về quân kế cho nên Gia Cát dụng làm tham quân. Khổng Minh thường cùng Mã Tắc đàm luận thâu đêm.
Năm Kiến Hưng thứ ba, Gia Cát Lượng đem binh bình định phía Nam. Mã Tắc tiễn ra ngoài mười dặm, bày mưu bẩy lần tha Mạnh Hoạch để thu phục nhân tâm.
Theo các sách khác thì đại khái Mã Tắc giỏi như vậy. Nhưng ở Tam Quốc chí diễn nghĩa thì lại có câu: "Mã Tắc là người ngôn quá kỳ thực, không thể dùng làm việc lớn được" của Lưu Bị nói với Khổng Minh.
Sách nào sai, sách nào đúng, Mã Tắc giỏi hay không giỏi, bây giờ chúng ta không thể đoán được.
Nhưng việc Mã Tắc ghi trong nhiều sách đều mang những điểm giống nhau, để chứng dẫn cho ta biết rằng:
Có mâu thuẫn trong nội bộ Thục giữa hai phái Tiên chủ và phái Gia Cát Lượng
Mã Tắc làm mất Nhai Đình khiến cho mâu thuẫn nổ bùng thành tranh chấp trong nội bộ Thục.
Gia Cát có lầm lỗi về việc dùng người, trong hành động quá thiên tư đối với tập đoàn trí thức Kinh Châu, ở đây Gia Cát đã phản lại phương châm: lòng tôi như chiếc cân, không vì người mà nặng nhẹ của ông đã nêu ra.
Năm Kiến Hưng thứ sáu, Gia Cát Lượng xuất binh Kỳ Sơn đánh Nguỵ. Lần này, ai cũng nghĩ Nguỵ Diên sẽ được lãnh chức tiên phong, nên ai cũng ngạc nhiên khi thấy chức này Khổng Minh lại giao phó cho Mã Tắc.
Để ứng chiến, Nguỵ Đế là Tào Sảng (Tuấn?) sai Trương Cáp cầm quân. Hai bên giáp nhau ở Nhai Đình.
Kể về hình thế và lực lượng thì quân Thục chiếm ưu vị vì quân đã đông lại thêm địa hình hiểm trở. Còn quân Nguỵ thì quân đã ít lại ở chỗ bất lợi.
Thế mà kết quả thật không ngờ, quân Thục tan vỡ chạy tán loạn, quân Nguỵ thừa thắng chiếm Nhai Đình.
Thất bại, đương nhiên lỗi tại Mã Tắc. Theo Tam Quốc chí diễn nghĩa thì nguyên nhân thất bại là tại Mã Tắc không tuân lệnh Thừa Tướng, không nghe can gián của Vương Bình.
Mã Tắc thua rồi Khổng Minh chỉ còn một nước là lui binh. Dư luận ở Thục sôi nổi, phái tiên chủ nhân chuyện Mã Tắc cực lực công kích Gia Cát Lượng. Không thể bênh vực được Mã Tắc nữa, Gia Cát Lượng đành phải đem ra xử. Toàn thể tập đoàn Kinh Châu cũng không chịu và buộc Khổng Minh phải cứu Mã Tắc.
Nhưng tội Mã Tắc đã rành rành. Địa vị Gia Cát Lượng thật hết sức khó khăn.
Công việc chưa ngã ngũ, thì một chuyện động trời xẩy ra. Hướng Lãng, bí thư trưởng của Khổng Minh, nửa đêm giúp cho Mã Tắc vượt ngục. Cuộc vượt ngục không thành công vì bị phái Tiên chủ khám phá. Phái tiên chủ luôn luôn kết tội Mã Tắc có ý đầu hàng Nguỵ.
Gia Cát Lượng đành phải gạt lệ chém Mã Tắc và cất chức Hướng Lãng rồi dâng sớ nhận tội sơ suất.
Cũng từ đây Gia Cát Lượng bị tập đoàn Kinh Châu chê bai là nhẫn tâm, đồng thời cũng bị phái tiên chủ chỉ trích là con người tư tâm, nên ông ưu uất thành bệnh nặng.
Nguỵ Diên tạo phản và tình hình Ba Thục
Khổng Minh chết ở Ngũ Trượng Nguyên, tang chế chưa xong thì nội bộ đã phát sinh xung đột. Dương Nghi và Nguỵ Diên đem binh đánh lẫn nhau. Kết quả Dương Nghi thắng lợi, Nguỵ Diên táng mạng. Đời sau chịu ảnh hưởng Tam Quốc Chí diễn nghĩa, lên án kết tội Nguỵ Diên là phản loạn. Tính chất truyền kỳ Tam Quốc Chí diễn nghĩa với nghệ thuật quá cao phổ vào các sự kiện như sau lưng Nguỵ Diên có xương chồi hình tướng của phản loạn, cẩm nang Khổng Minh trao cho Dương Nghi thách Nguỵ Diên, không sao cởi gỡ được.
Ở đây tôi xin nêu lên ít luận cứ, để tìm hiểu sự thực về vụ Nguỵ Diên tạo phản.
Tam Quốc Chí diễn nghĩa kể:
Phí Vĩ đến trại Nguỵ Diên, đuổi tả hữu ra ngoài nói:
Canh ba đêm hôm qua Thừa tướng qua đời rồi. Lúc gần mất có căn dặn lại, sai tướng quân dẫn quân đi sau để chống lại quân Tư Mã Ý. Quân ta phải từ từ rút về, không được phát tang. Nay binh phù ở đây, xin tướng quân cất đi cho.
Diên hỏi: Ai coi thay việc cho thừa tướng?
Vĩ nói: Nội là công việc to tát, thừa tướng giao cho Dương Nghi, mật pháp dùng binh thì giao cho Khương Bá Ước, binh phù này là của Dương Nghi đây.
Diên nói: Thừa tướng tuy mất, còn có ta đây. Dương Nghi chẳng qua là một chức Trưởng sử, gánh nổi sao được việc to này. Hắn chỉ nên rước ma về Xuyên an táng để ta cầm quân đánh nhau với Tư Mã Ý, cố cho thành công, có đâu vì một mình thừa tướng mà bỏ mất việc to nhà nước được.
Vĩ nói: Thừa Tướng di chúc lại bảo hãy tạm rút về, không nên trái lời.
Diên nổi giận: Nếu thừa tướng nghe mẹo ta khi xưa thì lấy được Tràng An lâu rồi. Ta nay làm Chinh tây đại tướng quân Nam trịnh hầu, lại thèm đoạn hậu cho Trưởng sử à.
Vĩ nói: Tướng quân nói phải lắm, nhưng cũng không nên khinh động, quân giặc chê cười cho. Vậy để tôi đem lẽ lợi hại bảo Dương Nghi để hắn nhường binh quyền cho Tướng quân. Tướng quân nghĩ sao?
Diên y lời, Phi Vĩ từ về trại lớn, ra mắt Dương Nghi thuật lại chuyện đó.
Nghi nói: Thừa tướng lâm chung có mật bảo ta rằng Nguỵ Diên tất sinh bụng kia khác. Ta cho binh phù ra sai, là muốn dò bụng hắn đấy thôi. Nay quả nhiên như lời Thừa Tướng thật, ta sai Bá Ước đoạn hậu cũng xong.
Bởi thế Dương Nghi đưa ma về trước, Khương Duy đi giữ mặt sau tuân lời Khổng Minh từ từ rút về. Nguỵ Diên ngồi chờ trong trại, lâu không thấy Phi Vĩ trở lại, trong bụng nghi hoặc, liền cho Mã Đại dẫn vài tên kỵ dò xem tin tức thế nào. Mã Đại về bảo rằng: Khương Duy tổng đốc hậu quân, còn tiền quân lui về trong cửa hang cả rồi.
Diên nổi giận nói: Quân hủ nho dám lừa dối ta. Thế nào ta cũng giết được mới nghe
Diên ngoảnh lại bảo Mã Đại rằng: Ông có chịu giúp tôi không?
Đại nói: Tôi vốn cũng ghét Dương Nghi, xin vui lòng giúp Tướng quân.
Diên mừng lắm, lập tức nhổ trại, kéo quân bản bộ về phía nam.
Tam Quốc Chí diễn nghĩa cho rằng mầm loạn bắt đầu từ sau cái chết của Vũ Hầu, thật ra xung đột Nguỵ, Dương âm ỷ tích oán đã từ lâu, cái chết của Vũ Hầu chẳng qua chỉ là một hoàn cảnh, một cơ hội để xung đột Nguỵ, Dương bùng nổ thành tranh chiến.
Nguỵ Diên vốn là một viên tướng lãnh đạo bộ khúc đi theo Lưu Bị, nhân vì lập được nhiều chiến công mà lên chức lớn. Lưu Huyền Đức chiếm xong Hán Trung quay trở về Thành Đô, nên cần tuyển lựa người trấn thủ Hán Trung. Ai ai cũng tiến cử Trương Phi và chính Trương Phi cũng tự nguyện. Nhưng vua Thục lại chọn Nguỵ Diên làm cho mọi người ngạc nhiên, bởi vì sau Trương Phi còn có Triệu Tử Long là những công thần thân cận với vua Thục, đồng thời cũng là tướng tài, chứ đâu đã đến lần Nguỵ Diên. Việc giao trọng trách trấn thủ Hán Trung cho Nguỵ Diên chứng tỏ tài lược của người này vượt cả Trương Phi, Triệu Vân lẫn Vân Trường. Tài lược Nguỵ Diên đã rõ ràng trong kế hoạch mà Diên hiến cho Gia cát Lượng lúc sửa soạn đem quân bắc phạt, xin cho mình đánh úp Tràng An. Nhưng Khổng Minh không nghe, cho rằng quá ư mạo hiểm. Nếu nghe kế Diên chắc Khổng Minh không bị vố bại sâu cay thất thủ Nhai Đình do viên tướng mà Lưu Bị xét đoán là người nói quá sự thật tên Mã Tắc.
Căn cứ vào những ghi chép sử sách khác thì lúc Vũ hầu bị trọng bệnh, bèn giao phó cho Nguỵ Diên xử lý hết các việc của mình. Diên và Dương Nghi vốn vẫn hiềm thù nhau. Nghi sợ Diên nắm quyền Thừa Tướng sẽ hại mình, liền phao tin Nguỵ Diên làm phản, định đầu hàng quân Bắc. Nghi được Phí Vĩ, Tưởng Uyển về hùa nên đốc quân đánh úp Diên. Diên thua chạy bị Nghi giết chết.
Tam Quốc Chí diễn nghĩa và những thuyết thấy trong các sách sử khác đều có những điểm đáng ngờ, không chắc bên nào là thực.
Gia Cát Lượng định thoái quân tất nhiên phải cho cả Nguỵ Diên biết chứ sao lại chỉ báo riêng với Phí Vĩ và Dương Nghi? Nếu bảo là nghi Nguỵ Diên, sao Gia Cát Lượng vẫn cho Diên đi hộ tống đoạn hậu để bảo vệ cuộc rút lui.
Gia Cát Lượng giao phó toàn quyền bính cho Nguỵ Diên thì toàn bộ lực lượng sẽ nằm gọn trong tay Diên, Dương Nghi là một vị quan văn, lấy gì mà đánh giết được Nguỵ Diên?
So sánh những điểm vô lý ta có thể đưa ra một giả thuyết mà tìm đến gần sự thật hơn là cái chết của Khổng Minh đột ngột quá nên ông không kịp đặt kế hoạch lui quân. Bọn Dương Nghi, Phí Vĩ âm mưu với nhau kế hoạch này.
Diên chống lại Nghi và Vĩ. Nghi, Vĩ và Diên đều cố về vận động ở Thành Đô, nhưng Diên cô lập vì Tưởng Uyển ủng hộ Nghi, Vĩ. Quân lính theo Diên thấy Diên kém thế liền bỏ Diên. Ít quân, Diên bị Nghi giết. Đọc Tam Quốc Chí diễn nghĩa người ta nhận thấy những đoạn:
Tưởng Uyển tâu rằng: Cứ ý tôi thì Dương Nghi tuy tính khí hẹp hòi, không dung người, nhưng đến việc trù tính lương thảo, tham tán quân cơ cũng giúp được thừa tướng nhiều lắm. Thừa tướng lâm chung phó thác cho việc lớn, quyết không phải là người làm phản. Nguỵ Diên xưa nay cậy có công, khinh người, Dương Nghi không chịu nên Nguỵ Diên vẫn ghét. Nay thấy Nghi được cầm binh quyền, Diên ganh tị mới đốt đường vu cáo Nghi làm phản. Tôi xin đem già trẻ cả nhà bảo cứ cho Dương Nghi không phải là người làm phản, chớ không dám nhận cho Nguỵ Diên.
Hà Bình được lệnh Dương Nghi kéo quân đến núi Sà Sơn đánh Nguỵ Diên. Gặp Diên, Bình quát to mắng rằng: Phản tặc Nguỵ Diên.
Diên cũng mắng lại: Mày giúp Dương Nghi làm phản lại dám mắng tao à?
Bình cầm roi trỏ sang đám quân Nguỵ Diên nói lớn:
Quân sỹ chúng mày toàn là người Tây Xuyên, có cha mẹ vợ con anh em ở trong ấy cả. Khi thừa tướng còn, không bạc đãi gì chúng mày. Nay chớ nên giúp quân phản tặc, nên về cả quê hương mà chờ đợi ơn trên ban thưởng.
Quân sỹ nghe xong reo rầm lên một tiếng rồi tản đi quá nửa.
°°°
Vậy có thể kết luận vụ Nguỵ Diên là một vụ tư thù, một mâu thuẫn chính trị nội bộ vì tranh quyền sau cái chết quá bất ngờ của Gia Cát Khổng Minh.
Kể từ năm Thái Hoà thứ hai, Khổng Minh không ngừng xuất binh đánh Nguỵ. Năm Thái Hoà thứ hai tức là năm thứ chín của Tam Quốc. Khổng Minh mất vào năm thứ mười của Tam Quốc. Nhà Thục diệt vong vào năm thứ bốn mươi bốn của Tam Quốc. Như vậy thì Thục Hán còn tồn tại thêm 29 năm sau khi Gia Cát chết. Khoảng 29 năm đó, chính quyền Thục Hán ở trong tay Tưởng Uyển 12 năm, Phí Vĩ bảy năm và 10 năm sau cùng do Khương Duy. Tưởng Uyển, Phí Vĩ không xuất binh phạt Nguỵ lần nào, chỉ có Khương Duy mấy lần mưu toan, nhưng bị Phí Vĩ gàn trở. Phí Vĩ chết, Khương Duy mới thực hiện được mộng tưởng, tuy nhiên không những Duy không thành công, trái lại còn gây thêm nhiều nỗi khó khăn trong nước. Người đương thời cũng như hậu thế đều đổ lỗi cho Khương Duy đã gây can qua làm hại Thục Hán. Thật oan cho Khương Bá Ước, bởi vì binh lực Tây Thục so với nước Nguỵ thua kém rất xa.
Ngay lúc sinh thời Gia Cát Lượng, sở dĩ có năm lần phạt Nguỵ chính là vì cần phải áp dụng chiến lược dĩ công vi thủ, muốn bảo vệ ta nên tấn công địch. Đời Tưởng Uyển, Phí Vĩ có thể yên vì nội bộ Nguỵ chưa ổn định. Khi họ Tư Mã cướp quyền họ Tào rồi, điều khiển Đặng Ngải, Chung Hội tấn công Tây Thục thì với chín vạn quân Tây Thục không chống đỡ ba mặt với quân số nước Nguỵ gần gấp ba. Lẽ ra Tưởng Uyển và Phí Vĩ phải theo kế hoạch Khương Duy tấn công Nguỵ giữa lúc tình hình chính trị nội bộ nước Nguỵ đang rối loạn mới đúng. Thục Hán mất chính là tại chính sách cầu an của Tưởng Uyển và Phí Vĩ. Giả sử Nguỵ Diên chưa chết, chính sách phạt Nguỵ được kiên quyết duy trì chắc tình trạng đã khác đi nhiều.