Tuy vậy Kim Dung vẫn đề cao những giá trị cổ truyền Trung Hoa. Điển hình:
- Đề cao ngũ thường: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Hành động hy sinh của Vô Kỵ tại Quang Minh Đỉnh, nhằm hoà giải Minh giáo và các chính phái, cùng toàn bộ CGĐL đều đề cao giá trị của Ngũ thường. Ta cũng để ý, Kim Dung đã không bỏ sót việc mô tả cái cảm giác kỳ lạ của người Trung thổ, nhóm Vô Kỵ - Tạ Tốn, khi gặp toán cao thủ người Ba Tư từ Trung Đông đến. Khi Tạ Tốn thấy người Ba Tư hành động khác hẳn người Hán: Không tôn trọng hai chữ Tín, Nghĩa và dễ nuốt lời. Bởi trong văn minh Ba Tư, nơi có nhiều sa mạc và lạc đà, những ý niệm đó, hệ giá trị đó có thể khác với kiểu Hán tộc rất nhiều.
- Giải pháp cho rất nhiều trường hợp ân oán giang hồ, mâu thuẫn xã hội thường dựa vào lời dạy ‘lấy đức báo oán’, thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo, của nhà Phật, và vào thuyết Trung-Dung của hệ Khổng Mạnh. Với DUNG trong bút hiệu Kim Dung viết ra y như Dung trong Trung-Dung. Trung Dung tức chọn một con đường ở giữa, không cực đoan quá khích. Trả thù cũng vậy. Tạ Tốn trả thù Thành Khôn cũng chỉ giới hạn ở chỗ làm cho Thành Khôn bị phế huỷ võ công để y không còn quậy được nữa. Rồi thôi. Rồi tự mình phế bỏ võ công. Sau khi được giang hồ thông hiểu và tha mạng, Tạ Tốn giác ngộ, và đi tu.
- Một trong những hệ luận của thuyết Trung Dung tìm thấy trong truyện chưởng Kim Dung: Người đọc khó tìm thấy một người hùng trở thành vô địch, minh chủ võ lâm cho đến hết truyện. (Những người đọc nhiều truyện Tàu xưa trước khi đọc Kim Dung, sẽ thấy rõ điểm lạ kỳ này trong truyện chưởng Kim Dung). Trung-Dung có vẻ rất hợp khi đi đôi với ngũ hành, để đưa đến việc không xác định cao thủ vô địch về đường quyền hoặc thế kiếm. Lúc đầu ai cũng có cảm tưởng Trương Tam Phong phải là võ sư hạng 1. Nhưng Tam Phong có vẻ sợ Huyền Minh thần chưởng và bó tay trước bệnh trạng Dư Đại Nham và Vô Kỵ. Rồi đến Tạ Tốn tức Kim Mao Sư Vương. Cướp đao Đồ Long trước hàng trăm cao thủ như chơi. Nhưng lại sơ ý bị Tố Tố, phận gái, đâm mù mắt. Đến Vô Kỵ luyện được Cửu Dương chân kinh, Càn Khôn Đại Nã Di, tưởng như vô địch - rồi cũng bị Châu Chỉ Nhược trên rơ, đâm cho bị thương trước sau 2 lần. Sau lại xính vính khi đấu với ba sư cụ Thiếu Lâm, phải nhờ đến Chỉ Nhược tiếp sức mới xong. Diệt Tuyệt Sư Thái tài giỏi như vậy nhưng cũng bị Triệu Minh và đám lâu la Mông Cổ bắt được. Dương Tiêu, người tài Ma giáo, lo tranh chấp bị Thành Khôn đánh lén suýt vong mạng. Trương Tam Phong sáng tác được Thái Cực quyền, lại bị cao thủ Mông Cổ giả dạng sư Thiếu Lâm, đến đánh lén bị trọng thương – sau nhờ Vô Kỵ đến cứu viện kịp thời.
Những phân tích và đặc biệt, chất vấn, hoài nghi về các hệ giá trị cổ truyền Trung Hoa, trước thời Kim Dung gần như không có. Kim Dung đã hiện đại hoá tiểu thuyết kiếm hiệp Tàu bằng những đóng góp lớn lao đó. Và đã thành công.
(v) Cấp bậc trong võ lâm
Một trong những kỹ thuật Kim Dung thường xử dụng để gây thích thú cho độc giả: sắp xếp cấp bậc cao thủ trong giới võ lâm. Đó chính là một cải cách truyện võ hiệp hoàn toàn do Kim Dung ‘đề xuất’ và sáng tác.
Điển hình nhất trong Xạ Điêu Anh Hùng truyện. Lúc đầu truyện, người giỏi võ nhất là Khâu Xứ Cơ thuộc phái Toàn Chân. Xong rồi nhóm Giang Nam thất quái, sư phụ của Quách Tĩnh. Theo truyện kiếm hiệp cổ điển có lẽ đến đó là cao cấp nhất. Nhưng không, sau đó xuất hiện Mai Siêu Phong và Trần Huyền Phong với thế võ rùng rợn Cửu Âm Bạch cốt trảo, trên cơ Giang Nam thất quái rất xa. Xong rồi đám cao thủ chạy theo bảo vệ bọn giặc Hoàng Nhan Liệt. Võ công cũng rất cao siêu. Rồi lần lượt Võ Lâm Ngũ Bá xuất hiện, trong đó có flashback thuật lại hành tung Vương Trùng Dương lúc còn sinh thời. Qua ngón Nhất Dương Chỉ mượn từ Đoàn Nam Đế. Rồi đến Cừu Thiên Nhận, và Châu Bá Thông, tức lão ngoan đồng với ngón Song Thủ Hỗ Bác [10], sáng chế trên đảo Đào Hoa sau nhiều năm bị Hoàng Dược Sư giam lỏng. Quách Tĩnh sau cùng gần như học được hầu hết các thế võ chính của tất cả các cao thủ. Nhưng đến cuối truyện người đọc vẫn không thấy Quách Tĩnh đánh hạ được Âu Dương Phong.
Như vậy, truyện Kim Dung mang hai thành tố vừa lạ, dễ thu hút độc giả, vừa gây bực tức, nhưng cũng kích thích được độc giả, buộc họ phải suy nghĩ. Thành tố thứ nhất: tiếp tục giới thiệu người giỏi sẽ có người giỏi hơn, và hơn cả một quantum, một cấp nhảy vọt. Mục đích: gây ngạc nhiên thích thú, lôi cuốn người đọc. Và thành tố thứ hai: Do ở ràng buộc của thuyết âm dương ngũ hành, thuyết Trung Dung của Khổng Mạnh, thuyết Bất Nhị Nguyên của Phật giáo, không bao giờ ta có thể thấy vai chính hay một vai nào đó trở thành vô địch thiên hạ, trong các truyện chưởng của Kim Dung. Đây chính là thắc mắc của tại hạ suốt mấy mươi năm không lý giải được, kể từ lúc đọc Xạ Điêu Anh Hùng truyện và Cô Gái Đồ Long.
Trong Cô Gái Đồ Long, thoạt đầu ta thấy Trương Thuý Sơn, học trò cưng của Trương chân nhân, có vẻ một người rất giỏi võ nghệ. Hân Tố Tố cũng vậy. Nhưng rồi Tạ Tốn xuất hiện, võ công cao cường, kiến thức yêm bác. Trên cơ Thuý Sơn, Tố Tố mấy cấp. Lúc Thuý Sơn và Tố Tố trở về Trung thổ sau 10 năm sống chung với Tạ Tốn ngoài hoang đảo, ta thấy xuất hiện một hai cao thủ lạ mặt đem Huyền Minh thần chưởng ra đối chọi với Trương Tam Phong và đánh vào Vô Kỵ một chưởng chí tử. Rồi Vô Kỵ có cơ duyên tìm được Cửu Dương Chân kinh, luyện được thêm Càn Khôn Đại Nã Di, cứu được Ma giáo. Sau đó lại học được thêm Thái Cực quyền và Kiếm do Tam Phong vừa sáng chế. Nhưng về sau vẫn bị Chu Chỉ Nhược đâm cho một nhát, và vẫn không thể hạ được ba vị đại thiền sư của Thiếu Lâm. Cũng không kết liễu được mạng sống của Huyền Minh nhị lão. Rồi cuối cùng vẫn bị Chu Nguyên Chương đánh thuốc ngủ vùi.
Trong khi đó, lúc nào Kim Dung cũng ca ngợi Trương Tam Phong, như một cao thủ hạng nhất thời đó. Nhưng tác giả lại cho Tam Phong già đến 100 tuổi, ít đụng độ với các cao thủ khác chỉ trừ một hai lần - choảng với đám cao thủ lạ mặt trong đội quân của Triệu Minh. Lần đầu đụng độ với Huyền Minh nhị lão chỉ chớp nhoáng nhưng chân nhân phải khựng lại đề phòng. Lần thứ hai, chân nhân bị mắc phải gian kế bị đòn trọng thương. Cửu dương nội công của Tam Phong cũng không trọn vẹn như Vô Kỵ. So với tam đoạn luận Tây phương Trương Tam Phong rất khó thành vô địch thiên hạ, đúng y như ước muốn, dụng ý sâu sắc của Kim Dung.
Mơ hồ trong việc phân chia cấp bậc được Kim Dung lý giải trong đoạn cuối của YTĐLK. Lý giải theo kiểu Bất Nhị Nguyên, sắc không, không sắc, không có, có không. Ở chỗ lúc Tạ Tốn được một trong 3 vị đại tăng, Độ Ách, cho phép quy y, nhận làm đệ tử. Độ Ách, với pháp danh họ Độ thuộc cấp cao nhất đương thời. Cấp bậc thầy của phương trượng Thiếu Lâm, Không Văn. Pháp danh Không, như Không Văn, Không Tín, Không Kiến, lại vai vế bậc thầy của các sư với pháp danh bắt đầu bằng Viên, như Viên Chân, tức Thành Khôn, thầy cũ Tạ Tốn. Tạ Tốn khựng lại, toan từ chối, vì như vậy cấp bực của y sẽ thuộc hàng Không, sẽ quá cao, cao ngang hàng với phương trượng của chùa Thiếu Lâm. Độ Ách cười và đại khái bảo Tạ Tốn: ‘Không là không, Viên cũng là không, ngươi là không, ta sư phụ của ngươi cũng là không. Vô tội, vô nghiệp, vô đức, vô cùng. Ta chỉ cần biết người là Tạ Tốn thôi’
Tóm lại, một kỹ thuật mới lạ khác, so với truyện Tàu xưa, của truyện chưởng Kim Dung nằm ở chỗ luôn dành ngạc nhiên cho người đọc về những cao thủ chưa hoặc sắp sửa xuất hiện, và sự phân chia cấp bậc cao thấp giữa các cao thủ thường bị ràng buộc bởi lô-gích Ngũ Hành, rất đồng điệu và hài hoà với thuyết Trung Dung, và Bất Nhị Nguyên.
Âm Dương Ngũ Hành trong Cô Gái Đồ Long
Đóng góp tiêu biểu của Kim Dung trong việc canh tân cải cách tiểu thuyết võ hiệp kỳ tình, ngoài những thành tố, chất xám ở trên còn phải kể, sáng chói và đặc thù nhất, thuyết Âm Dương Ngũ Hành.
Thật vậy Ngũ Hành với Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả và Thổ, mặc dù luôn luôn có trong hầu hết các truyện Tàu - đã được khai triển tối đa qua ngòi bút Kim Dung. Tất cả các giao tác, đụng trận giữa những nhân vật trong truyện chưởng Kim Dung đều được chi phối chặt chẽ bởi chu kỳ sinh khắc của Ngũ Hành, phối hợp với sinh động thịnh-suy Âm và Dương. Cũng vì vận hành và giao tác dưới sự điều phối của Ngũ Hành, các võ sư kiếm khách trong truyện hầu như không ai lên được đến võ công tuyệt đỉnh. Hoặc, một kiếm khách A không dễ đánh lại một địch nhân B, để trả mối thù xưa, trừ phi Châu Dịch hay Kinh Dịch đã thay đổi hành tố của A, để A trở thành tương khắc với B, khắc phục được B. Trong ‘Tiếu Ngạo Giang Hồ’, Nhậm Ngã Hành mạng Thổ bị Đông Phương Bất Bại (phía Đông, mạng Mộc) đảo chánh tiếm quyền giáo chủ Ma giáo. Nhậm Ngã Hành sau đó bị giam nhiều năm dưới lòng đất ở Tây Hồ - Hàng Châu, lại luyện được Hấp Tinh đại pháp. Vì ở dưới lòng Tây Hồ, Nhậm Ngã Hành sau đó biến dần sang mạng Kim thuộc phương Tây. Trốn khỏi Tây Hồ và được nhiều người tài giỏi hỗ trợ, trở lại đánh bại Đông Phương Bất Bại, Tây khắc Đông.
Thuyết Âm Dương Ngũ Hành [11] đã xuất hiện tại Trung quốc từ thời xa xưa, cả vài thế kỷ trước Công Nguyên. Có giả thuyết cho thuyết này xuất thân từ môn phái Zoroaster ở Trung Đông. Tóm lược, trong vũ trụ và trời đất có 5 hành: Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, và Thổ. Mỗi Hành được liên kết với một phương hướng địa lý và một màu sắc khác nhau. Hành cũng liên hệ đến cá tính tổng quát con người, thường gọi Mạng.
Kim= phương Tây, màu Trắng. Kim khắc, hay trị được Mộc. (Tây khắc Đông)
Mộc= phương Đông, màu Xanh. Mộc khắc Thổ. (Đông khắc Trung)
Thuỷ= hướng Bắc, màu Đen. Thuỷ khắc Hoả. (Bắc khắc Nam)
Hoả= phương Nam, màu Đỏ. Hoả khắc Kim. (Nam khắc Tây)
Thổ= miền Trung, màu Vàng.Thổ khắc Thuỷ (Trung khắc Bắc)
Đó là chu kỳ tương khắc. Còn chu kỳ tương sinh như sau:
Kim sinh (hỗ trợ) Thuỷ (Tây trợ Bắc)
Mộc sinh Hoả (Đông trợ Nam)
Thuỷ sinh Mộc (Bắc trợ Đông)
Hoả sinh Thổ (Nam trợ Trung)
Thổ trợ Kim (Trung trợ Tây)
Song song với Ngũ hành, còn có Thái Cực. Thái Cực sinh ra Lưỡng Nghi, tức Âm và Dương. Âm chỉ những gì lạnh, mát, thế tĩnh, vật mềm, ban đêm. Dương, ngược lại chỉ cái gì nóng, ấm, thế động, vật cứng, ban ngày. Lưỡng Nghi sinh ra Tứ tượng: Thái dương, thiếu âm, thiếu dương, thái âm. Tứ tượng sinh ra Bát quái: Càn, đoài, ly, chấn, tốn, khảm, cấn, khôn.
Sơ lược Âm Dương: Dương bắt đầu thịnh ở mùa Xuân, lên đến cực thịnh ở mùa Hè. Sau đó bắt đầu suy. Âm thịnh lên vào mùa Thu và tiến đến cực thịnh ở mùa Đông, lúc đó Dương lại suy. Trong bốn mùa:
Mùa Xuân: Mộc
Mùa Hạ: Hoả
Cuối Hạ - đầu Thu: Thổ
Mùa Thu: Kim
Mùa Đông: Thuỷ.
Âm Dương Ngũ Hành chính là lý thuyết căn bản và nền tảng cho khoa Phong Thuỷ (Feng Shui) rất thịnh hành trong việc định phương hướng tiện lợi trong việc trang trí và xây cất nhà cửa.
Bây giờ xin thử quan sát nhân vật trong CGĐL đã được bố trí ra sao theo với Âm Dương Ngũ Hành.
Trước hết xin ghi nhận một vài định luật về sinh khắc ngũ hành, rút tỉa được từ Kim Dung, sau khi đọc vài tác phẩm của tiên sinh.
Giữa hai người, thông thường nam và nữ, nếu người này cảm người kia trước, A thấy thu hút bởi B, Kim Dung sẽ cho: Mạng hay hành của A bị ‘khắc’ bởi hành của B. Thí dụ, Hoa Trân (Tây/Kim) mê Quách Tĩnh (Nam/Hoả). Hoả khắc Kim. Mặc khác, nếu A thường giúp đỡ B, để sau đó B thương lại A, rồi A và B yêu nhau, hành của A tương ‘sinh’ cho hành B: Hoàng Dung giúp Quách Tĩnh học võ công của Hồng Thất Công. Mộc sinh Hoả. Tình yêu cũng có thể xảy ra giữa bạn đồng môn – cùng chung một hành với nhau: Dương Qua và Tiểu Long Nữ, cùng hành Thổ vì sống và tập võ trong Cổ Mộ - dưới mặt đất. Thổ hợp với Thổ.
Đặc biệt trong CGĐL, Kim Dung ưa nhắc nhở và giúp độc giả nhận ra hành hoặc mạng của nhân vật bằng màu quần sắc áo, màu tóc, hay màu vũ khí của họ. Tiên sinh cũng ưa cho thêm vào những nhân vật một hai mạng xơ cua, để giải toả mâu thuẫn ở hạn chế sinh khắc Ngũ Hành.
Hân Tố Tố và Trương Thuý Sơn mang hành gì. Kim Dung mô tả Thuý Sơn ưa mặc complet, quần áo trắng. Màu trắng biểu tượng mạng Kim hành Tây. Tây khắc Đông. Thật rõ, Hân Tố Tố ưa mặc áo xanh, chỉ hành Mộc, phương Đông. Hân Tố Tố cảm ngay Thuý Sơn ngay khi lúc đầu gặp gỡ. Hành Mộc (Tố Tố) dễ bị hành Kim (Thuý Sơn) khắc.
Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn mang hành gì. Tạ Tốn, một quái nhân có râu vàng, tóc vàng. Mạng Thổ, màu vàng, miền Trung. Sư phụ dạy võ, tức từng giúp đỡ, Tạ Tốn là ai? Thành Khôn tức Viên Chân, về sau. Hoả sinh Thổ. Thành Khôn thuở ban đầu mang mạng Hoả. Tạ Tốn mạng Thổ, nên dù võ công rất cao siêu, vẫn bị mạng Mộc của Hân Tố Tố khắc trị. Tạ Tốn trong lúc sơ ý bị Tố Tố phóng kim châm đâm mù đôi mắt. Trong Ma giáo, chỉ có Tạ Tốn, mang hành Thổ, mới ưa giúp Kim Hoa Bà Bà, hành Kim, mà thôi. Thổ và Kim, không ai khắc ai – nhưng Thổ sinh Kim. Rồi mạng phụ Tạ Tốn, lại là Kim (Kim Mao Sư Vương), vẫn giúp mạng phụ Kim Hoa Bà Bà là Thuỷ. Bởi Kim Hoa Bà Bà có biệt danh Tiá Sam Long Vương, Long tức rồng, sống dưới nước, Thuỷ. Rõ rệt: hồi hai người còn trẻ, Kim Hoa Bà Bà được nhiều người để ý, theo đuổi nhưng cuối cùng lại chọn một cao thủ bên ngoài Ma giáo. Những cao thủ Ma giáo bị chổng, bị thất tình do đó sàm tấu với giáo chủ làm tình làm tội Bà Bà. Chỉ có mình Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn đứng ra bênh vực Bà Bà. Bố cục ngũ hành chỗ này thật chặt chẽ. Tạ Tốn tương sinh Kim Hoa Bà Bà – trên hành chính lẫn mạng phụ.
Tạ Tốn lúc bị giam dưới đất tại chùa Thiếu Lâm, ngày ngày được nghe kinh kệ do ba cao tăng canh giữ đọc. Xin thử phân tích chi tiết: ‘Bị giam ở hầm dưới đất’, đất tức thổ, Kim Dung khẳng định họ Tạ hành Thổ. ‘Tại chùa Thiếu Lâm’, Lâm nghĩa rừng, có nhiều cây, màu xanh: Thiếu Lâm có mạng Mộc. Mộc khắc chế Thổ. Đông khắc Trung. Mộc Thiếu Lâm giam Thổ Tạ Tốn. Sau cùng Tạ Tốn cảm hoá, giác ngộ và quy y với ba vị cao tăng Thiếu Lâm kia. Thật rõ: Mộc khắc Thổ. Thiếu Lâm (Mộc) khiến Tạ Tốn (Thổ) dữ dằn cách mấy cũng phải ‘phọt phe’. Nhưng có thể để ý, Kim Dung đã rất cẩn thận trong chi tiết. Ba vị cao tăng họ Độ đó người mang hành Thuỷ (bị hành Thổ của Tạ Tốn khắc), người hành Kim (Thổ sinh Kim), và chỉ có Độ Ách (khuôn mặt màu vàng) mang hành Thổ giống Tạ Tốn. Kim Dung cho Độ Ách nhận Tạ Tốn làm đệ tử.
Kim Hoa Bà Bà mang hành Kim từ phương Tây đến. Tóc bạc trắng. Hành Kim màu trắng. Kim lại khắc Mộc. (Cưa sắt cắt được gỗ). Tây khắc Đông. Đông ở đây được biểu tượng bằng y-dược sĩ Hồ Thanh Ngưu. Hồ Thanh Ngưu chuyên cắt dược thảo hằng ngày, mang tên lót ‘Thanh’ nghĩa màu xanh, đích thị mạng Mộc. Thanh Ngưu và vợ bị Bà Bà tống cho một gậy táng mạng, trả thù riêng trong Ma giáo năm xưa. Nhưng Mộc ‘sinh’ Hoả. Cây cối dễ làm mồi cho lửa. Mộc - Thanh Ngưu giúp Hoả - Vô Kỵ rất nhiều, khi y truyền hết nghề hốt thuốc chữa bệnh cho chú bé họ Trương.