Trang trong tổng số 100 trang (999 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [64] [65] [66] [67] [68] [69] [70] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Poet Hansy

Ảnh hưởng và vinh danh

Trong sinh hoạt văn nghệ, nghệ thuật và văn hoá nói chung, người ta thường nghe nói nhà văn này hoặc nhà đạo diễn phim ảnh này chịu ảnh hưởng của nhà văn hay đạo diễn kia. Nhiều vị, nhất là những nhà đạo diễn một khi họ đã nổi tiếng, đều tự nhiên tuyên bố danh tánh của các vị tiền bối đã ảnh hưởng đến tác phẩm của họ. Thí dụ như đạo diễn Quentin Tarantino của các phim nổi tiếng Reservoir Dogs, Pulp Fiction, thường ca tụng John Woo của Once a Thief (Chou Yun Fat, Leslie Cheung), Face/Off (John Travolta) và Broken Arrow (John Travolta). Brian de Palma, đạo diễn những phim như Dressed to Kill với Angie Dickinson; Mission: Impossible với Tom Cruise, thường được xem có thể trở thành một Hitchcock thứ hai. Thông thường nhà làm phim thường cho xen vào phim mới của mình một cái “xen” hầu như “bắt chước” y hệt cái xen hay ho của vị tiền bối gây ảnh hưởng đó. Họ gọi công việc đó, “vinh danh” tiền bối (pay tribute to). Và một khi một đạo diễn hoặc tác giả có nhiều người vinh danh - những hoạt cảnh tuyệt chiêu đi luôn vào văn hoá của bộ môn nghệ thuật đó. Nhiều khi đi tuốt đến dân gian. Thí dụ những từ như Tú Bà, Sở Khanh phát xuất từ Kiều bây giờ trở thành những danh từ chung. I couldn’t give a damn (đại khái: Tôi chẳng màng nữa) của “Cuốn Theo Chiều Gió” do Rhett Butler (Clark Gable) thốt ra vào lúc cuối phim trở thành câu nói thông thường của tiếng Mỹ.

Ðối với vua phim kinh dị Alfred Hitchcock, người ta có thể nhận ngay 3 xen nổi tiếng nhất, dễ bị “cóp” nhất: Xen 1: Marion Crane (Janet Leigh) đang tắm vòi sen trong phim Psycho, bị Norman Bates (Anthony Perkins) xem trộm rồi một lão bà nhảy vào đâm chết. Xen 2: Roger Thornhill (Cary Grant) trong phim North by NorthWest – sau khi bị bắt tra tấn tại một biệt thự nọ, trốn về đi báo với cảnh sát. Lúc cảnh sát dẫn y trở lại biệt thự đó, không thấy những người gian ác đánh đập y đâu hết, và trang trí bày biện đồ vật trong phòng khách tra tấn y cũng hoàn toàn thay đổi – làm cho mọi người bị bẽ mặt. Xen 3: Cũng trong phim North by Northwest, cảnh Cary Grant trên một ngọn đồi trơ trọi phải chạy trối chết vì bị một chiếc máy bay nhỏ lờn vờn rượt bắn.

Xen số 1, một phụ nữ đang tắm vòi sen bị hung thủ lẻn vào phòng tắm rồi tấn công bằng dao hiện đã trở thành một kỹ thuật tiêu chuẩn của phim kinh dị. Có đến hàng trăm phim đâm ra bắt chước xen tắm này. Xen thứ 2 và thứ 3 cũng được phim James Bond chôm nhiều lần. Moonraker dùng xen thứ 2, From Russia with Love xử dụng xen thứ 3.

Thế Kim Dung có sử dụng hoặc vinh danh Hitchcock hay không? Thưa có.
- Trực tiếp: Trong “Tiếu Ngạo Giang Hồ” lúc Lâm Bình Chi đâm chết con trai Dư Thanh Hải tại một quán nhỏ bên đường. Sau đó Lâm Bình Chi về nhà kêu Cha là trưởng của Phước Oai tiêu cục dẫn một đoàn tuỳ tùng trở lại quán đó để dò la. Tới nơi không thấy chủ quán và người hầu bàn xinh đẹp (tức Nhạc Linh San) đâu hết. Bàn ghế bày biện của quán biến đâu mất, chỉ thấy đó là một nhà bỏ hoang. Xác chết của con Dư Thanh Hải chôn đâu đó cũng biến mất. Ðây là vinh danh Hitchcock xen thứ 2.
- Gián tiếp và phát triển thêm: Xen thứ 1 (và xen thứ 3). Ở chỗ nào? Ở chỗ Ngô Ứng Hùng con trai Ngô tam Quế đã được chọn làm phò mã sắp cưới công chúa Kiến Ninh bị công chúa đập bá súng bất tỉnh rồi . . . cắt đứt đi thằng nhỏ của Hùng! Muốn nhìn rõ sự vinh danh Hitchcock này ta thử phân tích các thành tố chính yếu đã đưa phim Psycho đến hạng nhất về phim kinh dị có phẩm chất từ trước đến giờ. Các thành tố của xen kinh dị 1 gồm:

(i) Nạn nhân trong trạng thái không phòng bị: đang tắm vòi sen
(ii) Nạn nhân không có gì che chở thân thể: đang trần truồng để tắm. Từ chết đến bị thương dù có chống đỡ, nếu bị đâm hay chém.

(iii) Ðịa điểm án mạng rất chật hẹp: chỗ tắm vòi sen không có đường chạy.

Kim Dung vừa vinh danh Hitchcock vừa phát triển cường độ kinh dị đến tột điểm của rùng rợn [6]. Và lại áp dụng cho nam phái! Phù hợp với đề tài thái giám của câu chuyện. Kiến Ninh phải cắt thằng nhỏ của Ngô Ứng Hùng đi bởi nàng không muốn làm vợ Hùng, một phần vì đã quen sex với Vi Tiểu Bảo qua những yêu cầu sa-điết của nàng. Cảnh Ngô Ứng Hùng lúc bị Kiến Ninh thiến sống hoàn toàn nắm đủ tất cả 3 thành tố kể trên:

(i) Nạn nhân trong trạng thái không phòng bị: bất tỉnh nhơn sự vì đầu bị đánh

(ii) Nạn nhân không có gì che thân thể: Kiến Ninh cởi quần áo y ra trong lúc y bất tỉnh;

(iii) Ðịa điểm “hành quyết” rất chật hẹp: Khi bất tỉnh rồi thì chạy đi đâu. Nhất là cái thằng nhỏ.

Nhìn lại người ta để ý ngay cả vụ 11-9 cũng hoàn toàn hội đủ 3 thành tố đó. Nó gây kinh hoàng và mãi mãi biến đổi cục diện toàn cầu.

Ngoài Hitchcock người ta để ý đặc biệt trong Lộc Ðỉnh Ký, Kim Dung vinh danh một lô các phim hoặc truyện hiệp sĩ phương Tây, như của Alexandre Dumas, của Robert Louis Stevenson, của Edmond Dantès (Bá Tước Monte Cristo). Ðặc biệt của Alexandre Dumas trong “3 người Ngự Lâm Quân” (Les Trois Mousquetaires) và “Người đàn ông trong chiếc mặt nạ sắt” (The Man in the Iron Mask – Le Vicomte de Bragellone). Cũng như trong “Tiếu Ngạo Giang Hồ”, Kim Dung đã vay mượn một ít từ truyện Scaramouche của Rafael Sabatini [5].

Trong truyện “3 người Ngự Lâm Quân” ta còn nhớ D’Artagnan lúc đầu truyện có hẹn đấu gươm với 3 anh ngự lâm kia Athos, Porthos và Aramis trên đường đi tìm ông xếp Ngự Lâm quân để xin gia nhập. Mới đọ gươm với một trong 3 anh kia được vài chiêu, quân lính hoàng triều của phe Richelieu xuất hiện, D’Artagnan quay lại hợp sức với 3 ngự lâm - một cho tất cả, tất cả cho một – đánh lại bọn lính của Richelieu một trận tơi bời te tua!

Trong Lộc Ðỉnh Ký cũng vậy, đầu truyện Mao Thập Bát rất mong mỏi gặp Trần Cận Nam lãnh tụ phe Thiên Ðịa Hội như để ngưỡng mộ anh hùng và nếu được gia nhập luôn. Y có hẹn với 2 người kiếm khách khác ở ngoài thành Dương Châu để đấu kiếm hơn thua. Hai người kiếm khách này thuộc phe Thiên Ðịa Hội của Trần Cận Nam. Ðang mới bắt đầu so kiếm thì quân lính triều Thanh xuất hiện muốn tìm bắt Mao Thập Bát vì nghi Mao là thủ phạm một vụ án mạng. Mao cùng hai đối thủ hẹn đọ kiếm kia quay lại hợp sức với nhau, đánh trả quân Thanh. Với sự trợ giúp ti tiện của Vi Tiểu Bảo, phe phản Thanh đại thắng.

Một chi tiết khác cũng giống như “3 người Ngự Lâm” là Hoàng hậu Sophia nước Nga có liên hệ tình cảm với một bá tước (Vi Tiểu Bảo) của nước Trung Hoa đối nghịch. Giống y như hoàng hậu Pháp có tình nhân Quận công Buckingham của Anh quốc đang sắp có chiến tranh với Pháp.

Kim Dung còn vinh danh Alexandre Dumas với truyện “Người đàn ông trong chiếc mặt nạ sắt” qua việc dựng lên, trong Lộc Ðỉnh Ký, một Thái hậu giả mang mặt nạ đánh lừa mọi người qua nhiều năm tháng. Thái hậu thật vẫn còn sống và bị Thái hậu giả giam nhốt dưới hầm chứa quần áo. Ðọc đến đoạn này, người ta không khỏi liên tưởng đến trí tưởng tượng của Alexandre Dumas trong việc dựng lên anh em sinh đôi thay nhau làm vua Louis XIV của nước Pháp. Người không được làm vua bị mang chiếc mặt nạ sắt và lưu đày ra một hoang đảo thật xa.

Ảnh hưởng của “Ðảo Kho tàng” của Stevenson, hoặc “Bá Tước Monte Cristo” của Dantes có thể tìm thấy bàng bạc qua chuyện Vi Tiểu Bảo khám phá ra một kho tàng thật khổng lồ của nhà Thanh. Muốn tìm kho tàng đó phải kiếm ra một bản đồ tản mác trong 8 quyển sách kinh thất tung lâu năm. Nhân vật chính cũng trở thành vương tước như ai mặc dù y chẳng có học, chẳng biết võ nghệ gì hết. Ðảo Thần Long chứa chấp một băng đảng ăn cướp, với giáo chủ võ nghệ tuyệt luân - khiến người đọc dễ liên tưởng đến truyện “Ðảo Kho Tàng” của Stevenson. Có lẽ đây, lần đầu truyện kiếm hiệp Tàu có màn cao thủ bậc nhất võ lâm là ăn cướp sinh sống ở ngoài hải đảo. Cao hơn Hoàng Dược Sư rất nhiều bực.

Ở những đoạn Khang Hy mưu tính đòn chính trị, thường thường hội ý với Vi Tiểu Bảo, người đọc có thể nhận ra dáng dấp “The Prince” (Vương Công) của Machiavelli. Quyển sách của Machiavelli thường dùng như sách gối đầu giường của những người làm chính trị. Cũng giống như quyển Binh Thư Tôn Tử (The Art of War) cho những nhà quân sự, và ngày nay, cho những tổng lý của các công ty thương mại.

Ảnh hưởng của các phim James Bond cũng rất đậm nét trong các truyện Kim Dung, nhất là Lộc Ðỉnh Ký. Ðiểm đặc thù nhất của phim James Bond là gì? Là những xen đấm đá hoạt động không ngừng, gọi nôm na theo tiếng Anh là non-stop action. Những phim James Bond đã tạo thành một genre-loại đặc biệt, chứa những cảnh hiểm nguy, hoạt động đấm đá không ngừng, mà nhiều phim hoạt động hoặc kinh dị bây giờ vẫn thường xuyên xử dụng. Ðiển hình các phim với những tài tử như: Arnold Schwarzenegger ( Terminator ), Sylvester Stallone (Rambo), Wesley Snipes (Passenger 57, The Art of War), và Bruce Willis (Die Hard), v.v.. Lộc Ðỉnh Ký cũng vậy. Ta thấy Vi Tiểu Bảo cứ trải qua hiểm nguy này tiếp đến hiểm nghèo khác. Không ngừng. Những cảnh đó thường dễ làm người đọc nín thở bởi Vi Tiểu Bảo không biết mấy võ nghệ. Ngoài ra Kim Dung cũng đã vinh danh James Bond bằng cách cho Vi Tiểu Bảo có thật nhiều đào, nhiều vợ, giống như điệp viên 007.

Quay trở lại văn học Trung Quốc, Lộc Ðỉnh Ký vinh danh những văn hào nào với những tác phẩm nào? Rất nhiều, đếm không hết lại sợ thiếu sót. Nhưng rõ rệt nhất: Hồng Lâu Mộng của Tào Tuyết Cần và AQ của Lỗ Tấn. Hai tác phẩm hàng đầu của Trung Hoa nhưng hãy còn hơi xa lạ đối với người Việt.

Hồng Lâu Mộng được đứng hàng đầu trong tứ tài tử của văn đàn Trung Hoa, và đã được chính Mao Trạch Ðông hồi còn sinh thời không tiếc lời ngợi khen. Ba kiệt tác kia: Thuỷ Hử của Thị Nại Am, Tây Sương Ký của Vương Thực Phủ và Tam Quốc Chí của La Quán Trung.

Tác giả chính của Hồng Lâu Mộng là Tào Tuyết Cần. Với Cao Ngọc viết tiếp thêm 40 hồi sau cùng. Theo Vương Hồng Sển [7] Hồng Lâu Mộng độc đáo ở chỗ khác với các loại tiểu thuyết khác như Tây Du, Thuyết Ðường, Chinh Ðông, Chinh Tây là một tiểu thuyết đầu tiên không kết hợp từ những mẩu chuyện nhỏ un đúc trong chốn dân gian. Một sáng tác theo cảm hứng văn nghệ của Tào Tuyết Cần, tuy có dựa vào kinh nghiệm và hoàn cảnh gia đình của chính tác giả. Hồng Lâu Mộng khởi mộng từ khoảng năm 1765 vào đời vua Thanh Càn Long năm thứ 28. Câu chuyện dựng chung quanh một hai gia đình vọng tộc, trong đó có họ Giả, với những tình tiết của những người thân thuộc họ hàng với nhau. Có sex, có đồng tình luyến ái, có những mối tình tay đôi tay ba, trong chốn lầu cao cửa rộng. Về sau gia đình gặp nạn suy sút, nhân vật chánh Bửu Ngọc thi đỗ nhưng lại chọn đường xuất gia đi tu. Hồng Lâu Mộng thành công nhờ ở nhiều điểm, nhưng điểm chánh nằm ở hội tụ được phân tích tình cảm và tâm lý của một lô các nhân vật, nhất là các nhân vật nữ phái. Từ mẹ của Bửu Ngọc đến các chị, các em, các người bà con thân thuộc và luôn cả các a-hoàn phục dịch trong nhà.

Kim Dung vinh danh Tào Tuyết Cần bằng rất nhiều cách. Thứ nhất Kim Dung bắt chước đoạn đầu và đoạn cuối của Hồng Lâu Mộng. Hai hồi đó không liên hệ trực tiếp đến câu chuyện ở phần chính. Trong Hồng Lâu Mộng tác giả cho vào hồi đầu câu chuyện một tảng đá lâu ngày thu thập được linh khí biết di chuyển và biết viết lách ghi lại câu chuyện của Hồng Lâu Mộng. Chuyện đó được một ông sư đi ngang khám phá và chép lại cho đời sau. Sau khi kết cuộc câu chuyện, vị đại sư đó mới hỏi hòn đá tại sao câu chuyện không có nhân vật nào đại trung, đại thần hết vậy. Như vậy làm sao để đời được. Trong Lộc Ðỉnh Ký cũng vậy. Kim Dung cho vào một đoạn đầu kể chuyện những nhà trí thức ái quốc (có thật, như Cố Viêm Vũ, Hoàng Tông Hy và Lã Lưu Lương; cũng như nội tổ của chính tác giả Kim Dung Tra Lương Dung là Tra Y Hoàng) gặp gỡ nhau và trong lúc trà dư tửu hậu bàn về những chuyện vu oan giá hoạ do những gian thần người Hán gây nên để trừ khử các nhà ái quốc. Rồi vào hồi hai mới giới thiệu Vi Tiểu Bảo và vào câu chuyện. Gần đến kết cuộc Kim Dung mới lôi mấy nhà trí thức đó ra thuyết phục Vi Tiểu Bảo trở về Thiên Ðịa Hội để tiếp tục chuyện phục quốc. Nặng tình nghĩa với vua Khang Hy, và cũng thành thật với chính mình, Vi Tiểu Bảo đã chọn con đường rút lui về ở ẩn.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

Lộc Ðỉnh Ký cũng vinh danh Hồng Lâu Mộng bằng cách mô tả tỉ mỉ những mâu thuẫn tâm lý tình cảm của một lô các nhân vật phái nữ. Ða số đều lọt vào tay và trở thành vợ của Vi Tiểu Bảo. Tâm lý và những ước mơ, khát vọng cùng những giằng co nội tâm của Vi Tiểu Bảo, một người con trai xuất thân bần cùng và thất học, cũng được Kim Dung phân tích đến nơi đến chốn. Nếu Hồng Lâu Mộng có tả về thủ dâm mộng dâm, Lộc Ðỉnh Ký đáp ứng bằng sex theo khổ dâm sa điết của Kiến Ninh, và mặc cảm Oedipus của Vi tiểu Bảo, si mê những người đàn bà đáng tuổi má mình: Trần Viên Viên và Tô Thuyên. Lại cũng như Hồng Lâu Mộng, Lộc Ðỉnh Ký cho thấy sau bức màn nhung bên ngoài, sự xung đột vẫn thường xuyên xảy ra giữa các tầng lớp, phe phái và thế lực, phục Minh hay ngay trong triều Thanh, của xã hội phong kiến. Lộc Ðỉnh ký còn dứt khoát theo con đường Hồng Lâu Mộng đã vạch ra: Không thèm xây dựng tiểu thuyết trên những nhân vật đại thần đại trung nữa. Ðặt kính hội tụ vào một nhân vật xuất thân từ nơi đầu đường xó chợ và đưa y đến hàng đại thần nhà Thanh hay . . . gian tặc đối với người Hán, tùy theo góc nhìn của xã hội đương thời.

Ảnh hưởng của Lỗ Tấn ra sao? Lỗ Tấn một văn hào lớn của Trung Hoa trong thế kỷ 20. Chuyên về truyện ngắn nói lên những khổ đau của con người, Lỗ Tấn nổi tiếng nhất với “AQ chính truyện” (Muốn đọc Lỗ Tấn, xem ghi chú [8]). Và Vi Tiểu Bảo của Kim Dung có nhiều điểm rất giống nhân vật AQ của Lỗ Tấn. Hai người Bảo và Q đều xuất thân từ giai cấp thấp hèn nhất của xã hội Trung Hoa. Cả hai đều thuộc lớp mù chữ. Riêng Vi Tiểu Bảo mù chữ đến nỗi ký tên thật y thành tên Tiểu viết ra như vẽ hình “thằng nhỏ”. Thật thành giả, giả thành thật. Vi Tiểu Bảo ký tên “thằng nhỏ”. “Thằng nhỏ” viết theo chữ Hán là Vi Tiểu Bảo. Cả AQ và Vi Tiểu Bảo đều thích cờ bạc đánh bài. Kim Dung đã vinh danh Lỗ Tấn bằng cách xây dựng những cá tính chánh của Vi Tiểu Bảo giông giống AQ. Tuy nhiên Vi Tiểu Bảo có số sướng hơn AQ rất nhiều và không bị đoản mệnh như AQ.
Thấp thoáng trong Lộc Ðỉnh Ký ta còn gặp nhiều hoạt cảnh và hình dáng của những nhân vật truyện Tàu thuở trước. Ở cặp Vi Tiểu Bảo-Song Nhi, ta có thể nhớ đến Cam Tử Long-Lã Mai Nương, trong truyện Lã Mai Nương. Lã Mai Nương do vị Thầy của Cam Tử Long cho xuống núi đi theo Cam Tử Long để tìm kẻ tử thù. Song Nhi cũng vậy - được Trang gia chủ tặng riêng cho Vi Tiểu Bảo - để theo và bảo vệ chàng bôn ba trong chốn giang hồ.

Rồi giống như Thủy Hử , Lộc Ðỉnh Ký tạo nên đám Thần Long giáo tuy ăn cướp nhưng cũng lấy được một chút chính danh, do ở việc cấu kết với Nga chống lại Thanh triều, và lo tìm kho tàng để lấy vàng bạc châu báu, cắt đứt long mạch nhà Thanh. Thủy Hử có nhà sư Lỗ Trí Thâm chuyên lén đi ăn thịt cầy, Lộc Ðỉnh Ký có sư Vi Tiểu Bảo pháp danh Hối Minh lén đi vào một kỹ viện gần chùa cho đỡ buồn trống, cho đỡ chổng. Chẳng may chưa làm ăn gì hết y bị hai cao thủ phái nữ tấn công đòi giết. Y phải hoá trang kỹ nữ trốn chạy có cờ.

Lộc Ðỉnh Ký còn thường xuyên nhắc đến các nhân vật của Tam Quốc Chí. Vi Tiểu Bảo khi thống lãnh quân đội cũng áp dụng những chiến thuật của Khổng Minh y học lóm được từ những khách làng chơi ghé lại kỹ viện Lệ Xuân, nơi y sinh sống thuở thiếu thời. Lộc Ðỉnh Ký cũng vinh danh con ngựa xích thố của Lã Bố và Quan Vân Trường bằng cách cho vào một hồi về giống ngựa đua Vân Nam của Ngô Ứng Hùng.

Lộc Ðỉnh ký cũng lên án một vài “minh quân” người Hán bằng cách nhắc lại sự tích Lưu Bang, được chim bẻ ná, giết tướng Hàn Tín sau khi thắng Hạng Vũ. Kim Dung mượn lời nhân vật Lã Lưu Lương nói với Vi Tiểu Bảo vào đoạn cuối, nhằm thuyết phục anh chàng họ Vi đứng ra lãnh đạo Thiên Ðịa Hội và các phong trào kháng Thanh: “Hán Cao Tổ (Lưu Bang) xuất thân đại lưu manh, làm chuyện bậy bạ còn nhiều hơn ngươi, nhưng rốt lại vẫn trở thành ông vua khai quốc của nhà Hán”. Diễn lại vở tuồng Lưu Bang hạ Hàn Tín, Lộc Ðỉnh ký cho Trịnh Khắc Sảng công tử của xếp của Trần Cận Nam dùng dao nhọn đâm lén vào lưng của Trần Cận Nam chỉ vì Cận Nam, mặc dù hết sức trung thành với Trịnh Vương, không hoàn toàn tuân những mệnh lệnh điên khùng của công tử Khắc Sảng. Lộc Ðỉnh Ký cũng vẽ lại hoạt cảnh Hàn Tín thuở thiếu thời luồn trôn một tay anh chị đứng đường, bằng cách cho Vi Tiểu Bảo chui qua háng của Tô Thuyên để trốn chạy Hồng Giáo chủ đang rượt đuổi.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

Giải hoá các mâu thuẫn

Một trong những kỹ thuật chính yếu của nghề viết tiểu thuyết là tạo cho nhân vật các giằng co tâm lý khó xử, nhiều tình huống mâu thuẫn, và nếu được những thế lực hoặc xã hội hoặc cá nhân, tương phản, kình chống với nhau, trùm lên đầu nhân vật chính. Rồi tìm cách giải toả chúng vào cuối câu truyện.

Tất cả những nhà văn nổi tiếng như cồn đều đã đề ra giải pháp ổn thoả cho các gút mắt trong truyện mà đa số các độc giả có thể chấp nhận được hoặc cảm thấy thoải mái. Thí dụ, truyện Kiều phải kết cuộc làm sao mới vừa tổng hợp được các triết lý Khổng Mạnh, triết lý nhà Phật, triết và hồn Việt [9], luân lý và đạo đức của dân tộc, đạo làm người, thuyết tài mệnh tương đố, v.v. vừa giải quyết được mâu thuẫn của câu chuyện. Văn hào Nguyễn Du đã thành công trong chuyện đó ngoài việc chấm bút tạo áng thi văn bất hủ.

Truyện của Kim Dung sở dĩ thành công, một phần lớn nhờ ở những giải hoá các mâu thuẫn đó. Trong “Anh Hùng Xạ Ðiêu” Quách Tĩnh trái lời 7 vị Thầy đi yêu con gái một người mang danh Ðông Tà. Trước đó y đã yêu và hứa hôn với một người công chúa Mông Cổ. Trong “Lục mạch Thần Kiếm” Kim Dung cho người đọc nín thở khi thấy thái tử Ðoàn Dự chuyên đi yêu các em gái của mình. Rồi tới màn Ðoàn bị giam chung với một em gái và bị uống thuốc kích dâm sao đó. Kết cuộc người Ðoàn Dự mê mệt, Vương Ngọc Yến, do chính bà mẹ Ðoàn Dự trối trăn, thật ra không phải là em gì của Ðoàn Dự hết. Mấy người em gái kia cũng vậy. Con muốn lấy ai thì lấy. Trong “Tiếu Ngạo Giang Hồ” Lệnh Hồ Xung được nhiều người yêu. Mỗi người yêu một kiểu. Rồi Lệnh Hồ Xung lại đi yêu con gái của giáo chủ của Ma giáo. Kim Dung phải lái người đọc làm sao để ai cũng có thể chấp nhận cô dâu Nhậm Doanh Doanh với đầy lý lịch Ma giáo đó.

Tiểu thuyết muốn được người đọc yêu chuộng hơn nữa phải luôn luôn có những mâu thuẫn tiểu tiết lồng trong những mâu thuẫn gút mắt chính. Thí dụ 1, mâu thuẫn tiểu tiết về tương quan của Ngũ Hành như đã trình bày ở trên. Thí dụ 2, một trong những mâu thuẫn tiểu tiết của Lộc Ðỉnh Ký là chuyện ăn vụng giữa Kiến Ninh với Vi Tiểu Bảo. Vua Khang Hy với mưu tính chánh trị muốn gả em gái Kiến Ninh cho Ngô Ứng Hùng con trai Ngô Tam Quế. Làm sao giải quyết chuyện động trời này, và đồng thời gây được kinh dị, tiếu lâm, thích thú, vừa thoả đáng được các đòi hỏi của luân lý – và cũng nằm trọn trong cái đề luận phụ của câu chuyện (về . . . có thằng nhỏ và không có thằng nhỏ). Kim Dung đã giải toả cái gút đó bằng cách cho Kiến Ninh đánh vào đầu Ứng Hùng bất tỉnh rồi lẹ tay cắt đứt . . . thằng nhỏ của Ứng Hùng đi. Rồi la to rằng Ứng Hùng vào đó tính hiếp thị cho biết mùi vợ chồng và để . . . trả thù dân tộc! Sau đó dù Ứng Hùng có trở thành chồng Kiến Ninh, Ứng Hùng cũng chỉ giống như . . . một thái giám mà thôi.

So với các tiểu thuyết trước của Kim Dung – những mâu thuẫn chính và phụ trong Lộc Ðỉnh Ký khó khăn gấp bội phần. Khó khăn ở chỗ đó là những mâu thuẫn tình cảm, thế lực và nhất là chính trị, chủng tộc và văn minh, văn hiến, v.v. Những mâu thuẫn này Kim Dung đã giải hoá thật hay.

Hai mâu thuẫn chính, thường xuyên giao tác với nhau, nằm ngay ở phần xương sống của câu chuyện: Phản Thanh phục Minh với lòng ái quốc và chủ nghĩa cá nhân. Lồng vào đó một ý niệm thể hiện qua thành ngữ quen thuộc của người Ăng Lê, nổi tiếng với đầu óc thực tiễn: “If you can’t beat them, join them” (Nếu bạn không hạ được đối phương, hãy nhập bọn với chúng). Nhiều khi được kèm theo: “And beat them later” (Và để rồi hạ bọn chúng sau).

Theo với nền luân lý Khổng Mạnh và văn hoá Trung Hoa từ ngàn đời, quân dân phải luôn luôn trung thành với vua. Người ta chỉ có thể chuyển đổi sự trung thành đó khi triều đại hoàn toàn suy thoái và có một vị vua khác, do . . . mệnh trời chỉ định, đã lên được ngôi vua ở triều đình rồi. Những vị quan to có bất mãn với đương kim hoàng đế hay bị thất sủng, chỉ có nước xin vua cho trở về qui ẩn. Vua hay chúa của mình có bị thất trận, chết, và nếu không có ấu chúa cần phải bảo vệ, quần thần phải tuẫn tiết chết theo. Ðó là trường hợp Vương Thừa Ân đối với vua cuối triều Minh Sùng Trinh. Trường hợp hàng ngàn tướng sĩ theo phò các vị hoàng thân triều Minh nổi dậy chống nhà Thanh – khi chủ tướng của họ bị nhà Thanh dẹp tan. Những đám tàn quân cấp dưới có thể di tản sang một nước khác để chờ ngày trở về. Như trường hợp một nhóm Thiên Ðịa Hội di tản sang nước An Nam, sau những cuộc khởi nghĩa chống nhà Thanh bị thất bại.

Thêm vào đó, cho mãi đến thế kỷ 20, lối sống dân tộc Trung Hoa vẫn luôn dựa vào hệ thống giá trị của văn hoá ngàn đời, thể hiện bằng những câu “thánh ngữ” như: “Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách” hoặc “Quân xử thần tử - thần bất tử bất trung”. Hay tam cương ràng buộc “thần phải trung thành với quân vương, con cái phải hiểu để với cha, vợ phải tòng phục chồng”. Giá trị của con người nằm ở ngũ thường: “Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín”. Còn rất nhiều, nhiều “thánh ngữ” biểu tượng cho hệ thống văn hoá, và giá trị cổ truyền Trung Quốc. Nhưng hay cũng như dở, hợp lý hay vô lý, chính các “thánh ngữ” này đã giúp Trung quốc không ít trong việc tồn tại như một quốc gia cho mãi đến ngày nay. Chủ nghĩa cá nhân theo kiểu Tây Phương có một chỗ đứng rất nhỏ, nếu không nói không có, trong xã hội Trung quốc cổ xưa, nhất là trong tầng lớp quyền bính. Thánh ngữ “quân xử thần tử - thần bất tử bất trung” lan tràn mạnh mẽ sang những nước láng giềng, và lên đến tột đỉnh tại Nhật Bản tại các lãnh địa sứ quân. Như rất nhiều phim hiệp sĩ đạo của Nhật cho thấy [11]. Chủ nghĩa cá nhân, mặc dù luôn tiềm ẩn với mọi con người, làm sao phát triển được khi vua hay sứ quân bảo mình chết – không cần biết vì lí do gì – mình cũng phải chết. Nhỡ các quân vương đó bảo mình chết vì muốn chôm đào nhí hay giựt bạn trai của mình thì sao?

Cái văn hoá phong kiến đó đã chui vào xương tuỷ dân Hoa suốt cả ngàn năm. Không nhúc nhích. Văn chương chữ nghĩa lúc nào cũng nhồi vào sọ người dân những thứ “thánh ngữ” này. Ngay đến các tiểu thuyết trước thời Hồng Lâu Mộng – như chính Hồng Lâu Mộng có nhắc nhở - thường phải có vai trò của một vị đại trung đại thần bảo vệ giang san và . . . triều đình. Hồng Lâu Mộng chính lần đầu tiên một truyện dài đã không xử dụng vai chính những đại trung đại thần. Và Kim Dung chính tác giả đầu tiên đã đối diện trực tiếp đến những “thánh ngữ” đó và hùng hồn biện minh cho việc dung hoà với một số điều hay việc tốt của văn hoá phương Tây. Hành trình của Vi Tiểu Bảo chính là hành trình của một người mang chủ nghĩa cá nhân xuyên qua những xung đột và mâu thuẫn về chính trị, văn hoá, hệ thống giá trị Khổng Mạnh, biên giới quốc gia, quân sự, võ biền, tình cảm, luyến ái, và mưu cầu tự do và hạnh phúc cuộc đời. Tất nhiên hành trình đó đầy chông gai hiểm nghèo và người phiêu lưu bất đắc dĩ đó chỉ được trang bị bằng bản lĩnh chợ trời, và bản năng sinh tồn tự nhiên con người, mô tả bằng câu thành ngữ của người Anh: “Nếu bạn không hạ được đối phương – hãy nhập bọn với chúng, để rồi hạ chúng sau”.
15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

Vi Tiểu Bảo trước hết bị giam lỏng trong hoàng cung. Sau đó sợ chết, y phải gia nhập đoàn thái giám. Rồi tình cờ y quen biết với hoàng đế Khang Hy trạc tuổi y, ưa tập võ nghệ. Sau khi giết Ngao Bái y bị phe Thiên Ðịa Hội câu lưu vì thấy y người Hán sao lại có chức trong triều đình Thanh. Y phải gia nhập Thiên Ðịa Hội. Sau đó vài năm y bị bọn Thần Long giáo bắt ép gia nhập. Hai người y yêu Phương Di và Mộc Kiếm Bình cũng vậy. Cũng bị cho uống thuốc độc bắt phải theo Thần Long giáo. Y phải gia nhập vì sợ chết nhưng trong bụng y ghét nhất Thần Long giáo, chỉ trừ Hồng phu nhân Tô Thuyên thôi. Nhiều năm sau, chính y được Khang Hy giao sứ mệnh đi dẹp Thần Long giáo. Ðối với Thần Long giáo, đặc biệt Vi Tiểu Bảo vì “không hạ được chúng, nên đã nhập bọn với chúng, để rồi hạ chúng sau”. Và gần như bản năng sinh tồn của Vi Tiểu Bảo trong những lúc nguy biến đều có thể được mô tả một trăm phần trăm như kiểu thành ngữ này. Cứ mỗi khi Vi Tiểu Bảo áp dụng thành ngữ Ăng Lê này, y đều thành công. Tuy nhiên, một đôi khi nó cũng đưa y đến bên bờ vực thẳm, mất mạng như chơi.
Thế nhưng chiến thuật kiểu cơ hội chủ nghĩa đó hiển nhiên rất mâu thuẫn với hệ thống giá trị cổ truyền Trung Hoa. Ngoài đó ra, Lộc Ðỉnh Ký còn chất chứa hàng chục thứ mâu thuẫn khác nữa. Kim Dung đã giải quyết mâu thuẫn của xung đột giữa hệ thống giá trị cổ truyền Trung Quốc với mưu cầu tự do và hạnh phúc cho con người Vi Tiểu Bảo ra sao?
Quan trọng nhất, Kim Dung cho Vi Tiểu Bảo hoàn toàn thất học. Nhưng cho Vi một mớ hiểu biết lờ mờ về lịch sử . . . theo kiểu chợ trời bởi những kiến thức đó của anh tiến sĩ chợ trời đã được thu lượm và nghe lóm từ những “tiên sinh” kể chuyện ở đầu đường hay tại kỹ viện nơi Vi sinh sống. Ðặc biệt Vi Tiểu Bảo gần như bị dị ứng đối với vấn đề học hành, từ chữ nghĩa đến võ nghệ. Ðiểm này hơi vô lý bởi Tiểu Bảo làm quan lớn một thời gian dài – y chỉ cần thuê một số lão sư đến dạy chữ nghĩa cho y, ngay cả vừa ngủ vừa học cũng được. Nhưng không, từ đầu đến đuôi Vi hoàn toàn không chịu khó học được một câu, viết được một từ đàng hoàng. Mặc dù y biết y nói sai bởi có nhiều người, kể cả Khang Hy, sửa sai những câu thánh ngữ y thốt ra, hoặc những điển tích y muốn ví von so sánh. Tại sao vậy? Tại vì nếu cho y biết chữ y sẽ bị kẹt vào thế: “nước nhà lâm nguy, người trí thức phải có trách nhiệm”! Phải gia nhập Thiên Ðịa Hội, hoặc phong trào của mấy vị hoàng thân vương tôn tàn dư của Minh Triều, một cách nghiêm túc. Không thể nào cù cưa với Khang Hy hoặc ăn nằm với Kiến Ninh được trừ phi muốn … trả thù dân tộc. Có chữ một chút khộng được, bởi có chữ có nghĩa Vi biết cái giá trị chính giữa của xã hội, của dân tộc Trung Hoa, biết phân biệt theo với hệ thống giá trị đó, phe ta phe thù. Những giá trị và quan niệm Trung Hoa đó không cần biết hay hoặc dở, đúng hay sai, kinh điển hay không, vẫn là một hệ thống giá trị của một dân tộc. Vi mang nợ núi sông vì đã được hưởng thụ thành quả của hệ thống giá trị đó. Do đó Vi phải trả nợ đó. Vi cũng, bởi ràng buộc của hệ thống giá trị cũ, không thể theo được chủ nghĩa cá nhân, mưu cầu tự do hạnh phúc cho riêng mình. Chính bởi ở lý do đó, muốn được tự do hành động theo riêng bản năng mình, phù hợp với chủ nghĩa tự do cá nhân, Vi không thể biết gì đến chữ nghĩa.
Vi Tiểu Bảo cũng không thể học võ với ai, bởi môi trường võ nghệ lại chỉ có một mục đích tối thượng. Người chốn giang hồ hay võ biền phải lo bênh vực kẻ yếu thế cô. Phải lo đáp ơn sông núi. Phải dùng tài võ nghệ của mình để điều binh khiển tướng hòng đánh đuổi quân xâm lăng ra khỏi bờ cõi nước nhà. Người kiếm khách Trung Hoa còn luôn luôn có những quy ước hành động bất thành văn. Trong đó, không bao giờ có cái chuyện “Nếu bạn không hạ được đối phương, hãy nhập bọn với chúng” mà Vi Tiểu Bảo hằng xử dụng như một ngón võ tuyệt chiêu không những bảo vệ tính mạng của mình, mà còn dùng nó để thăng quan tiến chức. Không được, Vi Tiểu Bảo không được biết đến chữ và võ. Kim Dung giải hoá các mâu thuẫn đó bằng cách cho Vi Tiểu Bảo hoàn toàn bị dị ứng từ chuyện học chữ đến chuyện luyện võ. Vi Tiểu Bảo vẫn mù chữ và dốt võ từ đầu đến cuối truyện. Lộc Ðỉnh Ký đã cho thấy những tình huống, những màn kịch rất hợp nhất với lô gích. Từ lô gích ngũ hành đến lô gích của hệ thống các giá trị, cũ và mới.Với một bố cục thật chặt chẽ.
Tuy nhiên, ở điểm này ta thấy, Kim Dung đã dung hoà hay đúng hơn “nhượng bộ” thế lực của hệ thống giá trị cũ của Trung Hoa. Luận đề chính vẫn không hề hấn, không bị suy suyển: Thời đó vẫn có một con người đã có thể hợp tác với Thanh triều. Vô học hay có học theo nguyên lý bất nhị cũng y như nhau. Chỉ quan trọng ở chỗ có một người Hán làm lớn trong triều nhà Thanh và làm được nhiều điều ích lợi cho dân Trung Hoa và nước Trung Hoa. Và động cơ mạnh mẽ để thúc đẩy và giúp y làm nên việc, là chủ nghĩa cá nhân, mưu cầu tự do hạnh phúc con người. Và cá nhân y thành công – không bị Khang Hy giết chết, hay các phe kháng Thanh cho đi mò tôm, dù biết y một dạ hai ba lòng – chung qui cũng nhờ ở những giá trị cổ truyền Trung Hoa vẫn có trong người y: lòng chung thuỷ, trung thành, và hai chữ tín nghĩa. Y cũng có trí, dù đó là một loại trí chợ trời. Trí chợ trời với trí khoa bảng, qua Lộc Ðỉnh Ký, không biết loại nào hơn loại nào. Nếu so sánh cái trí của y với cái trí của sư phụ y là Trần Cận Nam. Trần Cận Nam học sâu hiểu rộng, thường là thần tượng, người hùng kiểu mẫu trong giới giang hồ. Thế nhưng cái trí của Trần Cận Nam bị mớ giá trị cổ truyền kia làm cho Nam mù mờ không biết rằng Nam đang phục vụ một sứ quân bất tài như Trịnh Khắc Sảng để rồi về sau bị Sảng đâm lén sau lưng. Trong khi Vi Tiểu Bảo nhờ thất học nhưng với trực giác và trí thông minh của giới chợ trời biết tẩy ngay con người của Trịnh Khắc Sảng ngay khi mới gặp. Nhưng đối với lễ, y hoàn toàn không có. Kim Dung cho y chửi thề từ đầu đến cuối. Rồi lây tính chửi thề qua Khang Hy. “Con mẹ nó,…”. Thỉnh thoảng y cũng khoái ăn mặc đẹp theo cách nhà quan nhưng dường như y có vẻ không được thoải mái mấy.
Phải chăng chi tiết “thất học” của Vi Tiểu Bảo được Kim Dung dùng để đưa một thông điệp chính. Với hai thành tố. Thứ nhất có nên dung hoà hoặc bổ xung hệ thống giá trị cổ truyền Trung Hoa với một số giá trị Tây phương hay không. Bút hiệu của Kim Dung đích thị mang ý nghĩa của thành tố này. Kim mạng Kim theo Ngũ hành, chỉ phương Tây, cũng có nghĩa hiện đại. Dung tức ‘trung dung’ theo nguyên tắc Khổng Mạnh, chọn một đường hướng không cực đoan quá khích. Nhưng cũng có âm giông giống ‘dung hoà’. ‘Kim Dung’ có thể mang nghĩa chọn một con đường ‘trung dung’ với hoàn cảnh hiện đại, hoặc tản mạn ra: dung hoà với giá trị hiện đại, giá trị phương Tây. Thành tố thứ hai phải chăng khi cho Vi Tiểu Bảo, một người trẻ tuổi, hoàn toàn vô học cả văn lẫn võ Kim Dung có ngụ ý những người mù chữ, bởi không biết gì hết đến hệ thống giá trị cổ truyền và những ràng buộc của nó, và hãy còn trẻ, nên dễ hành động theo bản năng con người mình hơn và dễ . . . tiếp thu được cái hay cái mới hơn?
Còn thêm một thông điệp nhỏ nữa trong vấn đề Vi Tiểu Bảo không biết nhiều võ công. Bởi có biết cũng không giúp ích được cho y trong những công tác trọng đại Khang Hy giao phó. Thời Vi Tiểu Bảo bắt đầu là thời thế lực mạnh mẽ của súng đạn Tây Phương. Nước Tàu từ đó về sau cho dù có đến “Võ Lâm Ngũ Thiên Bá” cũng khó lòng thay đổi được cục diện quốc phòng, và an ninh quốc gia. Giới giang hồ đang bắt đầu lo gác kiếm, nghỉ hưu.
Nếu nhìn kỹ, chi tiết bắt Vi Tiểu Bảo phải thất học, từ văn đến võ, thật ra là một “nhượng bộ” giả của Kim Dung. Chính ra đó là lối thuyết phục nhẹ nhàng của tiểu thuyết. Vừa để giải toả mâu thuẫn vừa đưa những người đọc khó tính, và bảo thủ đối với hệ thống giá trị cổ truyền của Trung Hoa, đến chỗ chấp nhận các hành vi của Vi Tiểu Bảo. Kim Dung đã làm người đọc khó tính dễ bị lôi cuốn bởi phiêu lưu vô bờ bến, tuy thiếu chất võ hiệp của chàng Hán tộc họ Vi. Trong lúc tác giả âm thầm tấn công hệ thống giá trị cổ và đồng thời rót nhẹ vào tai người đọc những điểm nóng hay nguội cần phải dung hoà với văn hoá và văn minh Tây phương.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

Mặt khác, có nhiều chi tiết cho thấy Kim Dung vẫn chấp nhận tam cang ngũ thường nhưng đưa ra một thông điệp mới: Cần phải xem lại từng giá trị một và áp dụng theo tuỳ trường hợp. Thí dụ, Vi Tiểu Bảo vẫn có thể trung thành với vua gốc Ðông Di là Khang Hy, bởi vua chơi đẹp với y. Trước công tác nào cũng vậy vua hứa nếu y làm được việc vua sẽ trọng thưởng. Và vua luôn luôn giữ lời hưá. Y trung thành với vua đến nỗi sẵn sàng chết thay vua, hay không thèm đi phá long mạch người Mãn để cho nhà Thanh tiêu tùng. Trong khi đó các phe phục Minh chưa gì đã xâu xé lẫn nhau và tuy cùng chung mục tiêu vẫn thường xuyên tranh chấp với nhau, bởi mỗi phe đi phò một ông hoàng thân khác nhau. Họ không bao giờ nhất thống, trong tư tưởng và hành động. Tệ hơn nữa Trịnh Khắc Sảng chưa chi đã đâm lén công thần số 1 của mình là Trần Cận Nam chỉ vì Cận Nam chỉ tuân theo lệnh của Trịnh Vương, cha của y. Tiếu lâm hơn, Kim Dung vạch ra mặt trái của loại “tam cang” chồng chúa vợ tôi bằng cách mô tả, công chúa Kiến Ninh hành hạ Vi Tiểu Bảo trong những lần chăn gối vì sa điết, và lúc “xuất giá tòng phu” Kiến Ninh lại “xuất chiêu” cắt đứt cái phụp “thằng nhỏ” của phu quân Ngô Ứng Hùng. Vi Tiểu Bảo đã từng chui qua háng Tô Thuyên, một người vợ sau này của y. Vi Tiểu Bảo theo người yêu công chúa Sophia trở về Mát-Cơ-Va, v.v. Trong nhiều chi tiết về vợ chồng, Kim Dung cho thấy người vợ vẫn có thể trên cơ, hay nằm trên người chồng như thường.

Lộc Ðỉnh Ký cho thấy Kim Dung cũng không hoàn toàn phá tung toàn bộ hệ thống giá trị cổ truyền Trung quốc. Ta để ý Vi Tiểu Bảo sau cùng phải . . . cưới tất cả những người đàn bà nào y yêu hay yêu y. Ðặc biệt gồm cả 4-5 bà y đã xơi tái nhân cơ hội mấy người này bị hôn mê bất tỉnh. Rồi kể cả Kiến Ninh người như đã …. hiếp dâm y và cho y biết mùi khổ luỵ của tình ái. Y đều cưới tất cả và đem về trình diện với má y đàng hoàng. Chỉ trừ công chúa Sophia của nước Nga, y chỉ yêu sơ sơ rờ-măng thôi. Ở điểm này ta thấy Kim Dung lại rất cẩn thận, nói lên quan niệm, luyến ái phương Tây không nhất thiết phải dẫn đến vợ chồng.

Tạo ra Vi Tiểu Bảo một người thất học trèo lên địa vị cao sang Kim Dung cũng đưa một thông điệp nhỏ: Vi Tiểu Bảo không tham lam quá độ. Lúc nào cũng thấy mình được như vậy là quá rồi. Ngay cả chết y cũng (giả bộ?) không sợ. Chỉ nhờ ở chỗ y biết y dốt và sức y có hạn. Phải chăng đó cũng là chìa khoá để đưa đến giác ngộ, tự do và hạnh phúc? Một điểm tiếu lâm nhỏ ở cuối câu chuyện phải kể, các nhà nhân sĩ đi kiếm Vi và thuyết phục y ra làm minh chủ Thiên Ðịa Hội. Họ tính gạt y bằng cách xin y tên tuổi của bố y để đi xin cho y một lá số tử vi. Chắc chắn số tử vi đó sẽ nói y có mạng đế vương để y ham mà nhảy ra lãnh chức minh chủ các phong trào kháng Thanh. Nhưng không, y không ham gì cả và đáp chính y không biết cha là ai, và nói làm lãnh tụ cực lắm y không đủ sức. Thông điệp về “tri túc”, về biết đủ là đủ, lại được Kim Dung nhấn mạnh qua lời nói của Hồng phu nhân tức Vi phu nhân sau này, trước khi Hồng An Thông từ giã cõi đời. Lúc đó Hồng giáo chủ đòi giết Vi Tiểu Bảo, và lẩm bẩm đòi sống thọ ngang . . . với trời. Hồng phu nhân che chở cho Vi và nói đại khái: “Ông đã oai danh cả đời. Như vậy là đủ quá rồi”.

Trong việc cấu tạo nhân vật Vi Tiểu Bảo, Kim Dung còn để ý đến gốc gác của Vi bằng cách cho bà mẹ Vi tiết lộ với Vi thật ra bà không biết cha y là ai. Bởi bà có đủ thứ khách tại kỹ viện: Hán, Mông, Tạng, Mãn, v.v. chỉ trừ người Tây dương mà thôi! Với mục đích gì? Có lẽ cho Bảo có gốc gác về huyết thống mù mờ Bảo có thêm một lý do khác để hợp tác với người Mãn Thanh. Y có thể nói cha tôi có lẽ là người Mãn. Ðể ý Kim Dung còn bảo hiểm và tránh tiếng cho Vi Tiểu Bảo bằng cách cho Vi sống trên một hòn đảo với bảy người vợ trong suốt những năm vua Khang Hy đem quân dẹp hết các nhóm phản Thanh phục Minh. Ðể Vi Tiểu Bảo hoàn toàn không bị mang tiếng Hán gian. Thật ra Kim Dung chỉ muốn Vi Tiểu Bảo được an toàn trên hệ thống xa lộ của giá trị cổ truyền, không phải đơn thuần vì lí do nhượng bộ (giả). Nhưng có lẽ bởi những thông điệp chính cần được chải chuốt đến mức tối đa, không thể bị cọ xát bởi ảnh hưởng của lý lịch.

Khi bật mí lí lịch có vẻ hợp chủng của Vi Tiểu Bảo về huyết thống của người Cha phải chăng Kim Dung lại đưa thêm một hai thông điệp nữa. Ðó là, người Tàu thật ra cũng đã là một thứ hợp chủng như người nước Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ rồi. Về huyết thống nó đã có đầy những cái hay, không thiếu chi “chất xám”. Chỉ cần dung hoà thêm về quan niệm và chủ nghĩa cá nhân của Tây phương nơi khối óc. Khối óc nhỏ bé của Vi Tiểu Bảo. Thông điệp đó cũng khơi lên “giấc mộng Mỹ” nơi đó nếu có cố gắng, giấc mơ nào cũng thực hiện được. Một người nửa Hán nửa tạp chủng như Vi có thể hiện thực được giấc mơ của mình giữa triều đại quân chủ phong kiến của người rợ Ðông Di, thì triều đại đó phải là một thứ triều đại số dách rồi.

Mâu thuẫn của một người Hán, hay nửa Hán nửa gì đó, phục vụ cho một triều đại ngoại chủng còn được Kim Dung giải hoá thật hay qua chồng hồ sơ lí lịch khác của Vi Tiểu Bảo. Ðó là chồng hồ sơ một chuyên gia hay một nhà chuyên nghiệp. Chuyên gia là gì và tại sao Vi Tiểu Bảo hội đủ lí lịch đó. Một nhà chuyên nghiệp, hay chuyên gia, theo ý nghĩa “pro” thông thường của Tây phương là một người xử dụng kỹ năng của mình để kiếm sống và không để ý đến căn cước hay lí lịch của khách hàng, hay người mình phục vụ. Một bác sĩ y khoa vẫn phải chăm sóc sức khoẻ cho một bệnh nhân có thành tích ăn cướp giết người. Một chuyên viên giải phẫu khi phải lắp nối lại một “thằng nhỏ” bị cắt không bao giờ hỏi người bị cắt đó có phải là một tội nhân chuyên hiếp dâm hàng loạt hay không. Nguời luật sư luôn luôn phải bênh vực thân chủ mình dù người đó có bị cáo về tội khủng bố, ăn cướp, giết người. Hay một nhà độc tài vừa bị bắt hay truất phế. Ý niệm “nhà chuyên nghiệp” ngày nay đã lan tràn qua rất nhiều lãnh vực, nhiều ngành nghề và vượt khỏi biên giới, tinh thần quốc gia. Và hình như chỉ còn bị giới hạn ở những lãnh vực “chuyên nghiệp” liên quan đến quốc phòng mà thôi. Người ta thấy những giáo sư đại học, những khoa học gia, những tài tử và đạo diễn như Antonio Banderas, Catherine Zeta-Jones, Nicole Kidman, Penelope Cruz, Ang Lee, John Woo, Chou Yun Fat, v.v. - những nhà chuyên nghiệp với niềm hãnh diện của các quốc gia sản xuất ra họ - chẳng mấy chốc đều trở thành Mỹ kiều hết ráo. Các nhà thể thao nổi tiếng, nhất là các ngôi sao về tennis, về bóng rổ - như Martina Navratilova, Yao Ming - thường xin nhận nước Mỹ làm quê hương. Kim Dung cho Vi Tiểu Bảo là một nhà chuyên nghiệp. Dù đó, một chuyên gia chợ trời. Ở chỗ Vi Tiểu Bảo là con của một người đàn bà mang nghiệp chuyên gia xưa cũ nhất lịch sử nhân loại. Con vua thì được làm vua – con người kỹ nữ phải là thằng điếm chuyên nghiệp. Bởi Vi Tiểu Bảo một nhà chuyên nghiệp, y có thể xuyên qua hết những bức thành trì kiên cố của giá trị cổ truyền. Y muốn phục vụ ai thì phục vụ. Không cần để ý tới khách hàng hoặc người y phục vụ. Miễn y không làm suy giảm tìềm năng, tài nguyên, tài sản của đất nước và làm phương hại đến nhân dân. Vi Tiểu Bảo đã thoả mãn những yêu cầu đó và lại còn vinh danh được vai trò của chuyên gia.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

Ở sự ví von chuyên gia này, ta thấy tầm nhìn của Kim Dung vào năm 1972 đã phóng thật xa. Bởi vào đầu thế kỷ 21, ngay những người được xem là “anh hùng” dân tộc như Russell Coutts và Brad Butterworth của Tân Tây Lan trong cuộc đua thuyền America’s Cup, vào năm 2003 đã bỏ Tân Tây Lan nhảy sang làm việc cho thuyền đoàn của Thuỵ Sĩ, chỉ bởi Thuỵ Sĩ trả lương họ gấp đôi lương kiếm được tại Tân Tây Lan.

Người dịch Cao Tự Thanh hiện nổi tiếng như cồn tại Việt Nam. Bản dịch của Cao có rất nhiều chú thích giúp người đọc am tường vấn đề hơn. Những chú thích đó thường cho biết chi tiết nào có vẻ hư cấu chi tiết nào đúng với lịch sử. Hành văn cũng rất dễ đọc. Duy có điểm, một số các từ và thành ngữ, chơi chữ phải giữ nguyên tiếng Hán mới tôn trọng được tính chất . . . kiếm hiệp của Kim Dung. Nhiều lối chơi chữ chính dịch giả phải thú nhận bó tay trong phần ghi chú. Một sơ sót rất nhỏ, tác giả dịch thẳng theo tiếng và âm Tàu Russia thành La Sát. Người đọc dễ thấy chới với không ít bởi không biết La Sát là nước nào mà to lớn dữ vậy. Ðến xong vài quyển rồi mới có một ghi chú nhỏ nói đó chính là nước Nga. Âm R không có trong tiếng Hán và tiếng Nôm khi xưa, và vẫn không có trong tiếng Quảng Ðông cho đến ngày nay. R đọc thành L. Russia Tàu phiên âm thành La Sát.

Nếu hỏi trong mười mấy bộ tiểu thuyết, Kim Dung đã dồn hết mười thành công lực vào bộ tiểu thuyết nào để nhằm đưa ông lên tột đỉnh của sự nghiệp. Câu trả lời chắc chắn là bộ Lộc Ðỉnh Ký.

Lý do dễ hiểu. Lộc Ðỉnh Ký không phải đơn thuần là một tiểu thuyết võ hiệp. Như người dịch Cao Tự Thanh đã viết, nhân vật chính không biết ‘võ’ mà cũng chẳng ‘hiệp’ gì. Lộc Ðỉnh Ký có lẽ là một tổng hợp lớn của đề luận về ước mơ của tuổi trẻ, của con người thời tao loạn, của tâm lý phái nữ, dục vọng con người, của chính trị, tranh chấp chủng tộc và văn hoá, của chiến tranh và bang giao quốc tế, của những ám ảnh về “tiểu bảo” tức thằng nhỏ, về sex, về vấn đề tranh sống hoặc tìm chỗ đứng trong xã hội, trong lịch sử của con người. Của chuyện lớn, triều đình - chính trị, được vận hành thành công bởi con người nhỏ, nhỏ tuổi (Tiểu Bảo và Khang Hy). Của chuyện nhỏ (thằng nhỏ) xít ra chuyện lớn (Cắt thằng nhỏ Ngô Ứng Hùng đưa đến chuyện Ngô Tam Quế làm phản một lần nữa / Vi Tiểu Bảo, người nhỏ, ăn nằm và nên duyên vợ chồng với những người đàn bà chức lớn, lớn tuổi / Từ cuộc tình nhỏ của Sophia và Bảo đến bang giao hai nước Nga-Hoa).

Lộc Ðỉnh Ký còn đưa ra một luận đề chính nữa, theo lý giải bút hiệu Kim Dung của chính tác giả, nhằm dung hoà hệ thống giá trị cổ truyền của Trung Hoa với những gì hay ho, hiện đại của phương Tây. Chính sự dung hoà Ðông và Tây này có thể tác động cho việc mưu cầu tự do và hạnh phúc cuộc đời. Thế, Kim Dung có đặt câu hỏi dân chủ có phải một yếu tố hàng đầu trong mưu cầu tự do hạnh phúc hay không? Có lẽ, không. Và cũng có lẽ, có. Không, ở chỗ nhiều cuộc hội họp và hội nghị toàn quốc giữa các phe chống Thanh thường không đi đến kết quả nào, theo với đa số. Họ chỉ đồng ý nhau trên căn bản kiếm hiệp giang hồ. Và chủ ai nấy giữ. Trung thành mù quáng, không cần biết chủ mình có thật tài, có đức hay không. Phe nào trừ được gian tặc Ngô Tam Quế trước, phe đó sẽ được làm minh chủ. Không, cũng ở chỗ Khang Hy thường quyết định về chuyện quốc gia đại sự một mình. Không có quốc hội gì hết. Và những quyết định của Khang Hy thường rất tốt, rất . . . minh quân. Có, có chút đỉnh, ở chỗ trong nhiều trường hợp, Khang Hy ưa hỏi ý kiến của Vi Tiểu Bảo. Hỏi ý kiến của một người tiêu biểu thuộc Hán tộc, thuộc dân bị trị. Xuất thân từ chốn bần cùng.

Những người mê đọc truyện Tàu thuộc các thế hệ trước thời Kim Dung đều có thể nhớ đến truyện Phong Thần của Hứa Trọng Lâm, viết vào thời Minh. Phong Thần thuật chuyện nổi dậy của vua nước Châu chống lại nhà Thương. Mỗi bên được những đạo sĩ, những võ tướng thần thông cái thế thuộc hai phe đối nghịch nhau phò tá: Xiển giáo và Triệt giáo. Qua những chiến trận phù phép giữa hai bên, các đạo sĩ, võ tướng đều tử trận. Họ trở về cõi Trời và được phong thánh phong thần. Rồi cùng nhau “làm việc” cho Ngọc Hoàng Thượng đế. Cả hai phe đối nghịch nhau cùng làm việc cho một đấng chí tôn – chính là một ý niệm cơ bản của dân chủ theo kiểu Westminster của Anh quốc, hay kiểu nước Nhật ngày nay. Hưá Trọng Lâm có vẻ đã mơ hồ nhận thức được ý niệm này qua pho truyện Phong Thần, vào khoảng thế kỷ 16.

Ở một góc cạnh nào đó, ta có thể thấy Lộc Ðỉnh Ký mang ít nhiều luận đề của Hồng Lâu Mộng và AQ. Nhưng những luận đề đó được viết ngược lại. Viết theo cái nhìn của Kim Dung về các vấn đề nhân sinh và mâu thuẫn giữa những hệ thống giá trị của xã hội. Viết theo một chiều hướng hiện đại và một bối cảnh rộng lớn, quốc tế hơn. Lồng trong những đường gươm lưỡi kiếm và súng đạn. Hồng Lâu Mộng cho một gia đình từ giàu sang đến suy sụp. Lộc Ðỉnh Ký cho một người từ chốn thấp hèn leo đến địa vị giàu sang phú quý. Hồng Lâu Mộng cho người giàu sang giao lạc với mọi a-hoàn trong nhà. Lộc Ðỉnh Ký ngược lại cho một người nghèo hèn đi ngủ với các công chúa, các mỹ nhân của thời đại. Hồng Lâu Mộng và AQ cho nhân vật chính đi trốn nợ đời ở chốn Phật, hay lên đoạn đầu đài để đi về bên kia thế giới. Lộc Ðỉnh Ký cho vai chính hưởng được cuộc đời hạnh phúc ẩn danh trong cõi trần gian.

Xin ghi lại lời của chính Kim Dung (ngày 22 tháng 6, 1981) đăng trong trang cuối bản dịch của Cao Tự Thanh: “Lúc gặp các độc giả gặp nhau lần đầu, câu hỏi mà tôi thường gặp nhất là ‘Ông thích bộ tiểu thuyết nào của mình nhất?’. Câu hỏi này rất khó trả lời, nên tôi thường không trả lời. Còn nếu bàn về ‘mình thích’, thì tôi thích mấy bộ có tình cảm mãnh liệt hơn như ‘Thần Ðiêu Hiệp Lữ, Ỷ thiên Ðồ long Ký, Phi hồ ngoại truyện, Tiếu ngạo giang hồ. Lại thường có người hỏi ‘Theo ông bộ tiểu thuyết nào của mình là hay nhất?’, thì bộ Lộc Ðỉnh Ký này là hay nhất. Có điều rất nhiều độc giả hoàn toàn không đồng ý. Tôi rất thích sự không đồng ý của họ.”
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

Trong quyển “Thú Xem Truyện Tàu” [7] Vương Hồng Sển đã viết:

“Như chúng ta đều biết, một tác phẩm văn nghệ muốn trở nên bất hủ, chẳng những phải cống hiến cho loài người những thành thực về phương diện nghệ thuật mà còn phải có tác dụng nhứt định đối với cuộc sống. Nghệ thuật chơn chính phải giúp cho nhơn loại về mặt xã hội và tinh thần để giành lấy được tự do và bình đẳng. Nghệ thuật không gây ảnh hưởng trực tiếp đối với đời sống như chánh trị, triết học, nhưng nhứt định sẽ có ảnh hưởng gián tiếp bằng cách thông qua những lý tưởng và hành động của những nhơn vật điển hình mà nó đã tạo ra trong tác phẩm.

Vì thế, nghệ thuật tuyệt vời là phải tổng hợp và thể hiện cho được cái chân thiện mỹ đó làm cơ sở, hơn thế nữa, làm mục tiêu cao nhất mà nghệ thuật mình phải đạt tới.”

Với Lộc Ðỉnh Ký, Kim Dung đã đạt đến nghệ thuật tuyệt vời đó.

_________
Ghi Chú

[4] Một nhóm Thiên Ðịa Hội di tản sang Việt Nam và lâu ngày hội nhập vào xã hội Việt, mang chiêu bài chống thực dân Pháp. Phan Xích Long, một người tự xưng con cháu vua Hàm Nghi, gây được ủng hộ của Thiên Ðịa Hội tức Nghĩa Hoà Ðoàn, nổi dậy chống Pháp tại Sàigòn vào năm 1913. Cuộc nổi dậy bị quân Pháp nhanh chóng dập tắt.

[5] Xin xem “ Ngũ hành trong Tiếu Ngạo Giang Hồ”

[6] Trước Kim Dung, phim ảnh cũng đã thử sơ sơ áp dụng xen 1 của Hitchcock vào phái Nam: Phim James Bond – Goldfinger. Cảnh James Bond bị Goldfinger bắt trói nằm trên một tấm bàn (thành tố: không cục cựa và trốn chạy được). Sau đó cho tia laser rà vào giữa hai chân (thành tố: không phòng bị bởi lúc đó ít ai biết tia laser ra sao). Và đưa tia laser rà về phía thằng nhỏ của James Bond (thành tố: không có gì che chở - bởi có mặc quần áo giáp tia laser vẫn xuyên qua như thường).

[7] Vương Hồng Sển (1970) Thú Xem truyện Tàu.

[8] Mai Kim Ngọc (1987) Tập Truyện Lỗ Tấn.

[9] Ðỗ Quang Vinh (2003) Bút Thuật của Nguyễn Du trong Ðoạn Trường Tân Thanh.

[10] Trong phim mới Simone do Al Pacino thủ vai một nhà đạo diễn xuống dốc. Tình cờ một người bạn thân trước khi chết cho nhà đạo diễn một chương trình điện toán có thể quay phim một người tài tử, không có thật, sáng tạo bởi máy điện toán. Nữ tài tử ảo này mang tên Simone trở nên nổi tiếng khắp thế giới nhưng không ai có thể biết, gặp và thấy được, bởi Simone một người ảo chỉ xuất hiện được trên TiVi hay phim nhựa mà thôi. Cuối phim – Hollywood đưa ra một châm biếm mới về chính trị gia trong cuộc phỏng vấn trên TiVi với “minh tinh” Simone. Simone tiết lộ “nàng” đang chán ngán nghề diễn xuất và đang chuẩn bị đổi nghề. Nàng muốn nhảy ra . . . chính trường, và có thể có ngày sẽ ứng cử tổng thống.

[11] Ðiển hình là phim loạt: “Người hiệp sĩ đạo và đứa bé trong chiếc xe đẩy”
15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

Luật Ngũ Hành
trong Cô Gái Đồ Long


Ỷ Thiên Đồ Long ký, sáng tác thứ 6 của Kim Dung, có lẽ tác phẩm được quay thành phim tập nhiều lần nhất trong lịch sử điện ảnh Hongkong, và thế giới. Cứ chừng 3-4 năm người ta thấy bộ phim tập mới, dựa trên truyện này, ra đời. Có hai điềm ta cần để ý đối với các ấn bản Ỷ Thiên Đồ Long Ký (YTĐLK), và các phim tập Hồngkông/ Đài-Loan và lục địa. Điểm thứ nhất: chính tác giả Kim Dung đã nhiều lần hiệu đính, thêm thắt và cắt bớt nhiều đoạn trong tác phẩm của ông, đáng kể nhất YTĐLK. Trong bản hiệu đính sau cùng, Kim Dung cũng thay đổi vài tên họ các nhân vật. Ví dụ, Triệu Mẫn thay cho Triệu Minh, Hân Tố Tố / Hân Lợi Hanh được thay bằng Ân Tố Tố / Ân Lê Đình, v.v. – nên chỉ ước đoán những sửa đổi đó chắc không ngoài việc tránh nhầm lẫn và hài hoà hơn với cái thế âm dương ngũ hành giữa các nhân vật. Bởi mấy mươi năm về trước, truyện CGĐL được viết, và sau đó in thành sách, theo dạng phơi-yơ-tông đăng báo hàng ngày. Mỗi ngày viết một đoạn ngắn đủ chữ để đăng trên nhật báo. Nên CGĐL và nhiều tác phẩm khác của Kim Dung thường bị phải một sơ suất nhỏ: Rất nhiều nhân vật phụ bị tác giả bỏ quên đâu mất! Điển hình trong CGĐL, nhân vật Đinh Mẫn Quân - một đệ tử trưởng tràng của phái Nga Mi, thâm niên và ‘xiê-nho’ hơn Chu Chỉ Nhược – vô hình chung không được tác giả nhắc đến nữa, sau khi Chỉ Nhược thay thế Diệt Tuyệt sư thái làm chưởng môn.

Điểm thứ hai, khi nói đến phim tập, nhiều người xem các bộ mới sau này có lẽ không thích mấy, nếu không nói bị thất vọng, vì – khi phải quây lại một truyện cũ nhiều lần - người làm phim đã thay đổi một số chi tiết để cố gắng thu hút khán giả. Theo kiểu bình mới rượu cũ. Một vài chi tiết đổi thay này đã vô hình chung làm suy giảm bố cục chặt chẽ, và những cá tính độc đáo của nhân vật. Thí dụ, phim tập YTĐLK mới nhất (2003) lại cho Thành Khôn nhảy qua làm việc với quân Mông Cổ, rồi chính Thành Khôn đánh Vô Kỵ cú âm hàn chưởng Huyền Minh khiến thằng nhỏ bị bịnh gần chết! Hai chi tiết nữa làm các loại phim tập hiện đại đâm ra mất hay, bớt đi sâu sắc. Thứ nhất, các phim mới ưa dài dòng về mối tình đầy bi thương giữa Tả sứ của Ma giáo Dương Tiêu với một đệ tử Nga Mi (chính phái) Kỷ Hiểu Phù. Kỷ Hiểu Phù trước đó có đính hôn với sư thúc Hân Lợi Hanh của Vô Kỵ Cuộc tình trộm lén giữa Phù và Tiêu bị chưởng môn Diệt Tuyệt biết được – do Đinh Mẫn Quân tâu lại – và Hiểu Phù bị Diệt Tuyệt đập chết. Nhưng Hiểu Phù có con gái với Dương Tiêu mang tên Bất Hối (ngụ ý Hiểu Phù không hối hận đã yêu một người ma giáo ngoại đạo như Dương Tiêu). Bất Hối được Vô Kỵ cứu và đưa gặp lại cha. Mười mấy năm sau, trong tình huống éo le, Bất Hối gặp gỡ rồi thành hôn với Hân Lợi Hanh, tình mẹ duyên con.

Thứ hai, các phim mới ưa cho nhiều nhân vật, nhất là Dương Tiêu và Hiểu Phù ôm nhau hôn, bằng môi kiểu Tây phương, rất mùi mẫn. Hôn nhau bằng môi hoàn toàn không có mô tả trong YTĐLK của Kim Dung [7]. Những phim tập xưa, như bản Lương Triều Vĩ đóng vai Vô Kỵ khoảng giữa thập kỷ 80, cũng không có cái màn hôn môi này. CGĐL ngược lại thường mô tả những cảnh cắn nhau chí choé, cắn tay, giữa Hân Ly với Vô Kỵ, giữa Vô Kỵ với Triệu Minh – như để minh chứng ngạn ngữ: “yêu nhau lắm cắn nhau đau”. Tuy nhiên, ta cũng để ý Kim Dung tuy không dám nói thẳng nhân vật tiểu thuyết ông ta hôn nhau bằng … môi, nhưng cũng đã gián tiếp đề cập đến việc KISS này ở đoạn một nhân vật nữ sau khi bị Vô Kỵ cắn lại, than phiền nàng bị chảy máu ở môi! Nhét vào hôn môi, hoặc hàm ý tí xíu, để lôi cuốn giới độc giả “trẻ”, thuộc thế hệ xì tin trở về sau.

Bây giờ, qua CGĐL, thử phân tích những thứ chất xám hoặc kỹ thuật chính yếu nào, đã khiến truyện chưởng Kim Dung được hàng triệu người say mê, qua nhiều thế hệ, và đưa tác giả lên hàng nhà văn lớn hiện đại của Trung quốc.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

(i) Kinh dị kiểu Hitchcock và phim truyện phương Tây

Truyện chưởng Kim Dung có lẽ thứ truyện Tàu đầu tiên mang nhiều ảnh hưởng tiểu thuyết và phim ảnh Tây Phương.

Qua những điểm giống nhau giữa các phim Hitchcock và truyện chưởng Kim Dung, ta thấy rõ Kim Dung đã chịu ảnh hưởng rất nhiều của Hitchcock. Nhiều xen kinh dị và bí ẩn, đặc thù Hitchcock, thường dễ tìm trong nhiều tác phẩm nổi tiếng của Kim Dung, đặc biệt Cô Gái Đồ Long.

Xen rùng rợn nhất của Hitchcock là cái màn người đàn bà bị đâm chết lúc tắm vòi sen trong phim Psycho. Trong Lộc Đỉnh Ký, Kim Dung lọc hết các thành tố chính xen rùng rợn này (bất ngờ, không vũ khí và không vật che thân, nạn nhân không chỗ chạy) và dựng nên màn một công tử bị công chúa Mãn Thanh đập báng súng bất tỉnh để rồi tiện tay … thiến mất thằng nhỏ của công tử. Công thức này cũng đã được áp dụng trong YTĐLK. Ở chỗ lúc Trương Vô Kỵ từ hoang đảo về Trung thổ với cha mẹ bị bắt cóc. Trước khi thả, kẻ gian đã đánh vào Vô Kỵ một cú Huyền Minh chưởng khiến Vô Kỵ bị trọng thương, không thuốc chữa trong nhiều năm. Xen rùng rợn này đã áp dụng công thức “vòi sen” của Hitchcock như sau:
- bất ngờ: Không ai có thể ngờ kẻ lạ lại gian ác như vậy.
- người bị đánh không có vũ khí chống trả hoặc thân thể trơ trọi: trong Psycho, người bị đâm đang trần truồng tắm vòi sen. Trong Lộc Đỉnh Ký, công tử đang bị mê man bất tỉnh. Trong CGĐL, người bị đánh chỉ là một đứa nhỏ mới lên 10, đang bị điểm huyệt.
- nạn nhân không chỗ tránh né: hoàn toàn không chỗ chạy. Trong Psycho, nạn nhân bị bít lối trong phòng tắm. Trong Lộc Đỉnh Ký, công tử bị bất tỉnh, chạy không được đề hòng cứu thằng nhỏ. Ở đây, Vô Kỵ đang bị ôm chặt bởi cao thủ Mông Cổ - trước khi bị đánh chưởng âm hàn.

Từ đầu đến cuối, CGĐL lúc nào cũng mang những bí ẩn kiểu thriller của Hitchcock, đặc biệt The 39 steps, The man who knew too much, Vertigo, North by NorthWest,…. Tạ Tốn là ai? Tại sao võ công y cao siêu mà lại khùng khùng điên điên? Kẻ thù Thành Khôn của Tạ Tốn là ai? Chừng nào y mới xuất hiện? Lúc xuất hiện tại sao y lại mang pháp danh Viên Chân đại sư! Ai đả thương Dư Đại Nham để suốt đời bị tàn phế? Ai giết Hân Ly, rồi ai ăn cắp đao Đồ Long trên hoang đảo? Bí mật của bảo đao Đồ Long là gì? Thiếu nữ áo vàng cứu Tạ Tốn khỏi tay Chu Chỉ Nhược, muốn giết để bịt miệng, là ai? Làm cách nào Vô Kỵ có thể chữa được bệnh nan y của mình? Vô Kỵ sau cùng sẽ lấy cô nào, hay sẽ có một lượt hai ba vợ? Ai giết sư thúc Mạc Thanh Cốc của Vô Kỵ để rồi Vô Kỵ bị hàm oan! Kim Hoa Bà Bà và Tiểu Siêu gốc gác từ đâu?

Người đọc luôn được Kim Dung đưa dẫn đưa từ chỗ bí ẩn này đến chỗ kinh ngạc khác. Và gần như tất cả những bí ẩn đó được kéo dài qua nhiều hồi, có khi đến cuối truyện, mới được giải thích thoả đáng.

Hai xen khác vinh danh Hitchcock được thể hiện trong CGĐL phải kể: (i) Trương Vô Kỵ bị kẻ gian bắt cóc khỏi tay cha mẹ, giống như con trai ông bà bác sĩ, James Stewart và Doris Day thủ vai, bị bắt cóc trong phim Hitchcock: ‘The man who knew too much - Người biết quá nhiều’, với bản nhạc Que sera sera bất hủ. Và (ii) Đoạn Vô Kỵ được một trang chủ có nhiều chó săn nuôi nấng, nói gạt y rằng họ là những người chịu ơn Tạ Tốn – mong y dẫn đi tìm Tạ Tốn để rước Tạ Tốn về phụng dưỡng trả ơn. Sau khi Vô Kỵ tình cờ phát hiện được âm mưu của họ, họ tìm cách bắt Vô Kỵ tra khảo. Nhưng Vô Kỵ thoát được và rơi vào một sơn cốc rất sâu. Đoạn này xử dụng ý niệm “Ngủ với kẻ thù – Sleeping with the Enemy’, Hitchcock đã lăng xê trong phim The 39 steps. Trong phim đó, Hitchcock cho vai chính (Robert Donat) khám phá ra một bí mật - người chủ mưu có tật ở ngón tay út - và được biết phải đi trình báo với một người ở tận Tô Cách Lan. Vai chính mò lên Tô Cách Lan, ở trọ nhà người đó. Ít lâu sau mới biết chủ nhà chính là người có tật ở ngón tay, chủ mưu một cuộc ám sát sắp được thi hành. Vai chính chỉ còn nước bỏ chạy, bị đám gian manh kia và chó săn rượt đuổi.
15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

Cũng như Lộc Đỉnh Ký, CGĐL đã áp dụng công thức phiêu lưu của truyện nổi tiếng phương Tây “Robinson Crusoe” cho 3 người Tạ Tốn, Thuý Sơn và Tố Tố lạc đến một hoang đảo miền Bắc Cực và phải sinh sống ở đó nhiều năm. Chỉ nội câu chuyện thuyền bị đắm rồi trôi giạt và sống sót trên một hoang đảo - đã luôn là một đề tài được giới phim ảnh Hollywood xào đi nấu lại nhiều năm, bằng nhiều phim khác nhau [8]. Việc sống còn trên một hoang đảo sau khi thuyền bị đắm – luôn luôn khơi động trí tưởng tượng lý thú của mọi giới, qua nhiều thế hệ. Chôn dấu phía sau 1 cuộc phiêu giạt đến một hoang đảo giữa 1 người nam và 1 người nữ là gì? Đó là dù muốn dù không, dù có hợp nhau hay không, hai người đó sớm muộn cũng thành vợ chồng – ăn cá và ở chung trong một túp lều lá với nhau! Sinh tồn đi trước bản chất! Và Kim Dung đã không quên cơ hội xử dụng nó nhuần nhuyễn trong nhiều tác phẩm để đời của ông.

Áp dụng phim, truyện Tây phương của Kim Dung còn có thể tìm thấy trong vai Kim Hoa Bà Bà và con gái Tiểu Siêu. Kim Hoa Bà Bà chính thật là một công chúa rất đẹp, thủ lãnh của Ma giáo chính gốc ở xứ Ba Tư. Nhưng bà ta lưu lạc trốn chạy vào Trung thổ với mục đích tìm quyển sách dạy võ bí truyền mang tên Càn Khôn Đại Nã Di rồi ở đó luôn. Trong Ma giáo Trung quốc Bà Bà đảm nhận vai trò rất cao, và được rất nhiều nam lãnh tụ trồng cây si. Từ đầu đến cuối truyện, bà giả dạng thành một người đàn bà xấu xí, lưng hơi gù.Khi quân Ma giáo Ba Tư tìm ra Bà Bà, bà mới cùng con gái Tiểu Siêu lột bỏ hoá trang hoàn hình những người đẹp nghiêng thành đổ nước. Đành phải trở về Ba Tư để cứu mạng giáo chủ Vô Kỵ như đã hứa. Lối hoá trang ‘gù lưng’ rất giống với một nhân vật hiệp sĩ Pháp trong phim Le Bossu (hiệp sĩ lưng gù) - phỏng theo một tiểu thuyết nổi tiếng Pháp - được điện ảnh Pháp và Âu Châu quay đi quay lại tất cả chừng 6 lần. Trong đó có lẽ bản do Jean Marais và Bourvil đóng (1960), là hay nhất. Trong Le Bossu, một hiệp sĩ cứu được con gái nhỏ của lãnh chúa mình, đem về nuôi cho đến lớn. Về sau, hiệp sĩ đó giả dạng thành một anh gù lưng len lỏi vào thành kẻ địch, đánh bại họ trả thù cho chủ. Rồi cưới con gái chủ.

Kim Dung cũng cho thấy rất nhiều tác phẩm của ông mang nặng ảnh hưởng của lối flashbacks - kể lại chuyện xưa - được lăng xê qua “phim classic” rất nổi tiếng Citizen Kane (1941) của Orson Welles. Phim bắt đầu bằng cái chết của một tay cự phú, chủ nhân ông một cơ sở báo chí lớn lao. Sau đó một người muốn tìm hiểu về nguyên do đưa đến cái chết của nhà triệu phú, đã gặp và phỏng vấn những người thân và quen biết - rồi được kể lại những chuyện cũ, qua flashbacks. Trong Xạ Điêu Anh Hùng truyện, ta thấy chuyện từng người trong 5 đại cao thủ: Hoàng Dược Sư, Âu Dương Phong, Đoàn Nam Đế, Hồng Thất Công và Vương Trùng Dương tranh chấp với nhau ra làm sao, được nhiều người lần lượt flashback, thuật lại. Thành ra truyện Anh Hùng Xạ Điêu thật ra bao gồm thêm hai ba câu chuyện phụ nữa! Nhân vật trong các câu chuyện phụ của flashbacks đều liên hệ, trà trộn và giao tác với nhân vật trong truyện chính. Kiểu đó gây cho người đọc nhiều hồi hộp và lý thú. Bởi sẽ có cảm tưởng lúc nào họ cũng khám phá thêm vài bí ẩn, tìm ra một số lý giải cho câu chuyện đang đến hồi gay cấn. Hoà mình cùng nhân vật chính nghe chuyện đời xưa. Độc giả cũng dễ cảm chừng như được ‘mua một tặng một’. Trong CGĐL, rất nhiều bí mật và gốc gác nhân vật được tuần tự quay lại theo hồi ức của một vài chứng nhân. Đáng kể nhất, hồ sơ lí lịch của Kim Hoa Bà Bà, Tiểu Siêu, Phạm Dao – một gián điệp Ma giáo nằm trong hàng ngũ của Triệu Minh, của Viên Chân tức Thành Khôn, của Dương giáo chủ, v.v.

Đối với những người khó tánh, không dễ bị thuyết phục bởi luận chứng về ảnh hưởng Hitchcock và các tiểu thuyết / phim ảnh nổi tiếng phương Tây trong truyện chưởng Kim Dung, một chi tiết nhỏ sau đây chắc chắn sẽ làm tăng sức thuyết phục về luận chứng đó. Chi tiết đó, trong CGĐL, được dàn dựng chung quanh nhân vật Thanh Dực Bức Vương Vi Nhất Tiếu - một trong những lãnh tụ của Ma giáo. Đó là một chất xám loại ‘kinh dị’ được Kim Dung đem ứng dụng từ các tiểu thuyết-phim ảnh lừng danh Tây phương. Kim Dung đã cóp toàn bộ ‘cá tính và hành vi’ hút máu người ở cổ của quỷ nhập tràng DRACULA để tạo dựng nên nhân vật Vi Nhất Tiếu. Bá tước Vlad Dracula là một nhân vật có thật trong lịch sử của vùng Transylvania thuộc nước Romania ngày nay. Trong khi cai trị cư dân trong vùng, vào thế kỷ 15, Dracula có những biện pháp trừng trị kẻ thù và tội phạm rất tàn ác. Đến năm 1897, nhà văn Bram Stoker viết nên một tiểu thuyết bán rất chạy, huyền thoại hoá bá tước Dracula thành một con quỷ nhập tràng chuyên hút máu người làm thức ăn chính. Đến lúc nền điện ảnh Hollywood phát triển người ta cho quay phim Dracula, và quay đi quay lại rất nhiều lần. Có lẽ phim Dracula là phim loạt quay nhiều nhất, chỉ sau loại phim James Bond mà thôi. Tài tử từng đóng vai Dracula nhiều lần chính là Christopher Lee, tướng người hơi cao, cằm nhọn.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 100 trang (999 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [64] [65] [66] [67] [68] [69] [70] ... ›Trang sau »Trang cuối