Kim tức kim loại, biểu tượng bằng màu Trắng, và theo Phong Thuỷ chỉ hướng TÂY (muốn dễ nhớ, nhớ người Âu Tây da trắng). Kim khắc Mộc, Kim có thể diệt được Mộc (nhớ cưa sắt cưa được gỗ), nhưng giúp được Thuỷ;
Mộc là gỗ, mang màu Xanh, đứng về hướng ĐÔNG. Mộc trị hay khắc Thổ (đóng cây vào đất - cây mọc từ đất mọc lên), nhưng giúp được Hoả (nhớ lửa cháy thường nhờ cây nhờ gỗ, giấy làm cháy lửa cũng do gỗ làm ra);
Thuỷ= Nước - biểu tượng màu Đen, đi về hướng BẮC. Thuỷ trị Hoả (tất nhiên, nước dùng để chữa lửa) và hổ tương cho Mộc (cây cần nước để sống);
Hoả= Lửa - mang màu Đỏ, biểu hiệu bằng hướng NAM. Hoả khắc Kim (nhớ lò luyện kim cần có lửa) và giúp được Thổ;
Thổ= Đất - mang màu Vàng, đại diện bằng Miền Chính Giữa - TRUNG Tâm. Thổ khắc Thuỷ (nước thẩm thấu vào lòng đất hay đập đất ngăn được nước chảy) và tương thân với Kim. Sở dĩ THỔ mang màu vàng là vì văn minh Trung quốc được tạo dựng bên sông Hoàng Hà, nơi đất bồi bằng gió, mang tên Loess, có màu vàng.
Tóm tắt có hai chu kỳ ngũ hành:
Chu kỳ SINH: Kim sinh Thuỷ, Thuỷ sinh ra Mộc, Mộc sinh Hoả, Hoả tự thiêu sinh ra Thổ, Thổ sinh Kim.
Chu kỳ KHẮC: Kim khắc Mộc, Mộc khắc Thổ, Thổ khắc Thuỷ, Thuỷ khắc Hoả, và Hoả lại khắc Kim.
Bây giờ xin trở lại những điểm ‘lổng chổng’ trong một vài truyện kiếm hiệp Kim Dung mà chúng ta còn nhớ. Tuy nhiên, trước hết xin minh định chúng ta không thể xác nhận có tin vào luật Ngũ Hành hay không, nhưng chỉ có thể tiết lộ rằng qua nhiều năm đọc truyện Tàu và kiếm hiệp Kim Dung, chúng ta vẫn thường cho rằng mấy ông viết truyện Tàu có vẻ quên đầu quên đuôi không áp dụng lô-gích tây phương cặn kẽ, nhất là lô gích kiểu tam đoạn luận: A thắng B, B thắng C, vậy A chắc chắn phải thắng C. Nhưng truyện Tàu nói chung và võ hiệp Kim Dung nói riêng hiếm khi dựa trên lô-gích tam đoạn luận của Tây Phương, nhưng lại chính yếu dựa trên lô-gích của thuyết Ngũ Hành. Nếu lôgích Tam Đoạn Luận được biểu diễn bằng một đường thẳng đứng (A hơn B, B hơn C, do đó A hơn C, vân vân cho đến A hơn E), lô gích Ngũ Hành sẽ được biểu diễn bằng một vòng tròn (Kim khắc Mộc, Mộc khắc Thổ, Thổ khắc Thuỷ, Thuỷ khắc Hoả, nhưng Hoả lại khắc Kim, kết thúc 1 vòng tròn). Đem lô gích của luật Ngũ hành vào truyện Tàu, Tam Đoạn Luận phải cuốn gói đi chỗ khác chơi. Xin trở lại với Kim Dung:
Trước hết xin xét kỹ lại ‘Cô Gái Đồ Long’ tức ‘Ỷ Thiên Đồ Long ký’. Trương Vô Kỵ mạng gì? Đầu tiên ta để ý Vô Kỵ bị Huyền Minh Thần Chưởng đánh cho bị bệnh gần chết. Huyền Minh thần chưởng lại là một băng hàn chưởng thuộc thế âm chỉ có Cửu Dương chân kinh - thế dương, chất nóng - mới trị được thôi. Muốn chắc ăn, tác giả cho Vô Kỵ uống thang thuốc Bắc trước khi luyện Cửu Dương thần công. Thuốc Bắc đó chính là con ếch màu đỏ, cũng thuộc mạng Hoả, bởi mang màu đỏ. Sau đó Vô Kỵ làm Giáo chủ Minh giáo biểu hiệu bằng ngọn lửa, rồi lại mang vào nhiệm vụ đi tìm lại Thánh Hoả lệnh. Hoả hoả hoả. Đích thị Vô Kỵ mang mạng Hoả. Còn tại sao tác giả gọi Huyền Minh thần chưởng thứ chưởng đã khiến cho Vô Kỵ bị trọng thương gần 8, 9 năm trời mà không gọi Huyết Minh hay Hồng Minh thần chưởng cho có vẻ rùng rợn? Huyền tức Đen chỉ mạng Thuỷ, Thuỷ (nước) dập hay khắc được Hoả (lửa). Huyền Minh thần chưởng, một thứ chưởng mang mạng Thuỷ, chắc chắn khắc trị được Trương Vô Kỵ suốt đời thuộc mạng Hoả. Thế Chu Chỉ Nhược mang mạng gì mà Vô Kỵ phải chịu xếp de? Ta xem binh khí hay võ công chính của Chu Chỉ Nhược là gì? Ỷ Thiên kiếm? Không phải, Ỷ Thiên Kiếm thật sự của Diêt Tuyệt Sư Thái, nó màu xanh và Diệt Tuyệt Sư Thái mạng Mộc - dễ bị Vô Kỵ làm cho quê mặt vì Vô Kỵ mạng Hoả - Mộc chỉ sinh Hoả (gỗ chỉ bị cháy vì lửa) thôi chứ không khắc được Hoả. Ta nhớ lại Chu Chỉ Nhược nghe lời dặn dò của sư phụ Diệt Tuyệt Sư Thái lo đi ăn cắp bảo đao Đồ Long để rồi dùng Ỷ Thiên Kiếm chặt vỡ đao Đồ Long để lấy quyển bí kiếp Cửu Âm Chân Kinh được dấu trong đao Đồ Long. Mạng Chu Chỉ Nhược dính liền với đao Đồ Long (thầm phục dịch giả Từ Khánh Phụng không biết vì sao ông dịch tựa Ỷ Thiên Đồ Long Ký thành ra Cô Gái Đồ Long - và tất nhiên Chu Chỉ Nhược chính là Cô Gái Đồ Long - sự nghiệp của họ Chu đã dính liền với đao Đồ Long). Đao Đồ Long màu gì? Kim Dung đã tả Dư Đại Nham lần đầu thấy đao Đồ Long, chàng cầm lấy, lau sạch và đem đến gần ánh lửa xem cho kỹ , thấy nó màu ĐEN sì, chẳng phải sắt và cũng chẳng phải vàng. . . (Chương Thứ 3). Màu đen đích thị là màu của mạng Thuỷ. Mạng của Chu Chỉ Nhược là mạng Thuỷ. Thuỷ khắc Hoả (mạng của Trương Vô Kỵ). Nước dùng để làm tắt Lửa! Và đó cũng xảy ra cùng lúc với chu kỳ Âm thịnh Dương suy. Vô Kỵ phải dưới cơ Chu Chỉ Nhược dù giỏi võ và nội công thâm hậu hơn Chu Chỉ Nhược. Vô Kỵ mang tên với nghĩa đơn sơ ‘Không kị thứ gì hết’ thật ra lại kị Thuỷ và những chất âm đó chứ!
Chưa hết, nếu ta nhớ ở đoạn cuối khi Vô Kỵ, Chu Chỉ Nhược đấu nhau với 3 sư cụ ở chùa Thiếu Lâm trước mặt bao nhiêu quần hùng. Chu Chỉ Nhược định dùng đòn lén để hạ thủ Tạ Tốn, đột nhiên xuất hiện vài ba thiếu nữ mặc áo vàng phi thân từ đâu đến chỉ múa vài đường quyền qua cây gậy trúc đã đủ áp chế Chu Chỉ Nhược. Trước khi cáo biệt giới võ lâm các thiếu nữ áo vàng đó tiết lộ họ từ núi Chung Nam đến, tức con cháu của Thần Điêu Hiệp Lữ Dương Qua. Thế nhưng tại sao Kim Dung cho họ mặc áo vàng? Lại không mặc áo xanh lam hay áo tím cho có màu sắc đỡ chói và thơ mộng? Áo vàng dùng để ám chỉ mạng Thổ. Thổ trị Thuỷ. Chỉ có mấy cô áo vàng (Thổ) mới có cơ trị được Chu Chỉ Nhược (Thuỷ) theo đúng rơ và cơ sở của Ngũ Hành.
Vẫn chưa hết, trong Ỷ Thiên Đồ Long ký còn có Y-Dược Sĩ Hồ Thanh Ngưu. Hồ Dược sĩ tối ngày mài miệt với cây cỏ và các vị thuốc, liên quan đến Mộc. Trong tên Hồ Thanh Ngưu có từ THANH dùng để chỉ màu xanh. Màu xanh chính là màu của mạng Mộc. Hồ Thanh Ngưu rõ ràng mang mạng Mộc. Thế Hồ Thanh Ngưu tán mạng vì ai? Vì Kim Hoa Bà Bà, đâu từ phương Tây đến. Kim Dung đã cho thấy rõ chân tướng mạng của Kim Hoa Bà Bà: Tóc bạc trắng, có tên mang chữ KIM, gốc ở phương Tây - mạng Bà Bà mạng KIM. Kim khắc Mộc, nên vợ chồng Hồ Thanh Ngưu phải mất mạng về tay Kim Hoa Bà Bà. Thật quá rõ. Còn một chi tiết nhỏ: Hồ Thanh Ngưu mạng Mộc - Mộc sinh Hoả, Mộc giúp Hoả, và Hồ Dược Sĩ đã giúp Vô Kỵ mạng Hoả một thời gian vài ba năm truyền dạy Vô Kỵ gần hết những y thuật bí truyền của ông ta.
Thế còn Triệu Minh mạng gì? Triệu Minh có hai đặc tính: người Mông Cổ và yêu rồi cuối cùng nên duyên vợ chồng với đối thủ phản động Trương Vô Kỵ. Nhìn ở bản đồ, nước Mông Cổ nằm ở hướng TâY Bắc của Trung Hoa. Hướng Tây chỉ mạng KIM, hướng Bắc chỉ mạng Thuỷ. Có thể Triệu Minh mang mạng Tây và chút ít mạng Thuỷ hay chăng? Xem kỹ thêm một chút ta thấy Triệu Minh lúc ban đầu mang sứ mệnh đi triệt hạ Minh giáo nhưng sau dần dần đâm ra phục Vô Kị rồi yêu con người hùng đi làm cách mạng này. Tức Triệu Minh (hay Triệu Mẫn trong bản hiệu đính mới của Kim Dung) đã khâm phục rồi yêu Trương giáo chủ hay nói cách khác bị Trương Vô Kị khắc phục bằng tài và . . . tình. Có vẻ Triệu Mẫn mang mạng Kim chính, mạng Thuỷ phụ. Muốn chắc ăn hơn ta thử liệt kê các đặc tính của một người mang mạng Kim, một người mang mạng Thuỷ, mạng Hoả, mạng Thổ và mạng Mộc:
Tính người mạng Kim: có đầu óc tổ chức, thích ở trong thế chủ động và lãnh đạo, cần cho rằng mình đúng, thích trật tự và sạch sẽ.
Tính người mạng Thuỷ: giàu tưởng tượng, trung hậu, thông minh, rất ‘cứng cựa’, độc lập, kín đáo, . . .
Tính người mạng Hoả: giàu tình người, nhiều trực giác, thích được thương yêu, thích sôi nổi, giao tế giỏi, . . .
Mạng Thổ: rất chừng mực, hài hoà, trung thành và đòi hỏi trung thành, thích chi tiết, thích bầu bạn nhưng có thể rất cứng đầu.
Mạng Mộc: vui tính, có mục đích, năng động, thích bận rộn, có thể rất hách xì xằng, thực tế, hiếu thắng, . . .
Theo đó Triệu Minh mang nhiều cá tính mạng Kim hơn mạng Thuỷ và Chu Chỉ Nhược chắc chắn mang mạng Thuỷ, Vô Kỵ mạng Hoả. Mối tình giữa Triệu Minh và Vô Kị thật sự là mối tình chớm nở bằng việc khâm phục mến tài. Hoả khắc phục được Kim. Mối tình này khác với mối tình giữa Quách Tỉnh và Hoàng Dung, như sẽ phân tích phiá dưới, đã chứng tỏ ngòi bút hết sức điêu luyện của Kim Dung - mặc nhiên nói lên tình yêu giữa người nam và người nữ - dù cho trong giới giang hồ kiếm hiệp đi nữa (trừ trường hợp anh chàng Pê Đê Đông Phương Bất Bại trong bộ Tiếu Ngạo Giang Hồ) - không một mối tình nào giống mối tình nào.