Trang trong tổng số 100 trang (999 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [60] [61] [62] [63] [64] [65] [66] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Poet Hansy

VŨ ĐỨC SAO BIỂN
KIM DUNG GIỮA ĐỜI TÔI
77
NHỮNG VỤ ÁN OAN


Án oan thì bao giờ chẳng có. Ngay trong những xã hội có nền pháp luật tiên tiến nhất, với sự giúp đỡ của những phương tiện điều tra tinh vi nhất, vẫn có những kết luận sai lầm của người chấp pháp, tạo ra những vụ án oan, huống chi trong tiểu thuyết. Khi viết tiểu thuyết, nhà văn Kim Dung đã khẳng định rằng: “Tiểu thuyết là viết cho con người hiện đại đọc. Kể cả tôi cũng là con người hiện đại”. Điều đó có nghĩa là dù lấy bối cảnh là những triều đại lịch sử Tống, Nguyên, Minh, Thanh, nhưng tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung chủ yếu là phản ánh về xã hội Trung Quốc hiện đại, đặc biệt là những vụ án oan. Có lẽ Kim Dung đau niềm đau của hàng triệu người Trung Hoa trước những oan khuất mà họ phải gánh chịu những giai đoạn lịch sử khác nhau.
Kim Dung xây dựng bộ Liên thành quyết trên nền tảng câu chuyện oan ức có thật của Hoà Sinh, một lão bộc trong gia đình tác giả, đã từng cõng tác giả đi học. Thuở đôi mươi, Hoà Sinh đi làm mướn trong một gia đình địa chủ ở huyện Đơn Dương, tỉnh Giang Tô. Anh đã từng hứa hôn với một cô gái quê xinh đẹp. Thế nhưng, con của gã địa chủ cũng đem lòng yêu cô gái và hắn quyết tâm chiếm cho được cô gái đó. Trong một đêm cận Tết, khi Hoà Sinh đang giã bột thì nghe thấy tiếng người hô bắt trộm. Hoà Sinh chạy tới tiếp ứng nhưng khi đến nơi thì anh bị đám gia đinh chận đánh túi bụi, vu cáo anh là đồng đảng bọn trộm. Lưng anh bị đánh gãy. Người nhà của gã địa chủ còn tìm ra nhiều vàng bạc giấu gần cối xay. Anh bị giải lên quan, kêu oan không nổi, đành phải nhận tội ăn trộm. Ở tù hai năm, anh mới hay cô gái xinh đẹp đã trở thành vợ lẽ của con trai gã địa chủ.
Khi ông nội của Kim Dung về làm huyện lệnh chính đường Đơn Dương, ông cho tra cứu lại các vụ hình án, thấy được sự oan khuất của Hoà Sinh bèn thả Hoà Sinh ra. Hoà Sinh xin vào làm người giúp việc trong nhà Kim Dung và kể cho Kim Dung nghe vụ án oan của mình. Xúc động từ nỗi oan của Hoà Sinh, năm 40 tuổi, Kim Dung viết bộ Liên thành quyết. Trong tác phẩm này, nhân vật Địch Vân thương yêu cô sư muội Thích Phương, con gái của sư phụ Thích Trường Phát. Bị cha con Vạn Chấn Sơn vu cáo, Địch Vân phải vào tù chịu một vụ án oan và Thích Phương trở thành vợ của Vạn Khuê, con trai Vạn Chấn Sơn. Địch Vân phải mang nỗi oan khuất đó suốt mười mấy năm, cho đến khi Thích Phương sắp chết, anh mới giải thích được cho cô nghe nỗi oan khuất của mình.
Có lẽ vụ án oan của Hoà Sinh tạo ra những ấn tượng lớn trong tâm hồn của Kim Dung cho nên trong bất kỳ bộ tiểu thuyết nào, ông cũng xây dựng những tình huống oan khuất và cho nhân vật trung tâm của mình phải gánh chịu những oan khuất đó. Trong Ỷ thiên Đồ long ký, nhân vật Trương Vô Kỵ 20 tuổi, giáo chủ của Minh giáo Trung Hoa, con trai của Trương Thuý Sơn - đệ tử thứ năm của Trương Tam Phong phái Võ Đang, bị nghi oan là giết vị sư thúc Mạc Thanh Cốc. Sở dĩ phái Võ Đang nghi oan Trương Vô Kỵ bởi vì anh là giáo chủ Minh giáo, đạo phái mà Võ Đang gọi là Ma giáo, và bởi vì bạn của anh là Triệu Mẫn, quận chúa Mông Cổ, kẻ thù lớn của nhất của võ lâm Trung Hoa và phái Võ Đang. Người đệ tử thứ hai của phái Võ Đang là Du Liên Châu căn cứ vào câu di chúc viết bằng máu của Mạc Thanh Cốc: “Môn hộ hữu biến, kích tu thanh lý” và cho rằng Mạc Thanh Côc ám chỉ Trương Vô Kỵ. Chàng trở thành kẻ thù của phái Võ Đang. Những bước thăng trầm của Trương Vô Kỵ khiến người đọc phải hồi hộp, lo lắng hộ chàng. Chỉ đến khi Trương Vô Kỵ điểm huyệt được bọn Du Liên Châu, tạo điều kiện cho những đệ tử phái Võ Đang nghe được chính miệng của Tống Thanh Thư, con trai của đại đệ tử Tống Viễn Kiều, kể lại thủ đoạn hắn học võ của phái Nga mi và giết sư thúc Mạc Thanh Cốc trong trường hợp nào thì các đệ tử của phái Võ Đang mới hết nghi ngờ Trương Vô Kỵ và nỗi oan của anh mới được rửa sạch.
Lệnh Hồ Xung trong Tiếu ngạo giang hồ cũng là một trường hợp hàm oan trầm trọng, và chỉ có cơ may của số phận mới cứu được mạng sống của anh. Lệnh Hồ Xung bị sư phụ Nhạc Bất Quần vu cáo là ăn cắp bộ Tịch tà kiếm phổ của dòng họ Lâm ở Phúc Châu, giết bạn đồng môn là Lục Đại Hữu, kết giao với bọn Ma giáo là dâm tặc Điền Bá Quang. Nhạc Bất Quần còn gởi thông báo tới các môn phái báo tin đã đuổi Lệnh Hồ Xung ra khỏi phái Hoa Sơn và nhờ các hào sĩ giang hồ ra tay giết hộ tên phản đồ Lệnh Hồ Xung. Sự thực thế nào? Chính Nhạc Bất Quần đã chiếm đoạt bộ Tịch tà kiếm phổ; Lao Đức Nặc giết hại Lục Đại Hữu; mối giao tình giữa Lệnh Hồ Xung và Điền Bá Quang chỉ là sự khâm phục phẩm chất thẳng thắn, khâm phục trình độ uống rượu mà thôi. Nhạc Bất Quần trút lên đầu Lệnh Hồ Xung nỗi oan khuất to lớn đó với mục đích duy nhất là nhờ giang hồ hảo hán giết tên đại đệ tử hộ mình để lão yên tâm luyện Tịch tà kiếm pháp, leo lên đại vị minh chủ võ lâm Trung Hoa.
Kiều Phong trong Thiên long bát bộ mới là trường hợp bi đát nhất. Ông vấn là người Khất Đan bị đưa về Trung Quốc từ thủa mới nằm nôi, lớn lên ở Trung Quốc và trở thành bang chủ Cái bang, một tổ chứ yêu nước và tích cực chống Khất Đan. Một bọn đệ tử Cái bang phản loạn đã công bố lý lịch của Kiều Phong; ông mất ngôi Bang chủ, trở thành kẻ thù của quần hùng Trung Quốc. Ông bị vu cáo là bọn Khất Đan nằm chờ cơ hội dâng Trung Hoa cho đế quốc Khất Đan. Đau sót vì trời đất Trung Hoa mênh mông mà không thể tìm ra một nơi để sống, Kiều Phong ra ngoài Nhạn Môn quan, mong sống cuộc đời du mục săn chồn đuổi thỏ, sám hối những hành động chống Khất Đan của mình ngày xưa. Nhưng cơ duyên đã đưa đẩy ông cứu được Gia Luật Hồng Cơ, hoàng đế Đại Liêu. Hồng Cơ phong ông làm Nam viện Đại vương và ra lệnh cho ông đem 20 vạn quân tiến qua Nhạn Môn Quan, đánh thẳng xuống Lạc Dương tiêu diệt Tống triều. Kiều Phong nghĩ đến chuyện trăm họ lầm than,nghĩ đến miếng cơm manh áo người Trung Hoa đã nuôi mình nên người, ông chống lại lệnh hành quân. Gia Luật Hồng Cơ ra lệnh bắt nhốt ông, chụp cho ông chiếc mũ “tư thông với Hán tặc, phản bội Liêu quốc.” Con người ngay thẳng, nhân hậu ấy cuối cùng phải tìm một khát vọng tự do bi thảm: bẻ gãy mũi tên chó sói, tự tử ngay Nhạn Môn Quan, sau khi đã xin Gia Luật Hồng Cơ một lời hữa vĩnh viễn không xâm lăng Trung Hoa. Cái chết đó đồng thời cũng là một lời tạ tội với Hồng Cơ và hàng triệu đồng bào Khất Đan của mình.
Thạch Phá Thiên trong Hiệp khách hành bị vu cáo là kẻ gây ra những vụ án cưỡng dâm, giết người ở phái Tuyết Sơn vì tướng mạo của chàng giống như đúc người anh ruột của mình là Thạch Trung Ngọc; Quách Tĩnh trong Xạ điêu anh hùng truyện bị các thầy của mình nghi ngờ là Hán gian làm gián điệp cho quân Mông Cổ; Dương Qua trong Thần điêu hiệp lũ bị vu oan là kẻ bắt cóc em bé Quách Tương, thoả hiệp với giặc Nguyên xâm lược...
Những nhân vật của Kim Dung đã trải qua thiên ma bách chiết mới được minh oan, rửa sạch nỗi nhục, lấy lại phẩm giá tươi đẹp của con người.
Kim Dung xây dựng những vụ án oan với một bút pháp tinh tế, một kỹ thuật tiểu thuyết sâu sắc. Ông dựng lên những hiện trường giả, những hồ sơ giả, những suy đoán thoạt nghe thì rất hợp lý nhưng thực sự rất phi luận lý, tạo điều kiện cho những nhân vật phản diện giết oan một con người. Tất nhiên bọn họ cũng nhân danh pháp luật quốc gia, chủ nghĩa Hán tộc, đạo lý làm người, tinh thần yêu nước...Rồi tác giả lật ngượclại vấn đề, chứng minh cho độc giả thấy toàn bộ các dữ kiện ấy chỉ là nguỵ tạo nên để những nhân vật chính quân tử của ông sáng lên rực rỡ giữa những kẻ đạo đức giả . Rồi đúng như mô thức tiểu thuyết phương Đông, cái hậu ngọt ngào đến ở cuối tác phẩm: Địch Vân trở về với tình yêu của Thuỷ Sinh; Trương Vô Kỵ kẻ lông mày cho Triệu Mẫn; Lệnh Hồ Xung “Tiếu ngạo giang hồ” với Nhậm Doanh Doanh; Thạch Phá Thiên trở về với A Tú... Chỉ có Kiều Phong để lại giọt lệ vĩnh viễn trong lòng người: xác ông vùi sâu dưới Nhạn Môn Quan, dù nỗi oan khuất đã được rửa sạch.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

VŨ ĐỨC SAO BIỂN
KIM DUNG GIỮA ĐỜI TÔI
78.
Tứ di


Tác phẩm tiểu thuyết không phải là tác phẩm nghiên cứu về nhân chủng học. Tuy nhiên không ai cấm cản 1 nhà văn đưa những kiến thức nhân chủng học vào 1 tiểu thuyết, đặc biệt là đối với 1 đất nước rộng lớn, kéo dài từ Đông Á qua Tây Á, tiếp giáp với châu Âu, kế cận với nhiều quốc gia và đa chủng tộc như đất nước Trung Hoa.Chính vì vậy nhà văn Trung Quốc Kim Dung đã đưa tứ di (bốn rợ) vào tác phẩm văn học của mình. Và ở điểm này ông đã thành công, vượt xa các nhà văn Trung Quốc tiền bối cũng như đương đại.

Từ năm 207 trước Công lịch, nhà Hán chiếm được “thiên hạ”, thống nhất đất nước Trung Hoa. Tham vọng của Lưu Bang là tạo ra một nền thái bình Trung Hoa (Pax Sinnica), một nền thái bình trong sự cai trị của nhà Hán. Một số khái niệm được phối kết trong đó có từ Hán đứng đầu ra đời: Hán văn (văn chương Trung Hoa), Hán tự (chữ viết Trung Hoa), Hán tộc (dân tộc Trung Hoa), Hán tử (đàn ông Trung Hoa), Hán nhân (người Trung Hoa), Hán gian (người chống lại dân tộc Trung Hoa) …. Đặc biệt, Hán tộc tự cho phép mình đứng cao hơn các dân tộc khác. Họ gọi các dân tộc lân bang là Tứ Di. Tiểu thuyết võ hiệp của nhà văn Kim Dung lấy bối cảnh lịch sử từ đời Bắc Tống đến đời Thanh. Trong tiểu thuyết của ông Tứ Di xuất hiện khá rõ nét. Chẳng hạn như trong tác phẩm Ỷ thiên Đồ long ký có chiêu kiếm Tứ di tân phục (4 rợ đều hàng). Chỉ 1 đường kiếm đánh ra 4 phương Đông, Tây, Nam, Bắc khiến kẻ địch phải nằm rạp xuống đất.

Phía Tây nước Trung Hoa có các dân tộc Tây Tạng (Tibet), Lâu Lan (Lobner), Thổ Lỗ Phồn (Tourfan), Đại Uyển (Ferganna), Sa Đà (Yarkand), Đại Nhục Chi (Indo Scythe), Ô Tôn (Sogoliane), Khang Cư (Boukhara ngày nay thuộc Turkestan). Phía Tây Nam và Nam Trung Hoa có Thiên Thiên (Shan Shan), Điền (Bài Di thuộc Vân Nam) Dạ Lang (thuộc Quý Châu), Nam man (Đại Việt), Tây Bắc có Tây Hạ, Bắc có Mông Cổ (Mongolia), Khất Đan (Kitan), Nga La Tư (Russie). Đông Bắc có Mãn Châu (Manchouri), Cao Ly (Koree). Phía Đông Trung Hoa là bờ biển không có dân tộc nào khác. Các nước Sở, Tề, Đông Ngô, Việt đã bị diệt vong, tất cả đều trở thành con dân Hán tộc ráo.

Trong những tác phẩm tiểu thuyết võ hiệp đầu tiên của mình, Kim Dung cũng đứng trên lập trường của Hán tộc, không khỏi có những cái nhìn sai lạc về những con người Tứ Di. Trong Liên Thành Quyết tức Tố Tâm Kiếm xây dựng hình ảnh một Huyết Đao Lão Tổ người Tây Tạng, theo Mật Tông (một trong 10 tông Phật giáo), xuống Trung Hoa, cực kỳ tàn bạo dâm ác. Kết cục của Huyết Đao Lão Tổ là chết một cách thảm thiết trên vùng núi tuyết Thiên Sơn, nhưng người thừa kế của lão - Địch Vân – thì lại được hưởng 1 cuộc sống hạnh phúc tốt đẹp. Lý do Địch Vân là 1 chàng trai Hán tộc, một thứ hoa sen “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Trong Xạ điêu anh hùng truyện và Thần điêu hiệp lữ, Kim Dung còn xây dựng một loạt những con người Tứ di: Thành Cát Tư Hãn, Đà Lôi, Hoa Tranh, Kim Luân Pháp Vương (Mông Cổ), Hoàn Nhan Liệt, Hoàn Nhan Khang (Nữ Chân, Mãn Châu). Những nhân vật Tứ di này đã bị Kim Dung làm cho méo mó. Tác giả đã tỏ ra rất ác cảm với hầu hết những nhân vật này. Cũng đúng thôi, họ đang là những con người vào xâm lăng đất nước Trung Quốc (rợ Kim đánh Nhà Tống, rợ Mông Cổ cướp ngôi vua, tuyệt duyệt nhà Tống). Dưới mắt nhìn của Kim Dung, con người thuộc các dân tộc Tứ di là những người huênh hoang khoác lác. Ỷ thiên Đồ long ký xây dựng nhân vật Tuyền Kiếm Nam, đệ nhất danh thủ điểm huyệt bằng phán quan bút của Cao Ly được Ngũ phụng bang mời lên đánh thuê trên núi Võ Đang. Ấy vậy mà chỉ cần một mình Trương Thuý Sơn của phái Võ Đang đánh cho vài chiêu, Tuyền Kiếm Nam đã cắm đầu chạy trốn. Quan điểm dân tộc của Kim Dung trong Liên Thành Quyết, Anh Hùng Xạ Điêu Truyện, Thần điêu hiệp lữ, Ỷ thiên Đồ long ký là quan điểm dân tộc hẹp hòi.

Thế nhưng, qua những tác phẩm sau đó dường như Kim Dung nhận ra cái nhìn sai trái của mình đối với Tứ di và ngòi bút của ông đã chuyển hẳn. Ông chợt thấy tất cả mọi con người thuộc mọi dân tộc đều có phẩm giá như nhau, không ai có quyền nhân danh Hán tộc để khinh khi người ngoài Hán tộc. Trong Thiên Long bát bộ, chính nhân vật A Châu, dòng Hán tộc đã nói: “làm người Trung Quốc thì chắc gì đã cao quý, làm người Khất Đan thì chắc gì đã thấp hèn’. Ông xây dựng 1 loạt nhân vật Tứ di: Gia Luật Hồng Cơ, Tiêu Phong (người Khất Đan ), Hoàn Nhan A Cốt Đả (người Mãn Châu), Cưu Ma Trí (người Thổ Lỗ Phồn), công chúa Ngân Xuyên (người Tây Hạ), Đao Bạch Phụng (người Bài Di), Mộ Dung Phục (người Tiên Ty), và cả triều đình nước Đại Lý (Đoàn Dự, Đoàn Chính Thuần, Cao Thăng Thái…). Đọc Thiên Long bát bộ, ta bắt gặp một hoàng đế Gia Luật Hồng Cơ trí dũng song toàn, đối đầu với ông là một Tống Triết Tôn ngu dốt và huênh hoang, một Tiêu Phong anh hùng ngay thẳng, một Hoàn Nhan A Cốt Đả kiêu hùng trên thảo nguyên. Những nhà tu ngoại quốc như Cưu Ma Trí (Thổ Lỗ Phồn), Ba La Tinh, Triết La Tinh (Ấn Độ) ban đầu đến Trung Hoa với âm mưu đen tối, nhưng sau đó họ đã ngộ ra và trở thành những chân tu đắc đạo.

Nói cách khác quan điểm dân tộc của Kim Dung đã chuyển biến hết sức tích cực. Ông đã nhìn thấy cái dở của bọn vua quan nhà Tống, và đến khi viết Lộc Đỉnh ký thì lập trường của ông đã ngã hẳn sang triều Thanh, mặc dù dân tộc Mãn Châu đã mang tiếng là xâm lăng, chiếm ngai vàng và “thiên hạ” của triều Minh. 300 năm sau Kim Dung đã xây dựng lại một vua Khang Hy triều Thanh thông minh sáng suốt gấp trăm lần những vua triều Minh. Kim Dung nhận ra rằng cách cai trị của các vua Mãn tộc xuất sắc hơn cách cai trị của các vua Hán tộc. Dưới mắt nhìn của nhà tiểu thuyết Kim Dung, cuộc khởi nghĩa phản Thanh, phục Minh của các nhóm Thiên Địa hội, cuộc bạo loạn Hưng Minh thảo lỗ của Ngô Tam Quế đều là những trò phá rối chính trị, vô tổ chức và tất yếu phải diệt vong. Chính sử Trung Quốc cũng cho thấy rằng không có lực lượng nông dân nào ủng hộ 2 cuộc bạo loạn này, vua Khang Hy và triều đình nhà Thanh đã đại thắng. Nói cách khác, trong giai đoạn đó, người Trung Quốc Hán tộc cần những ông vua biết chăm sóc dân, đem lại cho họ cơm no áo ấm chứ không cần những ông vua Hán tộc hôn ám vô đạo. Lịch sử đào thải triều Minh để đưa những ông vua thuộc Di, Địch lên cai trị Trung Hoa là một vận hành tự nhiên và tất yếu.

Sự tiến bộ trong quan điểm dân tộc của Kim Dung khi tác giả nhìn về Tứ di một phần cũng xuất phát từ sự tiến bộ, lớn mạnh tất yếu của Tứ di. Mấy ngàn năm đất nước Trung Hoa ngủ mê trong tấm chăn quân chủ, đến khi họ mở mắt thức giấc thì đã thấy sức mạnh của vũ khí Tây phương kề bên cổ mình. Họ gọi người Nga, người Bồ Đào Nha, người Anh, người Hà Lan là Tây Dương quỷ, Hồng mao quỷ. Nhưng bọn “quỷ” đó đã làm cho người Hán tộc kinh hoàng, ký kết hiệp ước bất lợi này đến điều ước bất lợi khác. Chính Lỗ Tấn đã diễu cợt Hán tộc của mình với anh AQ có phép “thắng lợi tinh thần”, nó đánh mình coi như đánh bố nó vì mình là bố nó. Lỗ Tấn mổ xẻ mạnh còn Kim Dung thì mổ xẻ sâu hơn. Tứ di trong tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung chính là những con người có đầy đủ phẩm giá, quyền sống và quyền làm người như bất kỳ một người Hán tộc nào. Đó cũng chính là tính nhân văn trong tác phẩm của Kim Dung.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

VŨ ĐỨC SAO BIỂN
KIM DUNG GIỮA ĐỜI TÔI
79.
“Luật hôn nhân”


Từ 25 thế kỷ trước đây, người Trung Quốc đã quan niệm rằng gia đình là nền tảng của xã hội. Chính Khổng Tử đã phác hoạ ra tiến trình tu thân, tề gia, trị quốc: “Dục trị kỳ quốc giả, tiền tề kỳ gia; dục tề kỳ gia giả, tiên tu kỳ thân...” (Muốn trở thành người trị quốc, trước phải tề gia; muốn trở thành người tề gia, trước phải tu thân...). Trong khái niệm “tề gia”, bao hàm khái niệm “lập gia” - tức hôn nhân để tiến tới xây dựng gia đình.

Tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung lấy bối cảnh xã hội từ thế kỷ thứ 10 đến thời Khang Hy giữa thế kỷ thứ 17 nên những vấn đề hôn nhân, gia đình cũng được tác giả nhắc đến, dù không đậm nét. Chúng ta nhớ rằng ông tốt nghiệp cử nhân luật Đông Ngô pháp học viện (Thượng Hải) nên quan niệmj hôn nhân truyền thống đã từng là những điều mà ông đã được học. Và chính những điều đó trở thành những tình huống của những nhân vật được ông xây dựng trong tiểu thuyết võ hiệp.

Hôn nhân trong đời sống người Trung Quốc dưới các triều đại Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh không chỉ thuộc phạm trù luật pháp mà còn thuộc phạm trù luân lý. Người Trung Quốc cho phép anh chị em cô cậu ruột (biểu huynh, biểu muội) có quyền yêu thương nhau và lấy nhau. Trong Thiên Long bát bộ, có một cặp biểu huynh biểu muội như vậy. Đó là anh chàng Mộ Dung Phục và cô nàng Vương Ngữ Yên. Mộ Dung Phục nguyên là người gốc Tiên Tỵ, nước Đại Yên, con của Mộ Dung Bác. Mộ Dung Bác có cô em ruột lấy một người đàn ông họ Vương ở Giang Nam, nước Tống. Bà sinh ra Vương Ngữ Yên. Vương Ngữ Yên là một cô gái thông minh, suốt đời không đi ra khỏi nhà, chỉ biết có biểu huynh của mình là Mộ Dung Phục. Cô say mê Mộ Dung Phục và lòng thầm mơ một ngày cùng se tơ kết tóc với hắn. Nhưng tham vọng của Mộ Dung Phục rất xa: hắn tin mình võ công cao cường, có bọn trợ thủ đắc lực, có thể lên ngôi vua để phục hồi nước Đại Yên. Khi Gia Luật Hồng Cơ, vua nước Đại Liêu, đánh xuống tận Biện Lương (Nam Kinh ngày nay) thì giấc mơ phục quốc của Mộ Dung Phục càng thêm sôi nổi. Cho nên nghe công chúa Ngân Xuyên nước Tây Hạ treo bảng chiêu phu hắn không quản ngại khó khăn ngàn dặm tìm qua Tây Hạ mong lọt vào mắt xanh của công chúa, trở thành phò mã nước Tây Hạ. Mà có binh quyền nước Tây Hạ trong tay thì hắn có thẻ phục hồi nước Đại Yên. Thế nhưng, Vương Ngữ Yên chỉ sợ biểu ca bỏ rơi mình, chạy theo nhan sắc của công chúa Tây Hạ. Cô nhờ anh chàng dại gái, si tình Đoàn Dự phá giấc mơ của Mộ Dung Phục. Mộ Dung Phục không nghe lời cô khiến cô phải nhảy xuống giếng tự tử. Trong đáy giếng, cô gặp Đoàn Dự. Và lần đầu tiên trong đời, Vương Ngữ Yên nhân ra rằng chỉ có anh chàng Đoàn Dự mới là người yêu thương mình, rằng Mộ Dung Phục - biểu ca của cô chỉ là một con người phù phiếm. Tại đây, cô ngỏ lời thương yêu Đoàn Dự, quên mất anh chàng biểu ca.

Trong Ỷ thiên Đồ long ký cũng có một cuộc tình biểu huynh, biểu muội như vậy. Đó là cặp Vệ Bích và Chu Cửu Chân. Họ thương yêu nhau, đi đâu cũng có đôi có cặp nhưng đối xử với người khác rất tàn bạo. Kim Dung không nói rõ mối tình đó có thành hay không. Cũng trong Ỷ thiên Đồ long ký, Trương Vô Kỵ và Hân Ly là biểu huynh, biểu muội. Lứa đôi này cũng lỡ yêu nhau và Trương Vô Kỵ còn hứa lấy Hân Ly làm vợ nữa. Nhưng cô Hân Ly luyện môn Thiên châu vạn độc thủ, khuôn mặt biến dạng trở thành xấu xí. Cô đành rút lui khỏi cuộc tình, trả chàng Vô Kỵ lại cho quận chúa Mông Cổ Mẫn Mẫn Đặc Mục Nhĩ tức Triệu Mẫn.

Chẳng những biểu huynh, biểu muội đã được yêu nhau, lấy anh chị em đồng tông (cùng một ông tổ, một họ) tức đường huynh, đường muội cũng được lấy nhau. Trong Thiên Long bát bộ, Kim Dung dàn một kịch bản tình yêu khiến người đọc muốn nín thở và cách mở nút để giải quyết vấn đề của ông cũng rất tài tình khiến người đọc cảm thấy đồng tình. Đó là mối quan hệ của Đoàn Dự với Mộc Uyển Thanh, Vương Ngữ Yên, Chung Linh.

Nguyên Đoàn Chính Thuần, em ruột của Đoàn Chính Minh, hoàng đế nước Đại Lý (Vân Nam ngày nay) là một gã vương gia trăng hoa. Lão có vợ chính thức là Đao Bạch Phụng, người dân tộc Bài Di (thuộc bộ tộc Thiện Thiện - Shan Shan, giáp biên giới Myanmar ngày nay). Đao Bạch Phụng sinh ra Đoàn Dự. Đoàn Chính Thuần trong những lần về Trung Quốc, đã quan hệ với vợ của Chung Vạn Cừu sinh ra Chung Linh; với Tần Hồng Miên sinh ra Mộc Uyển Thanh; với Vương phu nhân sinh ra Vương Ngữ Yên; với Nguyễn Tinh Trúc sinh ra A Tử và A Châu... Đoàn Dự lớn lên nào hay những mối trăng hoa ấy, đã gặp gỡ và thương yêu những Mộc Uyển Thanh, Chung Linh, Vương Ngữ Yên. Đoạn tiểu thuyết khiến người đọc nín thở nhất là đoạn Đoàn Diên Khánh, kẻ đồng tông với Đoàn Chính Minh và Đoàn Chính Thuần muốn chơi khăm hoàng gia nước Đại Lý, bắt Đoàn Dự và Mộc Uyển Thanh nhốt chung vào một nhà đá. Lão nghĩ họ là anh em cùng cha khác mẹ nên trộn Âm dương hoà hợp tán, một loại thuốc kích dục thật mạnh, cho anh em Đoàn Dự - Mộc Uyển Thanh làm trò loạn luân để bọn giang hồ đến chứng kiến! Mộc Uyển Thanh không kềm chế được dục vọng nhưng Đoàn Dự nhờ thấm nhuần đạo Nho, đạo Phật nên vẫn giữ được sự trong sáng cho em gái, cho mình. Nhưng chàng trai si tình, dại gái này thật sự tuyệt vọng khi khám phá ra cả ba người mình yêu mến: Vương Ngữ Yên, Mộc Uyển Thanh, Chung Linh đều là ... thân muội (em ruột).

Làm sao cứu vãn được những mối tình thơ ngây đó? Kim Dung đã giải quyết thế này: ông chuyển họ từ thân huynh, thân muội trở thành đường huynh, đường muội. Ông kể lại một chuyện hai mươi năm trước. Lúc bấy giờ Thái tử Đoàn Diên Khánh tranh ngôi vua nước Đại Lý với Đoàn Chính Minh không được, bản thân lại bị thương nặng, nằm thoi thóp dưới cội bồ đề trước một ngôi chùa ở thành Côn Minh chờ chết. Cũng thời điểm đó, bà Đao Bạch Phụng khám phá ra đức ông chồng Đoàn Chính Thuần của mình là một gã trăng hoa, đã chung chạ với nhiều người đàn bà khác. Mà như trên tôi đã giới thiệu, Đao Bạch Phụng là người Bài Di (không thuộc dân tộc Trung Hoa) nên cái nhìn của bà về khái niệm tiết trinh rất...Bài Di, nghĩa là rất thoáng. Bà nghĩ chồng mình đã ăn chả, thì bà phải ăn nem để trả thù. Và bà đã đem tấm thân vương phi cao quý của nớc Đại Lý hiến dâng cho gã đàn ông nằm thoi thóp dưới cội bồ đề kia.

Thiên Long tự ngoại
Bồ đề thụ hạ
Viến phương hành khất
Trường phát Quan Âm
(Ngoài chùa Thiên Long
Dưới gốc bồ đề
Hành khất phương xa
Quan Âm tóc dài...)

Gã ăn mày Đoàn Diên Khánh đã thụ hưởng hạnh phúc trời cho, cái hạnh phúc mà gã chẳng bao giờ dám mơ tới. Gã không biết người áo trắng, tóc dài đến với mình, ân ái với mình là ai. Nhưng gã đã nghe bà đọc bốn câu thơ đó khi ân ái với gã. Vâng, kết quả của chuyện tình bên đường đó là một cậu quý tử ra đời: Đoàn Dự. Vậy thì, Đoàn Dự chỉ là con hờ của Đoàn Chính Thuần. Mà quả thật, Đoàn Chính Thuần không có gène sinh con trai. Sau này trước khi chết, bà Đao Bạch Phụng mới đọc bồn câu thơ bí hiểm đó cho Đoàn Diên Khánh nghe để Đoàn Diên Khánh nhận ra con mình. Và còn kề tai dặn nhỏ Đoàn Dự: “Vương cô nương, Mộc cô nương, Chung cô nương... ngươi thích ai, cứ lấy người đó”. Nói cách khác, giữa Đoàn Dự và ba vị cô nương kia chỉ là anh em đường huynh, đường muội. Và họ có quyền lấy nhau, luật pháp và luân lý không hề cấm cản. Họ cùng chung họ Đoàn ở Vân Nam hết ráo!

Kim Dung sử dụng lăng kính pháp luật cổ điển để soi rọi quan hệ tình cảm của các nhân vật trong tiểu thuyết của mình. Ông cho biểu huynh, biểu muội; đường huynh, đường muội cứ yêu nhau và lấy nhau thoải mái. Và lúc bấy giờ cũng không ai cấm đa thê. Thậm chí một gã Đa Long dốt nát, làm chức Tổng quản thị vệ triều Khang Hy cũng có đến tám vợ. Đa Long thú nhận với Vi Tiểu Bảo rằng lão yêu đệ bát phòng (bà thứ tám) nhất bởi vì hình như bà mới chỉ 17 hay 18 tuổi gì đó! Học theo phong cách Đa Long, Vi Tiểu Bảo có được bảy vợ: Kiến Ninh công chúa, Tô Thuyên, A Kha, Song Nhi, Tăng Nhu, Mộc Kiếm Bình, Phương Di. Đó là chưa nói chuyện lăng nhăng của gã với công chúa Nga La Tư Tô Phi Á.

Có một dạng hôn nhân khác cũng khiến cho người ta suy nghĩ, kinh dị nhưng không bị cấm cản: con làm vợ thay mẹ. Trong Ỷ thiên Đồ long ký, Kim Dung kể chuyện Hân Lê Đình phái Võ Đang đã hứa hôn với cô Kỷ Hiểu Phù phái Nga Mi. Thế nhưng, Quang Minh tả sứ của Bái hoả giáo Trung Hoa là Dương Tiêu thấy Kỷ Hiểu Phù xinh đẹp, đã cưỡng hiếp Hiểu Phù. Hiểu Phù có mang, sinh ra con gái đặt tên là Dương Bất Hối (không hối hận). Sư phụ của Hiểu Phù biết được chuyện đó, buộc Hiểu Phù phải giết con gái. Nhưng Hiểu Phù không thể giết con được. Cô bị sư phụ đánh chết; Dương Bất Hối được Trương Vô Kỵ cứu đi, đưa về Quang Minh đỉnh (đỉnh Pobedy) trên núi Thiên Sơn, đoàn tụ với Dương Tiêu. Trên đường giang hồ, Dương Bất Hối gặp Hân Lê Đình. Khi ấy Hân Lê Đình đã bị trọng thương nằm một chỗ và Bất Hối mới chỉ 15 tuổi. Hân Lê Đình thấy mặt Bất Hối, tưởng tượng ra khuôn mặt Kỷ Hiểu Phù vì cô rất giống mẹ. Dương Bất Hối đành xin phép giáo chủ Trương Vô Kỵ và cha mình là Dương Tiêu, được thay mẹ mình làm vợ Hân Lê Đình để chuộc lại lỗi lầm của cả cha và mẹ ngày xưa. Vụ làm vợ Hân Lê Đình của cô khiến ngạch trật có vẻ lộn xộn: bình thường Vô Kỵ gọi cô là muội (em gái) nay phải gọi cô là thẩm thẩm (bà thím). Nhưng lộn xộn cũng chẳng sao, cuộc hôn nhân đó không vi phạm pháp luật phong kiến và đạo lý làm người.

Nói như vậy có nghĩa là nếu có một cuộc hôn nhân hợp với pháp luật mà không hợp với đạo lý thì người ta cũng cấm cản, khinh bỉ, lên án. Trong bộ Thần điêu hiệp lữ, Kim Dung đã xây dựng một bi kịch như vật mà hai nhân vật chính là Tiểu Long Nữ và Dương Quá. Tiểu Long Nữ là đệ tử phái Cổ Mộ, lớn lên trong động đá ở núi Chung Nam, hoàn toàn không hiểu những quy định của thế tục. Năm cô 17 tuổi thì chàng trai Dương Qua chạy vào cổ mộ để tránh sự truy sát của phái Toàn Chân, Tiểu Long Nữ coi Dương Qua là đồ đệ, đồng thời là bạn. Cô dạy cho Dương Qua học võ công; Dương Qua mặc nhiên coi cô là sư phụ của mình. Ba năm sống bên nhau, họ thầm yêu thương, nhưng chẳng ai dám nói lên lời thương yêu. Thế rồi Tiểu Long Nữ bị Doãn Chí Bình, đạo sĩ phái Toàn Chân cưỡng hiếp. Cô gái thơ ngây cứ nghĩ là Dương Qua đã ân ái với mình, lòng vừa thẹn vừa giận. Hai người tẻ trung đó ban tẩu giang hồ, hành hiệp cứu đời; giúp vợ chồng Hoàng Dung, Quách Tĩnh kháng chiến giữ thành Tương Dương, đánh quân xâm lược Mông Cổ. Nhưng cả Hoàng Dung, Quách Tĩnh và bọn hào sĩ giang hồ đều khinh bỉ mối quan hệ Dương Qua - Tiểu Long Nữ bởi vì họ cho rằng thấy trò yêu nhau là vi phạm đạo đức trầm trọng. Cả hai thầy trò đều muốn bỏ ra đi, tìm một thế giới khác không có luân lý, đạo đức khắt khe. Nhưng rồi Tiểu Long Nữ khám phá ra được sự thâtkj về chuyện cô thất trinh với Doãn Chí Bình. Đau lòng vì thấy mình không còn xứng đáng với Dương Qua, cô bỏ đi biền biệt. Và Dương Qua cũng bỏ ra một đời đi tìm hình bóng cô.

Lứa đôi đó yêu nhau say đắm, nồng nàn nhưng không thể sống thành vợ chồng vì hàng rào luân lý, đạo đức. Nhiều người đã ca ngợi nhà văn Kim Dung can đảm khi xây dựng mối tình của cặp nhân vật này. Ông đã lội ngược dòng nước luân lý của đạo Khổng, khi đạo Khổng đưa ra định đề “quân, sư, phụ” (vua, thầy và cha). Đó chính là bi kịch tình yêu của tuổi trẻ thời phong kiến. Lứa đôi đó về đâu, không ai biết, kể cả tác giả. Nhưng thôi, tìm hiểu sâu thêm nữa làm gì khi tiểu thuyết chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

VŨ ĐỨC SAO BIỂN
KIM DUNG GIỮA ĐỜI TÔI
80.
Thiên Long bát bộ
và luật tục thảo nguyên


Thiên Long bát bộ là bộ phim nhiều tập hiện đang nổi tiếng, được nhiều người say mê, được chuyển thể từ tác phẩm tiểu thuyết của Kim Dung. Trong tiểu thuyết, Thiên Long bát bộ còn có tên là Lục mạch thần kiếm truyện. Bộ tiểu thuyết đồ sộ gồm 16 cuốn này được đặt trong bối cảnh lịch sử Trung Hoa từ thời Tống Anh Tôn (1063 - 1065) đến hết thời Tống Triết Tôn (1085 - 1099), liên quan đến những diễn biến lịch sử của bốn nước gồm Tống, Đại Lý, Tây Hạ và Khất Đan. Trong phạm vi của bài nghiên cứu này, tôi xin giới thiệu với các bạn về đế quốc Khất Đan và những luật tục trên thảo nguyên do đế quốc Khất Đan quy định được Kim Dung phản ánh qua Thiên Long bát bộ.

Năm 936, Thạch Kính Đường, người bộ tộc Sa Đà (Chata), phò mã của nhà Hậu Đường làm trấn thủ Hà Đông, chiếm đất nhà Hậu Đường lên ngôi, mở ra nhà Hậu Tấn. Thạch Kính Đường thờ Khất Đan như cha, cắt 16 châu thuộc đất Yên Vân (Sơn Tây và Hà Nam bây giờ, trong đó có cả thành Bắc Kinh) dâng cho Khất Đan. Khất Đan trở thành một đế quốc hùng mạnh ở Đông Bắc Trung Quốc, bao gồm cả vùng Mãn Châu (phía Bắc) và lưu vực sông Hoàng Hà (phía Nam), vùng Nhiệt Hà (phía Tây), kéo dài đến biên giới Triều Tiên (phía Đông). Kinh đô Khất Đan là Thượng Kinh; gọi Bắc Kinh ngày nay là Nam Kinh hay Yên Kinh (kinh đô cũ nước Yên) hay U Đô (kinh đô châu U). Vua Khất Đan tự gọi đất nước mình là Liêu Quốc, quy tập các bộ lạc Ô Ngổi, Ba Đức, Bắc Khắc, Nam Khắc, Thất Vị, Mai Cổ Tất, Ngũ Quốc và Ô Cổ Lạc. Thuộc quốc của đế quốc Khất Đan gồm 59 nước, trong đó có các nước lớn là Triều Tiên, Thổ Cốt Hồn, Thổ Phồn, Đột Quyết, Đảng Hạng, Sa Đà, Ba Tư, Đại Thực, Tân Giới, Hồi Cốt, Cao Xương, Tây Hạ, Vu Điền, Đôn Hoàng... Mười sáu châu Yên Vân của Trung Quốc “trả nợ” cho Khất Đan bao gồm các châu lớn như A, Thuận, Đàn, Trác, Dịch, Kế, Bình, Thước, Doãn, U... Liên tiếp ba triều đại Trung Quốc gồm Tấn, Tống, Chu nhiều phen chinh phạt nhưng không lấy lại được đất Yên Vân.

Người Khất Đan sống du mục, có chữ viết và tiếng nói riêng. Khi sát nhập Yên Vân vào đế quốc, người Khất Đan cũng viết chữ Hán và nói tiếng Hoa (tiếng Bắc Kinh - tức Quan thoại). Cho đến khi nhà Bắc Tống (960 - 1126) lên cai trị Trung Hoa, giữa biên giới Tống - Liêu chỉ có một con đường qua lại. Đó là Nhạn Môn Quan. Nhạn môn quan là một sơn đạo hiểm trở thuộc phủ Đại Đồng (Sơn Tây), được phía Trung Hoa xây làm cửa ải, chỉ có bầy chim nhạn tránh tuyết hàng năm mới bay qua được, Nhạn môn quan đã để lại cho văn học Đường-Tống hàng ngàn bài thơ của các nhà thơ cảm xúc về chinh chiến, quan ải, nỗi khổ của những mối chia ly vì chinh chiến, góp phần tạo nên trường phái Biên tái trong lịch sử Trung Quốc.

Thiên Long bát bộ của Kim Dung tập trung phản ánh về vấn đề dân tộc và những xung đột chiến tranh giữa hai nước Tống-Liêu mà cái trục chính vẫn là nhân vật Tiêu Phong. Tiêu Phong nguyên là người Khất Đan, bị đưa về Trung Quốc từ khi còn lọt lòng, lớn lên có cái tên là Kiều Phong, làm đến chức Bang chủ Cái bang, một bang phái lớn nhất của võ lâm Trung Hoa. Nhưng thuộc hạ của ông đã tìm mọi cách công bố cái lý lịch Khất Đan của ông. Ông bỏ ra đi, chỉ muốn về bên kia Nhạn Môn quan làm một người Khất Đan bình thường săn chồn đuổi thỏ trên thảo nghuyên mênh mông. Số phận đau thương đã khiến ông giết lầm người tình yêu dấu là Đoàn A Châu (dân tộc Hán) và phải bảo bọc cho Đoàn A Tử, em ruột A Châu. A Tử bị thương năng, ông phải bồng cô ra Trường Bạch Sơn tìm xương cọp, mật gấu, nhân sâm chữa trị cho cô. Rồi ông kết bạn với Hoàn Nhan A Cốt Đả, người bộ tộc Nữ Chân (Mãn Châu - sau thành hoàng đế của Kim Quốc) và bắt được Gia Luật Hồng Cơ, hoàng đế của Đại Liêu, người đứng đầu các bộ tộc Khất Đan...
Là một nhà tiểu thuyết tốt nghiệp cử nhân luật, Kim Dung đã nghiên cứu và đưa vào Thiên Long bát bộ những luật tục trên thảo nguyên, diễn ra giữa hai đế quốc Tống - LIêu. Kiến thức về luật tục học của ông rất phong phú, điều mà ta khó tìm thất trong tác phẩm văn chương và lịch sử của bất kỳ một tác giả Trung Hoa nào khác.

Đối với người đàn ông Khất Đan, luật tục buộc phải xăm hình con chó sói (lang hình) lên ngực từ thủa sơ sinh. Hình con chó sói chứng tỏ nguồn gốc dân tộc Khất Đan của người mang nó, thay vì giấy thông hành hay sơ yếu lý lịch. Người đàn ông Khất Đan nhận ra nhau khi cởi áo khoe hình con sói xanh. Ngay đến khi bị quân lính nhà Tống giết, họ cũng cởi áo ra, hướng về phương Bắc, hú lên những tiếng như chó sói tru trước khi từ giã cuộc sống. Chính Tiêu Phong cũng có một hình chó sói xanh trước ngực như vậy và đến năm 30 tuổi, ông mới biết mình thuộc dân tộc Khất Đan.

Hai nước giao tranh trên trăm năm, người nước này tỏ ra khinh miệt người nước kia và ngược lại. Người Tống gọi người Khất Đan là bọn chó Liêu (Liêu cẩu); người Khất Đan gọi người Tống là bọn heo Tống (Tống trư). Quân lính hai bên tha hồ thâm nhập biên giới cướp bóc tài vật, gia súc; bắt bớ đàn bà và trẻ con. Những gì cướp được, bắt được với quân Tống thì phải trình lên tướng chỉ huy để được thưởng, với quân Liêu thì được hưởng trọn. Đó là luật tục chiếm hữu, được hai bên gọi bằng một thuật ngữ rất nhẹ nhàng: kiếm lương thảo. Không biết bao nhiêu phụ nữ và trẻ em đã bị chiếm đoạt tình dục, bị buộc làm nô lệ và vùi thây xung quanh Nhạn Môn quan.

Tuy nhiên, không phải ai bị bắt cũng bị giết. Muốn khỏi bị giết, phải có thục kim. Trên thảo nguyên, có luật tục đưa tiền bạc, tài sản chuộc mạng; số tiền bạc tài sản lớn hay nhỏ là do đôi bên trả giá thương lượng với nhau. Người Khất Đan tuân thủ tuyệt đối luật tục này. Thiên Long bát bộ của Kim Dung có đoạn thuật lại truyện Tiêu Phong và A Cốt Đả đi săn, tình cờ bắt được một người Khất Đan mặc áo hồng rất sang trọng. Người ấy thương lượng với Tiêu Phong, xin trả 3 xe vàng, 30 xe bạc, 300 con ngựa quý. Phả Lạp Thục, cha của A Cốt Đả, đề nghị Tiêu Phong đòi gấp 10 lần: 30 xe vàng, 300 xe bạc, 3000 ngưạ quý. Tiêu Phong thương người đàn ông Khất Đan anh hùng, buông tha y mà không đòi một khoản thục kim nào. Một thời gian sau, người ấy đem tặng cho Tiêu Phong 5000 lượng vàng, 50000 lượng bạc, 1000 trâu béo, 5000 cừu, 3000 ngựa quý. Hoá ra, kẻ bị bắt và được Tiêu Phong tha mạng là đưong kim hoàng đế Đại Liêu, tên thật là Gia Luật Hồng Cơ. Hồng Cơ về đến Thượng Kinh rồi, vẫn giữ lời hứa đem thục kim qua bộ lạc Nữ Chân trả cho Tiêu Phong dưới dạng quà tặng.

Như trên đã giới thiệu, Khất Đan có văn tự riêng, lại biết luôn cả tiếng Hoa. Thế nhưng, đối với người Khất Đan, một lời hứa còn nặng hơn cả chục tờ hoà ước được viết bằng văn tự. Luật tục Khất Đan đặt ra khẩu ước (hứa miệng) và triệt để trung thành với lời hứa này. Khi Gia Luật Hồng Cơ lên ngôi hoàng đế Đại Liêu thì Triệu Hú cũng đang ở ngôi hoàng đế Đại Tống (1085 - 2099). Trong Thiên Long bát bộ, Kim Dung thuật truyện Gia Luật Hồng Cơ bị Đoàn Dự (hoàng đế Đại Lý) và Hư Trúc (phò mã Tây Hạ) bắt giữ ngay tại Nhạn Môn quan, trước mặt Tiêu Phong. Thay vì đòi khoản thục kim; Tiêu Phong, Đoàn Dự, Hư Trúc chỉ mong Gia Luật Hồng Cơ cho một khẩu ước: “Suốt đời, Gia Luật Hồng Cơ sẽ không đem binh mã vượt Nhạn môn quan để lấn áp Tống triều”. Gia Luật Hồng Cơ đã bẻ mũi tên chó sói, đọc khẩu ước đó trước sự chứng kiến của quân Liêu, quân Tống, Đoàn Dự, Hư Trúc và Kiều Phong. Và quả nhiên, trong suốt giai đoạn Hồng Cơ trị vì, không mọt người Khất Đan nào vượt qua Nhạn Môn quan để gây chiến với quân nhà Tống.

Còn một luật tục khác xem ra rất dã man. Đó là luật tận sát. Trong Thiên Long bát bộ, Kim Dung thuật lại cuộc binh biến trong nội tình Khất Đan: Gia Luật Trọng Nguyên và con trai là Gia Luật Niết Lỗ Cỗ nổi loạn; chiếm ngôi của Gia Luật Hồng Cơ. Tướng sĩ hai bên đánh nhau, xác nằm chật cả thảo nguyên, trong đó có những người bị thương nằm rên la thảm khốc. Thay vì đem những kẻ bị thương về cứu chữa, mỗi bên lai có một toán quân áo đen cầm vũ khí ra trận để giết hết những thương binh bên mình. Giết xong, hai toán quân áo đen lại đánh nhau thêm trận cuối. Thảo nguyên Khất Đan thật đau thương: chỉ có người chiến thắng lành lặn trở về mới được coi là chiến binh. Kẻ chiên thắng nào bị thương vẫn phải chết, không phải dưới vũ khí của kẻ thù mà là dưới vũ khí của đồng đội mình. Đối với dân tộc Khất Đan, người chiến thắng mới là anh hùng, mới là người có chính nghĩa.

Kim Dung là người Hán tộc. Người Hán tộc vẫn tự cho mình là một chủng tộc cao quý, gọi các dân tộc bốn phương là Tứ di. Họ luôn tỏ ra khinh bỉ các dân tộc lân bang. Nhưng qua Thiên Long bát bộ, Kim Dung nhận ra một điều: quân đội các bộ tộc Khất Đan và Nữ Chân kiêu dũng, thiện chiến và không tàn bạo như quân đội của Tống triều, phẩm chất nhân ái bao dung của “con chó Khất Đan” Tiêu Phong vượt xa những lãnh tụ Trung Hoa cao quý. Rõ ràng, quan điểm dân tộc của ông rất tiến bộ. Tất nhiên, sau này những cộng đồng Khất Đan, Nữ Chân, Thổ Phồn, Đột Quyết... đều sát nhập vào cộng đồng Trung Hoa, không người Hán tộc nào mạt sát họ là man di mọi rợ nữa. Điều này phản ánh từ một quan điểm chính trị hơn là một nhận thức nhân bản xuất phát từ phẩm giá làm người.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

VŨ ĐỨC SAO BIỂN
KIM DUNG GIỮA ĐỜI TÔI
81.
Bang giao Tống-Liêu
nhìn qua Thiên Long bát bộ


Ở thời điểm năm 1063, Liêu tức Khất Đan đã trở thành một đế quốc hùng mạnh vùng Đông Bắc Trung Hoa. Người Khất Đan sống du mục, kinh tế chủ yếu là chăn nuôi và trồng trọt, có ngôn ngữ riêng, văn tự riêng. Khi sát nhập Yên Vân vào đế quốc, người Khất Đan có thêm tiếng Hoa làm chuyển ngữ. Biên giới Tống-Liêu kéo dài mấy ngàn dặm, trong đó con đường xung yếu nhất là Nhạn môn quan, một sơn đạo hiểm trở thuộc phủ Đại Đồng, Sơn Tây. Nhạn môn quan là con đường chinh chiến, đã từng là bãi chiến trường núi xương sông máu giữa hai dân tộc Tống-Liêu từ năm 960 đến năm 1126, đã để lại trong lịch sử văn học Trung Hoa hàng ngàn bài thơ mang màu sắc biên tái đau thương...

Thiên Long bát bộ hư cấu một nhân vật anh hùng Khất Đan là Tiêu Phong. Tiêu Phong bị bắt về nước Tống từ thủa nhỏ, đến năm 30 tuổi, trở thành Bang chúa Cái bang, thống lãnh quần hùng Cái bang Tống triều chống lại người Khất Đan. Ông bị bọn thuộc hạ tố cáo lý lịch Khất Đan, phải bỏ nước Tống trở về nước Liêu. Tại đây, ông kết bạn với Hoàng Nhan A Cốt Đả, người bộ tộc Nữ Chân (sau này là vua của Kim Quốc - tức Mãn Châu), rồi kết bạn cùng Gia Luật Hồng Cơ, hoàng đế nước Đại Liêu. Ông được Hồng Cơ phong làm Nam viện đại vương trấn thủ Nam Kinh (tức Bắc Kinh ngày nay), cai trị 16 châu Yên Vân, chờ ngày đánh qua Nhạn môn quan, tiêu diệt triều Tống...

Gia Luật Hồng Cơ là một ông vua đầy hùng tâm tráng chí của đế quốc Khất Đan, một nhân vật có thực được nhắc đến rất nhiều trong lịch sử. Ông nội của Gia Luật Hồng Cơ lên ngôi làm Đại Liêu hoàng đế, xưng là Thánh Tôn. Thánh Tôn tên thật là Gia Luật Long Tự, có hai con trai: Gia Luật Tôn Chân hiền hoà trung hậu và Gia Luật Trọng Nguyên kiêu dũng, giỏi binh cơ. Thánh tôn qua đời, truyền ngôi cho Tôn Chân nhưng hoàng hậu Đại Liêu lại yêu con thứ Trọng Nguyên nên sửa chữa chiếu chỉ, định lập Trọng Nguyên làm hoàng đế. Trọng Nguyên thương anh ruột, nói rõ âm mưu đó cho anh hay. Tôn Chân lên ngôi, cảm kích tấm lòng của người em, lập Trọng Nguyên lên làm Hoàng thái đệ, định sẽ truyền ngôi cho em. Tôn Chân lên ngôi, hiệu là Hưng Tôn. Hưng Tôn chết, ngôi vua không truyền cho Hoàng thái đệ mà truyền cho con ruột là Gia Luật Hồng Cơ. Gia Luật Hồng Cơ phong cho chú Trọng Nguyên làm Thiên hạ binh mã Đại nguyên soái, phong cho con Trọng Nguyên là Gia Luật Niết Lỗ Cỗ làm Sở vương, tước hiệu Nam viện đại vương. Hai cha con Trọng Nguyên và Niết Lỗ Cỗ thừa dịp Hồng Cơ đi xuống phương nam làm cuộc binh biến chiếm ngôi vua Đại Liêu.

Đó là chính sử của Đại Liêu. Trong Thiên Long bát bộ, Kim Dung để cho nhân vật Tiêu Phong giúp Gia Luật Hồng Cơ dẹp cuộc binh biến, bắt được Trọng Nguyên, giết chết Niết Lỗ Cỗ, được Gia Luật Hồng Cơ phong làm Nam Viện đại vương, cai quản phần đất Yên Vân...

Cũng ở thời điểm này, Triệu Hú, một gã thiếu niên mới 18 tuổi, lên ngôi vua ở Nam triều tức Tống Triết Tôn (1085-1099). Trước đời Triệu Hú, các vua Tống đã áp dụng Biến pháp của tể tướng Vương An Thạch (thường được gọi là phe Tân đảng) và những phép Thanh miêu, Bảo mã, Bảo giáp tạo nên một nền cai trị hà khắc. Khi Triệu Hú lên ngôi, bà Cao thị là Hoàng thái hậu buông rèm nhiếp chính 9 năm, áp dụng đường lối chính trị khoan hoà của Tư Mã Quang (thường được gọi là phe Cựu đảng) không gây chiến tranh, phòng thủ nghiêm ngặt, chờ cho Liêu quốc đại biến. Tư Mã Quang là tác giả của bộ Tư trị thông giám, cuốn sách đúc kết kinh nghiệm thịnh suy của ngàn năm xây dựng các đế chế Trung Hoa trước đó. Chính là đường lối khoan hoà của Cao thị đã làm cho đế quốc Khất Đan phải nể sợ. Tể tướng nước Liêu khen Hoàng thái hậu: “Từ khi Thái hậu Đại Tống buông rèm nghe chính sự, chiêu nạp danh thần, bài trừ chính trị hà khắc, trong suốt chín năm triều đình hưng thịnh, trăm họ yên vui”. Thế nhưng, gã Triệu Hú là một ông vua hiếu chiến. Khát vọng của Triệu Hú là được một ông vua thực sự, đánh nhau với Liêu quốc. Cho nên khi Cao thị vừa băng hà, Triệu Hú đã áp dụng ngay các Biến pháp của phe Tân đảng, tin dụng bọn nội giám Nhạc Sĩ Tuyến, Lưu Duy Giản, Lương Tòng Chánh, triệt hạ phe Cựu đảng. Năm 1093, Triệu Hú giáng chức Đại học sĩ Tô Thức (Tô Đông Pha), đưa Tô đi làm tri phủ Định Châu. Khi ra đi, Tô Thức dâng biểu có đoạn: “Hạ thần e rằng hành động cấp tiến chỉ là tấm lòng nông nổi của những người vụ lợi, nên xin dâng bản tấu này, kính mong bệ hạ thận trọng canh caỉ tân pháp thời phúc cho xã tắc và may cho thiên hạ vậy”. Triệu Hú giận, giáng luôn Tô Triệt, Đoan Minh Đại học sĩ đi làm Tri phủ Nhữ Châu. Đại thần Phạm Tô Vũ đưa lời can gián: “Hán, Đường mất nước cũng do nhà cầm quyền bắt dân phải lao vào cuộc xây dựng to tát, không được nghỉ ngơi. Những kẻ vì lợi nhỏ mà gây oán hờn cho quốc dân thì dù có đa hình khu trục cũng chưa đủ để tạ tội với trăm họ”.

Trong tiểu thuyết Thiên Long bát bộ, Kim Dung thuật lại đoạn Cao thái hậu qua đời và những lời nói huyênh hoang của Tống Triết Tôn Triệu Hú. Quân tình báo Khất Đan đã nắm được tất cả diễn biến xấu đó trong nội bộ Tống Triều và báo cáo về Thượng Kinh cho Đại Liêu hoàng đế Gia Luật Hông Cơ. Hồng Cơ đánh giá đây là cơ hội ngàn năm một thuở để xâm lăng Tống triều. Nhà vua xuống ngay Nam Kinh, ra lệnh cho Nam Viện đại vương Tiêu Phong lập tức cử binh mã tràn qua Nhạn môn quan phạt Tống. Thế nhưng, Tiêu Phong tha thiết yêu hoà bình, không muốn cho muôn dân hai nước lầm than vì chinh chiến. Ông chống lệnh hành quân, bị bắt nhốt rồi được cứu thoát. Cuối cùng, ông đã xin Đại Liêu hoàng đế được một khẩu ước: “Vĩnh viến không đưa quân tràn qua Nhạn môn quan đánh xuống phương Nam”. Khẩu ước đó bảo đảm cho Tống-Liêu gần 30 năm thanh bình. Và Tiêu Phong tự tử!

Trong chiến tranh cổ điển, Tống-Liêu đều triệt để áp dụng chủ trương binh bất yếm trá. Thấy bọn quan binh triều Tống tham lam, Gia Luật Hồng Cơ ra lệnh cho Gia Luật Mạc Ca, Nam Viện khu mật sứ cai quản Nam Kinh, tung vàng bạc châu báu ra mua chuộc, chia rẽ, khuynh loát đội ngũ quan quân Tống triều. Phủ Khai Phong, kinh đô nhà Tống, trở thành miền đất béo bở cho đội quân tình báo Liêu Quốc thâm nhập và hoạt động. Chính vì thế, nội tình của Tống triều bị người Khất Đan nắm rõ như trong lòng bàn tay, ngược lại với nội tình Khất Đan, vua quan nhà Tống như người mơ ngủ.

Người Tống thuộc Hán tộc, tự cho mình là chủng loại cao quý, gọi lân bang là Tứ Di, gọi người Khất Đan là bọn chó Liêu. Ngược lại, bốn rợ cũng chẳng coi người Hán ra gì, người Khất Đan gọi quân triều Tống là bọn heo Tống. Quân sĩ đôi bên đánh vào biên giới của nhau, đốt nhà, hãm hiếp bắt bớ phụ nữ, tước đoạt tài vật. Cả đôi bên đều gọi đó là cách kiếm lương thảo. Thiên Long bát bộ của Kim Dung phản ánh sinh động hiện thực lịch sử đau thương đó giữa hai dân tộc Tống-Liêu. Tác giả không đối chiếu, so sánh nhưng dường như qua Thiên Long bát bộ, ta thấy được bọn Liêu cẩu anh hùng, đàng hoàng ngay thẳng hơn bọn Tống trư.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

VŨ ĐỨC SAO BIỂN
KIM DUNG GIỮA ĐỜI TÔI
82.
Khi Vi Tiểu Bảo hình sự hoá quan hệ dân sự


Xưa nay, quan hệ tiền bạc nợ nần nằm trong dân gian là quan hệ dân sự. Thời vua Khang Hy nhà Thanh, việc vay mượn tiền bạc được xếp vào việc hộ. Để phân biệt việc hộ và việc hình, người Trung Hoa có câu ngạn ngữ: “Giết người thì đền mạng, vay nợ phải trả tiền”. Thế nhưng, một vị quan lớn của triều Khang Hy - Vi Tiểu Bảo, Đệ nhất Lộc Đỉnh công, Phủ Viễn Đại tướng quân - một nhân vật bất học vô thuật tự nhận mình là lưu manh hạng nhất, đã ngồi trên vương pháp, sẵn sàng hình sự hoá những quan hệ dân sự. Qua ngòi bút của Kim Dung trong bộ tiểu thuyết Lộc Đỉnh ký, ta thấy cách cho vay nợ và đòi nợ của Vi Tiểu Bảo khá lạ lùng. Kim Dung hình tượng hoá vấn đề là “tiền vô cổ nhân, hậu vô lai giả” (trước, không có người xưa nào; sau, cũng chẳng có được người giống như vậy).Nguyên Vi Tiểu Bảo say mê nhan sắc của A Kha, muốn lấy A Kha làm vợ. Thế nhưng A Kha lại say mê Trịnh Khắc Sảng, con trai thứ của Diên Bình quận vương Trịnh Kinh, một lãnh tụ chống nhà Thanh tại Đài Loan. Vi Tiểu Bảo gặp Trịnh Khắc Sảng lần đầu tiên tại phủ Hà Giang và y rất ghen tức với Trịnh Khắc Sảng. Trịnh Khắc Sảng phong lưu anh tuấn, lại là con của một quận vương cai trị đất Đài Loan trong khi Vi Tiểu Bảo mặt dơi tai chuột, lại chỉ là con của một kĩ nữ thành Dương Châu. Thấy sư tỷ A Kha cứ bám lấy Trịnh Khắc Sảng, Vi Tiểu Bảo ra lệnh cho anh em Thiên Địa hội của mình đón đánh Trịnh Khắc Sảng một trận thừa sống thiếu chết. Trịnh Khắc Sảng vẫn đeo đuổi A Kha. Vi Tiểu Bảo ra lệnh cho bọn Ngự tiền thị vệ thuộc đạo Kiêu Kỵ doanh chận đáng Trịnh Khắc Sảng một lần thứ hai, buộc Trịnh Khắc Sảng làm văn tự thiếu nợ một vạn lạng bạc, bọn chúng mới chịu thả ra. A Kha và Trịnh Khắc Sảng vẫn quyến luyến với nhau. Vi Tiểu Bảo nhờ đến bọn Mộc vương phủ ở Vân Nam đánh Trịnh Khắc Sảng một lần nữa, buộc phải làm lễ cưới với một cô gái xấu hoắc (nguyên là trai giả gái) và vu cáo Trịnh Khắc Sảng đã cưỡng dâm cô gái ấy! Trịnh Khắc Sảng phải nhờ đến sư phụ của y là Phùng Tích Phạm mới cứu nổi y về tới Đài Loan an toàn.

Vi Tiểu Bảo bị vua Khang Hy giam lỏng trên Điếu ngư đài đảo giữa biển Liêu Đông với một cái tước hàm hồ là Thông Cật bá. Lúc sau này, y đã có sáu người vợ là Tô Thuyên, Song Nhi, Mộc Kiếm Bình, Phương Di, Tăng Nhu và Kiến Ninh công chúa. Thế rồi sư phụ y là Trần Cận Nam, Phùng Tích Phạm, Trịnh Khắc Sảng và cả A Kha đều trốn tránh việc truy bắt của triều đình Khang Hy, trôi dạt tới Điếu Ngư đài đảo. Nơi đây Trịnh Khắc Sảng vũ nhục Trần Cận Nam và đâm chết ông. Vi Tiểu Bảo bắt được Trịnh Khắc Sảng nhưng nghe lời thầy dạy, y không giết Trịnh Khắc Sảng. Trịnh Khắc Sảng đem A Kha gán nợ cho Vi Tiểu Bảo. Vi Tiểu Bảo chặt đứt một ngón tay của Trịnh Khắc Sảng, buộc hắn phải viết văn khế thiếu nợ ba trăm vạn lạng bạc. Trịnh Khắc Sảng cứ viết đại văn khế, một là để kiếm đường sống, hai là hắn hi vọng không bao giờ Vi Tiểu Bảo có thể đòi nợ hắn được. Không ngờ văn khế mượn đó lại trở thành tai vạ với hắn về sau.

Khang Hy bình định đảo Đài Loan; Trịnh Khắc Sảng dẫn toàn quân ra đầu hàng nhà Thanh. Hắn được phong Hải Trừng công; Phùng Tích Phạm được phong Trung Thành bá. Thực sự đây một đòn phép chính trị của Khang Hy đã được Lang Viên ghi rõ trong Thanh sử cảo: bình định Tam phiên (Ngô Tam Quế, Thượng Khả Hỷ, Cảnh Tinh Trung), thu phục Mông Cổ và Tây Tạng, thu hồi Đài Loan, ổn định bên trong để rảnh tay đối phó với nạn xâm lăng của người Nga La Tư tại biên giới ba tỉnh Đông Bắc. Tuy được phong tước công nhưng Hải Trừng công Trịnh Khắc Sảng chỉ là hàng thần lơ láo, của cải hắn đục khoét từ Đài Loan đem về Bắc Kinh đã vơi quá nửa vào túi bọn quan lại trong triều đình. Trong khi đó, Vi Tiểu Bảo được phong Đệ nhất Lộc Đỉnh công, Phủ Viễn Đại tướng quân, có công bình định giặc Nga và kí kết hiệp ước bất tương xâm với người Nga tại Hắc Long Giang, thu về cho Trung Hoa thêm tám chục dặm vuông ở bờ nam sông Ngạch Nhĩ Cổ Lạp và Hắc Long Giang. Nghe tin, Khang Hy phong cho hàng thần Trịnh Khắc Sảng tước công, Vi Tiểu Bảo vừa ghen tức vừa nhớ lại mối thù ngày xưa. Hắn đem các thứ văn khế mượn nợ của Trịnh Khắc Sảng ra giao cho bọn thị vệ Kiêu Kỵ doanh, Tiền Phong doanh nhờ bọn này đi... đòi nợ. Ngự tiền thị vệ Đô tổng quản Đa Long nhận lệnh của Vi Tiểu Bảo, buộc Trịnh Khắc Sảng đem món nợ ba trăm vạn lạng bạc viết ra thành những giấy nhỏ một ngàn lạng, hai ngàn lạng rồi chia cho thị vệ đi đòi.

Từ đó, Hải Trừng công phủ của Trịnh Khắc Sảng ngày nào cũng có khách đến... đòi nợ. Bọn quan binh dưới trướng của Khang Hy vốn rất hống hách, lại dựa vào Phủ Viễn Đại tướng quân Vi Tiểu Bảo, sáng chiều thay nhau đòi nợ Trịnh Khắc Sảng. Trịnh Khắc Sảng ngậm bồ hòn làm ngọt đành phải đem hết mọi thứ ngân phiếu, đồ trang sức, bảo vật trong nhà ra trả nợ. Lần sau cùng, Vi Tiểu Bảo dẫn Đa Long đến phủ Trịnh Khắc Sảng. Hắn thấy Trịnh Khắc Sảng mặt mày ủ dột, tóc đã bạc thì mừng hơn cả đòi được nợ. Hắn chụp mũ Trịnh Khắc Sảng là muốn lên làm Đài Loan vương, sẽ đem quân vào nội địa để giết hết những gì gọi là Mãn Thanh, Thát Đát khiến Trịnh Khắc Sảng sợ đến tháo mồ hôi. Hắn còn ra lệnh bắt giữ Trịnh Khắc Sảng, may là Đa Long biết luật, phải đưa lời can gián.
Thấy chủ mình bị vũ nhục, Phùng Tích Phạm hăm dâng cáo trạng lên Khang Hy. Vi Tiểu Bảo nghe hắn hăm, lòng cũng có ý sợ. Lần này, Vi Tiểu Bảo thu được năm vạn bốn ngàn ba trăm lạng (tiền ngân phiếu), lại lấy được một mớ nữ trang. Tổng số mà Trịnh Khắc Sảng trả được cho Vi Tiểu Bảo trên hai trăm vạn lạng bạc. Hắn chia cho bọn thị vệ đúng một trăm vạn lạng để xài chơi, gọi là chi phí cho công đi đòi nợ (thảo trái phí). Nhưng hắn vẫn nơm nớp lo sợ chuyện Phùng Tích Phạm hăm dâng cáo trạng. Trong đêm ấy, hắn ra lệnh cho Đa Long cho hai thủ lĩnh thị vệ Trương Khang Niên, Triệu Tề Hiền mạo xưng là người của Thái Đô thống ở Tiền Phong doanh đi bắt Phùng Tích Phạm về đánh đập gần chết. Hắn lại cho người ngầm đi báo với vợ lớn của Thái Đô thống là họ Thái có vợ nhỏ thứ tám tại hẻm Điềm Thuỷ Tĩnh ở Bắc Kinh. Đêm ấy, vợ của họ Thái dẫn một toán đàn bà đi đánh ghen. Lão Thái phải dẫn người đi cứu cô vợ nhỏ. Vi Tiểu Bảo lại sai Đa Long đi giúp cứu vợ nhỏ lão Thái...

Sáng hôm sau, Vi Tiểu Bảo nhận lệnh của vua Khang Hy phải đi làm giám trảm, thi hành án tử hình đối với Mao Thập Bát. Mao Thập Bát là một dũng sĩ phản Thanh phục Minh, có công đưa Vi Tiểu Bảo lên Bắc Kinh. Hắn nghĩ cách cứu Mao Thập Bát khỏi cái chết bằng cách lấy Phùng Tích Phạm thay vào. Hắn cho thân binh làm một cái nhà rạp hai ngăn ở pháp trường cửa Thái Thị. Rồi hắn sai thân binh dẫn Mao Thập Bát ra cho Đa Long nhận diện đúng là khâm phạm của triều đình. Đa Long xác nhận xong, hắn đưa ra cho Đa Long xem một tập khăn tay thêu những bức Xuân cung đồ. Xuân cung đồ là những bức thêu hình ảnh nam nữ giao phối nhau nhằm thoả mãn thói thị dâm của bọn quan lại, bọn nhà giàu thời Minh-Thanh. Khi Đa Long dán mắt vào tập Xuân cung đồ, Vi Tiểu Bảo cho thân binh đánh tráo Mao Thập Bát vào nhà rạp, đưa Phùng Tích Phạm vào pháp trường. Hắn ra lệnh chém tử tội rồi liệm xác khâm phạm vào áo quan...

Không ai biết được những âm mưu của Vi Tiểu Bảo ngoài vua Khang Hy. Nhà vua giao cho hắn điều tra vụ mất tích của Phùng Tích Phạm. Hắn dàn một màn kịch: cho gã chăn ngựa của Phùng TÍch Phạm dẫn một cô hầu gái của họ Phùng là Lan Hương ra đi. Rồi hắn đem xác Phùng Tích Phạm vào phủ nhà họ Phùng, kiếm một cái đao phạt cỏ làm hung khí gây án. Bọn quan viên điều tra vụ án biết rằng họ Phùng bị giết nhưng vết chém là vết do cương đao gây ra chứ không thể là dao cắt cỏ.

Có thể coi vụ Vi Tiểu Bảo giết người bịt miệng, đòi nợ Trịnh Khắc Sảng là một điển hình của chuyện hình sự hoá các quan hệ dân sự. Kim Dung viết những tình tiết này với một bút pháp thật lôi cuốn, hấp dẫn. Rõ ràng là vương pháp của triều nhà Thanh đã bị một gã tiểu lưu mang bẻ cong queo. Hắn làm được việc đó là nhờ có một đám thủ hạ thân tín mà đồng tiền đã trở thành quyền lực sai khiến. Bản tâm của Khang Hy cũng chẳng muốn những gã như Phùng Tích Phạm còn sống trên đời. Hai “chí lớn” gặp nhau, một cao một thấp. Cái chết của Phùng Tích Phạm khiến người ta ngậm ngùi khi nghĩ đên số phận đen tối của hàng triệu người Trung Hoa dưới các chế độ quân chủ kéo dài trên ba ngàn năm.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

VŨ ĐỨC SAO BIỂN
KIM DUNG GIỮA ĐỜI TÔI
83.
Vi Tiểu Bảo phá án đua ngựa


Bộ tiểu thuyết Lộc Đỉnh ký của nhà văn Kim Dung lấy bối cảnh lịch sử Trung Quốc dưới triều Khang Hy (1662 - 1722), khi nhà Mãn Thanh mới cai trị Trung Quốc được 18 năm và những thế lực “phản Thanh phục Minh” (chống nhà Thanh, dựng lại nhà Minh) còn hoạt động ở nhiều nơi trên đất Trung Quốc. Trên nền tảng lịch sử có thật, bằng một trí tưởng tượng phong phú và khả năng hư cấu tuyệt vời, Kim Dung đã xây dựng thành công một nhân vật Khang Hy thông minh, nhân hậu, xuất sắc trong các chính sách cai trị đất nước; một Vi Tiểu Bảo ngộ nghĩnh dễ thương, xuất thân từ kỹ viện thành Dương Châu đã leo lên được tới hàng công tước triều Khang Hy. Toàn bộ những thành công cỉa Vi Tiểu Bảo đều tập trung vào hai chữ “may mắn”. Vụ phá án đua ngựa, bắt được tên trọng phạm Ngô Ứng Hùng sau đây là một trong những chiến công may mắn của Vi Tiểu Bảo.

Chuyện xảy ra vào mùa xuân năm Khang Hy thứ 13, khi Vi Tiểu Bảo trở thành bá tước, giữ chức Chánh Đô thống Hoàng kỳ. vua Khang Hy đã biết được âm mưu làm phản của Bình Tây vương Ngô Tam Quế, một viên tướng phản Minh đầu Thanh, được vua cha của Khang Hy là Thuận Trị phong tước vương, trấn giữ Vân Nam và Quý Châu. Khang Hy có ý định triệt tam phiên: Ngô Tam Quế, THượng Khả Hỷ, Cảnh Tinh Trung. Sợ bị triệt phiên, Ngô Tam Quế nảy sinh ý định làm phản. So sánh lực lượng giữa triều đình và Ngô Tam Quế, Khang Hy nảy sinh ý đồ làm chậm cuộc tạo phản của Ngô Tam Quế lại. Khang Hy đánh một nước cờ chiến lược: sai Vi Tiểu Bảo làm Tứ hôn sứ, đem cô em cùng cha khác mẹ là Kiến Ninh công chúa qua Vân Nam, gả cho Ngô Ứng Hùng, con trai Ngô Tam Quế để đánh lạc hướng cảnh giác của Ngô Tam Quế. Trong khi đó, Khang Hy ung dung chuẩn bị binh lực đối phó với Ngô Tam Quế nếu vụ biến loạn ở Vân Nam thực sự xảy ra.

Thương thay cho Ngô Ứng Hùng! Trên đường về Vân Nam, Vi Tiểu Bảo đã nhiều lần “phượng đảo loan điên” với Kiến Ninh công chúa đến nỗi Kiến Ninh say mê gã, muốn tìm cách giết chết Ngô Ứng Hùng để được sống với gã. Tại Vân Nam, trong khi chờ hôn lễ cử hành, Kiến Ninh được Vi Tiểu Bảo tặng cho một cây súng của người Nga chế tạo để phòng thân. Thế là Kiến Ninh lập kế gọi Ngô Ứng Hùng vào phòng riêng để xem mặt rồi dùng súng bắn nát bộ phận sinh dục của Ngô Ứng Hùng, vu cho hắn tội muốn...cưỡng hiếp công chúa. Hôn lễ vẫn diễn ra nhưng chàng phò mã đã biến thành anh thái giám thứ thiệt. Sau hôn lễ, Vi Tiểu Bảo đưa hai vợ chồng Kiến Ninh - Ngô Ứng Hùng về lại Bắc Kinh, gọi là hoàn hôn theo nghi thức hôn nhân triều Thanh. Công việc diễn ra đúng với lá bài của Khang Hy: giữ Ngô Ứng Hùng lại Bắc Kinh làm con tin để làm chậm lại cuộc khởi loạn của Ngô Tam Quế.

Một hôm, Vi Tiểu Bảo dẫn phó tướng Triệu Lương Đống sang phủ phò mã của Ngô Ứng Hùng uống rượu. Bên Ngô Ứng Hùng có thêm ba viên tướng khác từ Vân Nam tới: Trương Dũng, Tôn Tư Khắc và Vương Tiến Bảo. Vương Tiến Bảo là một người sành nghề nuôi dưỡng và coi tướng ngựa. Hắn thấy con ngựa Ngọc Hoa Thông giống Đại Uyển (Fergana - một tiểu quốc phía Tây Trung Hoa) của Vi Tiểu Bảo thì chê tràn. Ngược lại, hắn ca ngợi bầy ngựa Vân Nam, một loài ngựa nhỏ, lông lá xác xơ nhưng chạy đường núi rất giỏi. Vi Tiểu Bảo tức khí, hẹn cùng Ngô Ứng Hùng tổ chức cuộc đua ngựa ngày hôm sau; tiền ăn thua là một vạn lạng bạc. Khi đã cáp độ xong, Vi Tiểu Bảo chợt nhìn thấy khoé mắt Vương Tiến Bảo hiện lên vẻ hân hoan. Gã biết thế nào Ngô Ứng Hùng cũng thủ thắng trong cuộc đua ngựa và tự trách thầm mình đã ngu dốt ham cá độ. Vốn là dân cờ gian bạc lận, Vi Tiểu Bảo biết loại ngựa Vân Nam chắc chắn sẽ ăn đứt bầy ngựa của mình. Về phủ bá tước, gã lẳng lặng gọi tên mã phu trưởng, giao tiền cho hắn để hắn rủ rê bọn mã phu của Ngô Ứng Hùng đi uống rượu, chơi gái, rồi tìm cách cho bầy ngựa Vân Nam của Ngô Ứng Hùng ăn bả đậu để chúng đau bụng, ỉa chảy. Gã phải thắng trong cuộc đua ngựa ngày mai!

Làm xong mọi việc, Vi Tiểu Bảo vào chầu vua Khang Hy. Khang Hy hỏi gã cặn kẽ đường đi nước bước ở Vân Nam, lại kêu ty xa giá bộ binh vào hỏi han tình hình chuẩn bị lừa ngựa, súng ống. Lúc bấy giờ, Vi Tiểu Bảo mới biết nhà vua chuẩn bị đánh Vân Nam, triệt hạ Bình Tây vương Ngô Tam Quế. Khang Hy hỏi gã đặc tính của loài ngựa Vân Nam, Vi Tiểu Bảo không dám nói thật. Một là nếu gã thú thật đã đầu độc ngựa Vân Nam của Ngô Ứng Hùng thì Khang Hy sẽ chửi gã là thứ cờ gian bạc lận; hai là - nếu gã nói dóc rằng ngựa Vân Nam rất dở thì sợ nhà vua mất cảnh giác, sau này gặp thất bại trên chiến trường, gã sẽ phạm tội khi quân. Kim Dung diễn tả những mâu thuẫn trong tâm trạng Vi Tiểu Bảo ở đoạn này rất xuất sắc. Vi Tiểu Bảo tâu với nhà vua rằng Ngô Ứng Hùng đem theo khá nhiều ngựa Vân Nam về Bắc Kinh. Nghe đến đó, nhà vua hiểu ngay rằng Ngô Ứng Hùng đang định trốn chạy khỏi Bắc Kinh. Khang Hy ra lệnh cho Cửu môn Đề đốc đóng hết cửa thành nhưng đã trễ: Ngô Ứng Hùng quả nhiên đã chạy trốn bằng ngựa Vân Nam của mình. Chuyện hắn định đua ngựa với Vi Tiểu Bảo chỉ là một trò lừa phỉnh. Hắn ra đi và bỏ lại bọn tuỳ tùng Vương Tiến Bảo, Trương Dũng, Tôn Tư Khắc. Vi Tiểu Bảo xin lệnh Khang Hy cho đi bắt Ngô Ứng Hùng về.

Gã điểm toàn bộ quân Kiêu Kỵ doanh, lại dắt theo bọn Vương Tiến Bảo vì bọn này rất sành về ngựa. Trên đường truy kích Vương Tiến Bảo nhìn ra dấu chân ngựa Vân Nam. Vương Tiến Bảo cũng lấy làm lạ vì ngựa Vân Nam do hắn nuôi dưỡng không bao giờ tiêu ra phân nát. Vi Tiểu Bảo giấu tịt chuyện mình cho đầu độc ngựa Vân Nam bằng bả đậu, cứ bảo cả đoàn rượt theo. Gã phấn khởi vì bả đậu đã phát huy tác dụng nhanh chóng. Từ Bắc Kinh về Vân Nam, đáng lẽ chạy sang hướng Nam nhưng Ngô Ứng Hùng lại chạy sang hướng Đông. Vi Tiểu Bảo hiểu ngay Ngô Ứng Hùng muốn chạy ra cửa biển Đường Cô để có thuyền dọc biển đưa hắn vê Quảng Tây, lên Vân Nam. Đang rượt theo, Vương Tiến Bảo thấy xác ngựa Vân Nam chết ở dọc đường. Hắn rất đau lòng nhưng Vi Tiểu Bảo lại cực kì khoan khoái, không ngờ trò cờ gian bạc lận của mình phục vụ hữu hiệu cho công việc truy bắt Ngô Ứng Hùng đến như thế. Quả nhiên, bầy ngựa Vân Nam danh tiếng không chịu nổi độc tố của bả đậu, ngã lăn ra chết ráo. Ngô Ứng Hùng bỏ ngựa, trốn vào trong ruộng lúa mạch. Hắn bị Vi Tiểu Bảo bắt được, giải ngược về Bắc Kinh. Vi Tiểu Bảo phá án thành công nhờ... bả đậu.

Vua Khang Hy dẫu thông minh đến bao nhiêu cũng không thể hiểu được do đâu Vi Tiểu Bảo bắt Ngô Ứng Hùng, phá vụ án “bỏ trốn khỏi nơi giam giữ” này nhanh đến như vậy.

Nhà vua hỏi Vi Tiểu Bảo: “Con mẹ nó, ngươi có bản lĩnh gì mà bắt được Ngô Ứng Hùng?”. Đến lúc đó, Vi Tiểu Bảo mới tâu thật với nhà vua rằng bản lĩnh của gã là cờ gian bạc lận, chỉ có cách cho ngựa của Ngô Ứng Hùng ăn bả đậu mới có thể thắng được trong cuộc đua ngựa ngày mai. Khang Hy cao hứng,cười ha hả. Nhà vua tin rằng lòng trời đang ở với mình, rằng chưa ra quân mà chỉ với một trò gian lận của Vi Tiểu Bảo; nhà vua đã thắng Ngô Tam Quế.

Vụ phá án “phước chủ may thầy” này tiêu biểu cho phong cách viết văn hài hước của Kim Dung. Thế nhưng đó là văn chương tiểu thuyết trong Lộc Đỉnh ký, được Kim Dung viết vào năm 1972. Còn chính sử của nhà Thanh trước đó 200 năm thì thế nào? Trong tác phẩm Thanh sử cảo, Lang Viên ghi rõ: mùa xuân năm Khang Hy thứ 13, Ngô Ứng Hùng có ý định bỏ chức phò mã trốn về Vân Nam để cùng cha là Ngô Tam Quế mưu sự khởi loạn. vua Khang Hy đã tiên liệu mọi điều, cho người giám sát, bắt được Ngô Ứng Hùng giam lỏng tại Bắc Kinh. Năm Khang Hy thứ 16 (1677), Ngô Tam Quế nổi loạn, dựng chiêu bài “Hưng Minh thảo Lỗ”. Triều thần đề nghị Khang Hy đem Ngô Ứng Hùng ra để thương lượng với Ngô Tam Quế. Nhà vua không nghe, sai xử trảm Ngô Ứng Hùng và tấn công bình định Vân Nam. Cuộc bạo loạn của Ngô Tam Quế thất bại, nhà Mãn Thanh thu phục Trung Quốc về một mối.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

VŨ ĐỨC SAO BIỂN
KIM DUNG GIỮA ĐỜI TÔI
84.
Vụ án Vi Tiểu Bảo phạm tội
Xâm phạm hoạt động tư pháp


Năm Khang Hy thứ 14 (1676), sau khi bình định xong cuộc chiến tranh biên giới với người Nga La Tư, Vi Tiểu Bảo được phong tước đệ nhất đẳng Lộc Đỉnh công. Cùng đợt phong với Bảo có Trịnh Khắc Sảng, hàng thần từ Đài Loan về, được phong Hải Trừng công và thầy của Sảng là Phùng Tích Phạm được phong Trung Thành bá. Tại Bắc Kinh, Vi Tiểu Bảo đã liên tục cho người đến đòi nợ Trịnh Khắc Sảng, khiến gia tài của Sảng khánh kiệt.

Ỷ mình có công trạng đánh quân ngoại xâm, cho rằng Sảng chỉ là thứ hàng thần lơ láo, Vi Tiểu Bảo đã nhiều phen mắng nhiếc Sảng. Phùng Tích Phạm bắt buột phải can thiệp. Lão hăm dâng cáo trạng lên vua Khang Hy tố cáo các hành vi của Vi Tiểu Bảo. Từ đó, Vi Tiểu Bảo nẩy ra ý đồ giết Phùng Tích Phạm.

Bảo ra lệnh cho hai tên chỉ huy đội ngự tiền thị vệ là Trương Khang Niên và Triệu Tề Hiền đưa một toán thị vệ mạo xưng là người của Tiền phong doanh nửa đêm đến nhà của Phùng Tích Phạm, bắt Phạm đưa đi. Bảo dặn họ: “Hai vị đi nửa chừng đường rồi xiềng khoá chân tay lão, dùng vải đen bịt mắt, nhét hột thị vào miệng… Các vị đánh cho lão một trận nhừ đòn, lột hết quần áo”.
Theo lời Bảo, bọn ngự tiền thị vệ đi bắt Phùng Tích Phạm. Phạm có hỏi đi đâu vào lúc nửa khuya, bọn chúng trả lời: “ Có việc quân tình rất gấp ở Đài Loan, cần phải thương nghị”. Chúng dẫn Phùng Tích Phạm về và đánh đập ngay trong phủ Lộc Đình công. Khi Phạm gần chết, chúng lột quần áo rồi lấy chiếu quấn người Phạm lại.

Sáng hôm sau, theo lệnh vua Khang Hy, Vi Tiểu Bảo phải làm quan giám trảm chém Mao Thập Bát, một người quen biết cũ của mình và luôn ủng hộ Thiên Địa hội với chủ thuyết “phản Thanh, phục Minh” chống lại triều đình. Vi Tiểu Bảo đã ra lệnh cho thân binh làm nhà rạp hai ngăn và cho họ 1.000 lạng bạc để tráo Phùng Tích Phạm vào chỗ của Mao Thập Bát. Khi Vi Tiểu ra lệnh chém, đao phủ chỉ chém Phùng Tích Phạm, giấu Mao Thập Bát vào trong nhà rạp. Sau đó, Bảo cho một chiếc xe ngựa tên khâm phạm Mao Thập Bát trốn về Dương Châu. Đồng thờ, Bảo ra lệnh tẩm liệm thi thể Phùng Tích Phạm. Để dàn cảnh mình tiếc thương Mao Thập Bát, bảo đã lấy gừng xoa vào hai mắt cho nước mắt chảy ra, y như là đã khóc. Vua Khang Hy được nghe quân lính báo cáo, cứ tưởng thật là Bảo đã tuân lệnh ra làm giám trảm vụ xử chém Mao Thập Bát…

Công việc vừa xong, vua Khang Hy lại ra lệnh cho tri phủ Thuận Thiên (phụ trách khu vực thành Bắc Kinh) điều tra vụ án Phùng Tích Phạm mất tích. Nhà vua chỉ định Vi Tiểu Bảo chủ trì công việc điều tra và phá án của tri phủ Thuận Thiên. Vợ Phùng Tích Phạm phát đơn kêu nài ở phủ Thuận Thiên, tỏ ra nghi ngờ Vi Tiểu Bảo có liên quan đến cái chết của chồng mình. Trước tình hình đó, Bảo đã lỡ phóng lao đành phải theo lao.

Bảo lại bỏ tiền ra cho mấy tên thân binh rồi dặn dò mật kế. Bảo đưa cả tri phủ Thuận Thiên đến phủ Trung Thành bá, lập công đường ngay trong đại sảnh để thẩm vấn mọi người. Tất cả gia quyến của Phùng Tích Phạm 79 người đều phải có mặt để chịu thẩm vấn. Tại đây, Vi Tiểu Bảo đã thực hiện một kiểu lấy lời khai rất kỳ khôi, hoàn toàn không có trong hoạt động tư pháp. Bảo lựa một người đẹp nhất là vợ thứ năm của Phùng Tích Phạm tên là Cúc Phương để thầm vấn. Sau khi chớt nhả một hồi, Cúc Phương khai ra được chuyện nữ tỳ tên Lan Hương bỏ trốn cùng tên giữ ngựa Hình Tứ. Bảo ra lệnh thưởng cho Cúc Phương 20 lạng bạc. Cứ như vậy, hễ ai đẹp thì Bảo thưởng tiền; ai xấu thì Bảo chửi cho một trận, choh rằng họ không biết hầu hạ Phùng Bá tước nên bá tước ham chơi đi cả nửa tháng mà chẳng chịu về nhà.

“Lấy lời khai” xong, Bảo cùng tri phủ Thuận Thiên tra xét các nơi trong nhà Phùng Tích Phạm. Đến gian thứ ba ở mé Tây, bọn thân bình tìm ra được một thanh cương đao dính máu. Tri phủ Thuận Thiên xác nhận đây là loại dao cắt cỏ ngựa. Đội trưởng thân binh sai lấy nước đổ xuống mặt đất, dưới gầm giường nơi Hình Tứ nằm ngủ. Nước thấm mau vào đất bày ra một tử thi không đầu đã thối rữa, mặc công phục bá tước. Bảo kêu người nhà Phùng Tích Phạm lại hỏi thì hoá ra đây là nơi ở của Hình Tứ, người đã dẫn nữ tỳ Lan Hương đi trốn. Bảo tiếp tục tra xét và tìm thấy đầu của Phùng Tích Phạm ngay trong tàu ngựa.
Thấy đã tìm ra thi thể của bá tước, người nhà của Phùng Tích Phạm khóc vang. Lòng họ vô cùng cảm kích Lộc Đỉnh công Vi Tiểu Bảo, thầm phục Vi đại nhân phá án nhanh chóng. Tri phủ Thuận Thiên lại càng phục lăn, vội vàng thảo công văn truy nã Hình Tứ và Lan Hương.

Trong bọn đi phá án, chỉ có một tên bộ đầu giàu kinh nghiệm là đem lòng ngờ vực. Trước nay, hắn đã phá hàng trăm vụ án; quan sát, khám nghiệm hàng trăm vết thương. Hắn thấy dấu đao cào cổ của Phùng Tích Phạm rất tề chỉnh, vật chém phải là khoái đao. Loại đao cắt cỏ không thể tạo ra vết chém này.

Hắn lại nhìn thấy đất ở gầm giường còn mới nguyên, chứng tỏ rằng tử thi mới được chôn xuống chứ không phải đã chôn được mười mấy ngày. Nhưng lòng tuy ngờ vực như vậy mà hắn có mười mấy cái miệng cũng không dám nói ra, bởi người chủ trì phá án vụ này là Lộc Đỉnh công Vi Tiểu Bảo, một kẻ thân tín của vua Khang Hy!

Vi Tiểu Bảo cầm công văn của tri phủ Thuận Thiên vào bái kiến nhà vua. Khang Hy xem qua loa các công văn rồi nói: “Vi Tiểu Bảo, bản lãnh phá án của ngươi không phải tầm thường… Ngươi lớn mật làm càn…”. Nói cách khác, Khang Hy đã biết Vi Tiểu Bảo giết Phùng Tích Phạm, việc hắn dựng nên vụ Hình Tứ cùng Lan Hương bỏ trốn, tìm thấy cái đầu của Phùng Tích Phạm dưới gầm giường của Hình Tứ chỉ là một trò hề. Tuy nhiên, nhà vua lại không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Vi Tiểu Bảo.
Căn cứ theo tình tiết vụ án, xét theo Bộ luật Hình sự năm 1999 của Việt Nam, Vi Tiểu Bảo đã phạm vào nhóm tội xâm phạm hoạt động tư pháp. Đó là:

1-Lợi dụng chức vụ, quyền hạn đánh tháo người bị kết án về tội xâm phạm an ninh quốc gia bị kết án tử hình, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, phạm tội có tổ chức; phạm vào Khoản 2 Điều 312 tội đánh tháo người đang bị dẫn giải, đang bị xét xử, có mức án từ 5 đến 12 năm tù.
2-Chủ trương cho đám thuộc hạ làm sai lệch toàn bộ hồ sơ vụ án Phùng Tích Phạm bị mất tích, phạm vào Khoản 3 Điều 300 tội làm sai lệch hồ sơ vụ án, có mức án từ 7 đến 15 năm tù.
Tuy nhiên, vào thời Khang Hy nhà Thanh bên Trung Hoa, nhà vua đã tỏ ra dễ dãi với Vi Tiểu Bảo nên Bảo mới thoát được hai tội này. Chúng tôi căn cứ vào Bộ luật Hình sự để buộc tội Vi Tiểu Bảo nhưng lại không tìm ra được gã. Vậy ai thấy Vi Tiểu Bảo ở đâu, xin mách giúp, chỉ giùm.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

V

Ũ ĐỨC SAO BIỂN
KIM DUNG GIỮA ĐỜI TÔI
85.
Bản luận tội Vi Tiểu Bảo


Vi Tiểu Bảo là nhân vật chính trong bộ tiểu thuyết võ hiệp Lộc Đỉnh ký của Kim Dung. Do Hình bộ của triều Khang Hy nhà Thanh bên Tàu đã làm thất lạc hầu hết các hồ sơ, chúng tôi xin mạnh dạn công bố các hành vi tội lỗi của Vi Tiểu Bảo theo Bộ luật Hình sự của Việt Nam để bạn đọc cùng nghị án…

Vi Tiểu Bảo sinh khoảng năm Thuận Trị thứ 13 (tức năm 1656) tại động điếm Lệ Xuân Viện, thành Dương Châu. Mẹ của đương sự là Vi Xuân Hoa, gái làng chơi chuyên nghiệp; cha không rõ, không xác định được thuộc dân tộc Hán, Mãn, Mông, Tạng hay Hồi.
Năm 13 tuổi (1669), Bảo lên Bắc Kinh, lọt vào hoàng cung, giết tiểu thái giám Tiểu Quế Tử rồi mạo xưng mình là Tiểu Quế Tử; kết bạn với ông vua con nít Khang Hy. Nhờ có tài ton hót nịnh nọt và bản thân cũng lập được một số công trạng, Vi Tiểu Bảo lân lượt giữ các chức vụ Tổng quản thái giám Ngự trù phòng; Chánh Hoàng kỳ Đô thống tước phong Ba Đồ Lỗ; Tứ hôn sứ Vân Nam; Đại sứ đặc mệnh toàn quyền xây dựng Trung Liệt từ Dương Châu; Phó trụ trì chùa Thiếu Lâm pháp danh “Hối Minh thiền sư”; Chánh trụ trì chùa Ngũ Đài Sơn; Tư lệnh mặt trận đánh Thần Long đảo ở Liêu Đông; Bá tước kiêm Tư lệnh mặt trận đánh quân La Sát ở miền Đông Bắc; Công tước xứ Lộc Đỉnh (Lộc Đỉnh công).

Trong quá trình công tác, Bảo đã hoạt động gián điệp tới “ba mang”. Y vừa là đại thần của nhà Thanh, song lại giữ một số chức vụ quan trọng trong hai lực lượng tạo phản: Hương chủ Thanh Mộc đường của Thiên Địa hội (phản Thanh phục Minh) đặc trách khu vực Bắc Kinh; kiêm Bạch Long sứ của Thần Long giáo - một giáo phái phản động ở Liêu Đông.

Vợ: gồm 7 mụ, kể theo thứ tự tuổi tác: Tô Thuyên, Trần A Kha, Phương Di, Kiến Ninh, Mộc Kiếm Bình, Tăng Nhu và Song Nhi.
Con: Vi Hổ Đầu (trai, với A Kha), Vi Đồng Truỳ (trai, với Tô Thuyên), Vi Song Song (gái, với Kiến Ninh).
Trình độ văn hoá: Không biết chữ; chỉ đọc được 4 chữ Nhất, Nhị, Tam và Tiểu (trong cái tên Vi Tiểu Bảo).

Trong 7 năm làm quan, từ năm Khang Hy thứ 7 (1669) đến năm Khang Hy thứ 14 (1676), Vi Tiểu Bảo đã liên tiếp phạm các tội sau:
1- Lúc 14 tuổi, khi mới làm bạn với vua Khang Hy, Bảo quen biết với Kiến Ninh công chúa, 13 tuổi. Lợi dụng khung cảnh cung Khôn Ninh vắng vẻ, Bảo đã cởi áo của công chúa ra, trói cô lại, miệng nói lời tục tĩu và tay thì làm những trò bỉ ổi. Cũng với thủ đoạn này, khi bắt Mộc Kiếm Bình, quân chúa Mộc vương phủ (nhà Minh) Vân Nam Bảo đã sờ sẫm trên thân thể và vẽ hình con rùa lên má nạn nhân. Nếu xét theo Bộ luện Hình sự năm 1999 của Việt Nam, hành vi này của Bảo đã đủ yếu tố cấu thành tội danh dâm ô với trẻ em (quy định tại Điều 116). Tuy nhiên, vì Bảo thực hiện các hành vi trên khi chưa thành niên, chúng tôi đề nghị miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.

2- Khi được Khang Hy cử về Dương Châu xây dựng toà Trung liệt từ, Bảo là thủ trưởng của bốn cô gái Tăng Nhu, Phương Di, Mộc Kiếm Bình và Song Nhi. Bảo đã đổ thuốc mê vào rượu cho A Kha và cả Tô Thuyên, vợ của Hồng An Thông – giáo chủ Thần Long giáo, cùng bốn cô thuộc hạ uống. Lợi dụng lúc những người này nửa mê nửa tỉnh, Bảo đã chất họ lên một cái giường lớn, miệng hát bài Thập bát mô và cưỡng dâm cả sáu người phụ nữ này. Theo Bộ luật Hình sự của nước ta, hành vi này của Bảo đã phạm vào điểm c Khoản 2 Điều 113, xứng đáng phạt tù từ 3 đến 10 năm. Tuy nhiên, lúc phạm tội Bảo chưa đủ 16 tuổi. Chúng tôi đề nghị miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với y.

3- Khi được vua Khang Hy cử đi làm Tứ hôn sứ Vân Nam, đem công chúa Kiến Ninh mới 15 tuổi gả cho Ngô Ứng Hùng- con của Ngô Tam Quế, Vi Tiểu Bảo đã lợi dụng đường xa, dựng lên những hành cung để Kiến Ninh nghỉ ngơi. Bảo đã đuổi hết bọn thị vệ để vào phòng riêng của Kiến Ninh giao cấu nhiều lần với công chúa. Hậu quả nghiêm trọng đã xảy ra: Nạn nhân đã có thai trước khi về làm vợ Ngô Ứng Hùng. Hành vi này của Bảo đã vi phạm Khoản 1 Điều 115 tội giao cấu với trẻ em, có mức án từ 3 đến 10 năm tù.
Với 3 tội danh dâm ô với trẻ em, cưỡng dâm và giao cấu với trẻ em, chúng tôi đề nghị các cơ quan hữu quan thành phố Dương Châu có biện pháp đưa Vi Tiểu Bảo đi trường giáo dưỡng. Tuy nhiên, thời Khang Hy chưa có trường giáo dưỡng nên Vi Tiểu Bảo vẫn không được giáo dục để sửa chữa sai lâm. Do vậy, y vẫn ở yên trong chức vụ và liên tục phạm tội ngày càng nghiêm trọng hơn.

4- Xuất thân tại Lệ Xuân viện, từ thuở nhỏ Vi Tiểu Bảo đã là một chuyên gia trong trò cờ gian bạc lận. Lên Bác Kinh làm quan, Bảo vẫn chứng nào tật nấy, tổ chức đánh bạc và gá bạc. Chỉ với ba con súc sắc có đổ thuỷ ngân, Bảo đã làm cái nhiều sòng bài trong hoàng cung cho bọn thái giám, thị vệ chơi và lột sạch tiền bạc của Ôn Hữu Phương, Ôn Hữu Đạo, Trương Khang Niên, Triệu Tề Hiền và nhiều nạn nhân khác với số tài sản trên cả trăm vạn lạng bạc. Với hành vi trên, Bảo đã có dấu hiện phạm tội đánh bạc theo Khoản 2 Điều 248 có mức án từ 2 đến 7 năm tù; tội tổ chức đánh bạc, gá bạc có mức án từ 3 đến 10 năm tù.

5- Khi trở thành Bá tước, làm tư lệnh mặt trận vùng Đông Bắc đánh quân La Sát (Nga), Vi Tiểu Bảo chỉ học được ấm ớ mấy tiếng Nga; cỡ như Hà thư ni khắc là món thịt nướng, Hu la là hoan hô, Phục đặc gia tửu là rượu Vodka. Ấy thế mà Bảo vẫn muốn tỏ ra mình là người nghe và nói lưu loát tiếng Nga. Đại sứ của Sa hoàng Nga La Tư trình quốc thư lên vua Khang Hy, đại để quốc thư nói hai nước Trung Quốc và Nga La Tư đời đời giữ tình hoà hiếu thì Vi Tiểu Bảo lại dịch đại ra là: “Bệ hạ văn thành võ đức, nhân nghĩa anh minh, thọ ngang trời đất”. Vua Khang Hy và bọn bầy tôi cứ tấm tắc khen ngợi Vi Bá tước giỏi tiếng Nga nhưng ta biết đây là trò bịp mới của Bảo. Bản thân Bảo đã học thuộc lòng bài ca ngợi Hồng giáo chủ của đảo Thần Long và lời y dịch ra chì là bài học mà y đã thuộc lòng, không dính dáng gì đến nội dung quốc thư của Sa hoàng cả. Với hành vi trên, Vi Tiều Bảo đã phạm vào Khoản 1 Điều 284 tội giả mạo trong công tác, mức án được quy định từ 1 đến 5 năm tù.

6- Lớn lên từ Lệ Xuân viện, Vi Tiểu Bảo đã tiêm nhiễm nhiều thói hư tật xấu và những trò dâm ô trong kỹ viện. Bài hát mà Bảo chuyên hát là bài Thập bát mô, lời lẽ tục tĩu về thân thể phụ nữ. Vi Tiểu Bảo còn lưu giữ bên mình bức Xuân cung đồ, gồm 4 tấm, vẽ hình phụ nữ khoả thân và hình nam nữ “quan hệ”, để giải trí. Chính Bảo đã dùng bức tranh này cho Tổng quản thị vệ Đa Long coi và tặng cho Đa Long, khiến hắn mất cảnh giác, để bộ thuộc của Bảo để đánh tráo tử tù Mao Thập Bát trốn đi. Hành vi trên của Bảo đã đủ yếu tố cấu thành tội truyền bá văn hoá phẩm đồi truỵ theo Khoản 1 Điều 253.

7- Trong thời gian làm tư lệnh quân Thanh đánh thành Ni Bố Sở của quân Nga, Vi Tiểu Bảo đã đi tiểu vào nước và thúc hối bọn quan quân bắn nước tiểu của mình sang trại quân Nga. Nước tiểu đóng thành tuyết, dù không nhiều nhưng đã để lại mùi xú uế trong không khí vùng Lộc Đỉnh Sơn vốn rất trong lành. hành vi này đã phạm vào Khoản 1 Điều 182 tội gây ô nhiễm không khí, mức án từ 6 tháng đến 3 năm tù.

8-Trong thời gian làm quan dưới triều Khang Hy, Vi Tiểu Bảo đã tham gia Thiên Địa hội với chức danh hương chủ Thanh Mộc đường, phụ trách địa bàn Bắc Kinh. Thiên Địa hội là một tổ chức chính trị-quân sự chống triều Thanh, mưu đồ khôi phục lại nhà Minh. Khi đi công tác về Liêu Đông, Vi Tiểu Bảo lại được kết nạp vào Thần Long giáo, một tà giáo chống phá triều Thanh, giữ chức vụ chưởng kỳ sứ. Chẳng những tham gia hai tổ chức chống đối triều đình, Vi Tiểu Bảo còn tổ chức mạng lưới gián điệp cho Thanh Mộc đường hoạt động ngay tại Bắc Kinh trong phũ bá tước của mình, tổ chức đưa một số nhân vật quan trọng của Thần Long giáo vào làm thuộc hạ dưới trướng mình. Nếu xét theo quan điểm của Thanh triều và vận dụng Bộ luật Hình sự Việt Nam hiện nay, hành vi hoạt động tình báo, gây cơ sở hoạt động tình váo, cung cấp bí mật cho kẻ thù của Vi Tiểu Bảo đã vi phạm Điều 80 quy định tội gián điệp. Vi Tiểu Bảo phải chịu mức án cao nhất: tử hình.

9- Cũng trong thời gian làm quan, Vi Tiểu Bảo đã giết thái giám Tiểu Quế Tử, Thuỵ Đống, Liễu Yến, Phùng Tích Phạm và một số nhân vật khác. Trường hợp của Đa Long sống lại được sau này nhờ trái tim nằm lệch sang bên phải là ngoài ý thức chủ quan của Vi Tiểu Bảo. Giết người xong, Vi Tiểu Bảo thường dùng một loại chất độc gọi là Hủ cốt tán rắc vào thi thể nạn nhân để thi thể tự tan ra thành nước. Vi Tiểu Bảo đã giết nhiều người, giết người trong lúc người ấy đang thi hành công vụ. Bảo thực hiện hành vi phạm tội một cách man rợ, tái phạm nguy hiểm với nhiều động cơ đê hèn khác nhau. Các hành vi ấy là cực ỳ nghiêm trọng, vi phạm Khoản 1 Điều 93 tội giết người, phải chịu mức án cao nhất: tử hình.

10- Trong suốt quá trình làm quan, Vi Tiểu Bảo đã đòi hối lộ một cách sống sượng. Bảo đã nhận của Bình Tây vương Ngô Tam Quế 500 vạn lạng bạc, một cặp súng lục; nhận của Ngô Ứng Hùng 300 vạn lạng bạc; nhận của Thi Lang một cái tô bằng vàng 24K nặng trên dưới 1Kg; nhận của Trịnh Khắc Sảng trên 200 vạn lạng bạc dưới hình thức “trả nợ” dù Trình Khắc Sảng không mượn Bảo đồng nào; nhận của các quan ở Dương Châu nhiều món quà có giá trị cao; nhận của quân dân đảo Đài Loan trên 600 vạn lạng. Bảo đã dùng số tiền bất chính ấy để đưa hối lộ lại cho bọn tham quan, trong đó có Minh Châu, Sát Nhĩ Châu, Sách Ngạch Đồ, Đổng Quốc Cương, Kiệt Thư, Khang Thân vương, Đa Long; bọn chỉ huy thị vệ Trương Khang Niên, Triệu Tề Hiền… Mỗi người trên đây đã nhận hối lộ của Bảo nhiều lần, mỗi lần như vậy không dưới một vạn lạng bạc. Hành vi ấy của Vi Tiều Bảo đã phạm vào Khoản 4 Điều 279 tội nhận hối lộ và Khoản 4 Điều 289 tội đưa hối lộ. Mức án cao nhất: Tử hình

Tóm lại: Bị can Vi Tiểu Bảo được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự về cá tội dâm ô với trẻ em theo Điều 116; cưỡng dâm theo Điều 113. Tuy nhiên. Phải nghiêm khắc trừng phạt bị can về các tội giao cấu với trẻ em theo Điều 115; đánh bạc theo Điều 248; tội tổ chức gá bạc, đánh bạc theo Điều 249; tội giả mạo trong công tác theo Điều 284; tội gián điệp theo Điều 80; tội giết người theo Điều 93; tội gây ô nhiễm không khí theo Điều 182; tội truyền bá văn hoá phẩm đồi truỵ theo Điều 253; tội nhận hối lộ theo Điều 297; và tội đưa hối lộ theo Điều 289.

Một nhân vật như Vi Tiểu Bảo rất nguy hiểm cho xã hội; cần phải loại trừ vĩnh viễn y ra khỏi cuộc sống bằng bản án nghiêm khác nhất để tạo tác dụng răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung. Chúng tôi đề nghị tổng hợp hình phạt: Tử hình, tịch thu toàn bộ tài sản sung công quỹ.

Tuy nhiên, vua Khang Hy đã mất cảnh giác, để cho Vi Tiểu Bảo có cơ hội dẫn cả vợ lớn vợ bé và đàn con nhút nhít, chở hết của cải cùng đi trốn. Trách nhiệm ấy thuộc về Khang Hy, và trách nhiệm cao nhất là của… tác giả Kim Dung, chứ không thuộc về… chúng tôi!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

VŨ ĐỨC SAO BIỂN
KIM DUNG GIỮA ĐỜI TÔI
86.
Bản luận tội Nhạc Bất Quần


Kính thưa hội đồng xét xử,
Hôm nay, phiên toà nhóm tại đây để xét xử một tên trọng phạm lớn là Nhạc Bất Quần trong bộ tiểu thuyết võ hiệp Tiếu ngạo giang hồ của Kim Dung. Thay mặt Viện Kiểm sát, tôi xin đọc phần luận tội về bị cáo Quần.

Nhạc Bất Quần là chưởng môn phái Hoa Sơn, có ngoại hiệu là Quân tử kiếm. Thật ra cái ngoại hiệu ấy chỉ là một dạng hình dung từ để diễn tả biểu hiện bề ngoài nho nhã, khiêm tốn của bị cáo Quần. Ở bề trong và đặc biệt là qua tất cả những hành vi gây án của bị cáo, những tác hại nghiêm trọng mà bị cáo đã thực hiện đối với đồng đạo võ lâm, bị cáo chỉ là một kẻ nguỵ quân tử, một thứ quân tử giả mạo. Mà đại phàm lại hàng giả mạo thì nguy hiểm gấp nhiều lần so với hàng thật. Do vậy, theo quan điểm của chúng tôi, nguỵ quân tử nguy hiểm gấp nhiều lần so với chân tiểu nhân.

Khi đang đảm nhiệm chức vụ chưởng môn, qua báo cáo của một tên đệ từ là Lao Đức Nặc, Nhạc Bất Quần đã hiểu được phái Thanh Thành có âm mưu chiếm đoạt bộ Tịch tà kiếm phổ của dòng họ Lâm ở Phúc Châu, Phúc Kiến. Cho nên khi phái Thanh Thành xuống Phúc Châu, Nhạc Bất Quần đã sớm cho Lao Đức Nặc cùng con gái là Nhạc Linh San đến trước, sang lại một tiệm rượu nhằm mục đích dòm dỏ động tĩnh của phái Thanh Thành. Phái Thanh Thành thực hiện âm mưu chiếm đoạt Tịch tà kiếm phổ của họ Lâm một cách thô thiển, còn Nhạc Bất Quần thì thực hiện âm mưu này một cách tinh vi, thâm độc hơn. Nhạc Bất Quần chỉ đợi phái Thanh Thành chiếm được Tịch tà kiếm phổ là y ra tay cướp giật ngay. Nói chung, ban đầu thì y chỉ muốn cướp của một thằng ăn cướp.
Thế nhưng, phái Thanh Thành không tìm ra được kiếm phổ. Người tìm ra kiếm phổ lại chính là Lệnh Hồ Xung, đại đệ tử của bị cáo Quần. Trong lúc Lệnh Hồ Xung ngất xỉu, bị cáo Quần đã lấy kiếm phổ trong người đệ tử mình, đem cất giấu để rồi sau đó “dẫn đao tự cung” để luyện Tịch tà kiếm phổ! Hành vi thâm độc đó đã đủ yếu tố cấu thành tội trộm cắp tài sản theo Khoản 2 Điều 138 Bộ luật Hình sự.

Để đánh lạc hướng những kẻ cùng nuôi âm mưu như mình, Nhạc Bất Quần loan tin trên giang hồ rằng Lệnh Hồ Xung kết giao với tà ma, định mượn tay những người chính phái trừ khử Lệnh Hồ Xung. Nguy hiểm hơn, Quần cho đệ tử của mình rình rập Lệnh Hồ Xung khi thấy kiếm pháp của Lệnh Hồ Xung phát triển vượt bậc để các đệ tử nghi ngờ rằng Lệnh Hồ Xung đã “nuốt” Tịch tà kiếm phổ. Thực ra là, theo công tác phúc tra của Viện chúng tôi, đối chiếu với lời khai các nhân chứng có trong hồ sơ vụ án, gã Lệnh Hồ Xung này chỉ học Độc Cô cửu kiếm do thái sư thúc tổ phái Hoa Sơn là Phong Thanh Dương truyền dạy. Tịch tà kiếm phổ mà đem so với Độc Cô cửu kiếm thì chẳng khác gì đem nhạc sến so với nhạc cổ điển, đem gái bia ôm so với gái gọi trong đường dây cao cấp mà báo chí làm rùm beng mấy bữa nay. Bị cáo Nhạc Bất Quần còn gửi thư công khai đến chưởng môn các môn phái kể tội Lệnh Hồ Xung, lời lẽ tuy rất mực khiêm nhường nhưng bộc lộ dã tâm hết sức đen tối. Hồ sơ vụ án còn lưu một bản thủ bút của y gửi đồng chí chưởng môn phái Thiếu Lâm là Phương Chứng đại sư. Trong thư, y kêu gọi phái Thiếu Lâm ra tay tru diệt Lệnh Hồ Xung vì Lệnh Hồ Xung đã kết giao với tà mà ngoại đạo. Bị cáo Quần đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của một chưởng môn, lại vu khống Lệnh Hồ Xung phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Hành vi của y đã đủ yếu tố cấu thành tội danh vu khống theo Khoản 2 Điều 122 Bộ luật Hình sự. Lệnh Hồ Xung không bị đồng đạo giang hồ giết chết là ngoài ý muốn chủ quan của bị cáo.

Không dừng lại ở đó, Nhạc Bất Quần đã liên tiếp thực hiện những hành vi gây án đê hèn, man rợ hơn. Khi Lâm Bình Chi, đứa con duy nhất của dòng họ Lâm ở Phúc Châu và là đệ tử của bị cáo Quần, biết được bị cáo đã lấy được Tịch tà kiếm phổ của tổ tiên mình thì bị cáo đã đâm Lâm Bình Chi một nhát kiếm chí mạng. Ngay lúc đó, một đệ tử khác của bị cáo là Cao Căn Minh chứng kiến được cảnh thầy giết trò, lỡ miệng la lên một tiếng; bị cáo đã xoay kiếm lại, giết nhân chứng Cao Căn Minh. Nhờ đó mà Lâm Bình Chi thoát chết. Lời khai của nhân chứng Lâm Bình Chi trước phiên toà hôm nay hoàn toàn phù hợp với lời khai của vợ ị cáo là Ninh Trung Tắc và con gái của bị cáo là Nhạc Linh San trước khi họ qua đời, có cơ sở để tin cậy. Mặc dù bị cáo ngoan cố phản cung, khai rằng không biết ai đã giết Cao Căn Minh và đâm Lâm Bình Chi nhưng chúng tôi vẫn đủ cơ sở để khẳng định bị cáo Quần phạm tội giết người theo Khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự. hành vi giết người của bị cáo Quần phạm vào Tiết a (giết nhiều người), Tiết g (để thực hiện hoặc che dấu tội phạm khác), Tiết i (thực hiện tội phạm một cách man rợ), Tiết q (động cơ đê hèn). Tôi đền nghị Hội đồng xét xử đặc biệt quan tâm đến hành vi phạm tội này của bị cáo Quần bởi hành vi này đã khái quát được bản chất nguỵ quân tử của bị cáo.

Vượt xa hơn nữa, Nhạc Bất Quần đã giết hai vị sư thái Định Nhàn và Định Tĩnh của phái Hằng Sơn ngay tronng hậu viện chùa Thiếu Lâm. Hai vị sư thái đã chết, không còn ai đối chứng nhưng nhân chứng Nhậhm Doanh Doanh đã từng cởi áo hai vị sư thái quan sát vết thương, đã cho biết vết thương rất nhỏ, đâm trúng vào tim mạch. Loại vết thương này chỉ có thể xuất phát từ hung khí gây án là cây kim thêu. Mà đại phàm ai luyêệ được Tịch tà kiếm phổ thì mới dùng được kim thêu để gây án. Cho nên chúng tôi thấy đã đủ cơ sở kết luận Nhạc Bất Quần giết hai vị sư thái này.

Khi phái Hằng Sơn họp hội nghị tấn phong chưởng môn mới, bị cáo Nhạc Bất Quần đã sử dụng thuốc mê, bắt hết toàn bộ nữ đệ tử của phái này đem về giam giữ dưới các hang động trên núi Hoa Sơn. Mục đích của bị cáo là làm cho chưởng môn mới của phái Hằng Sơn phải đầu hàng, làm tay sai cho bị cáo để bị cáo yên tâm làm chưởng môn Ngũ Nhạc phái. Điều may mắn là trong bọn nữ đệ tử phái Hằng Sơn, ngoài các nữ ni ra còn có đệ tử tục gia. Các nữ đệ tử tục gia này vẫn được phép dùng son phấn, nước hoa. Họ là khách hàng quen thuộc của các hãng Sài Gòn mỹ phẩm, Lancôme, P&G, De Bon… Và trong đám nam đệ tử phái Hằng Sơn có Điền Bá Quang, một nhân vật có cái mũi thần kỳ, đứng xa ba ngàn thước vẫn đánh hơi được mùi mỹ phẩm. Nhờ kỹ năng đặc biệt này, Điền Bá Quang đã hít hơi, tìm và cứu được mấy trăm nữ đệ tử phái Hằng Sơn bị giam dưới các hang động. Hành vi bắt, giữ và giam người trái pháp luật của bị cáo Nhạc Bất Quần là có tổ chức, phạm tội đối với nhiều người, xúc phạm nghiêm trọng đến phẩm giá cao quý của nggười phụ nữ, đặc biệt là đối với các ni cô; gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế đối với các hãng mỹ phẩm. Hành vi ấy đã phạm vào tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật được quy định tại Khoản 2 Điều 123 Bộ luật Hình sự.

Thưa Hội đồng xét xử,
Nhạc Bất Quần đã phạm các tội trộm cắp tài sản theo Khoản 2 Điều 138 có mức án từ 2 đến 7 năm tù; tội vu khống theo Khoản 2 Điều 122 có mức án từ 1 đến 7 năm tù; tội giết người theo Khoản 1 Điều 193 có mức án tử hình; tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật theo Khoản 2 Điều 123 có mức án từ 1 đến 5 năm tù. Chúng tôi đề nghị mức án tổng hợp tử hình đối với bị cáo Nhạc Bất Quần về cả bốn tội danh trên.
Xin cảm ơn Hội đồng xét xử.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 100 trang (999 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [60] [61] [62] [63] [64] [65] [66] ... ›Trang sau »Trang cuối