Thấp thoáng trong Lộc Ðỉnh Ký ta còn gặp nhiều hoạt cảnh và hình dáng của những nhân vật truyện Tàu thuở trước. Ở cặp Vi Tiểu Bảo-Song Nhi, ta có thể nhớ đến Cam Tử Long-Lã Mai Nương, trong truyện Lã Mai Nương. Lã Mai Nương do vị Thầy của Cam Tử Long cho xuống núi đi theo Cam Tử Long để tìm kẻ tử thù. Song Nhi cũng vậy - được Trang gia chủ tặng riêng cho Vi Tiểu Bảo - để theo và bảo vệ chàng bôn ba trong chốn giang hồ.
Rồi giống như Thuỷ Hử , Lộc Ðỉnh Ký tạo nên đám Thần Long giáo tuy ăn cướp nhưng cũng lấy được một chút chính danh, do ở việc cấu kết với Nga chống lại Thanh triều, và lo tìm kho tàng để lấy vàng bạc châu báu, cắt đứt long mạch nhà Thanh. Thuỷ Hử có nhà sư Lỗ Trí Thâm chuyên lén đi ăn thịt cầy, Lộc Ðỉnh Ký có sư Vi Tiểu Bảo pháp danh Hối Minh lén đi vào một kỹ viện gần chùa cho đỡ buồn trống, cho đỡ chổng. Chẳng may chưa làm ăn gì hết y bị hai cao thủ phái nữ tấn công đòi giết. Y phải hoá trang kỹ nữ trốn chạy có cờ.
Lộc Ðỉnh Ký còn thường xuyên nhắc đến các nhân vật của Tam Quốc Chí. Vi Tiểu Bảo khi thống lãnh quân đội cũng áp dụng những chiến thuật của Khổng Minh y học lóm được từ những khách làng chơi ghé lại kỹ viện Lệ Xuân, nơi y sinh sống thuở thiếu thời. Lộc Ðỉnh Ký cũng vinh danh con ngựa xích thố của Lã Bố và Quan Vân Trường bằng cách cho vào một hồi về giống ngựa đua Vân Nam của Ngô Ứng Hùng.
Khi bật mí lí lịch có vẻ hợp chủng của Vi Tiểu Bảo về huyết thống của người Cha phải chăng Kim Dung lại đưa thêm một hai thông điệp nữa. Ðó là, người Tàu thật ra cũng đã là một thứ hợp chủng như người nước Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ rồi. Về huyết thống nó đã có đầy những cái hay, không thiếu chi “chất xám”. Chỉ cần dung hoà thêm về quan niệm và chủ nghĩa cá nhân của Tây phương nơi khối óc. Khối óc nhỏ bé của Vi Tiểu Bảo. Thông điệp đó cũng khơi lên “giấc mộng Mỹ” nơi đó nếu có cố gắng, giấc mơ nào cũng thực hiện được. Một người nửa Hán nửa tạp chủng như Vi có thể hiện thực được giấc mơ của mình giữa triều đại quân chủ phong kiến của người rợ Ðông Di, thì triều đại đó phải là một thứ triều đại số dách rồi.
Mâu thuẫn của một người Hán, hay nửa Hán nửa gì đó, phục vụ cho một triều đại ngoại chủng còn được Kim Dung giải hoá thật hay qua chồng hồ sơ lí lịch khác của Vi Tiểu Bảo. Ðó là chồng hồ sơ một chuyên gia hay một nhà chuyên nghiệp. Chuyên gia là gì và tại sao Vi Tiểu Bảo hội đủ lí lịch đó. Một nhà chuyên nghiệp, hay chuyên gia, theo ý nghĩa “pro” thông thường của Tây phương là một người xử dụng kỹ năng của mình để kiếm sống và không để ý đến căn cước hay lí lịch của khách hàng, hay người mình phục vụ. Một bác sĩ y khoa vẫn phải chăm sóc sức khoẻ cho một bệnh nhân có thành tích ăn cướp giết người. Một chuyên viên giải phẫu khi phải lắp nối lại một “thằng nhỏ” bị cắt không bao giờ hỏi người bị cắt đó có phải là một tội nhân chuyên hiếp dâm hàng loạt hay không. Nguời luật sư luôn luôn phải bênh vực thân chủ mình dù người đó có bị cáo về tội khủng bố, ăn cướp, giết người. Hay một nhà độc tài vừa bị bắt hay truất phế. Ý niệm “nhà chuyên nghiệp” ngày nay đã lan tràn qua rất nhiều lãnh vực, nhiều ngành nghề và vượt khỏi biên giới, tinh thần quốc gia. Và hình như chỉ còn bị giới hạn ở những lãnh vực “chuyên nghiệp” liên quan đến quốc phòng mà thôi. Người ta thấy những giáo sư đại học, những khoa học gia, những tài tử và đạo diễn như Antonio Banderas, Catherine Zeta-Jones, Nicole Kidman, Penelope Cruz, Ang Lee, John Woo, Chou Yun Fat, v.v. - những nhà chuyên nghiệp với niềm hãnh diện của các quốc gia sản xuất ra họ - chẳng mấy chốc đều trở thành Mỹ kiều hết ráo. Các nhà thể thao nổi tiếng, nhất là các ngôi sao về tennis, về bóng rổ - như Martina Navratilova, Yao Ming - thường xin nhận nước Mỹ làm quê hương. Kim Dung cho Vi Tiểu Bảo là một nhà chuyên nghiệp. Dù đó, một chuyên gia chợ trời. Ở chỗ Vi Tiểu Bảo là con của một người đàn bà mang nghiệp chuyên gia xưa cũ nhất lịch sử nhân loại. Con vua thì được làm vua – con người kỹ nữ phải là thằng điếm chuyên nghiệp. Bởi Vi Tiểu Bảo một nhà chuyên nghiệp, y có thể xuyên qua hết những bức thành trì kiên cố của giá trị cổ truyền. Y muốn phục vụ ai thì phục vụ. Không cần để ý tới khách hàng hoặc người y phục vụ. Miễn y không làm suy giảm tìềm năng, tài nguyên, tài sản của đất nước và làm phương hại đến nhân dân. Vi Tiểu Bảo đã thoả mãn những yêu cầu đó và lại còn vinh danh được vai trò của chuyên gia.
Ở sự ví von chuyên gia này, ta thấy tầm nhìn của Kim Dung vào năm 1972 đã phóng thật xa. Bởi vào đầu thế kỷ 21, ngay những người được xem là “anh hùng” dân tộc như Russell Coutts và Brad Butterworth của Tân Tây Lan trong cuộc đua thuyền America’s Cup, vào năm 2003 đã bỏ Tân Tây Lan nhảy sang làm việc cho thuyền đoàn của Thuỵ Sĩ, chỉ bởi Thuỵ Sĩ trả lương họ gấp đôi lương kiếm được tại Tân Tây Lan.
Người dịch Cao Tự Thanh hiện nổi tiếng như cồn tại Việt Nam. Bản dịch của Cao có rất nhiều chú thích giúp người đọc am tường vấn đề hơn. Những chú thích đó thường cho biết chi tiết nào có vẻ hư cấu chi tiết nào đúng với lịch sử. Hành văn cũng rất dễ đọc. Duy có điểm, một số các từ và thành ngữ, chơi chữ phải giữ nguyên tiếng Hán mới tôn trọng được tính chất . . . kiếm hiệp của Kim Dung. Nhiều lối chơi chữ chính dịch giả phải thú nhận bó tay trong phần ghi chú. Một sơ sót rất nhỏ, tác giả dịch thẳng theo tiếng và âm Tàu Russia thành La Sát. Người đọc dễ thấy chới với không ít bởi không biết La Sát là nước nào mà to lớn dữ vậy. Ðến xong vài quyển rồi mới có một ghi chú nhỏ nói đó chính là nước Nga. Âm R không có trong tiếng Hán và tiếng Nôm khi xưa, và vẫn không có trong tiếng Quảng Ðông cho đến ngày nay. R đọc thành L. Russia Tàu phiên âm thành La Sát.
Nếu hỏi trong mười mấy bộ tiểu thuyết, Kim Dung đã dồn hết mười thành công lực vào bộ tiểu thuyết nào để nhằm đưa ông lên tột đỉnh của sự nghiệp. Câu trả lời chắc chắn là bộ Lộc Ðỉnh Ký.
Lý do dễ hiểu. Lộc Ðỉnh Ký không phải đơn thuần là một tiểu thuyết võ hiệp. Như người dịch Cao Tự Thanh đã viết, nhân vật chính không biết ‘võ’ mà cũng chẳng ‘hiệp’ gì. Lộc Ðỉnh Ký có lẽ là một tổng hợp lớn của đề luận về ước mơ của tuổi trẻ, của con người thời tao loạn, của tâm lý phái nữ, dục vọng con người, của chính trị, tranh chấp chủng tộc và văn hoá, của chiến tranh và bang giao quốc tế, của những ám ảnh về “tiểu bảo” tức thằng nhỏ, về sex, về vấn đề tranh sống hoặc tìm chỗ đứng trong xã hội, trong lịch sử của con người. Của chuyện lớn, triều đình - chính trị, được vận hành thành công bởi con người nhỏ, nhỏ tuổi (Tiểu Bảo và Khang Hy). Của chuyện nhỏ (thằng nhỏ) xít ra chuyện lớn (Cắt thằng nhỏ Ngô Ứng Hùng đưa đến chuyện Ngô Tam Quế làm phản một lần nữa / Vi Tiểu Bảo, người nhỏ, ăn nằm và nên duyên vợ chồng với những người đàn bà chức lớn, lớn tuổi / Từ cuộc tình nhỏ của Sophia và Bảo đến bang giao hai nước Nga-Hoa).
Lộc Ðỉnh Ký còn đưa ra một luận đề chính nữa, theo lý giải bút hiệu Kim Dung của chính tác giả, nhằm dung hoà hệ thống giá trị cổ truyền của Trung Hoa với những gì hay ho, hiện đại của phương Tây. Chính sự dung hoà Ðông và Tây này có thể tác động cho việc mưu cầu tự do và hạnh phúc cuộc đời. Thế, Kim Dung có đặt câu hỏi dân chủ có phải một yếu tố hàng đầu trong mưu cầu tự do hạnh phúc hay không? Có lẽ, không. Và cũng có lẽ, có. Không, ở chỗ nhiều cuộc hội họp và hội nghị toàn quốc giữa các phe chống Thanh thường không đi đến kết quả nào, theo với đa số. Họ chỉ đồng ý nhau trên căn bản kiếm hiệp giang hồ. Và chủ ai nấy giữ. Trung thành mù quáng, không cần biết chủ mình có thật tài, có đức hay không. Phe nào trừ được gian tặc Ngô Tam Quế trước, phe đó sẽ được làm minh chủ. Không, cũng ở chỗ Khang Hy thường quyết định về chuyện quốc gia đại sự một mình. Không có quốc hội gì hết. Và những quyết định của Khang Hy thường rất tốt, rất . . . minh quân. Có, có chút đỉnh, ở chỗ trong nhiều trường hợp, Khang Hy ưa hỏi ý kiến của Vi Tiểu Bảo. Hỏi ý kiến của một người tiêu biểu thuộc Hán tộc, thuộc dân bị trị. Xuất thân từ chốn bần cùng.
Những người mê đọc truyện Tàu thuộc các thế hệ trước thời Kim Dung đều có thể nhớ đến truyện Phong Thần của Hứa Trọng Lâm, viết vào thời Minh. Phong Thần thuật chuyện nổi dậy của vua nước Châu chống lại nhà Thương. Mỗi bên được những đạo sĩ, những võ tướng thần thông cái thế thuộc hai phe đối nghịch nhau phò tá: Xiển giáo và Triệt giáo. Qua những chiến trận phù phép giữa hai bên, các đạo sĩ, võ tướng đều tử trận. Họ trở về cõi Trời và được phong thánh phong thần. Rồi cùng nhau “làm việc” cho Ngọc Hoàng Thượng đế. Cả hai phe đối nghịch nhau cùng làm việc cho một đấng chí tôn – chính là một ý niệm cơ bản của dân chủ theo kiểu Westminster của Anh quốc, hay kiểu nước Nhật ngày nay. Hưá Trọng Lâm có vẻ đã mơ hồ nhận thức được ý niệm này qua pho truyện Phong Thần, vào khoảng thế kỷ 16.
Ở một góc cạnh nào đó, ta có thể thấy Lộc Ðỉnh Ký mang ít nhiều luận đề của Hồng Lâu Mộng và AQ. Nhưng những luận đề đó được viết ngược lại. Viết theo cái nhìn của Kim Dung về các vấn đề nhân sinh và mâu thuẫn giữa những hệ thống giá trị của xã hội. Viết theo một chiều hướng hiện đại và một bối cảnh rộng lớn, quốc tế hơn. Lồng trong những đường gươm lưỡi kiếm và súng đạn. Hồng Lâu Mộng cho một gia đình từ giàu sang đến suy sụp. Lộc Ðỉnh Ký cho một người từ chốn thấp hèn leo đến địa vị giàu sang phú quý. Hồng Lâu Mộng cho người giàu sang giao lạc với mọi a-hoàn trong nhà. Lộc Ðỉnh Ký ngược lại cho một người nghèo hèn đi ngủ với các công chúa, các mỹ nhân của thời đại. Hồng Lâu Mộng và AQ cho nhân vật chính đi trốn nợ đời ở chốn Phật, hay lên đoạn đầu đài để đi về bên kia thế giới. Lộc Ðỉnh Ký cho vai chính hưởng được cuộc đời hạnh phúc ẩn danh trong cõi trần gian.
Xin ghi lại lời của chính Kim Dung (ngày 22 tháng 6, 1981) đăng trong trang cuối bản dịch của Cao Tự Thanh: “Lúc gặp các độc giả gặp nhau lần đầu, câu hỏi mà tôi thường gặp nhất là ‘Ông thích bộ tiểu thuyết nào của mình nhất?’. Câu hỏi này rất khó trả lời, nên tôi thường không trả lời. Còn nếu bàn về ‘mình thích’, thì tôi thích mấy bộ có tình cảm mãnh liệt hơn như ‘Thần Ðiêu Hiệp Lữ, Ỷ thiên Ðồ long Ký, Phi hồ ngoại truyện, Tiếu ngạo giang hồ. Lại thường có người hỏi ‘Theo ông bộ tiểu thuyết nào của mình là hay nhất?’, thì bộ Lộc Ðỉnh Ký này là hay nhất. Có điều rất nhiều độc giả hoàn toàn không đồng ý. Tôi rất thích sự không đồng ý của họ.”
Trong quyển “Thú Xem Truyện Tàu” [7] Vương Hồng Sển đã viết:
“Như chúng ta đều biết, một tác phẩm văn nghệ muốn trở nên bất hủ, chẳng những phải cống hiến cho loài người những thành thực về phương diện nghệ thuật mà còn phải có tác dụng nhứt định đối với cuộc sống. Nghệ thuật chơn chính phải giúp cho nhơn loại về mặt xã hội và tinh thần để giành lấy được tự do và bình đẳng. Nghệ thuật không gây ảnh hưởng trực tiếp đối với đời sống như chánh trị, triết học, nhưng nhứt định sẽ có ảnh hưởng gián tiếp bằng cách thông qua những lý tưởng và hành động của những nhơn vật điển hình mà nó đã tạo ra trong tác phẩm.
Vì thế, nghệ thuật tuyệt vời là phải tổng hợp và thể hiện cho được cái chân thiện mỹ đó làm cơ sở, hơn thế nữa, làm mục tiêu cao nhất mà nghệ thuật mình phải đạt tới.”
Với Lộc Ðỉnh Ký, Kim Dung đã đạt đến nghệ thuật tuyệt vời đó.
_________
Ghi Chú
[4] Một nhóm Thiên Ðịa Hội di tản sang Việt Nam và lâu ngày hội nhập vào xã hội Việt, mang chiêu bài chống thực dân Pháp. Phan Xích Long, một người tự xưng con cháu vua Hàm Nghi, gây được ủng hộ của Thiên Ðịa Hội tức Nghĩa Hoà Ðoàn, nổi dậy chống Pháp tại Sàigòn vào năm 1913. Cuộc nổi dậy bị quân Pháp nhanh chóng dập tắt.
[5] Xin xem “ Ngũ hành trong Tiếu Ngạo Giang Hồ”
[6] Trước Kim Dung, phim ảnh cũng đã thử sơ sơ áp dụng xen 1 của Hitchcock vào phái Nam: Phim James Bond – Goldfinger. Cảnh James Bond bị Goldfinger bắt trói nằm trên một tấm bàn (thành tố: không cục cựa và trốn chạy được). Sau đó cho tia laser rà vào giữa hai chân (thành tố: không phòng bị bởi lúc đó ít ai biết tia laser ra sao). Và đưa tia laser rà về phía thằng nhỏ của James Bond (thành tố: không có gì che chở - bởi có mặc quần áo giáp tia laser vẫn xuyên qua như thường).
[7] Vương Hồng Sển (1970) Thú Xem truyện Tàu.
[8] Mai Kim Ngọc (1987) Tập Truyện Lỗ Tấn.
[9] Ðỗ Quang Vinh (2003) Bút Thuật của Nguyễn Du trong Ðoạn Trường Tân Thanh.
[10] Trong phim mới Simone do Al Pacino thủ vai một nhà đạo diễn xuống dốc. Tình cờ một người bạn thân trước khi chết cho nhà đạo diễn một chương trình điện toán có thể quay phim một người tài tử, không có thật, sáng tạo bởi máy điện toán. Nữ tài tử ảo này mang tên Simone trở nên nổi tiếng khắp thế giới nhưng không ai có thể biết, gặp và thấy được, bởi Simone một người ảo chỉ xuất hiện được trên TiVi hay phim nhựa mà thôi. Cuối phim – Hollywood đưa ra một châm biếm mới về chính trị gia trong cuộc phỏng vấn trên TiVi với “minh tinh” Simone. Simone tiết lộ “nàng” đang chán ngán nghề diễn xuất và đang chuẩn bị đổi nghề. Nàng muốn nhảy ra . . . chính trường, và có thể có ngày sẽ ứng cử tổng thống.
[11] Ðiển hình là phim loạt: “Người hiệp sĩ đạo và đứa bé trong chiếc xe đẩy”
Lộc Ðỉnh ký cũng lên án một vài “minh quân” người Hán bằng cách nhắc lại sự tích Lưu Bang, được chim bẻ ná, giết tướng Hàn Tín sau khi thắng Hạng Vũ. Kim Dung mượn lời nhân vật Lã Lưu Lương nói với Vi Tiểu Bảo vào đoạn cuối, nhằm thuyết phục anh chàng họ Vi đứng ra lãnh đạo Thiên Ðịa Hội và các phong trào kháng Thanh: “Hán Cao Tổ (Lưu Bang) xuất thân đại lưu manh, làm chuyện bậy bạ còn nhiều hơn ngươi, nhưng rốt lại vẫn trở thành ông vua khai quốc của nhà Hán”. Diễn lại vở tuồng Lưu Bang hạ Hàn Tín, Lộc Ðỉnh ký cho Trịnh Khắc Sảng công tử của xếp của Trần Cận Nam dùng dao nhọn đâm lén vào lưng của Trần Cận Nam chỉ vì Cận Nam, mặc dù hết sức trung thành với Trịnh Vương, không hoàn toàn tuân những mệnh lệnh điên khùng của công tử Khắc Sảng. Lộc Ðỉnh Ký cũng vẽ lại hoạt cảnh Hàn Tín thuở thiếu thời luồn trôn một tay anh chị đứng đường, bằng cách cho Vi Tiểu Bảo chui qua háng của Tô Thuyên để trốn chạy Hồng Giáo chủ đang rượt đuổi.