Tác giả: Việt An
(Tập thơ của Vũ Thị Minh Nguyệt – NXB Văn Học 2008)
Tôi biết đến Vũ Thị Minh Nguyệt qua tập thơ đầu tay của chị, mang tên “Vũ điệu của Trăng”. Tập thơ “Vũ điệu của Trăng”, đã để lại những ấn tượng khá rõ nét trong lòng bạn đọc, bởi sự hồn hậu, trong trẻo, dịu dàng, đằm thắm…rất tình, mà cũng rất thơ. Có lẽ vậy, mà tập thơ thứ 2 “Dấu yêu ơi”, ra mắt bạn đọc vào đầu đông 2008, đã được bạn yêu thơ trân trọng đón nhận, với một chút háo hức, chờ đợi ở Minh Nguyệt những bài thơ mới mẻ hơn, nồng nhiệt hơn. Cùng với thời gian, bạn đọc cũng chờ đợi ở Minh Nguyệt sự lắng đọng, sâu sắc và trải nghiệm hơn trên những trang thơ.
Tập thơ, được nhà thơ - hoạ sỹ Nguyễn Trọng Tạo trình bày trang nhã, lich sự . Hình ảnh đôi bàn tay phụ nữ, đẹp quý phái, nâng niu dòng chữ “Dấu yêu ơi”, như chính tác giả đang nâng niu những dòng thơ yêu thương của mình dâng cho cuộc đời, dâng cho bạn đọc.
In cùng 62 bài thơ của Minh Nguyệt, còn có 6 bài thơ do Minh Nguyệt tuyển chọn và dịch từ nguyên tác. Tập thơ cũng đăng tải một số cảm nhận và lời bình của bạn đọc về thơ Minh Nguyệt, như là một sự trân trọng của tác giả thơ, với bạn đọc yêu thơ.
Mặc dù trước đây, tôi đã có dịp đọc thơ Minh Nguyệt, đăng rải rác trên các báo và tạp chí, nhưng khi cầm trên tay tập thơ “Dấu yêu ơi” tôi vẫn có một cảm giác ngỡ ngàng, thú vị…
Vẫn còn đó một Minh Nguyệt với nụ cười quyến rũ, hồn thơ thanh thoát, tinh tế; vẫn còn đó sự đằm thắm, dung dị ngày nào. Niềm, mơ ước, khao khát yêu thương, luôn nhất quán, xuyên suốt qua 2 tập thơ của Minh Nguyệt:
Ước gì em, ước gì tôi
Cứ như trái đất mặt trời chạm nhau
Nổ tung hai quả tinh cầu
Để tan vĩnh viễn trong nhau một lần
(Ước gì)
Quả thật, bạn đọc dễ dàng nhận ra phong cách thơ rất Minh Nguyệt, nhưng “Dấu yêu ơi”dường như trẻ trung hơn, mới mẻ hơn; mê đắm và thăng hoa hơn. Tôi có cảm giác, Minh Nguyệt vừa mở ra một cánh cửa mới, một không gian mới cho thơ:
Cả vũ trụ chuyển mình
Ta cùng Trăng quyện nhau từng hơi thở
Ta rướn mình thân rừng rực lửa
Ôm trọn vầng trăng ngả nghiêng
(Trăng)
Trong văn học nói chung, trong thơ ca nói riêng, thật không dễ, khi đề cập đến sự mặn nồng, riêng tư, thầm kín nhất của tình yêu. Phải là những cây bút vững vàng, mới có thể viết về vấn đề nhạy cảm này một cách thanh tao. Viết như Minh Nguyệt, là một thể nghiệm mạnh dạn và thành công.
Tình yêu trong thơ Minh Nguyệt, không phải chỉ là e ấp, nhớ thương, hay phảng phất vui buồn, mà mọi cảm xúc trở nên thực hơn, con người hơn, nồng nàn hơn. Hương thơm của mái tóc, làn da, hơi thở ấm nồng của người yêu dấu, như vương vấn cùng thơ:
Ban mai dịu dàng em chợt thức
Anh quờ tay ôm rạo rực môi mềm
Ngỡ ngàng vụt khỏi giấc mơ đêm
Vít cổ anh, môi riết môi ngọt lịm
(Ban mai)
“Là người làm thơ, Minh Nguyệt đâu có ao ước nhiều, chỉ mong có một chút gì để lại trong lòng bạn đọc. Hai tập thơ “Vũ điệu của trăng” và “Dấu yêu ơi” như hai đứa con tinh thần được sinh ra từ chính những yêu thương của cuộc đời”. Minh Nguyệt đã viết như vậy, như là một giãi bày với bạn đọc. Tình yêu trong thơ của chị, không chỉ có tình yêu đôi lứa với những khao khát, yêu thương, giận hờn, hay đau khổ. Chị còn viết khá hay về chính tổ ấm gia đình của mình. Phải là người phụ nữ tha thiết yêu gia đình, trân trọng, nâng niu hạnh phúc, mới có thể viết được những dòng thơ ngọt ngào, ăm ắp yêu thương đến vậy:
Cuộc sống ta là những chuyến đi
Xa tổ ấm ngọt ngào – mái nhà bé nhỏ
Khi đi xa ngập tràn nỗi nhớ
Khi trở về nơi đó chốn bình yên
(Cuộc đời yêu thương)
Minh Nguyệt là người con của vùng quê Thái Bình. Thơ Minh Nguyệt dịu dàng như lúa, nhẹ nhàng như ánh trăng quê, thơm hương cỏ dại, rơm vàng. Minh Nguyệt có những bài thơ thật hay, đầy ắp hồn quê, rưng rưng cảm xúc:
Thái Bình ơi, quê mẹ thương yêu
Dẫu qua hết những miền xa đất lạ
Chiều nay nhìn hoàng hôn tắt dần trong kẽ lá
Muốn khóc òa, nhớ lắm một miền quê
(Nhớ quê)
Chị viết về quê hương chân thật, cảm động với tất cả tình yêu, sự nhạy cảm, tinh tế của hồn thơ. Tôi thực sự ngỡ ngàng, khi cảm nhận bức tranh chiều quê trong thơ Minh Nguyệt:
Có một chút bình yên
Quây quần bên bếp lửa
Có một bầy trẻ nhỏ
Đang nô đùa chờ cơm
Có mùi rơm thơm thơm
Trắng phau, kìa bóng nẻ
Hạt thóc vương nổ khẽ
Ơi chiều rơi…chiều rơi.
(Chiều rơi)
Đúng là chiều quê, với vẻ đẹp rất riêng: Bếp lửa, bầy trẻ nhỏ, mùi rơm thơm..và rồi đến câu “hạt thóc vương nổ khẽ”, thì khả năng quan sát và sự nhạy cảm của tác giả đã đạt đến mức đỉnh của sự tinh tế . Là một người sinh ra và lớn lên ở thôn quê, tôi đặc biệt thú vị khi đọc câu thơ này. Một chút nhớ quê lại như đang “lách tách” trong lòng.
Tôi hơi tò mò, khi đi tìm chất toán học trong thơ Minh Nguyệt. Ngoài tính logic, hợp lý của ngôn từ, Minh Nguyệt còn có những câu thơ tài tình, rất toán, mà cũng rất thơ. Không gian toán học đã biến ảo, trở thành không gian thơ, không gian vời vợi của tâm hồn, mở ra cho bạn đọc sự mới mẻ, bất ngờ của cảm xúc:
Một triệu năm có dài bằng nỗi nhớ
Đọa đầy em
Chống chếnh gió ba chiều.
(Cơn giông)
Thế giới thơ ca rộng lớn, mênh mông, khao khát sáng tạo trong thơ ca là vô cùng tận. Thơ cũng giống như tình yêu, vừa xưa cũ, vừa mới mẻ. Minh Nguyệt dành khá nhiều bài thơ viết về tình yêu đôi lứa, là tiếng nói nồng nàn, dịu ngọt; là suy tư trăn trở, vui buồn của bao trái tim yêu. Đan xen trong đó, thơ Minh Nguyệt còn là tình yêu rộng lớn với quê hương, đất nước và cuộc sống con người.
Chính vì sự đa mang ấy, mà trái tim đa cảm của chị không khỏi có lúc mệt mỏi, trước bộn bề cuộc sống. Trong thơ, đôi lúc Minh Nguyệt cũng không tránh khỏi cảm giác hụt hẫng, chơi vơi của cảm xúc, hay cảm giác tự lặp lại chính mình. Âu đó cũng là điều dễ hiểu, và dễ cảm thông :
Công việc quá nhiều
Chỗ nào cũng như có lửa
Đôi lúc cảm thấy mình không còn trẻ nữa
Trễ nải, già nua…
(Viết trước lúc xa nhà)
Song, cảm giác “trễ nải”, chỉ là cảm giác thoáng qua trong thơ của chị, để rồi tình yêu cuộc sống lại âm thầm cháy lên tuyệt vời, với những câu thơ giản dị và khá “đắt”, khi trái tim yêu lại “thầm thì, gõ chữ gửi vào đêm”, như một sự thầm lặng, đầy hiến dâng cho đời:
Trời khuya lơ khua lắc
Trái tim thầm thì, gõ chữ gửi vào đêm
(Có thể)
Minh Nguyệt có nhiều câu thơ “đắt”, có thể nói là khá tài hoa, mà tôi đã có dịp trích dẫn ở trên. Hay những câu : “Mùa thu reo chấm nắng vàng sớt lửa / Pha bột màu thương nhớ vẽ trời yêu" (Gửi một trời yêu);“Mắt ngời trong sắc đỏ reo/Chùm hoa giấu vội lời yêu ngập ngừng” (Tháng Năm)…Những câu thơ như vậy, luôn tạo ra giá trị khác biệt của bài thơ, làm nên sức sống bền lâu của tác phẩm, góp phần quan trọng, làm sáng lên gương mặt thơ Minh Nguyệt trong lòng độc giả.
Tuy nhiên, trong tập thơ, ở một vài bài, vẫn có điều gì đó bất ổn. Nồng nhiệt thì có đấy, mới mẻ cũng có đấy, nhưng đôi chỗ lại hơi “ồn ào” và có chút ít chênh vênh về ngôn từ lẫn cảm xúc. Tôi xin đưa ra một ví dụ :
Biển gầm gào dông tố
Dưới trăng hiền dịu êm
(Thì thầm với biển đêm)
Đã có một mâu thuẫn khi sử dụng hình ảnh trong thơ : Một khi “biển gầm gào dông tố”, thì làm gì còn có “trăng hiền dịu êm” nữa (?).
Trong thực tế sáng tác, không có nhà thơ nào tài ba đến mức viết bài thơ nào cũng hay; càng không thể có nhà thơ nào viết được tất cả các câu thơ đều hay. Một chút gì đó không thật ổn ở một vài bài, trong cả một tập thơ, là chuyện thường tình. Điều đó chỉ như vết mờ nhỏ, trong sự tỏa sáng lấp lánh của cả tập thơ.
Bởi vậy, tôi vẫn đánh giá cao sự thành công của “Dấu yêu ơi” bởi tính đa dạng trong cách thể hiện. Minh Nguyệt làm thơ không chỉ là cảm xúc, mà còn là ăm ắp suy tư, ẩn chứa, gửi gắm nhiều điều muốn nói…Tất cả những điều đó, được truyền cảm bởi vẻ đẹp hồn nhiên, khoáng đạt trong lối viết, ngôn từ giàu cảm xúc, mang đậm chất thi ca. Có lẽ vì vậy, mà thơ Minh Nguyệt gần hơn với cuộc đời, đi vào lòng người một cách tự nhiên. Phải chăng, đó cũng là một thành công của chị.
Với một bài viết ngắn, thật khó có thể phác họa được đầy đủ chân dung của một tập thơ. Tôi chỉ hy vọng, đưa ra vài cảm nhận ban đầu về thơ Minh Nguyệt, và tin rằng bạn đọc sẽ tìm thấy trong “Dấu yêu ơi”một thế giới yêu thương, một miền thi ca mới mẻ, sáng tạo và thú vị. Đó cũng là ao ước, là tấm chân tình của Minh Nguyệt, dành dâng tặng cho bạn đọc./.
Đăng bởi Trăng Quê vào 28/01/2009 19:13
Tác giả: Trịnh Quốc Dũng
Sau những chờ đợi vì bưu điện chuyển phát quá chậm, cuối cùng tôi cũng có trên tay tập thơ thứ hai của Vũ Thị Minh Nguyệt: Dấu yêu ơi. Tôi hồi hộp đọc tập thơ này, với mong chờ sự khác biệt so với tập thơ đầu tiên của chị, và tôi đã không phải thất vọng với sự chờ đợi của mình.
Đề tài xuyên suốt tập thơ này là tình yêu với những tâm trạng trái ngược của nó. Điều này cũng dễ hiểu vì tác giả của chúng ta là một người phụ nữ đẹp, một vẻ đẹp dung dị, chân chất của người con gái quê hương Thái Bình. Vẻ đẹp đó đã được chị mang vào thi ca với những câu như thế này:
Em muốn hôn anh bằng đôi môi của một người tình
Bằng khắc khoải tháng năm, bằng đợi chờ hy vọng
Bằng nhịp thở, bằng tình yêu tràn trề nhựa sống
Hoang dại, nguyên sơ…
( Đoan trang)
Trong Dấu yêu ơi, tôi thấy hình ảnh một người thôn nữ, chân trần lang thang qua những đồng thơm rạ lúa mỗi sớm ban mai, những dòng sông đôi bờ cát trắng, những cơn mưa nhè nhẹ lúc hoàng hôn. Ở đâu nàng cũng thấy sự yêu thương, ve vuốt, lời gọi mời của thiên nhiên, đặc biệt là Trăng:
Ta bay lên cùng vầng trăng dịu êm
Ngàn sao rủ nhau trải chiếu mềm
Mơn man gió kể ngàn câu chuyện
Dòng sữa bạc loang loang
man mát trên mình
(Trăng)
Người thôn nữ này là một người khao khát cuộc sống, và nàng luôn tìm kiếm một tình yêu, thứ tình yêu giản dị, chân phương, đúng với tính cách của nàng. Với tình yêu, nàng có thể thao thức, có thể sống bản năng và dâng hiến tất cả:
Thả người đàn bà vào hoang dại của đêm
ngu ngơ tìm hương bông hoa lạ
Con mèo cái động tình, tiếng dế râm ran,
trăng rơi rơi kẽ lá
Ve vuốt ngọt ngào, lãng đãng ngọn gió xa
( Ban mai)
Đôi khi, nàng tưởng tượng nếu cuộc đời nàng không có tình yêu, cũng như không có một chút gì lãng mạn, bay bổng, và đặc biệt là không có Anh, thì sẽ đáng sợ đến mức nào. Có lẽ nàng chẳng muốn sống nữa:
Không có anh không có đam mê
Không có những vần thơ như lửa
Không thể dối mình em đang nhớ
Trốn đi xa,
không thoát nổi chính mình!
( Không có anh)
Là một người phụ nữ nhạy cảm và đầy đam mê, nàng cũng có như phút giây yếu lòng, chao đảo trước tấm chân tình của một người đàn ông. Nàng mong ước có một tổ ấm hạnh phúc, với những đứa con thơ bé bỏng đang chờ đón. Nàng đã phải “tự thú” với lòng mình:
- Anh là mùa thu xôn xao đến vậy
Anh là rượu nồng, em lỡ uống rồi say…
( Gửi một trời yêu)
- Có một chút bình yên
quây quần bên bếp lửa
Có một bầy trẻ nhỏ
đang nô đùa chờ cơm
( Chiều rơi)
Thế nên, khi bị Tình yêu ruồng bỏ, khi biết người đàn ông mà mình yêu chân thành hờ hững, bỡn cợt, nàng cũng đau đớn lắm:
Ném tình yêu cho một kẻ khát khao
Nhớ anh đến tận cùng hơi thở
Tiếng cốc rơi như trái tim tan vỡ
Mảnh vụn nào găm trả lại cho anh?
( Khao khát)
Cái đau đớn, đắng cay khôn cùng như ly rượu đã rót đầy mà không thể uống:
Rượu đã rót rồi thì phải uống
Ngả nghiêng say cho buồn tả tơi buồn
Uống rượu vào và ngắm trăng suông
Đêm buông xuống đàn sao rơi rụng
(Rượu đã rót rồi thì phải uống )
Rồi cũng vì quá yêu người tình mà nàng phát điên lên khi thấy người ấy cười nói, vui vẻ bên người khác, để rồi ghen tuông, rất bản năng, rất đàn bà:
Đã biết là em ghen
Sao anh tài hoa thế
Si mê bao nhiêu kẻ
Đâu mình em ngẩn ngơ
( Ghen)
Thế mà khi cơn bão lòng qua đi và đến lúc kịp trấn tĩnh lại, nàng mới chợt nhận ra:
Tạm biệt nỗi buồn, day dứt đớn đau
Có đổi thay sau bao lần vấp ngã?
Nếu được làm lại từ đầu… tất cả
Lại dỗi hờn, lại nhung nhớ, lại yêu…
( Tạm biệt tình yêu)
Vì yêu, vì đam mê dâng hiến đến tận cùng hơi thở, sự sống cho tình yêu mà nàng có thể:
- Nổ tung hai quả tinh cầu
Để tan vĩnh viễn trong nhau một lần
( Ước gì)
- Cũng đành yêu chết thì thôi
Ngày tình nhân chợt viết lời… khát khao
( Viết cho tình yêu)
Cái “tan vĩnh viễn trong nhau”, cái “yêu chết thì thôi” dễ gì những người khác đã làm được. Tại sao nàng lại dám yêu đến mức như vậy? Vì nàng luôn tin rằng:
Bởi em tin tình yêu không có tuổi
Như trăng diệu huyền, dát bạc giữa trời khuya!
( Trăng thu)
và:
Bởi em biết anh là người tình sau chót
Em chẳng thể nào yêu ai khác ngọt ngào hơn!
( Có thể)
Dấu yêu ơi là một bức tranh tình bằng thơ ca. Ở đây, tác giả không dùng bút màu hay khung tranh để vẽ những cảnh đẹp của thiên nhiên, của đất trời, con người mà dùng ngòi bút văn chương để vẽ lên hình hài của Tình yêu, của sự vật xung quanh với những gam màu sáng tối. Tác giả đã vẽ nó bằng một trái tim yêu thương và tâm hồn rộng mở, bao dung trước cái Đẹp muôn thuở của cuộc đời.
Nếu ngày mai kiệt sức quỵ bên đường
Em vẫn mang theo gương mặt anh rạng rỡ
Mùa thu reo chấm nắng vàng sớt lửa
Pha bột màu thương nhớ vẽ trời yêu!
( Gửi một trời yêu)
Tuy nhiên, Dấu yêu ơi vẫn còn có những khiếm khuyết. Đâu đó trong tập thơ, tôi đã nhận ra sự gắng gượng của tác giả. Chính sự gượng ép này mà tập thơ đôi chỗ bị xơ cứng về cảm xúc, khiến cho nhiều bài thơ bị ép vần, không đúng như tình cảm chân thật của nó. Một điều dễ nhận thấy nữa, đó là sự non tay ở khâu biên tập, vì còn một số bài thơ ở tập thơ trước còn đọng lại, và một lối trình bày rườm rà, dông dài khi có quá nhiều những cảm nhận (comment) hay những bài thơ dịch (mà không có nguyên gốc) xen lẫn vào, làm giảm đi hứng thú của độc giả khi đọc tập thơ. Nhưng dù sao, như tác giả đã bộc bạch: “Là người làm thơ, Minh Nguyệt đâu có ao ước nhiều. Chỉ mong có một chút gì để lại trong lòng bạn đọc. Hai tập thơ Vũ điệu của Trăng và Dấu yêu ơi như hai đứa con tinh thần được sinh ra từ chính những yêu thương của cuộc đời. Là một người học tự nhiên lại làm về tài chính, thơ của Minh Nguyệt giản dị như cánh đồng đêm trăng, như mùi rơm thơm của lúa vừa mới gặt…” thế nên, những gì đã làm được qua tập thơ đã toại nguyện được mong muốn của tác giả. Đối với cá nhân tôi, trong thời đại này, làm được thơ, viết được những điều mình trăn trở, tâm đắc, những trải lòng với cuộc sống đang hiện hữu đã là rất đáng quí, đáng khích lệ.
Vì vậy, Dấu yêu ơi xứng đáng được bạn bè gần xa đón nhận với tất cả những thương yêu, nâng niu và trân trọng.