瓦橋

瓦橋橋下水潺潺,
倚檻哦詩爾自閒。
老境難忘惟翰墨,
世緣不厭是溪山。
清風瀟灑江千轉,
寡婦烝嘗廟半間。
何意濟人慙若輩,
臨流無限倉衰顏。

 

Ngoã kiều

Ngoã kiều kiều hạ thuỷ sàn sàn,
Ỷ hạm nga thi nhĩ tự nhàn.
Lão cảnh nan vong duy hàn mặc,
Thế duyên bất yếm thị khê sơn.
Thanh phong tiêu sái giang thiên chuyển,
Quả phụ chưng thường miếu bán gian.
Hà ý tế nhân tàm nhược bối,
Lâm lưu vô hạn thảng suy nhan.


Chiếc cầu ngói do một bà quả phụ, không con, bắc trên sông Triệu Nông ở làng Thanh Thuỷ, huyện Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên. Cầu dài chừng 50 thước, rộng gần 6 thước, phía trên lợp ngói, hai bên có bao lơn. Sách Đại Nam nhất thống chí có ghi rõ điều này nhưng không ghi tên bà quả phụ. Bài thơ này làm năm 1860, có lẽ không lâu sau khi dân làng Thanh Thuỷ dựng miếu thờ bà quả phụ.

Theo sử liệu khác, bà quả phụ là Trần Thị Đạo, quê ở làng này, có chồng là Cần Chánh điện Đại học sĩ dưới triều Lê Hiển Tông, tự bỏ tiền thuê thợ làm cầu này năm 1776. Năm 1925, vua Khải Định truy tặng bà danh hiệu “Dực bảo trung hưng linh phò”.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (5 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Bản dịch của Nguyễn Phúc Ưng Trình, Nguyễn Phúc Bửu Dưỡng

Dưới cầu ngói, nước chảy mênh mang
Tựa chiếc bao lơn, vịnh rảnh rang
Bút mực không rời vui cảnh lão
Núi khe chẳng chán tiếc đời tàn
Gió trong thanh thoát sông ngàn khúc
Bà goá kính thờ miếu nửa gian
Đáng thẹn cho ai không ý giúp
Trên dòng nhìn bóng lại đau thương

Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Trần Viết Điền

Cầu ngói, dưới cầu nước rì rào,
Ngày nhàn ngồi tựa hát nghêu ngao.
Nợ đời chẳng chối từ khe núi,
Bạc đầu không tránh ấy thi tao.
Miếu bà goá giữa cầu hương toả,
Gió trong vui múa với sông dài.
Giúp người, lòng thẹn với đàn trẻ,
Soi bóng mình ôi quá gầy hao.

Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Thi ông Miên Thẩm vịnh cầu ngói Thanh Toàn

Khoảng năm 1860, tình hình Đại Nam hết sức rối ren, triều đình Tự Đức chia làm hai phe chủ hoà và chủ chiến, hoàng tộc cũng chia lòng về vụ Hồng Bảo, loạn lạc khắp nơi, dân tình khốn khổ không những do giặc giã mà còn vì thiên tai, bão lụt.

Đất nước bị Tây dương đánh phá. Miên Thẩm đã vào tuổi 52, tóc râu nhuốm bạc, đang ôm nỗi buồn thế sự, về thăm cầu ngói Thanh Toàn, tức cảnh sinh tình viết bài tuyệt cú “瓦桥” (Ngoã kiều, tức Cầu ngói).

Cầu ngói Thanh Toàn bắc qua con hói, lấy nước sông Như Ý tưới ruộng làng Thanh Toàn. Hai bên cầu có mạn cầu với lan can như cặp ghế dài uốn theo thế cong của cầu để khách có thể ngồi nghỉ. Miên Thẩm ngồi tựa lưng vào lan can cầu, ngắm cảnh, ngâm thơ có tiếng rì rào của dòng nước dưới chân cầu đệm thơ, thi ông được một ngày thư giãn:

瓦桥桥下水潺潺 (Ngoã kiều kiều hạ thuỷ sàn sàn)
依檻哦詩尔日閒 (Ỷ hạm nga thi nhĩ nhật nhàn)

Dịch thơ: Cầu ngói, dưới cầu nước rì rào/Ngày nhàn ngồi tựa hát nghêu ngao.

Nhìn lại đời mình, bao năm vướng nợ đời chẳng trả bằng “kinh bang tế thế”, bằng vốn học của một nho sĩ thượng thừa… giờ đã bạc đầu cái khó quên không ngoài văn chương và cái khó tránh là khe suối, núi đồi. Nợ đời vì sao ở nơi khe nơi núi? Khe núi thường có ẩn sĩ, tìm đến thảo am không chỉ ngoạn cảnh mà để cùng tri kỷ đàm luận thi văn, thế sự:

老境难忘唯杆墨 (Lão cảnh nan vong duy hãn mặc)
世緣不厌是溪山 (Thế duyên bất yếm thị khê san)

Dịch thơ: Nợ đời chẳng chối từ khe núi/Bạc đầu không tránh ấy thi tao.

Nhìn dòng sông Như Ý uốn lượn qua những cánh đồng lúa xanh, gió nhè nhẹ chẳng thấy hình, gió trong, nhưng gió đang hiện hữu như đùa bỡn qua muôn trùng ngọn lúa, nằm ở hai bờ sông, thoải mái, tự do không ràng buộc, không bến bờ, gió và sông cùng nhau khiêu vũ, thiên nhiên là thế. Còn người đời thì ơn nghĩa rõ ràng. Một người đàn bà goá bỏ tiền của dựng cầu cho người tiện qua hói và có nơi cho người trú nắng khi mệt, tránh mưa khi lỡ đường, có nơi ngồi hóng gió ngắm trăng, hát hò vui vẻ…thì dân sở tại lập trang thờ ngay giữa gian cầu, xuân thu nhị kỳ tế lễ để tưởng niệm, nghĩa là mãi mãi hàm ơn:

淸風歗耍江千轉 (Thanh phong tiêu sái giang thiên chuyển)
寡妇烝嘗庙半間 (Quả phụ chưng thường miếu bán gian)

Dịch thơ: Miếu bà goá giữa cầu hương toả/Gió trong vui múa với sông dài.

Thực ra, cầu do bà Trần Thị Đạo, phu quân là Phan Lê Phiên vận động kinh phí xây dựng. Chồng bà từng là Khâm sai trong đoàn quân nam chinh Lê - Trịnh đánh chiếm Phú Xuân năm Giáp Ngọ [1774]. Sau khi cô gái tài hoa Trần Thị Đạo, theo đoàn sứ giả với Chánh sứ Nguyễn Hữu Chỉnh vào Quảng Nam phong tước cho Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ năm 1776, về lại Huế Nguyễn Hữu Chỉnh làm mai để bà kết hôn với Phan Trọng Phiên. Ông khâm sai họ Phan có chiếu vua hồi triều lại có lệnh ở lại làm tổng trấn, coi ba huyện Hương Trà, Phú Vang và Quảng Điền. Trở thành phu nhân của đại quan quyền thế, bà xin chồng dựng cầu ngói ở quê nhà Thanh Toàn như Lai Viễn kiều ở phố Hội. Bà được vua Lê sắc phong năm 1776, do có công theo đoàn sứ giả phủ dụ Tây Sơn và có công xây dựng cầu ngói, dân làng Thanh Toàn được miễn sưu dịch. Làng nhớ ơn lập trang thờ bà và tôn trí ngay giữa cầu. Xuân thu nhị kỳ tế lễ không dứt. Còn dân làng Thanh Toàn thờ Nguyễn Hữu Chỉnh, Phan Lê Phiên ở miếu Đôi; ngôi miếu dựng ở đầu cầu phía bắc, hướng ra sông Như Ý. Khi Nguyễn Vương Phúc Ánh tái chiếm Phú Xuân, làng phải giấu tông tích hai vị Phan, Nguyễn để tiếp tục thờ phụng; tất nhiên tiếp tục thờ bà Trần Thị Đạo nhưng nói bà goá chồng bỏ của ra xây cầu. Lúc bấy giờ người đời, trong đó có Miên Thẩm, chỉ nghe truyền ức như thế nên thi ông mới viết bà Trần Thị Đạo là một bà goá có công dựng cầu, được thờ phụng.

Miên Thẩm rất cảm phục tấm lòng người đàn bà goá đối với dân, với nước. Còn mình là một hoàng tử, được giáo dưỡng đầy đủ, bụng một túi kinh luân nhưng không có điều kiện thi thố. Đất nước đã bị giặc ngoại xâm lăm le, thành Gia Định bị chiếm, dân tình điêu linh vì giặc giã, thiên tai. Ông thấy thẹn lòng, hổ thẹn với đám nho sĩ hậu sinh, học trò ông, đọc học tân thư, nhiệt thành yêu nước, muốn đánh Tây dương để bảo vệ non sông. Nhìn xuống mặt nước thấy mặt mày tàn tạ, soi lại lòng mình, ông “giật mình lại thương mình xót xa”:

何意济人慙弱輩 (Hà ý tế nhân tàm nhược bối)
临流無限愴衰顏 (Lâm lưu vô hạn sảng suy nhan)

Dịch thơ: Giúp người, lòng thẹn với đàn trẻ/Soi bóng mình ôi quá gầy hao.

Ngoã kiều là một bài tuyệt cú, một bài thơ gói trọn nỗi buồn u ẩn của thi ông Miên Thẩm, như niềm đau của Nguyễn Khuyến về sau đối với đất nước: “Sách vở ích gì cho buổi ấy/Áo xiêm nghĩ lại thẹn thân già”. Một nho sĩ học vấn uyên thâm, một kẻ sĩ ưu thời mẫn thế, một thi ông yêu nước yêu dân thiết tha, nhưng đau đáu một nỗi niềm là phải “bó tay ngồi nhìn” thế cuộc như một kẻ vô tích sự. Hơn nữa, nhờ phần chú thích của thi ông khi viết “Ngoã kiều” mới biết được vị hoàng tử tước công như Miên Thẩm cũng chưa rõ lai lịch cầu ngói. Tại sao? Tại dân làng Thanh Toàn phải giấu thi ông về hành trạng phu nhân Trần Thị Đạo, có công dựng cầu nhưng kết hôn với đại quan Phan Trọng Phiên của Lê Trịnh. Họ Phan là người có công lớn trong việc làm họ Nguyễn Đàng Trong sụp đổ. Bài thơ vô tình phản ánh một giai đoạn lịch sử thời chấm dứt Trịnh Nguyễn phân tranh, kết thúc cuộc tranh bá đồ vương giữa Tây Sơn và họ Nguyễn Phú Xuân, nói lên “tấm lòng” của dân làng Thanh Toàn; dẫu chế độ đổi thay, “được làm vua thua làm giặc”, dân không cần phân biệt chính kiến của những nhân vật lịch sử, chỉ cần ai có lòng lo cho dân là họ âm thầm hương khói phụng thờ mãi mãi. Với triều Nguyễn thì Phan Trọng Phiên, Nguyễn Hữu Chỉnh là có tội, miếu Đôi đầu cầu không còn hương khói hai vị Phan, Nguyễn thì dân làng Thanh Toàn lại dựng miếu Đôi thứ hai ở cuối làng, gần làng Lang Xá Bàu để âm thầm thờ phụng hai vị ân nhân của làng.


Trần Viết Điền

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Nguyễn Thanh Thọ

Dưới cầu nước chảy lững lờ,
Tựa cầu thi khách ngâm thơ thư nhàn.
Bút nghiên đeo đẳng thân mòn,
Duyên đời chưa chán bởi còn nước non.
Hây hây gió thổi sông vờn,
Miếu thờ quả phụ chập chờn khói hương.
Sống riêng ta nghĩ thẹn thuồng,
Mặt soi dòng nước, buồn tuôn theo dòng.


Bản dịch đăng trên nội san Hương Thuỷ – đất nước, con người số 1-1992.
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Cầu ngói Thanh Toàn

Nằm cách trung tâm thành phố Huế chừng 8km về hướng Đông, cầu ngói Thanh Toàn là một tác phẩm kiến trúc nhỏ nhắn xinh xinh từng xuất hiện 226 năm về trước. Đó là cây cầu gỗ dài 16,85m, rộng 4,63m, chia làm 7 gian, sàn lát ván, phía trên lợp ngói ống tráng men xanh lục. Hai bên cầu có hai dãy bục gỗ dành cho khách bộ hành tạm nghỉ chân hoặc dân sở tại ra ngồi hóng mát. Phần lớn cấu kiện của công trình đều dùng các loại danh mộc, với nhiều chi tiết được chạm trổ tinh xảo và sơn son. Trên cầu còn lưu lại bao thơ phú, câu đối chữ Hán do các bậc tao nhân mặc khách “vang bóng một thời” cảm tác. Chẳng hạn:

Tế xuyên mâu bửu phiệt
Thanh thuỷ thắng hồng lâu

Tạm dịch:
Qua sông là bè quý
Nghỉ mát ấy gác son
Cầu uốn mình cong cong, nối liền đôi bờ con hói chảy ngang làng Thanh Thuỷ, xã Thuỷ Thanh, huyện Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Nguyên xưa, làng mang tên Thanh Toàn, thuộc địa bàn huyện Phú Vang (tên cũ là Tự Vang), đến niên hiệu Minh Mệnh XXV (1834) mới chia tách qua huyện Hương Thuỷ. Làng được khai cảnh bởi 12 vị tộc trưởng gốc Thanh Hoá vào Thuận Hoá theo chúa Tiên (Nguyễn Hoàng) hồi thế kỷ XVI. Một trong 12 tộc ấy có người cháu gái đời thứ 6 là Trần Thị Đạo kết hôn với Cần Chánh điện Đại học sĩ, bậc quan đầu triều dưới thời vua Lê Hiển Tông (trị vì từ năm 1740 đến năm 1786, lấy niên hiệu Cảnh Hưng). Thời đấy, việc giao thông trong làng bị cách trở vì con hói. Mỗi khi cần qua lại, dân chúng phải “luỵ” đò ngang, khá phiền phức. Thấy vậy, bà Trần Thị Đào bèn tự bỏ tiền riêng thuê thợ lành nghề về tạo dựng cây cầu này để dâng tặng quê hương. Việc thi công diễn ra vào năm Bính Thân 1776 niên hiệu Cảnh Hưng XXXVII. Cuối năm đó, biết được nghĩa cử cao đẹp kia, nhà vua ban sắc khen. Làng Thanh Thuỷ trân trọng giữ gìn văn bản này; và năm 1917, công sứ Pháp Richard Orban đã giới thiệu nội dung sắc chỉ của hoàng đế Cảnh Hưng trên Bulletin des amis du vieux Huế (BAVH: Tập san Đô thành hiếu cổ). Đây là bản dịch của Đặng Như Tùng, trích từ tập IV bộ sách Những người bạn cố đô Huế do NXB Thuận Hoá ấn hành năm 1998:

Chiếu chỉ:

Bà Trần Thị Đạo, chánh quán làng Thanh Toàn, huyện Phú Vang, phủ Triệu Phong, là vợ của Khâm sai chủ sự Hoàng cung. Tổng chỉ huy bộ binh và thuỷ binh, Tổng đốc của ba huyện Hương Trà, Phú Vang và Quảng Điền, Nhất trụ triều đình và tước Hầu.

Bà này làm phước đức còn hơn các bà trong Đại Nội. Đời bà được mọi người khen. Danh tiếng của bà không lời ca tụng nào xứng. Bà không ngần ngại vượt qua bao mệt nhọc để theo đuổi các cuộc hành trình cùng với đoàn của vua. Bà đã dũng cảm làm tròn ba nhiệm vụ của phái nữ. Bà còn để lại cho làng bà nhiều ơn huệ mà người ta cần lưu niệm.

Dân làng được miễn các dịch vụ như sau: miễn cung cấp nhân công để bảo tồn lăng tẩm vua chúa và đền miếu; miễn động viên lính thuỷ, lính bộ; miễn trưng dụng thuyền bè, tuyển nài cắt cỏ cho voi ngựa ăn, tiều phu, thợ mộc đóng thuyền. Nói tóm lại, họ không phải đóng góp gì về các dịch vụ bắt buộc nào cả. Họ chỉ lo cho chăm sóc cầu, con suối (hói?) chảy qua và các con đường dẫn đến.

Chiếu sắc này nhằm mục đích nêu lên khen ngợi của triều đình đối với người đã xây dựng nên cầu này và để khuyến khích người khác nên tỏ lòng rộng lượng như bà.

Làng này sẽ biết bao sung sướng và tự hào là xứ sở của người đàn bà đáng kính trọng cao cả!
Vậy là có thể nói rằng cầu ngói Thanh Toàn là món quà đầy ý nghĩa của một nữ lưu đã cống hiến quốc dân đồng bào từ hơn 2 thế kỷ trước.

Sách Cố đô Huế đẹp và thơ của nhiều soạn giả (NXB Thuận Hoá, Huế, 1995) cho rằng năm Ất Sửu 1925, vua Khải Định lại truy tặng bà Trần Thị Đạo danh hiệu “Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò” và hạ lệnh cho dân làng lập bàn thờ bà ngay trên cầu. Cùng với bàn thờ ở gian giữa cầu ngói Thanh Toàn, bà còn có am riêng trong khuôn viên nhà thờ họ Trần cũng tại làng này.

Đoạn trên, chúng tôi có trưng dẫn một tài liệu nhắc chuyện năm Ất Sửu 1925, vua Khải Định hạ lệnh cho dân làng lập bàn thờ bà Trần Thị Đạo ngay trên cầu. Tìm hiểu mới tỏ: trước đó khá lâu, quần chúng ở địa phương từng thiết miếu thờ bà chính giữa cầu để bày tỏ lòng tri ân vào năm Canh Thân 1860, đời vua Tự Đức. Khi hương án lập xong, Tùng Thiện Vương Miên Thẩm (1819-1870) ghé viếng và đề thơ Ngoã kiều (cầu ngói):

Ngoã kiều, kiều hạ thuỷ sàn sàn,
Ý hạm nga thi nhĩ tự nhàn
Lão cảnh nan vong duy hãn mặc,
Thế duyên bất yếm thị khê san.
Thanh phong tiêu sái giang thuyên chuyển
Quả phụ chưng thường miếu bán gian
Hà ý tế nhân tâm nhược bối,
Lâm lưu vô hạn thảng suy nhan.
Trong nội san Hương Thuỷ - đất nước, con người số 1-1992, Nguyễn Thanh Thọ chuyển bài thơ sang thể lục bát:

Dưới cầu nước chảy lững lờ,
Tựa cầu thi khách ngâm thơ thư nhàn,
Bút nghiên đeo đẳng thân mòn,
Duyên đời chưa chán bởi còn nước non.
Hây hây gió thổi sông vờn,
Miếu thờ quả phụ chập chờn khói hương.
Sống riêng ta nghĩ thẹn thuồng,
Mặt soi dòng nước, buồn tuôn theo dòng.
Từ ngày ra đời đến nay, cầu ngói Thanh Toàn đã trải qua lắm phen tu sửa, phục chế. Phần kiến trúc, do đó cũng thay đổi ít nhiều nếu đối chiếu nguyên trạng.

Niên hiệu Thiệu Trị thứ IV (1844), một trận lụt lớn đã khiến cầu bị hư hỏng nặng. Mãi 3 năm sau, tháng 3-1847, cầu mới được sửa chữa. Sự việc ấy cũng được dân làng khắc vào cột cầu để ghi nhớ.

Trận bão “kinh hồn táng đởm” năm Giáp Thìn 1904 đã phá sập chiếc cầu lịch sử. Dân làng Thanh Thuỷ quyết định tái tạo di tích theo mẫu cũ, nhưng thu hẹp bớt kích thước. Theo Richard Orban (tlđd), cầu cũ dài 18,75m, rộng 5,82, còn cầu mới tương đương kích cỡ như ta thấy hiện nay. Cũng theo R. Orban, lần ấy dân làng tự nguyện đóng góp được 700 đồng và Chính phủ bảo hộ tài trợ thêm 250 đồng. Việc xây dựng đến năm Bính Ngọ 1906 thì hoàn tất.

Xem bức tranh ký hoạ của ông Trần Đình Nghi (cháu bà Trần Thị Đạo) mà R. Orban cho đăng trong BAVH năm 1917, chúng tôi đoán định rằng giai đoạn đó người ta chưa đưa vật liệu xi măng cốt thép làm cổng hai đầu cầu. Hạng mục này có lẽ xuất hiện vào lần tu sửa cầu năm 1956 và để “cổ kính hoá” phần nào, cánh “thợ kép” đã phải dụng công tô đắp lẫn khảm sành sứ các hoạ tiết như hoa lá, con dơi, hoặc hoành phi cùng đối liễn chữ Hán… nhại mấy motif trang trí truyền thống.

Năm 1990, cầu lại được nhân dân và chính quyền địa phương trùng tu. Ngày 23/9/1991, lễ hoàn công diễn ra đồng thời với lễ đón bằng công nhận cầu ngói Thanh Toàn là Di tích văn hoá - lịch sử quốc gia do Bộ văn hoá trao tặng.

Thượng tuần tháng 11/1999, ngay sau “cơn lũ thế kỷ XX” ào ạt tàn phá cố đô, chúng tôi kịp thời về Huế. Mấy người bạn đồng hương Huế từ các tỉnh xa điện nhắn:
- Cố gắng tranh thủ ghé coi cầu ngói Thanh Toàn có bị hề hấn chi không!

May thay! Dù mấy ngày ngập chìm dưới làn nước bạc, cầu vẫn trụ vững qua đợt thuỷ tai khủng khiếp!

Kiệt cấu thiên thu truyền thắng tích…

Vâng. Kiệt tác kiến trúc tuy quy mô khiêm tốn nhưng đậm đà phong cách bản địa chính là thắng tích quý hiếm mà tiền nhân muốn lưu truyền mãi nghìn năm…


Bùi Đẹp
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên FacebookTrả lời