至誠通聖

世事迴頭已一空,
江山無淚泣英雄。
萬民奴隸強權下,
八股文章睡夢中。
長此百年甘唾罵,
更知何日出牢籠。
諸君未必無心血,
試向斯文看一通。

 

Chí thành thông thánh

Thế sự hồi đầu dĩ nhất không,
Giang sơn vô lệ khấp anh hùng.
Vạn dân nô lệ cường quyền hạ,
Bát cổ văn chương thuỵ mộng trung.
Trường thử bách niên cam thoá mạ,
Cánh tri hà nhật xuất lao lung?
Chư quân vị tất vô tâm huyết,
Thí hướng tư văn khán nhất thông.

 

Dịch nghĩa

Việc đời nhìn lại thấy chẳng còn gì,
Sông núi không còn nước mắt để khóc các bậc anh hùng.
Muôn dân làm tôi tớ dưới ách cường quyền,
Nhiều người đang ngủ mê trong giấc mộng văn chương bát cổ.
Suốt cả trăm năm chịu người mắng nhiếc,
Lại biết ngày nào mới thoát cũi sổ lồng?
Các anh chưa hẳn là người không tâm huyết,
Thử lấy thơ này mà xem từ đầu đến cuối.


Năm 1905, Phan Châu Trinh cùng Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp đến Bình Định khi trên đường vào Nam để hoạt động cách mạng. Ở đó đang diễn ra một kỳ thi khảo hạch do quan tỉnh tổ chức với đề thi Chí thành thông thánh, đề phú Danh sơn lương ngọc lấy vận “Cầm hương ngọc tất sinh sơn”. Ba ông làm bài thơ Chí thành thông thánh và bài phú Danh sơn lương ngọc để nộp quyển dự thi với mục đích lợi dụng cuộc khảo hạch để đánh một tiếng chuông cảnh tỉnh đám sĩ phu mê muội chỉ lo miệt mài trong giấc mộng từ chương, không biết gì đến cái nhục mất nước phải đem thân làm nô lệ cho người. Hai bài đều ký chung tên là Đào Mộng Giác. Bài thi và bài phú gây chấn động trong giới nho sinh và không bao lâu khắp tỉnh Bình Định đều biết chuyện. Quan tỉnh cho do thám tìm tác giả nhưng tuyệt nhiên không ai biết ai, vì khi hai bài văn lọt vào kẻ cầm quyền thì ba ông đã rời khỏi Bình Định.

Bài thơ Chí thành thông thánh này được Phan Châu Trinh sao lại đủ trong di cảo Trung Kỳ dân biến tụng oan thuỷ mạt ký thuộc TL.18 nhưng không nhận mình làm tác giả. Trong Phan Tây Hồ tiên sinh lịch sử, Huỳnh Thúc Kháng lại bảo Phan Châu Trinh làm cả bài thơ và bài phú Danh sơn lương ngọc. Theo ý kiến thông thường thì Phan Châu Trinh là tác giả bài thơ nhưng vì bài thơ bị kết tội trong bản án Huỳnh Thúc Kháng nên ông không nhận. Trong di cảo chữ Hán của tác giả, bài thơ có mấy chữ khác với những bản đã lưu hành.

Theo lời kể của Quách Tấn trong Hương vườn cũ thì bài thơ là của Phan Chu Trinh, còn bài phú là do Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng làm. Sau khi rời Bình Định, ba nhà chí sĩ ghé nghỉ chân tại nhà người quen là ông ấm Nguyễn Tư Trực ở Nha Trang, có kể lại câu chuyện này với ông Trực và cũng dịp đó Huỳnh Thúc Kháng đã dịch Nôm cả hai bài. Ông Trực có chép lại hai bài dịch, nhưng đến năm 1908, Trần Quý Cáp bị án “Mạc tu hữu”, ông Trực bị liên luỵ nên gia đình đốt sách vở trong nhà gồm cả các bài này. Năm 1937, ông Trực với Quách Tấn cũng là chỗ quen biết đã kể lại câu chuyện này và đọc cho Quách Tấn bản dịch bài thơ của Huỳnh Thúc Kháng mà ông còn ghi nhớ được.


[Thông tin 4 nguồn tham khảo đã được ẩn]

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 2 trang (11 bài trả lời)
[1] [2] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Bản dịch của Điệp luyến hoa

Thế sự quay đầu chỉ thấy không,
Giang sơn ai kẻ khóc anh hùng.
Vạn dân nô lệ cho người dắt,
Tám vế văn chương gửi giấc mòng.
Nếu mãi chịu cam lời thoá mạ,
Ngày nào ra khỏi chốn lao lung?
Các anh đâu phải không tâm huyết,
Xin đọc mấy lời chút cảm thông!

Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
24.50
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Đào Văn Hội

Cuộc đời ngoảnh lại vắng không,
Giang sơn nào khóc anh hùng được đâu;
Cường quyền dậm đạp mái đầu,
Văn chương tám vế say câu mơ màng,
Tháng ngày uất hận đành cam,
Sổ lồng tháo cũi biết làm sao đây?
Những ai tâm huyết vơi đầy,
Dốc lòng văn đạo, thơ này thấu cho.


Bản dịch trên báo Tân dân số 3 năm 1939.

[Thông tin 2 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của (Không rõ)

Gẫm thế sự càng ngao ngán nỗi,
Đoái giang sơn tức tối anh hùng.
Đoán dân nô lệ đã xong,
Sĩ phu còn ở trong vòng say mê!
Thân nhục nhã ê chề muôn kiếp,
Biết ngày nào khởi nghiệp oan gia?
Ai ơi tưởng đến nước nhà,
Bài này mở mắt xem qua một lần.


Bản dịch trên báo Thời cuộc số 169 ngày 24-3-1955.

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
tửu tận tình do tại
Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Nguyễn Văn Dương

Việc đời ngoảnh lại hết trông mong
Vắng mặt anh hùng, tủi núi sông
Tám vế văn chương mê mệt ngủ
Muôn nhà tôi tớ xót xa trông
Cứ cam chịu mãi người mắng nhiếc
Biết tới ngày nào thoát cũi lồng?
Thử hỏi ai người bầu máu nóng
Văn này xem hết, nghĩ sao không?


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
tửu tận tình do tại
Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Phượng Sơn

Kìa coi thế sự, hết trông mong,
Vắng mặt anh hùng tủi núi sông.
Tám vế văn chương mê mắt ngủ,
Trăm quan tôi tớ uốn lưng cong.
Thôi đừng lỳ quá cam cười khổ,
Phải tính sao đây phá cũi lồng.
Thử hỏi ai không gan ruột nhỉ?
Câu này đọc tới cảm hay không?


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
tửu tận tình do tại
Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Lê Ấm

Ngảnh thấy giang sơn luống sững sờ
Anh hùng rầu rĩ nước non xưa
Muôn nhà nô lệ phường quyền mạnh
Tám vế văn chương giấc ngủ mơ
Dày mặt mỉa mai đành chịu mãi
Thoát thân trói buộc biết bao giờ?
Người ta ai cũng tâm can thế
Đọc đến văn này đã thấm chưa?


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
tửu tận tình do tại
11.00
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Phan Võ

Việc đời ngoảnh lại còn chi!
Anh hùng hết nước mắt vì giang san.
Muôn dân nô tự một đàn,
Văn chương bát cổ, nồng nàn giấc say.
Trăm năm cam chịu đoạ đày,
Thì bao giờ mới hết ngày tao lung?
Các anh tâm huyết nào không,
Bài này hãy thử xem cùng đầu đuôi

tửu tận tình do tại
Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Huỳnh Thúc Kháng

Việc thế quày đầu chẳng chút lưa,
Non sông không lệ khóc người xưa.
Muôn dân tôi tớ thằng quyền mạnh,
Tám vế văn chương giấc ngủ mơ.
Dày mặt mỉa mai cam chịu mãi,
Thoát thân dàm buộc biết bao giờ.
Các người há chẳng không tâm huyết,
Đọc suốt thơ nầy đã thấm chưa?


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
tửu tận tình do tại
Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Trương Việt Linh

Ngoảnh lại việc đời thấy rối bong
Anh hùng đâu nữa tủi non sông
Văn chương tám vế u mê ngủ
Tôi tớ trăm quan uốn khọm lưng
Mắng nhiếc há nào cam chịu mãi
Củi lồng đâu biết thuở nào xong
Các ông nếu vẫn còn tâm huyết
Đọc đến thư nầy ắt sẽ thông

Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Đồng Thành

Việc đời ngoảnh lại vắng không,
Giang sơn đâu khóc anh hùng được sao.
Vạn dân nô lệ cường hào,
Văn chương tám vế say bao giấc nồng.
Trăm năm thoá mạ cam lòng,
Biết ngày nào mới thoát vòng lao lung?
Những ai tâm huyết trùng trùng,
Văn này thử đọc với lòng cảm thông!

Chưa có đánh giá nào
Trả lời

Trang trong tổng số 2 trang (11 bài trả lời)
[1] [2] ›Trang sau »Trang cuối