Thơ » Việt Nam » Nguyễn » Nguyễn Đình Chiểu
歷士三朝獨潔身,
非公誰保一方民。
龍湖寧負書生老,
鳳閣空歸學士神。
秉節曾勞生富弼,
盡忠何恨死張巡。
有天六省存亡事,
安得從容就義臣。
Lịch sĩ tam triều độc khiết thân,
Phi công thuỳ bảo nhất phương dân.
Long Hồ ninh phụ thư sinh lão,
Phụng các không quy học sĩ thần.
Bỉnh tiết tằng lao sinh Phú Bật,
Tận trung hà hận tử Trương Tuần.
Hữu thiên lục tỉnh tồn vong sự,
An đắc thung dung tựu nghĩa thần.
Làm quan trải ba triều vua, ông vẫn riêng mình giữ được tấm thân trong sạch,
Không có ông thì ai là người che chở cho cả một phương dân chúng.
Ở Long Hồ người học trò già đành đứng ra gánh vác,
Nơi gác phượng chỉ có hồn học sĩ đơn độc trở về.
Cầm cờ tiết đi sứ, nhiều phen vất vả, sống như Phú Bật,
Tận lòng trung, không còn gì phải hận, chết như Trương Tuần.
Có trời soi xét chuyện sáu tỉnh còn mất,
Làm sao lại có được kẻ bề tôi thong dong vì nghĩa lớn như ông nữa.
Trang trong tổng số 1 trang (8 bài trả lời)
[1]
Gửi bởi Vanachi ngày 16/12/2018 13:09
Mình trong sạch trải thờ ba chúa,
Không ông ai che chở dân lành.
Long hồ phụ lão thư sinh,
Ở nơi các phụng không đành làm quan.
Cầm tiết nhọc sống chàng Phú Bật,
Hết ngay sao giận mất Trương Tuần.
Mất còn sáu tỉnh trời phân,
Thung dung tựu nghĩa làm thần khó thay.
Gửi bởi Vanachi ngày 10/06/2019 17:09
Ba triều rõ mặt bậc tột lành,
Che chở cho dân buổi lửa binh.
Phượng các khôn về hồn học sĩ,
Long Hồ thà chịu tiếng thư sinh.
Sống từng nhọc bấy thân đi sứ,
Chết lại hờn chi phận giữ thành.
Sáu tỉnh mất còn trời đã định,
Nhưng tìm đâu được kẻ trung trinh.
Gửi bởi Diệu Nái Nục ngày 22/01/2021 14:39
Đã sửa 1 lần, lần cuối bởi Diệu Nái Nục ngày 24/01/2021 16:20
Ba triều trung hiếu bậc hiền lương
Chở che bách tính lúc phong sương
Long Hồ uổng phụ đời học giả
Phụng Các không đành chốn quan trường
Thanh liêm Phú Bật, đời gian khổ
Trung nghĩa Trương Tuần, chết chẳng vương
Sáu tỉnh có trời soi xét thấy
Thiên cổ ngàn năm há thành thần.
Gửi bởi Tam Ngng ngày 23/11/2024 09:16
Có 1 người thích
Trong bản dịch nghĩa trên đây, hai câu cuối được dịch là:
“Có trời phán xét chuyện mất sáu tỉnh mà ông đã gây nên,
Ông khó mà có thể thung dung thành vị thần tựu nghĩa được!”
Không biết ad tham khảo bản dịch này từ đâu, nhưng rõ ràng ý nghĩa hoàn toàn ngược với giọng điệu tôn kính và tiếc thương của 6 câu trước.
Như mọi người biết, việc đánh giá Phan Thanh Giản hiện nay chưa thống nhất. Khuynh hướng “chính thống” (của nhiều sử gia Hà Nội) vẫn kết tội ông yếu hèn đầu hàng Pháp, phải chịu trách nhiệm việc mất Nam kì lục tỉnh. Phải chăng người dịch nghĩa chịu ảnh hưởng của khuynh hướng đánh giá này nên đã cố ép nghĩa hai câu cuối ra như vậy? Vì thực sự trên văn bản, theo tôi, nghĩa khác hẳn.
Câu 7:
- 有天 hữu thiên: có trời (chứng giám). 六省 tức 南圻六省 Nam kì lục tỉnh: là tên gọi miền nam thời nhà Nguyễn chỉ 6 tỉnh ở Nam kì. 存亡事 tồn vong sự: sự mất còn (sáu tỉnh). Phan Thanh Giản từng đại diện triều đình Huế kí Hoà ước Nhâm Tuất (1862) trong đó có điều khoản nhượng 3 tỉnh Biên Hoà, Gia Định, Định Tường và đảo Côn Lôn (Côn Đảo) cho Pháp. Khi Phan Thanh Giản đang giữ chức Kinh lược sứ 3 tỉnh miền Tây (Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên) thì Pháp đánh chiếm Vĩnh Long. Phan Thanh Giản đầu hàng, uống thuốc độc tự tử. Ông đã bị triều đình Huế quy tội trong việc để mất 6 tỉnh. Nguyễn Đình Chiểu không tiện nói thẳng sự quy kết ấy bất công, nhưng rõ ràng có ý bênh vực Phan Thanh Giản, rằng người kết án sai thì còn có trời.
Câu 8:
- 難得 nan đắc: khó có được, hiếm có, đáng quý. 從容 tùng dung: thung dung. 就義神 tựu nghĩa thần: vị thần chết vì nghĩa lớn.
Tóm tắt, nghĩa hai câu này, theo tôi là:
Có trời soi xét chuyện lục tỉnh còn mất,
Khó ai được như ông, thong dong vì nghĩa lớn mà hoá thần.
Toàn bài là một giọng tôn kính, tiếc thương; đúng nghĩa một bài thơ phúng điếu. Không hề có chuyện trách móc, kết án gì ở đây cả. Cụ Đồ Chiếu thẳng thắn ngay tình, đâu có kiểu xỏ ngọt, ban đầu khen ngợi rồi sau đó chửi xỏ?
Cảm ơn bạn. Bài đăng đã lâu nên rất tiếc tôi không tìm lại được là phần dịch nghĩa đã tham khảo từ đâu nữa, nhưng đúng là cách hiểu câu cuối có vẻ không ổn.
Nhân đây tôi cũng đã xem lại 2 sách là Nguyễn Đình Chiểu toàn tập (1997) và Việt Nam bách gia thi, qua đó cũng sửa lại một số chữ Hán trong bài, quan trọng nhất là:
- Hai chữ “thần” ở câu 4 và 8 đổi lại thành 神-臣 (trước là 臣-神) nên cách hiểu cũng thay đổi
- Câu cuối sửa “nan” thành “an”
Bài này trong cả 2 sách trên đều không có dịch nghĩa. Nhưng phần chú thích của sách Nguyễn Đình Chiểu toàn tập giải thích theo hướng là Nguyễn Đình Chiểu mỉa mai PTG và câu kết có ý quy tội cho PTG.
Gửi bởi Vanachi ngày 24/11/2024 08:10
Hai bài thơ Nguyễn Đình Chiểu làm để điếu Phan Thanh Giản có thể được sáng tác ngay sau khi Phan Thanh Giản quyên sinh (năm 1867) hay – ở trường hợp bài chữ Hán – sau khi ông bị truy đoạt hết quan tước và đục tên khỏi bia Tiến sĩ. Từ đó đến nay đã trên 150 năm. Qua nhiều thế hệ, hai bài thơ ấy vẫn được coi là những tác phẩm bộc lộ niềm cảm thông trước hoàn cảnh cực kỳ khó khăn của Phan Thanh Giản và bày tỏ lòng thương tiếc đối với ông. Ít năm gần đây, một vài tác giả ở trong nước biện luận rằng Nguyễn Đình Chiểu đã không thực sự thương tiếc Phan Thanh Giản, mà chỉ làm ra vẻ thương tiếc để mai mỉa và lên án ông. Những hàng phía sau là một cố gắng đọc lại bài thơ điếu bằng chữ Hán một cách cẩn trọng, để tìm hiểu chủ ý đích thực của Nguyễn Đình Chiểu khi sáng tác bài thơ ấy.
Khi Phan Thanh Giản quyên sinh năm 1867, Nguyễn Đình Chiểu bị mù đã được 18 năm (từ 1849). Các tác phẩm bằng quốc âm của vị thầy mất thị giác đã được các môn sinh của ông chép ra bằng chữ Nôm rồi về sau chuyển đổi sang chữ quốc ngữ. Các tác phẩm bằng chữ Hán hẳn cũng được ghi ra chữ Hán, nhưng sau một số lần sao đi chép lại, những chữ đồng âm nhưng khác nghĩa và những chữ có âm gần giống nhau đã rơi vào tình trạng “tam sao thất bổn,” khiến chúng ta thấy xuất hiện một số bản chữ Hán với cách viết và ý nghĩa khác nhau. Trước khi ông Lê Thọ Xuân liên lạc được với người con của Nguyễn Đình Chiểu là ông Nguyễn Đình Chiêm và cung cấp một bản thuộc loại “có thẩm quyền” cho bài thơ chữ Hán năm 1933 (bài Danh nhơn Nam Kỳ, Đồng Nai số 23 & 24, 15 Janvier – 2 Février 1933), chúng ta đã thấy có bản chữ Hán do ông Nguyễn Liên Phong đưa ra năm 1909 trong Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca (cuốn thứ 2, trang 71), và bản chữ Hán do ông Thái Hữu Võ đưa ra năm 1927 trong Phan Thanh Giảng truyện (Sài Gòn: Xưa nay, trang 46-47). Nhưng ông Lê Thọ Xuân chỉ cho biết là hai bài thơ do ông Thái Hữu Võ cung cấp có nhiều chỗ sai, và nêu ra những chỗ sai ấy bằng chữ quốc ngữ, chứ không cung cấp một bản viết đầy đủ và chính xác cho bài thơ chữ Hán. Những năm sau, bà Mai Huỳnh Hoa, cháu ngoại của bà Sương Nguyệt Anh (con gái của Nguyễn Đình Chiểu) và chồng bà là học giả Phan Văn Hùm, trong cuốn Nỗi lòng Đồ Chiểu (bản in lần thứ hai, Sài Gòn: Tân Việt, 1957), cũng chỉ làm như thế, không cung cấp một bài thơ đầy đủ và chính xác ở dạng chữ Hán.
Muốn biết hai bản chữ Hán với khá nhiều sai lầm của các ông Nguyễn Liên Phong và Thái Hữu Võ, xin vui lòng đọc trong cuốn Mối thâm tình của Nguyễn Đình Chiểu dành cho “quan Phan” Phan Thanh Giản của Winston Phan Đào Nguyên ([San Jose, Calif.]: Nhân Ảnh, 2022, các trang 55 và 61-62). Tác giả đã đưa cuốn sách lên mạng tại địa chỉ sau đây: https://app.box.com/s/p7e...ty0l1asrqkewxuck6bwqw7rny
Theo ông Lê Thọ Xuân, với bài thơ chữ Hán của Nguyễn Đình Chiểu, bản do ông Thái Hữu Võ đưa ra trong Phan Thanh Giảng truyện sai 8 chữ, thêm sự kiện hai chữ “thần” với những nghĩa khác nhau (“thần linh”神 và “vị quan, người bày tôi”臣) bị đặt sai chỗ, khiến ý nghĩa khác đi rất nhiều. Coi lại bản chữ Hán của ông Nguyễn Liên Phong, đối chiếu với bài viết của ông Lê Thọ Xuân, chúng tôi thấy có 7 chữ sai. Hai chữ “thần” cũng bị chép không đúng chỗ như thế.
Khi phân tích bài thơ chữ Hán của Nguyễn Đình Chiểu, một vài tác giả ở trong nước trong ít năm gần đây đã dựa vào những bản bị chép sai ấy, đưa tới một số ngộ nhận rất đáng tiếc.
Mãi tới 15 năm trước đây, nhân được đọc một tài liệu Hán Nôm chép tay của gia đình Nguyễn Đình ở Bến Tre do bà Âu Dương Thị Yến cất giữ, nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh mới cung cấp cho chúng ta một bài thơ chữ Hán thuộc loại có thẩm quyền trong Việt Nam bách gia thi (Sài Gòn: NXB Văn Hoá, 2005). Đối chiếu bài này vói bài thơ chữ Hán chỉ có âm Hán Việt do học giả Phan Văn Hùm cung cấp sau khi tham khảo với ông Nguyễn Đình Chiêm, chúng tôi thấy hai bản gần như giống hệt nhau. Chỉ có hai chỗ khác trong câu 2, nhưng ý nghĩa không thay đổi nhiều:
Bản của ông Phan Văn Hùm: “Vi quân nan bảo nhất phương dân”.
Bản của ông Cao Tự Thanh: “Vi công thuỳ bảo nhất phương dân”.
Trước những tranh luận sôi nổi về ý nghĩa của bài thơ mới được đưa ra gần đây, chúng tôi xin đóng góp chút nhận thức thô thiển. Trước khi làm việc này, chúng tôi có hoàn cảnh trao đổi thêm với hai vị có căn bản Hán học vững chắc ở ngoài nước, là Tiến sĩ Nguyễn Duy Chính và cô Nguyễn Ngọc Dung.
Câu 1:
歷仕三朝獨潔身
Lịch sĩ tam triều độc khiết thân
Câu này ý nghĩa khá đơn giản: Làm quan trải ba triều vua (Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức), riêng mình giữ được tấm thân trong sạch.
Câu 2:
微君難保一方民
Vi quân nan bảo nhất phương dân
Nếu không có ông, rất khó bảo vệ dân chúng một phương. Câu này muốn nói tới dân chúng miền Nam. Phan Thanh Giản từng được cử làm Khâm sai, Kinh lược sứ Nam kỳ, rồi về sau, Kinh lược sứ ba tỉnh miền Tây.
Chúng tôi đưa ra câu trên theo bản in trong Nỗi lòng Đồ Chiểu của Phan Văn Hùm. Trong Việt Nam bách gia thi của Cao Tự Thanh, câu ấy là:
微公谁保一方民
Vi công thuỳ bảo nhất phương dân.
Nếu không có ông, ai sẽ bảo vệ dân chúng một phương. Tuy ý nghĩa không khác nhau bao nhiêu, chữ “công” (ông, tướng công) trong bản của Cao Tự Thanh có vẻ thích hợp hơn. Phan Thanh Giản (sinh năm 1896) hơn Nguyễn Đình Chiểu (sinh năm 1922) 26 tuổi. Phan Thanh Giản là vị “Tiến sĩ khai khoa” cho miền Nam, một Hiệp biện Đại học sĩ, Khâm sai, Kinh lược đại thần, trong khi Nguyễn Đình Chiểu mới đậu Tú tài và chưa làm quan. Thêm vào đó, Nguyễn Đình Chiểu rất tôn trọng Phan Thanh Giản, vẫn thường nhắc đến ông qua các từ “Phan học sĩ, quan Phan.”
Câu 3:
龍湖寧負書生老
Long Hồ ninh phụ thư sinh lão
Long Hồ là tên cũ của tỉnh Vĩnh Long. Chữ “ninh” ở đây có nghĩa là “thà rằng, đành,” như trong câu “Ninh thọ tử bất ninh thọ nhục” (đành chết chứ không chịu nhục). Một số vị dịch thơ trước đây cho rằng chữ “phụ” trong câu này có nghĩa là “phụ lòng.” Chẳng hạn như trong bản dịch của nhà thơ tiền bối Thượng Tân Thị (1888-1966):
Long Hồ phụ lão thư sinh,Hay trong bộ Nguyễn Đình Chiểu toàn tập do các ông Ca Văn Thỉnh, Nguyễn Sỹ Lâm, Nguyễn Thạch Giang biên soạn năm 1997 (Hà Nội: Văn Học, tập 2, trang 51-52):
Ở nơi các Phụng không đành làm quan.
Long Hồ thà phụ thư sanh lãoTheo các tự điển, chữ “phụ” 負 ấy cũng có nghĩa là “vác, mang, gánh,” dùng theo nghĩa bóng là “gánh vác.” Chúng tôi tin rằng đó là ý của Nguyễn Đình Chiểu trong câu này. “Ninh phụ” có nghĩa: “đành phải ra gánh vác.”
Phụng các suông quy học sĩ thần.
Khảng khái cần vương dịBốn chữ “thung dung tựu nghĩa” nói đến việc Phan Thanh Giản ung dung chọn cái chết sau khi không giữ nổi Vĩnh Long.
Thung dung tựu nghĩa nan
(Khảng khái giúp vua là chuyện dễ,
Thung dung chết vì nghĩa mới khó.)
歷仕三朝獨潔身Dịch thơ (Nguyễn Mỹ Ngọc và Trần Từ Mai):
微君難保一方民
龍湖寧負書生老
鳳閣空歸學士神
秉節曾勞生富弼
盡忠何恨死張巡
有天六省存亡事
安得從容就義臣
Lịch sĩ tam triều độc khiết thân
Vi quân nan bảo nhất phương dân
Long Hồ ninh phụ thư sinh lão
Phượng Các không quy học sĩ thần.
Bỉnh tiết tằng lao, sinh Phú Bật
Tận trung hà hận, tử Trương Tuần
Hữu thiên, lục tỉnh tồn vong sự
An đắc thung dung tựu nghĩa thần.
Làm quan trải ba triều vua, riêng mình giữ được tấm thân trong sạch.
Không có ông, rất khó bảo vệ dân chúng một miền.
Người học trò già đành ra gánh vác [việc giữ] Long Hồ
Hồn người học sĩ khó trở về Phượng Các.
Giữ tiết, từng gian lao, sống như Phú Bật đời Tống
Dốc hết lòng trung, còn hận gì nữa, chết như Trương Tuần đời Đường.
Chuyện còn mất của sáu tỉnh có trời ở trong.
Cốt sao có được người bày tôi thung dung chết vì nghĩa.
Thanh khiết ba triều vẹn tấm thân,PHỤ LỤC: BA BẢN DỊCH THƠ KHÁC
Một phương nguy khó gắng che dân.
Long Hồ đành chĩu vai nguyên lão,
Phượng Các khôn mong vía học thần.
Sống đã gian lao theo Phú Bật,
Chết đâu tiếc hận với Trương Tuần.
Mất còn sáu tỉnh, trời cao biết,
Sao được thung dung trọn nghĩa nhân.
Mình trong sạch trải thờ ba chúa,Bản dịch trong Nguyễn Đình Chiểu toàn tập của Ca Văn Thỉnh, Nguyễn Sỹ Lâm, Nguyễn Thạch Giang (1997):
Không ông ai che chở dân lành.
Long Hồ phụ lão thư sinh,
Ở nơi các Phụng không đành làm quan.
Cầm tiết nhọc sống chàng Phú Bật,
Chết ngay sao giận uất Trương Tuần.
Mất còn sáu tỉnh trời phân,
Thung dung tựu nghĩa làm thần khó thay.
Thờ trải ba triều trọn sạch thân,Bản dịch của Cao Tự Thanh (2005):
Không ông ai đỡ một phương dân.
Long Hồ thà phụ thơ sanh lão,
Phụng Các suông quy học sĩ thần.
Giữ tiết nhọc nhằn còn Phú Bật,
Hết trung nào giận mất Trương Tuần.
Mất còn sáu tỉnh trời kia biết,
Sao đặng thung dung tựu nghĩa thần?
Ba triều rõ mặt bậc tôi lành,Nhận xét:
Che chở cho dân buổi lửa binh.
Phượng các khôn về hồn học sĩ,
Long Hồ thà chịu tiếng thư sinh.
Sống từng nhọc bấy thân đi sứ,
Chết lại hờn chi phận giữ thành.
Sáu tỉnh mất còn, trời đã định,
Nhưng tìm đâu được kẻ trung trinh.
(Việt Nam bách gia thi)
Gửi bởi Vanachi ngày 24/11/2024 08:17
Thờ trải ba triều trọn sạch thân,
Không ông ai đỡ một phương dân.
Long Hồ thà phụ thơ sanh lão,
Phụng Các suông quy học sĩ thần.
Giữ tiết nhọc nhằn còn Phú Bật,
Hết trung nào giận mất Trương Tuần.
Mất còn sáu tỉnh trời kia biết,
Sao đặng thung dung tựu nghĩa thần?
Gửi bởi tôn tiền tử ngày 01/12/2024 16:01
Trải việc ba triều trọn sạch thân.
Không ông ai đỡ một phương dân.
Long Hồ uổng kẻ thơ sanh lão,
Phụng các không ai học sử thần.
Giữ tiết nhọc nhằn sống Phú Bật,
Hết trung nào giận thác Trương Tuần.
Có trời sáu tỉnh kia còn mất,
Khó đặng thung dung tựu nghĩa thần.