Đăng bởi Vanachi vào 11/07/2005 19:52, đã sửa 5 lần, lần cuối bởi Vanachi vào 03/08/2023 11:25

無題(相見時難別亦難)

相見時難別亦難,
東風無力百花殘。
春蠶到死絲方盡,
蠟炬成灰淚始幹。
曉鏡但愁雲鬢改,
夜吟應覺月光寒。
蓬萊此去無多路,
青鳥殷勤為探看。

 

Vô đề (Tương kiến thì nan biệt diệc nan)

Tương kiến thì nan biệt diệc nan,
Đông phong vô lực bách hoa tàn.
Xuân tàm đáo tử ty phương tận,
Lạp cự thành hôi lệ thuỷ can.
Hiểu kính đãn sầu vân mấn cải,
Dạ ngâm ưng giác nguyệt quang hàn.
Bồng Lai thử khứ vô đa lộ,
Thanh điểu ân cần vị thám khan.

 

Dịch nghĩa

Gặp gỡ nhau đã khó, chia lìa nhau lại càng khó,
Gió xuân không đủ sức, để trăm hoa tàn úa.
Tằm xuân đến chết mới nhả hết tơ,
Ngọn nến thành tro mới khô nước mắt.
Sớm mai soi gương, buồn cho tóc mây đã thay đổi,
Ngâm thơ ban đêm chợt nhận ra ánh trăng lạnh lẽo.
Đường từ đây tới Bồng Lai dù không xa,
Chim xanh hãy vì ta mà ân cần thăm dò tin tức.


Đây là một trong những bài thơ bí hiểm của Lý Thương Ẩn. Có thuyết cho rằng đây là một bài thơ bày tỏ tình cảm. Nguyên Lý Thương Ẩn sau Cam Lộ chi biến năm Thái Hoà thứ 8 (834) đời Đường Văn Tông cũng bị ảnh hưởng tới quan lộ, nên lánh đời đi học đạo tiên tại Linh Đô quán phía đông núi Ngọc Dương trong khoảng 4 năm. Trong thời gian này ông có gặp một cung nữ họ Tống hầu hạ cho công chúa ở Thanh Đô quán ở ngọn phía tây núi. Hai người khi gặp gỡ rất quyến luyến, nhưng sau đó cung nữ theo công chúa nhập đạo. Hai người một đông một tây núi khoảng cách khá gần nhưng Lý không có cách nào gặp, vì vậy mới làm bài thơ này. Bồng Lai ở câu thơ này chính là ám chỉ Thanh Đô quán. Lý Thương Ẩn còn có các bài thơ Tặng Hoa Dương Tống chân nhân kiêm ký Thanh Đô Lưu tiên sinh 贈華陽宋真人兼寄清都劉先生, Nguyệt dạ trùng ký Tống Hoa Dương tỷ muội 月夜重寄宋華陽姊妹 liên quan tới mối quan hệ này.

Thuyết khác cho rằng bài thơ này làm năm Thái Trung thứ 5 (851) đời Đường Tuyên Tông. Ông từng làm phán quan trong mạc phủ của Vũ Ninh quân Tiết độ sứ Lư Hoằng Chỉ 盧弘止 ở Trừ Châu. Mùa xuân năm Thái Trung thứ 5 (851), Lư Hoằng Chỉ bệnh qua đời, Lý Thương Ẩn từ Trừ Châu về Trường An. Thời gian này phe của Ngưu Tăng Nhụ 牛僧孺 đang nắm quyền, và con trai của Lệnh Hồ Sở 令狐楚 là Lệnh Hồ Đào 令狐綯 nhậm Tể tướng kiêm Lễ bộ Thượng thư. Lý Thương Ẩn thời trẻ từng cùng Lệnh Hồ Đào học Lệnh Hồ Sở, năm Khai Thành thứ 2 (837) vào kinh và được Lệnh Hồ Đào tiến cử nên đỗ tiến sĩ, hai người trở nên thân thiết. Sau đó Lý Thương Ẩn tới làm trong mạc phủ và trở thành con rể của Vương Mậu Nguyên 王茂元, bị coi là bè đảng xa của Lý Đức Dụ 李德裕 nên quan lộ trắc trở, sau đó phiêu bạc một thời gian. Khi trở về Trường An từ Trừ Châu, Lý Thương Ẩn lại không còn nơi trông cậy, nên mong được Lệnh Hồ Đào tiến cử. Ông viết một số bài thơ vô đề để bày tỏ, đây là một bài.

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 6 trang (57 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] [6] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Bản dịch của Huyền Lâm

Gặp gỡ, chia ly khó vạn ngàn
Trăm hoa tơi tả gió đông sang
Com tằm đến chết tơ thôi nhả
Ngọn nến lụn đi lệ mới tàn
Sáng ngắm trong gương buồn tóc điểm
Đêm ngâm thợ chợt lạnh trăng ngàn
Non Bồng chốn ấy không nhiều lối
Chim hãy giúp ta chỉ nẻo đàng

Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Huyền Lâm

Gặp nhau, chia biệt khó thay
Gió đông lay nhẹ trăm đài hoa rơi
Nhả tơ tâm chết mới thôi
Nến tàn bất lụn lệ rồi mới ngưng
Sáng soi tóc bạc nửa lừng
Đêm ngâm thơ chợt lạnh lùng bóng trăng
Bồng lai lối ấy khó tầm
Chim ơi chỉ hộ một lần cho ta

Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Truy mộng

Tuơng phùng ly biệt trăm ngàn khó
Gió đông khẽ thổi vạn hoa tàn
Tằm tơ chưa dứt lòng vương vấn
Nến kia cháy hết lệ chưa tàn
Guơng buồn tóc xanh ngày một ít
Tàn thơ trăng lạnh cùng đêm thâu
Bồng Lai trăm nẻo không đến được
Nhờ cánh chim xanh gửi chút tình

Hữu ý tài hoa hoa bất phát
Vô tâm sáp liễu liễu thành âm
Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Trần Trọng San

Xa nhau khó tựa gặp nhau
Gió đông không sức hoa rầu xác xơ
Thác rồi tàm mới hết tơ
Tàn rồi nến mới cạn khô lệ sầu
Soi gương buồn tóc đổi màu
Ngâm đêm mới biết trăng thâu lạnh lùng
Có xa xôi mấy non bồng
Dò đường hỏi lối cây cùng chim xanh

Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Nguyễn Văn Dũng vicar

Lúc gặp nhau khó xa cũng khó
Gió xuân đã lặng mọi hoa tàn
Tằm xuân đến chết tơ còn vướng
Lệ nến thành tro mới thôi tràn
Gương sớm sầu chi mai tóc đổi
Đêm ngâm thấy lạnh ánh trăng ngàn
Bồng Lai đến đó nào xa lối
Chim xanh ân cần hỏi đường sang

Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Anh Nguyên

Gặp nhau, ly biệt, khó thay,
Gió đông không sức để lay hoa tàn.
Chết, tầm mới hết tơ vàng!...
Nến thành tro, lệ mới đang khô dần.
Soi gương, tóc bạc, buồn thân,
Ngâm thơ, trăng sáng trước sân lạnh lùng.
Ít đường đi tới non Bồng,
Thăm đường dò lối, hỏi cùng chim Xanh...

Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Nhất Nguyên

Gặp khó mà xa lại khó hơn
Gió đông tuy nhẹ trăm hoa tàn
Xuân tằm vừa chết tơ liền dứt
Bấc nến thành tro lệ sáp hanh
Gương sớm soi buồn mai tóc đổi
Thơ đêm ngâm lạnh ánh trăng vàng
Bồng Lai đây tới không nhiều lối
Sẽ nhắn chim xanh cố giúp anh.

Nhất Nguyên
Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Trần Đông Phong

Gặp nhau thời khó, chia tay khó
Không sức trăm hoa luỵ gió đông
Tằm xuân đến chết tơ chưa dứt
Ngọn nến thành tro lệ mới dừng
Buồn sáng soi gương tóc đã đổi
Thấy đêm ngâm khúc lạnh lùng trăng
Bồng Lai xứ ấy bao đường đến
Khẩn khoản chim xanh giúp dẫn đường.

Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Trương Việt Linh

Khó gặp nên rồi cũng khó xa
Gió đông hiu hắt rụng trăm hoa
Tằm xuân đến thác tơ đành hết
Sáp nến thành tro lệ mới nhoà
Sớm ngắm gương xưa sầu tóc úa
Đêm ngâm thơ cũ hận trăng ngà
Bồng Lai đến đó bao nhiêu lối
Dọ nẻo chim xanh cậy giúp ta

Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Nguyễn Minh

Gặp đã khó, chia tan cũng khó
Trăm hoa tàn trước gió xác xơ
Tằm xuân chết, hết vương tơ
Nến thành tro bụi mới khô lệ sầu
Soi gương hận vì màu mái tóc
Trăng lạnh lùng thao thức ngâm thơ
Bồng Lai mộng ảo xa mờ
Muốn đi ắt hẳn phải nhờ chim xanh.

Chưa có đánh giá nào
Trả lời

Trang trong tổng số 6 trang (57 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] [6] ›Trang sau »Trang cuối