Tác giả: Nguyễn Long Khánh


Chế Lan Viên có câu thơ rất hay viết về hạnh phúc:

Khi được lúa, ta được cả chim trời đến hót
Hạnh phúc trở về, hạnh phúc hoá thành đôi.

Câu thơ ấy ứng vào những năm cuối khi từ giã quan trường của Hồ Anh Tuấn: Năm 2005 anh được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, đó là sự khẳng định muộn màng với một người đã yêu, đã tin, gửi gắm cả đời mình cho thơ với một sự mê đắm lạ lùng... Anh đã đi trên con đường gập ghềnh, gian khó, khổ đau ấy "con đường ảo của người làm thơ" như anh tự bạch, để viết những câu thơ có ích cho nhân sinh thế thái muôn đời ... Điều thứ hai đáng mừng hơn: anh làm được một ngôi nhà nhỏ trong chiếc ngõ ồn ã, chật hẹp của những người lao động ở phố ven sông. Ngôi nhà giản dị chắc sẽ rất đỗi ấm áp, ngọt ngào với hơn con người hơn 40 năm ăn cơm cơ quan, ngủ giường cá nhân như anh. Điều mừng thứ ba là anh được giải thưởng văn học nghệ thuật lần thứ 2 của thành phố Hoa phương đỏ (năm 2004 - 2005). Đó là sự thừa nhận tài năng của nhà thơ huyện đảo đã gắn cuộc đời mình với thành phố biển. Anh đã có 5 tập thơ, 1 cuốn truyện thiếu nhi, 83 bài hát phổ thơ anh... tất cả đều có dấu tích của Hải Phòng, thành phố đã trở thành quê hương thứ hai của anh, hệt mảnh đất Quỳnh Lưu, Nghệ An - nơi anh đã sinh ra.

Hồ Anh Tuấn sinh năm 1943, ở xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An trong một gia đình trí thức nghèo, hiếu học... Cha anh là nhà báo Việt Quỳnh công tác nhiều năm ở Phòng biên tập tuyên truyền đối ngoại - Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam. Anh có 7 chị em, 4 trai, 3 gái. Cả 4 anh em trai đều học hành thành đạt, trong đó có ba người theo nghiệp cha mình: đó là Hồ Anh Tuấn và hai người em. Nhà báo Hồ Anh Tài hiện là quyền Tổng biên tập báo Người đại biểu nhân dân và nhà văn Hồ Anh Thái - Chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội... Duy có Hồ Anh Tú, người em kế anh là chọn ngành kỹ thuật: giám định hàng hải hiện ở thành phố Hồ Chí Minh.

Hồ Anh Tuấn làm thơ từ lúc còn là cậu học sinh cấp III ở Nam Định. 17 tuổi anh đã có bài thơ "Thi tài" đăng trên báo Tiền Phong (1960) làm cha anh và thầy cô giáo, bạn bè cùng học ngạc nhiên. Tốt nghiệp phổ thông, anh thi đỗ đại học, vào học khoa văn - Trường đại học Sư phạm Hà Nội. Năm 1965 ra trường, anh về dạy học ở Trường cấp III Cát Hải, Hải Phòng ... Sau làm hiệu trưởng Trường, rồi làm Trưởng phòng Giáo dục và tiến lên giữ chức Phó Chủ tịch UBND huyện Cát Hải trong nhiều năm. Anh lấy vợ, sinh con, trở thành dân huyện đảo...Nhìn con đường công tác thăng quan tiến chức của Hồ Anh Tuấn, ít ai tin anh vẫn giữ được tình yêu bền chặt thuỷ chung với thơ ca. Ngay cả khi đã làm Phó chủ tịch huyện đảo, thời mở cửa bận tối tăm mặt mũi, Hồ Anh Tuấn vẫn dành thời gian làm thơ, dù thơ lúc ấy gây cho anh không ít phiền hà, đôi lúc làm anh ngơ ngác, lạc lõng chỉ còn là "cái bóng của chính mình"... Phải chăng chính từ tình yêu thơ ấy đã cho anh những phút thăng hoa nhìn thấy ở Cát Bà, hòn đảo hoang vu ngày ấy như một cánh chim hoang kì vĩ sẽ bay lên:

Đảo Cát
Con rơi của trời và đất
Bờ bãi như cười như khóc
Người đến, người đi
Cánh chim hoang ...
(Cánh chim hoang)

Hãy nghe anh hát với những người ngư dân trên đảo sau những ngày đi biển về trên bãi cá:

Thuyền ngả nghiêng trên cát
Khách chẳng về, vịn vai ngư dân hát
Giọng phường phố bè kim
Ngư phủ thì bè bát
Âm thanh rối vào nhau
Lưới giã lùng nhùng.
(Hát với ngư dân sau ngày đi biển)

Còn đây anh viết về Làng đảo, nơi gia đình mình sống:

Tiếng tắc kè cứa vào thớ đá
Đèo lau rớt lại tiếng ai cười
Làng đảo...
Núi gầy guộc dáng đợi
Biết có khi bão từ chân trời ập tới
Vẫn mong manh tít xa
Chờ cánh chim về...
(Làng Đảo)

Hồ Anh Tuấn đã viết về huyện đảo Cát Bà nhiều bài thơ thật ấn tượng, khắc hoạ sắc nét về người và cảnh như: Thị trấn Biển, Làng Đảo, Đường xuyên đảo, Đêm đi thuyền trên vịnh Lan Hạ, Cánh chim hoang, Hát với ngư dân sau ngày đi biển, Mảnh trăng bờ cát... Qua thơ Hồ Anh Tuấn, Cát Bà đã trở nên giầu có, huyền diệu, quyến rũ với bao người. Có thể gọi anh là "nhà thơ của đảo" ở Hải Phòng.

Hồ Anh Tuấn là một nhà giáo, hiệu trưởng rồi Trưởng phòng Giáo dục huyện Cát Hải, một người suốt đời tận tụy với sự nghiệp trồng người. Khi còn làm trưởng phòng giáo dục huyện Cát Hải, lúc đó đảo còn hoang vắng, anh đã lội suối, băng rừng vượt đèo để đến kiểm tra việc dạy và học ở các trường cơ sở khắp các xã heo hút. Chính từ tình yêu của người thầy với mái trường, với các em học sinh thân yêu, anh đã viết "Cổng trường", một bài thơ được các bạn đồng nghiệp, các em học sinh yêu quý, chép vào sổ tay của mình. Nhiều thầy cô giáo ở khắp nơi gửi thư chia sẻ sự đồng cảm chân thành về hình ảnh "công trưởng" của Hồ Anh Tuấn.

Cổng trường lưu giữ niềm thương
Ai từng qua, sẽ vấn vương suốt đời...

Tình yêu trong sáng với cái nhìn đôn hậu như hương lúa sớm, như mạch nước nguồn đã khiến Hồ Anh Tuấn đi đến đâu, gặp cảnh gặp người đều có những bài thơ dạt dào cảm xúc chân thành đằm thắm. Anh nhìn thấy vẻ đẹp thiêng liêng ở "Hoàng hôn thánh địa Mỹ Sơn", và "Hoài cảm trước Ngũ Hành Sơn", anh nhìn Phủ Lý "Thị xã như câu thơ ngủ bên sông", rồi "Duyên em Đà Lạt ngỡ ngàng Cao nguyên", anh lên núi Côn Sơn thấy "Tay áo Nguyễn Trãi vương mây trời", đến thăm đền Trạng Trình ngày xuân, cảm tác tự thán:

Mới hay danh vọng xưa nay
Hào hoa cái tiếng, đắng cay trong lòng.

Sang nước bạn Trung Hoa, đến Tô Châu anh nhớ đến Tây Thi, anh cảm nhận được vẻ đẹp cổ thi của đêm ở Bắc Kinh, ở Hoàng Phố, một đêm uống rượu ngẫu hứng với bạn thơ ở Ly Giang... Tất cả đều được anh ghi lại bằng những câu thơ xúc động, nặng nghĩa tình.

Tôi rất yêu những bài thơ Hồ Anh Tuấn viết về cha mẹ, về làng quê Quỳnh Lưu lam lũ của anh. Ai cũng cảm động trước những câu thơ về tình mẫu tử anh viết khi đưa hài cốt mẹ về quê sau bao năm xa cách:

Mẹ nằm giữa thảm lúa non
Lúc tha hương vẫn gửi hồn về đây
Níu cho mẹ một áng mây
Trong xanh đến thế mộ này trắng trinh.
(Cuối thu đưa mẹ về quê)

Hay khi mẹ ốm, anh - đứa con mới 5 tuổi ru mẹ ngủ:
Mẹ ru con ngủ ngàn lần
Bây giờ mẹ ốm mẹ nằm, con ru
... Ru mà như thể hát lên
Ngây thơ nấc nở mà lên ngọt ngào
Ru mà không phải ca dao
Những bài mẫu giáo hôm nao đến trường.
(Con ru mẹ ngủ)

Xúc động thay lời ru của đứa con hiếu thảo. Đối với quê hương cũng vậy, dù phải xa quê từ hồi trai trẻ đi lập nghiệp, sau mấy chục năm mới trở về, nhưng hình ảnh "làng quê" vẫn khắc đậm trong anh, đến mức anh nhớ từng kỉ niệm nhỏ nhoi nhất:

Trăng vỡ chân người trắng xoá
Cá đớp sung, dạt hoa muống bờ ao
Giếng làng thả gầu mo cau
Nồi sành sóng sánh lá tre
Nhún nhảy bờ vai quẩy chiều về
Phơi phới lòng bao cô gái trẻ.
(Làng)

Phải hiểu và yêu quê đến mức nào mới viết được những câu thơ thế này:

Tàn xuân bừng hoa gạo đỏ
Mẹ dọn ổ rơm gửi rét về trời
Ngõ trúc ngây thơ lời hờn dỗi
Mơ hồ trống hội thâu đêm.
(Làng)

Nói về thơ Hồ Anh Tuấn, không thể không nói đến mảng thơ tình mặn mà, tha thiết, nặng lòng với những người phụ nữ đi qua đời anh. Có những bài thơ đã đạt được sự thăng hoa trong tình yêu, nó làm trái tim mỏi mệt của chúng ta trẻ lại dù qua bao năm tháng phong trần. Trong bài "Lang thang phố Cấm nửa đêm", khi Hồ Anh Tuấn thốt lên:

Đi qua năm tháng phong trần
Buông trong danh lợi phù vân hão huyền
Còn may giữ được trong tim
Một số nhà, một dáng em thuở nào.

Ôi chao! Hồ Anh Tuấn đã nói lên "nỗi niềm thầm kín" của biết bao người nhớ về tình yêu lỡ dở xa xưa với một tình cảm bao dung, nhân ái, thân thương đến lạ lùng:

Phố dẫu cấm, tình dẫu chia
Mà sao bến Cảng đam mê suốt đời.

Còn đây, Hồ Anh Tuấn lãng mạn, đa tình biết mấy khi anh "Hành hương với gái có chồng", anh vấn vương, bối rối đến mức thế này:

Mười tám đời vua vẫy tôi lên
Thiếu phụ hồi xuân dẫn tôi lên
Vua trên cao, em bên cạnh
Mình leo lên chính trái tim mình.

Và ta bỗng nhẹ lòng, khi anh tự "hoá giải" tình cảm của mình:

Có cả niềm khát khao chết người
Và niềm khát khao làm lớn con người ?
(Hành hương với gái có chồng)
Thật tỉnh táo, nhân văn lắm chứ !

Hồ Anh Tuấn còn có "Mảnh trăng bờ cát" - một bài thơ tình đam mê khát khao, mãnh liệt, thật lãng mạn mà trong sáng khi anh viết về đôi người yêu ngắm trăng trên bờ cát. Bài thơ đã được nhà thơ Tô Ngọc Thanh mê đắm, chia sẻ trong một bài bình thơ. Đặc biệt, bài thơ "Ra sông giặt áo cho chồng" đã được nhiều nhà văn, nhà thơ, bè bạn trong cả nước phân tích, khen ngợi. Anh phải có một trái tim nhân hậu, cảm thông đến tận đáy lòng với những người phụ nữ chịu nhiều đau khổ mất mát trong chiến tranh mới giúp Hồ Anh Tuấn viết được bài thơ như thế.

Phải nói thêm về một số bài thơ Hồ Anh Tuấn viết về những người lao động bình dị đời thường. Anh đã nói hộ chúng ta niềm cảm phục trước những việc làm của họ để cuộc sống hôm nay trong sạch, đẹp hơn lên. Những bài thơ: Người chở rác tự bạch, Bãi rác, Niềm vui của người đánh cá, Hát với ngư dân sau ngày đi biển, Nghĩ về người móc cống... là những khúc ca viết về người lao động. Chỉ có anh mới có cái nhìn chân thực gần như "chụp lại" người ngư dân trên đảo sống động đến thế:

Đi biển về quẳng áo lên sạp thuyền
Rách một mảng bình minh
Bưng bát cơm tròng trành
Ly rượu cốm soi mặt người sóng sánh
... Khi ngủ nằm co
Chân vợ, chân chồng đan vào chân con cái
Lúc tâm sự cũng hét to
Con mắt gửi trao cũng nhàu sóng gió.
(Thị trấn biển)

Hay anh nghĩ về người móc cống già trong thành phố:

Phố trong lành thanh thản bước chân em
Hoa sữa ngạt ngào trong công viên
Khi mỗi mai, người móc cống già cúi mặt xuống đất
Nhận về mình về nỗi khiếp sợ đầu tiên.
(Nghĩ về người móc cống)

Còn nhiều điều về thơ Hồ Anh Tuấn mà tôi chưa nói hết. Không phải ngẫu nhiên mà 83 bài thơ của anh được nhạc sĩ phổ nhạc thành bài hát: Chính vì trong câu thơ anh có nhạc, có vẻ đẹp ngọt ngào, âm hưởng dân dã mới bay lên trở thành câu hát. Hồ Anh Tuấn là người làm thơ cẩn thận, chỉn chu từng câu, từng chữ. Những bài thơ lục bát của anh nhuần nhuyễn, có tính truyền thống, nhưng anh cũng là người chịu tìm tòi, cách tân trong cách nghĩ, cách viết để thơ luôn đổi mới về hình thức và nội dung. Anh là người hiểu rõ thơ mình, không tự bằng lòng luôn gắng vượt lên. Ở anh quý nhất là sự khát khao, không thoả mãn với mình. Ở tuổi 63, anh vẫn sáng tác được "Chuyện chàng dũng sĩ dưới biển" thật hấp dẫn cho thiếu nhi. Điều đó chứng minh sức sống trẻ trung ở anh. Chỉ tiếc thơ anh còn ít bài viết về những mảng tiêu cực, những chuyện buồn về nhân tình thế thái cuộc đời hay những suy nghĩ sâu sắc về thời cuộc... Biết làm sao được, khi ở đâu anh cũng giữ những cương vị quan trọng đến mức luôn phải chú trọng đến sự an toàn?! Ấy thế mà trong cuộc đời làm quan, anh vẫn như người mộng du trong cỗ máy công quyền đang vận hành trơn tru, dửng dưng kia... Anh luôn là một chi tiết, một con ốc đặt chưa đúng chỗ? Chỉ vì tâm hồn anh trót gắn bó với thi ca, mang nặng điều nhân nghĩa, trí tín của kẻ sĩ, cái duyên nghiệp ấy làm  anh nghèo, dằn vặt đến suốt cuộc đời...

Hồ Anh Tuấn là một người hết lòng với thơ, anh cần mẫn, chăm chút gieo hạt mang đến cho đời những mùa lành để con người sống tốt, nhân ái với nhau hơn... Sắp tới Hồ Anh Tuấn sẽ về sống ở ngôi nhà của mình... Ở đấy anh sẽ có những ban mai, những hoàng hôn trong không gian nhỏ yên tĩnh, hy vọng ở những bài thơ mới của anh sẽ có nắng, có gió, có vị mặn của muối biển và cả chút giông bão của cuộc đời, chiêm nghiệm của anh... Để thơ anh đồng hành, thân thiết mãi với đời thường ...