Bản dịch của Khương Hữu Dụng

Ông lão Tân Phong tám tám tuổi,
Đầu tóc râu mày bạc trắng toát.
Đứa chít dìu qua trước quán làng,
Tay trái vịn vai, tay phải cụt.
Hỏi ông: tay cụt bao năm nay?
Và hoi: Vì sao bị cụt tay?
- Rằng: “Huyện Tân Phong, quê lão ở,
Sinh gặp thánh triều không giặc giã.
Quen nghe tiếng hát ở trong cung,
Chẳng biết cầm thương và bắn nỏ.
Nào hay Thiên Bảo bỗng trưng binh,
Nhà ba đinh, bắt một tòng chinh.
Bắt rồi đem đầy đi đâu đó?
Tháng năm, Vân Nam tếch dặm nghìn.
Nghe nói Vân Nam có Lô Thuỷ,
Mùa hoa tiêu rụng đầy chướng khí,
Quân kéo qua sông, nước bỏng sôi,
Chưa qua, mười mạng, vài tiêu huỷ!
Xóm bắc thôn nam khóc não nề,
Lìa cha lìa mẹ, biệt thê nhi.
Rằng bao lần dẹp quân man rợ,
Nghìn vạn người đi chẳng một về.
Bấy giờ lão lứa hăm tư tuổi,
Tên sổ bộ Binh không lọt khỏi.
Lẻn lúc đêm khuya giấu mọi người,
Lấy hòn đá đập nát tay phải.
Giương cung, phất cờ đều chẳng kham,
Từ đấy được miễn trẩy Vân Nam.
Xương nát gân dần đâu chẳng khổ,
Chỉ mưu được thải về quê cũ.
Tay này bị cụt sáu mươi năm,
Mất một tay mà vẹn một thân.
Nay cứ gió mưa đêm giá rét.
Đầu hôm đến sáng nhức khôn nằm.
Nhứ khôn nằm!
Trọn đời đâu hối tiếc,
Mừng cái thân già riêng sống sót.
Nếu không, thuở ấy đầu sông Lô,
Chết bỏ Vân Nam nắm cốt khô.
Vất vưởng hồn ma nơi đất khách,
“Mồ muôn người đó”, khóc hu hu.
Hãy ghi lấy lời ông cụ:
Há chẳng nghe,
Triều Khai Nguyên tể tướng Tống Khai Phủ,
Biên công chẳng thưởng, ngừa hăng máu?
Lại chẳng nghe,
Triều Thiên Bảo tể tướng Dương Quốc Trung,
Muốn cầu tước vị lập biên công?
Công chẳng thấy đâu, dân oán dậy,
Hỏi ông ty cụt huyện Tân Phong.