Tuyển tập chung

Đăng bởi Vanachi vào 13/06/2005 22:33, đã sửa 10 lần, lần cuối bởi Vanachi vào 04/01/2021 03:53

秋興其一

玉露凋傷楓樹林,
巫山巫峽氣蕭森。
江間波浪兼天湧,
塞上風雲接地陰。
叢菊兩開他日淚,
孤舟一繫故園心。
寒衣處處催刀尺,
白帝城高急暮砧。

 

Thu hứng kỳ 1

Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm,
Vu sơn, Vu giáp khí tiêu sâm.
Giang gian ba lãng kiêm thiên dũng,
Tái thượng phong vân tiếp địa âm.
Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ,
Cô chu nhất hệ cố viên tâm.
Hàn y xứ xứ thôi đao xích,
Bạch Đế thành cao cấp mộ châm.

 

Dịch nghĩa

Trong rừng phong, móc ngọc tơi bời,
Nơi núi Vu và kẽm Vu, khí ảm đạm hiu hắt.
Dưới lòng sông, sóng và trời (soi bóng) cùng dâng trào,
Ngoài ải, gió và mây tiếp nối với đất che mờ mịt.
Khóm cúc dày đã hai lần nở chảy ra dòng lệ ngày trước,
Con thuyền lẻ loi vẫn buộc chặt nỗi lòng nhớ quê nhà.
Nơi nơi giục giã dao thước may áo rét,
Thành cao Bạch Đế tiếng chày đập áo lúc chiều tối dồn dập.


(Năm 766)

Bài thơ này được sử dụng trong các chương trình SGK Văn học 10 giai đoạn 1990-2006, SGK Ngữ văn 10 giai đoạn từ 2007.

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 4 trang (40 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Bản dịch của Cao Bá Vũ

Rừng phong hiu hắt móc sa
Vu Sơn Vu Giáp nhạt nhoà cỏ cây
Sông dài sóng dậy vờn mây
Ải xa vắng lạnh sương bay trắng trời.
Hai hàng cúc nở lệ rơi
Thuyền trông về bến càng khơi nỗi nhà
Đó đây áo ấm lo xa
Âm vang Bạch Đế chày khua thêm buồn.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Thử hữu tắc bỉ hữu
Thử vô tắc bỉ vô
Thử sinh tắc bỉ sinh
Thử diệt tắc bỉ diệt
15.00
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của mailang

Hiu hắt rừng phong, hạt móc bay,
Vu Sơn, Vu Giáp khí mù vây.
Trên sông sóng dựng trời liền nước,
Khắp ải hơi lùa đất tiếp mây.
Cúc nở hai lần, chưa dứt lệ,
Thuyền neo một chiếc, nỗi niềm tây.
Aó đông chốn chốn giục dao thước,
Thành Bạch chiều buông nhặt tiếng chày.

15.00
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

秋興其一: Thu hứng kỳ 1 của Đỗ Phủ

玉露凋傷楓樹林,
Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm,
Dịch nghĩa: hạt móc (sương) trắng làm rừng phong tiêu điều.
Nguyễn Công Trứ dịch: Lác đác rừng phong hạt móc sa. Hải Đà dịch: Sương ngọc điêu tàn cây lá phong. Thích Quảng Sự dịch: Thê lương sương phủ ủ rừng phong v,v..
Nhưng nếu chấm câu là: Ngọc lộ, điêu thương phong thụ lâm,
thì nghĩa là: Sương (móc) trắng, rừng cây phong trở thành tiêu điều.
Và Ngô Tất Tố đã dịch: Vàng úa rừng phong, hạt móc bay. mailang dịch: Hiu hắt rừng phong, hạt móc bay,  Lê Văn Phong dịch: Sương trắng, rừng phong sắc úa xuân, v,v..
Qủa thật tính đa nghĩa trong thơ Đường cho phép người đọc cảm thụ rất khác nhau và tôi nghĩ cùng đúng cùng hay cả.
Thêm nữa, cũng trong bài này 2 câu:
Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ,
Cô chu nhất hệ cố viên tâm.
叢菊兩開他日淚,
孤舟一繫故園心。
Dịch nghĩa là:
Khóm cúc hai (lần) nở, (giọt) lệ ngày trước
Con thuyền lẻ loi một (lần) buộc (lại), (tấm) lòng quê hương.
Chữ và nghĩa đều đã rõ, nhưng cái quan hệ “cúc nở hai lần”, “giọt lệ ngày trước” câu trên và “con thuyền buộc lại”, “tấm lòng quê hương” câu dưới thì hiểu thế nào đây?
Nếu hiểu:
Khóm cúc nở hoa, từ độ ấy đã hai lần làm rơi nước mắt.
Nỗi lòng quê cũ, buộc mãi với con thuyền quạnh hiu.
ta thấy các dịch giả:
Nguyễn Công Trứ:
Khóm cúc tuôn thêm dòng lệ cũ,
Con thuyền buộc chặt mối tình nhà.
Lê Nguyễn Lưu:
Đôi chòm cúc nở tuôn dòng lệ
Một chiếc thuyền neo nhớ cố hương
v,v..
Nhưng cũng có dịch giả hiểu khác và dịch khác, như Ngô Tất Tố:
Lệ tủi, sợ coi chòm cúc nở
Lòng quê, mong buộc chiếc thuyền đầy
Nguyễn Công Trứ còn có một bản dịch khác:
Khóm cúc nở, hai dòng lệ cũ
Con thuyền buộc, một mối tình nhà
Rất tài tình sát nguyên văn 2 câu của Đỗ Phủ, và giữ nguyên được cả tính đa nghĩa trong nguyên bản.
Một chi tiết nữa: 他日淚: tha nhật lệ: giọt lệ ngày trước và giọt lệ nơi tha hương (lệ khách-Lê Văn Phong dịch)

Vốn chữ Hán của tôi chỉ thuộc hạng sơ cấp, cố gắng tham khảo tra cứu nhiều, nhưng tự biết còn lắm thiếu sót, liều mạng không dấu dốt trình bày cái thiển học của mình ra, mong được chỉ cho biết thêm nhiều điều bổ ích. Mong các thi hữu châm chước.

15.00
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Đông Phong

Sương trắng rừng phong ảm đạm sa,
Vu Sơn, Vu Giáp khí giăng nhòa.
Trên sông sóng cuộn lưng trời thẳm,
Ngoài ải mây trầm mặt đất xa.
Khóm cúc đôi lần tuôn lệ khách,
Thuyền nan một thuở buộc tình nhà.
Khắp nơi thu lạnh may thêm áo,
Bạch Đế chày vang rộn bóng tà.

15.00
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

@Hoàng Giáp Tôn

Hai câu luận phải dịch là:
Khóm cúc đã hai lần nở ra những giọt lệ ngày trước,
Chiếc thuyền cô vẫn nhất nhất buộc chặt lòng trở về nhà.

Câu trên, tác giả nhìn những cánh hoa cúc giống như những hàng lệ tuôn. Tất nhiên như vậy cũng là tác giả mang những dòng lệ trong lòng mình gán cho hoa cúc. "Lưỡng khai" là hai lần, ý nói tác giả đã trải qua hai mùa thu ở xa (thu trước ở Vân An, thu này ở Quỳ Châu).
Câu dưới, "nhất" hiểu là nhất nhất, nhất định, trước sau như một không thay đổi, chứ không phải là một lần. "Cố viên" là nhà ở Thành Đô.

Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
15.00
Trả lời
Ảnh đại diện

@vanachi

Trước hết xin cám ơn vanachi đã giải nghĩa câu 5,6. Nó rất bổ ích, cho tôi thêm khả năng tiếp cận đúng lời thơ.
Trong cuốn Đường thi do Tân Dân xuất bản 1940. Câu 5 đã được Ngô Tất Tố giải nghĩa là: “Thình lình nghĩ đến cảnh mình, tác giả sực nhớ đã lênh đênh đất khách đến hai năm trời, khóm cúc ở nhà, chắc đã hai lần nở hoa, sau này về nhà trông đến những cây cúc ấy, chắc phải xót cảnh lưu lạc mà rỏ nước mắt”. Hai chữ “tha nhật” như lần trước tôi đã nêu có thể hiểu là “lệ cũ, lệ khác”, lại có thể hiểu là “lệ khách, lệ tha phương”. Phân tích như Ngô Tất Tố ở trên thì “tha lệ” phải là trường hợp thứ nhất. Song bản dịch của ông lại không phải như vậy. Cho hay đến những bậc đại nho mà tiếp cận thơ Đường cũng không tránh khỏi lúng túng, và hiểu khác nhau (ở một số bài). Tôi nghĩ tính đa nghĩa trong thơ Đường là hiện thực. Hiểu khác nhau về một bài thơ Đường cũng là hiện thực.Và đấy cũng là một nét đặc biệt khiến thơ Đường càng hay, càng hấp dẫn. Tất nhiên chính xác, tiệm cận đến một cái chuẩn là cần thiết. Nhưng chấp nhận tính đa nghĩa, hiểu khác nhau của câu thơ Đường (trong trường hợp không thể tránh được) cũng rất tốt vì nó còn phản ánh, lột tả, đồng cảm tâm trạng của những người yêu thích (dịch hoặc đọc) bài thơ đó.
Xin nhắc lại một lần nữa, vốn Hán học của tôi rất kém, chỉ do thích thơ Đường thì đọc và bàn mà thôi. Các bạn đọc có thấy là nhảm nhí thì cung xin “đại xá” cho tại hạ chỉ vì cái lòng yêu thích thơ Đường rồi ăn nói bạt mạng!

15.00
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Ngô Tất Tố

Vàng úa rừng phong, hạt móc bay,
Non Vu hiu hắt phủ hơi may.
Dòng sông cuồn cuộn, trời tung sóng,
Ngọn ải mờ mờ, đất rợp mây.
Lệ tủi: sợ coi chòm cúc nở,
Lòng quê: mong buộc chiếc thuyền đầy.
Giục ai kéo thước lo đồ lạnh,
Đập vải trời hôm rộn tiếng chày.

25.00
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Hoàng Giáp Tôn

Sương bay, vàng úa rừng phong,
Vu Sơn Vu Giáp khí lồng hơi may.
Sông tung trời sóng cuộn đầy,
Ải ngoài mờ đất rợp mây xa vời.
Hai lần cúc nở lệ rơi,
Thuyền đơn buộc chặt phương trời tình quê.
Nơi nơi cắt áo rét về,
Tiếng chày Bạch Đế bốn bề rộn vang!

45.00
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Góp lời

Ở  bài thơ "Thu hứng kỳ 1" có 2 câu 5 và 6 nếu hiểu theo cách dịch của Nguyễn Công Trứ và cách vận dụng ý tứ trong bài thơ "Oan nghiệt" của Nguyễn Bính thì thấy xót xa quá: "Khóm cúc tuôn thêm dòng lệ cũ, con thuyền buộc chặt mối tình nhà". "Mối tình nhà" ở đây dễ bị hiểu lầm, nhất là trong bối cảnh bài thơ "Oan nghiệt". Có lẽ nên hiểu theo cách khác, như bản của Khương Hữu Dụng chẳng hạn.

15.00
Trả lời
Ảnh đại diện

thắc mắc

dòng lệ "cũ" đối với mối tình "nhà" liệu có ổn?

15.00
Trả lời

Trang trong tổng số 4 trang (40 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] ›Trang sau »Trang cuối