石壕吏

暮頭石壕村,
有吏夜捉人。
老翁逾牆走,
老婦出門看。
吏呼一何怒!
婦啼一何苦!
聽婦前致詞:
三男鄴城戍,
一男附書至,
二男新戰死。
存者且偷生,
死者長已矣!
室中更無人,
惟有乳下孫。
有孫母未去,
出入無完裙。
老嫗力雖衰,
請從吏夜歸。
急應河陽役,
猶得備晨炊。
夜久語聲絕,
如聞泣幽咽。
天明登前途,
獨與老翁別。

 

Thạch Hào lại

Mộ đầu Thạch Hào thôn,
Hữu lại dạ tróc nhân.
Lão ông du tường tẩu,
Lão phụ xuất môn khan.
Lại hô nhất hà nộ,
Phụ đề nhất hà khổ!
Thính phụ tiền trí từ:
“Tam nam Nghiệp Thành thú
Nhất nam phụ thư chí
Nhị nam tân chiến tử.
Tồn giả thả thâu sinh,
Tử giả trường dĩ hỹ!
Thất trung cánh vô nhân,
Duy hữu nhũ hạ tôn.
Hữu tôn mẫu vị khứ,
Xuất nhập vô hoàn quần.
Lão ẩu lực tuy suy,
Thỉnh tòng lại dạ quy.
Cấp ứng Hà Dương dịch,
Do đắc bị thần xuy”.
Dạ cửu ngữ thanh tuyệt,
Như văn khấp u yết.
Thiên minh đăng tiền đồ,
Độc dữ lão ông biệt.

 

Dịch nghĩa

Chiều tối chạy vào thôn Thạch Hào,
Có viên lại bắt người ban đêm.
Ông lão vọt tường tẩu thoát
Bà già ra cửa nhòm.
Viên lại hò hét sao mà dữ dằn thế!
Bà lão kêu van sao mà khổ thế!
Lắng nghe bà lão tiến lên thưa:
“Ba con trai đều đi thú ở Nghiệp Thành,
Một con trai vừa gửi thư cho biết:
Hai con trai vừa chết trận.
Đứa còn sống qua ngày
Đứa chết thế là hết!
Trong nhà quả không còn người,
Chỉ còn đứa cháu đang ấp vú
Vì có cháu nên mẹ cháu chưa đi,
Ra vào không có lấy một manh quần lành.
Bà lão này tuy sức đã yếu
Cũng xin theo về ngay đêm nay,
Ứng phó gấp rút việc phục dịch ở Hà Dương
Cũng còn nấu được bữa cơm sáng tối”.
Đêm khuya tiếng nói im bặt
Vẫn còn nghe tiếng nấc nghẹn ngào.
Sáng mai khách lên đường
Chỉ còn từ biệt một mình ông lão!


Tháng hai năm 759, quân đội triều đình nhà Đường đánh bại An Lộc Sơn, thu phục Trường An. Tháng ba năm 759, bộ tướng của An Lộc Sơn là Sử Tư Minh lại phản công. Quân triều đình đại bại ở Nghiệp Thành, chết trên mười vạn. Tướng Quách Tử Nghi phải lui về cố thủ ở Hà Dương. Đường Túc Tông hoảng hốt gấp rút sai bọn nha lại đi vét lính bắt phu bừa bãi ở các châu huyện đồng thời ra sức bóc lột dân chúng. Trên đường từ Lạc Dương về Hoa Châu nhậm chức mới, Đỗ Phủ đã thấy tất cả những thảm trạng nói trên và viết nên 6 bài thơ Tam lạiTam biệt. Thạch Hào lại thường được xem là bài thơ tiêu biểu nhất trong hai chùm thơ nói trên.

Ba bài thơ Đồng Quan lại 潼關吏, Tân An lại 新安吏 và Thạch Hào lại 石壕吏 được gọi là Tam lại 三吏.

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 2 trang (16 bài trả lời)
[1] [2] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Bản dịch của Khương Hữu Dụng

Chiều ghé xóm Thạch Hào,
Quan bắt người nửa đêm.
Ông già vượt tường trốn,
Bà già ra cửa nhìn.
Viên lại quát đà dữ!
Bà già van đà khổ!
Van rằng: “Có ba trai
Thành Nghiệp đều đi thú.
Một đứa gửi thư nhắn,
Hai đứa vừa chết trận.
Đứa chết đành thôi rồi,
Đứa còn đâu chắc chắn!
Trong nhà không còn ai,
Có cháu đang bú thôi.
Mẹ cháu chưa rời cháu,
Ra vào quần tả tơi.
Tuy sức yếu già đây,
Xin theo ngài đêm nay,
Đến Hà Dương còn kịp,
Thổi cơm hầu buổi mai.”
Đêm khuya lời đã tắt,
Dường nghe khóc ấm ức.
Sáng ra chào lên đường,
Chỉ cùng ông lão biệt.

Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
114.91
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của (Không rõ)

Thạch Hào tối đến nơi
Đang đêm lệ bắt người
Ông leo tường chạy trốn
Bà ra cổng trông vời
Lệ hung hăng quát tháo
Bà kêu van ảo não
Nghe bà kê ngọn ngành:
“Ba trai lính Nghiệp Thành
Một đứa thư cho biết
Hai thằng ra trận chết
Kẻ còn may xiết bao
Kẻ mất thế là hết
Nhà cửa chẳng còn ai
Thơ ngây một cháu trai
Mẹ cháu chưa đi được
Lui tới quần sơ sài
Già này sức dẫu suy
Theo lệ đêm nay đi
Tới Hà Dương giúp việc
Cơm mai thổi kịp thì...”
Đêm dài, lời đã hết
Tiếng khóc càng bi thiết
Sáng sớm ta ra đi
Chỉ cùng ông lão biệt!

Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
34.00
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Phạm Lê Duyên, Nam Trân

Chiều trú Thạch Hào thôn,
Đêm có lại bắt người,
Ông lão vượt tường trốn,
Bà lão ra cửa coi.
Lại quát tháo, ghê thật!
Bà kêu khổ, thương ôi!
Thoạt nghe bà lão thưa:
“Ba con đi lính trấn,
Một đứa gửi tin về:
Hai đứa vừa chết trận,
Đứa sống sống qua ngày,
Đứa chết đành thiệt phận,
Trong nhà chẳng còn ai,
Chỉ đứa cháu bú mẹ.
Bận con, nó chưa đi,
Tấm quần không lành lẽ.
Mụ đây tuy già yếu,
Xin theo ngài đi ngay,
Về Hàm Dương nhận việc,
Kịp thổi bữa sáng mai.”
Đêm khuya đã dứt lời,
Như nghẹn ngào ảo não.
Sáng từ biệt lên đường,
Chỉ còn độc ông lão.

Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
15.00
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Nguyễn phước Hậu

Đến ngũ ở Thạch Hào một tối
Đang đêm hôm lính lại bắt người
Qua tường ông lão trốn chui
Bà già ra cổng lui cui xách đèn.
Viên lại quát liên miên nạt nộ
Già kêu van nổi khổ thân đơn
Lắng nghe bà khóc van lơn:
"Cả nhà đi thú ba con Nghiệp thành
Một đứa gởi thư rành cho biết
Hai đứa kia đều chết trận tiền
Đứa còn sống sót bấp bênh
Hai trai chết thảm là yên phận nghèo.
Nhìn quanh nhà cửa gieo neo
Chỉ riêng cháu gái còn đèo con thơ
Vì mẹ yếu con khờ nhỏ dại
Ra vào không một cái quần lành.
Già này sức kém đã đành
Xin theo quan lớn về dinh thay người.
Hà Dương chuyển nhất thời phục dịch
Thì sáng ra thổi kịp bửa cơm."
Đêm khuya tiếng nói bặt im
Chỉ còn nghe tiếng con tim nghẹn ngào.
Sớm mai rời bỏ Thạch Hào
Lẻ loi ông lão đớn đau biệt già.

15.00
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Nguyễn Lãm Thắng

Tối về ngủ đậu Thạch Hào
Có tên lính “Lại” reo rao bắt người
Vượt tường ông lão trốn chui
Vội vàng bà lão ra nơi cổng ngoài
“Lại” to mồm quát ra oai
Tội thân bà lão van nài, khổ chưa?
Lắng nghe bà lão phân bua:
- “Ba trai đi thú dặm xa Nghiệp Thành
Đứa thì mới báo tin nhanh
Hai đứa kia, đã bại danh, chết rồi!
Đứa còn thì sống lơi bơi
Hai thằng chết, cũng hết đời nó luôn
Trong nhà vắng ngắt bóng con
Chỉ duy thằng cháu đang còn bú say
Thương con, mẹ nó loay hoay
Tấm quần rách nát, thân gầy vào ra
Thân này tuy đã yếu già
Cũng xin theo chú giã nhà đi ngay
Hà Dương, nếu được về đây
Thì còn kịp bữa sáng mai cho già
Đêm khuya, lời nói lùi xa
Vẫn còn nghe tiếng xót xa nghẹn ngào
Sớm mai cất bước dàu dàu
Chỉ cùng ông lão lệ trào biệt ly.

23.00
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Cao Nguyên

Chiều hôm đến xóm Thạch Hào,
Ban đêm, nha lại đi vào bắt dân.
Ông già leo vách trốn liền,
Bà già mở cửa nhìn xem thể nào.
Sai nha hò hét lao xao,
Bà già khóc lóc, thật sao não nề.
Những gì tôi đã được nghe,
Bà già kể lể tỉ tê ngọn ngành:
"Ba trai, lính thú Nghiệp Thành
Hai thằng chết trận, thư rành rành coi
Một thằng cầu sống mà thôi
Thằng chết là hết thật rồi, ông ơi
(Nhà tôi nghèo rớt mồng tơi)
Trong nhà chẳng có ai người chăm lo
Cháu bé ấp vú chưa no
Mẹ cháu, con mọn, ra vô không đành
Chẳng có một cái quần lành
Tôi đây, tuy yếu xin giành đi thay
Theo ông, tôi sẽ đi ngay
Đến Hà Dương kịp đêm nay để làm
May ra xong bữa điểm tâm."
Đêm khuya, tiếng nói khôn cầm âm hao
Vẫn nghe rấm rứt nghẹn ngào
Sáng ra, tôi bái biệt chào, hỡi ôi
Chỉ còn ông lão mà thôi...

Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

泣 Khốc/Khấp - Bản dịch nghĩa

Câu 22

如聞泣幽咽。
"Như văn khốc u yết."


泣 - có bản chép là "khốc", như bản hiện chúng ta đang có trên Thi viện.
Nhưng hầu hết các bản đều chép là "khấp". "Khấp" là khóc không thành tiếng - trong văn cảnh, có lẽ "khấp" hợp lí hơn.

Bản dịch nghĩa của Nguyễn Khắc Phi

Thạch Hào lại
(Viên lại thôn Thạch Hào)

Chiều tối chạy vào thôn Thạch Hào,
Có viên lại bắt người ban đêm.
Ông lão vọt tường tẩu thoát
Bà già ra cửa nhòm (1).
Viên lại hò hét sao mà dữ dằn thế!
Bà lão kêu van sao mà khổ thế!
Lắng nghe bà lão tiến lên thưa:
"Ba con trai đều đi thú ở Nghiệp Thành,
Một con trai vừa gửi thư cho biết:
Hai con trai vừa chết trận.
Đứa còn sống qua ngày
Đứa chết thế là hết!
Trong nhà quả không còn người,
Chỉ còn đứa cháu đang ấp vú
Vì có cháu nên mẹ cháu chưa đi,
Ra vào không có lấy một manh quần lành.
Bà lão này tuy sức đã yếu
Cũng xin theo về ngay đêm nay,
Ứng phó gấp rút việc phục dịch ở Hà Dương
Cũng còn nấu được bữa cơm sáng tối (2)".
Đêm khuya tiếng nói im bặt
Vẫn còn nghe tiếng nấc nghẹn ngào.
Sáng mai khách lên đường
Chỉ còn từ biệt một mình ông lão!


... Trên bản dịch của Khương Hữu Dụng, thấy có đặt là "Tên lại ở Thạch Hào", nghe hình như hơi là "cương"! Cho dù 泣 thường có nghĩa là "viên quan, người làm việc cho nhà nước". Có thể đặt lại là "Viên lại ở Thạch Hào". Trên bản của mình có, cũng giống như bản của thầy Phi là: "Viên lại thôn Thạch Hào".


(1) Câu này dựa theo bản của Tiêu Điều Phi (Đỗ Phủ nghiên cứu, Sơn Đông nhân dân xuất bản xã, 1957. Quyển hạ, tr. 78). Có bản chép là: "Lão phụ xuất khan môn" (Bà lão ra coi cổng)

(2) Câu này có người hiểu cụ thể và sát nghĩa từng chữ với nguyên văn: "Còn kịp sửa soạn bữa com sáng". "Sáng" tức là ngay sáng hôm sau.

(*) Tháng hai năm 759, quân đội triều đình nhà Đường đánh bại An Lộc Sơn, thu phục Trường An. Tháng ba năm 759, bộ tướng của An Lộc Sơn là Sử Tư Minh lại phản công. Quân triều đình đại bại ở Nghiệp Thành, chết trên mười vạn. Tướng Quách Tử Nghi phải lui về cố thủ ở Hà Dương. Đường Túc Tông hoảng hốt gấp rút sai bọn nha lại đi vét lính bắt phu bừa bãi ở các châu huyện đồng thời ra sức bóc lột dân chúng.

Trên đường từ Lạc Dương về Hoa Châu nhận chức mới, Đỗ Phủ đã mục kích tất cả những thảm trạng nói trên và viết nên 6 bài thơ nổi tiếng : Tam lại (Thạch Hào lại, Đồng Quan lại, Tân An lại) và tam biệt (Tân hôn biệt - "Cuộc li biệt của cặp vợ chồng mới cưới", Thuỳ lão biệt - "Cuộc từ biệt lúc về già", Vô gia biệt - "Cuộc từ biệt của kẻ không nhà"). Thạch Hào lại thường được xem là bài thơ tiêu biểu nhất trong hai chùm thơ nói trên.
Thử hữu tắc bỉ hữu
Thử vô tắc bỉ vô
Thử sinh tắc bỉ sinh
Thử diệt tắc bỉ diệt
Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

khan môn

Em có 1 bộ "Đỗ thi tường chú" (Đài Loan, 2004) chú chỗ "khan môn" rằng có bản chép "môn khan", có bản chép "môn thú" 門首 (tức ra cửa đầu thú với quan, than khổ). Cá nhân thì em thích "xuất môn khan" hơn vì nó đối với "du tường tẩu" ở câu trên chuẩn hơn.

Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Bình thử câu 3,4 và ...

Tuyệt! Đồng thuận! Vậy ra tducchau và bạn "cùng phe"!

Xin phép các bạn - Xin được bày tỏ một chút về ...


"Lão ông du tường tẩu" - Điều này chứng tỏ bấy giờ việc bắt lính thô bạo đã xảy ra thường xuyên tới mức tạo ra phản ứng rất bặt trong dân chúng. Ông lão - chứ không phải trai tráng - hoảng hốt tới mức trong nháy mắt có thể vọt qua tường cao! Đủ biết: việc bắt lính đêm, việc bắt phụ lão đã phổ biến tới mức tạo ra "phản xạ có điều kiện"! Mức độ hốt hoảng của ông lão phản ánh mức độ tàn bạo của bọn nha lại và cả mức độ khẩn trương của tình hình chiến sự.

"Lão phụ... "xuất môn khan" - Đọc qua, tưởng đây là câu thơ tầm thường, song, thực ra lại là câu thơ rất quan trọng, có thể xem là nhãn cú (câu mắt) của cả bài, là một nét phục bút tuyệt diệu nâng cao hẳn giá trị tố cáo và ý nghĩa hiện thực của bài thơ. Phản ứng của hai ông bà lão đều rất nhạy, song rõ ràng là một bên cấp, một bên khoan.

"... xuất khan môn" - Nếu "xuất khan môn" (ra coi cửa) thì cả hai đều cấp, câu thơ sẽ mất hẳn ý vị thâm trầm của nó.
Bà lão tin chắc mình không bị bắt nên không vội vàng và có phần bình thản. Thế nhưng... rốt cuộc người bị bắt lại chính là bà!

Đây không chỉ có sự tàn bạo cao độ mà còn là sự tàn bạo đang phát triển, phát triển ngoài dự liệu của dân chúng.

Đối trong thơ cổ phong có một số đặc điểm riêng biệt: không bắt buộc và không có vị trí cố định, không kị trùng chữ, không đòi hỏi phải thật chỉnh... Hình thức đối ở hai câu thứ ba và thứ tư làm cho người đọc lưu ý hơn đến sự khác biệt trong thái độ và cách ứng xử của ông lão và bà lão. Hình ảnh hai nhân vật xuất hiện song song ở đây càng làm nổi bật tình cảnh cô đơn của ông lão ở cuối bài và làm nổi bật ý nghĩa của chữ "độc", nhãn tự của câu cuối bài thơ.

Kết, mình ủng hộ Vanachi hiệu chỉnh tiếp ở câu 4. Từ "Lão phụ xuất khan môn" thành "Lão phụ xuất môn khan". Vì: 1. - Những lẽ như đã nêu trên; 2. - Trên các bản của mình có, cũng đều là... "Lão phụ xuất môn khan".

Thử hữu tắc bỉ hữu
Thử vô tắc bỉ vô
Thử sinh tắc bỉ sinh
Thử diệt tắc bỉ diệt
Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Ngô Tất Tố

Chiều hôm tới xóm Thạch hào,
Đương đêm có lính lao xao bắt người.
Vượt tường ông lão trốn rồi,
Cửa ngoài mụ vợ một hai mời chào.
Lính gầm mới dữ làm sao!
Mụ kêu như tỏ biết bao khổ tình.
Lẳng nghe lời mụ rành rành:
“Ba con đóng ở Nghiệp thành cả ba,
Một con mới nhắn về nhà,
Rằng: hai con đã làm ma chiến trường!
Kẻ còn vất vưởng đau thương,
Nói chi kẻ dưới suối vàng thêm đau!
Trong nhà nào có ai đâu?
Có thằng cháu nhỏ dưới bầu sữa hoi.
Cháu còn mẹ nó chăn nuôi,
Ra vào quần áo tả tơi có gì?
Thân già gân sức dù suy,
Cũng xin theo lính cùng về đêm nay,
Hà Dương tới đó sau này,
Cơm canh hầu bữa sớm ngày, còn trôi”
Đêm khuya tiếng nói im rồi,
Vẫn nghe nức nở tiếng người khóc thương.
Sáng mai khách bước lên đường,
Chỉ cùng ông lão bẻ bàng chia tay.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Vô sự tiểu thần tiên
Chưa có đánh giá nào
Trả lời

Trang trong tổng số 2 trang (16 bài trả lời)
[1] [2] ›Trang sau »Trang cuối