Dưới đây là các bài dịch của Nguyễn Văn Tú. Tuy nhiên, Thi Viện hiện chưa có thông tin tiểu sử về dịch giả này. Nếu bạn có thông tin, xin cung cấp với chúng tôi tại đây.

 

Trang trong tổng số 6 trang (51 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Đảo vũ (Nguyễn Khuyến): Bản dịch của Nguyễn Văn Tú

Rước thần đến từ ba hôm trước
Trời không mưa lại rước thần về.
Kẻ hầu người hạ đủ bề,
Trước giương tàn lọng, sau kề mâm xôi.
Dân nổi giận ngỏ lời trách móc:
“Thần không dân, lấy cóc ai thờ!
Không mưa sao cứ hững hờ,
Để dân đói khổ biết nhờ cậy ai?”
- “Này dân hỡi! Lại đây ta nhủ:
Mưa hay không ta có biết đâu!
Việc ta ăn uống là đầu,
Làm mưa, nào có quyền nào ở ta?”
Thần nay mà đến thế a?
Trách nào dân khổ còn ngờ nỗi chi?

Ảnh đại diện

Độc La Ngạn Đỗ đình nguyên từ Bắc phiên thư (Nguyễn Khuyến): Bản dịch của Nguyễn Văn Tú

Thư đọc, như ngàn lớp sóng dâng,
Thế mà người ghét biết đâu chừng?
Hay, hèn, tốt, xấu, ta chưa quyết,
Tươi, héo, buồn, vui trước đã từng.
Còn có khiếu thiêng, tâm một điểm,
Khôn cầm cuộc thế, lệ ba thưng.
Già này chỉ biết qua như thế,
Chưa chắc vùng Đông có đại bằng.

Ảnh đại diện

Giáp Thân trung thu ngụ Hà Nội hữu cảm ký đồng niên cử nhân Ngô (Kim Cổ nhân) (Nguyễn Khuyến): Bản dịch của Nguyễn Văn Tú

Nơi này thu trước, chục năm qua,
Thành quách còn nguyên, cảnh khác xa.
Nến bạch đèn hồng soi lấp loáng,
Dù xanh mũ trắng lẫn Tây ta.
Tô giang sóng dậy hờn sôi sục,
Nùng lĩnh trăng treo bóng lững lờ.
Lệnh cấm đi đêm nghe ngặt lắm,
Nhớ chăng chốn cũ thú đề thơ?


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Đại mạo sơ (Nguyễn Khuyến): Bản dịch của Khương Hữu Dụng, Nguyễn Văn Tú

Hiếm hoi từ đảo Lý Sơn vào,
Hai chục năm trường vẫn có nhau.
Của báu từ khi về với lão,
Suốt đời thường được đặt lên đầu.
Bụi vàng quang quẻ răng hồ nhụt,
Tóc bạc lồng bồng dạ những âu.
Được tấm lòng bền ai chẳng thích?
Lựa là văn vẻ tựa minh châu!

Ảnh đại diện

Độc thi (Cao Bá Quát): Bản dịch của Nguyễn Văn Tú

Lẩn mình trong đám trần ai
Căn nhà sâu thẳm cổng ngoài cài then
Giữ niềm khờ vụng đã quen
Chiếc thân phóng khoáng nhường quên việc đời
"Thảo huyền" ở rảnh một nơi
Chiếc giường, già vẫn không rời quyển kinh
Nỗi lòng trằn trọc thâu canh
Vẩn vơ nào biết rằng mình tỉnh say?
Kìa thơ "Tang hỗ" mến tài
"Thấp linh" câu vịnh nhớ người hiền nhân
Nghìn năm ai đã nối vần?
Trông gương người trước bội phần ước mơ
Ác chìm bốn mặt như tờ
Trời cao, đêm cũng mịt mờ trôi qua
Dưới thì không ngủ có ta
Trên thì sao sáng lững lờ muốn rơi
Những loài bồ kết tốt tươi
Chồi lan hiu quạnh ai người biết hương?
Ngoài trời ta hãy ngâm vang
Tiếng ngân trong tối liệu chừng ai nghe?

Ảnh đại diện

Sơn viên tiểu mai (Lâm Bô): Bản dịch của Nguyễn Văn Tú

Giữa đám hoa tàn giữ vẻ tươi,
Vườn con một mảnh đẹp mười mươi.
Cành thưa ngả bóng ngang lòng nước,
Hương thoảng vờn trăng lóe góc trời.
Muốn đậu, mắt chim còn lấm lét,
Nghe hơi, hồn bướm cũng mê tơi.
Thơ ngâm sẵn đó may gần gụi,
Lọ phải sênh khua với chén mời.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Tứ thì điền viên tạp hứng - Hạ nhật kỳ 07 (Phạm Thành Đại): Bản dịch của Nguyễn Văn Tùng

Sớm làm cỏ ruộng, tối xe gai
Con cái nhà nông bận suốt ngày
Bé quá chưa hay cày với dệt
Bãi ngoài, dưa đỗ tập trồng cây.

Ảnh đại diện

Hạ nhật tuyệt cú (Lý Thanh Chiếu): Bản dịch của Nguyễn Văn Tùng

Sống đáng người hào kiệt
Chết làm ma anh hùng
Nhớ Hạng Vũ thà chết
Không chịu về Giang Đông.

Ảnh đại diện

Đại phong ca (Lưu Bang): Bản dịch của Nguyễn Văn Tùng

Gió lớn nổi chừ, mây bay lên
Uy dâng toàn cõi chừ, về cố hương
Làm sao tìm người giỏi chừ, giữ bốn phương.

Ảnh đại diện

Tiểu thôn (Mai Nghiêu Thần): Bản dịch của Nguyễn Văn Tú

Một xóm trơ vơ giữa bãi Hoài
Cửa sài trổ phía giậu thưa gai
Được ăn, gà đói kêu đàn nhộn
Không áo, ông già ẵm cháu chơi
Thuyền cạn đuôi vênh dây bỏ thõng
Dâu khô nước gặm gốc còn phơi
Than ôi kiếp sống là như thế
Mà kể "dân vua" há chẳng sai?


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]

Trang trong tổng số 6 trang (51 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] ... ›Trang sau »Trang cuối