Trang trong tổng số 18 trang (171 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Thảo Ma Sa động hịch (Lý Nhân Tông): Bản dịch của Trần Thị Băng Thanh, Huệ Chi

Trẫm nối nghiệp một tổ, hai tông mà trị muôn dân; coi trăm họ trong bốn biển đều như con đỏ. Nhờ đó, cõi lạ mến nhân mà quy phụ; phương xa mộ nghĩa mà tới chầu. Vả chăng, dân động Ma Sa sinh sống trong bờ cõi nước ta; động trưởng Ma Sa đời đời làm phiên thần của trẫm. Nay tên tù trưởng ngu hèn, phụ lời ước của tiên thần khi trước; dám quên việc triều cống, thiếu sót lệ thường hàng năm.

Trẫm mỗi lần nghĩ đến, thật việc không thể dừng. Vậy chọn hôm nay, trẫm tự cầm quân tiến đánh. Hỡi các tướng soái và sáu quân, ai nấy hãy dốc một lòng, cùng lắng nghe mệnh trẫm.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Bắc Trấn hỷ vũ (Lê Quý Đôn): Bản dịch của Huệ Chi

Ruộng nứt mai rùa, khí đất nung
Hôm nay bốn phía nước chan đồng
Đường cày rạch nắng, trâu cày vỡ
Chân lội tan mây, gái cấy xong
Khó nhọc vơi đi, tranh nhảy múa
Mùa màng no đủ, thảy yên lòng
Kho cao như núi, ai không thích
Ghi tạc công thần, ơn chúa công


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Khất thực (Nguyễn Du): Bản dịch của Huệ Chi

Ngạo với trời xanh, chống kiếm dài,
Bùn lầy lăn lóc, tuổi ba mươi.
Văn chương đã ích gì cho tớ,
Cơm áo ngờ đâu phải luỵ người.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Đáp Từ Đạo Hạnh chân tâm chi vấn (Trí Huyền thiền sư): Bản dịch của Huệ Chi

Rộn vang mình ngọc, âm huyền diệu,
Phơi rõ lòng Thiền, ngợp mắt trông.
Khắp cõi hà sa đâu cũng Phật,
Mà như tới Phật, cách muôn trùng.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Khuyến Lý Công Uẩn tức đế vị (Lý Thái Tổ): Bản dịch của Huệ Chi, Trần Thị Băng Thanh

Chi hậu Đào Cam Mộc dò biết Lý Công Uẩn có ý muốn nhận việc truyền ngôi, bèn chờ lúc vắng người, (dùng lời lẽ) khơi gợi với ông rằng:
- Mới rồi chúa thượng u mê, bạo ngược, làm nhiều điều bất nghĩa, trời chán ghét ông ta thất đức nên không cho hưởng hết tuổi thọ. Con nối dõi còn thơ ấu, chưa kham nổi tình thế hết sức khó khăn. Muôn việc thì phiền nhiễu, quỷ thần không đoái hoài, hạ dân nhao nhác ngóng tìm bậc chân chúa. Thân vệ sao không nhân lúc này đem kỳ mưu, dùng quyết đoán, xa thì theo dấu cũ của Thang Vũ, gần thì xem việc làm của Đinh Lê, trên thuận ý trời, dưới chiều lòng người, mà cứ muốn khư khư giữ tiểu tiết làm gì?

Công Uẩn tuy rất hài lòng trước những lời nói đó, nhưng còn ngờ (Cam Mộc) có mưu gì khác chăng, bèn giả cách mắng rằng:
- Sao ông lại nói thế? Tôi phải bắt ông nộp quan mới được.

Can Mộc từ tốn đáp:
- Can Mộc này thấy cơ trời việc người như thế nên mới dám nói ra điều ấy. Nay ông lại muốn cáo giác tôi thì tôi nào phải là người sợ chết.

Công Uẩn nói:
- Tôi đâu nỡ cáo giác ông, chỉ sợ lời nói kia tiết lộ ra thì đều bị giết cả, nên răn ông đấy thôi.

Can Mộc lại nói với Công Uẩn:
- Người trong nước ai cũng bảo là họ Lý sẽ dấy lên, mà lời sấm cũng đã hiện ra rồi. Đó là việc không thể ỉm được nữa. Chuyển hoạ thành phúc, chỉ trong một sớm một chiều mà thôi. Đây chính là lúc trời trao, người theo, Thân vệ còn nghi ngờ gì!

Công Uẩn nói:
- Tôi đã rõ ý ông không khác gì ý Vạn Hạnh. Nếu thực như lời thì nên tính kế thế nào?

Can Mộc đáp:
- Thân vệ là người công minh, trung hậu, khoan ái, nhân từ, lòng người đều quy phụ. Hiện nay trăm họ quẫn bách, không chịu nỗi mệnh trên, Thân vệ nhân tình thế đó lấy ân đức mà vỗ về thì người ta tất đua nhau theo về như nước chảy chỗ trũng, ai có thể ngăn lại được!

Ảnh đại diện

Dục Thuý sơn Linh Tế tháp ký (Trương Hán Siêu): Bản dịch của Trần Thị Băng Thanh, Huệ Chi

Quê ta nhiều cảnh đẹp, thuở thiếu thời dạo chơi, in dấu chân hầu khắp. Từng dừng thuyền lên núi này, vỗ tấm bia bên vách núi, cạo rêu mà đọc kỹ, mới biết ngôi tháp cũ đây xây từ năm Tân Mùi, niên hiệu Quảng Hựu thứ bảy triều Lý. Đến khi trèo lên tận đỉnh cheo leo, chỉ thấy nền hoang ngói vỡ vùi lấp giữa lùm cây rậm rạp, đá tảng ngổn ngang, bất giác bùi ngùi than thở. Sao sự hưng vong thành bại mới trải hai trăm mấy mươi năm mà đã trở thành dấu vết cũ kỹ? Rồi đây sẽ mai một cả ư? Hay lại có người xây dựng lại? Từ có vũ trụ đã có núi này, khách lên núi dạo chơi rồi vắng bóng, không biết đã bao người?

Về sau ta làm khách bốn phương, giữ việc quan tại triều, lạm dự chức nơi Đài sảnh thì chốn ẩn dật xưa ở bên trời chỉ còn đôi lúc được về thăm trong giấc mộng mà thôi!

Vào mùa đông năm thứ hai sau khi đức vua lên ngôi, ta đang ở Kinh thành thì vị sơn tăng là Trí Nhu tới bảo rằng: Việc xây dựng lại tháp báu bắt đầu từ năm Đinh Sửu, niên hiệu Khai Hựu qua sáu năm tròn, nay đã xong, xin ông làm cho bài ký. Công đức to lớn không biết chừng nào mà việc báo ứng cũng vậy. Khi mới xem đất để khởi công, sư Đức Văn đêm chiêm bao thấy hơn một nghìn người tụ hợp ở đỉnh núi, trong đó có ba vị quí nhân, tướng mạo khác thường, bảo với mọi người rằng: “Các người nên biết xây tháp là một việc tốt đẹp, để cứu vớt chúng sinh thoát khỏi tam đồ”. Hôm bắt tay vào việc, sư Đức Môn lại chiêm bao thấy đức Trúc lâm Phổ Tuệ kết ấn giữ cho tháp yên vững. Thế rồi khi các sư Đức Tịnh, Đức Minh, kẻ trước người sau đang làm việc xây đường đi vào tháp, bỗng đẩy rơi một tảng đá lớn, người cũng rơi theo, lăn lộc cộc đến mấy nhận. Mọi người trông thấy đều kinh hãi chạy tản hết, cho rằng thân thể họ tất phải nát vụn. Thế mà khi rơi tới đất, vực dậy thì không bị tổn thương một chỗ nào. Tháp xây bốn tầng, đêm toả hào quang, kẻ xa người gần đều trông thấy rõ. Tất cả những việc ấy, có việc nào không phải do phép mầu nhiệm của đức Phật ta.

Vả tôi lại nghe nói: xưa vua A Dục sai quỷ thần xây bốn vạn tám nghìn ngôi tháp; người đến chiêm ngưỡng cúng bái đều như chính mắt được trông thấy Phật. Hình tháp khắc ở đầu gậy cũng có thể trừ được yêu khí; cả ngôi tháp vượt qua bể chỉ phút chốc đã lẩn khẩn trông mây mù. Sự việc đó không phải là quái đản mà xưa và nay đều phù hợp; xin khắc vào bia đá, truyền lại cho đời sau, gửi lại lâu dài nơi cảnh chùa, dùng làm bến làm cầu tế độ chúng sinh. Như vậy há chẳng nên sao?

- Đức Thích Ca lão trượng lấy “tam không” để chứng đạo. Khi Phật tịch rồi, đời sau ít người tôn thờ giáo lý của Phật mà chỉ làm mê hoặc chúng sinh. Đất thiên hạ năm phần, chùa chiền chiếm một, làm cho hư nát đạo thường, hao phí tiền của; bọn sư sãi thì dông dài mà những người khờ khạo lại tin theo. Như thế mà không trở thành quỉ quái gian tà, thật cũng hiếm có. Những việc làm ấy không thể được, không thể được!

Tuy nhiên, sư Trí Nhu là người theo hầu đức Phổ Tuệ, thâm hiểu tôn chỉ của phái Trúc lâm, tu thân khổ hạnh, bỏ được lễ nghi phiền phức và giơ hai bàn tay không mà làm nên việc lớn. Nghĩ đến việc nhà sư lấn chân mây, xếp từng hòn đá, từ một tấc đến một thước, từ một thước đến một nhận, một bước tiến thêm một bước, một tầng cao thêm một tầng; tới lúc tháp cao sừng sững, thế chạm trời xanh, tô thêm vẻ đẹp của non sông, tranh công xây dựng cùng tạo hoá, thì bọn sư sãi tầm thường đâu có thể sánh được!

Than ôi, mai sau mấy trăm năm nữa, chốc lát cảnh tượng biến đổi, nếu lại có kể buông lời than thở như ta, lẽ nào không có vài người như sư Nhu xây dựng lại? Việc ấy không đoán trước được! Còn như non xanh nước biếc bóng tháp in dòng, lúc chiều tà buông chiếc thuyền con lênh đênh dưới núi, nâng mái bồng nhìn quanh ngạo nghễ, gõ mạn thuyền ca khúc “Thương Lang”, thử sợi dây câu tìm phong cách thanh cao của Tử Lăng, dạo chơi Ngũ hồ hỏi ước cũ của Đào Chu, thì cảnh này tình này duy có ta với non sông này biết nhau mà thôi.

Mùa hè năm Quý Mùi, niên hiệu Thiệu Phong thứ ba (1343), Tả ty lang trung Tả gián nghị đại phu Trương Hán Siêu tự là Thăng Phủ ghi.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Thuỷ chung (Khuông Việt thiền sư): Bản dịch của Huệ Chi

Sau trước có gì đâu!
Hư không mới nhiệm mầu.
Chân như, bằng hiểu được,
Tâm thể, cũng như nhau.

Ảnh đại diện

Nhân tặng nhục (Nguyễn Khuyến): Bản dịch của Huệ Chi

Nhà đám gặp bữa no,
Mang thịt về đem cho.
Chẳng phải vì nể sợ,
Chỉ thương ta bụng xo.
Bùi ngùi lời khó thốt,
Nhận thịt che mắt ướt.
Gặp phải thời loạn ly,
Thêm nỗi mùa thất bát.
Ý bác thật ân cần,
Lòng ta há phân vân.
Công Tây mặc áo cừu,
Còn xin hũ thóc ăn.
Phạm Lãi cưỡi thuyền nhẹ,
Dê bò thả sức chăn.
Uyên Minh vừa về ẩn,
Ba luống cúc chuyên cần.
Lạc Thiên mới bị đày,
Ba gian nhà náu thân.
Nghèo, bệnh ta gặp lúc,
Phong trần đến cay cực.
Già rồi làm dược gì,
Không lương lấy chi thực?
Không ăn bụng dày vò,
Ăn vào người bị nhục.
Không ăn xác ốm o,
Ăn vào người hoá tục.
Hàn Tín, chẳng phải ta,
Lòng bác, chính Thúc Nha.
Thanh liêm gì chút thịt,
Còn hơn xin ai mà!
Đàm đạo bỗng quên khuấy
Gió mát động trúc già.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Đảo vũ (Nguyễn Khuyến): Bản dịch của Huệ Chi

Ba ngày rước thần đến,
Không mưa lại rước về.
Người trước giương lọng thuý,
Mâm xôi người sau bê.
Dân giận, trách thần hoài:
“Không dân thần dựa ai?
Không mưa sao chẳng giúp
Để dân đói mệt nhoài?”
Thần đáp: “Bớ dân bay!
Việc đó ta nào hay.
Ta chỉ biết ăn nhậu,
Mưa, sức đâu lão này
Thần đời nay là lứa,
Dân khổ ngờ chi nữa!

Ảnh đại diện

Xuân dạ liên nga (Nguyễn Khuyến): Bản dịch của Huệ Chi

Khen cho lông cánh yếu mềm thôi,
Chọn chỗ quang minh chết mới nguôi.
Thảng thốt sa chân, đành một nhẽ,
Thung dung mà chết, được bao người?
Tri năng trời phú chưa mai một,
Danh lợi kề bên chẳng đoái hoài.
Đèn quạnh giết ngươi lòng vẫn xót,
Thành tro, ngấn lệ vẫn chưa vơi.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]

Trang trong tổng số 18 trang (171 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] ... ›Trang sau »Trang cuối




Tìm bài trả lời thơ:

Kết quả tìm được thoả mãn đồng thời tất cả các tiêu chí bạn chọn.
Bạn có thể tìm bằng Google với giao diện đơn giản hơn.

Tiêu đề bài trả lời:

Nội dung:

Thể loại:

Người gửi:

Tiêu đề bài thơ:

Tác giả bài thơ: