Trang trong tổng số 24 trang (235 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [4] [5] [6] [7] [8] [9] [10] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

buithison

LAN MAN 60% YÊU
              Tản văn của Phùng Hải Yến

   - Em hãy nhìn xung quanh, khi tất cả những người khác đều lần lượt buông tay em trước khó khăn thử thách. Anh mãi mãi không buông tay em
      Phương cười, nụ cười sáng lạnh cả sân ga.
     Yếu đuối trong Vân khuỵu xuống. 60%. Như cánh chim sợ cành cây cong, cô chỉ dám yêu Nguyên đủ 60%. Luôn có sự cẩn trọng, dè dặt. Cô áp lý trí của mình, đè nén nhịp tim. Trong tình yêu không có chỗ cho sự toan tính. Vân là thế! Không màng vật chất, tiền tài, danh vọng. Cũng không đặt ra phép so sánh giữa những người đàn ông xung quanh mình. Nhưng trong tình yêu, cô chỉ dám đặt cọc 60% giọt cảm xúc. Và khi Nguyên buông tay, cô có 40% để an ủi mình. Đứng lên. Sống tốt.

        Vân nhìn đường chỉ tay, chằng chịt. Vân cũng không hiểu sao lại có thể lắm đường chỉ tay đến vậy. Bà Mai ở căn hộ bên cạnh chép miệng:
      - Đa đoan. Đơn giản cho dễ ngoi lên với đời, con ạ!
       Lắc đầu. Vân dường không muốn hiểu những ẩn ý.
      Vân giải thoát mình trong những giấc mơ vô tội. Giấc mơ mang màu soirée trắng. Mai này, khi cha xứ chính thức đặt bé nhỏ bàn tay Vân vào ấm áp bàn tay to bè của Phương, cô tuyệt đối sẽ bên anh, không lạc lòng nữa. Lạ cái, ai cũng muốn quay về quá khứ, làm một việc vô nghĩa và vô vọng là lục tìm những mảng hồi ức đã rêu mốc lên. Chả ích gì nhưng trái tim con người luôn khờ dại thế!

         Chia tay ở sân ga, Phương nhắc điệp khúc “không buông tay”, Vân khẽ bảo:
       - Mình sẽ không yêu. Một ngày cũng không. Không phải là mong muốn của em. Khi em trở về, nếu anh vẫn không buông tay, em sẽ nghe lời anh, kết hôn và dừng lại, không bay nơi nào nữa. Trở thành cô dâu của anh rồi, 100% tình yêu khi đó sẽ thuộc về anh. Trọn vẹn. Là con gái Á Đông, em tuyệt đối tuân thủ lễ giáo, nhất nhất theo chồng.
           Nói một hồi, Vân quay đi, va – ly nặng nề kéo lên tàu. Òa khóc. Tức tưởi. Phương đứng giữa trời gió lộng. Mắt vẫn đẹp vẻ nghiêm túc, đứng đắn và từng trải. Vai vạm vỡ, dáng cao to của tuyển thủ bóng chuyền. Tóc anh đùa với gió, làm nghẹn họng Vân. Con người nói trọn đời này sẽ không buông tay cô luôn vô cảm và thực tế quá chừng. Lời hứa 100% trọn vẹn yêu anh cô có làm nổi?

       Nỗi buồn của Vân cũng như mây, nở xòe từng cụm, chật kín trời. Đan nhau dày đặc. Chật kín góc quán vắng Vân đang ngồi – quán ti gôn. Hạt cà phê mới xay thơm lừng. Làm như thản nhiên, Vân lật giở từng tờ tạp chí. Đã từ lâu Vân học được cách vờ đi thản nhiên với mọi vật, việc diễn ra xung quanh, dù ánh mắt vẫn không ngừng quan sát, chụp, chiếu, khắc ghi lại toàn bộ, hoàn hảo như một bức tranh từ màu sắc đến hình khối. Có lẽ thói quen ấy xuất hiện vì từ khi quen Nguyên, Vân đã luôn giả bộ thản nhiên với anh. Đứng phía sau Nguyên, Vân luôn phác một vài cử chỉ, điệu bộ lãng mạn: nhẹ chạy đến xiết chặt anh từ phía sau chẳng hạn, hoặc nâng bàn tay, chạm khẽ từng nét trên gương mặt của người mà đêm nào Vân cũng mơ thấy. Song… tất cả, chỉ diễn ra trong tâm trí của Vân. Ngàn vạn lần cô mong Nguyên đến bên cô một lần, rồi đi. Nhưng khi Nguyên đến, cô khờ khạo không thốt nổi thành lời. Chỉ là trách mình, trách mình. Rồi tới những khoảng thảo nguyên rộng đến bao la, thật xa nơi Nguyên biết, để gào to lên với gió là cô đã yêu anh rất nhiều, không chỉ 60% như lòng cô cứ đếm… Và gió không linh nghiệm. Nên lời Vân chỉ khắc tạc vào đá. Làm thành bức tường câm nín dày đặc, bủa vây cô trong những đêm trắng không còn mắt môi anh. Để Vân dạy mình bài học mới, rằng điều gì vốn dĩ không phải của mình thì sẽ không thuộc về mình. Những thế giới khác nhau, nếu cố kéo xích lại cũng chỉ làm nên nhật thực hoặc nguyệt thực trong một phút giây nào đó. Con người cần sự sống nên bầu trời sẽ cân bằng lại. Hiếu kỳ nhật thực, nguyệt thực rồi cũng qua đi. Bình yên thì trường tồn. 40% thăng bằng đã đỡ 60% tổn thương, ghìm lại cơ thể 60% hấp hối bằng 40% trụ vững. Tuy hơi nghiêng, nhưng chắc chắn là không đổ. Vân tự làm thí nghiệm cho mình trong những đêm Phương đến, Phương lạnh lùng không làm sao hiểu nổi lòng cô và thảo nguyên đầy mâu thuẫn trong cô.

      Đôi khi, trước gương, Vân đọc lại những giấc mơ ấy trong mắt mình, để mỉm cười và để thở phào. Lớp lớp ký ức của ngày hôm qua tạo thành một quầng sáng bụi mờ, nhàn nhạt nơi viền tóc, hằn in lên vầng trán thường ngẫm suy quá nhiều. Vân - một lần nữa xòe tay – đa đoan – yêu chỉ 60% - nhưng Phương vẫn nắm bàn tay đó, không rụt rè, ngại ngần như ai, không buông bỏ như ai. Nếu anh là chồng, sẽ gom đủ 100%, để không cần cái gì là trụ, nâng cái gì là đau, phải không anh?
ƯỚC: vòng tay dài rộng bằng trời
Để ôm trọn vẹn muôn người mình yêu...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

buithison

Tin Văn đọc ngày16/9/2010(Nguồn: Hoinhavanvietnam)

Trao quyết định công nhận Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam cho gia đình các nhà văn đã mất



Căn cứ vào quyết định trên, ngày 8/9/2010, nhà thơ Nguyễn Hoa, UVBCH Hội Nhà văn, Phụ trách Ban Tổ chức Hội viên cùng một số cán bộ Văn phòng Hội đã đến thăm hỏi và trao quyết định công nhận Hội viên cho các gia đình nhà văn đã mất. Bắt đầu từ nhà thơ Cầm Giang, quê gốc ở Thanh Hóa, tham gia kháng chiến cống Pháp rồi về dạy học tại quê vợ ở thôn Khánh Nhi, xã Vịnh Thị, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc và mất tại đây. Ông là tác giả của nhiều tập thơ viết về đề tài miền núi, trong đó có những bài thơ nổi tiếng: Núi Mường Hung – dòng sông Mã, Em là con gái Châu Yên từng được phổ nhạc thành bài hát được đông đảo công chúng và đồng nghiệp yêu thích. Ban Tổ chức Hội viên Hội Nhà văn đã phối hợp với Chi hội Nhà văn tỉnh Vĩnh Phúc đến trao quyết định và tặng phẩm Đại hội VIII cho bà Đỗ Thị Chắt, vợ nhà thơ Cẩm Giang tại gia đình trong không khí sôi nổi và đàm ấm.

Buổi chiều Đoàn công tác Hội Nhà văn trở lại Hà Nội, vào thăm chị Nguyễn Thị Tuất, vợ nhà thơ Phùng Khắc Bắc tại phố Lý Nam Đế. Nhà thơ Phùng Khắc Bắc mất sớm, nhưng đã có 2 tác phẩm để đời, đó là tập thơ Một chấm xanh – Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1991 và tiểu thuyết Đường Đời – Giải thưởng thi tiểu thuyết Hội Nhà văn 1998 – 2000. Nhà thơ Nguyễn Hoa vốn là chiến hữu từ lâu với nhà thơ Phùng Khắc Bắc nên cuộc gặp mặt diễn ra hết sức thân mật và cảm động.
ƯỚC: vòng tay dài rộng bằng trời
Để ôm trọn vẹn muôn người mình yêu...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

buithison

TRANG ĐỜI
                                                                      Truyện ngắn của Bùi Thị Sơn

1.
      Cô  M.C duyên dáng ngập ngừng tạo sự hồi hộp, rồi bất ngờ vút lên một thanh âm reo ca: “Và bây giờ… người đạt giải nhất… truyện ngắn hay năm 2009 toàn thành phố… là… là… là chị Ngô Thanh Hương! Xin quý vị cho một tràng pháo tay chúc mừng sự thành công của chị Ngô Thanh Hương! ”.
    - Xin kính mời đồng chí Vũ Thiên Anh- phó chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố lên trao bằng khen và tặng phẩm…
Hương trôi bồng bềnh trong cảm xúc ngập tràn hạnh phúc. Tuấn- chồng nàng ôm bó hoa ly rực rỡ lên tặng vợ. Bạn bè, các cây bút trẻ  ùa vây quanh, nhìn nàng vẻ thán phục, ngưỡng mộ. Hương đảo mắt nhìn khắp một lượt tìm cô con gái yêu mà chẳng thấy Kiều Thương đâu. Rõ ràng, sáng nay Kiều Thương đã dậy sớm, trang điểm thật đẹp để mừng mẹ. Cả bố, cả mẹ đều là giáo viên văn, Thương lại đang theo học trường Đại học Văn hóa nên cả nhà đoán chắc thể nào mẹ cũng được giải nhưng thật không ngờ là đạt giải nhất.
 Một tốp phóng viên quay quanh, vây bọc nàng để ghi hình, phỏng vấn. Mắt nhìn xa xăm, giọng nhỏ nhẹ khiêm tốn, Hương  rưng rưng nói:
- Tôi nghĩ: Muốn phản ánh được cuộc sống bình thường và vĩ đại  của những người sống ở quanh ta, ta phải thật sự gần gũi, cảm thông, xẻ chia với họ như bà con, anh em ruột thịt…

2.
Loay hoay mãi mới khóa xong cổng, như có linh tính mách bảo, Kiều Thương vừa ngước mắt nhìn sang ô cửa sổ  nhà cụ Thoan bỗng thấy một cánh tay cụ vươn ra ngoài, chới với. Ngó đầu vào ô cửa, Thương thấy cụ khuỵu xuống mép giường, tay vẫn cố trườn dậy.Thương vội chay sang gọi mấy nhà hàng xóm phá cửa vào cứu cụ, nhưng thân thể cụ đã lạnh cóng. Chắc cụ ra đi từ trận mưa tầm tã đêm qua.
…Lúc ấy khoảng hai mươi tư giờ. Trong cơn mơ màng, Thương nghe như có tiếng gọi yếu ớt và tiếng đập cửa sổ của bà cụ hàng xóm. Thương gọi với sang phòng bố mẹ:
- Mẹ ơi! Hình như cụ Thoan gọi!
- Ngủ đi! Con mơ ngủ đấy! Mai còn có việc quan trọng! Mưa  gió sấm chớp thế này…
Mắt díp lại. Cơn buồn ngủ ập tới! Thương trôi đi trong giấc mơ êm đềm. Cô thấy mẹ trong bộ áo dài màu phấn hồng, duyên dáng lên nhận giải thưởng…
Gục bên chiếc thành giường đóng bằng gỗ tạp, Thương nức nở:
- Bà ơi! Mẹ con cháu có lỗi với bà…

3.
Gia đình Thương mới chuyển vào khu “vườn trong phố” được sáu tháng nay. Mẹ Thương mới bốn mươi chín tuổi nhưng đã xin nghỉ chế độ 132 để đầu tư thời gian, sức khỏe cho việc viết lách - một công việc mẹ hằng yêu thích. Mẹ mơ ước không chỉ dừng lại ở danh hiệu “nhà văn cấp thành phố”. Bán căn nhà mặt phố, bố đã chọn cho mẹ một khu nhà vườn thoáng đãng, không khí trong lành.
Vừa chuyển nhà được hôm trước, hôm sau mẹ đã tranh thủ thời gian đi thăm các gia đình hàng xóm. Mẹ bảo hai bố con:
- Buổi chiều, hai bố con cứ tham gia thể thao, mình ăn cơm muộn một chút…
để em giao lưu với hàng xóm. “Bán anh em xa, mua láng giềng gần” mà!
Cả xóm ai cũng quý gia đình Thương, nhất là mẹ. Mẹ dịu dàng, khiêm tốn. Nghỉ hưu non, mẹ được thanh toán thêm khoảng tám chục triệu. Mẹ thuê người xây hòn non bộ đẹp y chang cảnh phim Hồng Lâu Mộng, rồi trồng hoa, nuôi chim… Về hưu, nhiều người - nhất là những người có chút chức quyền thường lâm vào tình trạng chơi vơi, hụt hẫng… Mẹ thì ngược lại, ngày càng trẻ đẹp, vui tươi, duyên dáng… Những cuộc giao lưu thăm bà con hàng xóm láng giềng là đề tài cho mẹ viết những truyện ngắn mùi mẫn hoặc dí dỏm, mang tính tư tưởng và tính giáo dục cao - dạng bài dễ được đăng trên trang Văn nghệ Thành phố. Nhân vật chính mẹ viết trong truyện ngắn  mang tựa đề: “Đẹp” dự thi đợt này lấy nguyên mẫu từ bà Thoan - người đàn bà cô đơn đã để lại tuổi thanh xuân và mối tình duy nhất ở chân đỉnh Trường Sơn.
… Bà Thoan gặp được mẹ thì vui như gặp được tri âm tri kỷ. Bao tâm tư, buồn tủi suốt mấy chục năm qua dồn nén trong lòng bà tuôn trào kể hết với mẹ. Mẹ lắng nghe chăm chú, khích lệ. Kiều Thương luôn thán phục và tự hào về mẹ…
Khi đã có đủ tư liệu viết một truyện ngắn dự thi, mẹ đóng cửa im ỉm ngồi viết. Nhưng bà Thoan thì lại khác, một ngày không gặp mẹ là bà bứt dứt ăn không ngon, ngủ không yên. Bà tìm đủ mọi cớ để được gặp mẹ, để con cà con kê đủ thứ chuyện trên đời… Lúc  đem cho mẹ mấy củ khoai, lúc bà sang mượn báo… ban đầu mẹ còn cố kiên nhẫn, lịch sự tiếp chuyện bà… rồi lo viết kiếm thêm nhuận bút, lo chuẩn bị bài đi trại viết , rồi tham dự các cuộc thi thơ, truyện và ký từ trung ương đến cơ sở…gần đây mẹ còn tham gia nhóm sưu tầm văn hóa dân gian các dân tộc thiểu số…Mẹ tỏ ra bận rộn thái quá, khiến bà Thoan cũng phải đứng vậy ra về: “Tôi về xem cái con mèo đen nó chạy đâu?” - Bà nói.giọng rụt rè, ngượng nghịu…
- Hàng xóm ơi!
Bà Thoan đứng ngoài cổng, gọi í éo…
Kiều Thương đon đả:
- Cháu mời bà vào nhà cháu chơi! Chắc giờ này mẹ cháu chưa đi chợ…
- Thôi đừng gọi mẹ nữa, cứ để yên cho mẹ viết cháu ạ… Bà vào chơi bây giờ e làm mất mạch cảm xúc của mẹ cháu…
“Mạch cảm xúc”? Kiều Thương há hốc mồm nhìn bà già hàng xóm nom khắc khổ, quê kệch… Không ngờ bà dùng được từ ngữ văn hoa như thế!
- Tôi chỉ muốn hỏi lại mẹ cháu: Nếu truyện này được gửi đi, tôi có hy vọng tìm lại được những người thân trong gia đình anh ấy không?
“Anh ấy”- bà nói về người yêu đầu tiên, duy nhất đã hy sinh cách đây hơn 40 năm với một âm sắc nhẹ và sâu lắng, da diết lạ thường…
Cuộc nói chuyện cuối cùng giữa Kiều Thương và bà Thoan mới cách hôm nay có 2 ngày…
Mãi sau này, cô và mẹ cô mới biết:
Bố mẹ, các em trai, em gái của bà Thoan đều ra đi trong trận B52 Mỹ ném bom Khâm Thiên - Hà Nội.
Lúc đó -Thoan, cô nữ sinh năm thứ hai trường Đại học sư phạm Hà Nội đang cùng bao bạn trẻ mở đường ra tiền tuyến…
Lúc đó, mẹ Kiều Thương mới  học lớp 4 ở một tỉnh miền núi heo hút và lạc hậu.

Lai Châu, ngày 16/9/2010
B.T.S
ƯỚC: vòng tay dài rộng bằng trời
Để ôm trọn vẹn muôn người mình yêu...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

buithison

HƯƠNG CÀ PHÊ CHẮT NẮNG

                           (Tản văn của Phùng Hải Yến)
       Hun hút những con đường cao su tăm tắp như mê hồn trận, ngây ngất màu dã quỳ ấm rực trời đông, phảng phất mùi cà phê tỉnh táo cả tâm trí… Một Pleiku phóng khoáng choán ngợp tầm mắt tôi.
       Thú nhất ở đây là mỗi buổi sáng thức dậy, trong hơi sương vẫn còn run run lạnh, xuýt xoa thưởng thức ấm trà ngon với bạn bè tại một quán cà phê ven đường. Rồi trầm ngâm ngắm những hạt cà phê nhỏ xuống phin, đều đều, như chiếc đồng hồ đang chậm rãi gõ nhịp, đếm đo thời khắc bình minh đi qua. Bỗng, anh bạn người Lạng Sơn chính gốc ồ lên: “Hôm nay mới biết là cà phê rất dễ làm người ta nghiện, sao cà phê ở đây thơm ngon thế?”. Mọi người trong bàn cà phê đều bật cười, sảng khoái, vì câu nói quá đúng, và quá… hiển nhiên. Giọt giọt cà phê đặc sánh đã quyện hương vị của mùa quả, chắt chiu ngọt lành từ mẹ đất, từ những sợi nắng rát bỏng xứ cao nguyên. Cà phê rót vào đêm, đêm với những vì sao trên trảng cỏ bằng phẳng, đêm long lanh sắc màu. Cà phê kết tinh tình cảm của mọi người, bởi lẽ ở đây, hễ tụ tập là người ta nghĩ đến việc rủ nhau ra quán cà phê, dù trong quán còn phục vụ rất nhiều thứ đồ uống khác, nhưng thế nào cũng vẫn gọi cà phê, đơn giản vì mình đang sống trên mảnh đất ấy, cà phê đã trở thành biểu tượng, gần gũi như chính cao nguyên này. Ngay trong dịp thu hoạch cà phê này thôi, đến sân nhà nào cũng thấy những hạt cà phê gom nắng để tự mình quắt khô, để nhân thêm vị đắng đậm đà, quyến rũ. Còn đến những khu vườn cà phê dài bất tận, lại thấy xung quanh cà phê có rất nhiều câu chuyện lý thú. Khó có thể tưởng tượng những vùng đất bao la này xưa kia từng bị khắc những vết đau thương, từng diễn ra những trận chiến oai hùng ghi dấu trong trang sử sách. Binh Đoàn Tây Nguyên rất đỗi tự hào chuẩn bị truy tặng danh hiệu anh hùng cho chiếc xe tăng “thần công” chỉ với 4 chiến sỹ đã bắn hạ đến 7 chiếc xe tăng của địch. Những trái tim quả cảm đã đập nhịp dũng mãnh nhất, để rồi kiêu hùng nằm lại trên miền đất bazan. Năm tháng trôi đi, tên tuổi các anh bất diệt ngay trên mảnh đất huyền thoại này. Mảnh đất hồi sinh với những ha cà phê rộng hút tầm mắt. Chiến tích xưa vẫn ngày ngày được bà con nhắc nhớ trong những câu chuyện râm ran khi hái cà phê.
Vào mùa vụ, việc thuê nhân công trở nên khó khăn hơn bao giờ hết bởi gia đình nào cũng có diện tích cà phê khá rộng. Vì thế, bà con lối xóm rủ nhau đổi công, vài ngày chuyển sang hái ở một nhà, cứ thế, cả buôn rủ nhau cùng đi, vừa hái vừa chuyện trò, hát đối đáp. Không khí đầm ấm như một gia đình lớn, tôi đồ rằng sau đợt thu hoạch này, qua những câu hát, ánh mắt, nụ cười tình tứ trao nhau, biết đâu sẽ có thêm một vài mối nhân duyên trời se? Hẳn rồi, làm sao không yêu ánh mắt sâu thẳm như nước Biển Hồ dưới rèm mi mướt xanh như hàng thông vi vút uốn quanh của cô gái Bana? Làm sao không mê giọng hát ấm trầm, khỏe khoắn của người trai xứ cao nguyên vạm vỡ? Cảnh vật hữu tình, lòng người chất phác, trong chiều hái cà phê, tôi bắt gặp một Tây Nguyên mộc mạc mà chân tình. Chợt hiểu vì sao vùng đất này đã đi vào thơ, vào văn, vào câu hát, mê hoặc, đắm say, níu hồn người đến thế.
Cao nguyên mùa chắt nắng, những giọt nắng lạnh rót vào bình yên của ngày. Xen những rẫy, những vườn cà phê, có những cây cà đắng được trồng lô xô chẳng ra hàng ra lối. Có nhiều giống cà đắng, nhưng đúng điệu nhất phải kể đến loại cà màu xanh đậm, nhỏ như chiếc nút áo được các cô, cậu bé ăn sống, kèm với muối ớt như một món quà ăn vặt của trẻ em thành phố. Tôi thử nhấm nháp quả cà rôn rốt giòn, quyện trong vị đăng đắng của cà là vị mằn mặn, cay cay của muối ớt. Ai đó ăn được cay nhất định nên ăn thử một lần, vị ngon đặc trưng hơn đứt me chua, me tròn chuyền tay các thiếu nữ. Cũng trên những đồi, những rẫy cà phê, thấp thoáng thấy những thân cây xòe tán rộng, vững trãi, vì núi đồi thấp nên cây ngả bóng trên lưng trời. Lúp xúp mặt đất là những bông cỏ mảnh mai, ngả vàng, uốn chiều theo gió. Đứng, ngồi, hoặc nằm, cô bạn tôi loay hoay tạo dáng. Trong khuôn hình, cảnh vật đẹp như những trảng cỏ thảo nguyên chỉ thấy trong những câu thơ Nga. Và từ miên man trở về với thực tại, chúng tôi đi hái “thử” cà phê nên để tay trần, nghe chừng thích thú lắm! Trong khi bà con hầu hết đều đeo găng tay, song cánh tay vẫn ram ráp, vẫn nhừ mỏi, vẫn sần chai vì hái trong rất nhiều ngày. Với những người làm nhanh, thì quả thực không thể gọi là hái, mà phải gọi là tuốt. Trước đây tôi cứ ngỡ khi hái cà phê mình chỉ chọn quả chín, đến tận nơi mới biết khi thu hoạch người dân tuốt cả quả xanh, đơn giản vì không thể chờ từng quả chín rồi mới lược lại trong thời gian sau. Hiểu được điều này thì thấy thông cảm với người dân, song tôi vẫn băn khoăn, vì như vậy chắc chắn sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng cà phê. Thổ lộ với một vài ông chủ cà phê, tôi được biết đã gắn với đất, yêu nghề, thì còn vô số những mối lo, những băn khoăn tương tự. Nào là đầu ra, ép giá, rồi sự lên xuống thất thường của giá cả. Rồi còn cả chuyện giả mạo thương hiệu cà phê khu vực nữa! Quả thực nếu uống cà phê ở Tây Nguyên rồi, khi qua vùng khác, ta biết ngay những thương hiệu mà một số quán ở khu vực khác ghi đều… không có nguồn sản xuất từ Tây Nguyên. Nhưng dù đúng là nguồn cà phê khai thác của vùng, thì cách pha, cách thưởng thức cà phê cũng là những yếu tố ảnh hưởng đến tiêu chí của một tách cà phê ngon. Cũng là điều may mắn, vì trong những ngày lưu lại Tây Nguyên, tôi có dịp tham gia Fectival cà phê diễn ra tại thành phố DakLak và Hội chợ trưng bày, giới thiệu và triển lãm cà phê ở thành phố Pleiku. Theo đánh giá chung thì hai chương trình trên đều đã hoàn thành nhiệm vụ của mình là quảng bá cho thương hiệu cà phê trong vùng, song, tôi thấy dường như vẫn thiếu lửa, thiếu sức hấp dẫn du khách và chưa thực sự cất lên được giá trị đích thực của cà phê – nguồn lợi, đặc trưng của vùng.
Trong vai một du khách “nghiền” cà phê, tôi ghé qua hỏi rất nhiều nơi, song 2 địa chỉ tin cậy nhất để mua được cung cấp là hãng cà phê Trung Nguyên ở Buôn Ma Thuộc và cà phê Thu Hà ở Pleiku. Vậy còn các thương hiệu cà phê khác thì sao? Câu trả lời là chất lượng của một số sản phẩm cà phê ấy cũng khá cao, nhưng vẫn trôi nổi một cách khá lờ đờ trên thị trường và được các quán sử dụng vào việc trộn cà phê. Thứ cà phê mỗi sáng tôi vẫn uống ở dọc các con phố và tấm tắc hít hà vị thơm lừng, tấm tắc khen ngon chính là do bí quyết trộn cà phê của mỗi quán. Trong thời đại hội nhập, thương hiệu quả là vấn đề long đong cho bất kỳ doanh nghiệp muốn phát triển nào? Tận dụng quảng cáo, tuyên truyền, mở rộng sản xuất để chiếm lĩnh thị trường là mơ ước chung của mỗi hãng cà phê, và muốn vậy, chẳng có phương án nào ưu việt hơn việc xây dựng chiến lược đúng đắn để khẳng định uy tín của mình trên thị trường. Đó cũng là lời chúc của tôi cho những hãng cà phê mà khách hàng chỉ nhìn lướt qua rồi chuyển sang mua cà phê có thương hiệu lớn, dù có thể chất lượng đằng sau bao bì cũng chỉ ngang nhau?
Quả cà phê mọng đỏ chứa trong nó rất nhiều những câu chuyện . Thời bây giờ, cà phê đến từng ngõ phố, nơi nào sầm uất một chút là những quán cà phê tới tấp mọc lên rồi. Uống cà phê trong chính vùng đất cà phê, rồi miên man một chút với cà phê, chợt thấy mỗi ngày vẫn cần những phút buổi sáng, lắng lòng lại, rồi thưởng cho mình chút tỉnh táo để bắt đầu một ngày mới năng động, sáng tạo và hiệu quả.

----------------------------------------------------------------------

Có 2 người cảm ơn: Nguyễn Đăng Thuyết, Cao Trung Nhan
ƯỚC: vòng tay dài rộng bằng trời
Để ôm trọn vẹn muôn người mình yêu...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

buithison

Nước giọt
Truyện ngắn của Phùng Hải Yến

1.
Giá rét căm căm. Gió cao nguyên tràn xuống lòng thung. Mẩy kéo chăn lên, co ro. Bên ngoài vẫn phủ đẫm một màn sương muối… sắp tết rồi mà vẫn khô hạn. Sương giá thế mà đã có tiếng người í ới gọi nhau vang qua các vách đá trong bản. Tiếng tru, tiếng sủa của bầy chó đuổi theo bước chân người làm hai cái tai Mẩy nhỏng lên, đôi con mắt díp lại, bờ mi cong oằn xuống. Tiếng amí ho sù sụ bên bàn, sái thuốc phiện dùng lâu năm ăn vào cái thanh quản cổ họng ông. Đói cơm thì chịu được, đói thuốc phiện thì giống như con quỷ núi, con ma rừng thôi! Ông không làm sao ngủ nổi, mớ chăn rách rưới thi thoảng rung lên vì một trận ho rũ rượi phát ra từ thân thể lép kẹp, chỉ còn lớp da bọc lấy bộ xương khô. Ama ở nhà ngoài, mười bàn tay chai sần, đen đúa đang tẽ ngô. Người phụ nữ trong gia đình dân tộc Dao biết lần mò dậy từ khi ngoài trời chỉ độc một màu sương nhờ nhờ, trăng trắng. Bà cất cái giọng nhừa nhựa với những âm tiết rin rít theo nhau phát ra từ chân răng:
- Cái Mẩy dậy đi hứng nước, trong cái can góc nhà nước chỉ còn vài giọt thôi! Để còn nấu mèn mén ăn cho sớm, tí mày còn lên cái nương, cái rẫy mót nốt ngô, lúa về, sắp tết rồi, Bàn Hồ ơi!
Mẩy lấy hai cái tay che màng nhĩ lại nhưng chân lại đạp tấm chăn Trung Quốc cũ, cáu bẩn ra. Giờ này đáng lẽ Mẩy phải dậy rồi, còn phải vượt qua con suối nhỏ Hồng Hồ, vượt cái dốc xa, cái đèo sâu để đến ngôi trường học cái chữ chứ. Cô gái bất chợt ngẩn ra: ừ, đã hơn hai năm rồi Mẩy quên mất thói quen đó, hơn hai năm rồi Mẩy có được đi học nữa đâu. Mẩy chỉ ở nhà, lên rẫy, thọc lỗ tra hạt ngô rồi hái rau rừng mang xuống chợ phiên bán cho người Kinh nuôi lợn. Chợ phiên thì thích thật! Đông vui, nhộn nhịp và đủ thứ màu sắc, cái màu sặc sỡ từ những cuộn chỉ thêu thu hút Mẩy. Con gái trên mười tuổi ở cái bản này, ai mà lại không được các bà, các mẹ dậy theo cái quần chứ? Những người trai bản chỉ ưng bỏ bạc trắng ra cưới cô nào có những chiếc quần ướm vào người vừa khít, với những họa tiết hoa văn thêu thật khéo, thật đẹp thôi! Và cũng vì thế mà lũ con gái trong bản lần lượt thôi không học cái chữ. “Cái chữ đầy gùi có lấy được chồng đâu?”. Không hẹn mà các cô lần lượt trở về bản, thêu ròng rã cả năm được cái quần đẹp để đến phiên chợ cuối năm lại mau chóng đeo vòng bạc, ngồi trên ngựa theo chồng về tít bản xa… Mẩy thì không thích như thế! Mẩy sợ cái cảnh của ama, amí. Trong nhà có người nghiện, người phụ nữ là người chịu khổ nhiều nhất. Trai bản Mẩy nghiện nhiều, cái miệng hôi mùi thuốc, răng màu vàng xỉn, Mẩy thấy xấu lắm! Nhưng dù cái bụng còn muốn đi học, Mẩy cũng không thể đi học tiếp. Sau cái lần thằng Chiêu – em trai Mẩy nói với Mẩy bằng cái giọng ngọng líu ngọng lô, chưa sõi tiếng phổ thông: “Em muốn làm chủ tịch xã như anh Xoang nhà bác Sếnh cơ!” thì Mẩy đã biết là mình không nên đi học nữa! Mẩy thương em lắm! Nó là con trai, nó cần cái chữ hơn. Dân tộc Mẩy quý trọng con trai hơn con gái mà… Nhà lại nghèo, chỉ cho được một người đi học thôi!… nghĩ được thế, nhưng cái bụng Mẩy vẫn nặng trĩu nỗi buồn. Cô an phận cùng với những người phụ nữ trong bản đi lấy cái củi, bẻ cái ngô, trồng cái lúa. Mẩy lại thầm ghen tị với những người sống giữa bản, họ cũng là dân tộc Dao như nhà Mẩy thôi, nhưng họ đã giàu rồi: nhà có cái tivi để tối tối được thấy hình ảnh, con người ở những nơi Mẩy chưa đi, chưa biết tới bao giờ; họ có cái đài bắt được xóm FM, dò theo kênh của đài phát thanh tỉnh còn được nghe những bản tin bằng tiếng Dao nữa; họ có cái xe máy chở thay cho những con ngựa, con la trước nay vẫn oằn lưng chở hàng ngược dốc núi đá… Người trong bản truyền tai nhau rằng họ giàu không phải vì trồng cái cây thuốc phiện như những người giàu có ở bản Dao ngày xưa đâu. Họ giàu vì nhà có người đi học được đầy một bụng chữ rồi được cơ cấu lên làm cán bộ chủ chốt đấy! Thế nên con gái trong cái nhà họ không bị phân biệt đối xử, nó đều được đến trường học mà! Nó cũng không phải ăn cơm độn sắn, độn ngô như nhà Mẩy và các gia đình ở rìa chân núi.
2.
Người già trong bản kể với nhau: Ngày xưa nhà Mẩy giàu nhất trong bản, amí trồng một nương thuốc phiện rộng, cánh con chim bay mỏi không hết mùi thơm hoa thuốc phiện ấm sực không gian. Cái màu hoa đẹp mê dại ấy dễ làm người ta đờ đẫn vì say; thứ nhựa của nó còn ghê gớm hơn vì làm cho con người mê mệt, đã gắn bó với nó rồi thì khó dứt bỏ cho được. Thế rồi người nhà nước về, cả bản không được trồng cây thuốc phiện nữa, chỉ còn lại màu trắng tinh khôi của hoa mận, hoa lê và màu đỏ rực của hoa đào rừng – những màu hoa không chất chứa mầm độc. Amí giấu cán bộ đi trồng cây thuốc phiện ở trong hẻm sâu, trên núi xa. Cán bộ không sợ mỏi cái chân đi đến tận nơi để nhổ sạch cội rễ tai ương. Không còn trồng loại cây biết gieo cái chết đen cho kẻ khác, chính cha Mẩy lại giết cái đời mình bên bàn đèn, trong căn buồng chỉ một màu tối thui và mùi khói thuốc phiện ám đến từng thớ gỗ thưng xung quanh buồng. Amí đã nghiện từ thời nhà Mẩy còn giàu, hồi đó amí được hút thỏa thích vì chính tay ông đã trồng, đã chích thứ nhựa cây đầy mê hoặc ấy. Giờ nghèo rồi, amí nghiện nặng hơn, da mặt ông phù thũng vì thiếu thuốc, hậu quả của việc hút sái thuốc trong buồng tối nhiều ngày khiến cho lớp da dưới hai con mắt ông chỉ còn là một bọc nước lớn, sưng húp. Hai năm trước, ông bị kẻ xấu là ông Sơn ở cuối con dốc của bản rủ rê cùng đi bán thuốc phiện. Ama kiên quyết không đồng ý để amí đi, cây cột giữa nhà không đếm nổi những lần bà tuyệt vọng, cùng quẫn lao đầu vào đó tự vẫn. Amí không đi cùng ông Sơn vì amí còn thương ama lắm! Amí sợ khi ông đi rồi, lúc về sẽ chỉ thấy ama chết gục bên cây cột kia. Và cái sợ của ama đã trở thành hiện thực khi ông Sơn bị công an huyện bắt đi tù vì vận chuyển ma túy. Amí không rơi vào sai lầm, tù tội, nhưng nhà Mẩy đã nghèo lại ngày càng nghèo hơn bởi amí có yêu ama cách mấy ông cũng không tài nào dứt tình với nàng tiên nâu được.
3.
Mẩy mở cửa, tiếng ọp ẹp phát ra từ cánh cửa bằng gỗ, luồng khí lạnh buốt bất ngờ xộc vào làm đôi má Mẩy nóng bừng lên. Con gái Dao ở cao nguyên này, ai cũng có làn da đỏ hồng và nứt nẻ, cái lạnh, cái khô hanh hiển hiện rõ trên mặt người. Mẩy dò dẫm đặt từng bước chân, đầu ngón chân di di, miết lên mặt từng viên đá, thi thoảng có hòn sỏi đâm nhói vào gan bàn chân, cô giật mình: ồ, hốc đá kia rồi! Lố nhố những cái đầu người đang chờ hứng nước. Đông người như vậy mà không thấy ồn ào, chỉ có những tiếng thở dài sẽ sượt rót ngược vào mảng trời chưa sáng hẳn. Tiếng thở dài trút từ muôn đời oằn lên, nặng hơn cả phiến đá tảng hình cái ô ở đầu bản. Từng giọt nước se sẽ chảy từ nguồn trong vắt, nó được chắt, được hứng thật cẩn trọng, nó là mạch sống của cả bản trong mùa xuân này. Đối với nhân dân vùng cao thì hạt nước rất quan trọng, tháng trước, trong mùa khô hanh, có chị Hoa là phóng viên ở tỉnh đã về bản Mẩy viết phóng sự “mùa khát”. Cả bản quý cái cô nhà báo có đôi mắt sáng, cái bụng nói những lời hợp lòng dân, cái chân không sợ mỏi đi bộ đến tận bản xa. Cả bản mổ con lợn “cắp nách” đãi cô nhà báo. Nhưng cả bản không nhà nào còn đến một giọt nước trong bể. Sau khi trai bản chọc tiết lợn, thay vì đun nước sôi để cạo lông lợn như thường lệ, họ cắt sạch những mảng da và lông bám trên lưng con lợn rồi bỏ cả lòng ruột, lục phủ ngũ tạng đi. Từng tảng thịt đỏ au được thái và đưa vào chảo gang bắc lên bếp xào nấu. Mẩy chỉ sợ chị Hoa nhìn thấy thế thì không dám ăn mất thôi! Nhưng trái với suy nghĩ của Mẩy, trong bữa chị Hoa ăn rất tự nhiên và tỏ ra ngon miệng, bữa ăn diễn ra thật vui vẻ. Mẩy ngồi cạnh chị Hoa, luôn tay gắp thức ăn cho chị. Cô Phấy chạy lên chạy xuống để làm nóng lại thức ăn, Mẩy giải thích với chị Hoa rằng trong bữa ăn gia đình dân tộc Dao ở cao nguyên, người phụ nữ chủ nhà luôn tay xào nấu lại thức ăn, điều ấy vừa thể hiện sự hiếu khách, vừa là cái nết đảm đang, chuyên cần. Chị Hoa cười với Mẩy:
- Ở nhà mỗi bữa chị chỉ ăn được nửa bát thôi, lên đây vui quá, lại được ăn cơm bằng gạo đỏ trồng trên nương, thịt lợn do chính người dân nuôi nên ăn được bốn bát liền! Hóa ra thịt lợn chỉ ngon khi người ta không dùng nước dội trực tiếp lên nó.
Mọi người không biết có thật thịt lợn mổ không dùng nước ngon hơn hay không, nhưng những lời nói của cô nhà báo hôm ấy đã làm cả bản vui sướng, không buồn cái bụng vì mùa hết nước quá khổ. Tối hôm đó, chị Hoa còn ngủ lại với Mẩy một giấc thật sâu trên mớ rơm lót dưới sàn. “Chị ấy thật gần gũi” – Mẩy nghĩ.
4.
Mười giờ. Nắng mặt trời đã lên, ánh nắng không rực ngời mà từng sợi vàng nhạt, rải đều trên cao nguyên lạnh. Vẫn còn rất nhiều người mang can đến hứng nước ở hốc đá. Có người ở xa nguồn nước 1 cây số, có người ở xa tít tận 4, 5 cây số; người chở về bằng con la, con ngựa; người cõng gùi đi bộ; lại có người chở về bằng xe máy hẳn hoi. Trong bản Mẩy giờ đã có nhiều xe Win và xe Dream rồi!
Con suối Hồng Hồ mang màu đỏ của tình yêu huyền thoại đi vào thơ, vào văn ở bản Mẩy mùa này dòng nước hẹp lại, nhỏ như sợi chỉ ngoằn nghèo trong lòng thung. Mẩy mang quần áo của cả nhà ra đó giặt, cái lưng của người trẻ mà đã sớm còng lên giữa thung lũng với dòng suối nhỏ, trong màu nắng nhàn nhạt. Chợt thằng Sùng nhà Mẩy hớt hải chạy ra suối, bước chân liêu xiêu:
- Chị Mẩy, amí bị ông Phứ rủ chích thuốc vào ven đang lên cơn co giật ở nhà. Ama bảo chị về ngay.
Bước chân Mẩy không hẹn mà cứ ríu cả vào nhau trên con đường mòn về bản. Cái đầu cô không muốn nghĩ, mà lại cứ nghĩ. Lâu lắm rồi cô không nói chuyện cùng amí. Càng thương ama cô càng giận amí hơn. Amí lúc nào cũng nằm như con ve trong góc tối, trên miệng rít cái tẩu thuốc phiện. Ông bán hết ngô, hết thóc trong nhà đi chỉ vì cơn nghiện. Cái tẩu thuốc phiện bé thế kia mà nuốt trôi cả con trâu cày to khỏe, con ngựa thồ hàng của gia đình. Nhưng Mẩy cũng không dám nghĩ đến chuyện một ngày, chính cái nghiện sẽ mang amí của cô về với tổ tiên Bàn Hồ. Suy nghĩ miên man, cô đã đặt chân đến cửa bao giờ chẳng biết.
Cả bản tập trung ở nhà cô từ lúc nào. Anh y tá Ban đang ngồi cạnh giường amí. Anh công an Minh cắm ở bản Mẩy trấn an cô gái vẫn còn đang hốt hoảng:
- Đừng lo lắng quá, em gái à! Cũng may là phát hiện sớm, amí em qua cơn nguy hiểm rồi! Gia đình nên động viên ông ra trại cai nghiện mới được xây dựng ngoài huyện để cai đi thôi, còn về giúp vợ con…
Các ama trong bản cũng xúm đến, mỗi người một câu. Amí nằm nghẹo đầu trên giường, ráng sức gật gật. Ánh mắt ông lóe lên những tia hy vọng, niềm tin. Ngoài trời kia, hoa đào từng cánh đã bung nở. Ước mơ thiếu nữ của Mẩy lớn lắm, ước mơ chưa vượt quá đỉnh Phăng Xô Lin vời vợi kia, vì chính Mẩy cũng chưa đủ sức tưởng tượng ra, chưa đủ ngôn từ mô tả về những ước mong, khát vọng tương lai. Nhưng cái tết trên cao nguyên năm nay là cái tết có ý nghĩa nhất với cô, tình người trong bản nhỏ ấm áp như hòn than hồng, như ngọn nguồn con nước, nhỏ mãi, chảy mãi muôn đời cho đến tận mai sau…

                                     P.H.Y
ƯỚC: vòng tay dài rộng bằng trời
Để ôm trọn vẹn muôn người mình yêu...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

buithison

Tin văn đọc ngày 17/9/2010:Tin văn và...  
LỄ RA MẮT HAI BỘ TIỂU THUYẾT CHÀO MỪNG 1000 NĂM THĂNG LONG – HÀ NỘI
Trần Nhương
 Sáng ngày 16-9-2010, tại hội trường Hội Nhà văn Việt Nam, Nhà xuất bản Phụ nữ và Nhà sách Vạn Niên đã tổ chức lễ ra mắt hai bộ tiểu thuyết đồ sộ của nhà văn Hoàng Quốc Hải.
 Bộ tiểu thuyết lịch sử: Tám triều vua Lý gồm 4 tập với 3514 trang
 Bộ tiểu thuyết lịch sử: Bão táp triều Trần gồm 2912 trang  .
Có lẽ trong nhưng công trình chào mừng 1000 năm Thăng Long Hà Nội thì đây là một công trình đồ sộ với 10 tập sách hơn 6000 trang. Nhà văn Hoàng Quốc Hải đã bỏ ra gần 30 năm để hoàn thành bộ sách này.
 Bộ sách Tám triều vua Lý đã phục dựng toàn cảnh sinh động về triều Lý- triều đại đã xây dựng nên móng cho một nước Đại Việt tự chủ. Về thể chế, đó là những thành tựu trong việc tổ chức chính quyền hoàn chỉnh từ hương ấp, trấn, lộ đến triều đình trung ương. An ninh quốc phòng với chính sách “Ngụ binh ư nông”. Về văn hóa đã thực hiện “tam giáo đồng nguyên” (Phật, Nho, Đạo). Nhà Lý phát triển rực rỡ thơ ca còn lưu lai hậu thế nhiều tác phẩm bất hủ..
 Tiểu thuyết Bão táp triều Trần được tái bản dịp này và tác giả viết bổ sung thêm hai tập là Đuổi quân Mộng Thát và Huyết chiến Bạch Đằng.
 Với một công trình đồ sộ hơn 6000 trang sách trong 2 bộ tiểu thuyết  ra mắt trong dịp này là một công trinh dâng lên tiền nhân. Nhà văn Hoàng Quốc Hải  khi phát biểu ông đã bật khóc và nói: con cháu chúng ta hãy noi theo tiền nhân, có lúc ta thua nhưng tổ tiên ta không bao giờ chịu nhục. Tôi rất buồn vì bộ phim Lý Công Uẩn-đường tới Thăng Long, người ta đã làm nhục nhà Lý. Tôi xin tình nguyện làm cố vấn đạo cụ cho nếu ai đó làm phim về triều Lý, tại đất nước ta có tất cả không cần mượn nước người làm sai lạc hết... Ông nói:  nếu không vì nhưng bức xúc hiện nay chắc tôi không thể hoàn thành bộ sách này…

(Nguồn: Website :Trannhuong.com)
ƯỚC: vòng tay dài rộng bằng trời
Để ôm trọn vẹn muôn người mình yêu...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

buithison

BẢN HỦI
                Truyện ngắn của Phùng Hải Yến
          Khi Xoàn giơ tay lên góc trái của bảng để ghi sĩ số lớp, cô cảm giác hụt hẫng ở ngón cái và ngón trỏ. Đảo mắt nhìn xuống, Xoàn hét lên: cô nhìn thấy những ngón tay búp măng cùn cụt ở đầu móng. Những mẩu thịt ton hon đang run rẩy cố nắm thật chắc viên phấn. Xoàn tức tưởi chạy khỏi lớp, bỏ lại phía sau ánh mắt tròn xoe ngạc nhiên của học sinh. Xoàn lao vào nhà bếp tìm con dao, hai nhát cứa vào ngón trỏ làm máu nhuộm đỏ mắt Xoàn, nhưng cô không thấy đau.
         Ánh mắt ráo hoảnh, Xoàn lặng lẽ bước vào căn phòng nhỏ với những đồ đạc giản đơn. Lặng lẽ thay chiếc áo trắng mà trước khi ra trường cô đã mua để mặc trong cuộc hẹn với bạn trai. Mới đó mà đã như lâu lắm. Hiện cô ở cách thành phố gần một ngàn ki lô mét tính cả bằng đường xe và đường đi bộ. Thời còn là một nữ sinh sư phạm, cô đâu biết có những bản nhỏ cheo leo vách núi như nơi cô được cử đến dạy. Xoàn khẽ nằm xuống giường, nước mắt ứ tràn qua má. Cái lưng còng của mẹ; dáng ngồi hút thuốc lào, xóc tổ tôm của cha; cái quần xộc xệch của thằng em út; dáng con trâu với cái cày liêu xiêu trong nắng chiều đồng quê… ùa vào tâm khảm cô. Lại cả ngày Xoàn chia tay với người yêu khi anh nhận quyết định ở lại thành phố. Sự khác biệt về gia cảnh khiến anh không đủ can đảm níu giữ cô, còn lòng tự trọng, tự ti của một cô gái nhà quê đưa chân cô theo hướng khác. Cứ thế, Xoàn nhớ lại hai mươi ba năm cuộc đời mình. Một cách quả quyết, cô liếc con dao cực sắc vào động mạch tay…

***
           - Xoàn, Xoàn, con gái gì mà ngủ trưa cũng ú ớ, dậy đi chứ? Mồ hôi tứa khắp mặt này!
Xoàn ngồi bật dậy, ngơ ngác, rồi vội vã ôm chầm lấy chị Nhung:
- Không, không, chị ơi, em sợ lắm, trong mơ em cũng thấy mình bị lây hủi.
- Giữ mồm giữ miệng chứ. Chuyện cái Hoa xuống bản mua gà đen về bồi bổ cho chồng ốm rồi bị lây hủi làm mày sợ chứ gì? Ai cũng nghĩ như mày khéo cả trường này phải giải tán. Những đứa trẻ không bị hủi cũng thất học vì bản hủi này mất.
         Xoàn lặng im, tay vân vê tà áo. Sự sợ hãi trong giấc mơ còn lẩn khuất ở đâu đó, nhưng cô không dám nói gì nữa. Bản hủi ở khá xa trung tâm xã, bước chân đầu tiên của cô tới đây, chị Nhung cảnh báo:
- Trông cũng xinh đấy! Nhưng em ạ, ở đây yêu cũng khó chứ đừng nói đến chuyện lập gia đình.
         Lúc ấy, Xoàn chẳng hiểu chị nói gì. Hai chị em ở chung trong căn phòng tập thể của trường. Dần dà, trong mắt Xoàn, chị Nhung giống như người chị cả, chị Nhung sắc sảo; chị Nhung yêu thương trẻ nhỏ trót sinh ra trong bản hủi, chị Nhung không chấp nhận số phận bằng cách yêu qua quýt, lấy chồng tạm bợ. Chị Nhung bảo:
- Ở lâu mày khắc hiểu.

Chỉ trong tháng đầu, Xoàn nhanh chóng quen với các anh chị dạy học cùng trường. Xoàn đặc biệt ấn tượng với chị Mai – cô gái dong dỏng có nước da sáng, đôi mắt nâu và khuôn miệng chín mọng ở phòng kế bên. Chị Mai dạy môn mỹ thuật và âm nhạc, “đã từng muốn mình là một diễn viên múa” - chị nhoẻn nụ cười chết người khi nói về mơ ước của mình. Hôm Xoàn sang phòng chị xin dầu gió xoa vào những vết đỏ loét trên chân, nghe Xoàn than thở, chị nhắc:
- Xứ này là xứ độc, bị ruồi vàng đốt phải vài ba năm mới lặn hoặc “đóng dấu” nham nhở sẹo trên chân đấy!
           Chị Mai không dọa. Sau tháng đầu tiên dạy học Xoàn đã cất cả những cái áo sơ mi ngắn tay, những chiếc quần lửng gối. Có lúc đang đêm, Xoàn bật dậy, mở cái hòm gỗ, hay tay mân mê những bộ đồ không có cơ hội mặc cho đến khi tiếng càu nhàu của chị Nhung cất lên Xoàn mới lên giường ngủ tiếp. Trong mơ, Xoàn thấy mình mặc váy ngắn, tung tăng giày cao gót dạo phố cùng người yêu…

           Sáng sớm, khi tiếng gà chưa tan, Xoàn trở dậy mặc chiếc áo sơ mi tay dài, quần dài đến gót chân xuống bản gọi học sinh đến lớp. Đó cũng là khoảng thời gian thử thách đáng sợ nhất trong ngày của Xoàn. Gọi là bản hủi vì không có gia đình nào không có người hủi. Cũng không biết bản ấy đã hình thành từ bao giờ, tuy không bị ai xa lánh nhưng bản ở cách xã những mấy cánh rừng, mấy con suối; bản chứa nhiều ánh mắt trẻ thơ ngơ ngác không hiểu sao ngón tay, ngón chân của cha mẹ chúng lại rụng như lá cây cơm nguội bên suối. Đến nhà học sinh nào Xoàn cũng được mời đến ngồi cạnh bếp lửa, Xoàn thật khó để quen với những gương mặt thiếu lông mày lông mi, chi chít nốt sần củ trên thịt da của những người trong bản. Khi cùng lũ trẻ tới trường với những tiết học bắt đầu muộn, Xoàn mới khẽ rùng mình.
            Kỳ lạ là các cô, cậu bé sinh ra trong gia đình có bố mẹ bị hủi lại rất lành lặn, mắt đứa nào đứa nấy trong veo, ánh nhìn lanh lợi; bàn tay bàn chân đủ ngón đủ móng tuy sần chai vì lao động sớm. Khi vuốt ve tay chúng, Xoàn thường nhớ đến cu Tí nhà mình. Những đứa trẻ nói giọng ngọng lơ ngọng líu với Xoàn. Ở gần chúng, Xoàn cũng bập bẹ học tiếng của dân tộc Mảng, hỏi cách dệt váy thổ cẩm, ăn thử món rau sắn và rêu mà chúng hớn hở mang đến làm quà cho cô giáo.
           Điểm duy nhất Xoàn không thích ở chị Mai là khi có những anh chàng cán bộ người Kinh ở xã hoặc ở huyện xuống. Lúc ấy, ánh mắt chị sáng long lanh, hai má hồng rực, chị thường rủ Xoàn đi cùng sang nhà trưởng bản. Hai tay chị liên tục vuốt tóc, mắt liếc dọc liếc ngang. Xoàn đem chuyện về kể với chị Nhung, chị Nhung cười xòa:
- “Gái phải hơi giai… ” thôi kệ nó, con gái phơi phới mà rơi vào vùng này cũng chẳng biết làm sao. Cái Mai nó không yêu bộ đội biên phòng để cố mà bắt cưới như cái Huyền, không chịu lấy thằng trai Mảng khỏe như con ngựa đực, thì nó… cứ lả lơi thế thôi!
        Trong giọng nói giả bộ lơ lớ của chị, Xoàn trở lại cảm giác ăn quả me tròn trên rừng, chát chua và có phần cay đắng. Những đêm chị Mai đưa khách về, Xoàn cố ngủ mà không ngủ nổi, bên kia giường, chị Nhung cũng trở trăn, lật mình, thở dài. Những người ấy cứ đến lại cứ đi, Xoàn thấy lạ vì chị Mai không cần có cảm tình với họ, cũng chẳng biết họ có luyến lưu nhiều với mình hay không. Dần dà, Xoàn cũng không hay nói chuyện với chị nữa, không chỉ mình Xoàn, dường như ở trường này ai cũng ác cảm ngấm ngầm không nói ra được, không đồng tình với cách sống của chị Mai.
            Đó là một buổi chiều đông giá, chị Huyền tóc tai xoã sượi lảo đảo chạy lên con dốc có ngôi trường nhỏ, trên tay bế đứa con gái chưa tròn bốn tuổi, chị gào thét điên cuồng. Cả khu tập thể nhỏ bé chợt nhốn nháo. Hỏi ra mới biết anh Thành chồng chị sau chuyến tuần tra biên giới về bỗng thấy nước mũi chảy nhiều, giọng nói khản đặc. Ban đầu chị tưởng anh bị xoang nên mua thuốc cho anh uống, sau rồi thấy tay chân anh dần co quắp, đoán đó là dấu hiệu của bệnh hủi nên chị sợ hãi chạy bổ ra khỏi nhà, mang theo đứa con chị yêu hơn chính mình. Chị chỉ mong đưa nó ra khỏi bản càng nhanh càng tốt. Chị không thể tưởng tượng người chồng mới hôm qua đầu ấp tay kề với mình sẽ dần bị trụi mi trụi tóc, rụng tay rụng chân. “Bốp” – cái tát của chị Nhung bất ngờ quá nên không ai kịp ngăn lại:
- Mày nghĩ thế nào mà định mang con đi, vợ chồng gắn với nhau không chỉ vì tình mà còn vì nghĩa đấy! Hồi mới lên người ta bảo mày bị ma nhập vì khắp người nổi da rắn. Thằng Lanh là học sinh lớn nhất của cái trường này, nó thấy cô giáo khổ quá nên lần mò lên núi đá kiếm lá thuốc giã đắp cho đến khi đỏ thịt đỏ da thì mày quay sang có bầu để lừa anh chàng bộ đội biên phòng cưới. Nay lại bạc bẽo vậy mà được sao? Nói cho mày biết, bệnh phong không dễ lây vậy đâu, những đứa trẻ học ở đây có mấy đứa bị lây hả? Hôm nay là cuối tuần nên học sinh về hết, chứ hình ảnh một cô giáo thế này thì mất mặt quá!
        Chị Huyền chết sững, Xoàn cũng chết sững. Trong lòng Xoàn dậy sóng, sợ hãi cúi mặt trước tuổi bốn mươi của chị Nhung. Khi ấy, Xoàn tự rủa mình hèn nhát khi bất đồ nghĩ đến việc bỏ trốn khỏi nơi tai họa luôn rình rập này.
          Anh Vàng đến bản khi Xoàn vẫn còn hoang mang bởi chuyện của chị Huyền dù chị đã mang con trở về nhà, chăm sóc chồng tận tình trong đợt nghỉ phép, nghe tin sau đó anh khoác ba lô lên đồn biên phòng và ở miết trên ấy. Chị Huyền lên lớp giảng toán cho học sinh với đôi mắt rười rượi ngẫm suy, thằng Lanh thi thoảng len lén nhìn và thấy mắt cô Huyền đỏ hoe, rần rật nước mắt.
         Xoàn quen anh Vàng ở ngoài suối, khi anh hỏi đường đến trường. Mắt một mí, mũi khoằm và môi mỏng – khuôn mặt tròn vo của anh chẳng ăn nhập gì với đường nét trên đó. Qua câu chuyện dọc đường về, Xoàn biết anh là cán bộ Phòng Lao động Thương binh Xã hội của huyện. Ngoài giọng nói ngọng nghịu gây mất cảm tình với Xoàn ngay từ đầu, khi trò chuyện, Xoàn còn không dám nhìn thẳng vào mặt anh vì sợ trí tưởng tượng của cô giáo dạy văn sẽ khiến cô phá lên cười vô ý tứ. Chị Mai xoay xoay cái gương tròn trên tay:
- Ba mươi hai tuổi, dân tộc Hmông thì đã làm sao, người ta làm ở huyện đấy!
       Sau hôm đầu làm quen, Vàng mời Xoàn đi chơi. Ra bờ suối, đang hỏi chuyện gia đình, anh bảo:
- Chờ anh một lát.
         Không chờ Xoàn trả lời, anh phóng vào lùm cây gần đó, quay lưng lại phía Xoàn “giải quyết”. Cái lưng của anh to và thô đập vào mắt Xoàn, đêm miền núi vắng lặng nên từ tiếng kéo phéc mô tuya đến tiếng khạc đờm trong cổ họng đều đập vào tai Xoàn. Choáng váng vì hành động phản cảm ấy nhưng Xoàn vẫn cố giữ phép lịch sự để không nhăn mặt bỏ về. Hôm sau, Xoàn cố ý tránh mặt anh ta, soạn giáo án và đi ngủ thật sớm.
        Nửa đêm, tiếng rú thất kinh của người đàn ông vang từ phòng bên cạnh làm Xoàn tỉnh giấc, chị Nhung và Xoàn chạy bổ sang phòng chị Mai. Chị Mai ngước cái nhìn bị thương vào khoảng trống trước mặt, hai bàn chân buông thõng, những ngón chân ngun ngủn đã cụt hết móng, anh Vàng vơ vội cái chăn đắp lên tấm thân trần như nhộng, ấp úng:
- Thật là kinh khủng, cô ta…
       Xoàn lặng đi khi thấy ánh mắt tê dại của chị Mai, ánh mắt ấy mãi còn ám ảnh Xoàn. Ánh mắt không thấy lại được vì ngay hôm sau chị đã biến mất, trên bàn lưu lại một lá thư:
“Mọi người mãi mãi không hiểu được sự kinh khiếp của em trong những ngày đầu mang căn bệnh này. Những giấc mơ què cụt khiến em thèm cảm giác được làm mẹ, có một đứa con dù với bất kỳ ai để khi chết đi rồi vẫn biết có một phần của mình còn tồn tại trên đời. Em tin là con em sẽ khỏe mạnh bình thường như những đứa trẻ vẫn ngày ngày đến lớp chúng ta. Em sẽ dạy nó học vẽ học nhạc, ngón chân nó sẽ có  đầy đủ móng, lông mi rất cong, lông mày rất rậm, ngón tay nó búp măng và nó có thể múa…”
Những dòng thư của chị còn dài và ứa nước mắt. Khoảng trời trước mặt Xoàn sụp vỡ ở tuổi hai tư trưởng thành.
***
- Qua khúc cua tay áo này là bản ấy sẽ xa tít trong quá khứ, em đừng có khóc đến sưng cả mắt như thế chứ?
Xoàn nhìn Vàng, ánh mắt của anh ta kéo dài vệt chỉ, tia mắt rắn lạnh lẽo. Hình ảnh chị Mai nhàu nát chết bên nắm lá ngón không khiến anh ta nghĩ anh ta chính là một phần nguyên nhân ư? Chắc trước khi chết chị đã đau đớn đứt gan đứt ruột, đứt cả nghĩ suy, đứt niềm hy vọng? Xoàn xót đau nhìn chiếc xe lăn dần qua khúc cua.
- Dừng lại, tôi xuống.
Người lái xe gằn giọng:
- Vàng, cậu lại làm chuyện gì thế này? Xe của cơ quan cần về đúng giờ để còn xuống tỉnh dự hội nghị.
Tuy nói thế nhưng chiếc xe cũng dần khựng lại,. Xoàn kéo nắm chốt, nhảy xuống, cô xách túi hành lý chạy ngược về phía con đường bụi mù, đằng sau là tiếng của Vàng:
- Cô điên rồi, cô sẽ hối hận, đời cô sẽ chìm trong cái bản hủi ấy.
       Xoàn không nghe thấy bất kỳ lời nào của gã đàn ông ném theo, khoảng trời  trước cô là những ánh mắt học trò lung linh, chấp chới. Những ánh mắt như cánh bướm, nó sặc sỡ đủ màu, nó sẽ bay xa và sẽ bay cao…

P.H.Y
ƯỚC: vòng tay dài rộng bằng trời
Để ôm trọn vẹn muôn người mình yêu...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

buithison

"THẦY GIÁO" DẠY MÔN BÓNG BÀN

                                    Truyện ngắn của Phùng Hải Yến

Bố tôi là một người đàn ông nghiêm nghị và có phần khô khan nhưng tôi luôn rất thần tượng bố. Bố đã hy sinh cho mẹ con tôi rất nhiều, năm tháng trôi qua, mẹ vẫn kể những câu chuyện về bố với cái mở đầu "ngày xưa". Nội dung câu chuyện hầu như đều nhắc đến quãng thời gian mẹ đi học xa, bố một mình chăm nom cho 3 anh em tôi với bao nhiêu là vất vả, nhọc nhằn.

Ông anh trai thứ hai của tôi - luôn rất ngang tàng, lúc nào cũng nhắc lại thủa ấu thơ bắt đầu từ "câu chuyện bóng bàn". Anh kể hồi đó bố làm hiệu trưởng, bố vẫn thường dẫn anh và anh cả lên trên trường để dạy đánh bóng bàn. Cũng nhờ những buổi trưa hè chăm chỉ luyện tập ấy mà anh cả tôi mang theo niềm tin đến tận các đấu trường... từ trong cái huyện bé xíu ra thi ở thành phố, rồi ở tỉnh. Còn với ông anh trai thứ hai, thì : "môn bóng bàn í mà, anh chỉ học để biết cho oách thôi!". Cũng vì nghĩ "chỉ cho oách thôi", mà theo như lời bố tôi nói, anh chẳng bao giờ vượt mặt được lũ trẻ con trong xóm, chứ đừng nói đến chuyện ngang tầm với "sư phụ bóng bàn" là bố tôi.

Thời gian trôi qua. Đến nay các anh tôi đều đã có gia đình, và đều lập nghiệp xa nhà. Tôi đương nhiên trở thành đứa nhóc duy nhất trong nhà, tha hồ nhõng nhẽo và giận dỗi. Bố mẹ cũng sắp đến tuổi nghỉ hưu và sống một cuộc sống rất êm ả, ổn định, không còn lo lắng chuyện bon chen chức tước, địa vị trong xã hội nữa. Bố nhớ ngày xưa nên mua bàn bóng bàn về kê ở góc sân, thi thoảng bố lại dạy tôi và mẹ "những pha cầu cơ bản", chẳng để làm gì cả, chỉ để tốt cho sức khỏe, vậy thôi!

Anh hai tôi đi công tác rẽ qua nhà. Bố tôi nổi hứng rủ anh "thầy - trò tập luyện bóng bàn như xưa" và nhắc đến câu chuyện anh tôi hiếu thắng, mỗi lúc thua mặt mày bí xị, thậm chí bỏ bữa, và cả khóc lóc tức giận nữa. Có lẽ vì thế mà anh không tham gia thi đấu ở bất kỳ giải gì. Nghe lại những câu chuyện ấy, anh cười - nụ cười hiền và điềm đạm. Công việc, thời gian, gia đình đã giúp anh chín chắn hơn rất nhiều so với ngày trước.

Trận giao đấu bóng bàn trở nên căng thẳng. Tôi làm trọng tài cũng nín thở với từng pha bóng gay cấn. Một điều dễ nhận thấy là bố tôi - người đàn ông đã gần 60 tuổi - vẫn còn những đường bóng linh hoạt, sắc sảo lạ thường. Nhưng làm sao bì được với sức trẻ như anh hai. Những cú bóng xoáy, đập bóng uyển chuyển, nhẹ nhàng của anh có vẻ như rất hiệu quả. Bố luống cuống thấy rõ, tình thế rõ ràng đảo ngược, cả 5 trận bố chỉ thắng có một, với sự "nhường nhịn" có thể thấy rõ từ anh tôi.

Đến tận lúc ngồi bên ấm trà, tôi hỏi:
- Sao anh không cười đắc thắng khi thắng được "sư phụ bóng bàn", đó chẳng phải mong ước của anh từ hồi bé đó sao?
Anh lắc đầu, trầm ngâm:
- Không hiểu sao anh lại cảm thấy buồn. Khi chúng ta lớn lên... thì cha mẹ lại yếu đi. Có một cái gì như là sự xót xa, mất mát vậy.
Tôi ngẩnh lên. Mắt đã ươn ướt, chén trà bỗng đắng ngắt trong miệng.

Thầy giáo bóng bàn ơi!
ƯỚC: vòng tay dài rộng bằng trời
Để ôm trọn vẹn muôn người mình yêu...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

buithison

Tin văn đọc sáng18/9/2010

Văn chương dị mọ ma mị không phải là văn chương đích thực


                                   Nguyễn Tiến Hoá




Hiện nay vấn đề đổi mới trong văn học đang trở thành vấn đề bức thiết, một nhu cầu  sống còn trong đời sống văn nghệ. Thế giới hội nhập đã mở ra cho chúng ta những người làm công tác văn nghệ cơ hội mới, vận hội mới. Đổi mới đang là đòi hỏi cấp bách của  văn học. Chúng ta không thể mãi bằng lòng sáng tác theo sự mòn sáo, những khuôn mẫu bất di bất dịch. Nhưng đổi mới như thế nào? Đánh giá khuynh hướng mới như thế nào, đó là điều tối quan trọng cho những người làm công tác văn nghệ hiện nay. Điều khó nhất là làm sao để phân biệt được đâu là tác phẩm hay, đâu là tác phẩm dở. Có nhiều tác phẩm in ra không phải thơ mà cũng chả là văn. Nó là thứ văn chương nửa chừng. kiểu xăng pha nhớt. Người ủng hộ thì cho là canh tân, sáng tạo, người phản đối thì thấy dị ứng, phản cảm gai người. Mấy năm gần đây nhiều bạn đọc của báo Văn nghệ không thể không cảm thấy có điều gì u uẩn khi đọc nhiều truyện ngắn đăng tải trên báo. Có truyện, người ta đọc đi đọc lại đến vài lần mà vẫn không hiểu tác giả muốn truyền tải điều gì. Nhiều bạn đọc cẩn thận mang truyện đó đến hỏi các bậc cao nhân trong làng văn nhờ họ chỉ giúp ý tưởng tác giả. Nhưng rồi bạn đọc cũng phải thất vọng vì các bậc cao nhân cũng đành khoanh tay bó gối không hiểu thâm ý tác giả muốn gì. Đã có trường hợp bạn đọc tìm cách tiếp cận (tất nhiên là không dễ dàng) gặp gỡ, hỏi đích danh tác giả. Nhưng họ cũng lại thất vọng bởi câu trả lời vô thưởng vô phạt: Hiểu thế nào là tùy theo cảm nhận của mỗi người.



Những truyện ngắn ấy sặc mùi liêu trai. Liêu trai toàn phần, liêu trai bán phần và thậm chí ngay cả loại liêu trai thứ thiệt cũng phải chào thua, vì lối viết ma chẳng ra ma, người chẳng ra người. Quanh đi quẩn lại rặt một mô-típ người ngủ với ma, ma ngủ với người, mà người thì nửa tỉnh nửa say, điên chẳng ra điên, dại chả ra dại. Một số cây bút đua nhau viết các truyện dị mọ, ma mị: Truyện đời thường mà ngôn từ truyền tải không khác gì ngôn từ của bệnh nhân trong trại tâm thần. Thật lạ lùng, truyện viết để cho đa số bạn đọc, có thể cả chính tác giả cũng không hiểu. Những truyện này hình như đã gãi đúng gu của người biên tập, nên tần suất hiển lộ khá nhiều trên trên mặt báo Văn nghệ, tờ báo có uy tín nhất của văn chương cả nước. Song, cái gì ăn nhiều đều gây ra bội thưc và tác hại, kể cả những thực phẩm giàu dinh dưỡng. Còn khi ăn phải những thực phẩm độc hại thì sự nguy hiểm cho cơ thể càng tăng lên gấp bội.



Tình cờ trong một lần trà dư tửu hậu, một bạn đọc nói vỗ vào mặt tôi: Báo Văn nghệ các anh in rặt những chuyện ma. Tôi sững người vì câu nói thẳng của anh bạn. Nó có thể làm cho người nghe mếch lòng, nhưng lại bổ ích vì là câu nói thẳng. Tôi chưa biết ứng phó thế nào thì anh ta lại bồi luôn: Báo các anh cứ cho đăng những chuyện dị mọ ma mị và cả những bài thơ con cóc, sẽ mất hết bạn đọc. Cám ơn anh bạn vì những lời bộc trực, tâm huyết! Thú thực là trên báo Văn nghệ đã đăng một số bài thơ. Thứ thơ gì thì chỉ có tác giả  mới biết được. Còn đa số bạn đọc  thì gọi nó là “thơ con cóc”. Thứ thơ mà từ lâu người ta đã “vinh danh “ nó bằng cái tên nôm na như vậy. Về vấn đề này tôi cũng có lần trao đổi với một nhà thơ tên tuổi. Anh ta lắc đầu ngán ngẩm: Vâng đúng thế bác ạ! Bây giờ không phải chỉ có mấy chú cóc mà là trại cóc, làng cóc, và cả rừng cóc nữa. Tình hình đó là thực trạng đáng báo động cho nền văn nghệ nước nhà. Những nhà văn, những nhà quản lý phải có trách nhiệm uốn  nắn điều chỉnh thực trạng này, nếu không muốn bạn đọc quay lưng với văn nghệ. Nếu không muốn  trắng đen mập mờ lẫn lộn, màu tối lấn át màu sáng.



Như phần trên đã viết đổi mới đang là trào lưu, một  nhu cầu bức thiết của xã hội. Tôi nhớ một câu nói nổi tiếng của cố tổng bí thư Nguyễn Văn Linh: “Ngôi nhà chúng ta bị đóng cửa, bưng bít đến ngạt thở, không mở  cửa thì hết không khí. Mở cửa sẽ có côn trùng độc hại theo vào, chúng ta sẽ tìm diệt, hạn chế tác hại chúng, nhưng không mở thì chúng ta sẽ chết”. Trong công cuộc đổi mới văn học cũng vậy. Văn học không sáng tạo không đổi mới thì văn học sẽ già cỗi, mòn mỏi. Nhưng vấn đề mấu chốt chúng ta cần quan tâm là đổi mới như thế nào và chọn sự đổi mới nào? Trào lưu đổi mới đã thúc đẩy nhiều thể loại văn học ra đời như trào lưu trăm hoa đua nở. Nào thơ hậu hiện đại, thơ ký hiệu, thơ trình diễn, thơ minh họa, văn xuôi. Rồi truyện cực ngắn, truyện mini, liêu trai, ma mị, truyện cả trăm trang mà không dùng chấm phẩy nào. Bao nhiêu là thể loại mọc lên như nấm sau cơn mưa. Thực tế này đòi hỏi người cầm bút phải phân biệt được đâu là nấm hữu ích cần được chăm bón quảng canh, nấm nào nấm bệnh hoạn, độc hại cần phải loại bỏ. Người làm báo phải công tâm, giàu lòng nhân ái vị tha và có cách nhìn khách quan trước tác phẩm. Tuyệt đối tránh các khuynh hướng cực đoan, cảm tình, nể nang, bè phái, thiên hẳn về một hướng. Người biên tập phải nắm bắt được dư luận bạn đọc.



Bạn đọc bao gồm cả người  trẻ, người già và người trung tuổi. Khuynh hướng nào được nhiều bạn đọc ưa thích cần phải khuyến khích cổ vũ, khuynh hướng nào bị đa số bạn đọc phản đối cần phải xem xét loại bỏ. Trong thời đại thông tin hiện nay, nắm bắt ý kiến của đa số bạn đọc không còn là việc khó khăn xa lạ của các cư dân mạng. Nhà văn cần lắng nghe, theo dõi sự đánh giá của bạn đọc, dù là đánh giá xuôi chiều hoặc ngược chiều. Ý kiến của bạn đọc là tiêu chuẩn, là  thước đo hữu hiệu để xác định đánh giá một tác phẩm. Những dòng văn học lành mạnh, đáp ứng được nhu cầu số đông bạn đọc, cần đươc đăng tải nhiều hơn trên mặt báo, cần được nhìn nhận, đánh giá kịp thời. Song hành với khuynh hướng chủ đạo, những khuynh hướng  khác vẫn được đăng tải với tần suất hợp lý, phù hợp với mức độ đánh giá của bạn đọc, bảo đảm tính dân chủ, đa chiều, công bằng và khách quan trên văn đàn. Văn học không phải là ngôi nhà độc tôn của một nhóm người nào. Nó càng không phải là tài sản riêng của một số người. Ngôi nhà đó là ngôi nhà chung, dành cho mọi người hâm mộ, ưa thích văn học. Văn nghệ bao giờ cũng có chức năng phản ảnh cuộc sống đương đại, những vấn đề đã qua và những dự cảm, cảnh báo cho tương lai. Báo chí là công cụ truyền tải những thông điệp đó tới bạn đọc. Đã có thời báo Văn nghệ là người bạn văn chương tâm tình của công chúng. Người ta truyền tay nhau đọc hết cả tờ báo mà vẫn thấy còn “ngót dạ”.



Người ta mong sao báo dày thêm trang nữa để họ có cơ hội tiếp tục nhâm nhi những áng văn hay, những câu thơ đẹp. Tiếc là những truyện ngắn thể loại đó, những bài thơ kiểu đó, bây giờ một số người lại cho là kiểu cũ, truyền thống, lỗi thời. Quan niệm đó đã làm thui chột, mất đi những tài năng, những bài thơ hay, những áng văn chương giá trị. Thử hỏi rằng: Những truyện ngắn Nam Cao, Nguyễn Công Hoan, thơ Tố Hữu và xa hơn nữa là Nguyễn Du - truyện Kiều có bao giờ bị bạn đọc rẻ rúng, quay lưng? Trên thực tế những tác phẩm đó là những tác phẩm có sức sống mãnh liệt xuyên suốt thời gian. Đó là những tác phẩm bất tử, để đời. Vì vậy không nhất thiết phải câu nệ thể loại mới cũ. Cũ mà hay cần được trân trọng, phát huy. Mới mà hay cần đươc cổ vũ khuyến khích. Báo Văn nghệ từ lâu là niềm tự hào của những người yêu thích văn chương. Rất buồn là hiện nay  niềm tự hào đó đang bị mai một lãng quên. Bạn đọc đang xa dần báo Văn nghệ, bởi khuynh hướng bất bình thường, gây phản cảm đối với người đọc. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này thuộc về trách nhiệm những người làm báo, mà trước hết là người biên tập mảng truyện  - mảng chủ đạo quan trọng nhất của báo Văn nghệ. Người làm công tác  biên tập cần được đào tạo bài bản về chuyên môn, có nhân cách lành mạnh, có tầm nhìn và tâm huyết với nghề, mới có thể hoàn thành được nhiêm vụ, đáp ứng được kỳ vọng và lòng mong mỏi thiết tha của bạn đọc.

                                               (Nguồn: Phong Điệp.nét)

                  Bài đã đăng báo Văn nghệ số 38
ƯỚC: vòng tay dài rộng bằng trời
Để ôm trọn vẹn muôn người mình yêu...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

buithison

Tin văn đọc sáng 19/9/2010:VỤ ÁN “VỀ KINH BẮC”, MỘT SỰ KIỆN “HẬU NHÂN VĂN”
Được đăng bởi nguyentrongtao vào lúc: 8:36 chiều ngày 18/09/2010 :

NTT: Vì bản thảo thơ Về Kinh Bắc mà cả tác giả (Hoàng Cầm) và người cầm nó (Hoàng Hưng) cùng bị bắt giam tháng 8.1982. Năm 1989, tôi phụ trách xuất bản của Hội Văn Nghệ Bình Trị Thiên xin phép tác giả in tập thơ này, theo bản chép tay của tác giả, lời tựa của Nguyễn Thụy Kha. Sách đang chuẩn bị đưa in  (với số lượng trên 1 vạn bản) thì nhận được điện tín của Hoàng Cầm có nội dung: “Đề nghị anh Tạo và anh Tường ngừng in VKB – Hoàng”. Tôi nói với anh Hoàng Phủ Ngọc Tường là cứ in, coi như việc đã xong. Anh Tường suy nghĩ rồi nói: “Tiếc quá, nhưng miềng phải tôn trọng anh Cầm thôi”. Tôi đoán chắc anh Hoàng Cầm bị CA dọa. Sau đó, tình cờ tôi gặp anh Lê Hoài Nguyên ở báo Văn Nghệ, anh khuyên tôi chưa nên in, vì trong hồ sơ ông Cầm đã khai nhận là thơ “phản động”. Tôi có nói in để giải oan cho tác giả. Nhưng rốt cuộc kế hoạch đành dang dở…


Bài viết của nhà thơ Hoàng Hưng đã làm sáng tỏ vụ án ngớ ngẩn này:
.

VỤ ÁN “VỀ KINH BẮC”, MỘT SỰ KIỆN “HẬU NHÂN VĂN”
HOÀNG HƯNG

GẦN ĐÂY TRÊN MẠNG XUẤT HIỆN MỘT SỐ TƯ LIỆU MỚI VỀ PHONG TRÀO NHÂN VĂN – GIAI PHẨM. TIỂU LUẬN MANG TÊN “VỤ NHÂN VĂN – GIAI PHẨM TỪ GÓC NHÌN MỘT TRÀO LƯU TƯ TƯỞNG DÂN CHỦ, MỘT CUỘC CÁCH MẠNG VĂN HỌC KHÔNG THÀNH” CỦA NHÀ VĂN LÊ HOÀI NGUYÊN, NGUYÊN ĐẠI TÁ CỤC AN NINH TƯ TƯỞNG VĂN HOÁ BỘ CÔNG AN (A 25), LÀ MỘT TƯ LIỆU QUAN TRỌNG GÓP VÀO LỊCH SỬ ĐẤU TRANH DÂN CHỦ CỦA NƯỚC VIỆT NAM HIỆN ĐẠI. TRONG TIỂU LUẬN TRÊN, TÁC GIẢ XẾP VỤ ÁN “VỀ KINH BẮC” 1982[1] VÀO MỤC “HẬU NHÂN VĂN”. CHÍNH ĐIỀU NÀY ĐÃ GỢI HỨNG CHO TÔI QUYẾT ĐỊNH VIẾT VỀ VỤ “VỀ KINH BẮC” VỚI TƯ CÁCH NGƯỜI TRONG CUỘC, MONG GÓP THÊM PHẦN HOÀN CHỈNH TƯ LIỆU VỀ PHONG TRÀO LỊCH SỬ NÀY.

Vụ án “Về Kinh Bắc” chắc đã được khởi động từ quãng giữa năm 1982, khi anh Nguyễn Mạnh Hùng, TS Kinh tế, GS đại học ở Canada, cũng là nhà văn VN hải ngoại có bút hiệu Nam Dao, đang làm việc/thăm chơi ở Hà Nội, xin nhà thơ Hoàng Cầm một bản chép tay tập thơ Về Kinh Bắc (VKB) để đem về Canada. Nguyễn Mạnh Hùng được chính quyền VN coi là “Việt kiều yêu nước”, đã đóng góp tích cực cho phong trào ủng hộ miền Bắc, chống Mỹ và chính quyền miền Nam từ khi còn là sinh viên ở Canada. Sau khi đất nước thống nhất, anh đã nhiều lần về nước, có tham gia tư vấn cho chính phủ về kinh tế. Mặt khác, anh lại quan hệ thân thiết với các nhà văn trong nhóm Nhân Văn – Giai Phẩm, đặc biệt với nhà thơ Hoàng Cầm mà anh yêu mến.

Việc Hoàng Cầm cho Nguyễn Mạnh Hùng một bản chép tay VKB chẳng có gì cần bí mật, khi chưa hề có văn bản hay chỉ thị miệng của cấp thẩm quyền nói rằng tập thơ bị cấm lưu hành. Vả lại, ở cái quán rượu 43 Lý Quốc Sư mà Hoàng Cầm sống nhờ vào đó từ nhiều năm, lúc nào cũng chật khách trầm ngâm say và âm u khói thuốc, trong đó hầu hết là những người yêu văn nghệ “ngoài luồng”, và không ít “đặc tình” (cộng tác viên, nói nôm na là chỉ điểm của CA), “cá chìm” (tiếng lóng để chỉ trinh sát công an thường phục), thì có gì liên quan đến ông Hoàng “thơ chui” này mà giữ kín được! Nhưng muốn hiểu vì sao có vụ án Về Kinh Bắc, phải ngược thời gian lên mười năm trước, khi một số bài trong bản thảo VKB bắt đầu được truyền tay hơi rộng trong giới yêu thơ, trong đó ba bài Cây tam cúc, Lá diêu bông, Quả vườn ổi (thường được gọi là bộ ba cây-lá-quả) được mến mộ nhất – phần quan trọng vì chúng được xì xầm diễn giải như lời oán trách của “em” (văn nghệ sĩ) với “chị” (Đảng), đại khái “em” yêu “chị”, nhưng “chị” đã lừa “em”, cho “em” ăn toàn “quả rụng”, rồi bỏ mặc “em” bơ vơ để đi lấy chồng… Theo Hoàng Cầm kể, thì năm 1974, CA Hà Nội có kêu tác giả lên răn đe về việc lưu truyền những bài thơ “có nội dung xấu” ấy. Hoàng Cầm phải ngưng, nhưng sau 1975, với không khí hào hứng của những ngày “miền Nam nhận họ, miền Bắc nhận hàng”, VKB lại có thêm độc giả ở miền Nam, và đến 1979, sự giao lưu với nước ngoài bắt đầu được cởi mở hơn, một số Việt kiều đã có được một số bài thơ chép tay của nhà thơ, trong đó dĩ nhiên “bộ ba cây-lá-quả” vẫn đứng đầu bảng. Hoàng Cầm có kể đích danh một nữ bác sĩ xưng tên là Cần Thơ ở Pháp đã xin ông gửi cho một số bài thơ, sau này bà cho biết bà là đệ tử của thiền sư Thích Nhất Hạnh ở Làng Mai. Trong khi xét hỏi bản thân tôi, một sĩ quan CA cho biết: VKB bắt đầu thành vấn đề nghiêm trọng chính là vì mấy bài thơ này được in trên một tờ báo ở Pháp kèm theo lời bình mang tính chống đối chính trị. Theo Hoàng Cầm thì CA có đọc cho ông nghe bài viết ấy trên báo Đất Mẹ (Quê Mẹ?)

Tóm lại, chậm nhất là vào mùa thu 1982, một chuyên án VKB đã được mở ra, với mục đích ngăn chặn việc đưa bản thảo này ra nước ngoài và bắt tội tác giả của nó, hoặc đơn giản chỉ là mượn cớ việc chuyển bản thảo này ra nước ngoài để trừng trị tác giả cho bõ ghét. Theo Hoàng Cầm thì khả năng 2 là chính, ông nhất định cho rằng chính Tố Hữu là người chủ trương, vì căm ghét Hoàng Cầm đã dám chê thơ ông ta (vụ phê bình tập Việt Bắc năm 1956), chưa kể đã “dám nổi tiếng” hơn ông ta trong kháng chiến! Và cũng theo Hoàng Cầm, để làm việc này, Tố Hữu đã sử dụng một số “CA riêng” của mình.

Thế là trong lúc một cái lưới đang giăng ra xung quanh quán rượu Hoàng Cầm ở 43 Lý Quốc Sư, thì tôi ở SG ra, vô tình chui vào đó, trở thành con cá to (?) cuối cùng để CA cất vó!
ƯỚC: vòng tay dài rộng bằng trời
Để ôm trọn vẹn muôn người mình yêu...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 24 trang (235 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [4] [5] [6] [7] [8] [9] [10] ... ›Trang sau »Trang cuối