(Tiếp theo)Sáng hôm sau, tôi vận bộ đồ đẹp nhất và đi làm thật sớm. Đúng giờ, ông Chủ tịch Hội đồng trong bộ đồ màu xám giản dị bước vào phòng làm việc. Đợi đúng lúc ông ta vừa yên vị trên ghế, chưa kịp giở tài liệu ra đọc,tôi nhẹ nhàng bước vào phòng, miệng cười tươi như hoa và giọng nói thì cực kỳ khiêm tốn:
- Dạ, thưa anh! Em đã viết xong bản thảo báo cáo. Em mới tập việc nên còn rất lúng túng… nhờ anh xem và chỉ bảo giúp em.
Ông chủ tịch gật đầu:
- Cô cứ để đấy! Đầu giờ chiều lên lấy bản thảo về.
Hai tay nâng niu tập bản thảo trao tận tay “xếp”, tôi lễ phép chào ông rồi nhanh nhẹn trở về phòng của mình. Chưa đầy hai tiếng sau, đã thấy cô văn thư gõ cửa :
- Đồng chí chủ tịch hội đồng nhắn chị lên có việc cần trao đổi.
Bước vào phòng,ông kéo ghế mời tôi ngồi rồi pha trà, nói:
- Cô ngồi uống nước, rồi ta cùng trao đổi về bản báo cáo.
Tôi chăm chú nhìn ông với ánh mắt vừa thăm dò vừa mãn nguyện. Sau cái nhíu mày khó hiểu, ông nhìn thẳngvào mặt tôi:
- Cô tốt nghiệp đại học sư phạm khoa văn phải không?
- Dạ, vâng ạ!
- Bây giờ chuyển sang làm công tác văn phòng, cô nên thay đổi cách viết cho phù hợp. Viết báo cáo thì phải theo phong cách văn bản hành chính chứ đừng viết theo lối văn tả cảnh, tả tình như ở trường phổ thông.
Giọng ông nhỏ nhẹ, chân tình mà làm tôi nóng mặt. Tôi đã quá quen với những lời ca ngợi. Từ khi còn đi học cho đến bao nhiêu năm công tác, có ai chê được năng lực của tôi đâu. Tôi “Vâng ạ!”mà bụng lại nghĩ: “Môn lý luận văn học mình quá giỏi, làm gì mà không phân biệt được các phong cách văn bản…”
Chào ông trở lại phòng làm việc, mắt tôi hoa lên khi nhìn thấy những trang bản thảo tôi nắn nót viết suốt đêm bị ông dùng mực đỏ gạch xoá không thương tiếc. Ông dùng mặt sau trang giấy chữa lại từng ý, cô đọng, khúc triết, có phân tích nguyên nhân ưu điểm và tồn tại, có so sánh với chỉ tiêu kế hoạch của Uỷ ban Nhân dân tỉnh giao, so với Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân huyện đề ra và so với cùng kỳ của năm trước. Tôi thực sự ngạc nhiên, khâm phục ông. Lau khô dòng nước mắt tủi hổ cứ trào dâng trên má, tôi đọc đi đọc lại bản báo cáo đã được ông sửa chữa, đối chiếu, so sánh với lối viết bóng bẩy, toàn những ngôn từ hoa mĩ, rỗng tuyếch, khoa trương mà tôi đã bỏ bao công sức tô vẽ lên, tôi xấu hổ với chính bản thân mình…
Chiều hôm đó, tôi đi làm về muộn. Ăn cơm xong, con gái tôi lấy trong cặp ra một cuốn truyện và khoe: “Mẹ ơi! Hôm nay, cô giáo cho con mượn cuốn truyện cổ tích này hay lắm! Con đọc cho mẹ cùng nghe nhé!”. Tôi gật đầu, chăm chú nghe con gái đọc cuốn truyện. Hai mẹ con bị cuốn hút ngay bởi nội dung từng câu chuyện cũng như cách kể chuyện giản dị bình thản của người viết. Bỗng con gái tôi ngước mắt lên, hỏi : “Mẹ ơi! Cô giáo con bảo tác giả cuốn sách này là người dân tộc Dao Sìn Hồ. Mẹ có biết ông ấy không hở mẹ ?”. Tôi lật trang bìa và vô cùng ngạc nhiên khi nhận ra tác giả cuốn truyện cổ tích dân tộc Dao Sìn Hồ chính là… ông Chủ tịch Hội đồng Nhân dân nghiêm khắc và lạnh lùng. Từ hôm ấy, tôi nhìn ông với ánh mắt thán phục, vì nể. Còn ông vẫn ôn tồn, điềm đạm chỉ bảo cho tôi từng lỗi sai trong bản thảo từng báo cáo. (Mặc dù ông không phải là xếp trực tiếp của tôi, bất cứ văn bản nào tôi cũng tham khảo ý kiến của ông). Một thời gian sau, tôi viết báo cáo tiến bộ rõ rệt, được các lãnh đạo từ huyện đến tỉnh đánh giá cao. Tuy chưa bao giờ nói lời cảm ơn ông song từ trong sâu thẳm đáy lòng, tôi luôn coi ông như một người thầy. Sau này, khi được kết nạp vào Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lai Châu, tôi mới được biết ông chẳng những là Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh nhà mà còn là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, Hội viên Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam. Anh em ngày càng thêm hiểu biết, quý mến nhau. Ông tâm sự:
“Nhà mình ngày xưa nghèo lắm. Bố mình quanh năm đi làm phu. Hai ông anh mình đều mất sớm. Chỉ còn mình là con trai với hai em gái còn nhỏ.Hàng ngày một mình mẹ lên nương. Mình phải ở nhà trông nhà, trông hai em nhỏ và nấu cơm bằng cái nồi gang mẹ bắc sẵn trên bếp lò (nồi gang nặng mình bê không nổi).
Sau khi Sìn Hồ được giải phóng, bố mình được cán bộ chọn làm tổ trưởng tổ đổi công, không biết chữ cán bộ cử bố mình đi học chữ. Bố mình bảo:
_Tôi già rồi, không học chữ được nữa. Tôi cho thằng con tôi đi học thaycó được không?
Cán bộ đồng ý. Thế là mình được đi học. Học thay bố.Được học cái chữ của Cụ Hồ mình thích lắm! Sau ba tháng học lớp văn hoá tập trung đầu tiên do huyện mở, mình đã học xong chương trình bình dân học vụ (tức làđã biết đọc biết viết). Sau lễ tổng kết lớp học được 10 ngày thì huyện gọi đi công tác ở huyện. Lúc đó mình mới có 15 tuổi. Hôm tạm biệt đội thiếu nhi ở bản, ai cũng sụt sịt khóc.
Gọi là đi công tác cho oai chứ mình chỉ làm “cán bộ”giám mã (chăn ngựa) thôi. Sau có người khác chăn ngựathì mình mới dược phân công tập đánh máy chữ, rồi làmvăn thư tại Ban cán sự châu. Các ông cán bộ thấy mình làm việc gì cũng tốt nên đã kết nạp mình vào Đoàn thanh niên, công đoàn rồi vào Đảng. Thế là nhiệm vụ ngày càng nặng nề,nhưng mình cảm thấy rất vui.
Đến năm 1959,Ban cán sự châu cử mình đi học Bổ túc văn hoá ở Khu học xá Sơn là. Sau một tuần học ôn, thi sát hạch,mình được vào học lớp 5 (như vậy mình không được học chương trình cấp 1). Mình được chọn vào học lớp “vệ tinh” nên chỉ trong ba năm đã học hết lớp 10 (lớp 10 đầu tiên của Khu Tự trị Thái Mèo). Những học sinh tốt nghiệp lớp 10 năm đó đềuđi đại học,không tốt nghiệp thì đi học trung cấp.Mình được vào Đại học Bách khoa Hà Nội. Hồi đó, chỉ có một mình mình là người Dao lạc trong biển cả người Kinh nhưng anh em bạn bè không tin mình là người Dao.Về sau mình phải nói dối là người Hưng yên thì họ mới hết nghi ngờ. Sau bốn năm học xong đại học thì mình đi bộ đội trong lúc cuộc chiến tranh phá hoại của giặcMỹ đang diễn ra ác liệt ở miền Bắc. (Mình đi bộ đội không dám báo tin cho gia đình biết).
Sau một năm học binh khí - khí tài quân sự, mình được phân công về trung đoàn chỉ huy sở của Phòng không - Không quân (lúc đó sơ tán tại tỉnh Hà Tây, ở nhờ trong nhà dân). Tất cả cán bộ chiến sĩ đều đóng vai công nhân vì không quân cũng mặc quần áo xanh như công nhân.
Trận không quân Mỹ ném bom vào đơn vị,đơn vị mình hy sinh 4 đồng chí(2 sĩ quan, 2 hạ sĩ quan). Cả làng Trúc Sơn ra viếng và tiễn đưa các đồng chí về nơi an nghỉ cuối cùng. Tình quân dân trong chiến tranh biết bao cảm động… Chưa đầy môt tuần sau, 2 sĩ quan của đơn vị mình lại hy sinh do Rốc két từ trên máy bayMỹ bắn xuống. Cả đơn vị lại đi đưa tang. Hết buồn lại phải vui, phải lấy tiếng hát át tiếng bom. Cả đơn vị huy động dân quân xã cùng đi lấp hố bom cho bà con tiếp tục trồng cấy.
Khi giặc Mỹ phong toả cảng Hải Phòng, không cho các nước viện trợ giúp Việt Nam thì Chính phủ Việt Nam lại mở “cảng cạn” qua Lạng Sơn.Mình được điều đến sư đoàn 375 bảo vệ “cảng cạn”, là sĩ quan thông tin chỉ huy sở sư đoàn. Đến khi hiệp định Pa ri được ký kết, mình còn đang ở huyện Lạng giang - đến lúc đó đơn vị mới được lập doanh trại riêng- “Doanh traị quân đội nhân dân Việt Nam” ở đất Lạng Sơn. Mình là con trai duy nhất trong gia đình lại thuộc dân tộc ít người nên được chuyển ngành.Mình được chuyển về ban tổ chức tỉnh uỷ Lai Châu. Sau đó vài năm,tỉnh uỷ lại điều động mình trở lại Sìn Hồ công tác.
Trở về quê hương thì toàn là bà con thân thuộc cả nên mình làm cái gì thì bà con mình cũng biết cả rồi. Mình sống và làm việc tại quê hương của mình tuy rất vất vả,đi công tác ở các xã phải khoác ba lô đi bộ mang theo chăn màn quần áo song cũng rất vui bởi đi đến đâu,bất kể dân tộc nào cũng rất niềm nở chào đón mình. Lớp cán bộ bây giờ sướng hơn mình nhiều quá. Chúng nó dễ quên lớp người trước…”.
…Có lần, anh em ngồi chơi đàm đạo sự đời, tôi mạnh dạn nói với ông:
- Trong mười năm công tác tại Sìn Hồ, em rất vui vì lớp học sinh ngày xưa em dạy ở trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh đều đã trưởng thành, nhiều em giữ các cương vị chủ chốt của huyện. Nhưng sự thực, tỷ lệ các em người Dao mình giữ các trọng trách ở huyện ít quá mặc dù từ lúc học ở phổ thông cho đến các trường chuyên nghiệp các em nào có thua kém ai đâu. Là lớp cha ông đi trước,có trình độ, có năng lực và uy tín, đã từng là Phó bí thư huyện uỷ,chủ tịch uỷ ban nhân dân,nay lại là chủ tịch hội đồng nhân dân huyện, anh có băn khoăn gì về trách nhiệm của mình trước thực trạng này?
Chăm chú nhìn tôi,đôi lông mày chổi sể nheo lại, ông nói - giọng trầm hẳn xuống:
Tôi biết: Trong số học sinh của em có một số người chưa hiểu tôi,thậm chí còn oán trách tôi. Họ quan niệm rằng: “Một người làm quan, cả họ được nhờ”. Vậy mà tôi - một người cùng quê,cùng dân tộc,thậm chí cùng họ hàng lại không tìm cách xin xỏ, bênh vực, nâng đỡ họ. Tôi thì tôi nghĩ khác: Vấn đề cán bộ là thuộc đường lối chủ trương của Đảng, của tập thể cấp uỷ. Hơn nữa, kiến thức được học trong nhà trường mới chỉ là tiền đề. Phải để họ tự nỗ lực vươn lên trong cuộc sống bằng chính thực lực của mình thì mới thực sự là tôn trọng họ. Ngay cả các con của mình,đứa nào có khả năng làm việc gì thì cứ để cho nó làm việc đúng với sở trường của nó. Nếu những người có chút quyền lực chỉ chăm chăm tìm “ chỗ ngon” cho con cháu. họ hàng mình thì chỉ làm khổ dân, khổ nước thôi…
Tôi nhìn sâu vào mắt ông, thật sự cảm phục cái tâm, cái tầm nhìn của người đàn ông có vẻ bề ngoài khô khan, khắc khổ này.Có thể ông là một người hơi cứng nhắc, quan niệm hơi cổ hủ (bởi đã có lần tôi thấy ông tỏ thái độ không đồng tình với những cán bộ người Dao đã thoát ly quê hương từ sớm nên trong cách sinh hoạt, nói và viết có phần xa lạ với cách cảm,cách nghĩ của bà con quê hương) song tôi luôn đồng cảm với ông trong nỗi băn khoăn,trăn trở: Làm sao? Làm sao để giữ gìn và phát huy được bản sắc văn hoá dân tộc Dao Sìn Hồ? Làm sao? Làm sao để các dân tộc thực sự tiến bộ, bình đẳng cả trong suy nghĩ và cả trong hành động thực tế?
Sìn Hồ, ngày 5/4/2007.
bts
ƯỚC: vòng tay dài rộng bằng trời
Để ôm trọn vẹn muôn người mình yêu...