Kính gửi BQT Thi Viện,
Tiêu Đồng Vĩnh Học xin đề nghị BQT Thi Viện tạo thêm một tác giả mới là Tiến sĩ Nguyễn Xuân Ôn, nhà thơ yêu nước kiên quyết chủ trương đánh Pháp.
Bước đầu, xin cung cấp tiểu sử tác giả và một bài thơ chữ Hán của ông. Các bài tiếp theo sẽ lần lượt đưa lên Thi Viện sau.
Nguyễn Xuân Ôn 阮春溫 (1825-1889), hiệu là
Ngọc Đường 玉堂, ông còn có hiệu là Lương Giang 良江 và biệt hiệu là Hiến Đình 獻亭, người xã Lương Điền, huyện Đông Thành (nay là xã Diễn Thái, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An). Sinh trưởng trong một gia đình nhà nho nghèo, mẹ mất sớm, nên tuổi đã lớn ông mới được đi học. Nguyễn Xuân Ôn đỗ cử nhân năm Đinh Mão, niên hiệu Tự Đức thứ 20 (1867) và đỗ
Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân năm Tân Mùi, niên hiệu Tự Đức thứ 24 (1871) đời vua Nguyễn Dực Tông, được bổ nhiệm tri phủ Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình) rồi thăng Đốc học Bình Định, Án sát Bình Thuận. Ông là một trong những quan lại kiên quyết chủ chiến. Trong thời kỳ này, ông đã nhiều lần trình bày lên Tự Đức kế hoạch đánh giặc Pháp, nhưng triều đình mục nát không chấp thuận ý kiến của ông. Hơn nữa, ông lại hết sức chăm lo việc xây đắp thành lũy để phòng ngự nên triều đình sợ bọn Pháp gây rắc rối đã đổi ông ra làm Án sát Quảng Ngãi. Chán nản vì triều đình hèn nhát, ông cáo quan về làng lo tìm cách cứu nước.
Năm 1885, hưởng ứng chiếu Cần vương, ông mộ quân khởi nghĩa ngay tại làng rồi kéo lên đồng Thông, thuộc vùng Vũ Kỳ ngày nay, lập căn cứ kháng chiến, được vua Hàm Nghi phong là An tĩnh Hiệp đốc quân. Địa bàn hoạt động của nghĩa quân khá rộng bao gồm vùng Diễn Châu, Yên Thành, Thanh Chương, Nghi Lộc. Tuy chỉ có vũ khí thô sơ nhưng với tinh thần dũng cảm, mưu trí, trong hai năm chiến đấu, nghĩa quân dưới quyền chỉ huy của ông đã lập được nhiều chiến công rực rỡ. Tuổi đã già nhưng ông rất can đảm, trận đánh nào cũng tham gia, lúc đánh thì đi trước, lúc rút thì đi sau. Chẳng may, ngày 25 tháng 7 năm 1887, ông bị bọn Pháp bất ngờ đột kích, vây bắt được trong lúc đang điều trị tại làng Đồng Nhân gần Yên Mã (Yên Thành). Địch đã tìm mọi cách mua chuộc ông nhưng trước sau ông vẫn giữ được tấm lòng trung với đất nước. Chúng đem ông về giam giữ ở nhà lao Huế và ông mất vào cuối năm 1889. Ông để lại một tập thơ văn gọi là
Ngọc đường thi văn tập 玉堂詩文集. Thơ văn của ông nêu cao lòng tự hào dân tộc, tinh thần quyết tâm kháng chiến bất chấp quân thù có vũ khí hiện đại, đồng thời lên án nghiêm khắc quân giặc tàn bạo và bọn phong kiến đầu hàng, hèn nhát.
Tham khảo:1. Nguyễn Văn Huyền (chủ biên),
Tổng tập Văn học Việt Nam, tập 17, NXB KHXH, 2000.
2. Trịnh Khắc Mạnh,
Tên tự tên hiệu các tác gia Hán Nôm Việt Nam, NXB Văn hóa Thông tin, 2007.
3. Nguyễn Đức Vân – Hà Văn Đại,
Thơ văn Nguyễn Xuân Ôn (In lần 2), NXB Văn học, 1977.
(Tiêu Đồng Vĩnh Học)
冬日述懷
昔年保駕在邊廷,
今歲俘車送帝京。
世事到頭空愒月,
年花屈指又週星。
新停風景雙行淚,
故國煙霞一片情。
冬至陽生春又到,
春梅岸柳暗逢迎。
Đông nhật thuật hoài Tích niên bảo giá tại biên đình,
Kim tuế phù xa tống đế kinh.
Thế sự đáo đầu không khái nguyệt,
Niên hoa khuất chỉ hựu chu tinh.
Tân đình phong cảnh song hàng lệ,
Cố quốc yên hà nhất phiến tình.
Đông chí dương sinh xuân hựu đáo,
Xuân mai ngạn liễu ám phùng nghinh. Dịch nghĩa:Mùa đông, thuật ý nghĩ của mìnhNăm xưa bảo vệ xe vua ở chốn biên đình,
Năm nay xe tù đưa đến kinh sư.
Việc đời đến nơi rồi mà luống những sa đà ngày tháng (1),
Bấm đốt ngón tay mà tính năm tháng, các ngôi sao lại xoay xong một vòng.
Thấy phong cảnh Tân đình chảy hai hàng nước mắt (2),
Ngắm ráng mù cố quốc, mang nặng một khối tình.
Ngày Đông chí, hơi dương sinh, mùa xuân lại đến,
Rừng mai ngàn liễu sắp sửa đón chào.
Chú thích:(1) Sách Tả truyện 左傳 có câu: “
Ngoạn tuế nhi khái nguyệt 翫歲而愒月” nghĩa là ngày tháng vui chơi (kéo dài hơi thừa, không biết lo việc đời).
(2) Tân đình: Một cái đình ở đất Giang Nam, Trung Quốc. Hồi Ngũ Hồ chiếm giữ Trung Nguyên, bọn sỹ phu chạy xuống Giang Nam, tới đình này nhìn phong cảnh mà than khóc với nhau. Đây ý nói, tình cảnh nước ta hồi đó cũng như ở Tân đình thuở trước.
Dịch thơ:Năm xưa hộ giá tại biên đình,
Nay bị xe tù giải tới kinh.
Thế sự mặt nhìn càng ngán nỗi,
Niên hoa tay bấm lại tròn vành.
Tân đình phong cảnh đôi hàng lệ,
Cố quốc mây mù một mối tình.
Đông chí dương sinh xuân lại đến,
Đón chào mai nở liễu buông mành.(
Nguyễn Đức Vân – Hà Văn Đại dịch)
Xin chân thành cảm ơn!
Trung tình vô hạn bằng thuỳ tố,
Minh nguyệt thanh phong dã bất tri.