Trang trong tổng số 101 trang (1010 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [90] [91] [92] [93] [94] [95] [96] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Cammy

Tác giả Phan Cung Việt: http://www.thivien.net/vi...ID=SZLGuAOts8CnrVnahXPHsQ

Nếu có thời gian chú hãy post thơ lên đó nhé! Chú ý là phải theo quy định của Thi viện! :P
Em ngẩn ngơ ngắm khoảng trời chiều
Khoảng trời yên ả, nét phiêu diêu
Em lơ đãng vẽ anh lên đó
Vẽ cạnh tên anh, một chữ yêu
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nghia, Nguyen

Kính gởi BQT Thi Viện,

Yêu cầu thêm tác giả: Nguyên Trung

Tên thật: Nguyễn Trung
Năm Sinh: 1963
Nguyên Quán: Đức Nhuận, Mộ Đức, Quảng Ngãi

------------------------------
Một số bài thơ:

HOÀI VỌNG – THỦ ĐÔ

Hà Nội ơi!
Hẹn một ngày ta trở lại
Chuyện thời gian… chưa nói hết nỗi lòng
Tổ Quốc – muôn đời hoài vọng
Nghìn năm Thăng Long – bao thế hệ thăng trầm

Đã qua rồi nỗi chờ mong… thế kỷ
Một Hà nội hôm nay vững chải “thành đồng”
Vẹn lòng Người: Thống nhất Non Sông
Không thẹn với tiền nhân – con Rồng cháu Lạc

Lật lại trang sử nghìn năm
Bao thế hệ đi sau
Thấm đậm trong tôi màu da - dòng máu
Tiếng nói nghìn năm nhắc nhở vọng về
Qua mỗi Vương Triều kết thúc bởi nhiêu khê
Bài học xương máu muôn đời lòng dân – giữ nước
Chiếu dời đô từ nghìn năm trước
Lý tổ xây đời – Lịch sử sang trang
Đại việt từ đây Thăng Long nghìn năm Văn hiến
Nối rộng vòng tay chung sức dựng cơ đồ…
Xin kính cẩn nghiên mình
Trước anh linh của bao anh hùng mở mang bờ cõi

Hà Nội ơi!
Dân tộc một lòng hướng tới Thủ Đô
Nét văn hoá nghìn đời mang bản sắc
Vòng tay lớn chúng ta cùng nắm chặt
Cho hôm nay và mãi mãi về sau…

(Mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội)
------------------------------
VỆ GIANG

Ba đặt tên con - một dòng sông
Để cảm nhận những điều thân thương chưa nói hết
Về quê hương một thời tuổi thơ
Như dòng sông chày xiết
Chảy mãi muôn đời, hình bóng Mẹ - Quê Hương

Ba đặt tên con - một dòng sông
Bao kỉ niệm đong đầy năm tháng
Trong đôi mắt trẻ thơ
Ba cảm nhận từng ngày
Để con lớn khi nghĩ về quê mẹ
Nơi một thời ấp ủ tuổi thơ ba
Một khoảng trời ấp ủ khoảng trời xa...

Ba đặt tên con - một dòng sông
Cho tuổi xanh hiền hòa theo năm tháng
Giữa cuộc đời như cánh đồng khô hạn
Con mang về dòng nước ủ mầm xanh.

Ba đặt tên con - một dòng sông
Như nhắn gởi:
Lời thiêng liêng quê cha đất tổ
Tiếng gọi tiền nhân cho tuổi trẻ một thời
Bao kì vọng của con người vươn tới
Xây dựng đất nước mình
Tươi đẹp mãi con ơi!!!

(Tặng con gái: Nguyễn Trần Vệ Giang)
------------------------------

Chân thành cám ơn!
Keep walking forward!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyệt Thu

@Nghia, Nguyen: Xin mời bạn tham khảo bài đầu tiên của chủ đề này, link ở đây, bạn ạ: http://www.thivien.net/fo...ID=t_eJ3YEIXw66-8TsJQH5VA
"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nghia, Nguyen

Oh, vậy ra thiếu chi tiết phần thông tin tác giả rùi hen, bổ sung sau đươc không bạn Nguyệt Thu
Keep walking forward!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Anh hùng & mỹ nhân

Một vai gánh cả non sông
Một vai gánh một nụ hồng không phai
Mỹ nhân kim cổ đa tài
cầm kì thi hoạ sánh vai anh hùng
Làm trai chí lớn xưa nay hiếm
Thiếu nữ trong tranh được mấy người
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyễn Đông Ngạn

Kính gửi BQT Thi Viện,
   Tiêu Đồng Vĩnh Học xin đề nghị BQT Thi Viện tạo thêm một tác giả mới là Đông các Đại học sỹ Thân Nhân Trung, người đã có câu nói nổi tiếng ghi trong Văn Miếu là "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia".
   Bước đầu, xin cung cấp tiểu sử tác giả và một bài thơ chữ Hán của ông. Các bài tiếp theo sẽ lần lượt đưa lên Thi Viện sau.
Tiểu sử tác giả:
   Thân Nhân Trung 申 仁 忠 (1419 - 1499), tự là Hậu Phủ 厚 甫 , người xã Yên Ninh (tục gọi là làng Nếnh), huyện Yên Dũng, trấn Kinh Bắc (nay là thôn Yên Ninh, xã Hoàng Ninh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang). Ngay từ nhỏ, Thân Nhân Trung đã được gia đình cho đi học để theo nghiệp khoa hoạn. Năm Quang Thuận thứ 10 (1469), khi đã 50 tuổi, Thân Nhân Trung dự trúng hội nguyên, nhưng khi vào thi Đình ông chỉ đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân (tên đứng thứ nhất).
   Sau đó, ông được bổ làm quan, làm việc ở Viện Hàn lâm. Thân Nhân Trung là người cần mẫn, nhà vua rất ưu ái, tin dùng, giao cho nhiều trọng trách như Hàn lâm viện thị độc, Hàn lâm viện thừa chỉ, Chưởng Hàn lâm viện sự, Đông các Đại học sỹ kiêm Quốc tử giám Tế tửu, Thị mật Tham cơ chính sự, Thượng thư Bộ Lại, Nhập nội phụ chính. Thân Nhân Trung cùng với Đỗ Nhuận được vời vào Cung dạy học cho các Hoàng tử.
   Dưới thời Lê Thánh Tông, đất nước Đại Việt tuy ổn định, nhưng nhà vua vẫn luôn quan tâm tới mọi mặt của đất nước, nhất là mối quan hệ bang giao với các nước láng giềng. Năm Hồng Đức thứ 6 (1475), Nhà Minh lấy cớ đuổi bắt kẻ chạy chốn, ngang nhiên cho quân qua đường sông Thao sang nước ta. Nhà vua nhận thấy Thân Nhân Trung là người học thức uyên bác, có thể đảm đương được trọng trách thương thuyết nên đã sai ông cùng với Thái phó Lê Niệm, Thượng thư Bộ Lại Hoàng Thiễm, Thượng thư Bộ Binh Đào Tuấn, Đông các hiệu thư Đỗ Nhuận đi tiễn sứ nhà Minh là Quách Cảnh về nước.
   Khi Lê Thánh Tông lập hội Tao Đàn, tự xưng là Tao Đàn Đô nguyên súy, Thân Nhân Trung cùng Đỗ Nhuận được ban danh hiệu Tao đàn Phó Đô nguyên súy, bình thơ ngự chế và họa thơ “Quỳnh Uyển cửu ca”. Hà Nhậm Đại 何 任 大, tiến sỹ triều Mạc đã ca ngợi ông như sau:
                         天 將 賢 佐 為 時 生
                         獨 擅 騷 壇 第 一 名
                         當 世 文 章 真 大 手
                          一 門 父 子 佩 恩 榮
                         Thiên tương hiền tá vị thời sinh,
                         Độc thiện Tao đàn đệ nhất danh.
                         Đương thế văn chương chân đại thủ,
                         Nhất môn phụ tử bội ân vinh.
   Nghĩa là:          
                     Vì đời mà trời sinh ra người phò tá giỏi,
                     Riêng ông chiếm danh thứ nhất ở Tao Đàn.
                     Thật là bậc văn chương cao tay của đương thời,
                     Cha con một nhà cùng đội ơn vinh hiển (1).
  (1) Nguyên chú: Thơ vua Lê Thánh Tông có câu: 二 申 父 子 佩 恩 榮 ,“Nhị thân phụ tử bội ân vinh”, nghĩa là “Hai cha con họ Thân cùng đội ân vinh hiển”.
  Thân Nhân Trung có nhiều đóng góp to lớn cho nền văn hóa nước nhà. Ông luôn được giữ trọng trách độc quyển cho các kỳ thi Đình, phụng chỉ biên soạn bộ Thiên Nam dư hạ tập. Đây là bộ sách gồm hơn 100 quyển, được biên soạn trong thời gian hơn 10 năm, ghi chép đầy đủ các chế độ, luật lệ, văn hàn, … và ông được cử viết lời tựa.
  Thân Nhân Trung được vua sai soạn bài văn đề danh tiến sỹ của Khoa thi năm Đại Bảo thứ 3 (1442) để khắc lên bia đá dựng tại Văn miếu Quốc tử giám. Trong bài văn, ông đã nêu lên một tư tưởng đúng cho mọi thời đại: 賢 材 國 家 之 元 氣 元 氣 盛 則 國 勢 強 以 隆 元 氣 餒 則 國 勢 弱 以 污 是 以 聖 帝 明 王 莫 不 以 育 材 取 士 培 植 元 氣 為 先 務 也 (Hiền tài quốc gia chi nguyên khí, nguyên khí thịnh tắc quốc thế cường dĩ long. Nguyên khí nỗi tắc quốc thế nhược dĩ ô. Thị dĩ thánh đế minh vương mạc bất dĩ dục tài thủ sĩ, bồi thực nguyên khí vi tiên vụ dã), nghĩa là: Hiền tài là nguyên khí của đất nước. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh và vươn cao. Nguyên khí suy thì thì thế nước yếu mà xuống thấp. Do đó, các bậc thánh đế, minh vương không ai không lấy việc đào tạo nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, bồi đắp nguyên khí làm việc quan trọng đầu tiên.
   Luận điểm của ông đã nêu bật mối quan hệ tất yếu giữa người hiền tài với vận mệnh quốc gia trong tiến trình phát triển của đất nước. Tư tưởng của ông đến nay vẫn còn giữ nguyên giá trị và đã trở thành bất hủ của nền giáo dục, văn hóa, tư tưởng sử Việt Nam.
   Vua Lê Thánh Tông qua đời, vua Hiến Tông nối ngôi, ông vẫn được nhà vua trọng dụng, cho giữ nhiều trọng trách. Mọi giấy tờ, hiệu lệnh trong triều đều qua ông xét duyệt.
   Nhà ông là một “thế gia vọng tộc”, khoa danh nổi tiếng. Con cả Thân Nhân Tín đỗ tiến sỹ năm 1490, con thứ Thân Nhân Vũ đỗ tiến sỹ năm 1481. Cháu ông là Thân Cảnh Vân, con của Thân Nhân Tín, đỗ Thám hoa năm 25 tuổi, Khoa thi Đinh Mùi, niên hiệu Hồng Đức 18 (1487). Sự kiện bốn cha con, ông cháu đỗ đại khoa, làm quan đồng triều quả là hiếm có trong lịch sử. Thân Nhân Trung mất năm Kỷ Mùi (1499), thọ 81 tuổi. Ông là một nhà văn hóa lớn của dân tộc. Năm 1999, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Trung tâm UNESCO thông tin tư liệu lịch sử và văn hoá Việt Nam phối hợp với Sở Văn hoá - Thông tin tỉnh Bắc Giang tổ chức lễ kỷ niệm 500 năm mất Thân Nhân Trung tại Bái Đường Văn Miếu để tôn vinh ông, bậc danh thần dưới thời Lê Thánh Tông, bậc danh nho phò tá có công lao tài đức. Dưới đây là một số ý kiến của các học giả, nhà khoa học tại buổi lễ trọng thể này.

   “Ngày nay, kỷ niệm Thân Nhân Trung, nhân dân ta đưa ông trở lại vị trí quang vinh của ông trong lịch sử văn hiến của dân tộc. Cuộc đời ông, sự nghiệp của ông và đặc biệt là tư tưởng của ông về vinh dự và vai trò của người trí thức sẽ mãi mãi là bài học quý giá và là nguồn cổ vũ lớn cho chúng ta hôm nay” (Giáo sư Đặng Vũ Khiêu).

   “Xuyên qua các bài văn thơ – dù là làm trong lúc vua tôi ngâm vịnh, có tính thù tạc, người đọc ngày nay bắt gặp một tấm lòng yêu nước thương dân sâu xa. Một ý thức trách nhiệm cao đối với dân, đối với nước, một đòi hỏi cao về đạo đức đối với mọi người, ngay cả đối với vua. Tất cả các tình cảm đó đã hòa quyện, kết hợp với nhau một cách nhuần nhuyễn để tạo nên một nhân cách cao quý, xứng đáng cho các thế hệ về sau không chỉ ngưỡng mộ, ngợi ca, mà phải chân thành học tập, …” (Giáo sư Đinh Xuân Lâm)

   “Điều đáng chú ý, trong lịch sử văn hóa, giáo dục nước ta, trước đó chưa có ai đặt vấn đề như ông. Người ta không ai là không biết mối quan hệ giữa nhân tài và sự thịnh suy của một triều đại, một quốc gia. Nhưng còn coi người “hiền tài là nguyên khí của quốc gia” thì phải ghi nhận bắt đầu từ Thân Nhân Trung … Câu nói này của danh nho Thân Nhân Trung có giá trị như một sự tiên liệu. Đúng hơn 500 năm sau khi ông đi vào cõi vĩnh hằng, chúng ta có dịp đọc kỹ lại hai bài văn bia do Thân Nhân Trung soạn thảo, vừa xúc động trước những lời nhắn nhủ chân tình, vừa cảm phục trước những tư tưởng sáng suốt về văn hóa, giáo dục của ông” (PGS. TS. Nguyễn Minh Tường).

     Qua khảo cứu, những tác phẩm của ông còn lại gồm có:
     Đại Bảo tam niên, Tiến sỹ đề danh ký (tấm bia thứ nhất ở Văn Miếu).
     Hồng Đức thập bát niên, tiến sĩ đề danh ký.
     Thánh Tông chiêu lăng bi minh tịnh tự.
     Thượng Hồng Đường An liệt nữ bi.
     Thiên Nam dư hạ tập (đồng soạn giả).
     Quỳnh Uyển cửu ca (đồng tác giả).
     Văn minh cổ súy (đồng tác giả).
     Châu cơ thắng thưởng (đồng soạn giả), ...

Tài liệu tham khảo để viết phần tiểu sử:
1. Hiền tài là nguyên khí quốc gia, Kỷ niệm lần thứ 500 năm mất Thân Nhân Trung, Trung tâm Unesco thông tin tư liệu lịch sử - văn hóa Việt Nam và Bảo tàng tỉnh Bắc Giang xuất bản, 2000.
2. Nguyễn Q. Thắng - Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, NXB. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2006.
3. Phạm Văn Thắm (Chủ biên), Các tác gia Hán Nôm Thăng Long – Hà Nội, Viện nghiên cứu Hán Nôm, NXB KHXH, Hà Nội, 2009.
4. Bùi Duy Tân (chủ biên), Tổng tập Văn học Việt Nam, tập 6, NXB Khoa học xã hội, 1997.

Nguyên văn chữ Hán:
奉和御製: 君明臣良
神功聖德妙難名
丕緒光承集大成
郁郁周文敦禮樂
桓桓殷武詰戎兵
發揮麗藻霞雲爛
增賁微臣父子榮
仰誦不塍銘感意
誓殫中赤贊隆平
Phiên âm Hán-Việt:
Phụng họa ngự chế: Quân minh thần lương
Thần công thánh đức diệu nan danh,
Phi tự quang thừa tập đại thành.
Úc úc chu văn đôn lễ nhạc,
Hoàn hoàn Ân vũ cật nhung binh.
Phát huy lệ tảo hà vân lạn,
Tăng bí vi thần phụ tử vinh.
Ngưỡng tụng bất thăng minh cảm ý,
Thệ đàn trung xích tán long bình.

Dịch nghĩa: Kính họa bài “Vua sáng tôi hiền” của Đức vua
Công đức to lớn như thần thánh của nhà vua khó mà kể được,
Nhà vua nối nghiệp vẻ vang cha ông, và mở mang ngày càng vĩ đại.
Nghi thức lễ nhạc rực rỡ, so với đời Chu (2),
Lực lượng quân sự hùng hậu, sánh với đời Ân.
Văn chương phát huy như rong tảo xanh tươi, rực rỡ tựa ráng mây (3),
Làm sáng thêm kẻ bầy tôi nhỏ mọn, khiến cha con thêm vinh hiển.
Ngẩng đọc bài thơ của nhà vua khôn xiết cảm xúc (4),
Thề mang hết tấc lòng son giúp cho nền thái bình thịnh trị.

Dịch thơ:

Công đức thánh thần khó tả thay,
Kế thừa nghiệp lớn rạng xưa nay.
Văn so Chu nọ, lễ nghi thịnh,
Võ sánh Ân kia, binh giáp đầy.
Chữ nghĩa phát huy mây ráng tỏ,
Cha con phụng sự đội ơn dày.
Kính xem thơ thánh lòng rung động,
Nguyện dốc trung kiên dựng nghiệp dài.
                                  (Hùng Nam Yến dịch)

Lời phê của Nhà vua: Lời nói thuận.


Chú thích:
     (2) Câu này nguyên văn là: ”Úc úc Chu văn”, văn ở đây chỉ văn hiến, lễ nghi, trong đó có cả văn chương.
     (3) Rong tảo, mây ráng: ở nguyên văn: tảo (rong biển), hà vân (mây ráng), đều chỉ văn chương. Xem thêm chú thích bài "Quân minh thần lương” 君 明 臣 良 của Lê Thánh Tông.
     (4) Trong câu này, GS. Bùi Văn Nguyên chú rằng: ở phần nguyên văn chữ Hán, thiếu mất một chữ thứ năm trước chữ “cảm”, xin điền tạm chữ “đồng” 同 cho có nghĩa, và để trong dấu ngoặc đơn. Ở đây chúng tôi theo cuốn sách của nhà Hán học Lâm Giang dùng chữ “minh” 銘 với nghĩa: “ghi nhớ không quên”, như “minh cảm” 銘感 , cảm in vào lòng không bao giờ quên.

Nguồn tham khảo:
1. Bùi Văn Nguyên (chủ biên), Doãn Như Tiếp, Cao Yên Hưng, Tổng tập Văn học Việt Nam, Tập 5, NXB KHXH, Hà Nội, 1995.
2. Lâm Giang, Thân Nhân Trung - con người và sự nghiệp, Sở Văn hóa - thông tin Hà Bắc, Huyện ủy – UBND huyện Việt Yên hợp tác xuất bản, 1995.

Xin chân thành cảm ơn!
Tiêu Đồng Vĩnh Học.
Trung tình vô hạn bằng thuỳ tố,
Minh nguyệt thanh phong dã bất tri.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vanachi

Táci giả Thân Nhân Trung: http://www.thivien.net/vi...ID=eOFIe3QgfrDzlduYauxtuQ
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Pang De

Kính gởi BQT Thi Viện, tôi có yêu cầu thêm tác giả Tô Hà.

Phần tiểu sử và thơ được ghi dưới đây:

* Tiểu sử:

Tên thật: Lê Duy Chiểu
Sinh năm: 1939
Mất năm: 1991
Nơi sinh: Thường Tín - Hà Tây.
Bút danh: Tô Hà,

Thể loại: thơ

Các tác phẩm:
Hương cỏ mặt trời (1978)
Sóng nắng (1981)
Hoa vừa đi vừa nở (1981)
Thành phố có ngôi nhà của mình (1988)
Sóng giữa lòng tay (thơ, 1990)
Chuyện không có trong thư  

Nguồn: http://www.cinet.gov.vn/v.../tacgia/20/tho/h/toha.htm

* Bài viết về Tô Hà: Tô Hà dành trọn cuộc đời cho một câu thơ hay

Giống các thi nhân cổ điển phương Đông, Tô Hà đề cao thần cú, nhãn tự trong nghệ thuật thơ. Bởi vậy, với ông, mỗi câu mỗi bài là cả sự vật vã. Rất nhiều lần ông phải kỳ công gạn câu này, chắp khổ khác và đau đáu đi tìm những giây phút xuất thần để có một câu thơ đầy ắp nội lực, bật ra từ ảo giác.

36 năm làm thơ, Tô Hà chỉ có 36 bài, trung bình mỗi năm một bài. Vậy mà mỗi bài cũng chỉ đứng được một câu. Ví dụ, bài Quán gió ban đầu gồm tới 6 khổ, 24 dòng, sau đó, Tô Hà kỳ công rút lại còn 4 dòng để có câu cuối gợi nhất: Hà Nội em về may áo mới. Các bài khác của ông cũng chỉ đọng được một câu. Bài Qua thị trấn, viết trong thời kỳ Mỹ ném bom miền Bắc, cũng khiến ông phải đau đầu mới tìm được một câu tả cảnh có chữ ran: Dưới gốc bàng già tán lá ran xanh. Với câu thơ này, Tô Hà đã biến từ tượng thanh thành từ chỉ màu sắc, khiến người đọc thơ có thể nghe thấy cả tiếng chim lảnh lót, râm ran dưới tán lá.

Trong hành trình đi tìm một câu thơ, Tô Hà còn tỉ mẩn soạn tập sách Những câu thơ hay trong trí nhớ (Hội Nhà văn Hà Nội xuất bản năm 1988), trích tuyển hàng nghìn câu thơ để học hỏi.

Năm 1991, lúc lâm bệnh, Tô Hà vẫn mê mải làm thơ. Những bài ông viết trên giường bệnh đều ngắn gọn, thấm đẫm cảm xúc và không có dấu vết của sự đẽo gọt. Bài Em về chiêm bao, ông viết tặng vợ có thể coi là một bài đọc được: "Angola là đâu?/ Mà lên đường em khóc!/ Rwanda là đâu?/ Mà tháng năm dằng dặc/ Mà nửa vòng trái đất/ Mà em về chiêm bao?". Hồi ấy, vì sinh kế, vợ ông phải từ biệt chồng con, sang châu Phi làm chuyên gia y tế. Một mình vào viện, nỗi mong nhớ khiến Tô Hà thường mơ thấy vợ về thăm. Thế nhưng ông không thương mình mà xót vợ bụi hồng lẽo đẽo đi về chiêm bao.

(Theo Tiền Phong)

Nguồn: http://vnexpress.net/GL/V...Nghe-sy/2003/03/3B9C5E3D/

* Bài thơ: Tia chớp

Hãy cất đi nơi ánh mắt của em
Cái tia chớp bàng hoàng ghê gớm ấy
Biển phút lặng mong đừng khơi sóng dậy
Chấm buồm xa đâu phải đã bình yên...

Lọ hoa trên bàn thơm mát hương đêm
Chiếc gương tròn sớm mai em chải tóc
Cuốn sách hay anh đợi cùng em đọc
Khung cửa ra vào một dáng quen...

Đóa hồng nhung anh vẫn cắm cho em
Dù hoa nở không thuộc về em nữa
Nhìn trong gương anh thấy mình rất rõ
Dãy núi bên kia hứa hẹn những gì...

Câu thơ sửng sốt hàng mi
Trang sách mở lòng dao cắt
Hoa nở thế sao anh không đã chết
Để em đừng đến đến thăm...

Trích từ tập thơ Hai sắc hoa Ti gôn do Ngô Văn Phú tuyển chọn, Nxb Hội nhà văn phát hành năm 2002.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyễn Đông Ngạn

Kính gửi BQT Thi Viện,
Tiêu Đồng Vĩnh Học xin đề nghị BQT Thi Viện tạo thêm một tác giả mới là Tiến sỹ Thượng thư Đàm Thận Huy, thành viên Hội Tao Đàn nhị thập bát tú dưới thời Lê Thánh Tông.
Bước đầu xin cung cấp tiểu sử nhà thơ và một bài thơ chữ Hán, các bài thơ tiếp theo sẽ lần lượt đưa lên Thi viện sau.
Tiểu sử tác giả:
Đàm Thận Huy 譚 愼 徽 (1462-1526), hiệu Mặc Trai 默 齋, tước Lâm Xuyên Bá, sinh năm Nhâm Ngọ, niên hiệu Quang Thuận thứ 3 (1462) tại làng Ông Mặc, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc (nay là thôn Hương Mạc - tục gọi là làng Me, xã Hương Mạc, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Ông mất năm Bính Tuất, niên hiệu Thống Nguyên thứ 5 (1526), thọ 64 tuổi.
Năm Canh Tuất, niên hiệu Hồng Đức thứ 21 (1490), Đàm Thận Huy đỗ đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân (tên đứng thứ 17), lúc 28 tuổi. Khi vào thi Điện, Lê Thánh Tông thân ra đề văn sách, Binh bộ Thượng thư Trịnh Công Đán và Hình bộ thượng thư Lê Năng Nhượng làm đề điệu, Ngự sử đài Phó đô Ngự sử Quách Hữu Nghiêm làm giám thí, Đông các Đại học sỹ Thân Nhân Trung và Lại bộ Thượng thư Nguyễn Bá Ký làm độc quyển. Khoa ấy có ba người đỗ Tiến sỹ cập đệ là: Vũ Duệ, Ngô Hoán, Lưu Thư Ngạn, còn lại 51 người đỗ Tiến sỹ xuất thân và đồng Tiến sỹ xuất thân. Trong số ấy có con trai đầu của Thân Nhân Trung là Thân Nhân Tín, đỗ lúc 52 tuổi.
Những người đỗ Khoa này, sau tham gia “Hội Tao Đàn nhị thập bát tú” gồm có: Ngô Hoán, Lưu Thư Ngạn, Dương Trực Nguyên, Lưu Dịch, Phạm Đạo Phú.
Năm Hồng Đức thứ 25 (1494), Đàm Thận Huy được tham gia Hội Tao Đàn, xếp thứ 26 trong số 28 hội viên.
Đàm Thận Huy làm quan trải các đời vua: Lê Thánh Tông 8 năm, Lê Hiến Tông 6 năm, Lê Túc Tông, Lê Uy Mục 5 năm, Lê Tương Dực 7 năm, Lê Chiêu Tông 5 năm, 5 năm giúp Lê Chiêu Tông tập hợp nghĩa binh chống lại Mạc Đăng Dung. Như vậy, trong 36 năm làm quan cho 6 đời vua, đủ thấy ông ở vào thời buổi hết sức rối ren.
Từ khoảng thời Cảnh Thống (Lê Hiến Tông) đến đời Đoan Khánh (Lê Uy Mục), Đàm Thận Huy có một thời gian làm quan ở dưới huyện.
Tháng 12 năm Kỷ Tỵ, niên hiệu Đoan Khánh thứ 5 (1509), nội bộ triều đình nhà Lê lục đục: Lê Tương Dực khởi nghĩa giết Lê Uy Mục, rồi tự lên làm vua, lấy niên hiệu là Hồng Thuận. Tháng giêng năm Canh Ngọ, niên hiệu Hồng Thuận thứ 1 (1510), Lê Tương Dực ban công những người ứng nghĩa, phong tước công cho bẩy người, tước hầu cho hai người. Đàm Thận Huy vì có công ứng nghĩa trong nên được thăng Hình bộ thượng thư kiêm Hàn lâm viện thị độc, Chưởng Hàn lâm viện sự.
Tháng hai năm ấy, Đàm Thận Huy lại được cử làm Chánh sứ sang nhà Minh trình bày sự việc Tương Dực phế truất Uy Mục và cầu phong. Cùng đi có Đông các hiệu thư Nguyễn Thái, Đô cấp sự trung Lê Thừa Hưu, Thông sự Nguyễn Phong, ...
Sau khi đi sứ trở về, tháng 5 năm Tân Mùi, niên hiệu Hồng Thuận thứ 3 (1511), Đàm Thận Huy được thăng Lại bộ thượng thư, kiêm coi Chiêu văn quán, Tú lâm cục.
Kỳ thi Đình tháng 2 năm Giáp Tuất, niên hiệu Hồng Thuận thứ 6 (1514), Đàm Thận Huy được cử trông coi việc thi.
Tháng 4 năm Bính Tý, Quang Thiệu nguyên niên (1516), triều đình nhà Lê lại lộn xộn: Ở ngoài, bọn Trần Cảo nổi lên, tiến sát kinh thành Thăng Long. Bên trong, Trịnh Duy sản giết Lê Tương Dực, lập Lê Chiêu Tông lên làm vua, lấy niên hiệu Quang Thiệu. Quang Thiệu vẫn tin dùng Đàm Thận Huy và cử giữ chức Lễ bộ thượng thư.
Tháng 10, năm Mậu Dần, niên hiệu Quang Thiệu thứ 3 (1518), Lê Chiêu Tông chính thức lấy Đàm Thận Huy làm Thiếu bảo Lễ bộ thượng thư nhập thị kinh diên, tước Lâm Xuyên Bá. Lúc này Đàm Thận huy đã 56 tuổi. Nhà lê ngày càng suy vi, sắp đến ngày sụp đổ. Các cuộc khởi nghĩa nổi lên khắp nơi. Trong triều, Mạc Đăng Dung ngày càng lấn quyền vua.
Cuối tháng 7 năm Nhâm Ngọ, niên hiệu Quang Thiệu thứ 7 (1522), Lê Chiêu Tông bỏ kinh thành Thăng Long chạy ra Sơn Tây, Mạc Đăng Dung lập Lê Cung Hoàng lên làm vua, dùng chiêu bài này đánh Lê Chiêu Tông.
Ngày 16 tháng 8 năm ấy, Đàm Thận Huy nhận huyết chiếu lui về Bắc Giang mộ binh khởi nghĩa (cùng đi có học trò là Thám hoa Nguyễn Hữu Nghiêm và một số văn thần, võ tướng khác), đóng quân ở bờ sông Ninh Kiều. Sau bị Mạc Đăng Dung phá, phải rút về đóng ở Thọ Thành huyện Yên Thế. Đăng Dung thường sai sứ đến dụ dỗ, khuyên ra đầu hàng sẽ cho quan chức. Ông nói: “Bề tôi trung không thờ hai vua, liệt nữ không lấy hai chồng. Hãy về nói với chủ các ngươi rằng: Chí ta đã định, chớ có nhiều lời!”.       
Song tình thế không thể cứu vãn, Lê Chiêu Tông bị bắt, quân ứng nghĩa bị Mạc Đăng Dung đánh cho tan tác. Hà Phi Chuẩn bị bắt đưa về kinh, thắt cổ chết. Nghiêm Bá Ký, Nguyễn Xí đi trốn, rồi chết ở châu Văn Uyên, trấn Lạng Sơn.
Đàm Thận Huy gửi thư cho gia đình rằng: “Con người ta sinh ra trong khoảng trời đất, lấy trung, hiếu làm vinh, chăm lo đến tước trời thì tước người sẽ đến. Các con nên theo lời dạy của thánh hiền: phải biết thế nào là trung, thế nào là hiếu. Sau khi ta chết, hãy thận trọng, chớ có theo Ngụy triều, nhận chức tước của Ngụy triều, được thế thì ý nguyện của ta cũng thoả vậy”.
Ngày 3 tháng 8 năm Bính Tuất (1526), ban đêm, ông cùng với những người ứng nghĩa, nhìn về Lam Sơn xa xăm, vừa lạy vừa khóc, rồi uống thuốc độc tự vẫn. Phu nhân Nghiêm Thị Hiệu (em gái bạn đồng khoa là Hoàng giáp Nghiêm Ích Khiêm, người làng Quan Độ, ngay cạnh làng Me) và hai người con gái út của ông cũng tuẫn tiết ở vùng Yên Thế Thượng, Bắc Giang. Đời sau có thơ vịnh rằng:

學 問 家 庭 相 相 科
烏 臺 斗 坐 帝 恩 多
竭 誠 報 國 吾 能 事
天 意 難 回 可 奈 何

Học vấn gia đình tướng tướng khoa,
Ô đài Đẩu tọa đế ân đa.
Kiệt thành báo quốc ngô năng sự,
Thiên ý nan hồi khả nại hà!
(Một gia đình học vấn, kiêm cả tướng võ, tướng văn,
Được ở đài Ô tòa Đẩu ơn vua nhiều lắm.
Dốc hết lòng thành báo thù cho nước, ta có thể làm,
Nhưng ý trời khó đổi thay, biết làm sao được!)
Năm sau Mạc Đặng Dung đoạt hẳn ngôi nhà Lê, xem ông là người trọng nghĩa nên đã cho rước hài cốt ông về chôn ở làng và ban sắc, phong tước hầu cho ông. Tương truyền khi sắc ấy rước về đến chợ Dầu thì bỗng bùng cháy mất. Mọi người kinh sợ cho là hồn ông linh thiêng, không thèm nhận sắc phong của Ngụy Mạc.
Năm Bính Ngọ (1666), triều vua Lê Huyền Tông đời Lê Trung Hưng, theo lời tâu của Tham tụng Phạm Công Trứ, triều đình tuyên dương 13 công thần tiết nghĩa đời Chiêu Tông, trong đó đã nêu rõ khí tiết và công của ông,  phong ông là Tiết nghĩa Đại Vương, ban thụy là Trung Hiến. Triều đình còn xếp ông vào hàng kiệt tiết, dực vận tán trị công thần, đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, tước phong Thiếu bảo, Lâm xuyên hầu, được gia tặng: “Tráng tiết đôn nghĩa minh di trợ hóa quang ý trắc vỹ dực bảo trung hưng thượng đẳng thần” và cho dân lập đền thờ ở làng Hương Mạc, đặt tên là “Tiết nghĩa từ”, lệnh cho quan huyện hàng năm, mùa xuân, mùa thu phải đến tế. Từ đó, trải các triều đều có sắc phong tặng. Trước nhà thờ khắc một bài thơ vịnh sử của vua Tự Đức rằng:

騷 壇 四 七 列 群 星
生 有 才 名 死 有 靈
偽 敕 追 襃 何 處 往
中 涂 鬼 化 以 熒 熒

Tao Đàn tứ thất liệt quần tinh,
Sinh hữu tài danh tử hữu linh.
Ngụy sắc truy bao hà xứ vãng?
Trung đồ quỉ hoá dĩ huỳnh huỳnh.
(Ông là một trong hai tám vị Tao Đàn, xếp trong bầy sao,
Sống nổi tiếng hiền tài, chết linh thiêng.
Sắc truy phong của Ngụy (Mạc) đi đằng nào?
Giữa đường, lửa quỉ thần đã rừng rực thiêu cháy.)
Tại nhà thờ họ Đàm Thận hiện còn giữ được 15 đạo sắc phong. Đàm Thận Huy được các triều gia phong là: “Toàn đức túy hạnh cẩn tiết chính dung phù nguy chửng hoán đại vương”.
Ngày nay, ở Thành phố Bắc Giang có một đường phố mang tên Đàm Thận Huy. Còn tại đền thờ Đàm Thận Huy ở thôn Vòng (Yên Thế) có đôi câu đối ca ngợi ông như sau:

統 領 黎 朝 靈 不 死
安 城 譚 相 懔 如 生

Thống lĩnh Lê triều linh bất tử,
Yên Thành Đàm tướng lẫm như sinh.
Nghĩa là:  
                   Thống lĩnh Lê triều linh chẳng mất,
                   Yên Thành Đàm tướng phách như còn.
Về truyền thống thi thư, họ Đàm bấy giờ nổi tiếng huyện Đông Ngàn. Em trai Đàm Thận Huy là Đàm Thận Giản, 34 tuổi đỗ Hoàng giáp Khoa Kỷ Mùi, niên hiệu Cảnh Thống thứ 2 (1499), làm quan đến Công bộ Thượng thư. Con trai Đàm Thận Giản là Đàm Cư, 30 tuổi cũng đỗ Hoàng giáp Khoa Mậu Tuất, niên hiệu Đại Chính thứ 5 (1538), làm quan trải lục bộ Thượng thư, tước Thế Quận công, tham dự triều chính, Thiếu bảo (chính Đàm Cư đã gả cháu gái cho Đình nguyên Hoàng giáp Nguyễn Thực ở làng Vân Điềm bên cạnh). Cháu đời thứ 6 của Đàm Thận Huy là Đàm Công Hiệu (1652-1721), đỗ Khoa Sỹ vọng năm 1684, sau được tiến cử vào trong Vương phủ giảng sách cho chúa Trịnh, được phong Lễ bộ Thượng thư, tham dự triều chính, Thiếu bảo, Quốc lão, Nghĩa Quận công.
Đàm Thận Huy nổi tiếng là hay thơ, sánh ngang với Thân Nhân Trung và Đỗ Nhuận. Người đương thời thường suy tôn: “Ông Mặc chi Đàm” (họ Đàm ở Ông Mặc).
Thiên “Tùng đàm” (truyện góp) trong sách “Kiến văn tiểu lục” của Lê Quý Đôn có kể lại câu chuyện rằng: Một hôm, sau khi giảng học xong thì trời đổ mưa rất to, thầy trò không thể nào về được. Thấy vậy, thầy Đàm Thận Huy bèn ra câu đối rằng: “Vũ vô cương toả năng lưu khách 雨 無 韁 鎖 能 留 客” (Mưa không phải là xiềng, khoá mà giữ được khách lại).
Người học trò cùng làng là Nguyễn Giản Thanh xin đối lại rằng: “Sắc bất ba đào dị nịch nhân 色 不 波 濤 易 溺 人” (Sắc đẹp không phải là sóng nước mà dễ dìm người).
Người học trò khác là Nguyễn Chiêu Huấn người xã Yên Phụ, huyện Yên Phong thì đối lại là “Nguyệt hữu loan cung bất xạ nhân 月 有 彎 弓 不 射 人” (Trăng có cánh cung nhưng không bắn người).
Một người học trò khác thì đối: “Phẩn bất uy quyền dị sử nhân 糞 不 威 權 易 使 人” (Phân chẳng có uy quyền mà dễ sai khiến người).
Ông cho rằng Giản Thanh sau sẽ là người phóng đãng, Chiêu Huấn là người có lòng nhân đức và tất nhiên là hai người đều thành danh. Còn học trò kia về sau sẽ trở thành kẻ hào phú nhưng bỉ ổi. Sau, Giản Thanh đỗ Trạng Nguyên, Chiêu Huấn đỗ Bảng Nhãn, người kia chỉ làm đến chức Phó Hiến, tính hạnh của ba người đều đúng y như lời bình của Đàm Thận Huy.
Đàm Thận Huy để lại sáng tác không nhiều, các sách đăng khoa lục đều nói ông có tập thơ “Mặc Trai thi tập 默 齋 詩 集” lưu hành ở đời. Hiện thấy còn:
1. Phụng họa Ngự chế Quỳnh uyển cửu ca: họa đủ 9 bài.
2. Chùm thơ ba bài:
                  Phụng họa Ngự chế: Tư gia tướng sĩ;
                  Phụng họa Ngự chế: Lục vân động;
                  Phụng họa Ngự chế: Anh tài tử.
3. Sỹ hoạn châm quy.

Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Duy Hợp, Thông điệp gửi từ quá khứ, NXB Văn hóa Dân tộc, 2007.
2. Lâm Giang (chủ biên), Hội Tao Đàn, Tác giả - tác phẩm, Viện nghiên cứu Hán Nôm, NXB KHXH, 1994.
3. Lâm Giang, Đàm Thận Huy và tác phẩm Sĩ hoạn châm quy, Tạp chí Hán Nôm, Số 1, 1989.
4. Nguyễn Quang Khải, Văn bia Văn miếu Bắc Ninh, NXB Văn hoá dân tộc, 2000.
5. Trịnh Khắc Mạnh, Tên tự tên hiệu các tác gia Hán Nôm Việt Nam, NXB Văn hóa Thông tin, 2007.
6. Lê Viết Nga (chủ biên), Thần tích, sắc phong các vị thần, thành hoàng làng tỉnh Bắc Ninh, Bảo tàng Bắc Ninh, 2008.
7. Ngô Đức Thọ - Nguyễn Thuý Nga - Nguyễn Hữu Mùi, Các nhà Khoa bảng Việt Nam (1075-1919), NXB Văn học, 2006.

Một bài thơ chữ Hán:

奉和御製英才子
古今英俊寵榮新
茂展才攸輔聖君
太白詩成詞治鬼
相如賦就氣淩雲
策勳益壯吞牛志
健筆爭揮吐鳳文
旨捍小臣陪誦託
誓將實學答華勳

Phiên âm:
Phụng họa Ngự chế: Anh tài tử
Cổ kim anh tuấn sủng vinh tân,
Mậu triển tài du phụ thánh nhân.
Thái Bạch thi thành từ trị quỷ,
Tương Như phú tựu khí lăng vân.
Sách huân ích tráng thôn ngưu chí,
Kiện bút tranh huy thổ phượng văn.
Chỉ hãn tiểu thần bồi tụng thác,
Thệ tương thực học đáp hoa huân.

Dịch nghĩa:
Vâng họa bài: Bậc anh tài của Đức vua
Các bậc anh tuấn xưa nay được sủng ái, ân vinh mới,
Là do đem hết tài năng giúp dập nhà vua.
Thơ Lý Bạch làm thành, lời trấn trị quỷ thần (1),
Phú Tương Như làm xong, khí phách vượt tầng mây (2).
Công lao với sách vở, chí khí nuốt trâu thêm khỏe,
Ngọn bút khỏe khoắn, lời văn nhả phượng đua tuôn.
Tiểu thần được cầm bút bồi tòng xa giá,
Thề đem thực học đáp đền nhà vua.
Chú thích:
(1) Lý Bạch, nhà thơ lớn đời Đường.
(2) Tương Như, tức Tư Mã Tương Như, người làm phú giỏi đời Hán.
Dịch thơ:
Xưa nay anh tuấn hưởng ân vinh,
Giúp rập nhà vua hết sức mình.
Lý Bạch thơ thành run quỷ dữ,
Tương Như phú được vút từng xanh.
Nuốt trâu tráng chí lời văn khỏe,
Nhả phượng đưa tuôn ngọn bút nhanh.
Cầm bút tiểu thần bồi tụng giá,
Thề đem thực học đáp ân vinh.

(Lâm Giang dịch)
Nguồn: Lâm Giang (chủ biên), Hội Tao Đàn, Tác giả - tác phẩm, Viện nghiên cứu Hán Nôm, NXB KHXH, 1994.

Xin chân thành cảm ơn!
Tiêu Đồng Vĩnh Học.
Trung tình vô hạn bằng thuỳ tố,
Minh nguyệt thanh phong dã bất tri.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vanachi

Tác giả Đàm Thận Huy: http://www.thivien.net/vi...ID=u7o28HI1zNHlA8xR5PeQ2A
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 101 trang (1010 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [90] [91] [92] [93] [94] [95] [96] ... ›Trang sau »Trang cuối