Trang trong tổng số 73 trang (726 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [15] [16] [17] [18] [19] [20] [21] ... ›Trang sau »Trang cuối
Ngày gửi: 24/05/2013 09:44
Có 14 người thích
Ngày gửi: 24/05/2013 09:51
Có 15 người thích
Ngày gửi: 25/05/2013 18:16
Có 13 người thích
BAN CN giới thiệu tiếp trang thơ Nhà giáo đăng trên Báo Người Hà Nội ngày 10/5/2013:
Nhà giáo Hồng Phúc
HOÀNG HÔN TRÊN CẦU THANH TRÌ
Mặt trời ngủ cuối dòng sông
Cầu nghiêng soi bóng má hồng nghiêng che
Gió nồm âu yếm vuốt ve
Ngô non bãi Giữa vẫy tre Bát Tràng
Sếu bay – vệt mực vẩy ngang
Sáo diều vi vút trên làn mây xanh
Thuyền xuôi – liền chị, liền anh
Ba tầm lúng liếng, chòng chành khuôn trăng.
Nhà giáo Đỗ Thanh
TÌNH YÊU CỔ TÍCH
Cơn gió lạnh mùa đông vừa chợt tới
Em giờ này không biết ở nơi nao
Ghế đá cũ chỗ em ngồi dạo ấy
Anh vẫn dành một nửa - phía niềm đau.
Thu đã đến rồi lại đi mải miết
Thu song hành, tồn tại cùng em
Ba năm trọn buồn vui khôn kể xiết
Phía hồ xa, tơ liễu vẫn buông rèm.
Anh rất muốn được ở bên em mãi
Ngắm em nhìn, em nói, em nghe
Đi bên em, đường dài như ngắn lại
Dặm đường khuya heo hút bóng em về.
Anh muốn dệt một Tình yêu Cổ tích
Hai đứa mình đẹp mãi ở trong tranh
Cuộc sống dẫu chưa một ngày toàn bích
Cây bên đường, hoa lá mãi tươi xanh.
Nhà giáo Bùi Thị Hạnh
HOA TÌNH ĐẦU
Vỏ trầu vẫn đỏ mùa đông
Người đi ngày ấy sao không thấy về
Thời gian cứa nát câu thề
Để lòng em vẫn bộn bề nhớ thương.
Mình em đi khắp muôn phương
Với câu hát cũ lời thương ngày nào
Lời vàng đã rớt xuống ao
Đêm đêm mơ tưởng… mò sao trên trời.
Yêu chi yêu suốt một đời
Chỉ mong người nói một lời trăng suông
Mối tình ngâu vẫn còn vương
Ngàn năm lã chã buồn thương tình đầu.
Người ơi – người có biết đâu
Dầm sương gió bấc giàn trầu vẫn xanh
Hoa cau vãn thức năm canh
Hoa tình đầu vẫn là… nhành tình non!
Ngày gửi: 26/05/2013 04:49
Có 13 người thích
Ngày gửi: 29/05/2013 06:20
Có 10 người thích
Ngày gửi: 29/05/2013 08:13
Đã sửa 1 lần, lần cuối bởi Thơ Nhà Giáo vào 29/05/2013 09:24
Có 10 người thích
Sáng ngày 17/5/2013, CLB Thơ Nhà giáo phối hợp với Thư viện Hà Nội tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề
" CẢM NHẬN THƠ HỒ CHỦ TỊCH".
Ban Tổ chức đã nhận được hơn 30 bài viết của các nhà nghiên cứu, các nhà giáo và các thi huynh thi hữu.Buổi sinh hoạt đã được tổ chức một cách chu đáo với nội dung bao gồm nhiều thể loại: Bài giới thiệu chung thơ Hồ Chủ tịch, các bài bình thơ, các bài cảm nhận, các bài hoạ thơ và các bài thơ ca ngợi Hồ Chủ tịch.
BCN giới thiệu hình ảnh Pano chủ đề buổi sinh hoạt trên Sân khấu Hội trường và ảnh chủ nhiêm CLB Bùi Minh Trí (mặc quần đen áo trắng) cùng thi hữu Đăng Cang ở buổi sinh hoạt đó.
Sau đây là bài phát biểu của BMT:
ĐÔI ĐIỀU TÌM HIỂU VÀ CẢM NHẬN THƠ HỒ CHÍ MINH
Bùi Minh Trí
Từ mục đích làm cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giành toàn vẹn chủ quyền non sông, Hồ Chủ tịch trở thành một nhà thơ lớn của thời đại.Nhiều nhà thơ, nhà văn lớn trên Thế giới và trong nước đã đánh giá rất cao thơ của Hồ Chủ tịch, nhất là những bài thơ cổ vũ phòng trào giải phóng dân tộc và giải phóng những người nô lệ.
Những áng thơ văn bất hủ của Người như Nhật ký trong tù (1942),Tuyên ngôn độc lập (1945), Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (1946), Di chúc (l969), cùng với bài thơ “thần” của Lý Thường Kiệt, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, Hịch tướng sĩ của Trần Hưng Đạo, mãi mãi khắc chữ vàng đánh dấu những mốc son lịch sử rực rỡ dựng nước và giữ nước của dân tộc.Chủ tịch Hồ Chí Minh không có ý định trở thành nhà thơ, hay sáng tác thơ để lưu danh thiên cổ. Người làm thơ chỉ vì khát vọng thực hiện mục tiêu cách mạng độc lập dân tộc, dân chủ và Chủ nghĩa xã hội. Thơ của Người hết sức đa dạng và phong phú. Có thể thấy (theo ý kiến cá nhân tôi)thơ Hồ Chủ tịch gồm có ba mảng lớn: Thơ vận động quần chúng tuyên truyền cách mạng, thơ nói lên ý chí cách mạng và thơ cảm hứng trữ tình, trong đó có thơ tiếng Việt, thơ chữ Hán.
Thơ vận động quần chúng tuyên truyền cách mạng là những bài diễn ca súc tích, dễ hiểu, nắm bắt sâu sắc tình cảm, tâm lý từng loại đối tượng, tuyên truyền các tầng lớp đồng bào đứng lên đánh giặc cứu nước trong thời kỳ Mặt trận Việt Minh. Trong bài Ca dân cày, ngày câu mở đầu Bác đã nói đến tình cảnh vất vả cực nhọc của người nông dân và nỗi đồng cảm của mình: “Thương ôi, những bạn dân cày/ Chân bùn tay lấm suốt ngày gian lao”. Tiếp mạch thơ ấy, Bác nói rõ hơn nỗi thống khổ của họ:”Lại còn phu dịch tuần phiên/ Làm chết xác được đồng tiền nào đâu”. Bởi vậy khi Bác khơi gợi, thổi bùng lên ngọn lửa căm hờn và vùng lên đấu tranh là lẽ tự nhiên: “Muốn phá sạch nỗi bất bình/ Dân cày phải kiếm Việt Minh mà vào”. Lời thơ giản dị mộc mạc dễ đi sâu và lòng người nông dân nghèo, mà dưới ách nô lệ của thưc dân phong kiến đại đa số còn mù chữ. Còn đối với công nhân, Bác có bài Ca Công Nhân hay là Thợ thuyền ta phải đứng ra. Thời trai trẻ để hoạt động cách mạng Bác đã từng làm phụ bếp đốt lò, quét tuyết, làm in ấn nên Bác đồng cảm ngay với họ:“ Công nhân sức mạnh nghề quen/ Làm ra của cải cho thiên hạ nhờ/ Mà mình quần áo xác xơ/ Tiền công thì bớt mà giờ thì thêm/ Lại còn đánh chửi tần phiền/ Cúp lương tháng trước, phạt tiền hôm qua”. Vì thế Bác kêu gọi công nhân:“Thợ thuyền ta phải đứng ra/ Trước là cứu nước, sau ta cứu mình”. Muốn thế cần có một tổ chức, thì đó chính là Mặt trận Việt Minh:“Cùng nhau vào Hội Việt Minh/ Ra tay tranh đấu hy sinh mới là”. Cách thức tuyên truyền cách mạng bằng thơ ca của Bác thật dễ đi vào lòng người, nhất là vào hai giai cấp công nhân và nông dân bị áp bức bóc lột thậm tệ nhất và cuộc sống cùng cực nhất.
Về thơ nói lên ý chí cách mạng trước hết phải kể tới Tập thơ NHẬT KÝ TRONG TÙ.Tập thơ này nói lên tâm sự của người cách mạng đang nung nấu ý chí đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập cho Tổ quốc, lại vô cớ bị bắt, bị nhục. Bởi vậy ngay từ bài thơ đầu tiên, bài thơ Khai quyển, Bác đã nói đến hai chữ tự do:“Ngày dài ngâm ngợi cho khuây/ Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do”. Và bài Vọng nguyệt (ngắm trăng) với bản dịch: “Trong tù không rượu, cũng không hoa/ Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ/Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ/Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ” thể hiện phong thái ung dung tự tại, lạc quan yêu đời, yêu tự do của Bác. Đặc biệt là lời đề từ cho tập thơ là bài Tinh thần càng phải cao, với hình vẽ hai nắm tay mới là ý chủ đạo nêu ra tinh thần cảm hứng của cả tập thơ với ý chí và tinh thần cách mạng của Bác:“Thân thể tại ngục trung/ Tinh thần tại ngục ngoại/ Dục thành đại sự nghiệp/ Tinh thần cánh yếu đại”, đã được Nam Trân dịch là:”Thân thể ở trong lao/ Tinh thần ở ngoài lao/ Muốn nên sự nghiệp lớn/ tinh thần càng phải cao”.Tinh thần muốn có được phải qua rèn luyện như là:“Gạo đem vào giã bao đau đớn/Gạo giã xong rồi trắng tựa bông/Sống ở trên đời người cũng vậy/Gian nan rèn luyện mới thành công”( bài Nghe tiếng giã gạo).Tinh thần lạc quan cách mạng của Bác thể hiện ở từng ý thơ trong bài thơ Giải đi sớm (Nam Trân dịch):“Phương đông màu trắng chuyển sang hồng/ Bóng tối đêm tàn quét sạch không/ Hơi ấm bao la trùm vũ trụ/ Người đi, thi hứng bỗng thêm nồng”.Tương phản giữa rạng đông màu hồng với đêm tàn là những nét vẽ đặc sắc thể hiện được hình ảnh người chiến sĩ cách mạng có một tâm hồn cao đẹp với ý chí đấu tranh quét sạch những tăm tối vì một rạng đông ấm no hạnh phúc cho nhân dân.Trong tù không ngủ được, trằn trọc băn khoăn vì việc nước:“Một canh…hai canh lại ba canh/ Trằn trọc băn khoăn giấc chẳng thành”. Nhưng vừa chợp mắt thì ” Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh”(bài "Không ngủ được"), đó là ánh sáng kỳ diệu của tâm hồn và lý tưởng cách mạng bừng lên trong thơ Bác. Trong bài Học đánh cờ, Bác đã nói lên ý chí kiên quyết không ngừng thế tiến công:“Phải nhìn cho rộng suy cho kỹ/Kiên quyết không ngừng thế tiến công/Lạc nước hai xe đành bỏ phí/Gặp thời một tốt cũng nên công”.Người xưa nói “ Văn là người”. Đối với người làm cách mạng thì Bác nói rất rõ ràng như một lời hiệu triệu:“Nay ở trong thơ nên có thép/ Nhà thơ cũng phải biết xung phong”(bài Cảm tưởng đọc Thiên gia thi).Ánh sáng của chất ''thép'' và chất ''tình'' kỳ diệu, thể hiện trong từng câu,từng chữ từ những bài thơ trong tập Nhật ký trong tù , chắc chắn sẽ còn soi sáng tâm hồn nhiều thế hệ mai sau, như nhà thơ Hoàng Trung Thông nói:“Tôi đọc trăm bài trăm ý đẹp/ Ánh đèn toả rạng mái đầu xanh/ Vần thơ của Bác vần thơ thép/ Mà vẫn mênh mông bát ngát tình”.
Thơ cảm hứng trữ tình 1à những bài thơ được sáng tác tại Việt Bắc thời kỳ tiền khởi nghĩa, kháng chiến chống Pháp. Bác Hồ là người rất yêu thiên nhiên và con người.Thiên nhiên dưới con mắt của Bác rất sống động và phong phú, tâm hồn và thơ của Người tràn đầy ánh trăng.Người diễn tả phong cảnh bằng những lời thơ rất tế nhị mà đằm thắm: ”Tiếng suối trong như tiếng hát xa/ Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa” (bài Cảnh khuya). Cách so sánh tu từ Tiếng suối “trong” như “tiếng hát” và ánh trăng soi vào cây cổ thụ tạo ra những khoảng sáng tối như các chùm hoa lồng vào nhau, khiến cảnh sắc đẹp và sinh động. Đói với thiếu niên nhi đồng, Người từng khẳng định:”Ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh”.Người nhắc đến trẻ em với một tình cảm trìu mến, nâng niu:”Trẻ em như búp trên cành/Biết ăn,ngủ,biết học hành là ngoan” (Kêu gọi thiếu nhi -1941).Người có thơ cho thiếu nhi nhân dịp Tết Trung thu:”Trung thu trăng sáng như gương/Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng”(Thư Trung thu 1951).Và đây là bài thơ Tặng các cụ phụ lão (1960):”Càng già càng dẻo càng dai/Tinh thần gương mẫu chẳng nhường ai/Đôn đốc đàn em làm nhiệm vụ/Vuốt râu mừng xã hội tương lai”.
Đặc biệt, Bác có những bài thơ đầy cảm xúc về mùa xuân nơi chiến khu, cảm xúc khi nghe tin thắng trận. Mùa xuân là mùa đẹp nhất của một năm. Đó là mùa cây cối tốt tươi, trăm hoa đua nở, mùa của các lễ hội văn hóa và tâm linh... Thơ xuân của Bác thường gần gũi, thân thương nhưng cũng vô cùng tinh tế, sâu sắc và hàm chứa nhiều triết lý. Bài thơ luôn được nhắc tới là bài Nguyên tiêu (Rằm tháng giêng-Bản dịch của Xuân Thủy):“Rằm xuân lồng lộng trăng soi/Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân/Giữa dòng bàn bạc việc quân/Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền”. Đây là một bài thơ tứ tuyệt, một tác phẩm thơ hay nhất của Hồ Chủ tịch và có thể nói là một trong những tác phẩm hay nhất của nền thơ ca Việt Nam nói chung về mùa xuân. Với hai câu đầu, Bác đã vẽ nên một bức tranh thủy mặc đẹp đến xúc động lòng người. Ta thấy như hiện lên trước mắt dòng sông và ánh trăng sống động, thanh khiết cùng với con thuyền... như hòa quyện vào nhau và đầy chất lãng mạn. Một đêm xuân, từ "rằm xuân", qua "sông xuân" đến "trời xuân" không gian xuân mênh mông vô tận, dưới ánh trăng lồng lộng tình xuân thật là lai láng. Tứ thơ đột ngột xuất hiện ở câu chuyển - câu thứ ba; theo cụ Trần Trọng Kim, thơ tứ tuyệt “uyển chuyển biến hóa bởi câu thứ ba. Nếu câu ấy chuyển biến khéo thì câu thơ thứ tư tự trôi đi như thuyền thuận nước”. Bác chuẩn bị kết bằng một câu uyển chuyển“Giữa dòng bàn bạc việc quân”, nhắc cho thi nhân nhớ đến việc thực hiện công việc hệ trọng của đất nước, đề của thơ sáng tỏ, tình của thơ thêm sâu và do đó câu kết thật là thi vị “Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền”.Và đây là những nét vẽ bằng thơ, cho ta thấy cảnh Pắc bó hùng vĩ :”Non xa xa,nước xa xa/Nào phải thênh thang mới gọi là/Đây suối Lê Nin,kia núi Mác/Hai tay xây dựng một sơn hà”. Trong bài Tin thắng trận, (năm 1948) Bác viết: ”Trăng vào cửa sổ đòi thơ/ Việc quân đang bận, xin chờ hôm sau/”. Đó là chất trữ tình của cuộc sống chiến đấu vất vả gian lao. Và rồi:”Chuông lầu chợt tỉnh giấc thu/ Ấy tin thắng trận Liên khu báo về”. Cái mơ và cái thực đan xen vào nhau, lời hay tứ đẹp làm cho bài thơ thật là đẹp và sống động.Trong bài Cảnh rừng Việt Bắc, Bác Hồ nhìn Việt Bắc với một tình thần lạc quan và thi vị. Cảnh sắc rừng Việt Bắc thật là đẹp và vui với "Vượn hót chim kêu suốt cả ngày" và "Non xanh nước biếc tha hồ dạo". Trong hoàn cảnh kháng chiến gian khổ thiếu thốn, nhưng Bác và đồng bào, chiến sĩ đã tạo ra một cuộc sống phong lưu và ngập tràn vui vẻ "Khách đến thì mời ngô nếp nướng/ Săn về thường chén thịt rừng quay". Không những thế tấm lòng với Việt Bắc luôn luôn là thủy chung, sau này khi thắng lợi vẫn không quên "Kháng chiến thành công ta trở lại". Càng về sau, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc càng ác liệt, công việc của Bác càng nhiều và cấp bách hơn. Xuân trong thơ Bác luôn gắn liền với nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ tổ quốc. Đối với Bác mùa xuân nở hoa độc lập, kết quả tự do mới chính là mùa xuân đích thực. Cứ mỗi độ xuân về tết đến, Bác lại tranh thủ dành cho xuân và cho toàn thể đồng chí, đồng bào những bài thơ xuân (Thơ chúc tết) ấm áp tình cảm, chan chứa niềm tin. Xuân trong thơ có sức mạnh và khả năng kỳ diệu là kéo chiến thắng về gần hơn với toàn dân tộc:”Xuân này kháng chiến đã năm xuân/Nhiều xuân kháng chiến càng gần thành công”. Mùa xuân và những lời động viên của Bác luôn lay động lòng người sâu sắc. Với sức mạnh và sự diệu kỳ của mùa xuân, "Toàn dân ta quyết một lòng/ Thi đua chuẩn bị tổng phản công kịp thời"(Thơ chúc tết 1951).Cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn quyết liệt, nhân dân ta đã giành được những thắng lợi to lớn, Bác đã viết:”Xuân về xin có một bài ca/Gửi chúc đồng bào cả nước ta/Chống Mỹ hai miền đều đánh giỏi/Tin mừng thắng trận nở như hoa!”(Thơ chúc tết 1967).Và đây là bài thơ chúc tết cuối cùng, như tiếng kèn xung trận báo hiệu trước thời kỳ chuẩn bị tổng phản công:”Năm qua thắng lợi vẻ vang/Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to/Vì độc lập, vì tự do/Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào/Tiến lên!Chiến sĩ, đồng bào/Bắc Nam sum họp, xuân nào vui hơn! “ (Thơ chúc tết 1969).
Thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa là những bản hùng ca chiến đấu, vừa là những tác phẩm nghệ thuật tuyệt mỹ, vừa là vũ khí trong công cuộc chống kẻ thù xâm lược, vừa biểu hiện của một tâm hồn đầy nhân văn và lãng mạn.Với những giá trị đó thơ của Hồ Chủ tịch đã, đang và sẽ mãi mãi có giá trị đặc biệt trong lòng người Việt Nam và nhân dân Thế giới.
Ngày gửi: 29/05/2013 15:11
Đã sửa 1 lần, lần cuối bởi Bùi-Minh-Trí vào 29/05/2013 15:22
Có 10 người thích
BMT giới thiệu bài bình của nhà giáo, nhà thơ Thang Ngọc Pho về bài thơ CẢNH KHUYA của
Hồ Chủ Tịch
CẢNH KHUYA
Tiếng suối trong như tiếng hát xa
Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa
Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.
1947
HỒ CHÍ MINH
Lời bình của THANG NGỌC PHO
Bài thơ thất ngôn tứ tuyệt này gồm hai phần: Hai câu đầu là tả cảnh, hai câu cuối là tả người.
Căn cứ vào ngôn từ và niên đại thì đây là cảnh núi rừng Việt Bắc một đêm trăng. Chi tiết tả cảnh bao gồm trăng, tiếng suối và cây cổ thụ.
Tiếng suối trong như tiếng hát xa
Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa.
Tác giả đã miêu tả suối bằng ngôn từ chuyển cảm giác với biện pháp tu từ so sánh. “Trong” vốn là từ miêu tả cảm giác về màu sắc từ thị giác được tác giả dùng để miêu tả cảm giác về âm thanh qua thính giác. Biện pháp tu từ này cũng đã được thi hào Nguyễn Du sử dụng rất thành công trong “Truyện Kiều” khi miêu tả tiếng đàn của nàng Kiều: “Trong như tiếng hạc bay qua/ Đục như tiếng suối mới sa nửa vời”. Có thể Hồ Chí Minh đã kế thừa nghệ thuật này từ Tiên Điền tiên sinh. Đêm khuya tiếng chim muông chìm lắng xuống, chỉ còn mỗi tiếng suối độc tôn, không pha tạp nên âm thanh trong trẻo lạ thường và trở thành một nét đẹp độc đáo của núi rừng. Và độc đáo hơn khi tác giả dùng phép so sánh “như tiếng hát xa”. Qua phép so sánh này, tiếng suối đã trở thành tiếng hát của núi rừng. Núi rừng dược thi vị hóa trong cảm quan mang tính lạc quan của tác giả. Nếu câu thơ đầu miêu tả về âm thanh thì câu thứ hai lại miêu tả về hình ảnh “Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa”. Không gian trong câu thơ là một không gian nhiều tầng: tầng thứ nhất là trăng trên trời cao rộng toả ánh sáng bao trùm lên tầng thứ hai là rừng cây mà hiện diện là cây cổ thụ, rồi bóng cây cổ thụ lại trùm lên tầng thứ ba là mặt đất như là một thảm hoa. Nếu đọc liền một mạch cả câu thơ thì ta có cảm nhận hoa đây là ánh trăng lọt qua kẽ lá cây cổ thụ in trên nền đất thành một thảm hoa.
Chỉ với ba chi tiết là tiếng suối, trăng và cây cổ thụ mà tác giả đã vẽ nên một bức tranh toàn bích về cảnh núi rừng Việt Bắc rất đặc trưng trong đêm khuya hùng vĩ và tươi đẹp. Đây là nghệ thuật tranh chấm phá trong nền hội hoạ truyền thống phương Đông mà tác giả đã kế thừa một cách ưu mỹ.
Nếu hai câu đầu tả cảnh thì hai câu sau tả người:
Cảnh khuya như vẽ, người chưa ngủ
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà!
Đọc thoáng qua, ta có cảm giác hai câu này ngôn từ ít chất thơ bởi nó mộc mạc, không có một từ ngữ nào mang đặc trưng của thơ ca. Song đọc kỹ thì ta nhận ra chất thơ chính là tâm trạng của tác giả khắc hoạ trong đó mà nhãn tự là từ “lo”. Đặt bài thơ vào bối cảnh Việt Bắc năm 1947, ta thấy được tâm trạng của Cụ Hồ, người đang lái con thuyền kháng chiến. Lúc này cuộc kháng chiến đang lâm vào cảnh gieo neo. Thực dân Pháp dựa vào quân đội và vũ khí vượt trội so với ta. Chúng kéo bộ binh và pháo binh bao vây Việt Bắc phối hợp với lữ đoàn dù đổ bộ xuống chiến khu hòng đánh úp tiêu diệt đầu não kháng chiến của ta. Vận nước trong thế gieo neo, Hồ Chí Minh, người thuyền trưởng không lo sao được. Từ “lo” đã diễn tả một cách chân thực nỗi lòng của Bác. “Lo” vừa là lo lắng, “lo” vừa là lo liệu, lo toan thành ra nó mang ý nghĩa tích cực, chủ động. Thì ra Cụ Hồ không phải thức khuya để ngắm cảnh mà vì “lo nỗi nước nhà”. Lo cho vận mệnh đất nước đến không ngủ được. Cụ Hồ đang thao thức vì dân vì nước, đang phải suy nghĩ lao lung để tìm ra chiến lược, chiến thuật hữu hiệu vượt qua khúc quành lắm thác nhiều ghềnh để đạt tới đích cuối cùng.
Bài “Cảnh khuya” đã khắc hoạ một bức tranh núi rừng Việt Bắc bằng những chi tiết chon lọc đặc trưng. Nhưng điều quan trọng là đã khắc hoạ được tâm trạng của nhân vật chủ thể – tác giả trong bối cảnh đó. Từ đó người đọc cảm nhận được tình cảm yêu nước sâu sắc của tác giả - Hồ Chí Minh ở hai khía cạnh: thụ cảm cảnh thiên nhiên hùng vĩ và tươi đẹp của đất nước và luôn luôn lo lắng cho nền độc lập của Tổ Quốc! Bài “Cảnh khuya” thể hiện được những đặc trưng cơ bản của thơ : thơ vừa có nhạc vừa có họa và thơ phải diễn tả được tư tưởng tình cảm của tác giả. “Cảnh khuya là một mẫu mực của thơ tứ tuỵệt trong thi ca truyền thống Việt Nam.
Hà Nội tháng Năm 2013.
Thang Ngọc Pho
Ngày gửi: 31/05/2013 20:04
Có 11 người thích
Dù thơ chẳng thể bay xa
Vẫn trong ký ức cùng ta tháng ngày!
Ngày gửi: 03/06/2013 07:06
Đã sửa 1 lần, lần cuối bởi hongvan28 vào 03/06/2013 07:10
Có 8 người thích
Ngày gửi: 06/06/2013 10:41
Có 8 người thích
Trang trong tổng số 73 trang (726 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [15] [16] [17] [18] [19] [20] [21] ... ›Trang sau »Trang cuối