Trang 2 Bài Đối sách văn của Nguyễn Trực, Trạng nguyên khoa thi Tiến sĩ Đại bảo năm thứ ba (1442) Bài Vấn sách của Vua Lê Thái Tông. “ Trẫm nghĩ : Trị nước phải lấy nhân tài làm gốc. Thời Đường Ngu, nhân tài có nhiều, nhưng các quan được dùng, ngoài Tứ nhạc, Cửu quan, Thập nhị mục(1) ra, không thấy còn ai nữa; sao nhân tài khó tìm vậy ! Đến Đế Nghiêu sáng suốt hiểu người là thế, mà trong triều vẫn có lũ Tứ hung (2). Sao tiểu nhân khó biết vậy ! Cái nạn Giáng thủy, cái họa Hoài sơn (3), dân chúng thời ấy, tai vạ thực không ít. Cổn trị thủy đến 9 năm, gây biết bao tai họa cho dân ; sao trừ bỏ tiểu nhân muộn vậy ! Đời Chu được Kinh Thi ca ngợi là “kẻ sĩ đông đúc”, Văn Vương dựa vào họ mà dẹp yên đất nước. Nhưng đến thời Vũ Vương, chỉ còn thấy nhắc tới Thập loạn (4). Như vậy, bảo là nhân tài khó kiếm, há chẳng đúng sao ? Quản Thúc, Sái Thúc phao tin đồn nhảm, khiến Chu Công phải lận đận, Vương thất suýt sụp đổ (5) ; sao bọn tiểu nhân gian hiểm đến thế, không thời đại nào là không có chúng ! Đức Thái Tổ Cao Hoàng đế ta lấy được thiên hạ, nhiều phen xuống chiếu cầu hiền mà không có một ai trúng tuyển. Trong khi ấy thì bọn Hãn, Xảo (6) ngầm nuôi mưu gian. Trẫm từ khi lên ngôi tới nay ; gắng sức trị nước, thế mà việc chọn nhân tài vẫn mịt mờ thăm thẳm ; bọn Ngân, bọn Sát (7) lại gian ngoan chứa ác. Sao người quân tử khó tìm, kẻ tiểu nhân khó biết như vậy ? Các ngươi hãy đem hết hiểu biết của mình trả lời, Trẫm sẽ đích thân xem xét. ” Bài Đối Sách của Nguyễn Trực: Thần trả lời: Thần nghe nói, xưa nay bậc Thánh nhân trị nước, dẫu sự nghiệp có khác nhau, nhưng tấm lòng của họ, trước sau vẫn là một. Tiến cử quân tử, lui bỏ kẻ tiểu nhân, ấy là bản tâm của bậc Thánh nhân trị nước. Còn như người quân tử bị lui bỏ, mà kẻ tiểu nhân được tiến cử thì đâu phải là nguyện vọng của Thánh nhân. Xem như đời Đường Ngu, đức lớn lao mà không khinh suất trong việc dùng người: đặt quan chỉ dùng người giỏi, trao việc chỉ chọn tài năng, cũng như mục đích tìm người giỏi, dùng người tài của triều ta, đều là phép dùng người quân tử, trừ bỏ tiểu nhân vậy. Hoàng thượng (8) kế thừa nghiệp lớn, trị nước giữ dân, sớm tối cầu hiền để giúp nên cơ nghiệp. Rồi lại đặt khoa thi chọn kẻ sĩ, mở rộng đường cho hiền giả tiến thân, tiến cử bọn thần ở giữa triều đình, hỏi về đạo trị nước và đạo quân tử, tiểu nhân khác biệt. Thần là kẻ ngu muội, đâu dám xét bàn trước bề trên, nhưng đã thẹn vâng chiếu sáng dám đâu không trung thực phơi bầy để đáp lại mệnh lớn của thiên tử. Thần cúi đọc lời sách vấn của Thánh thượng hỏi rằng : “Trẫm nghĩ: Trị nước phải lấy nhân tài làm gốc. Thời Đường Ngu, nhân tài có nhiều, nhưng các quan được dùng, ngoài Tử nhạc, Cửu quan, Thập nhị mục ra không thấy còn ai nữa ; Sao nhân tài khó tìm vậy ! Đến Đế Nghiêu sáng suốt hiểu người là thế, mà trong triều vẫn còn lũ Tứ hung ; Sao tiểu nhân khó biết vậy ! Cái nạn Giáng Thủy, cái họa Hoài Sơn, dân chúng thời ấy, tai vạ thực không ít. Cổn trị thủy đến 9 năm, gây biết bao tai họa cho dân ; Sao trừ bỏ tiểu nhân muộn vậy !” Thần nghĩ rằng: Trị nước lấy nhân tài làm gốc, dùng người lấy chữ tín làm đầu Thời Đường Ngu, nhân tài có nhiều, nhưng các quan được dùng, chỉ thấy sách ghi là “hỏi ở Tứ nhạc” “nghe ở Thập nhị mục”. Tứ nhạc là người coi chung chư hầu bốn phương. Thập nhị mục là các đầu mục của Chín châu, cùng với Vũ là Tư không, Khí là Hậu tắc, Tiết là Tư đồ Cao Dao là Sĩ sư, Thùy là Cộng công, Ích là Ngu quan, Bá Di là Trật tôn, Quỳ là Điển nhạc, Long là Nạp ngôn, gọi là Cửu quan. Ngoài ra thì không thấy còn ai nữa. Kinh Thư nói : Đường Ngu đặt trăm quan. Lại có chỗ ghi : Người có đức được sử dụng, kẻ có tài được trao chức, trăm quan làm khuôn phép, trăm việc đều kịp thời. Chốn miếu đường bàn bạc việc chung, nơi điện bệ lời ca vang dội. Người người đều có đức hạnh của bậc sĩ quân tử : nhà nhà đều có phong tục đẹp đáng nêu khen. Cho đến nhân tài muôn nước đều là thần dân của Hoàng đế. Như vậy, phải đâu là nhân tài khó thấy ? Còn như Đế Nghiêu sẵn đức văn võ thánh thần, có tài hiểu người sáng suốt nhưng trong triều vẫn còn lũ Tứ hung là bởi sao ? Bởi đạo của kẻ tiểu nhân dễ tiến mà khó lui, dễ dùng mà khó bỏ. Đại gian như trung, đại nịnh như tín, chúng vào hùa kết đảng, thậm chí dẫn dắt tiến cử lẫn nhau. Nhưng đâu phải Đế Nghiêu sáng suốt không biết điều đó. Xem như câu : Dùng lời nói khéo để trái mệnh vua, giả cách kính nhường để gây tội ác (9), và câu : Hỡi ôi, bỏ mệnh Tiên Vương, gây tai họa cho dòng họ (10) thì có thể thấy rõ điều đó. Như thế, đâu phải kẻ tiểu nhân khó biết, mà chỉ là chưa trừ bỏ sớm thôi ! Nhưng đời Đường Ngu, dùng phép Tam khảo (11) để bình xét công trạng của các quan. Cho nên, Nghiêu phải dùng Cổn tới 9 năm. Khi xét thấy Cổn không hoàn thành công việc rồi mới phế bỏ, chứ đâu phải là bỏ không sớm ? Sau đó, Thuấn theo lệnh Nghiêu giết Cổn mà thiên hạ đều phục, như vậy, phải đâu tiểu nhân khó trừ. Xem thế thì thời Đường Ngu tuy có tiểu nhân, nhưng chúng không làm hại được công cuộc trị nước của Nghiêu Thuấn. Thần cúi đọc lời sách vấn hỏi rằng : Đời Chu được Kinh thi ca ngợi là “kẻ sĩ đông đúc”, Văn Vương dựa vào họ mà dẹp yên đất nước. Nhưng đến đời Vũ Vương, chỉ còn thấy nhắc tới Thập loạn. Như vậy, bảo là nhân tài khó kiếm, há chẳng đúng sao ! Quản Thúc, Sái Thúc phao tin đồn nhảm, khiến Chu Công phải lận đận, Vương thất suýt sụp đổ ; Sao bọn tiểu nhân gian hiểm đến thế, không thời đại nào là không có chúng ! Thần nghe rằng : Văn Vương hiểu rất rõ ý nghĩa và tác dụng của đạo “ Tam hữu” (12) nên nhân tài đông đảo. Đó là điều tốt đẹp của nhà Chu. Đến đời Vũ Vương, chỉ có 10 người bề tôi dẹp loạn là Chu Công Đán, Thiệu Công Thích, Thái Công Vọng, Tất Công, Vinh Công, Thái Điên, Hoằng Yêu, Tản Nghi Sinh, Nam Cung Quát và một người là Ấp Khương. Cho nên Khổng Tử nói : “Nhân tài khó kiếm”, chẳng đúng thế sao ! Từ thời Đường Ngu đến lúc này là có nhiều người tài giỏi. Nhưng trong 10 người ấy, có một là đàn bà (13) còn lại chỉ có 9 người thôi. Nhưng xét kỹ phẩm chất biết dùng người hiền của Văn Vương trong bài thơ Vực phác (14) và niềm vui bồi dưỡng nhân tài trong bài thơ Tinh nga (15) cùng những lời ngợi ca như “ba ngàn kẻ sĩ, chỉ một tấm lòng...” thì nhân tài đời Chu không phải là không nhiều. Nói là nhân tài khó kiếm, chỉ có ý là không bằng thời Đường Ngu thôi, đâu phải ngoài 9 người ra, không còn ai khác. Ôi, nhân tài đông đúc như vậy, nhưng đương lúc Thành Vương mới lên ngôi, Quản Thúc, Sái Thúc là người ruột thịt trong Vương thất, ép Vũ Canh chống lại nhà Chu, nên đã phao tin để mê hoặc lòng người, khiến Thành Vương nghi ngờ Chu Công, làm cho Chu Công phải lận đận chạy về Đông Đô. Bởi lúc ấy, Vũ Vương vừa mất, Thành Vương còn nhỏ, gánh nặng thiên hạ dồn cả lên vai Chu Công, Công bị dèm mà không bồn chồn, vẫn an tâm, Vương đọc thơ nhưng vẫn chưa tỉnh ngộ. Sự nghiệp của Văn Vương, Vũ Vương như ngàn cân treo sợi tóc. Nếu như trời không nổi gió mưa sấm sét để phô bầy tội ác của Tam giám (16) để tỏ rõ công đức của Chu Công thì ai có thể thức tỉnh và phù trì Thành Vương ? Tuy nói kẻ tiểu nhân gian hiểm, không thời đại nào là không có, nhưng xem câu “kẻ có tội phải chịu tội” thì cũng thấy là tội ác của bọn Quản, Sái không thể che giấu được. Như vậy, Chu Công ứng xử lúc nguy biến rất hay và bọn tiểu nhân rốt cuộc không thể thắng được người quân tử.
Trang 3 Bài Đối sách văn của Nguyễn Trực, Trạng nguyên khoa thi Tiến sĩ Đại bảo năm thứ ba (1442) Thần cúi đọc sách vấn của Thánh thượng hỏi rằng : Đức Thái tổ Cao hoàng đế ta lấy được thiên hạ, nhiều phen xuống chiếu cầu hiền mà không có một ai ứng tuyển, trong khi ấy thì bọn Hãn, bọn Xảo ngầm nuôi mưu gian. Trẫm từ khi lên ngôi tới nay, gắng sức trị nước, thế mà việc chọn nhân tài vẫn mịt mờ thăm thẳm ; bọn Ngân, bọn Sát lại gian ngoan chứa ác. Sao người quân tử khó tìm, kẻ tiểu nhân khó biết như vậy ? Thần trộm nghĩ : Thái tổ Cao Hoàng đế theo trời mở vận, khai sáng cơ đồ; sẵn thiên tư thần vũ anh minh, là bậc chúa dựng nền ban phúc, luôn nhớ nỗi gian nan sáng nghiệp, luôn nhớ điều giữ nước khó khăn, đã nhiều phen xuống chiếu cầu hiền, mong tìm được nhân tài trị nước, thế mà không có một ai ứng tuyển là bởi cớ làm sao ? Ôi, một xóm nhỏ có mười gia đình, thế nào cũng có người trung tín ; một mảnh vườn mươi thước, thế nào cũng có loại cỏ thơm. Huống chi cả nước rộng lớn có ức triệu người mà lại không có lấy một người tài giỏi hay sao? Thần nghĩ rằng : Tấm lòng của Thái tổ Cao Hoàng đế, tức là tấm lòng sáng suốt hiểu người của vua Nghiêu, là tấm lòng khéo biết chọn người của vua Thuấn, cũng là ý đẹp gây dựng người hiền bằng mọi cách của Thành Thang, là phép hay không sót người gần, không quên kẻ xa của Vũ Vương. Bởi lo bậc hiền tài ẩn náu chốn hang cùng nên hạ chiếu cầu hiền nhiều bận ; bởi lo người tài giỏi lánh trong hàng tăng, đạo, nên đặt khoa thi để lựa chọn nhân tài. Thế mà chưa có kết quả là vì sao? Là bởi tự mình chọn người, là đạo người làm vua, nhưng tiến cử tài năng cho đất nước, lại là chức trách của bậc đại thần. Bọn Hãn, bọn Xảo ngầm nuôi mưu gian, ghen ghét hiền tài, cất nhắc bè lũ. Bản thân chúng đã chả ra gì, thì làm sao tiến cử được nhân tài ! Xem thế, dẫu Thái tổ Cao Hoàng đế có nguyện vọng cầu hiền, nhưng bị bọn Hãn, Xảo che lấp hiền tài nên không tìm được. Người xưa có câu : Ai tiến cử nhân tài sẽ được ban thưởng mức cao nhất. Kẻ nào che lấp tài năng phải bị trị tội nặng. Vì thế, bọn Hãn, Xảo đã không thoát khỏi sự trừng phạt của Thái tổ Cao Hoàng đế. Bọn chúng cũng là lũ Tứ hung đời Ngu, loại Tam giám đời Chu đó ! Nhưng dù có bọn tiểu nhân như chúng, vẫn không thể làm hỏng được công cuộc trị nước bấy giờ. Bệ hạ nối chí trị nước, giữ vững cơ đồ. Công bằng lựa chọn, thẩy đều là cựu thần của Thái tổ ; tỳ hưu dũng mãnh, thẩy đều là nghĩa sĩ của Cao Hoàng (17). Đương buổi đầu lên ngôi, đã xuống chiếu mở khoa thi muốn chọn nhân tài để dựng nên thịnh trị. Thế mà hiệu quả được người vẫn xa vời thăm thẳm : Chân thành cầu hiền, vẫn chưa được ai xứng đáng. Há không phải bọn Ngân, bọn Sát gian ngoan chứa ác gây nên hay sao ? Thần cho rằng : Bọn Ngân, bọn Sát lừa dối bề trên, hãm hại hiền tài, lấy bọn theo mình làm giỏi, lấy bọn múa mép làm tài, mua quan bán tước, hối lộ ngang nhiên, đầy Cầm Hổ ra châu xa, bãi chức quan của Thiên Tước (18). Những việc như vậy, đâu phải vì nước tiến cử nhân tài, vì vua lựa chọn bề tôi ? Do vậy mà người quân tử khó tìm, kẻ tiểu nhân khó biết. Nhưng có thực là kẻ tiểu nhân khó biết hay không ? Kìa bọn tiểu nhân Ngân, Sát đã không thoát lưới của bệ hạ, mà quyết định sáng suốt của bệ hạ như Ngu, như Chu, như Thái tổ Cao Hoàng đế, tấm lòng ưa thiện, ghét ác đều được thỏa đáng mà khắp thiên hạ đều khâm phục vậy. Ôi, quân tử và tiểu nhân hoàn toàn trái ngược nhau. Đạo quân tử mạnh thì đạo tiểu nhân suy ; đạo quân tử suy thì đạo tiểu nhân mạnh. Như âm với dương, như ngày với đêm không thể cùng song song vận hành ; như nước với lửa, như thơm với thối, không thể cùng chứa trong một rọ. Cho nên bậc bề trên, mỗi lúc dùng người phải bình tĩnh, phải chuyên tâm, phải thử thách, phải thận trọng mới được. Thần cúi đọc lời sách vấn của Thánh thượng hỏi rằng : Các ngươi hãy đem hết hiểu biết của mình trả lời, Trẫm sẽ đích thân xem xét. Thần tài năng chưa được bác cổ thông kim, dẫu hàng ngày ngu dốt vẫn muốn được bề trên soi xét. Huống nay được dịp trình bầy, dám đâu không dốc hết hiểu biết của mình kính cẩn trả lời. Thần nghe nói : Trị nước lấy được người làm gốc, dùng người lấy sửa mình làm đầu. Truyện viết : Trị nước ở người lấy người do mình. Lại có câu : Nghiêu Thuấn sáng suốt nhưng không biết hết mọi điều ; hãy làm việc cần kíp trước ; Nghiêu Thuấn nhân từ, nhưng không yêu khắp mọi người, hãy gần gũi người tài trước. Bệ hạ muốn học tập Nghiêu Thuấn thì đạo Nghiêu Thuấn còn đó ; muốn học tập Thái tổ thì phép Thái tổ còn kia. Bệ hạ muốn học Nghiêu Thuấn, hãy xin quyết định đạo hiểu người, yên dân phải làm trước, đạo dùng hiền, trừ gian phải làm kíp. Như vậy thì quân tử tiến và tiểu nhân lùi vậy. Bệ hạ muốn học Thái tổ hãy tưởng nhớ qui mô sáng nghiệp truyền dòng, phép tắc cầu hiền dùng người. Như vậy thì quân tử tiến và tiểu nhân lùi vậy. Bệ hạ muốn quân tử tiến, tiểu nhân lùi thì không gì bằng gần gũi bề tôi khí tiết, sử dụng kẻ sĩ chính trực để họ đưa Vua đi đúng đường, đặt Vua vào chỗ không lầm lỗi. Cho nên, Mạnh Tử nói : Không thể chỉ trách cứ người mình dùng, không thể chỉ chê bai việc chính sự. Duy bậc Đại nhân mới biết sửa lỗi lầm của vua. Vua có nhân, không ai không có nhân ; Vua có nghĩa, không ai không có nghĩa ; Vua chân chính, không ai không chân chính. Trước hết, vua chân chính rồi cả nước sẽ bình yên (19). Thần xin bệ hạ hãy đích thân cất nhắc hiền thần để bố trí ở quanh mình, như Thuấn tiến cử Cao Dao mà kẻ bất nhân lìa xa. Thành Thang tiến cử Y Doãn mà trăm quan đều thuần nhất ; Cao Tông được Phó Duyệt mà tâm trí mở mang ; Thành Vương được Chu Công mà cậy nhờ giúp dân. Được như vậy thì chốn dân dã không sót nhân tài mà muôn cõi yên ổn, bản thân mình được hưởng mệnh trời mà triệu dân sinh sôi. Cùng là sớm tối nghe lời khuyên can để giúp đức dân, kinh dinh bốn phương để giữ yên đất nước. Như thế thì lo gì quân tử không được tiến cử, tiểu nhân không bị đẩy lùi. Dẫu vậy, hãy xin nhớ ba điều Trí, Nhân, Dũng là đạt đức của thiên hạ. Không có Trí thì không thể hiểu người ; không có Nhân thì không thể chọn người ; không có Dũng thì không thể dùng người. Lấy Trí hiểu người thì có thể hiểu biết rõ ràng và đầy đủ tài năng của họ. Lấy Nhân chọn người thì không bỏ người tài khi họ cùng khốn và chọn được người hết lòng trung thành. Lấy Dũng dùng người thì tin dùng không nghi ngờ và chuyên tâm nghe hết mọi điều. Nếu có cả ba điều Trí, Nhân, Dũng này thì lẽ dùng, bỏ rõ ràng, lòng yêu ghét chính đáng. Đó chính là ý nghĩa của câu “Chỉ có người nhân mới biết yêu người, biết ghét người” vậy.
Trang 4 Bài Đối sách văn của Nguyễn Trực, Trạng nguyên khoa thi Tiến sĩ Đại bảo năm thứ ba (1442) Chuyện Hãn, Xảo, Ngân, Sát đã qua rồi. Nay các quan trong triều đình, kẻ sĩ chốn dân dã thực có thể lựa chọn kỹ, sử dụng chuyên, tin cậy chắc. Lại ban phép khảo xét công trạng. Trải đủ ba kỳ khảo xét kỹ rồi mới quyết định thăng hay giáng, khen hay chê. Người nào tốt, kẻ nào xấu, người nào liêm khiết, tài giỏi, siêng năng, mẫn cán, kẻ nào ngu dốt, tham lam, lơ là, lười biếng, giữ ghế ăn hại, không đức, bất tài, gian ngoan chứa ác, đều bộc lộ rõ ràng. Như vậy thì trăm quan đông đảo, đều giữ phong cách người quân tử có đáng lo gì bọn tiểu nhân ! Thần thẹn được gội ân thánh dạt dào đã mấy năm nay, ơn sâu nghĩa dầy, gượng theo kẻ sĩ, kính đối trước triều đình. Thần đau đáu tấm lòng khuyển mã, xiết bao xúc động, dám xin mạo muội thưa trước uy thần. Cúi mong bệ hạ tha thứ cho tội ngông cuồng này. Thần kính cẩn trả lời.
Hết.
Chú thích: Theo sách Chu quan, Sách là những lời của vua phát ra, như Sách mệnh, Điển sách... Từ đời Hán trở đi, mới lấy bài văn sách để thi học trò. Có hai thể văn sách: 1- Chế sách : Vua hỏi về nguồn gốc trị loạn xưa nay và điều hay điều dở của chính sự đương thời. Học trò theo hiểu biết của mình, trả lời, gọi là Đối sách. 2- Thí sách : Vua hoặc quan thay mặt vua ra đầu bài hỏi về nghĩa lý của các sách Kinh điển đạo Nho. Người làm vận dụng điều học được, trả lời, gọi là Xạ sách. (1) Tứ nhạc, Cửu quan, Thập nhị mục: tên các quan đương thời. (2) Tứ hung : 4 tên quan hung ác thời cổ là Hồn Đôn, Cùng Kỳ, Đào Ngột và Thao Thiết. (3) Nạn Giáng thủy, họa Hoài sơn : chỉ hai nạn lụt lớn xảy ra thời Nghiêu Thuấn. (4) Thập loạn: 10 người bề tôi giỏi, dẹp loạn yên dân (5) Chu Công, tên là Đán: con Chu Văn Vương, làm tướng cho Vũ Vương đánh Trụ, Vũ Vương chết, Thành Vương còn nhỏ, Chu Công nhiếp chính. Quản Thúc, Sái Thúc là người tông thất, âm mưu làm phản, phao tin là Chu Công định cướp ngôi vua. Chu Công viết bài thơ cho Thành Vương, Thành Vương không tỉnh ngộ, nên phải lánh ra ở Đông Đô. (6) Hãn là Trần Nguyên Hãn, Xảo là Phạm Văn Xảo, là hai công thần khai quốc của Lê Lợi. Về sau, hai ông bị kết tội là ngầm kết bè đảng, làm phản, đều bị hại chết. (7) Ngân là Lê Ngân, Sát là Lê Sát, là hai võ tướng có nhiều công lao giúp Lê Lợi khởi nghĩa và chiến thắng giặc Minh. Đến đời Thái Tông, hai ông bị kết tội là chuyên quyền, ngầm mưu làm phản và đều bị giết. (8) Hoàng thượng ở đây chỉ Lê Thái Tông, người ra bài sách vấn này yêu cầu người thi trả lời. (9) Lời của Kinh Thư. Nguyên văn : “Tĩnh ngôn duy vi, tượng cung thao thiên”. (10) Lời của Kinh Thư. Nguyên văn : “Hu phất phương mệnh, bĩ tộc chi loạn”. (11) Phép Tam khảo : Phương pháp khảo xét công trạng của các quan thời Nghiêu Thuấn. (12) Đạo Tam hữu : Sách Luận ngữ có câu : “Ích giả Tam hữu, Tổn giả tam hữu”, nghĩa là gần gũi với ba loại người : Trung trực, độ lượng và hiểu biết thì có lợi, ngược lại, gần gũi với ba hạng người nhỏ nhen, nhu nhược và xiểm nịnh thì có hại. (13) Tức là bà Ấp Khương, bà hậu của Chu Vũ Vương, con gái của Thái Công Vọng, mẹ của Chu Thành Vương. (14) Vực phác: tên một bài thơ trong Đại nhã của Kinh Thi, ca ngợi hiền tài đông đức. (15) Tinh nga: gọi tắt của Tinh tinh giả nga, tên một bài thơ trong Tiểu nhã của Kinh Thi, ca ngợi niềm vui bồi dưỡng nhân tài. (16) Tam giám: Vũ Vương diệt Ân, lập người con của Trụ là Lộc Phụ, sai ba người em của mình là Quản Thúc, Sái Thúc và Hoắc Thúc giám sát, gọi là Tam giám. (17) Thái tổ, Cao Hoàng: chỉ Lê Lợi. Lê Lợi mất có miếu hiệu là Thái tổ Cao Hoàng đế. (18) Cầm Hổ, tức Bùi Cầm Hổ: làm quan Ngự sử, vì mâu thuẫn với Lê Sát, bị đổi ra làm An phủ sứ trấn Lạng Sơn. Thiên Tước, tức Phan Thiên Tước: trước làm quan Ngự sử, sau bị đổi làm Chuyển vận, phó sứ huyện Đa Cầm, sau nữa, bị bãi chức, sung quân. (19) Đây là một đoạn trong thiên Ly Lâu thượng sách của Mạnh Tử.
Xin lưu ý:
1- Trần Nguyên Hãn là em của Nguyễn Trãi, quan Độc quyển khoa thi này. Nhưng quan điểm và cách trả lời của Nguyễn Trực đều vừa lòng tất cả mọi người. 2- Các nhân vật của ta và Trung quốc có trong Đối sách văn, bạn có thể tìm kiếm, đọc thêm trong Wikipedia. 3- Đọc bản Đối sách văn bạn đừng nên vội vàng như xem truyện, sẽ thu hoạch được nhiều hơn. 4- Có điều gì các bạn cần hỏi hoặc trao đổi, xin gửi qua Thông điệp trong Thi viện cho Hà Như và Xin miễn Bình phẩm hai văn bản trên trong Topic.
Chúc cụ Xuân này Bảy, Tám mươi, Hình như mỗi tuổi, vạn vàng mười. Qua bài tuyệt cú, câu như ngọc, Mượn cớ văn chương, tiếng gửi đời. Chữ nghĩa cao sang chừng đắc ý, Ngâm nga dân dã khoái rung đùi, Người xưa kia hiếm, nay nhiều khách, Tải đạo nào đâu kén bến trời.
Hà Như Trần Thế Hào
Xin hoạ theo với bác Hà Như để "chúc các cụ nhiều mươi" nhân dịp Xuân Tân Mão:
Chúc Các Cụ Nhiều Mươi
Xuân về chúc các cụ nhiều mươi Mạnh khỏe hơn lên gấp mấy mười! Trí tuệ uyên thâm, rồng nhả ngọc Tâm hồn sảng khoái, lão yêu đời. Liên hoan rượu lít say vừa ý Yến tiệc gà con gặm cả đùi. Cổ học, kim văn đều đắt khách Yên vui sống thọ quá niên trời!
Chiều bến Ninh Kiều sương trắng vây Đàn chim mải miết hướng trời tây Cần Thơ phố xá in màu nắng Cồn Ái cù lao nhuốm sắc mây Nỗi nhớ dạt dào cùng bến nước Niềm thương ào ạt với rừng cây Đò đầy hoa trái tung con sóng Chở cả thơ tình ắp ngất ngây
CHỢ CÁI RĂNG
Cái Răng chợ nổi ắp thuyền vây Du lịch nơi này lắm khách Tây Cầu vượt điện đèn soi phố thị Cù lao sông nước chiếu trời mây Người đi nhớ mãi mùi hương lúa Bạn đến mê hoài vị trái cây Sông Hậu bao đời tôm cá nặng Một lần ghé đến dạ hoài ngây DuyQuoc
Hà Như cũng có 1 bài về Chợ nổi Cái Răng, xin cho góp vào đây vớinhé. Cái Răng họp chợ quả là đông, Từ lúc tinh mơ đã nghẹn dòng. Gạo thóc ùa về chăng dọc bến, Chuối dừa đem đến chẹn ngang sông. Tàu thuyền tụ tập dồn xô đậu, Hàng quán lượn quành cố lách thông. Thấy cái ồn ào êm ả ấy, Muốn xen vào giữa, lại vừa không.
2007
Cảm ơn bác Hà Như đã ghé thăm và tặng thơ.Để phải phép em xin hoạ lại bài của bác nhé.Kình chúc bác vui khoẻ
MỘT GÓC CẦN THƠ ĐDB
Chân trời ửng đỏ ở đằng đông Chợ nổi Cái Răng đã kín dòng Rau quả chất đầy xanh mặt bến Cá tôm bày khắp trắng bờ sông Ghe thuyền nhộn nhịp trời mây lộng Sóng nước xô bồ kênh rạch thông Một góc Cần Thơ tràn nhịp sống Người xa xứ ấy nặng tình không?
Anh Hà Như qua chơi tặng PN bài thơ thật tuyệt, xin tặng anh: Ngọn bút từng vung bao ý đẹp Tiếng thơ đã vọng bấy lời hay. Xin cảm ơn -Chào thân ái (13.3 ta gặp nhau tại HN)