Người giúp việc đặc biệt của Gs Trần Văn Khê
* PHAN TÚ (beenet.vn)
Chăm sóc thầy (cách xưng hô của chị với GS Trần Văn Khê), chị luôn ở tâm thế chăm sóc một người bệnh, một người cha lại vừa như một đứa trẻ…Đã năm năm nay, chị luôn ở bên thầy, tận tụy chăm cho thầy từng bữa ăn, giấc ngủ, thuốc thang…
Nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng, NSƯT Kim Cương, chị Na và GS Khê trong một chuyến về quê giáo sư
Coi thầy như cha, như ông…Vũng Tàu tháng 7/2010. Nhiều người đến nghe buổi nói chuyện của GS Trần Văn Khê tại Lễ hội Văn hóa ẩm thực thế giới bị ấn tượng bởi hình ảnh đặc biệt. Người phụ nữ chừng 40 tuổi, thấp, nhỏ, nét mặt đôn hậu, nụ cười dịu dàng luôn túc trực bên thầy đẩy xe, canh giờ để thầy uống thuốc, giúp thầy ăn uống, sinh hoạt…
Trong lúc thầy nói chuyện hay giao lưu, chị cầm máy ảnh ghi lại những hình ảnh của thầy, tác phong nhanh nhẹn và khá chuyên nghiệp.
Ở cạnh GS từ những ngày đầu tiên thầy về Việt Nam (tháng 12/2004), chị Nguyễn Thị Na đã đồng hành cùng thầy trong nhiều buổi nói chuyện, các hội nghị, hội thảo xa gần…Giới thiệu chị với mọi người, thầy Khê nói : “Đó là một người cháu trong gia đình”.
Những ngày thầy không đi công tác các tỉnh, thành, chị Na tận tụy chăm sóc thầy tại nhà. Một ngày làm việc của chị bắt đầu từ 5h30 sáng và kết thúc vào khoảng 7h tối với những công việc: lau dọn, giặt giũ, đi chợ, nấu nướng, sắc thuốc, giúp thầy ăn, uống thuốc…
Chị Na cho biết, kỳ công nhất là lo chuyện thuốc men và ăn uống cho thầy. GS mắc nhiều bệnh, mỗi ngày phải uống nhiều lần thuốc. Chế độ ăn của GS cũng có nhiều kiêng cữ. Để thầy ăn ngon miệng và vui vẻ, từ năm năm nay, hầu như chị cũng ăn kiêng như thầy.
“Na luôn coi nhà tôi là nhà mình, coi tôi như người thân. Do vậy, tất cả mọi việc, Na đều làm hết lòng, không ngại khó, ngại khổ - thầy Khê nói.
Luôn nhận được lời cảm ơn mỗi ngàyTrước khi đến với GS Khê, chị Na giúp việc cho một chuyên gia người Anh đã 1 năm. Tháng 12/2004, thầy Khê về nước hẳn, người vợ của ông chuyên gia kia - vốn là bạn thân thiết của thầy Khê - đã “nhường” chị Na cho thầy.
Hiện, mỗi ngày thầy uống 12 lần thuốc. Theo đó, ngoài việc sắc thuốc, mỗi ngày chị canh giờ cho thầy uống, theo thứ tự thuốc tây, bắc, nam theo những giờ nhất định. Các món ăn luôn thay đổi hàng ngày với nguyên tắc chung là nhiều rau, củ.
Chị Na cho biết: “Nấu cho người già, các món đều phải ninh nhừ. Món canh thì rau, củ thật phải cắt thật nhỏ để vừa dễ ăn vừa ngọt mát”.
Bị tiểu đường nặng, thầy Khê phải kiêng cữ các món ngọt song đó lại là những món thầy thích. Thầy kể, một lần, khi thầy đang ăn bánh ngọt, chị Na đã cản. Thấy thầy thể hiện ánh mắt không bằng lòng, chị khóc. “Tôi vô cùng cảm động, Na lo cho sức khỏe của tôi mà tôi đã không hiểu hết”, thầy Khê nhớ lại.
Những năm qua, chị Na đã mày mò nhiều bài thuốc dân gian chữa bệnh tiểu đường tìm hiểu được qua sách báo. Qua nhiều lần thử nghiệm, bài thuốc từ nước hạt quả chôm chôm đã mang lại những chuyển biến tích cực cho căn bệnh này của thầy Khê.
Quần áo của thầy, chị luôn giặt tay. Với đồ lụa hay thổ cẩm, chị giặt riêng bằng dầu gội đầu.
“Coi tôi như một người thân, Na còn nhắc nhở tôi những sinh hoạt cá nhân thường ngày…Chăm sóc tôi, Na luôn ở tâm thế chăm sóc một người bệnh, một người cha lại vừa như một đứa trẻ”, theo thầy Khê.
Tính đến nay, trong số những gia đình chị đã từng đến, quãng thời gian chăm sóc thầy Khê là lâu nhất. Chị kể, niềm vui lớn của chị là luôn được thầy coi như con cháu trong nhà, không bao giờ coi chị là người giúp việc. Mỗi việc chị làm hàng ngày, dù nhỏ nhất như rót giùm thầy ly nước, chị đều nhận được lời cảm ơn từ thầy với ánh mắt trìu mến, thương yêu.
Năm năm giúp thầy, hai điều tâm đắc nhất chị học được từ thầy là không bao giờ làm mất lòng ai và không buồn, giận ai quá năm phút.
“Những hôm tôi nấu cơm không ngon, thầy chỉ ăn ít hơn chứ không chê, thậm chí vẫn vui vẻ. Những dịp đi ăn tiệc, mọi người thương thầy, gắp cho thầy bao nhiêu món ngon, thầy rất vui và cố ăn hết, dù biết đó là những món kiêng cữ…
Từ những ứng xử thường nhật như thế, tôi đã lớn lên từng ngày”, chị tâm sự.
“Chuyện riêng thì buồn lắm!”Đi giúp việc từ năm 18 tuổi, đến nay, chị Na đã gắn bó với nghề này 23 năm, cũng là chừng ấy năm chị xa gia đình (huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình), hết Lạng Sơn, Hà Nội lại Sài Gòn.
Hiện, bố mẹ chị đã trên 70 tuổi, đang sống cùng hai anh trai và em gái ở quê. năm năm vào Sài Gòn giúp thầy Khê, chị Na chưa một lần về nhà. Cách đây 2 năm, được thầy tặng cặp vé tàu về quê, chị Na đã định về nhưng phút cuối cùng, chị lại trả vé.
"Ở với thầy thì lo cho bố mẹ. Về nhà lại lo thầy. Nhưng bố mẹ ở quê còn có anh em, còn thầy ở đây dẫu có con cháu, nhưng đều ở xa…”, chị Na giải thích.
Thời gian ở với thầy Khê, chị nhận được nhiều lời mời với mức lương hậu hĩnh hơn, có người mời chị ra nước ngoài cùng gia đình họ, chị đều từ chối vì “quá thương quý thầy”.
Sinh ra trong một gia đình nghèo, sớm bươn chải, ngược xuôi, đến nay, đã 41 tuổi, chị Na vẫn một mình. “Chuyện riêng thì buồn lắm. Cũng có nhiều người thương nhưng có duyên mà không có nợ…”, mắt chị ngấn nước.
“Một mai, khi không còn sức, tôi muốn về quê, làm một cái nhà nho nhỏ, trồng rau, nuôi gà, phụng dưỡng bố mẹ già…”, chị nói về những dự định của mình.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
(Ngọc Tuyền Hạo)