Chủ đề này lấy chữ TÂM làm tên và cũng là cột xương sống xuyên suốt các bài viết cũng như các bài sưu tầm. Tuy nhiên khi chữ TÂM bị lợi dụng thì có còn là TÂM nữa không? Thật buồn khi người ta lại lừa đảo ngay cả khi đi làm THIỆN NGUYỆN...
Khi lòng từ thiện... quá đátNguồn:
http://tuanvietnam.vietna...khi-long-tu-thien-qua-datTác giả: Mỹ Hòa
Bài đã được xuất bản.: 23/09/2010 06:00 GMT+7
Lòng từ thiện quá đát, giống như những sản phẩm hết hạn dùng, cũng cần bị cấm sử dụng và đem thiêu hủy.
Những "diễn viên" từ thiện bậc thầy
Một hộp sữa bột cho trẻ em được bật nắp trước đó và hạn sử dụng chỉ còn vỏn vẹn một tháng, một chai nước mắm hết hạn từ hơn hai năm trước, một gói bột ngọt và 10 gói mì ăn liền. Đó là suất quà từ thiện mà mỗi hộ dân thuộc 656 đối tượng nghèo và gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn của Hà Tĩnh nhận được. Những con người này, chỉ chưa đầy 2 tháng trước đang oằn mình chống chọi cơn bão số 3, tận mắt chứng kiến những người bị thương, chết, chứng kiến cả nghìn ngôi nhà sập, tốc mái và hàng nghìn héc ta lúa ngập úng...
Và họ không phải trường hợp hi hữu có "may mắn" được nhận những món quà như vậy. Tính từ đầu năm 2010 đến nay, đã có ít nhất 2 vụ việc tương tự được báo chí "vinh danh". Cuối tháng 3, các em học sinh một trường khuyết tật ở Hà Nội nhận được 3.000 gói bột dinh dưỡng ăn liền hết hạn từ lâu do một doanh nghiệp chuyển qua Trung ương Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam. Tiếp đến, tháng 6, Đoàn y, bác sĩ từ thiện do một bác sĩ ở Bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh làm trưởng đoàn đã lặn lội về vùng sâu, xa tiến hành khám chữa bệnh và phát thuốc... quá đát, thuốc kém chất lượng, không rõ nguồn gốc cho người nghèo.
Trong những "bộ phim" từ thiện kiểu này, thường có một "kịch bản" khá tương đồng. Trong đó, "diễn viên" sắm vai nhà từ thiện là những người ít nhiều cơm no áo ấm, khỏe mạnh và lành lặn về thể chất. Trước niềm hân hoan và vui sướng của những con người thiệt phận, các "diễn viên" này rưng rưng cảm động giơ tay phân phát món quà từ tâm. Chỉ khi những chiếc nhãn dán đè, những hạn dùng thuốc bị cắt lộ ra, ánh đèn trường quay vụt tắt, dàn diễn viên mới trở về đúng nghề nghiệp đích thực của mình: các bậc thầy trong một lĩnh vực đầy tiềm năng - tiêu thụ hàng quá đát.
Để thực sự "tỏa sáng" trong nghề nghiệp hấp dẫn này, họ phải chinh phục được hai thử thách sống còn: bước qua lương tri con người, lương tâm nghề nghiệp và bôi đen trách nhiệm xã hội, trách nhiệm cộng đồng của mỗi doanh nghiệp, tổ chức.
Những hộp sữa đã bật nắp, nước nắm dán nhãn "hàng tài trợ không bán" đè lên hạn sử dụng đã được làm quà tặng cho người nghèo.
Trong một xã hội nhân văn, những con người thiệt thòi luôn là nỗi ám ảnh của cộng đồng. Ở đó, những số phận thiệt thòi, sự mất mát của người khác là nỗi đau chung của cộng đồng và được cộng đồng giang tay đón nhận, che chở. Đối với một đất nước có truyền thống "lá lành đùm lá rách" như Việt Nam thì đó chính là những chiếc lá rách cần che chở, đùm bọc nhất.
Bởi không chỉ thiệt thòi về số phận, thân thể, đây còn là tầng lớp dễ bị tổn thương nhất trong xã hội. Điều họ cần không chỉ là những món quà vật chất, lòng thương mà còn là sự tôn trọng và tình cảm đồng loại xuất phát từ đáy lòng.
Trong một thế giới nhân văn, các doanh nghiệp ngoài và trên cả mục tiêu kinh doanh, phải luôn nhận thức được trách nhiệm xã hội. Bởi đó là một cách để các doanh nghiệp đền đáp và hoàn trả món nợ với cộng đồng của mình. Các hoạt động bảo vệ môi trường, từ thiện... nằm trong món nợ phải trả này.
Hơn nữa, tính toán một cách sằng phẳng, những hoạt động này cũng góp phần mang lại danh tiếng, củng cố thương hiệu cho các doanh nghiệp. Với các chứng nhận, với cơ hội xuất hiện trên các phương tiện truyền thông lớn nhỏ, dù cố ý hay vô tình, các doanh nghiệp cũng đã PR cho tên tuổi "vì cộng đồng" của mình.
Và trong một thế giới nhân văn, bất kỳ bệnh viện, bác sỹ nào cũng nhận thức sâu sắc, đầy đủ sứ mệnh cứu người cùng trọng trách "lương y như từ mẫu" của mình.
Nhưng tất cả những con người đó, tổ chức đó đã sử dụng phần trách nhiệm, lương tâm của mình thế nào khi phát quà quá đát vào tay người nghèo, người khuyết tật, ốm yếu. Họ lạm dụng lòng tin của người khác ra sao khi chỉ chăm chăm tăng "doanh số" hàng quá đát lên cao nhất, nhanh nhất và "làm duyên" điệu nghệ nhất trước mắt người dân và báo chí?
Bằng việc làm của mình, liệu họ có khiến những người thiệt thòi cảm thấy bị xỉ nhục và mất lòng tin vào lương tâm và tình yêu thương đồng loại? Liệu những con người đó có bị đẩy sâu thêm vào bi kịch của mình?
Tất cả những điều đó được đánh đổi bằng vài "mớ" phế phẩm hoàn toàn vô giá trị, liệu có phải cái giá quá đắt?
là lá trên rừng, là cỏ dưới đất, là nước Biển Đông...