Bao la như lòng mẹ
Chiếc xe máy dừng hẳn, cô gái trẻ vừa bước xuống đã kịp nghe một giọng trẻ con nũng nịu: “Mẹ đi đâu mà lâu thế?”, Việt Anh quay sang nhìn bé Vân Anh đang níu áo mình. Ôm con vào lòng, cô trìu mến: “Con gái ngoan sao không lên lớp?”.
“Hôm nay cô giáo cho con nghỉ học”, con bé đáp. Cô gật đầu, nắm lấy bàn tay nhỏ xinh xắn. Bàn tay ấy đã bao lần khiến cô thổn thức. Bé con cứ tíu tít kể chuyện, hát hò vang cả sân mà không để ý ánh mắt mẹ Việt Anh đang rơm rớm.
“Mỗi lần nghe tiếng gọi “mẹ” của Vân Anh, tôi thấy trong lòng dấy lên một cảm xúc khó tả”, Việt Anh, quê ở tỉnh Phú Thọ, tâm sự. Ngoài bé Vân Anh, cô còn làm mẹ đỡ đầu của ba bé nữa là Quỳnh Anh, Ngọc Anh và Việt Anh.
“Nhìn các con lớn lên từng ngày, tôi thấy rất vui, cảm giác mình đã làm được một điều gì đó có ích cho người khác”, Việt Anh nói chưa dứt lời, từ mấy căn phòng nhỏ phía sau chùa Bồ Đề, Gia Lâm, những đứa trẻ đã chạy ùa ra. Đứa níu chân, níu tay, miệng tíu tít gọi. Cô dắt tay các con vừa đi vừa vui vẻ hỏi: “Ngọc Anh hôm qua viết được mấy điểm?”, “Việt Anh có hay làm nũng sư bác không?”, “Quỳnh Anh có hay ra ngoài đường để sư bác phải đi tìm không?”… Mấy đứa trẻ tranh nhau trả lời, náo nhiệt cả một góc sân.
Bốn đứa con của cô có bốn hoàn cảnh khác nhau. Vân Anh được một người dân phát hiện ở cổng chùa Bồ Đề một buổi sớm mùa đông cách đây sáu năm, con bé được quấn trong một tấm chăn mỏng. Nếu phát hiện chậm vài giờ, có lẽ con bé đã mất mạng.
Yêu các con như khúc ruột của mìnhCòn bé Ngọc Anh lại là bi kịch của một người mẹ sinh viên. Việt Anh nhớ mãi ngày đầu tiên nhìn thấy con bé ở chùa Bồ Đề cách đây gần bốn năm. Hôm ấy, bé nằm trên tấm phản, lọt thỏm giữa những quần áo, chiếu chăn, trông rất tội nghiệp, thi thoảng cho tay vào miệng mút “chùn chụt” vì khát sữa.
Thấy cô đứng lặng bên cạnh, sư bác đang thay tã lót kể: “Con bé Ngọc Anh đáng thương lắm. Mẹ đang học năm thứ hai, không may mang bầu nhưng bạn trai lại không nhận nên sang đây sinh con và nhờ nhà chùa chăm sóc…”.
Việt Anh ngồi xuống đỡ bé vào lòng. Cô bé huơ huơ bàn tay nhỏ xíu cười. Một cảm xúc trào dâng trong lòng, Việt Anh lại xin làm mẹ đỡ đầu cho bé.
Bé Quỳnh Anh cũng là một số phận bất hạnh, hai mẹ con không có nơi nương tựa, phải sống nhờ cửa chùa. Thương hai mẹ con bơ vơ nên thi thoảng Việt Anh qua giúp. ”Lâu ngày, tình cảm cứ lớn dần nên tôi quyết định nhận bé làm con nuôi”, cô chia sẻ.
Còn cậu con trai Việt Anh lại mang một mối nhân duyên khác. Cô kể rằng hôm ấy ngồi bế một cậu bé vừa được nhà chùa nhận vào, nghe sư thầy bảo đang phân vân, không biết nên đặt tên gì để mai này bé lớn lên, mạnh mẽ và quyết đoán.
Rồi đột nhiên sư thầy bảo: “Gọi nó là Việt Anh đi”. Thế là cô có thêm đứa con thứ tư.
Bố ơi, con đã được làm mẹ rồiCô đã làm mẹ của bốn con khi vừa bước vào tuổi 19 và đang học năm thứ hai, Đại học Quốc gia Hà Nội.
“Cảm giác lần đầu tiên được làm mẹ thích lắm, về nhà rồi mà trong lòng vẫn còn lâng lâng”, Việt Anh khúc khích cười.
Cứ vào cuối tuần, Việt Anh lại tất bật chuẩn bị đường sữa, tã lót như một bà mẹ con mọn để sang chùa Bồ Đề thăm các con. Lần đầu tiên cho Quỳnh Anh ăn bột, con bé không chịu nuốt, bất ngờ bé ho, phun hết vào mặt mẹ Việt Anh. Có hôm cô ru Ngọc Anh ngủ, trời lạnh nên cứ đặt xuống giường là bé tỉnh, cô bế con trong lòng, mỏi rã rời chân tay mà không dám cử động vì sợ bé tỉnh giấc.
Có lẽ nhờ những kỷ niệm ấy Việt Anh thấy mình trưởng thành hơn, hiểu biết hơn. Cứ đều đặn hàng tuần, cô sinh viên trẻ lại sang thăm các con, để có thể san sẻ một phần tình yêu thương của mình, được sống lại những năm tháng ấu thơ.
Gọi điện về cho bố, Việt Anh khoe: “Con được làm mẹ rồi”. Bố thảng thốt vì tưởng con lỡ dại, nhưng nghe xong chuyện, giọng ông nghẹn lại vì xúc động.
Việt Anh bảo, cô may mắn hơn những người khác khi được sinh ra trong một gia đình ngập tràn yêu thương. Bố mẹ là những nghệ nhân gói bánh chưng bánh giầy nổi tiếng một vùng đất Tổ.
“Chị em tôi đã lớn lên bằng hương thơm bánh chưng của gia đình. Mỗi khi ngồi ép bánh, bố thường kể những câu chuyện lượm lặt đâu đó, tất cả đều mang tính nhân văn sâu sắc. Mỗi lần kể xong, bố hay bảo ngoài kia còn rất nhiều hoàn cảnh éo le, họ không đủ cơm ăn, thậm chí mùa đông không có áo mặc… Hãy yêu thương tất cả mọi người như yêu chính bản thân mình con ạ...”, Việt Anh nhớ lại.
Tấm lòng của cô gái trẻ Việt Anh xuống Hà Nội học, mang theo hương thơm bánh chưng của mẹ, những câu chuyện thấm đẫm tình người của bố và cả linh hồn của một vùng đất nổi tiếng…
Lần đầu tiên, khi cùng một người bạn đến Trung tâm bảo trợ xã hội Ba Vì, nhìn những đứa trẻ thơ ngây bơ vơ không cha mẹ, những cụ già không người thân, ngồi ngẩn ngơ, Việt Anh chợt nghẹn lòng.
“Tôi đến gần một cụ, nắm lấy bàn tay. Đôi mắt trắng đục của cụ rơm rớm nước, cụ bóp chặt tay tôi, môi mấp máy không thốt nên lời”, Việt Anh trầm giọng, hồi tưởng..
Trở lại trường học, cô gái trẻ luôn băn khoăn về những hoàn cảnh đã gặp, cô nghĩ thầm: “Mình phải làm gì để giúp họ đây?”.
Việc đầu tiên cô làm là đi gom những cuốn truyện cổ tích, sách báo cũ… rồi cùng các bạn mang về trung tâm đọc cho bọn trẻ nghe. Khi không đọc sách, họ tổ chức hát, múa, diễn trò, ném bóng hay chỉ đơn giản là những trò chơi dân gian như trốn tìm, chơi ô ăn quan… những lúc như thế, các em cười nói vui lắm khiến cô cũng hạnh phúc lây.
Việt Anh quan tâm nhiều hơn đến công tác xã hội. Ngoài các trung tâm quanh Hà Nội, cô còn vào Quảng Ngãi, Tây Nguyên để trao quà cho những gia đình khó khăn, tặng sách cho các em nhỏ dân tộc thiểu số...
Chùa Bồ Đề là nơi cô gắn bó nhiều nhất. Cô nuôi ý tưởng mở các lớp học ngay tại chùa. Khi nghe Việt Anh trình bày, rất nhiều người ủng hộ nhưng cũng e ngại bởi dạy học tại chùa sẽ rất thiếu thốn. Thế nhưng, cô vẫn quyết tâm làm. Các lớp học ra đời và không ai bảo ai, mọi người đều gọi cô là “hiệu trưởng”.
Từ việc chọn giáo viên, giáo trình, lịch giảng dạy đến phân công trình độ, Việt Anh đều làm tỉ mỉ, cẩn thận nên dù số lượng học sinh không nhiều nhưng chất lượng cũng không thua kém. Với lợi thế được đào tạo bài bản về dạy học, cách làm việc độc lập, Việt Anh được bạn bè tín nhiệm. Cứ thế, sau giờ lên giảng đường, cô hiệu trưởng lại tất tả với việc giảng dạy ở chùa.
Cô hiệu trưởng ít tuổi nhất Đến bây giờ, dù “không còn đương nhiệm” nhưng mỗi lần sang chùa, các em học sinh vẫn tíu tít gọi cô là “cô hiệu trưởng”. Những tình cảm đó khiến cô vui và hạnh phúc nhiều.
“Vân Anh bây giờ đã bắt đầu vào lớp một, cô bé ngoan, xinh lắm, hát cũng hay nữa.”, Việt Anh nói, mắt sáng lên vì hạnh phúc. Nhìn vẻ đáng yêu của cô bé, Việt Anh chỉ mong một ngày nào đó mẹ em nhìn thấy con gái mình và hối hận, đưa bé về, chăm sóc một cách trọn vẹn vì dù Việt Anh có cố gắng thế nào cũng không bù đắp được tình yêu của mẹ.
Cô tiếp tục hào hứng khoe về tin vui mới nhận được: “Mẹ bé Ngọc Anh sau khi ra trường, ổn định việc làm đã quay lại đón con. Hôm ấy, hai người mẹ trẻ đã ngồi tâm sự rất lâu. Tôi vẫn nghĩ, đã là mẹ thì khi sinh con ra phải nâng niu, bảo vệ con mình, nhưng người mẹ ấy đã không làm được. Tôi trách giận cô ấy suốt một thời gian dài. Thế nhưng, sau cuộc trò chuyện đó, tôi mới hiểu hết được bi kịch mà cô ấy chịu đựng”.
Bây giờ, hai mẹ con bé Ngọc Anh đã có cuộc sống ổn định. Đó cũng là điều cô mong mỏi. Mới đây, Quỳnh Anh và mẹ đẻ cũng tìm được một gia đình riêng hạnh phúc.
“Chia tay những đứa con mình cưu mang suốt một thời gian dài, tim tôi đau như thắt lại nhưng biết bé sẽ có cuộc sống tốt hơn, tôi kềm lòng không cố giữ các bé lại. Những điều kỳ diệu và bất ngờ trong cuộc sống luôn chờ đợi bạn ở phía trước, tôi vẫn luôn sống vì niềm tin ấy”, Việt Anh cười tươi nói trước khi chia tay chúng tôi. Cô đi thật nhanh về chùa, nơi những đứa con thân yêu vẫn đang đợi mẹ về.
Bài đăng trên tạp chí Tiếp thị & Gia đình
* Nguyễn Thị Việt Anh sinh năm 1987 ở Phú Thọ. Việt Anh tham gia công tác xã hội đến nay đã được năm năm.
* Bố mẹ Việt Anh làm nghề gói bánh chưng, đây là nghề truyền thống của gia đình từ nhiều đời nay. Hiện nay, em trai Việt Anh sẽ nối tiếp công việc của gia đình.
* Việt Anh tốt nghiệp Trường Đại học Quốc gia Hà Nội. Hiện nay, chị sinh sống và làm việc tại Hà Nội, ngoài việc nhận dịch thuật ở nhà, Việt Anh còn đăng ký học thêm văn bằng hai để nâng cao kiến thức, tranh thủ thời gian làm tốt các công tác từ thiện. Mở mắt thì chạy theo cảnh
Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
(Ngọc Tuyền Hạo)