Dùng sinh học “mở cửa” cho nông sảnLTS. Sản phẩm nông nghiệp Việt Nam hiện không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà đã bước vào thị trường thế giới. Trong cuộc cạnh tranh toàn cầu đó, tiêu chí xanh – sạch được đặt ra như tiêu chuẩn bắt buộc cho những thương vụ làm ăn. Muốn vậy, ngoài sự hanh thông về chính sách quản lý, còn cần có sự phát triển xứng tầm của đầu tư ứng dụng sinh học trong nông nghiệp. Người nông dân phải được tiếp cận những loại giống tốt nhất, cách nuôi trồng thích hợp cũng như khâu bảo quản, chế biến hiện đại… Và có những nhà khoa học đang thao thức nghiên cứu cho nền nông nghiệp sinh học tiên tiến ấy. Từ số này, Sài Gòn Tiếp Thị khởi đăng loạt bài về những nhà nghiên cứu dùng khoa học để “mở cửa” cho nông sản miệt vườn ra với thế giới.
Bài 1: Diệt sâu bệnh bằng… côn trùng
Từ sự phát hiện và dụng công của các nhà khoa học, những sinh vật rất đỗi bình thường như ong, bọ rùa, bọ xít, thậm chí cả chuồn chuồn, ruồi bắt mồi… đã góp phần tiêu diệt một số lượng lớn các loài sâu hại trong nông nghiệp.
Một loài thiên địch của côn trùng gây hại cho cây trồng. Ảnh: Thanh Tuyền
Dùng độc trị độc“Đừng bao giờ coi thường bất cứ một loài sinh vật nào, các loài sinh ra đều có lý do tồn tại và có mối quan hệ lẫn nhau trong môi trường sinh học của nó”, PGS.TS Khuất Đăng Long, trưởng phòng sinh thái côn trùng viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật, mở đầu câu chuyện. Là chuyên gia nghiên cứu côn trùng hơn 30 năm, ông Long còn được biết đến với những công trình liên quan đến việc sử dụng các loài thiên địch như ong ký sinh, cánh cứng và nhện bắt mồi... để diệt trừ sâu hại. Ông Long cho hay, thiên địch trừ sâu hại được chia làm hai nhóm: nhóm bắt mồi và nhóm ký sinh. Trong đó, nhóm bắt mồi phải kể đến ruồi, bọ cánh cứng, bọ rùa, bọ xít, nhện bắt mồi. Nhóm ký sinh gặp ở các pha trứng, sâu non, nhộng và thậm chí cả trưởng thành của các loài sâu hại.
Việc sử dụng côn trùng diệt sâu là một trong những cách giúp nông dân không tiêu tốn tiền mua thuốc trừ sâu hoá học, không lo lắng về sự kháng thuốc của sâu hại, không sợ ảnh hưởng tới sức khoẻ chính mình: “Việc dùng thiên địch còn giúp bảo tồn loài, không làm mất đi các nguồn gen bản xứ quý, đa dạng sinh học vẫn được bảo tồn nguyên vị, thậm chí những vụ cây trồng kế tiếp cũng không cần phải lo phun thuốc hoá học”, ông Long khẳng định.
Lấy tuyến trùng diệt sâu trong đấtTìm tuyến trùng có ích và sử dụng những sinh vật này để diệt sâu hại trong nông nghiệp, là hướng đi mới của viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật. Đây cũng là một trong những đơn vị đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu vấn đề phòng trừ bằng phương pháp sinh học này. PGS.TS Nguyễn Ngọc Châu, trưởng phòng tuyến trùng, cho biết tuyến trùng (nematodes) thuộc nhóm động vật không xương sống, đa bào, có kích thước mắt thường không thể nhìn thấy. Và trong số hàng ngàn loài tuyến trùng ký sinh ở côn trùng tại Việt Nam có nhóm Entomopathogenic nematodes (EPN) có khả năng vừa ký sinh vừa gây bệnh cho côn trùng.
Theo ông Châu, hiện nay đã có khoảng 70 chủng tuyến trùng có tác dụng phòng trừ sinh học và không độc hại với con người, trong đó có mười chủng tốt. Đã có sáu chế phẩm được sản xuất sử dụng sáu chủng tuyến trùng bản địa. Lợi thế của chế phẩm sinh học từ tuyến trùng rất thích hợp cho việc diệt sâu hại sống trong đất, điều mà các thuốc trừ sâu hoá học phải “bó tay”. Kết quả thử nghiệm cho thấy những chế phẩm này có thể diệt được gần 30 loài sâu hại khác nhau.
Ở nước ngoài, các sản phẩm từ tuyến trùng được sử dụng nhiều trong các nhà kính, cho cây cảnh trong nhà vì nó đạt yêu cầu cao về môi trường. Tuy nhiên, tại Việt Nam giá của các chế phẩm sinh học này hiện còn cao: khoảng 1 triệu đồng/ha so với 750.000 đồng/ha nếu sử dụng thuốc hoá học.
“Vũ khí” kiến vàngNông dân đồng bằng sông Cửu Long từ xưa đã biết nuôi và sử dụng kiến vàng trong vườn nhằm giúp trái cây ngọt, không bị chai, có nhiều nước hơn bởi họ biết kiến có thể xua côn trùng phá hoại. Tuy nhiên, gần đây, trong quá trình thâm canh tăng năng suất, việc sử dụng nhiều loại thuốc trừ dịch hại đã vô tình loại bỏ loài thiên địch này. Nhằm đưa con kiến vàng trở lại những vườn cây, giúp nông dân phát triển cây có múi (cam, quýt, bưởi), GS.TS Nguyễn Thị Thu Cúc và các đồng nghiệp ở đại học Cần Thơ trong nhiều năm đã nghiên cứu xây dựng quy trình nuôi nhân và sử dụng loài côn trùng này.
Bà Cúc phân tích, sự xuất hiện của kiến vàng sẽ khiến bọ xít – loại côn trùng thường làm rụng trái – khó có mặt. Kiến vàng còn giúp hạn chế nhiều loài sâu ăn lá, đặc biệt là hạn chế được sự bùng phát và gây hại của rầy chổng cánh truyền bệnh vàng lá trên các cây có múi, một loại bệnh đang gây hại rất trầm trọng trên cây có múi. Phân của kiến vàng còn là một loại phân hữu cơ tự nhiên rất quý, giúp cây phát triển tốt và trái có chất lượng cao hơn.
Nhưng để dân tin và nuôi kiến thì đâu phải dễ. Bà Cúc nhớ lại, phải cần nhiều chuyến công tác dài ngày để xây dựng các điểm trình diễn cho bà con tham quan, giúp họ hiểu về vai trò của kiến, thuyết phục họ nuôi và hướng dẫn cách nuôi kiến. Và trong thời gian ấy, hàng tá trăn trở của người dân gửi đến GS Cúc xoay quanh con kiến bé xíu. Bà bật mí: “Không nên phun thuốc trừ sâu hoá học. Muốn đưa một quần thể kiến vàng mới vào thì vườn phải sạch, khi đưa thì tuỳ khoảng cách, nếu gần chỉ cần cột dây nhử thức ăn từ vườn này sang vườn kia, nếu xa thì phải mang tổ từ nơi khác về”. Theo bà Châu, việc này nên thực hiện vào mùa mưa, là lúc có sự hiện diện của nhiều kiến chúa. Kiến vàng thường định cư trên các cây có lá phát triển tốt, đặc biệt là vào giai đoạn cây ra lá non như cam, quýt, bưởi, mận, xoài, mãng cầu, bình bát, cóc… Nếu áp dụng được các kỹ thuật trên, cộng với việc chỉ phun thuốc trừ sâu sinh học vào chiều mát khi kiến đã về tổ thì các nhà vườn có thể yên tâm với vườn cây ăn trái.
Hiện phương pháp dùng kiến vàng xua sâu hại trên cây có múi đã được ứng dụng tại nhiều địa phương đồng bằng sông Cửu Long như Tiền Giang, Hậu Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long…
Thanh Tuyền – Trung Dũng(Đón xem Bài 2: Thay đổi quan niệm về thuốc trừ sâu)
Công trình nghiên cứu về tuyến trùng đã nhận được sự hợp tác của các nhà khoa học Bỉ và CHLB Đức. Việc hợp tác với Bỉ đã giúp phát hiện năm loài tuyến trùng mới cho khoa học. Một số loài ong ký sinh (ong mắt đỏ) và côn trùng bắt mồi (cánh cứng và bọ xít ăn sâu), đã được các nhà khoa học nhân nuôi với quy mô có thể trừ sâu hại cây trồng trong nhà lưới hoặc triển khai với quy mô nhỏ tại một số vùng chuyên canh cây mía, đay, bông của Việt Nam.Mở mắt thì chạy theo cảnh
Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
(Ngọc Tuyền Hạo)