Cao Bằng vẫn không ngừng “chảy máu” khoáng sản
“Điểm nóng khoáng sản” Nguyên Bình đã có biểu hiện “nguội” từ giữa năm 2010, khi tỉnh uỷ, UBND tỉnh Cao Bằng quyết liệt siết chặt quản lý khoáng sản trên địa bàn bằng việc dừng cấp phép mới khai khoáng cho các doanh nghiệp; thắt chặt công tác kiểm tra khai thác khoáng sản, đồng thời cấm triệt để việc xuất khoáng sản thô qua đường biên giới.
Tuy nhiên, sự vắng lặng bên ngoài không phải là biểu hiện thực của việc khai khoáng tại đây. Một bức tranh hoàn toàn trái ngược chỉ được phô hết vào thời điểm cuối ngày cho đến gần hết đêm. Trong vai của một dân phượt, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến khung cảnh tấp nập của những điểm thu gom, tập kết quặng lậu dọc hai bên đường.Bài 1: Khi thôn bản trở thành công trường
SGTT.VN - Thời điểm hiện tại, ước tính, mỗi tuần các tư thương vẫn gom được hàng trăm tấn quặng thô từ Nguyên Bình để tuồn qua đường biên giới. Và tại các huyện khác, người dân vẫn lật tung nhà cửa, ruộng vườn lên để tìm quặng.
Dân thôn Bó Lếch lật hết vườn tược, nhà cửa để tìm quặng
Những thung lũng phì nhiêu, những cánh đồng hiếm hoi dọc những con suối, những thửa ruộng canh tác lúa nước… đã trở thành những mỏ quặng lộ thiên. Về Pắc Bó, xã Đạo Đức mới thấy người dân mua rau ăn còn khó khăn hơn đi mua… quặng, vì chỉ cần lật một nhát cuốc đã có quặng rơi ra, không cần mất thời gian chăm bón như… trồng rau.
6km đường, gần chục chợ thu gom quặng thô!18 giờ tối 28.9, chúng tôi có mặt tại xã Vũ Nông. Đứng trên con dốc cao của đoạn đường 34 chạy cắt qua địa phận xã Vũ Nông, cách thị trấn Tĩnh Túc 6km, nhìn xuống bên dưới là mỏ sắt Tĩnh Túc nổi tiếng với công trường khai quặng đã được tiến hành ngót một thế kỷ từ thời Pháp thuộc.
Một nhóm người Dao, người Tày, Nùng… hối hả gùi từng gùi quặng từ trong núi đi ra, tập kết thành những đống quặng nhỏ ven đường. Có khoảng chục đống quặng đã chất sẵn như thế, được người dân lấy bạt xanh, hoặc lá cây phủ lên.
Ở Vũ Nông và nhiều xã khác trong huyện Nguyên Bình, việc đi đào quặng hay mót quặng thô từ các điểm mỏ đã khai thác hết là việc làm phổ biến. Đây là công việc mang lại thu nhập chính cho người dân, khi nông nghiệp vẫn còn ở trình độ quảng canh và người dân không có nghề phụ.
Đi thêm chừng nửa cây số, chúng tôi gặp nhiều đám đông khác, mọi người hối hả gùi quặng, cân quặng, đổ quặng lên xe tải trọng 8 tấn đậu sẵn. Những chiếc xe này bốc quặng từ các điểm thu gom nhỏ lẻ đến các điểm tập kết, để từ đó tuồn sang Trung Quốc theo các con đường tiểu ngạch.
Giá quặng sắt ở thời điểm hiện tại, các chủ thu gom trả cho người dân 1.200 đồng/kg. Đó là mức giá cao dành cho quặng sắt cục. Dân quặng cho biết, hàm lượng quặng sắt này rất lớn, trên 80%. Người ta gọi đó là “quặng sạch” để phân biệt với “quặng bẩn” – quặng lẫn đất chưa qua sàng tuyển. Một ngày đào quặng, mỗi người dân có thể kiếm tiền triệu là điều dễ dàng!
Nhẩm tính, đoạn đường dài chừng 6km từ xã Vũ Nông đến xã Đạo Đức (đi qua thị trấn Tĩnh Túc), ngay trong chiều ngày 28.9.2011 đã có gần chục điểm tập kết, thu gom quặng. Mỗi điểm thu gom chỉ ước tính chừng chục tấn, một đêm có khoảng gần trăm tấn quặng thô từ Nguyên Bình được tuồn ra các điểm trung chuyển trước khi đưa sang Trung Quốc.
Lật nhà… đào quặng!Từ lâu, mỏ sắt Bó Lếch (xã Hoàng Tung, huyện Hoà An) được biết đến là một trong những điểm mỏ có trữ lượng lớn, hàm lượng quặng sắt rất cao. Quặng sắt lộ thiên ngay trên bề mặt đất. Trước khi dự án khai thác mỏ sắt Bó Lếch được cấp phép, người dân xã Hoàng Tung thuần tuý gắn bó với mảnh nương, mảnh rẫy, và chỉn chu trồng rừng theo dự án PAM. Thế nhưng, mọi chuyện đã thay đổi nhanh chóng!
Bó Lếch và Bó Bủn là hai thôn có đất nằm gần như hoàn toàn trong mỏ sắt Bó Lếch. Gần 100% hộ dân đã đồng ý nhận đền bù giải phóng mặt bằng. Giờ đây, hai nhà văn hoá thôn Bó Lếch và Bó Bủn là dấu hiệu duy nhất để người lạ biết đến sự tồn tại của hai địa danh hành chính này, bởi người dân sở tại đã lật tung vườn tược, thậm chí khoét hầm, đào lò trên những quả đồi sau nhà mình để tìm quặng… Nhiều nhà dân, hố quặng đã ăn vào đến tận phần móng nhà, sau khi đã lật tung cả mảnh sân trước đó được lát gạch để làm chỗ phơi nông sản.
Trưa 29.9, chúng tôi có mặt tại “công trường” Bó Lếch và Bó Bủn. Con đường xóm vắng hoe, chỉ có những đống quặng ngổn ngang hai bên đường. Khoảng chục người đàn ông đang ồn ào ăn uống, một dãy xe máy cáu cạnh dựng ngoài cửa. Đó là những xe “tăng bo” từng bao quặng từ điểm khai thác đến điểm tập kết.
Một hố quặng đang khai thác đã được đào sâu chừng vài mét, chạy dài mấy chục mét, ăn gần đến chân móng của nhà văn hoá Bó Bủn. Từ trên hố quặng này nhìn xuống phía bờ suối là những ruộng bắp đang thời kỳ trổ bắp đã bị lật tung không thương tiếc để đào quặng. Phía bên kia đường, những công trường khai khoáng của các nhà dân chạy dài thành một vệt, và được ngăn ranh giới bằng những rào tre tạm bợ.
Một vài chiếc máy xúc chềnh ềnh trong vườn. Đó là những phương tiện khai khoáng hiện đại, quy mô mà nhà dân thuê về để xúc quặng… cho nhanh.
Kinh hoàng!Tối 29.9, chúng tôi ngược lại con đường xóm dẫn vào hai thôn Bó Lếch, Bó Bủn. Sự trái ngược với ban ngày khiến anh bạn dẫn đường, dù là người bản địa cũng không giấu được vẻ kinh hoàng trên khuôn mặt.
Gần chục chiếc xe tải trọng lớn (lên đến 80 tấn) đang xếp hàng trong các ngách xóm. Đèn pha bật sáng quắc cùng với tiếng động cơ ầm ĩ. Một chiếc xe tải đứng choán gần hết con đường đất, thành xe ghé hẳn vào mép sân của ngôi nhà cấp bốn đang bật điện sáng trưng. Trên đó, chiếc xe xúc ban ngày làm nhiệm vụ xúc đất tìm quặng đang hối hả vục vầu xuống đống quặng chất đống trên sân để chuyển sang chiếc xe tải đang chờ sẵn.
Những chiếc xe khác cũng làm một công việc tương tự tại các điểm khai thác quặng khác: chuyển quặng thô được khai thác vào ban ngày đưa đến các điểm tập kết. Ở Bó Lếch, Bó Bủn, mỗi nhà dân là một công trường khai thác riêng lẻ, phân chia theo diện tích đất vườn của từng nhà.
Phần lớn xe mang biển kiểm soát của tỉnh Thái Nguyên. Trong số dàn xe tải trọng lớn lên Cao Bằng vận chuyển quặng thuê, các đầu xe mang biển số 20 chiếm tỷ lệ lớn và là những dàn xe hoành tráng nhất.
23 giờ 30 phút, chúng tôi bí mật bám theo chiếc xe mang biển số 20K – 8875 vừa ăn quặng từ Bó Lếch đi ra. Chiếc xe ì ạch đi theo đường 3 cũ chạy thẳng đến trạm cân “cây 5” để cân hàng. Sau khi cân xong, chiếc xe quặng chậm chạp bò ra đường mới (ngã năm đường mới) hướng về phía thị xã Cao Bằng. Đây cũng là hướng để đi về các huyện vùng biên Trùng Khánh, Phục Hoà, Trà Lĩnh – nơi có các cửa khẩu Tà Lùng, Hùng Quốc, Pò Peo… và là những cửa khẩu đưa quặng thô sang bên kia đường biên dẫn vào đất Trung Quốc.
bài và ảnh:
Vỹ KỳMở mắt thì chạy theo cảnh
Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
(Ngọc Tuyền Hạo)