Trang trong tổng số 48 trang (474 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [25] [26] [27] [28] [29] [30] [31] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Vodanhthi

Rừng và sông đầu nguồn tan nát



TT - "Có một thực tế là hiện nay ở một số vùng, người dân không phá rừng thì không có tiền để tồn tại được. Do đó chúng ta cần quyết liệt triển khai các dự án để nâng cao đời sống cho người dân sống trong và gần các khu rừng”.

Ngày 23 và 24-5, tại TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), Viện Sinh học nhiệt đới (Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam) đã tổ chức hội thảo về quản lý tổng hợp rừng đầu nguồn và lưu vực sông.

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=499476
Rừng nguyên sinh ở đông Trường Sơn đang bị “chảy máu”  - Ảnh: TRẦN THẢO NHI



TS Vũ Ngọc Long, phó viện trưởng Viện Sinh học nhiệt đới, cho rằng rừng và sông suối đầu nguồn suy thoái không chỉ tác động bất lợi đến đa dạng sinh học, các chức năng sinh thái, điều kiện tự nhiên khác mà còn làm giảm chất lượng cuộc sống, đặc biệt với cộng đồng đang sống ở những lưu vực sông và các khu rừng.

Trọc lóc rừng đầu nguồn
Rừng quốc gia Cát Tiên và Cát Lộc ôm trọn sông Đồng Nai. Chính hai cánh rừng này cung cấp một lượng nước rất lớn cho người dân vùng hạ lưu. Thế nhưng qua 15  năm nghiên cứu và theo dõi, TS Vũ Ngọc Long chua chát: “Hiện trạng trên những quả đồi rừng Cát Lộc đều bị bào trọc bởi người dân phá rừng khai thác gỗ, lấy đất trồng những loại cây công nghiệp”.

328ha đất rừng Cát Lộc, vùng đệm của vườn quốc gia Cát Tiên, được giao cho dân địa phương quản lý, sau năm năm hiện chỉ còn khoảng 10-20ha. Nguyên nhân rừng Cát Lộc trọc lóc, theo TS Long, do chính quyền giao rừng cho dân nhưng lại không theo dõi và quản lý chặt.

Những con đường mở ra và người dân di cư từ các nơi đến đã nhanh chóng triệt phá những cánh rừng để khai thác gỗ, lấy đất trồng cây công nghiệp. Rừng Cát Lộc bị tàn phá sẽ làm “túi nước” trong khu vực vườn quốc gia Cát Tiên và các vùng phụ cận bị cạn kiệt, dẫn đến nguồn nước cung cấp cho sông Đồng Nai bị giảm rất lớn.

Thủy điện “uống” hết nước của dân
Theo TS Đào Trọng Tứ - giám đốc Trung tâm Thủy văn phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu (đại diện khoa học Viện Quản lý nước quốc tế - IWMI), việc phát triển ồ ạt các công trình thủy điện trong những năm qua đã và đang đặt tài nguyên nước nói riêng và hệ sinh thái của các vùng đầu nguồn, các sông suối Việt Nam vào tình trạng báo động về cạn kiệt và suy thoái khó hồi phục.

Hiện hệ thống sông ngòi Việt Nam đang phải gánh trên mình hơn 500 công trình thủy điện lớn nhỏ. Theo quy hoạch của Bộ Công thương, dự kiến có 1.021 công trình thủy điện được xây dựng trong thời gian tới. Ông Tứ lo lắng: “Các công trình thủy điện phần lớn có hồ chứa với dung tích từ vài triệu đến trên 10 tỉ m3 và có diện tích mặt hồ ngập nước từ vài chục đến hàng trăm ngàn hecta. Phần lớn các công trình thủy điện của ta chủ yếu làm nhiệm vụ sản xuất điện năng chứ ít khi tham gia phòng chống lũ cũng như hạn hán cho vùng hạ lưu”.

Sông Đồng Nai trước đây có tổng trữ lượng nước dưới đất 22 triệu m3/ngày. Nhưng từ khi xây các đập thủy điện, lượng nước đã giảm hẳn, tới mức tiệm cận dần với ngưỡng hạn chế về nguồn nước, đặc biệt thiếu nước trong mùa khô nhưng mùa mưa lại có lũ dữ và sạt lở ở hạ du. Ví dụ rõ nét nhất là thác Pongour, từng được người Pháp tôn vinh là dòng thác hùng vĩ nhất Đông Dương, cao 40m, rộng 100m, nước tuôn ào ạt xuống vách đá bảy tầng nhưng từ năm 2008 khi đập thủy điện Đại Ninh tích nước thì Pongour cạn khô, trở thành dòng thác chết.

Ông Tứ cũng quan ngại việc Trung Quốc dự kiến xây dựng 15 bậc thang thủy điện với tổng công suất lắp máy lên đến 22.860 MW, tổng dung tích chứa 52,81 tỉ m3 nước ngay nơi đầu nguồn trên dòng chính sông Mekong. “Sông Mekong phần lãnh thổ Trung Quốc sẽ được khai thác triệt để cho mục đích phát điện. Gần như toàn bộ phần sông Mekong ở Trung Quốc sẽ biến thành các vùng hồ. Sinh thái và cảnh quan sông hầu như sẽ không còn” - ông Tứ cảnh báo.

Ngoài Trung Quốc, cũng trên dòng chính sông Mekong, Lào và Thái Lan có dự án xây dựng khoảng 12 bậc thang để làm đập thủy điện. Những thủy điện trên dòng Mekong sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho việc phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây nguyên và vùng ĐBSCL. Theo nghiên cứu mới đây của Ủy ban Thế giới về đập, khoảng 80 triệu người trên lưu vực sông Mekong đã và sẽ phải di dời để dành đất cho các đập thủy điện.

TS Per Stalnacke - trưởng nhóm Những vấn đề xã hội của Bioforst (Viện Nghiên cứu nông nghiệp và môi trường Na Uy), sau một thời gian nghiên cứu dòng sông Sê San và Sêrêpok đã đi đến kết luận: khi các đập thủy điện được xây dựng, tài nguyên nước trên cả hai dòng sông này có sự thay đổi theo hướng tiêu cực rất lớn so với năm 1998.

“Nguồn thủy sản, chất lượng nước, khối lượng nước... đã giảm rất lớn so với trước. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân lưu vực hai dòng sông. Bệnh tật xuất hiện nhiều và việc người dân gặp rất nhiều khó khăn trong canh tác nông nghiệp cũng đã xảy ra” - TS Per Stalnacke nói.

GS Bert Covert, Trường ĐH Colorado (Mỹ), cho rằng việc xây dựng đập thủy điện trên đầu nguồn các dòng sông trong thời gian qua chưa tính đúng, tính đủ đến lợi ích của các bên. “Việc xây dựng các đập thủy điện, khai thác tài nguyên nước của các dòng sông phải tính toán đến yếu tố môi trường, phát triển kinh tế và hai lợi ích đấy phải được cân bằng”.

Làm sao lấy lại “sức khỏe” cho dòng sông?
Theo các nhà khoa học, những điều cần làm trước tiên như: nhanh chóng giảm và cho dừng một số thủy điện trên sông đầu nguồn; nâng cao nhận thức và đời sống cho người dân đầu nguồn; cần có ngay bộ khung pháp lý để quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên theo liên kết giữa các tỉnh thành, vùng trong nước và giữa quốc gia này với quốc gia khác...

Tổng lãnh sự Úc tại TP.HCM, ông Graeme Swift đặt câu hỏi: Làm thế nào để nâng mức sống, kế sinh nhai cho người dân địa phương nhằm hạn chế việc phá rừng của người dân? Trả lời vấn đề này, ông Phạm Hữu Khánh - điều phối viên dự án phát triển du lịch sinh thái vườn quốc gia Cát Tiên - nói: “Có một thực tế là hiện nay ở một số vùng, người dân không phá rừng thì không có tiền để tồn tại được. Do đó chúng ta cần quyết liệt triển khai các dự án để nâng cao đời sống cho người dân sống trong và gần các khu rừng”.

GS Bert Covert cho rằng cần xác định trách nhiệm của các bên liên quan để có thể đưa ra hướng chung nhằm bảo vệ tài nguyên rừng và sông đầu nguồn. Ông kiến nghị: “Chính phủ Việt Nam cần được tư vấn mạnh mẽ để ngăn chặn hoặc giảm thiểu việc xây dựng đập thủy điện, không chuyển rừng nghèo sang trồng cao su. Các tổ chức nhà nước cần hợp tác và quản lý tốt ngành thủy điện. Quản lý rừng và lưu vực cũng cần có sự liên kết giữa các tỉnh, các vùng và các quốc gia với nhau”.

ĐỨC TUYÊN
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Giải nhất cho giấc mơ từ cuộc sống



TT - Đoạn phim Giấc mơ có thật của ba sinh viên Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) đã vượt qua 500 bộ phim để đoạt giải nhất cho nhóm thông điệp xuất sắc nhất về biến đổi khí hậu, do Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam và báo Sinh Viên VN tổ chức ngày 26-5 tại Hà Nội.

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=500308
Ba chàng trai của bộ phim đoạt giải - Ảnh:  Đ.Cường



Bộ phim được dựng từ chiếc máy ảnh kỹ thuật số có chức năng quay phim cổ lỗ sĩ mượn từ bạn bè và dàn diễn viên do các bạn sinh viên tự đóng.

Những buổi đi học đạp xe từ quận Sơn Trà (Đà Nẵng) qua cầu sông Hàn, đập vào mắt Thái Bảo Long là cảnh tượng những người đi chợ vứt túi nilông bừa bãi. Long trầm ngâm: “Nếu ai cũng nghĩ điều đó đơn giản thì đây là hiểm họa rồi”. Vậy là chàng sinh viên ấp ủ đề tài. Long cùng Nguyễn Quang Thạnh và Nguyễn Đắc Nhân bắt tay vào làm đoạn phim ngắn không lời của mình (còn cuộc thi mãi sau này mới tổ chức).

Mượn chiếc máy ảnh đã hết “đát” của một bạn cùng lớp, cả ba chạy tới chạy lui năn nỉ bạn bè trong trường làm diễn viên quần chúng. Vai chính do Thạnh đảm nhận. Phim xoay quanh câu chuyện một nam sinh viên trên đường đi học bắt gặp quá nhiều hành vi hủy hoại môi trường, như vứt xác súc vật ra đường, xả rác bừa bãi, đổ nước thải sinh hoạt ra phố... Cậu sinh viên này muốn làm một việc gì đó để ngăn chặn những hành vi trên.

Và cậu mày mò để cho ra một tờ rơi màu xanh với hình hai bàn tay nâng đỡ Trái đất mang thông điệp “Hãy cứu Trái đất”. Cậu hạnh phúc mang những tờ rơi đi phát cho những người đi đường với hi vọng họ sẽ niềm nở tiếp nhận. Và quả thật họ niềm nở nhận những tờ rơi ấy nhưng ngay sau đó họ vò hoặc dùng để ngồi. Cuối cùng, cậu sinh viên phải đi dọn rác là những tờ rơi của chính mình. Buồn, trở về nhà, trong giấc mơ cậu sinh viên thấy vẫn còn những người quyết tâm bảo vệ môi trường như cậu. Rồi cậu tỉnh dậy, lao ra khỏi nhà, chạy đến thùng rác nơi những tờ rơi đã bị vứt bỏ và thấy nhóm bạn trẻ đang hào hứng đọc và hưởng ứng theo. “Giấc mơ có thật”! Câu chuyện có lẽ không quá mới mẻ, nhưng cảnh quay đẹp và tạo hình nhân vật rất điển hình khiến ban giám khảo đánh giá rất cao về bộ phim này.

Giấc mơ có thật dài 4,56 phút. Nhân, với vai trò “cố vấn đạo diễn”, tâm sự: “Kịch bản, diễn xuất tụi mình không viết ra giấy mà diễn tới đâu quay tới đó. Khi nào thấy ưng ý mới thôi, như vậy không bị ngắt mạch cảm xúc”. Vì lẽ đó mà ba sinh viên này bỏ ra bảy ngày ròng rã với hàng trăm cảnh quay để lọc lấy 4,56 phút đắt giá nhất. Long chia sẻ: “Chúng em làm phim không chỉ để thi mà hi vọng mọi người sẽ cùng chung tay bảo vệ môi trường. Lúc đó không chỉ là giấc mơ nữa mà đã thành sự thật rồi”.

Cuộc thi sáng tác phim ngắn về biến đổi khí hậu do Liên minh châu Âu tại Việt Nam, báo Sinh Viên VN tổ chức dành cho tất cả sinh viên ĐH, CĐ trên toàn quốc. Có 500 tác phẩm tham gia cuộc thi này.

ĐOÀN CƯỜNG
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Lợi ích nhóm đã gây khó cho việc bảo vệ nguồn nước



SGTT.VN - Sông Đồng Nai nhiễm mặn, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long cạn kiệt nước ngầm và suy giảm nước mặt, miền Trung khô hạn, sông suối miền Bắc trơ đáy… Chưa bao giờ tài nguyên nước tại Việt Nam lại lâm vào cảnh khốn khó như hiện nay. Sài Gòn Tiếp Thị đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Ngọc Anh, viện trưởng viện Quy hoạch thuỷ lợi miền Nam để tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này.

Ông Nguyễn Ngọc Anh cho rằng, hiện nay tài nguyên nước tại Việt Nam đang lâm vào tình trạng ô nhiễm, giảm nhanh về chất lượng lẫn số lượng. Nguồn nước, bao gồm tầng nước mặt và nước ngầm hiện đang quá tải trước nhu cầu sử dụng ngày càng nhiều phục vụ cho sản xuất và đời sống của người dân.

Ông nhận xét gì từ việc sông Đồng Nai bị nhiễm mặn ngày càng trầm trọng?

Chất lượng nước sông không chỉ có Đồng Nai, mà trong cả nước, thời gian gần đây cho thấy tình trạng thiếu nước ngày càng tăng và nước dùng cho thuỷ điện còn không đủ, thì nước tưới cho nông nghiệp, nước sinh hoạt đô thị lấy đâu ra. Ô nhiễm là thứ có thể thấy rõ nhất ở đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long. Các sông ngòi của Việt Nam đa phần là hạ lưu của các sông thuộc quốc gia khác, nên ở phía thượng nguồn, các nước chặn dòng, thì ta thiếu nước là điều khó tránh. Sông Đồng Nai cũng không nằm ngoài quy luật vận động dòng chảy khi không đạt được lượng nước trung bình, nhất là vào mùa khô.

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=135078
Tài nguyên nước sông Đồng Nai đang bị giảm nhanh về số lượng lẫn chất lượng. Ảnh: Trần Việt Đức




Theo ông, vai trò điều tiết của các thuỷ điện ở đâu?

Cần nhấn mạnh hồ thuỷ điện phải là hồ sử dụng nguồn nước đa mục tiêu. Ngoài phát điện, phải cấp nước cho hạ lưu theo thiết kế. Hồ thuỷ điện ở nước ta nói chung, hiện nay mới chỉ ưu tiên cho điện. Những năm khô hạn, sản lượng điện cũng giảm, họ tích nước để phát điện, thì cấp nước cho dân sinh ở hạ lưu sẽ khó khăn. Ví dụ, vùng hạ lưu sông Đồng Nai bị ảnh hưởng thuỷ triều nhập mặn, việc xả mặn từ đầu nguồn không tốt, thì nhiễm mặn có thể cao hơn nữa. Ngành cấp nước và thuỷ điện cần phải phối hợp với nhau và thuỷ điện phải xem lại cách vận hành liên hồ để tránh cho hạ nguồn khát nước khi mùa khô và gặp lũ vào mùa mưa. Thuỷ điện thuộc hệ thống điện quốc gia thì tập đoàn Điện lực Việt Nam phải đóng vai trò quyết định, bởi yếu tố lợi nhuận kinh doanh không thể đặt trên yếu tố dân sinh.

Trách nhiệm của ngành thuỷ lợi trong việc này ra sao, thưa ông?

Chúng tôi đã làm việc với các nhà máy thuỷ điện, nhưng việc hợp tác có mức độ, chứ không mang tính pháp lệnh nhà nước với họ được. Việc vận hành liên hồ là cần thiết, nhưng do có nhiều hồ với nhiều đơn vị quản lý, khiến việc quản lý khó khăn. Viện Quy hoạch thuỷ lợi miền Nam được bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn giao thực hiện đề tài quản lý vận hành hệ thống hồ chứa thượng lưu để chống ngập, chống mặn cho TP.HCM. Chúng tôi đang làm và xong sẽ chờ Chính phủ xem xét, kế hoạch vận hành liên hồ không chỉ xả lũ mà còn tưới tiêu.

Vấn đề nào ông thấy sẽ gây khó khăn nhất cho việc này?

Các nhóm lợi ích! Nguồn nước thì có hạn, nhưng nhu cầu lại vô hạn. Lợi ích của những nhóm đối tượng ở thượng lưu cũng khác nhóm đối tượng ở hạ lưu và xung đột thường xuyên. Ví dụ, Uỷ ban sông Đồng Nai ra đời chỉ mới tập trung ở vấn đề môi trường, còn chưa thực hiện được cân bằng, phân bổ tài nguyên nước. Có những vấn đề liên tỉnh chưa thống nhất được như xử lý kênh Ba Bò còn nhiều khó khăn kéo dài do TP.HCM và Bình Dương chưa tìm được tiếng nói chung, tỉnh Long An cũng phản ứng TP.HCM vì gây ô nhiễm.

Hiện nay ông trăn trở nhất điều gì?

Qua đánh giá cân bằng nước nhiều năm, chúng tôi chưa bao giờ dám nói Việt Nam thừa nước ngọt. Những năm tới còn mất cân bằng và khắc nghiệt hơn do biến đổi khí hậu. Tầng nước ngầm có quan hệ chặt chẽ với tầng nước mặt, nhiều năm liền, nước mặt hạn hán, thiếu nguồn bổ sung, thì nó sẽ bị suy giảm. Thêm vào đó, nhiều nơi khai thác nước ngầm quá sức như: ven biển Bạc Liêu lấy nước ngầm nuôi thuỷ sản; Bà Rịa – Vũng Tàu khai thác quá mức khiến nước ngầm tụt sâu; Tây Nguyên hạn hán cũng khiến nước ngầm xuống thấp. Do nhiều nguyên nhân, thuỷ lợi nước ta đạt hiệu quả không như momg muốn, mà ở đó, khâu khảo sát thiết kế, thi công, vận hành còn nhiều vấn đề như bao công trình khác. Hiện nay công trình thuỷ lợi mới đạt khoảng 70 – 75% năng lực thiết kế và chưa đáp ứng được nhu cầu thiết yếu như đã nói ở trên.

Mai Quốc Ấn
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Một tín hiệu vui trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu tại Việt Nam...

Lá chắn xanh ở Vàm Rầy



TT - Mô hình thí điểm trồng rừng ngập mặn nhằm phục hồi bờ biển bị xói mòn tại ấp Vàm Rầy, xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất (tỉnh Kiên Giang) vừa hoàn thành giai đoạn 1. Những kết quả khả quan ban đầu đang tiếp thêm sức cho người dân địa phương tại một trong những huyện nghèo nhất và bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi tình trạng lở đê, xâm nhập mặn - có hi vọng về khả năng thích nghi và ứng phó với biến đổi khí hậu - bài toán nan giải cho Việt Nam hiện nay.

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=501320
Anh Nguyễn Tấn Phong tại khu vực rừng ngập mặn đã được phục hồi, tái sinh sau ba năm áp dụng mô hình thử nghiệm dựng hàng rào làm từ cây tràm, mành tre giúp ngăn sóng và giữ bùn ở Vàm Rầy - Ảnh: Khổng Loan



Đẩy lùi nước biển
Bà Lâm Thị Nga, 46 tuổi, đã sống ở Vàm Rầy 25 năm. Năm 2006 vỡ đê, nước biển xâm nhập, vườn táo, hồ nuôi cá chẽm, tôm của bà chết cả. Bà kể: “Hồi đó, từ tháng 7 đến tháng 10 nước mặn tràn vào thường xuyên, mỗi tháng hai lần“. Nhưng nay thì trước căn nhà nho nhỏ của bà là một con đê mới chắn nước biển, bên ngoài đê còn có một “lá chắn xanh” đầy sức mạnh bảo vệ con đê: khu vực rừng ngập mặn được trồng mới và tái sinh tự nhiên với phương pháp dùng hàng rào chắn sóng và giữ bùn.

“Từ khi có đê và có rừng ngập mặn ngoài đê, nước không vào đất liền. Có cây con giúp phù sa bám trụ, đất không lở nữa. Tôi đã trồng mía được dù thời tiết không còn điều hòa, mát mẻ như ngày xưa. Năm 2010, tôi cũng bán được khoảng 70 tấn mía trên diện tích 1ha, thu về khoảng 71 triệu đồng - Người phụ nữ có dáng người dong dỏng, làn da đen sạm vì nắng gió mỉm cười chia sẻ - Tôi thấy tốt đó. Rừng giúp trồng cây được vì đê không vỡ”. Thời gian đầu tiên của dự án bắt đầu trồng cây năm 2008, bà thấy “mong manh quá, tưởng trồng không được, làm không xong”. Năm nay, bà đã bắt đầu nuôi ba ao cá có diện tích 5x72m/ao, với nguồn vốn vay bên hội phụ nữ mà không còn sợ sóng biển tràn vào cuốn đi tất cả.

Bà Nga là một trong 14 hộ dân ở ngay bờ biển Tây của Kiên Giang - một tỉnh ven biển thuộc ĐBSCL - đang tham gia mô hình chống xói lở bờ biển bằng phương pháp phục hồi rừng ngập mặn, sử dụng hàng rào chắn sóng và giữ bùn. Đây là một phần trong chương trình dự án có sự hỗ trợ của chính phủ Đức và Úc về kỹ thuật, giúp tìm ra giải pháp cho người dân địa phương thích nghi với biến đổi khí hậu, đang đe dọa cuộc sống của người dân ĐBSCL nói riêng và Việt Nam nói chung.

Với 205km bờ biển, Kiên Giang là tỉnh có bờ biển dài nhất khu vực ĐBSCL, và cũng đang đối mặt với những nguy cơ lớn do tình trạng lở đê, dẫn tới xâm nhập mặn. Những con đê cứ được xây lên lại bị sóng lôi ra biển, chi phí xây những con đê ximăng hay bêtông vừa quá đắt với khả năng hiện tại của địa phương, vừa không còn là giải pháp duy nhất được quốc tế khuyến cáo do nghi ngờ tính bền vững và thân thiện với môi trường của nó về lâu dài.

Học từ nông dân
Điều đặc biệt ở mô hình Vàm Rầy chính là tính địa phương của nó. Các giải pháp chống biến đổi khí hậu “nhập khẩu” đều đắt, và có thể không phù hợp với địa hình, địa thế, nền tảng văn hóa đặc trưng của ĐBSCL.

Anh Nguyễn Tấn Phong, cán bộ kỹ thuật của dự án, chịu trách nhiệm triển khai mô hình, cho biết trước đây địa phương đã thử nghiệm nhiều mô hình bảo vệ đê, chống xói lở. “Nhưng chi phí làm đê bằng bêtông có thể lên tới 30 tỉ đồng/km, mà rồi vẫn bị vỡ hằng năm nếu không có rừng bảo vệ - Anh nói - Ba yêu cầu đặt ra cho mô hình mới mà đến nay đều đáp ứng được. Đó là sử dụng nguyên liệu địa phương, sử dụng kiến thức của địa phương, có thể áp dụng ở địa phương và nhân rộng mô hình ra nhiều nơi khác, tức chi phí phải rẻ”.

“Tôi vẫn gọi các bác nông dân là các nhà khoa học chân đất, vì họ mới có kiến thức thực tế tốt hơn cả. Các nhà khoa học như chúng tôi chỉ làm động tác hệ thống hóa các kiến thức chuyên môn thực tế của người nông dân”. Nhóm của anh Phong đã làm việc với những người dân địa phương, thấy cây tràm - vốn có rất nhiều ở địa phương với nhiều tác dụng khác nhau về mặt sinh thái học - có thể dùng đóng cọc, gắn kèm với các mành tre và lưới đánh cá giúp giảm sóng, giữ bùn.

Rừng ngập mặn được xem như một nhà máy lọc sinh học, hấp thụ và lưu trữ rất hiệu quả lượng khí cacbon do các hoạt động của con người thải ra, song song với đó lại sinh ra khí oxy giúp bầu không khí trong lành. Hiện khu vực thí nghiệm của dự án ở Vàm Rầy có diện tích 3,36ha, trên chiều dài con đê là 1,5km.

Khả năng chuyển giao
Là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu, Việt Nam đang cố gắng tìm kiếm các mô hình giúp ứng phó, và chuyện ở Vàm Rầy đang được xem là một cách làm đáng suy nghĩ để nhân rộng.

Tiến sĩ Sharon Brown, thuộc ĐH Queensland (Úc), cố vấn trưởng về kỹ thuật cho mô hình, đã ở Kiên Giang ba năm qua, cho biết bà tin tưởng mô hình ở Vàm Rầy có tính ứng dụng cao. “Chúng tôi đang chuẩn bị mở rộng nó sang các khu vực khác ở Việt Nam và các nước thuộc khu vực như Lào, Campuchia, Thái Lan và Indonesia - những nước gặp vấn đề tương tự như ở ĐBSCL. Tất nhiên phải nghiên cứu kỹ trước khi áp dụng cho từng vùng” - tiến sĩ Sharon nói.

KHỔNG LOAN
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Khi công bố đồng nghĩa với tận diệt



SGTT.VN - Việc một số loài sinh vật mới được khám phá ở Việt Nam trong vài năm trở lại đây, cho thấy sự phát triển vượt bậc trong lĩnh vực khoa học điều tra cơ bản của chúng ta. Tuy nhiên, sự thực là có những loài quý hiếm bị con người tận diệt kiếm lời ngay sau khi công bố, đã tạo nên mảng màu tối trong bức tranh bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam.

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=132520
Lan hài cảnh.



Lan hài cảnh: thà rằng không biết thì thôi...
Rất ít quốc gia có nhiều loài lan hài được phát hiện và công bố như nước ta: hơn 20 loài. Mới đây, sau những nỗ lực tưởng chừng vô vọng, vào tháng 5.2010, các nhà khoa học Việt Nam và Liên bang Nga đã phát hiện và công bố loài lan hài Paphiopedilum canhii – được mang tên nhà sưu tầm hoa lan Chu Xuân Cảnh – gọi là lan hài cảnh. Đây là loài lan hài nhỏ nhất trong các giống lan hài tìm thấy ở Việt Nam. Khám phá này là niềm hân hoan chung của những người trồng lan trên khắp thế giới. Nhưng, cùng với đó cũng xuất hiện nguy cơ đe doạ sự tồn vong của loài lan tuyệt đẹp này.

Lan hài cảnh có vùng phân bố rất hẹp ở những ngọn núi cao phía Bắc Việt Nam. Khi công bố loài lan này, các nhà khoa học cố tình không ghi rõ địa điểm, toạ độ vùng phân bố để tránh cho lan hài cảnh phải đối mặt với mối nguy tận diệt. Nhưng trên nhiều diễn đàn và một số trang web buôn bán hoa lan, lan hài cảnh được chào bán với giá 300 – 500 USD. Thế là một cuộc tìm kiếm và tận diệt bắt đầu. Mới đây, chúng tôi và Chu Xuân Cảnh có dịp quay lại nơi anh phát hiện loài lan này. Sự thật đau lòng là toàn bộ những cây lan phân bố ở đây đang bị người dân săn lùng và khai thác đến gần như tuyệt diệt, để bán cho các nhà sưu tầm lan quốc tế!


http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=132521
Thạch tùng răng cưa.




Thạch tùng răng cưa: giấu mới còn
Sau khi nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc về một dược chất quý có trong cây thạch tùng răng cưa được công bố, các nhà khoa học châu Âu cũng kết luận chất này có tác dụng chữa trị các bệnh về trí nhớ, đặc biệt đối với bệnh Alzheimer của người già. Ở Việt Nam, thạch tùng chỉ mới phát hiện được ở Sa Pa (Lào Cai). Hiện nay, giá 1kg thạch tùng răng cưa tươi bán cho lái buôn cây thuốc Trung Quốc là 300 USD. Chính vì vậy, trong lần khảo sát mới đây vào năm 2010, tại Sa Pa, sau hai ngày miệt mài tìm kiếm chúng tôi chỉ thu được đúng ba mẫu cây non rất nhỏ: loài cây trước đây thấy rất nhiều ở Sa Pa này, nay gần như bị xoá sổ.

Mới đây loài này được tìm thấy ở một tỉnh cao nguyên miền Trung, nhưng nếu không muốn chúng tuyệt chủng thì có lẽ không nên công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng!


http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=132533
Cá rồng




Cá rồng: vô giá nên sắp vô tăm tích
Cá rồng hay còn gọi là cá mơn, tên khoa học là Scleropages formosus, có thể dài đến 90cm và nặng gần 8kg. Đây là loài cá rất hiếm, có thể được coi như tuyệt chủng và ở Việt Nam, chúng phân bố rất hẹp ở sông La Ngà – Trị An...

Hiện nay, tại TP.HCM, theo những người nuôi cá kiểng thì loài cá được gọi với cái tên hết sức mỹ miều là kim long này, có giá cho một cặp 1kg trở lên không dưới 10 triệu đồng; còn đối với loài hắc long và hồng long được nhập khẩu từ Indonesia giá tới hàng chục ngàn USD! Mới đây, năm 2010, loài cá này đã được phát hiện ở Đồng Nai và những người chơi cá cảnh sẵn sàng bỏ ra số tiền ngang với giá một chiếc xe máy đắt tiền để được sở hữu một cặp cá rồng. Nhưng về mặt khoa học, sự tồn tại và phát triển của chúng trong tự nhiên mới là vô giá.

* * *



Trước đây, đa dạng sinh học tương đối ổn định nhờ sự cân bằng giữa sự tiến hoá hình thành loài mới và sự tuyệt diệt loài cũ. Tuy vậy, con người đã làm tốc độ tuyệt chủng vượt xa nhiều lần tốc độ hình thành loài!

bài và ảnh: Phùng Mỹ Trung



Quy tắc công bố một loài động vật mới theo luật quốc tế về Danh pháp động vật (ICZN 1999: International Code of Zoological Nomenclature):

1. Xác định mẫu chuẩn: số mẫu chuẩn có thể là một hoặc nhiều. Mẫu chuẩn phải có đầy đủ thông tin kèm theo như địa điểm, thời gian thu thập, người thu thập và nơi lưu giữ.

2. Loài mới chỉ được công nhận khi mô tả của nó chỉ rõ sự khác biệt về mặt hình thái với các loài khác trong cùng giống.

3. Việc đặt tên loài phải theo đúng các quy định ghi trong luật quốc tế về Danh pháp động vật, nếu không tên, loài mới sẽ phải điều chỉnh hoặc bị coi là không có hiệu lực... Tên loài thường có nguồn gốc từ các từ Latinh hoặc Hy Lạp, có thể dựa vào đặc điểm hình thái đặc trưng, địa điểm thu mẫu, tên người, hoặc một từ bất kỳ đã được Latinh hoá hoặc chuyển thành dạng tính ngữ.

4. Công trình công bố có thể viết bằng các ngôn ngữ khác nhau nhưng phải được xuất bản trên các tạp chí chuyên ngành hoặc ấn phẩm khoa học. Mô tả loài mới đăng tải trên các dạng ấn phẩm như báo in, báo điện tử thông thường, luận văn, bản tin... không được coi là công bố chính thức.

5. Ngay khi công trình được xuất bản thì tên loài chính thức được công nhận. Tuy nhiên, việc tên loài đó có hiệu lực hay không sẽ được các nhà chuyên môn đánh giá.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Việt Nam trong vòng xoáy của an ninh môi trường



SGTT.VN - “Thế giới đã đi những bước hiệu quả hơn trong cuộc chiến tranh sử dụng vũ khí sinh thái thay cho những loại vũ khí nóng, trong khi Việt Nam còn chưa để tâm đến. Cuốn sách của tôi và tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh sẽ giúp mọi người thấy được chúng ta đang nằm trong vòng xoáy của cái gọi là vi phạm và đảm bảo an ninh môi trường. Lý giải những cái Việt Nam đã và đang thua nhưng không biết mình thua tại sao trong lĩnh vực môi trường”.

Đây là chia sẻ của TS Nguyễn Đình Hoè (trưởng ban phản biện xã hội – hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam) với Sài Gòn Tiếp Thị. Ông Hòe vừa được bộ Tài nguyên và môi trường trao giải thưởng Môi trường Việt Nam 2011 bởi những đóng góp của ông, trong đó có cuốn sách Đảm bảo an ninh môi trường cho phát triển bền vững.

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=147265
TS Nguyễn Đình Hoè



Ông có thể lý giải rõ hơn về cái “chúng ta thua nhưng không biết mình thua tại sao”?

Ví như ốc bươu vàng, chúng ta chủ động nhập về rồi thành đại hoạ, không hề biết đây là âm mưu của doanh nghiệp nước ngoài sau khi họ nhập về, chuyển giao kỹ thuật, ốc được thả ra rồi thì họ không thu mua nữa. Chưa kể tới rùa tai đỏ, cây mai dương, tôm thẻ chân trắng… nếu dư luận không phát hiện thì chúng ta không biết tại sao nó vào được. Hay cây trồng biến đổi gien, dù Nhà nước chưa cho phép nhập, nhưng thực tế nó đã rất phát triển rồi, các giống bông, đỗ tương, lúa biến đổi gien đã được trồng, chúng ta ăn mà chưa biết mức độ nguy hiểm như thế nào.

Đấy là chúng ta thua mà không biết mình thua tại sao. Những chia sẻ của tôi nhằm cảnh báo, để chúng ta chống lại những việc sử dụng môi trường như một loại vũ khí. Bởi điều này rất quan trong, mất an ninh môi trường (ANMT) có thể mất nước là chuyện thường, một nước ở châu Phi từng sụp đổ chỉ vì rác.

Theo đánh giá của ông, lĩnh vực nào đang “đe doạ” ANMT Việt Nam nhất?

An ninh nguồn nước là quan tâm hàng đầu của Việt Nam hiện nay. Vì tổng lượng nước của Việt Nam chỉ có khoảng 850 tỉ m3, sinh thuỷ tại chỗ chỉ có 350 – 400 tỉ (30%) còn lại là quá cảnh từ Trung Quốc và các nước khác. Phụ thuộc vào nguồn nước từ bên ngoài, chúng ta không thể tự nhiên hoạch định phát triển như thế nào cũng được.

Hiện nay, ta đang dùng nước một phần và làm bẩn 10 phần, tất cả sông hồ đều có vấn đề. TP.HCM đã và đang phải đối diện với việc không biết lấy nước ở đâu cho mười mấy triệu dân và công nghiệp hoá. Hay, phát triển dày đặc thuỷ điện trên sông Đồng Nai, nếu không có chiến lược đúng đắn thì đến hồ Trị An, hồ Dầu Tiếng cũng không còn nước. Khủng hoảng thậm tệ do thiếu nước sẽ không tránh khỏi, và có thể dẫn đến tình trạng các tỉnh giành giật lẫn nhau tài nguyên này.

Nhìn từ bên ngoài lãnh thổ, có điều gì đang đe doạ ANMT của chúng ta?

Về vấn đề này, chúng ta có hai câu chuyện: thứ nhất là không thiếu doanh nghiệp nước ngoài họ đầu tư, đưa công nghệ máy móc vào ta, rồi mua nguyên liệu sản xuất từ ta, thải ra chất thải sau đó lại bán sản phẩm sang nước thứ ba lấy tiền. Còn nước họ biến thành công viên. Tuy nhiên, ngoài chất thải họ thải ra thì còn có nhiều doanh nghiệp họ chỉ hợp đồng đầu tư một đến hai năm, nhập dây chuyền công nghệ lạc hậu, sau đó họ bỏ lại máy móc hỏng hóc, nhà xưởng cũ… ra đi để phế thải và rác cho ta.

Thứ hai là dịch chuyển ô nhiễm biên giới. Ví dụ chúng ta nhập phế liệu trong đó có trộn lẫn rác thải độc hại. Hiện nay, các cảng Việt Nam có hàng ngàn container phế liệu lẫn chất thải độc hại, nhưng không có đơn vị nào nhận và vẫn nằm đắp chiếu với hàng triệu USD lưu kho không thanh toán. Chưa kể tới việc xả thải qua khí quyển, qua đại dương và theo các dòng sông xuyên biên giới.

Ông có thể chia sẻ những điều mà mình thấy chưa hợp lý trong cách mà chúng ta đang bảo vệ ANMT hiện nay?

Điều bất hợp lý nhất của luật Bảo vệ môi trường 2005 là phân quyền thẩm định đánh giá tác động môi trường cho địa phương và các ngành. Ví dụ bộ Công thương là người đầu tư thuỷ điện lại là người thẩm định đánh giá tác động môi trường thuỷ điện, bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đầu tư cho việc chuyển đổi rừng tự nhiên sang rừng sản xuất nhưng lại là người thẩm định các dự án này. Không bao giờ anh đầu tư lại không thẩm định báo cáo của chính anh ấy cả. Bên cạnh đó, chỉ có các dự án liên tỉnh, liên vùng và do Chính phủ đầu tư thì Thủ tướng thẩm định (giao cho bộ Tài nguyên và môi trường), còn trong tỉnh trong ngành thì do tỉnh hay ngành phê duyệt và thẩm định. Như vậy thì rõ “cơm chấm cơm”.

Điều này sẽ là khe hở cho những lợi ích nhóm phát triển. Đặt trên bình diện ANMT sẽ làm giảm và mất lòng tin của người dân với cơ quan nhà nước, tiêu diệt thành quả tăng trưởng bởi ô nhiễm hay sự cố môi trường tạo ra.

Ông có đề xuất gì?

Tôi cho rằng, không nên tỉnh nào biết tỉnh đấy như hiện nay, không biết chia sẻ quyền lợi, anh nào cứ có giấy phép trước là xài thì không nên. Ngoài ra, tôi đề xuất nên thành lập tổ chức nghiên cứu về ANMT, có thể viện hoặc trung tâm như hàng chục nước khác họ đã làm. Nếu quan tâm đến môi trường thì phải có chiến lược phát triển bền vững. Khi đó, không một dự án hay lợi ích nhóm nào có thể lách được.

Thanh Tuyền thực hiện phỏng vấn

(*) Cuốn "Đảm bảo An ninh môi trường và phát triển bền vững" do TS Nguyễn Đình Hoè và TS Nguyễn Ngọc Sinh thực hiện. Sách được bắt đầu viết từ năm 1997, sau nhiều lần khảo nghiệm và nâng cấp đã được nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuật xuất bản năm 2010.


Theo báo cáo môi trường quốc gia 2010 (công bố tháng 6.2011), tốc độ suy thoái môi trường ở nước ta tiếp tục gia tăng, khoảng 70% trong số hơn 1 triệu m3 nước thải/ngày từ các khu công nghiệp xả thẳng ra các nguồn tiếp nhận không qua xử lý. Việt Nam bị xếp vào nhóm 15 nước hàng đầu thế giới về suy giảm số loài thú, nhóm 20 nước hàng đầu về suy giảm số loài chim. Ngân hàng Thế giới đánh giá, chúng ta có thể phải chịu tổn thất do ô nhiễm môi trường lên tới 5,5% GDP mỗi năm.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Nhà máy xử lý rác xin nhập... phế liệu



TT - Trong khi mỗi ngày TP.HCM chuyển vào khu xử lý rác Đa Phước - do Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn VN (VWS) làm chủ đầu tư tại huyện Bình Chánh - một khối lượng rác ít nhất là 3.000 tấn, thì bất ngờ chủ đầu tư này đề nghị cho nhập 10.000 tấn phế liệu từ Mỹ để chạy thử một dây chuyền xử lý phân loại rác ở đây.

http://images1.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=509863
Khu chôn lấp rác rộng 128ha tại khu xử lý rác Đa Phước, Bình Chánh, TP.HCM - Ảnh: Châu Anh



Lý do nhập phế liệu từ Mỹ được VWS đưa ra là do TP.HCM chưa giao được rác đáp ứng yêu cầu để xử lý (chưa giao rác phế liệu đã phân loại tại nguồn, gồm những loại rác có thể tái chế được tách lựa từ rác “thập cẩm”), cụ thể là để chạy nhà máy phân loại tái chế rác. Hay nói cách khác, yêu cầu của VWS là phải giao hai loại rác gồm một loại rác hữu cơ (các loại rau cải, cây cỏ...) để làm phân và một loại rác vô cơ (bao nilông, giấy, vỏ lon...) để tiếp tục đưa vào nhà máy phân loại, lọc lựa ra thành từng loại riêng biệt để có thể tái chế thành các sản phẩm tương ứng.

Chê rác Việt, nhập rác Mỹ
Nhận được đề nghị nhập phế liệu của VWS, Sở Tài nguyên - môi trường TP có văn bản báo cáo xin ý kiến UBND TP. Theo đó, công ty đề nghị nhập khẩu 10.000 tấn phế liệu từ Mỹ để chạy thử nhà máy phân loại rác, công suất 500 tấn/ngày trong khu xử lý rác Đa Phước. Theo giải trình của công ty, phế liệu đề nghị được nhập khẩu bao gồm giấy loại, cactông loại, bao bì nhựa chưa được băm cắt, một số mẫu hàng chưa được phân loại riêng theo từng nhóm riêng biệt...

Giải quyết báo cáo và đề xuất nhập khẩu phế liệu nói trên, lãnh đạo UBND TP đặt ngay dấu hỏi “vì sao không sử dụng loại chất thải trong nước?”, đồng thời yêu cầu làm rõ thẩm quyền giải quyết có phải xin ý kiến của Bộ Tài nguyên - môi trường hay không, làm rõ tổng khối lượng cần nhập...

Sở Tài nguyên - môi trường TP cho biết theo quy định hiện hành, bao bì nhựa đựng các loại nước giải khát khác không phải là nước khoáng, nước tinh khiết và các mẩu vụn bằng nhựa phải được băm, cắt với kích thước mỗi chiều không quá 5cm và phế liệu phải được phân loại theo từng nhóm riêng biệt mới được nhập khẩu.

Tuy nhiên, báo cáo với UBND TP, Sở Tài nguyên - môi trường TP nói do mục đích nhập khẩu phế liệu của VWS là để chạy thử nhà máy phân loại rác nên công ty đề nghị được nhập khẩu phế liệu chưa được phân loại theo từng nhóm riêng biệt, một số loại phế liệu bao bì nhựa chưa được băm cắt. Sở cũng báo cáo mục đích nhập khẩu của VWS có tính tạm thời với số lượng nhất định, không phải nhập khẩu thường xuyên để làm nguyên liệu sản xuất.

Với cách lý giải đó, Sở Tài nguyên - môi trường TP đã đề nghị UBND TP xem xét cho phép VWS nhập khẩu 10.000 tấn phế liệu như nói trên để chạy thử nhà máy.

Chưa phân loại không được phép nhập khẩu
Trao đổi với Tuổi Trẻ, Cục Hải quan TP.HCM cho biết danh mục phế liệu được phép nhập khẩu đã được Bộ Tài nguyên - môi trường mô tả chi tiết theo từng nhóm phế liệu. Do đó những trường hợp nhập khẩu phế liệu không đúng với mô tả chi tiết của Bộ Tài nguyên - môi trường đều bị hải quan và cơ quan quản lý nhà nước lập biên bản, ra quyết định xử lý theo quy định.

Cục Hải quan TP.HCM khẳng định phế liệu hỗn hợp chưa được phân loại làm sạch thì không được phép nhập khẩu vì cơ quan chức năng không cấp phép nhập khẩu cho loại phế liệu này. Hay nói cách khác “phế liệu hỗn hợp chưa phân loại không được phép nhập khẩu”.

Trong khi đó, khi được Sở Tài nguyên - môi trường hỏi về việc nhập khẩu phế liệu của VWS, Cục Quản lý chất thải và cải thiện môi trường (Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên - môi trường) cũng lưu ý “chất thải không được phép nhập khẩu vào VN dưới mọi hình thức”. Đồng thời khẳng định phế liệu nhập khẩu về VN phải đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định tại khoản 2 điều 43 Luật bảo vệ môi trường năm 2005; thuộc danh mục phế liệu được phép nhập khẩu; đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, điều kiện kinh doanh nhập khẩu phế liệu.

Theo Cục Quản lý chất thải và cải thiện môi trường, đối với phế liệu giấy, nhựa ngoài các quy định vừa nêu còn phải tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với phế liệu giấy, nhựa nhập khẩu.

Cục nhấn mạnh theo quy định hiện hành, Bộ Tài nguyên - môi trường không có thẩm quyền cấp phép nhập khẩu cho các loại phế liệu nằm ngoài danh mục phế liệu được phép nhập khẩu do bộ ban hành (mỗi loại phế liệu được phép nhập khẩu được ấn định một mã số riêng và kèm theo là mô tả chi tiết loại phế liệu đó). Đáng lưu ý, theo quy định của Luật bảo vệ môi trường, một trong những điều kiện bắt buộc là phế liệu đã được phân loại, làm sạch... mới được phép nhập khẩu.

Tuy trước đó có văn bản đề nghị UBND TP xem xét cho VWS nhập phế liệu hỗn hợp chưa được phân loại riêng, nhưng khi trao đổi với Tuổi Trẻ liên quan vấn đề này, lãnh đạo Sở Tài nguyên - môi trường TP nói đã yêu cầu VWS khi nhập phế liệu để chạy thử nhà máy phân loại rác đặt tại khu xử lý rác Đa Phước phải đảm bảo các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện kinh doanh nhập khẩu phế liệu và loại phế liệu nhập khẩu phải nằm trong danh mục cho phép.

Lãnh đạo Sở Tài nguyên - môi trường TP cho biết UBND TP đã chấp thuận đề xuất của sở cho phép VWS nhập khẩu 10.000 tấn phế liệu nhựa và giấy để chạy thử nhà máy phân loại rác tại khu xử lý rác Đa Phước. Tuy nhiên, UBND TP yêu cầu chỉ được nhập khẩu phế liệu khi đảm bảo thực hiện đúng ý kiến của Cục Quản lý chất thải và cải thiện môi trường. Hay nói cách khác, phế liệu nhập khẩu phải là phế liệu đã được phân loại, làm sạch; ngoài ra không lẫn vật liệu cấm nhập khẩu, không chứa chất thải, các chất nguy hại...

Như vậy, câu hỏi đặt ra là nếu nhập khẩu phế liệu đã được phân loại, được làm sạch... đúng như quy định thì việc đưa vào nhà máy phân loại còn ý nghĩa gì? (nếu cần rác chưa phân loại thì trong nước đâu có thiếu). Và với mục đích đầu tư của dự án là để xử lý rác cho TP.HCM thì việc nhập khẩu hàng chục nghìn tấn phế liệu như thế liệu có khó hiểu?

QUỐC THANH
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Sống được nhờ “lá chắn sinh học”



TT - Người dân ở cồn Long Hòa đã tìm cho mình một biện pháp hữu hiệu để “sống chung” với biến đổi khí hậu: trồng rừng bên ngoài, còn bên trong trồng lúa, nuôi tôm, cua.

http://images1.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=509840
Ông Trần Văn Quỳ dành thời gian rảnh rỗi đi bắt cua biển giống trong rừng. Mỗi ngày ông kiếm thêm được 100.000 đồng từ công việc này - Ảnh: T.Tú



Đã có hơn 40% hộ nghèo ở đây trả sổ hộ nghèo và làm giàu với mô hình này.

“Viên ngọc xanh” trước biển
Từ biển Đông nhìn vào, cồn Long Hòa (thuộc xã Long Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) tựa như viên ngọc xanh nổi lên giữa mênh mông trời nước với cánh rừng xanh bạt ngàn chạy dài tít tắp. “Viên ngọc” này đã chia đôi dòng sông Tiền thành hai nhánh trước khi hòa mình ra biển Đông, một bên là cửa Cổ Chiên, còn một bên là cửa Cung Hầu.

Các nhà khoa học đánh giá cồn Long Hòa là vùng sinh thái vừa có nước mặn vừa có nước ngọt điển hình của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Với đặc điểm này, sông và biển sẽ thay nhau (tùy theo mùa) cung cấp nhiều nguồn lợi thủy sản nước mặn, nước ngọt rất phong phú.

Ông Phạm Văn Mười, phó chủ tịch UBND xã Long Hòa, cho biết những năm trước đây, con người đã khai thác, tận diệt các nguồn lợi của thiên nhiên ban tặng gây nên tình trạng sạt lở, môi trường sinh thái bị tàn phá nghiêm trọng. “Viên ngọc xanh” Long Hòa đứng trước nguy cơ bị xóa sổ.

Hôm chúng tôi đến khu rừng này thì gặp ông Lê Văn Gọng (60 tuổi, nông dân ở ấp Hai Thủ) đang đi bắt cua biển giống trong rừng. Ông bảo rằng sau năm 1975, rừng ở đây bị chặt phá vô tội vạ khiến đất đai bị sạt lở nghiêm trọng. Mỗi năm đến mùa gió chướng hay gió nồm, sóng biển vỗ vào bờ ầm ầm không ngủ được.

Không có rừng giữ đất nên cồn bị sạt lở sâu vào trong cả trăm mét. Tôm cá cũng không còn, cuộc sống người dân ngày càng khó khăn. Đó cũng là lý do vào thời điểm hơn 10 năm trước, 2/3 trong số 2.000 hộ dân ở đây thuộc diện nghèo.

Năm 2002, các nhà khoa học về môi trường đến đây nghiên cứu và quyết định hỗ trợ địa phương khôi phục rừng tạo thành “lá chắn sinh học” bảo vệ cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản phía trong.

“Chương trình đưa ra mục tiêu mỗi năm trồng 15ha rừng, chủ yếu là cây bần. Thấy hiệu quả nên năm 2005 chúng tôi vận động người dân tập trung trồng tới 77ha. Sau chín năm tích cực trồng và bảo vệ rừng, hiện cánh rừng ở cồn Long Hòa phía giáp biển Đông đã được 180ha, bề ngang dài 3,2km, bề dày lên tới 1,5km. Rừng đã lấn dần ra biển, không còn bị sạt lở nữa” - ông Mười kể.

Giữ rừng là có tiền
Từ khi rừng hồi sinh, đời sống người dân nơi đây có nhiều đổi thay thấy rõ. Chỉ tính riêng 431ha vùng đệm ven biển thuộc ấp Hai Thủ, nguồn lợi thủy sản từ tự nhiên đã cung cấp cho toàn xã số lượng cua giống trên 6 triệu con mỗi năm.

Giá bán hiện nay mỗi con cua giống tự nhiên là 1.200 đồng, còn nuôi thành phẩm đạt kích cỡ 4 con/kg là 150.000 đồng. Chỉ cần 1/3 con số này trở thành cua thương phẩm và bán với giá trung bình 120.000 đồng/kg thì có giá trị không dưới 60 tỉ đồng/năm. Đó là chưa kể đến các nguồn lợi khác như cá bống sao, cá đối, cá kèo, cá bông lau, tôm thẻ, tép bạc... tụ hội về đây sinh sống nhiều vô kể.

Cũng nhờ rừng, bãi bồi của cồn Long Hòa lấn ra biển hơn 500ha và có triển vọng phát triển đến 1.000ha phù hợp cho việc nuôi nghêu. Theo ông Võ Minh Thành - chủ tịch UBND xã Long Hòa, năm nay là năm thứ 5 liên tiếp HTX nghêu Tiến Thành trên địa bàn xã làm ăn có hiệu quả. Nhờ thảm rừng được giữ vững, bãi nghêu được bồi lắng, mở rộng nên sản lượng nghêu hằng năm đều tăng. Chỉ tính riêng năm nay, HTX đã lãi hơn 6 tỉ đồng.

Ông Trần Văn Quỳ ở ấp Hai Thủ khẳng định: “Không có rừng thì không ai sống được ở vùng này đâu”.

Ông kể gia đình ông có gần 3 công đất tựa lưng vào rừng. Hồi chưa có rừng, cả nhà ông không thể xoay xở nổi cái ăn hằng ngày vì trồng lúa không được, nuôi thủy sản cũng không xong nên phải bỏ quê lên Sài Gòn kiếm sống. Năm 2002, nghe Nhà nước thực hiện chủ trương trồng rừng, ông đã cùng gia đình trở về nhận khoán trồng rừng. Chỉ mấy năm sau, thu nhập của gia đình tăng lên rõ rệt.

“Mùa nào thức nấy, chỉ cần siêng năng làm theo con nước, giăng câu, thả lưới, bắt cua... là có thể sống khỏe trong rừng” - ông Quỳ hồ hởi.

Hiện tại, dù ở tuổi gần 60 nhưng mỗi ngày ông vẫn có thể bắt tôm, cá, cua giống trong rừng bán được hơn 100.000 đồng. Còn thu nhập từ nghề nuôi tôm, cua trong 3 công đất nhà cũng được vài chục triệu đồng/năm nên ông đã trả lại sổ hộ nghèo.

Nhờ có rừng, vào mùa mưa người dân ở đây chuyển sang trồng lúa. Theo UBND xã Long Hòa, dù chỉ làm được 1 vụ/năm nhưng năng suất lúa ở đây đạt trung bình 5 tấn/ha. Ông Trần Hữu Chí, một nông dân kỳ cựu ở cồn Long Hòa, cho biết có lẽ nhờ rừng mà năm năm qua người dân ở đây nuôi tôm đều có lời chứ không thua lỗ te tua như những nơi khác.

Gia đình ông Chí có 2ha đất nuôi cua, tôm và trồng lúa đã đem về lợi nhuận không dưới 100 triệu đồng/năm. “Trước đây ai cũng vất vả lo cái ăn, còn bây giờ chỉ lo làm giàu thôi chú ơi” - ông Chí cười mãn nguyện.

THANH TÚ


Kinh nghiệm từ Long Hòa

Tại hội thảo về biến đổi khí hậu tổ chức ở tỉnh Bến Tre mới đây, các nhà khoa học cho rằng cho dù thiên nhiên ngày càng khắc nghiệt, nhưng kinh nghiệm từ Long Hòa cho thấy nếu trồng được nhiều rừng thì nguồn lợi tự nhiên sẽ gia tăng.

Con người sẽ sống được ngay bên cánh rừng đó, cho dù biến đổi khí hậu tác động tới nơi đó nghiêm trọng.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Quần thể di tích cổ giữa rừng bị đe doạ



SGTT.VN - Dự án thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A được các chuyên gia cảnh báo sẽ làm tổn hại rất lớn hệ sinh thái rừng. Nghiêm trọng hơn, nó còn có nguy cơ làm biến mất nhiều di sản văn hoá tồn tại hàng ngàn năm tại vườn quốc gia Cát Tiên.

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=147662
Biểu tượng linga và yoni lớn nhất khu vực Đông Nam Á được tìm thấy tại Cát tiên. Ảnh: Q.Ấn



Kinh nghiệm của giới khảo cổ học cho thấy, trước khi thực hiện các dự án thuỷ điện tại Việt Nam, nếu không tiến hành khảo cổ thì chúng ta sẽ mất rất nhiều di sản văn hoá. Những nền văn hoá cổ đáng ra được khai quật, bảo tồn sẽ chìm xuống đáy nước các hồ thuỷ điện mà không ai hay biết. Trong rừng Cát Tiên, ít người biết có một di sản lớn đã tồn tại hơn ngàn năm với nhiều giá trị có thể làm căn cứ để đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới. Tiến sĩ Phạm Quang Sơn, nguyên cán bộ viện Phát triển bền vững khu vực phía Nam, người đã từng đi thực địa nhiều lần ở vườn quốc gia Cát Tiên, cho biết tiềm năng khám phá các di tích cổ của vườn quốc gia Cát Tiên rất lớn. Các di sản văn hoá nằm trải dài trên ba tỉnh Lâm Đồng, Bình Phước và Đồng Nai. Đó là một quần thể di sản văn hoá mang phong cách Ấn Độ cổ kéo dài 17km với nhiều tàng tích văn hoá cổ. Đây mới chỉ là phát hiện bước đầu, khả năng sẽ còn xuất hiện thêm các quần thể di tích khác. Tuổi thọ của di tích được phát hiện từ 1.300 – 1.700 năm. Nhiều tượng cổ, các biểu tượng cổ bằng đá, bằng vàng đã được phát hiện tại đây và đang được lưu giữ, nghiên cứu cẩn thận.

Với các phát hiện tại Cát Tiên, quần thể di tích này có những sinh thực khí bằng đá xanh và đá bán quý (giống ngọc bích) thuộc loại lớn nhất Đông Nam Á. Có giả thiết cho rằng, nếu nghiên cứu kỹ, các quần thể kiến trúc này có thể có tiền đề hơn 4.000 năm trước và có thể là tiền thân của kiến trúc Angkor nổi tiếng bởi nhiều nét tương đồng…

Theo tiến sĩ Phạm Quang Sơn, việc dự án thuỷ điện nằm cách khu di tích được phát hiện khoảng 20km không phải là khoảng cách an toàn và nhiều khả năng các di sản quý sẽ chìm dưới đáy nước nếu làm thuỷ điện mà chưa có nghiên cứu, đánh giá nào. Mặt khác, khu vực phát hiện ra quần thể kiến trúc cổ nói trên nằm giữa rừng đại ngàn ít có sự tác động của bàn tay con người nên hầu như các di tích vẫn còn khá tốt. Tiến sĩ Phạm Quang Sơn cho rằng, làm thuỷ điện có thể chỉ là cách để hợp thức hoá việc khai thác gỗ. Mất hàng trăm năm để trồng một cái cây và chờ nó lớn lên. Mất hàng ngàn năm mới có một khu rừng đại ngàn. Nếu chỉ vì một thuỷ điện hạng trung mà đánh đổi rừng thì đúng là quá đáng tiếc. Và trong và ngoài vùng ngập nước của thuỷ điện, sự thay đổi dòng chảy, địa bàn sống của người và thú có thể dẫn đến những tác hại khôn lường.

Ông từng kể khi xây thuỷ điện Trị An, nhờ có chuyên gia Liên Xô yêu cầu khảo cổ mới cứu được nhiều di tích ở khu vực lòng hồ. Theo tìm hiểu của ông trong giới khảo cổ thì tập đoàn Đức Long – Gia Lai lẫn bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đều chưa có động thái nào về việc này. Chúng ta đã mất khá nhiều thời gian, tiền bạc, công sức để vườn quốc gia Cát Tiên được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Nay chúng ta có thêm cơ hội lớn để được công nhận thêm một di sản văn hoá thế giới cũng ngay tại Cát Tiên. Những giá trị ấy không dễ gì đạt được, nhưng phá bỏ thì rất dễ...

Mai Quốc Ấn
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Nhà máy xử lý nước thải xả thải ra... sông!!!



TT - Chiều 4-8, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49, Bộ Công an) đã kiểm tra và bắt quả tang nhà máy xử lý nước thải tập trung của Công ty cổ phần dịch vụ Sonadezi (đóng tại Khu công nghiệp Long Thành, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) xả trộm chất thải ra sông Đồng Nai.

Thượng tá Cù Nam Tiến, phó phòng 2 - C49, cho biết theo ước tính ban đầu, nhà máy này đã xả thải ra môi trường khoảng năm năm nay với khối lượng  trên 14 triệu m3. Thượng tá Tiến cho hay sau khi xử lý chất thải (chưa đạt yêu cầu) ở hồ hoàn thiện, người của Sonadezi cho nước theo một đường ống nằm sâu dưới lòng đất 3m, có đường kính khoảng 50cm ra trực tiếp ở hồ sinh thái chứa khoảng 35.000m3 nước.

Tại đây, khi thủy triều lên, công ty sẽ xả nước ra hòa cùng nước thủy triều để pha loãng, khi thủy triều xuống, nước thải bị hòa lẫn màu rồi theo rạch Bà Chèo ra sông Đồng Nai. Trong khi đó, phó cục trưởng C49 Phan Hữu Vinh cho biết cùng ngày đại diện Sonadezi đã ký vào biên bản vi phạm.

Theo ông Vinh, Sonadezi xử lý nước thải không đạt đã sai phạm rất rõ. Khi kiểm tra, lực lượng phát hiện mùi nước có nồng độ cao và màu nước qua cảm nhận chưa đạt chuẩn. Lực lượng trinh sát theo dõi nhiều tháng qua mới bắt quả tang Sonadezi đã đặt ống xả thải dưới lòng đất nhằm đối phó với cơ quan chức năng.

H.MI - UYÊN THƯ - CHÍ TÀI
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 48 trang (474 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [25] [26] [27] [28] [29] [30] [31] ... ›Trang sau »Trang cuối