Cảnh báo về việc phá hoại vùng đất thiêng Ba Vì
Những năm qua, nhiều nơi ở Vườn quốc gia Ba Vì và vùng đệm đang trở thành vườn riêng, trang trại, biệt thự, sân chơi của những người giầu có với các dự án san đồi, bạt núi. Và các nhà khoa học đã lên tiếng về vấn đề này tại cuộc tọa đàm “Chung tay cứu Vườn quốc gia Ba Vì” vừa được Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật VN và Báo Khoa học& Đời sống tổ chức ngày 14.3 tại Hà Nội.
Các khu du lịch sinh thái và sân Golf có nguy cơ tàn phá thiên nhiên
Vườn Quốc Gia Ba Vì nằm trên địa phận huyện Ba Vì - Hà Tây và 2 huyện Lương Sơn, Kỳ Sơn - Hòa Bình. Theo Ban Quản lý Vườn Quốc gia Ba Vì (2000), tổng diện tích của vườn hiện nay là 6.786 ha, bao gồm phân khu bảo vệ nghiêm ngặt 1.092 ha, phân khu phục hồi sinh thái là 4.646 ha, và khu hành chính dịch vụ là 1.048 ha. Năm 2003, Chính phủ phê duyệt quy hoạch mở rộng diện tích Vườn Quốc gia Ba Vì với diện tích được giao thêm là 4.646 ha. Các nhà khoa học đánh giá những ảnh hưởng và tác động của dân cư tới môi trường tự nhiên của Vườn quốc gia như sau: Rừng trên Núi Ba Vì là nơi cung cấp các nguồn tài nguyên thiên nhiên như gỗ, củi, thảo dược và thực phẩm cho các cộng đồng địa phương. Khi thành lập khu bảo vệ, thì việc khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên đã bị cấm. Tuy vậy, nhân dân địa phương và những người từ nơi khác vẫn tiếp tục khai thác bất hợp pháp các nguồn tài nguyên thiên nhiên cho nhu cầu sử dụng tại chỗ và buôn bán. Tăng trưởng dân số nhanh do tăng dân số tự nhiên và di cư từ nơi khác đến đã làm tăng sức ép lên diện tích rừng còn lại của Vườn Quốc gia. Ước tính trong năm 1998, tổng số dân vùng đệm của vườn quốc gia đã là 46.547 người. Trong những năm gần đây, đa dạng sinh học của vườn quốc gia bị suy giảm nghiêm trọng. Các hoạt động khai thác của người dân địa phương và các lâm trường đã phát quang những vùng rừng rộng lớn. Sự xâm phạm ở các vùng đất thấp và hiện tượng du canh thiếu bền vững đã làm mất đi diện tích rừng rộng lớn. Hiện tượng khai thác gỗ củi phổ biến trong vùng cũng làm suy giảm chất lượng rừng. Săn bắn trái phép đã làm suy giảm số lượng và mất đi một số loài động vật. Lửa rừng đã phá huỷ cả rừng tự nhiên và rừng trồng. Ước tính giữa những năm 1992 và 1997, đã có 365 ha rừng trong vườn quốc gia bị phá huỷ do bị cháy.
Phát biểu tại hội thảo, KTS cảnh quan Trần Thanh Vân đã cảnh báo về việc hiện nay các sân Golf và các Khu du lịch sinh thái đang tiếp tục chiếm đất để tàn phá thiên nhiên ở vùng Ba Vì. Mới nhất, một dự án sân Golf và Khu du lịch có quy hoạch 1600 ha vẫn đang nhăm nhăm nuốt chửng khu thung lũng lúa nước, cái nôi của nền văn minh lúa nước ở xã Vân Hòa, vườn chè Ba Trại và rừng thuốc độc nhất vô nhị có trên 300 loài cây thuốc ở làng người dân tộc Dao nơi đây.
“Các nhà đầu cơ, các ông chủ lớn thực chất không hiểu du lịch sinh thái là gì, nên họ ngang nhiên phá hủy hệ thống sinh thái. Hiện nay nhiều dòng suối đã cạn kiệt, dự án xây đập và phá núi, đào vàng đang rầm rộ tung hoành. Các đại gia đang tự do xây lâu đài thành quách nhà mình như xây Phủ chúa. Theo định nghĩa loại hình Kiến trúc, thì Phủ là nơi giành cho Đại quan đời trần và Đại Thánh đời âm. Vậy họ không hiểu rằng ở đất Thánh linh thiêng Ba Vì này mà làm vậy tức là họ hỗn xược với Thánh, và họ sẽ để lại món nợ nhiều đời cho con cháu phải gánh trả. Mặt khác, vùng đồi núi linh thiêng nay sẽ tái xuất hiện chế độ nông nô? Người nông dân vốn nghèo khổ, nay lại bị cướp mất ruộng đất, bị đuổi ra khỏi làng, họ chỉ còn con đường vào trang trại của các ông chủ lớn để hầu hạ các ông bà chủ, hoặc đi làm thuê... Thực tế nhỡn tiền cho thấy người ta đang cố tình làm ngơ để cho thung lũng Ba Vì vốn là cái nôi của nền văn minh lúa nước và cây lương thực, cây thuốc quý, đồi chè trở thành nơi buôn bán bất động sản với lâu đài, khu biệt thự và những gì linh thiêng nhất từ ngàn năm bị chết lụi!”, KTS Vân phân tích.
Về vấn đề cần phải cư xử với Ba Vì ra sao, KTS Trần Thanh Vân đề nghị: Thanh tra nhà nước cần phải vào cuộc làm rõ những hành vi phá hoại cảnh quan, môi trường của vườn quốc gia Ba Vì và cần phải xây dựng Dự án công viên địa chất, kiên quyết bảo vệ những di sản thiên nhiên về cây lúa nước, rừng cây thuốc, đồng cỏ nuôi bò sữa…ở vùng này. Ba Vì, Hồ Tây, sông Hồng là một trục phong thủy rất quan trọng, liên quan đến vận mệnh của đất nước. Vì thế Vườn Quốc gia Ba Vì cần phải được bảo vệ một cách nghiêm nghặt. Xét về cội nguồn văn hóa thì cái nôi của văn hóa lúa nước được xác định là ở xã Vân Hòa, huyện Ba Vì đang có nguy cơ bị tàn phá.
Nhận xét về góc độ văn hóa của vùng đất thiêng Ba Vì, TS Nguyễn Xuân Diện cho biết: Trong Dư địa chí của Nguyễn Trãi, cuốn địa chí đầu tiên của Việt Nam được viết trong niềm tự hào về non sông gấm vóc Đại Việt, có đoạn: “Núi Tản Viên – Ba Vì là núi tổ của nước ta đó!”. Núi Ba Vì Tản Viên là nơi ngự trị của Sơn Tinh- Tản Viên Sơn Thánh, vị thần đứng đầu trong Tứ Bẩt tử của Việt Nam, là vị anh hùng khai sáng của dân tộc: dạy dân đắp núi, khơi ngòi, chống lụt, chống hạn, đào giếng, đánh cá, ca hát...Đệ Nhất Phúc Thần Tản Viên Sơn Thánh có sự tích,truyền thuyết ảnh hưởng sâu rộng cả về mặt địa bàn lẫn chiều sâu tâm linh.Hạo khí linh thiêng của Thần Tản Viên là một thế lực siêu nhiên, chống lại một thế lực siêu nhiên khác đến từ Phương Bắc là Cao Biền. Việc Thần Tản Viên chống lại Cao Biền, khiến Cao Biền phải bỏ chạy và chấp nhận sự thất bại còn được lưu truyền trong những truyền thuyết và đã được các nhà Nho Việt Nam văn bản hóa bằng những thư tịch. Hiện nay, quanh vùng núi Ba Vì và lân cận, có tới trên 300 di tích thờ Tản Viện Sơn Thánh cho thấy người dân Việt cổ đã sùng phụng Thần Tản Viên từ buổi bình minh lịch sử.
“Vùng núi Ba Vì không những là nơi lưu trữ các giá trị về địa mao, địa chất, về hệ động thực vật phong phú đa dạng và quý hiếm, mà còn là một là một vùng văn hóa cổ đặc sắc của Việt Nam. Việc bảo vệ gìn giữ các giá trị văn hóa và tự nhiên của vùng núi Ba Vì càng đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết, khi những lợi ích kinh tế được các nhà hoạch định và quản lý coi trọng và bỏ mặc các giá trị về môi sinh và văn hóa một cách thiếu hiểu biết. Các nhà khoa học các ngành cần tập trung nghiên cứu sâu và chuyên ngành, liên ngành về vùng văn hóa cổ Ba Vì, để tôn vinh một vùng đất thiêng của dân tộc”, TS Diện kiến nghị.
Cần có biện pháp mạnh đối với các vi phạm
Phân tích ở góc độ sinh thái và biến đổi khí hậu trước thực trạng vùng đất thiêng Ba Vì bị xâm hại, TS Ngô Kiều Oanh cho rằng: Thật rất thiển cận và có thể coi là tội ác khi vì lợi ích, nhất là lợi ích chỉ của một nhóm người trong xã hội nước ta hiện nay dưới danh nghĩa các dự án xây dựng (đô thị ,sân gôn,du lịch giải trí ..v) chỉ trong chốc lát hủy họai vĩnh viễn lớp sinh thái tự nhiên và nông nghiệp qua hàng nghìn năm mới có thể tạo ra được. Những vùng đất nông nghiệp và quỹ gen nguyên thủy của vùng rùng núi Ba Vì và vùng đệm nông nghiệp xung quanh chân núi sẽ càng ngày càng quý hiếm vì thảm họa đang dần tới từ biến đổi khí hậu. Vấn đề an ninh thực phẩm hiện đang dần trở thành một vấn đề gay gắt ở Việt Nam nếu như tiếp tục tàn phá các Vườn quốc gia và vùng đệm nông nghiệp như đang tàn phá hiện nay ở Ba Vì .
“Vùng đất đai quý giá này đang bị đe dọa bởi các toan tính và âm mưu quét gọn những khu vực đất đai nông nghiệp, đuổi dân cư, bất chấp chính sách đối với các hộ dân tộc nghèo (Muờng, Dao ).Quét cả nhừng trung tâm giống chăn nuôi và trồng trọt Quốc gia, thu vén đất đai của vùng đệm và Vườn Quốc gia vào túi của một số đại gia trên sự liên kết chặt chẽ với một số các nhà quản lý biến chất, trục lợi nấp dưới các dự án du lịch sinh thái,du lịch tâm linh…”, TS Oanh bức xúc nói.
Để giảm thiểu tác hại đối với vùng rừng núi Ba Vì, TS Oanh kiến nghị: Nhà nước cần có chủ trương xây dựng một cách đồng bộ và hệ thống các cơ chế bảo vệ và bảo tồn nghiêm ngặt để bảo vệ nguồn gen tự nhiên gốc vùng rừng núi Ba Vì, bảo vệ địa hình cảnh quan, diện tích đất đai và các mặt nước hồ sông suối của vùng đệm nông nghiệp xung quanh chân núi Ba Vì và bản thân núi Ba Vì. Xây dựng một vùng giữ giống gốc về chăn nuôi, trồng trọt, lâm nghiệp ,thảo dựoc, thủy sản và cung cấp thực phẩm tập trung mang tính hàng hóa xanh sạch cho dân cư nội thành song hành với các họat động du lịch nông nghiệp . Phát triển mạnh mẽ các họat động du lịch nông nghiệp tại vùng đệm dựa vào các làng nông nghiệp truyền thống có sẵn (không chiếm diện tích nông nghiệp rộng lớn của vùng đệm và hủy họai Vườn Quốc gia như các dự án mang tên du lịch sinh thái và vui chơi giải trí v..v ) mà vẫn đáp ứng được nhu cầu của du khách nội địa và quốc tế. Các kết quả đạt đựợc tại các mục trên sẽ chứng minh việc đẩy mạnh phát triển vùng cung cấp các sản vật tự nhiên và du lịch nông nghịệp tại vùng đất đai nông nghiệp xung quanh núi Ba vì là giải pháp rất hiệu quả để bảo vệ tài nguyên sinh thái của Vườn Quốc gia Ba Vì một cách bền vững và lâu dài.
Phát biểu ý kiến tại buổi tọa đàm, GS-TS Nguyễn Lân Dũng, Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn khoa học Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng cần phải có giải pháp mạnh để bảo vệ Vườn quốc gia Ba Vì: “Tôi kiến nghị Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Viêt Nam phối hợp với Hội đồng tư vấn khoa học tổ chức các buổi khảo sát chính thức lên vùng núi Ba Vì. Bởi vì Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam là hai tổ chức được Đảng, Nhà nước giao trách nhiệm phản biện xã hội, do đó chúng ta cần phải có cuộc khảo sát nghiêm chỉnh. Sau đó đưa ra những kiến nghị chính thức đưa lên các cơ quan Đảng và Nhà nước. Tôi đề nghị phải đình chỉ ngay lập tức, đồng thời xử lý hình sự đối với những người có liên quan đến việc sai phạm ở Rừng Quốc gia Ba Vì, bất kể người đó là ai, kể cả những người bao che, kể cả những những người đứng sau duyệt các dự án. Một điều khác cần phải nhấn mạnh, đó là hệ động thực vật, vi sinh vật... ở Rừng Quốc gia Ba Vì cần được bảo vệ. Hàng năm, chúng ta vẫn công bố những loài mới mà theo nhiều nhà nghiên cứu là chưa từng phát hiện trên thế giới trước đó. Vì thế, Quốc Hội cần có tiếng nói khẳng định rằng: Đây là việc làm trái luật pháp, coi thường dân chúng, và đi ngược lại với nguyện vọng của nhân dân”.
Tán đồng với GS Nguyễn Lân Dũng về quan điểm bằng mọi cách phải giữ lấy Vườn quốc gia Ba Vì, PGS- TS Hồ Uy Liêm, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam nhận định: “Có một vấn đề rất bức xúc hiện nay là cứ kêu gọi, hô hào giữ lấy Ba Vì nhưng vẫn có ai đó vì quyền lợi rất cá nhân đang gặm nhấm Ba Vì. Sau khi có dự kiến quy hoạch Hà Nội sẽ đưa trung tâm hành chính lên Ba Vì đã khiến cho giá đất trên đó sôi lên. Chúng tôi có chuyến thực địa lên đó và thấy rằng, người ta đã khoanh từng ô một để xây dựng. Ba Vì là nơi đất thiêng về mặt tâm linh, lịch sử, về mặt sinh thái đối với chúng ta. Bằng mọi cách phải giữ lấy Ba Vì. Chúng tôi sẽ tổ chức cuộc khảo sát, sau đó cùng với Hội Bảo vệ thiên nhiên Môi trường, Báo KH&ĐS làm hội thảo khoa học nữa về vấn đề này. Sau đó sẽ gửi kiến nghị lên lãnh đạo Đảng, Nhà nước để giữ lấy Ba Vì”.
Với kiến nghị cần phải giám sát lại toàn bộ các dự án ở Vườn Quốc gia Ba Vì, GS-TS Lê Xuân Cảnh, Viện trưởng Viện sinh thái tài nguyên sinh vật cho biết: “Vườn quốc gia Ba Vì có hệ sinh thái phong phú với 32 loài thực vật có giá trị của nước ta. Do đó, cần thiết phải đề ra những phương án quản lý tốt chứ không thể đợi đến khi phá vỡ cảnh quan rồi mới đề xuất thì quá muộn. Theo tôi, để quản lý tốt Vườn Quốc gia Ba Vì thì trước hết phải giám sát, rà soát lại toàn bộ dự án có liên quan. Nếu thấy dự án nào không tuân thủ luật Bảo vệ rừng và Nghị định 117 thì phải xử lý. Chúng ta đã có Cục cảnh sát môi trường phối hợp giải quyết”.
Nguồn: Văn nghệ Trẻ
Trên đời này, chuyện gì cũng có thể xẩy ra-Thái Thanh Tâm