Để có một ngành hạt nhân khả tín, an toàn và tôn trọng môi trường
SGTT.VN - Kỹ sư tư vấn trong lĩnh vực công nghệ điện hạt nhân, ông Đặng Đình Cung, Việt kiều Pháp, cho rằng mua một nhà máy điện hạt nhân theo dạng "chìa khóa trao tay" là một việc rất dễ nếu có tiền. Đào tạo 3.000 chuyên gia ngành điện hạt nhân thì cũng không quá khó. Nhưng để có một ngành hạt nhân khả tín, an toàn và tôn trọng môi trường thì Nhà nước phải mạnh, dân trí phải cao và công nghiệp phải đa dạng.
Mua một nhà máy điện hạt nhân theo dạng "chìa khóa trao tay" là một việc rất dễ nếu có tiền. Nhưng để có một ngành hạt nhân khả tín, an toàn và tôn trọng môi trường thì Nhà nước phải mạnh, dân trí phải cao và công nghiệp phải đa dạng. Ảnh: Care2
Vì vậy, cần chỉnh lý chương trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân, hoãn thời điểm xây nhà máy điện hạt nhân vốn đã được quyết vào năm 2014.
Theo Tổng cục Thống kê thì năm 2009 (số liệu sơ bộ) ngành điện nước ta đã sản xuất 80,6 TWh (1TWh = 1 tỷ kWh), tăng trung bình 11% mỗi năm từ năm 2005. Theo EIA (Energy Information Agency, Cơ quan Thông tin về năng lượng Hoa Kỳ) thì năm 2006 công suất lắp đặt 11,3 GW, tăng trung bình 12% mỗi năm từ năm 2001. Tăng trưởng của ngành điện nước ta mau gấp ba lần trung bình của thế giới, với hiệu suất khoảng 4,8 kWh/W, ngang hàng với trung bình thế giới. Nếu trên phương diện kỹ thuật chúng ta không có gì đáng hổ thẹn thì nhịp tăng trưởng ngoạn mục này chưa đủ để khắc phục những chậm trễ của ngành điện so với đà phát triển của kinh tế. Ngành điện của chúng ta đáng lý ra phải tăng trưởng 18-20% liên tục trong năm năm tới. Như vậy có nghĩa là mỗi năm phải lắp đặt thêm 2.000 MW công suất, công suất của hai lò phản ứng điện hạt nhân.
Để có một ngành hạt nhân khả tín, an toàn và tôn trọng môi trườngNhững tai nạn như Three Miles Island, Tchernobyl và, bây giờ, ở Fukushima thực sự ấn tượng. Điện hạt nhân chỉ đóng góp một phần nhỏ cho nguồn năng lượng của thế giới. Trữ lượng uranium có thể sẽ cạn trước những năng lượng hydro - cácbua. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải khai triển dạng điện này. Với công nghệ đương đại, chúng tôi chưa thấy có giải pháp nào khác, khả tín, an toàn, tôn trọng môi trường hơn điện hạt nhân với khả năng cung cấp nhiều điện đến thế. Từ khi bộ máy đầu tiên được xây ở Fukushima cách đây bốn chục năm, công nghệ điện hạt nhân đã có tiến bộ rất nhiều và an toàn đã được bảo đảm hơn. Mua một nhà máy điện hạt nhân theo dạng "chìa khóa trao tay" là một việc rất dễ nếu có tiền. Đào tạo 3.000 chuyên gia ngành điện hạt nhân thì cũng dễ nếu biết đào tạo bao nhiêu người ở mỗi trình độ và ở trong mỗi môn nghề.
Nhưng để có một ngành hạt nhân khả tín, an toàn và tôn trọng môi trường thì Nhà nước phải mạnh, dân trí phải cao và công nghiệp phải đa dạng.
Một Nhà nước mạnh có nghĩa là những người nắm chính quyền có học thức, thanh liêm và có tinh thần trách nhiệm đối với quốc dân.
Mặc dù nguy cơ bị nhiễm xạ có hậu quả không đáng kể, chính quyền Nhật cũng vẫn ra lệnh sơ tán trong vòng 30 cây số xung quanh nhà máy bị nạn. Năm 1979, thống đốc bang Pennsylvania cũng ra lệnh sơ tán như vậy. Ông đã bị các chuyên gia năng lượng hạt nhân chê là đã ra lệnh hớ. Nhưng không ai bắt một lãnh đạo Nhà nước phải là tiến sĩ về nguyên tử năng. Lãnh đạo địa phương Fukushima cũng như thống đốc bang Pennsylvania chỉ làm đúng nhiệm vụ bảo hộ dân của mình.
Muốn đi vào kỷ nguyên năng lượng hạt nhân thì trước tiên toàn dân phải có văn hóa an toàn công nghiệp. Có đủ nhân lực được đào tạo bài bản thì vẫn chưa đủ để bảo đảm những nhà máy điện hạt nhân (và những nhà máy thuộc mọi ngành công nghiệp khác) sẽ chạy có hiệu quả và an toàn. Đào tạo chuyên gia về an toàn bức xạ và bảo vệ môi trường nhiều và giỏi đến đâu chăng nữa thì cũng vẫn phải trông cậy vào toàn dân.
Mọi nhà máy đều sinh ra phế liệu. Dù công nghệ tối tân đến đâu chăng nữa thì một nhà máy lúc nào cũng có một ít khí và nước thải rò rỉ. Trình độ kỹ thuật hiện nay có thể kiềm chế và có biện pháp xử lý ổn thỏa hay tạm thời những chất đó. Khó có thể phát hiện được nhưng nếu bị phát hiện, thì cũng chỉ làm mất thể diện của giám đốc nhà máy chứ không nguy hại gì hơn. Nhưng nếu là khí và nước rò rỉ từ một nhà máy hạt nhân, một nhà máy hóa chất hay một nhà máy chế biến thực phẩm thì chúng có thể là những vật liệu đe dọa sức khỏe người dân và môi trường tự nhiên. Ngoài ra, sự rò rỉ thường báo hiệu một tình trạng bất ổn trầm trọng hơn, có thể là một tai nạn. Nhà máy dù có đặt nhiều bộ dò đến đâu chăng nữa thì cũng không thể phát hiện được tất cả những rò rỉ.
Nên hoãn xây nhà máy điện hạt nhân ở Việt NamXác suất một tai nạn có thể giảm đến độ không đáng kể, nhưng không bao giờ bằng số không được. Các lực lượng cứu trợ có thể can thiệp rất mau nhưng không thể can thiệp ngay tức khắc được. Trong trường hợp có tai nạn, người dân thường phải biết cư xử thích ứng trong khi chờ đợi lực lượng cứu trợ. Cả thế giới được ấn tượng bởi thái độ bình tĩnh của người Nhật sau trận động đất, sóng thần và trước tai nạn Fukushima. Điều này dễ hiểu khi biết rằng người Nhật đã được giáo dục từ bé để đối phó những thảm họa và kiến thức của họ đủ cao để nắm được độ nguy cập của mỗi tình huống.
Dĩ bất biến ứng vạn biến, nhưng không thể ứng tác được. Người dân cần được giáo dục trước bởi những đoàn dân vận nắm rõ vấn đề và giảng nghĩa một cách dễ hiểu và thông thoáng tất cả những lợi ích cũng như tất cả những rủi ro của năng lượng hạt nhân. Do trì trệ về giáo dục phổ thông, dân trí ở nước ta vẫn còn thấp. Chúng ta phải cần đến một thế hệ mới giải quyết được thiếu sót này. Việc chính phủ quyết tâm xây một nhà máy điện hạt nhân vào năm 2014 là một điều đáng lo ngại. Tôi đề nghị hoãn lại thời điểm sản xuất điện hạt nhân tới năm 2030, thậm chí năm 2035, để chúng ta có thì giờ trở thành một nước công nghiệp văn minh.
Hoãn lại không có nghĩa là khoanh tay chờNhững công nghệ đồng vận với nhau. Nếu bỏ sang một bên cái lõi của lò phản ứng thì những hạng mục khác của một nhà máy điện hạt nhân cũng chỉ là những hạng mục của một nhà máy nhiệt điện cổ điển. Nếu tự chủ về công nghệ điện cổ điển thì đã có thể tham gia vào ba phần tư một dự án điện hạt nhân rồi. Vậy tại sao ngay bây giờ ta không tìm cách giành tự chủ về công nghệ nhiệt điện cổ điển mà Việt Nam đang phải xây cấp bách để giải quyết nạn cắt điện, mất điện? Một nửa những hạng mục của một nhà máy điện dùng đến công nghệ xoong chảo, công nghệ ruột của ngành đóng tàu. Chúng ta đang tái kết cấu ngành này. Tại sao ta không nội địa hóa toàn bộ những khâu thiết kế và sản xuất để đào tạo chuyên gia về các nghề mà ngành điện hạt nhân tương lai của ta sẽ cần đến?
Đặng Đình Cung, Kỹ sư tư vấn
Mở mắt thì chạy theo cảnh
Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
(Ngọc Tuyền Hạo)