Trang trong tổng số 5 trang (49 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Biển nhớ

“ Dễ trăm lần không dân cũng chịu
Khó vạn lần dân liệu cũng xong”


Hai câu thơ trên nằm trong bài thơ “Dân no thì lính cũng no” của nhà thơ Thanh Tịnh, được sáng tác vào năm 1948 trong cuộc vận động nhân dân đóng thuế nông nghiệp. Nguyên văn bài thơ như sau:

Trông lên thì thấy đầy sao
Nhìn quanh thì thấy đồng bào mến thân
Dễ trăm lần không dân cũng chịu
Khó vạn lần dân liệu cũng xong
Thóc thuế mà có dân đong
Trăm công nghìn việc ngược dòng cũng xuôi
Đêm nằm nghĩ lại mà coi
Liệu còn thằng giặc đứng ngồi sao yên?
Nhân dân là bậc mẹ hiền
Cơm gạo áo tiền thì mẹ phải lo
Dân no thì lính cũng no
Dân reo lập nghiệp, lính hò lập công.

Khi mới ra đời bài thơ được phổ biến rộng khắp, tuy nhiên cũng ít người nhớ câu thơ này là của ai.
Tuy nhiên trong những năm kháng chiến chống Mỹ, ở miền Bắc, Bắc Hồ cũng đã nhiều lần nhắc đến câu thơ này và nó như một lời dạy có tính khái quát cao về tinh thần và sức mạnh của nhân dân.
(Bùi Khắc Tiệp-HN)
Tượng Thờ dù đổ vẫn thiêng
Miếu thờ bỏ vắng vẫn nguyên miếu thờ
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Biển nhớ

Bài viết của tác giả Ngô Minh đăng trên ANTG số cuối tháng 04/2005

Số phận bài thơ “Em nữ cứu thương người Pháp” của Hải Bằng
Nhà thơ Hải Bằng đi vào cõi vĩnh hằng đã bảy năm rồi, nhưng đối với độc giả yêu thơ miền Trung, nhất là ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế vẫn không ai quên “người nô bộc tận tụy” của thơ ca, một thi sĩ lính đa cảm và bộc trực này. Nhiều bài thơ của ông vẫn được nhiều người thuộc lòng nhất là bài thơ Em nữ cứu thương người Pháp.
Hải Bằng tên thật là Nguyễn Phước Vĩnh Tôn, chắt nội của vua Hiệp Hòa. Ông là nhà thơ duy nhất ở Huế có 2 tấm thẻ hội viên trong hành trang của mình. Thẻ Hội viên Hội Văn nghệ Việt Nam năm cấp 1957 do nhà văn Nguyễn Tuân ký, và thẻ Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam cấp năm 1985 do nhà văn Nguyễn Đình Thi ký.
Năm mười bốn tuổi, Hải Bằng đã từ bỏ cuộc sống nhung lụa giàu sang của gia đình hoàng tộc để đi theo Vệ quốc đoàn, trở thành chiến sĩ Trung đoàn 101 nổi tiếng của Vệ quốc đoàn vùng Trị Thiên - Huế từ năm 1945. Năm 1948, ông  ở trong Đoàn Văn nghệ Liên khu IV vào chi viện cho chiến trường Bình - Trị - Thiên. Thời kỳ nay, Hải Bằng lấy tên là Văn Tôn, làm thơ, rồi đọc cho bộ đội nghe. Những bài thơ của ông liên tục xuất hiện  tại chiến khu Dương Hòa, Ba Lòng, Gio Linh, Cam Lộ từ đó. Trong đó có bài thơ nổi tiếng Em nữ cứu thương người Pháp.
Khi còn sống nhà thơ kể rằng, mùa hè năm 1952, ông theo bộ đội Trung đoàn 95 ra trận phục kích đoàn quân Pháp tiếp tế cho đồn Nam Đông vùng Cam Lộ, Quảng Trị, trên đường 73, 74. Trong trận đánh quân ta bắt được một số tù binh Pháp, trong đó có một nữ cứu thương Pháp còn rất trẻ. Bọn Pháp đã bắn canông vào trận địa ta, làm cho nữ cứu thương người Pháp bị tử trận. Người ta tìm thấy trong túi cô cứu thương Pháp có bức thư của người mẹ từ Pháp gửi qua, nhắn con gái hãy trở về với mẹ. Xúc động trước thân phận người con gái nước ngoài bị bọn thực dân ném vào cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam, nhà thơ trẻ Văn Tôn lúc đó mới 22 tuổi, thức suốt đêm, đốt đèn dầu lạc, làm bài thơ dài, như một nén nhang  thắp cho người con gái xấu số:
Chiều nay tiếng súng anh ngừng nổ
Thấy xác em nằm giữa cỏ tranh
Anh đắp cho em mền trấn thủ
Còn đâu nhìn thấy mắt xanh xanh
Bên xác còn nguyên tờ giấy mỏng
Ngậm ngùi anh nhặt đọc dòng thư
Thư buồn mẹ nhắn con về nước
Anh biết nhà em cũng xác xơ...
Làm xong bài thơ, Hải Bằng đọc cho các chiến sĩ trong đơn vị mình nghe. Bài thơ tự sự, dân dã, ngôn ngữ cấu tứ không cầu kỳ, nhưng lại da diết nỗi niềm, nên lay động lòng người. Bài thơ lập tức được chép tay, được học thuộc và lan truyền nhanh chóng trong các đơn vị bộ đội và nhân dân trên chiến trường Trị - Thiên lúc đó và gây nên sự xúc động sâu sắc. Một số lính ngụy ở lôcốt Giăng-phạc-ngân cũng chép và thuộc bài thơ.
Đây là lần đầu tiên trong văn chương cách mạng Việt Nam có một tác phẩm viết về “kẻ thù”, nhưng không ở góc độ phản kháng, chống đối, mà ở sự “thương xót” cho số phận con người và lên án chiến tranh. Vì thế bài thơ có tầm nhìn quốc tế lớn bởi cách nhìn chiến tranh rất nhân văn:
Em chết, chiều nay chết ở đây
Mẹ đâu thấy bóng buổi sau này
Quê hương bên ấy chiều xanh khói
Sẽ thấy bà con nước mắt đầy...
Bài thơ cũng nói rất rõ là cô cứu thương người Pháp bị Vệ quốc đoàn bắt, nhưng rồi cô bị giết bởi đạn canông của chính bọn thực dân Pháp, nên sự căm hờn càng nhân lên, sức tố cáo chiến tranh càng nhân lên bởi chính bọn xâm lược cũng chẳng coi gì mạng sống của đồng đội mình:
Bắt em, súng anh ngừng không bắn
Nhưng súng quân thù lại giết em
Chúng bắn ca-nông vào giữa trận
Mắt xanh nhắm lại xác nằm im...
Sau trận đánh, các chiến sĩ Việt Minh đã đắp cho cô gái Pháp nấm mộ đàng hoàng nơi chiến khu:
Rằng các anh là Vệ quốc đoàn
Chiều nay thắng trận tiếng hò vang
Em được đắp dày ngôi mộ mới
Anh ngừng tay cuốc: giận... buồn...thương...
Đó là tình cảm quốc tế rộng lớn của người chiến sĩ Vệ quốc đoàn! Bài thơ đã được nhà văn Nguyễn Khắc Thứ (người nổi tiếng với  ký sự Trận Thanh Hương dịch ra tiếng Pháp gửi cho những người lính hàng binh commăngđô đọc trong thời gian đó. Không khí bài thơ trầm lắng, buồn thương nhờ sự xoáy sâu, khai thác những hình ảnh của người con gái trẻ bị chết trên chiến trường Việt Nam với người mẹ, người yêu, em thơ... đang buồn đau  ở làng quê nước Pháp xa xôi.
Bài thơ làm cho Văn Tôn nổi tiếng trong làng văn nghệ kháng chiến Liên khu IV lúc đó, đồng thời cũng gây nên rắc rối cho ông. Dù không được in ở sách báo nào, nhưng người ta cho rằng “quan điểm địch, ta trong bài thơ không rõ ràng”! Tác giả Văn Tôn bị kiểm thảo vì đã “thương xót kẻ thù”. Vì thế bài thơ hay nổi tiếng ấy đã không được đưa vào các tuyển tập thơ kháng chiến, nên các thế hệ trẻ sau này không được đọc. Nhưng rất nhiều cựu chiến binh và nhân dân thời chống Pháp ở chiến trường Bình - Trị - Thiên, đặc biệt là vùng Cam Lộ, Gio Linh đến nay vẫn thuộc bài thơ.
Sinh thời nhà thơ Hải Bằng thường nhắc lại một kỷ niệm, năm 1975 khi miền Nam giải phóng, ông trở lại vùng Cam Lộ thăm lại nơi chiến đấu xưa, thì gặp chị Nậy, một thiếu nữ trẻ xưa kia nay đã già và bị mù do bom đạn Mỹ. Nhà thơ cầm tay chị và khi nói mình tên là Hải Bằng, tức Văn Tôn, thì chị Nậy òa khóc, rồi sau đó đọc thuộc lòng bài thơ Em nữ cứu thương người Pháp!
Trong một đặc san kỷ niệm ngày thành lập ngày Cựu Chiến binh Việt Nam của Hội Cựu chiến binh Quảng Trị gần đây, từ trí nhớ của mình một cựu chiến binh đã chép lại bài thơ đó, nhờ vậy chúng ta mới được đọc trọn vẹn bài thơ này. Mới  hay, khi thơ ca đã vào lòng người, thì không cần giấy trắng mực đen, nó vẫn sống mãi!

EM NỮ CỨU THƯƠNG NGƯỜI PHÁP
Chiều nay tiếng súng anh ngừng nổ
Thấy xác em nằm giữa cỏ tranh
Anh đắp cho em mền trấn thủ
Còn đâu nhìn thấy mắt xanh xanh
Bên xác còn nguyên tờ giấy mỏng
Ngậm ngùi anh nhặt đọc dòng thư
Thư buồn, mẹ nhắn con về nước
Anh biết nhà em cũng xác xơ
Chúng bắt em đi xa đất nước
Bỏ nhà, lìa mẹ, cách em thơ
Qua đây giày xéo quê hương bạn
Nhà cửa tan tành ngọn cỏ khô!
Qua đây em nhớ nhà không nhỉ?
Thao thức đêm dài mẹ nhớ con
Thôi chiều nay hết - em đi biệt
Tiếc nuối thương đời nữ cứu thương!
Em ở mấy mùa trên đất Việt
Những ngày hôm trước biết gì không?
Tin rằng độ ấy em không biết
Nếu biết giờ đây đỡ lạnh lùng...
Bắt em, súng anh ngừng không bắn
Nhưng súng quân thù lại giết em
Chúng bắn ca-nông vào giữa trận
Mắt xanh nhắm lại, xác nằm im...
Anh giận đời em đi lạc hướng
Tội em theo bước bọn thù chung
Băng bó vết thương cho lũ giặc
Bạn em còn sống biết hay không?
Em chết, chiều nay chết ở đây
Mẹ đâu thấy bóng buổi sau này
Quê hương bên ấy chiều xanh khói
Sẽ thấy bà con nước mắt đầy
Em chết, bàn tay vây máu đỏ
Tin về bên ấy lạnh lùng chưa!
Buổi mai tuyết phủ dồn trên mái
Có bóng người yêu lỡ hẹn hò
Mẹ bước vào sâu trong phòng lạnh
Bàn tay ôm lấy một vòng hoa
Em thơ ngơ ngác ngùi thương chị
Chim ở quanh vườn thôi hát ca...
Từ độ em đi cho đến nay
Pa-ri vùng dậy biết bao ngày
Biểu tình chống giặc bắt đi lính
Đỡ khổ làng anh máu nhuộm đầy
Rằng các anh là Vệ quốc đoàn
Chiều nay thắng trận tiếng hò vang
Em được đắp dày ngôi mộ mới
Anh ngừng tay cuốc: giận... buồn... thương...
Thôi em nằm đó anh đi trận
Giết kẻ thù chung cướp nước anh
Đem lại ngày mai hai dân tộc
Tình thương hứa hẹn một bình minh
Tượng Thờ dù đổ vẫn thiêng
Miếu thờ bỏ vắng vẫn nguyên miếu thờ
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoa Xuyên Tuyết

Đọc những cái này hay nhỉ? Cảm ơn BN nhiều.
Tớ chợt nghĩ, hay là làm 1 cái list để lên trang đầu, sau này đọc còn biết đã từng có câu chuyện về tác giả nào, bài thơ nào?
Có nên không?
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyệt Thu

Hôm nay mới vào đọc ở topic này, thấy mình rõ là...lạc hậu! Càng đọc càng ngấm, càng thấy hay quá! Cám ơn Hoa Xuyên Tuyết và Biển Nhớ nhé! Các bạn hãy tiếp tục nữa đi, mình nghĩ mọi người đều rất mong đọc được những thông tin như thế này, quanh những thi phẩm mà người ta yêu thích.
Bài thơ :"Em nữ cứu thương người Pháp" của Hải Bằng mà Biển Nhớ post trên đây, lần đầu tiên mình được đọc, thấy lòng cứ rưng rưng...
"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoa Xuyên Tuyết

Câu chuyện này hình như em gửi vào đây không chuẩn lắm... Nhưng em xin gửi tạm rồi nhờ chú Điệp sửa lại sau vậy.

HUYỀN THOẠI TRIỆU BÔNG HỒNG


"Một ngôi nhà xinh anh họa sĩ
Gửi trong tranh vẽ những vui buồn
Lòng anh thầm yêu nàng ca sĩ
Cô gái rất yêu bông hoa hồng..."

Đó là những lời thơ tha thiết của thi sĩ người Nga Andrei Andreevich Voznhesenski vẫn vang lên trong bản tình ca quen thuộc đối với hầu hết các thế hệ người Việt Nam "Triệu bông hồng" (do nhạc sĩ, NSND Latvia Raimond Pauls phổ nhạc).

Một bài thơ, một khúc hát ra đời luôn luôn có xuất xứ sâu xa của nó. Bài "Triệu bông hồng" này mang theo mình một câu chuyện tình đầy cảm động, lãng mạn và cả chua xót nữa của Niko Pirosmani (Nikolai Aslanovich Pirosmanashvili, 1862-1918), danh họa tự học người Gruzia, người chiếm một vị trí đặc biệt trong nền văn hóa, xã hội và hội họa xứ này.

Niko Pirosmani cả đời sống trong cảnh nghèo hèn và khốn khổ, chỉ đến gần cuối đời, những sáng tác của ông mới được nhắc đến trên báo chí và sau khi qua đời, những họa phẩm của ông mới được thu thập và đáng giá đúng mức. Hiện, đa phần của gia tài nghệ thuật của Niko Pirosmani đã có vị trí rất trang trọng trong Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia Gruzia.

Niko Pirosmani còn được nhớ đến bởi câu chuyện tình động lòng và huyền thoại với Margarita, một nữ ca sĩ - vũ nữ gốc Pháp, sang Gruzia năm 1905. Tình yêu (đơn phương) của chàng họa sĩ nghèo khó và cô ca sĩ hồi ấy ở tâm điểm của sự chú ý tại các phòng trà, tiệm cà phê Tiflis, đã là đề tài của vô số huyền thoại lãng mạn về tình yêu, cũng như, của những vần thơ, mà đáng kể nhất là "Triệu bông hồng" của thi sĩ Nga Andrei Voznesensky (1933-), về sau được nhạc sĩ, NSND Latvia Raimond Pauls (1936-) phổ nhạc (năm 1983), để trở thành một ca khúc đỉnh cao của nữ danh ca Nga, "người đàn bà hát" Alla Pugacheva (1949-). Bản thân nhà danh họa cũng dành cho người mình yêu một họa phẩm mang tựa đề "Nữ ca sĩ Margaria", hiện được bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia Gruzia.

Tuy nhiên, chắp cánh cho những huyền thoại, những lời thơ và những bản nhạc, là câu chuyện về cuộc đời và tình yêu của nhà họa sĩ "không nhà, không cửa, không gia đình, chỉ có một tình yêu" (lời của thân nhân Niko Pirosmani và người đương thời quen biết ông), được nhà văn Konstantin Pautovsky chấp bút trong quyển thứ năm "Về phương Nam", trong loạt "Tiểu thuyết cuộc đời" (năm 1960). Mang tựa đề "Tấm vải sơn tầm thường" (loại vải rẻ tiền, không thấm nước mà Niko Pirosmani phải khó nhọc mới thỉnh thoảng có để vẽ), mối tình tuyệt vọng của người họa sĩ bần hàn đã thăng hoa dưới ngòi bút tài hoa của Paustovsky.

Qua đời trong cảnh khốn cùng và mối tình duy nhất không được đáp trả, nhưng Niko Pirosmani đã có một khoảnh khắc chói sáng trong cuộc đời: cô ca sĩ vốn quen với ánh dèn sân khấu, nhìn ra ngoài cửa sổ, ngạc nhiên và ngây ngất hạnh phúc trước rừng hoa rực rỡ và hiểu rằng chàng họa sĩ nghèo lại chính là người đàn ông duy nhất, yêu cô với tình yêu thánh thiện đến mức biến cả đời anh thành đại dương hoa để tặng cô!

Trích đoạn sau sẽ cho chúng ta mường tượng được khung cảnh ấy, tại một hẻm phố nghèo ở Tiflis (nay là Tbilisi, thủ đô Gruzia), cách đây một thế kỷ! (Tựa đề do ND tạm đặt)

MÓN QUÀ BẤT NGỜ CỦA TÌNH YÊU

Về tổng thể, có thể nói rằng đó là một buổi sáng bình thường, nếu chúng ta không biết rằng sáng hôm ấy là buổi sáng của sinh nhật Niko Pirosmanashvili, và nếu trong cái hẻm phố chật chội Sololaki không có hàng loạt xe ngựa hai bánh chở đầy một thứ gì đó, nhẹ bỗng và bất ngờ.

Thứ hàng ấy nhẹ đến nỗi loạt xe ngựa không hề kêu cọt kẹt vì phải chở chúng, mà chỉ hơi lạo xạo mỗi khi bánh xe nhảy qua những viên đá lót đường.

Đoàn xe ấy chở đầy ắp những cành hoa được tưới nước và cắt gọn ghẽ. Như thể những giọt sương sớm rắc lên chúng muôn vàn chiếc cầu vồng li ti.

Loạt xe ngựa dừng lại trước ngôi nhà của Margarita. Những người chở thuê hạ giọng nhắc nhở nhau, họ lấy hoa khỏi xe và để thành từng xấp trên vỉa hè và con đường dành cho xe cộ. Phải, hàng vạn cành hoa ấy, là của Niko gửi đến người mà anh hằng yêu dấu!

Khi những chiếc xe đầu đã rời bánh và cả khu phố ngập trong hoa, những chiếc xe khác lại tới. Như thể không chỉ Tiflis, mà cả xứ Gruzia đã gửi hoa đến đây.

Hẻm phố Sololaki ngập tràn trong hương thơm của muôn loài hoa. Bên những cánh cửa sổ, hiện ra những khuôn mặt phụ nữ. Rất vội vã, họ chải mái tóc đen nhánh và chiêm ngưỡng cảnh tượng khiến họ kinh ngạc một cách mong mỏi: những người chở thuê, phải, những người chở thuê hoàn toàn quen thuộc, chứ không hề là những bóng ma của "Ngàn lẻ một đêm", đang rải hoa đầy khắp mặt phố, như thể muốn để những tòa nhà chìm trong biển hoa đến tầng một!

Margarita cũng bừng tỉnh giấc vì tiếng cười đùa của lũ trẻ, tiếng la hét của đám phụ nữ. Cô ngồi dậy trên giường và thở dài thật mạnh. Hương thơm làm ngào ngạt bầu không khí - đó là mùi hương mát mẻ và cưng nựng, sấn sổ và tinh khiết, mừng vui và phiền muộn. Có lẽ nó là hương thơm của những vùng đất xa thẳm trên bầu trời, ở lại nơi trần thế sau khi đã xuyên qua vòm trời của những tinh vân buổi đêm; có lẽ một mầm non đã tỏa hương, sau một thời gian dài bị giam cầm trong vỏ một hạt hoa tầm thường, giờ đây được nước, được cái ấm và những hạt muối mặn của đất giải phóng khỏi đó.

Cả hai bên đường vào hẻm phố ấy, một đám đông ồn ào đã tụ tập tự lúc nào. Dân chúng sửng sốt ngắm nhìn cảnh tượng chưa từng thấy mà họ không tài nào hiểu được.

Kinh ngạc vì quang cảnh không thể hiểu nổi ấy, không ai dám là người đầu tiên bước xuống tấm thảm hoa, giờ đã ngập đến đầu gối.

Lũ trẻ tưởng có thể ngạt thở trong núi hoa ấy. Bởi vậy, các bà mẹ phải nắm chặt tay chúng, và không thả chúng bằng bất cứ giá nào; cho dù, chúng khâm phục và tự hào biết bao với suy nghĩ một điều bí ẩn đã xuất hiện, đến tận cái ngưỡng cửa đã mòn mà chúng biết rõ từng vết nứt (vì đã bao lần chúng phải cọ rửa những ngưỡng cửa như thế!) Biết bao loài hoa khoe sắc ở đó! Ai có thể đếm được hết! [...]
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoa Xuyên Tuyết

Margarita không hiểu gì cả, cô hồi hộp và nhanh chóng mặc quần áo. Cô vận lên người bộ quần áo đẹp nhất, tha thướt nhất; đeo lên tay chiếc vòng nặng trịch, chải mái tóc màu đồng và mỉm cười - bản thân cô cũng chẳng hiểu sao. Cô phá lên cười, rồi mắt nhòe lệ, nhưng cô không buồn lau nó mà lắc đầu bằng một cử chỉ nhanh gọn. Những giọt nước mắt nho nhỏ tung tóe vì động tác ấy, và còn lấp lánh khá lâu trên bộ xiêm y của cô.

Cô đoán được rằng những bông hoa ấy là để dành cho cô. Nhưng ai đã làm việc này, và nhân dịp gì? Và khi ấy, chợt cô nghĩ ra rằng hôm nay là sinh nhật của Niko Pirosmani. Có lẽ, hẳn rồi, anh đã gửi những núi hoa này, để nhắc cô nhớ đến cái ngày gần như bị quên lãng ấy.

Nhưng, tại sao anh lại tặng cô vào sinh nhật của anh, mà không phải vào ngày vui của cô?

Trong khi ấy, một kẻ duy nhất, người đàn ông gày gò, xanh xao, quyết tâm vượt qua ranh giới của những bông hoa, và băng qua thảm hoa ấy, anh chầm chậm tiến đến ngôi nhà của Margarita. Đám đông nhận ra anh và im lặng. Đó là Niko Pirosmanashvili, chàng họa sĩ nghèo khó. Anh kiếm đâu ra ngần ấy tiền, để mua cả biển hoa như thế? Những ngần ấy tiền!

Chàng họa sĩ tiến đến ngôi nhà của Margarita, tay chạm vào bức tường.

Và lúc đó - trước con mắt của tất cả mọi người - Margarita chạy khỏi ngôi nhà và nhào đến chỗ anh. Chưa bao giờ, chưa ai được thấy cô xinh đẹp rạng ngời như thế! Cô ôm chầm lấy Pirosmani, nắm lấy bờ vai gày gò, ốm yếu, và tựa mình vào chiếc áo choàng len cũ kỹ của anh.

- Sao thế anh? - cô hỏi, giọng hổn hển. - Sao anh mang đến cho em cả biển hoa thế này, vào sinh nhật của anh? Niko, em không hiểu gì cả, anh ạ.

Pirosmani lặng thinh. Nhưng Margarita cảm thấy sức mạnh tràn trề của tình yêu từ chàng họa sĩ, với tất cả thân thể cô, tất cả tâm khảm cô và tất cả bầu nhiệt huyết đang rừng rực trong cô, cho dù chàng trai không đáp lời cô. Lần đầu trong đời, cô đặt nụ hôn lên môi Pirosmani. Cô làm điều ấy giữa cảnh thanh thiên bạch nhật, trước tất cả thường dân hẻm Sololaki của thành phố Tiflis.

Vài người quay đi để giấu những giọt nước mắt. Và nhiều người thầm nghĩ, đấy nhé, một tình yêu lớn bao giờ cũng tìm được con đường đến trái tim kẻ khác, cho dù trái tim ấy có lạnh lẽo đến mấy đi nữa. Vì ai nấy đều biết Pirosmani yêu say đắm Margarita, nhưng Margarita thì không yêu chàng trai, mà chỉ thương chàng bởi chàng đã phải sống cuộc đời bất hạnh và khốn khổ.

Người ta đã kể về câu chuyện tình của Pirosmani theo nhiều cách và tôi chỉ chấp nhận một cách trong số đó. Tôi ghi lại nó ở đây, ngắn gọn, và không quá dò xét sự chân thực của một số chi tiết. Điều đó, tôi để dành cho những kẻ lắm chuyện nhàm chán!

Nhưng, có một điều tôi vẫn phải nói, vì đó là một trong những sự thật cay đắng nhất của thế gian này: chẳng bao lâu sau, Margarita đã tìm được một kẻ giàu có theo đuổi cô, và cùng tay này, cô đã đi khỏi Tiflis...

Theo Nhịp cầu thế giới online, Hungary: "Konstantin Paustovsky - H.Linh dịch và giới thiệu"
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Biển nhớ

TRIỆU BÔNG HỒNG
A. Voznhexenxki
(Thái Bà Tân dịch)

Xưa một chàng họa sĩ
Có tranh và có nhà
Bỗng đem lòng yêu quý
Một nàng rất mê hoa

Và chiều lòng người đẹp
Để lấy tiền mua hoa
Chàng đã đem bán hết
Cả tranh và cả nhà

Chàng đã mua hàng triệu bông hồng
Ngoài cửa sổ cứ nhìn ta sẽ thấy
Rằng người yêu có yêu thật hay không
Khi bán nhà để mua hoa như vậy

Sáng hôm sau thức dậy
Nàng nhìn ra lặng người
Tưởng đang mơ vì thấy
Cả một rừng hoa tươi

Nàng ngạc nhiên, đang nghĩ
Ai đây chắc rất giàu
Thì thấy chàng họa sĩ
Đang tội nghiệp, cúi đầu

Họ gặp nhau chỉ vậy
Rồi đêm nàng đi xa
Nhưng đời nàng từ đấy
Có bài hát về hoa

Có chàng họa sĩ nọ
Vẫn vợ không , tiền không
Nhưng đời chàng từng có
Cả một triệu bông hồng

Chàng đã mua hàng triệu bông hồng
Ngoài cửa sổ cứ nhìn ta sẽ thấy
Rằng người yêu có yêu thật hay không
Khi bán nhà để mua hoa như vậy.
Tượng Thờ dù đổ vẫn thiêng
Miếu thờ bỏ vắng vẫn nguyên miếu thờ
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoa Xuyên Tuyết

Tớ rất hâm mộ nhà thơ - nhà giáo Thái bá Tân, đặc biệt thích những bản dịch thơ trẻ em của chú ấy. Nhưng riêng bài trên, nếu là của chú ấy dịch thật (trong Thi Viện ghi là chưa rõ) thì quả là tớ hơi thất vọng. Không, rất thất vọng!
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyệt Thu

Bài hát " Triệu bông hồng " này mình đặc biệt thích, thích vì giai điệu là chính vì mình chẳng biết tiếng Nga. Qua lời Việt, cũng hiểu được bập bõm về một mối tình đơn phương của một chàng họa sĩ với một người đẹp kiêu sa. Đã nhiều lần muốn tìm hiểu về bài hát, bài thơ và câu chuyện tình lãng mạn và tình yêu say đắm của chàng trai ấy, hôm nay được đọc , được biết, thích thú vô cùng. Cám ơn HXT nhé!
Ừ, mình thấy bài thơ dịch này khô khan và hơi bị...thường! Nếu chỉ hiểu câu chuyện tình yêu đó qua bài thơ này thì nó như chẳng có gì đặc biệt để làm người ta có thể say mê đến thế!
"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoa Xuyên Tuyết

Hu hu, chị NT ơi, lời thơ bản gốc nó không khô như ngói thế kia đâu ạ :-(
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 5 trang (49 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] ›Trang sau »Trang cuối