Trang trong tổng số 5 trang (49 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [2] [3] [4] [5]

Ảnh đại diện

Phượng Hoàng _Lửa

.

CÂU CHUYỆN : "LỠ BƯỚC SANG NGANG”



ĐỌC  “Lỡ bước sang ngang” ngày xưa, nhiều người đã thắc mắc : Một cô gái mười bảy tuổi đi lấy chồng, không thấy nói gì ép gả, không thấy nói không có tình yêu, vậy mà sao đoạn đầu tả ngày cưới buồn thế:
           … Lần này chị bước sang ngang
       Là tan vỡ giấc mộng vàng từ đây…
            Cũng là thôi, cũng là đành
       Sang ngang lỡ bước riêng mình chị đâu?


Chưa về nhà chồng mà đã lo “lỡ bước” là làm sao? Lại nữa, nhiều bài thơ, tác giả “Lỡ bước sang ngang” đề tặng : gửi chị Trúc. Vậy chị Trúc là ai? Có chị Trúc thật không?

Thì ra có một chị Trúc thật. Tên chị là Lê Thị N.Th, khá đẹp và có tâm hồn thơ mộng. Chị đã có chồng là ông chủ một hiểu ảnh ở đường Hà Nội – Hà Đông. Gia đình chị không có hạnh phúc, luôn mâu thuẫn, rất khổ tâm. Sau chị yêu nghệ sĩ Trúc Đường là anh ruột Nguyễn Bính

              ”Dừng chân trên bến sông buồn,
          Nhà nghệ sĩ tưởng đò còn chuyển sang?”
          ... “Chị từ dan díu với tình,
          Đời tươi như buổi bình minh nạm vàng …”


Hai người đã quyết tâm lấy nhau, đã thuê nhà ở riêng... Nhưng rồi sau mối tình không thành:

          … Rồi đêm kia lệ ròng ròng,
          Tiễn đưa người ấy sang sông chị về…


Nguyễn Bính lấy tên hiệu anh mình gọi chị là chị Trúc. Cảm động vì mối tình đau khổ dở dang lại được chị Trúc rất yêu mến chiều chuộng. Nguyễn Bính đã làm một bài thơ dài tặng anh chị. Bài thơ dài 110 câu chính là để kỷ niệm 110 ngày (hơn 3 tháng) anh chị mình đã gắn bó trong tình yêu hạnh phúc.

Biết được xuất xứ này, bây giờ ta có thể hiểu khá rõ ràng từng câu chữ trong thơ Lỡ bước sang ngang.
"Chỉ còn anh và em
Cùng tình yêu ở lại"
______________________________________
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Phượng Hoàng _Lửa

.

HƯƠNG THẦM    

Phan Thị Thanh Nhàn



Tôi nghe tên nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn đã lâu, từ khi đọc và thích “Hương thầm” của chị. Trong cái không khí sục sôi cả nước lên đường chống Mỹ cứu nước, “Hương thầm như một lời thủ thỉ, nhắn gửi tha thiết với người ra trận, nuôi dưỡng cho họ ý chí chiến đấu, mong ngày thắng lợi để trở về với người yêu thương. Người phải khéo và tinh tế lắm mới diễn tả được cái tình ý nhị như vậy. Cái hay không phải ở câu chuyện mà ở cái tình và những ngôn từ đằm thắm, thanh lịch.

Sau này, khi quen biết, có lần tôi hỏi chị:
- Trong cảm xúc thế nào mà chị viết “Hương thầm” hay đến vậy, không chau chuốt, cầu kỳ ở ngôn từ mà da diết, dịu nhẹ, sâu lắng, đầy chất lãng mạn của một thời, nhưng lại có sức rung động ở mọi thời?.

Chị bảo : - Tôi cũng không tưởng tượng bài thơ lại được nhiều người yêu mến đến vậy, trên mạng bây giờ mọi người vẫn bình luận rất hứng thú về khung cửa sổ, về hoa bưởi.

Rồi giọng chị nhỏ lại và nhìn vào xa xăm : Tôi chỉ nhớ hồi đó tôi đi làm thường phải qua đường tàu Khâm Thiên, hay gặp đoàn tàu chở những người lính trẻ vào chiến trường Miền Nam, trong đó có cả em trai tôi. Những người đứng hai bên đường khi tàu đi qua thường vẫy tay tạm biệt và rưng rưng nước mắt bởi rất có thể những người lính trẻ kia ra đi không quay trở lại.

Trong sân nhà tôi ở Yên Phụ trước kia có cây bưởi, sáng dậy hoa rụng đầy sân, tôi thường nhặt cho vào túi xách đi làm. Cậu em trai tên Khải của tôi biết chị thích hoa bưởi cũng thường nhặt hoa hoặc trèo lên hái hoa đặt vào bàn của chị. Rồi cậu ấy ra trận và không bao giờ trở về. Tôi viết bài “Hương thầm” để tặng Khải. có thể lúc đó Khải chưa yêu đâu, nhưng có cô bạn thân học chung một lớp. Tôi mượn hương bưởi trong khăn tay cô gái hàng xóm để tiễn em mình. Tôi thương Khải lắm, từ chiến trường khốc liệt, Khải viết thư về nói : Em nghe đài ngâm bài “Hương thầm”của chị. Vậy mà tôi chưa kịp viết lại cho em để nói rằng bài thơ chị viết về em đó thì Khải đã hy sinh để rồi “Hương thầm” cứ lặng lẽ, đến người trong cuộc cũng không biết.

Giấu một chùm hoa trong chiếc khăn tay
 Cô gái ngập ngừng sang nhà hàng xóm
 Bên ấy có người ngày mai ra trận…

 Nào ai đã một lần dám nói
 Hương bưởi thơm cho lòng bối rối
 Anh không dám xin
 Cô gái chẳng dám trao
 Chỉ mùi hương đầm ấm thanh tao
 Không giấu được cứ bay dịu nhẹ
 Cô gái như chùm hoa lặng lẽ
 nhờ hương thơm nói hộ tình yêu.


Đọc những tình cảm như vậy, ai cũng nghĩ đó là mối tình đầu đầy   “lãng mạn cách mạng”  của chị.

Câu chuyện đó xảy ra đã lâu lắm rồi, tới 43 năm, người ra trận cũng đã hy sinh nơi chiến trường xa. Nhưng “Hương thầm” đã làm nên tên tuổi của chị và chị cũng làm nên bất tử tên một loài hoa.

Khánh Vy  


TB : Kính dâng hương hồn liệt sĩ Khải lòng biết ơn sâu sắc...

"Chỉ còn anh và em
Cùng tình yêu ở lại"
______________________________________
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đồ Nghệ

.

Hữu Loan: "Tôi không có ý định 'bán' Màu tím hoa sim"



http://i682.photobucket.com/albums/vv185/btmit2006/NhthHuLoan.jpg
Nhà thơ Hữu Loan


Sau ngày nhà thơ Hữu Loan "bán" bài thơ  Màu tím hoa sim, đã có một số tổ chức, cá nhân khác ở trong và ngoài nước đến đặt vấn đề muốn được khai thác toàn bộ những tác phẩm thi ca do ông sáng tác. Song ông không đồng ý bởi nhiều lý do, cơ bản nhất là: "Thơ tôi làm ra không phải để bán...". Dưới đây là cuộc trò chuyện với nhà thơ.

- Xin ông cho biết những cảm xúc của mình khi viết nên bài  Màu tím hoa sim được nhiều người coi là một "kiệt tác" của thi ca VN thế kỷ 20?

- Làm sao tôi có thể quên được điều đó. Màu tím hoa sim  là màu tang thương của một tình yêu định mệnh, tình vợ chồng ngắn ngủi mà giờ đây nó chỉ còn lại trong ký ức của riêng tôi. Đó là một mối tình ly kỳ nhất và tôi là người may mắn nhất được tạo hóa ban tặng. Ngày tôi đặt chân đến gia đình ông Lê Đỗ Kỳ (sau này là nhạc phụ) làm gia sư cho ba người con trai của ông, cũng là ngày vợ ông ấy sinh hạ một bé gái xinh xắn. Nhưng có một điều khác thường ở chỗ là cô bé không cất tiếng khóc chào đời như mọi đứa trẻ khác. Gia đình họ mang cô bé đặt lên trên nắp một cái thùng phuy để cầu nguyện một điều gì đó, tôi tò mò lại ngắm nhìn thì cô bé nhoẻn miệng cười với tôi. Lớn lên, tôi đi đâu cô bé ấy cũng đòi đi theo.

Và còn một điều kỳ lạ nữa là khi tôi quay trở lại làm gia sư dạy học cho chính cô bé sau này là vợ mình, nhà ông tham Kỳ lúc nào cũng có vài ba mươi người ăn, kẻ ở hầu hạ thế nhưng cô ta luôn giữ vali và không cho bất kỳ ai giặt quần áo của tôi, mà tự tay cô ấy giặt, là lấy rồi gấp xếp vào vali cho tôi. Cô bé càng lớn càng đẹp, một vẻ đẹp thánh thiện. Chúng tôi cưới nhau ngày 16/2/1949 thì đến ngày 29/5 cùng năm đó, vợ tôi tên là Lê Đỗ Ninh mất do chết đuối, khi tôi đang hoạt động cách mạng ở Nưa (huyện Triệu Sơn, Thanh Hoá). Đau thương này kéo dài lắm. Và cũng chính vì lẽ đó nên sau khi cô ấy mất, tôi có ý định không lấy vợ nữa. Mỗi lần nhớ tới cô ấy là tôi lại "khóc" ra một quãng của bài thơ  Màu tím hoa sim hoàn chỉnh bây giờ.

- Nhưng rồi định mệnh lại đưa ông đến với một người phụ nữ khác, sống cùng ông đến ngày hôm nay và đã sinh cho ông tới 10 người con...

- Người vợ thứ hai là bà Phạm Thị Nhu, sống với tôi hơn 50 năm rồi. Bà ấy cũng là một người phụ nữ sâu sắc. Tôi vẫn chưa thể nào quên được hình ảnh của một cô bé vào mỗi buổi chiều lại lén lút đứng bên ngoài song cửa sổ nghe tôi giảng Kiều ở trường Mai Anh Tuấn. Khi gặp nhau, cô bé ấy mới nói vì đi nghe tôi giảng Kiều nên nhiều hôm để trâu ăn lúa, nên bị bắt phạt. Thì ra cô ta cũng là người có tâm hồn. Khiến tôi vẫn phải suy nghĩ rất nhiều mới có quyết định này. Rất may là sự quyết định của tôi đã không nhầm.

- Điều tâm đắc nhất trong những tác phẩm của ông là gì?

- Trong thơ tôi có niềm khát khao cháy bỏng cho một đất nước được tự do, cho dân tộc được giải phóng khỏi ách đô hộ, đó là niềm tâm đắc lớn nhất. Còn nhớ, ngày đó có một viên trung tướng phục vụ cho thực dân Pháp được giao nhiệm vụ theo dõi để ám sát tôi. Vì lý do gì thì tôi không biết, nhưng ông ấy đã tìm gặp và nói với tôi rằng, khi ông ta đọc xong bài thơ Yên Mô thì ông ấy đã từ bỏ ý định ám sát tôi. Ông ấy rất yêu bài thơ  Yên Mô của tôi viết về quê hương ông. Viên trung tướng nói, mỗi một lúc ông nhớ quê là lại đọc bài Yên Mô. Mỗi lúc định giết tôi, viên tướng lại nhớ đến quê mình nên lại thôi. Nhà nghiên cứu và phê bình văn học Đặng Thai Mai cũng đã từng nói rằng, ông rất thích câu thơ cuối cùng trong bài  Yên Mô:

"Canh làng du kích Yên Mô
Nửa đêm trăng mọc đỏ như cháy đồi".

Ông Đặng Thai Mai nhận xét rằng, câu thơ đã đốt cháy rực cả bài thơ lên. Nửa đêm trăng mọc, nhưng người ta cứ tưởng là du kích đánh cháy đồn địch. Cái sức sống mạnh mẽ trong mỗi tác phẩm thi ca là ở chỗ phải ghi được dấu ấn trong một thời khắc đặc biệt. Bài thơ Tình thủ đô  cũng là một minh chứng xác thực cho niềm tâm đắc mà tôi vừa nói ở trên. Vào những năm 50 của thế kỷ trước, đất nước ta gặp rất nhiều khó khăn trước kẻ thù xâm lược là thực dân Pháp. Một bộ phận trí thức chán nản, muốn quay lại nội thành Hà Nội. Nhưng bài thơ  Tình thủ đô  đã kêu gọi được tầng lớp trí thức là giáo viên, bác sĩ vững tin ở lại với kháng chiến, phục vụ cho kháng chiến.

- Khoản tiền 100 triệu đồng thu về từ việc "bán" bài thơ  Màu tím hoa sim đến nay được ông sử dụng thế nào?

- Sự thật tôi không có ý định "bán" Màu tím hoa sim, nhưng thấy họ giải thích thuyết phục nên mới xuôi lòng. Khoản tiền 100 triệu đồng, trừ thuế còn 90 triệu, chia "lộc" cho 10 người con hết 60 triệu đồng. Tôi giữ lại 30 triệu, phòng ốm đau lúc tuổi già.

Nhà thơ Hữu Loan tên thật là Nguyễn Hữu Loan, sinh ngày 14/6/1919 tại làng Vân Hoàn, xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn, Thanh Hoá. Ông đỗ tú tài Tây sau đó đi dạy học, tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền ở huyện Nga Sơn. Khi cách mạng thành công, Hữu Loan giữ chức Uỷ viên Thông tin tuyên truyền trong Uỷ ban lâm thời của chính quyền tỉnh Thanh Hoá.
Từng công tác tại Hội nhà văn Việt Nam kiêm Chủ bút tờ Chiến Sĩ. Hữu Loan nổi tiếng với nhiều bài thơ tình lãng mạn như:  Màu tím hoa sim, Tình thủ đô, Hoa lúa, Yên Mô... Các tác phẩm thi ca của Hữu Loan bị thất lạc hiện được người con trai út Nguyễn Hữu Đán sưu tầm và lưu giữ. Tuy nhiên đến thời điểm này nhà thơ Hữu Loan vẫn chưa cho ra mắt bạn đọc một tập thơ nào. Ông sống trong một ngôi nhà nhỏ tại quê hương, các con của ông đã trưởng thành và có cuộc sống tương đối ổn định.

Hữu Loan từng trải qua những năm tháng rất cơ cực, ông đi thồ đá, vợ tráng bánh bèo nuôi các con ăn học. Song cho đến bây giờ như ông nói: "Tôi đã được trả lại tất cả rồi. Hiện tôi đang sống bằng một khoản tiền 400 nghìn đồng do Hội Nhà văn Việt Nam trả hàng tháng".

Nguyễn Anh Tuấn
Nguồn: Báo Lao động
...
Все пройдет и печаль и радость
Все пройдет так устроен свет
Все пройдет только верить надо
Что любовь не проходит нет ..
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Phượng Hoàng _Lửa

.

SÔNG THƯƠNG NƯỚC CHẢY ĐÔI DÒNG



Trong đời Nguyễn Bính có nhiều mối tình, song đều “sang ngang lỡ bước” cả! Dạo ấy ở Bắc Giang có “Tao đàn sông Thương” gồm toàn nữ sĩ khá thu hút bốn phương. Nguyễn Bính cùng Vũ Hoàng Chương…đã về chơi với Bằng bá Lân quê ở đó, nhân thăm thú tao đàn. Sau đó Nguyễn Bính yêu nữ sĩ V. A  . Kể ra hai người thật đẹp đôi, cùng là thi sĩ, cùng khuynh hướng sáng tác về “Hương đồng gió nội”..Nhưng thật lạ kỳ, cứ như chuyện trương Chi vậy. V. A rất mê thơ Nguyễn Bính và Nguyễn Bính cũng mê thơ V. A. Nhưng hễ gặp nhau là nàng “Mỵ Nương” lại vỡ mộng! Không biết vì Nguyễn Bính nom “Chân quê”quá, hay ngược lại nàng sợ chàng thi sĩ kinh thành “Đa đoan vó ngựa chung tình bánh xe” hay vì gì gì nữa? cuối cùng mối tình tan vỡ.

Ngồi trên tàu về Hà Nội, Nguyễn Bính đọc cho Vũ Hoàng Chương nghe mấy câu tâm sự:

Sông thương nước chảy đôi dòng
Bao giờ bên đục bên trong hài hòa?

Ngậm ngùi một bước một xa,
Đến đây là…đến đây là…là thôi…


Sau này khi nghe V.A đi lấy chồng, Nguyễn Bính đã hoàn chỉnh bài thơ trên. Đó là bài:

Cao tay nâng chén rượu hồng,
Mừng em , em sắp lấy chồng xuân nay.
Uống đi em uống cho say.
Để trong mơ sống những ngày xuân qua.
Thấy tình duyên của đôi ta,
Đến đây là …đến đây là…là thôi!
Em đi dệt mộng cùng người,
Lẻ loi xuân một góc trời, riêng anh.


Sau đó, Nguyễn bính còn viết cả một tập thơ “Hương – cố nhân” (Hương là bí danh của V.A. dùng để viết thư cho Nguyễn Bính) có câu đề từ :

Xây bao nhiêu mộng, thế mà
Đến nay phải gọi người là cố nhân.
.
"Chỉ còn anh và em
Cùng tình yêu ở lại"
______________________________________
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đồ Nghệ

.

Vương Trọng mê  “Kiều”


Mê “Truyện Kiều”, Vương Trọng đặt cho con trai đầu của mình tên gọi Vương Liêu Dương (Liêu Dương: quê Kim Trọng). Ông kể: Khi biết vợ có thai cũng là lúc ông nhận nhiệm vụ vào Nam công tác. Và ông ghi ra giấy, yêu cầu vợ khi sinh, nếu là con trai thì đặt Vương Liêu Dương, là con gái đặt Vương Lam Kiều...

Ông là người rất mê   Truyện Kiều   và đặc biệt sùng bái cụ Nguyễn Du. So với các nhà văn ở ngôi nhà số 4 Lý Nam Đế (trụ sở tạp chí Văn nghệ Quân đội), về mặt này ông luôn đứng ở vị trí “thì treo giải nhất chi nhường cho ai”. Sự đam mê ấy của ông như “duyên tiền kiếp”, bởi ngay từ khi mới lọt lòng, ông đã mang họ của nàng Kiều và tên gọi trùng với chàng Kim. Vừa qua, ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT cho các tập thơ:  Về thôi nàng Vọng Phu; Đảo chìm; Ngoảnh lại; Mèo đi câu.

http://i682.photobucket.com/albums/vv185/btmit2006/NhathoVuongTrong-1.jpg
Nhà thơ Vương Trọng.


Truyện Kiều, Vương Trọng đã đặt cho con trai đầu của mình tên gọi Vương Liêu Dương (Liêu Dương: quê Kim Trọng). Ông kể: Khi biết vợ có thai cũng là lúc ông nhận nhiệm vụ vào Nam công tác. Và ông đã ghi ra giấy, yêu cầu vợ khi sinh, nếu là con trai thì đặt Vương Liêu Dương, là con gái đặt Vương Lam Kiều (Lam Kiều cũng là một địa danh hay được nhắc tới trong “Truyện Kiều”).
Tên con thì vậy, còn tên vợ, chắc chắn không phải vì ông chọn tên mà kết duyên với người, nhưng thật lạ kỳ, tên vợ ông lại là Vân, ứng với chuyện chàng Kim Trọng sau này nối duyên với nàng Thúy Vân.
Xung quanh cái tên Vương Trọng cũng có một chuyện vui. Chẳng là Vương Trọng có một cô bạn quen thân từ thời cô học Đại học Sư phạm. Sau này, cô ra dạy cấp III ở Trường Tân Lạc (Hòa Bình). Trong một lần gặp lại, cô thổ lộ với Vương Trọng: “Không hiểu sao, bao lần dạy học sinh  Truyện Kiều, cứ đến chỗ nói về Kim Trọng em lại nói nhầm ra thành… Vương Trọng. Thành thử phải xin lỗi các em mãi”.
Mê   Truyện Kiều, nhà thơ họ Vương cũng đã kết thân được với nhiều người cùng chung sở thích với mình. Ông kể: Năm 1982, ông sáng tác bài thơ   Bên mộ cụ Nguyễn Du  thể hiện nỗi lòng của một nhà thơ mặc áo lính trước cảnh sơ sài, hoang liêu của mộ cụ Nguyễn. “Tưởng là phận bạc Đạm Tiên/ Ngờ đâu cụ Nguyễn Tiên Điền nằm đây”.
Đến năm 1989, mộ cụ Nguyễn được tu sửa, nâng cấp. Lần ấy, Vương Trọng theo đoàn của Bộ Giao thông Vận tải vào Vinh viết bài về việc xây cầu Bến Thủy. Tiện thể, ông cùng đoàn ghé qua Nghi Xuân để thắp hương viếng nhà đại thi hào.
Khi cả đoàn làm lễ thì thấy một cụ già cung kính chắp tay đứng ngoài chờ. Việc xong xuôi đâu đấy, cụ già cởi mở nói: “Các ông có biết, mộ này được xây nhờ đâu không? Đó là nhờ bài thơ của Vương Trọng đấy”. Nói rồi cụ cứ thế hào hển đọc một mạch bài thơ   Bên mộ cụ Nguyễn Du gồm cả thảy 24 câu lục bát của Vương Trọng. So với bản gốc chỉ sai một đôi chỗ.
Quá cảm kích trước tấm lòng của cụ già, Vương Trọng đành phải xưng danh: “Dạ, thưa cụ, cháu là Vương Trọng đây ạ”. Cụ già nghe vậy buột miệng: “Tôi tưởng anh phải nhiều tuổi rồi. Thế anh thấy tôi đọc bài thơ có đúng không?”.
Về ý kiến cụ già cho rằng nhờ có bài thơ   Bên mộ cụ Nguyễn Du, mộ cụ Nguyễn mới được xây dựng khang trang, Vương Trọng lại nghĩ hơi khác: “Không có bài thơ của mình thì trước sau gì mộ cụ Nguyễn cũng được xây lại. Có điều, có thể nhờ nó mà việc xây dựng được tiến hành nhanh hơn mà thôi”.
Vương Trọng cũng cho biết, đến nay ông đã sáng tác tới 5 bài thơ có chủ đề về Nguyễn Du và  Truyện Kiều. Ngoài bài   Bên mộ cụ Nguyễn Du  trứ danh nhắc tới trên là các bài: Ghi trong Nhà Bảo tàng Nguyễn Du, Đạm Tiên, Môtíp Thúy Vân, Phác thảo Tiên Điền. Có thể vì đọc được tình cảm của ông với cụ Nguyễn như vậy mà hiện hậu duệ của cụ Nguyễn rất quý Vương Trọng, họ luôn xem ông như người trong dòng tộc.
Đấy là những cái “được” mà Vương Trọng thu về từ sự gắn bó với Nguyễn Du và   Truyện Kiều. Về cái “mất”, ông có một chuyện không vui: Vì có những quan niệm khác nhau xung quanh việc hiểu hai câu thơ “Người lên ngựa, kẻ chia bào/ Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san” mà giữa ông và một đồng nghiệp cùng cơ quan đã nổ ra cuộc tranh luận làm tốn không ít giấy mực của báo chí, không những thế còn kéo theo một số tác giả khác cùng tham gia. Tiếng bấc quăng đi, tiếng chì quăng lại, giữa hai người đã xảy ra cuộc… “chiến tranh lạnh” kéo dài đến nay đã tới gần chục năm mà xem ra vẫn chưa thể… hàn gắn được.

Hà Khải Hưng
Nguồn: Văn Nghệ Công An

Bên mộ cụ Nguyễn Du

Tưởng rằng phận bạc Ðạm Tiên
Ngờ đâu cụ Nguyễn Tiên Ðiền nằm đây
Ngẩng trời cao, cúi đất dày
Cắn môi tay nắm bàn tay của mình
Một vùng cồn bãi trống trênh
Cụ cùng thập loại chúng sinh nằm kề
Hút tầm chẳng cánh hoa lê
Bạch đàn đôi ngọn gió về nỉ non
Xạc xào lá cỏ héo hon
Bàn chân cát bụi, lối mòn nhỏ nhoi
Lặng im bên nấm mộ rồi
Chưa tin mình đã đến nơi mình tìm
Không cành để gọi tiếng chim
Không hoa cho bướm mang thêm nắng trời
Không vầng cỏ ấm tay người
Nén hương tảo mộ cắm rồi lại xiêu
Thanh minh trong những câu Kiều
Rưng rưng con đọc với chiều Nghi Xuân
Cúi đầu tưởng nhớ vĩ nhân
Phong trần còn để phong trần riêng ai
Bao giờ cây súng rời vai
Nung vôi, chở đá tượng đài xây lên
Trái tim lớn giữa thiên nhiên
Tình thương nối nhịp suốt nghìn năm xa...

Vương Trọng
(ĐN sưu tầm và giới thiệu)
...
Все пройдет и печаль и радость
Все пройдет так устроен свет
Все пройдет только верить надо
Что любовь не проходит нет ..
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đồ Nghệ

.

Nụ cười bí ẩn của nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp


Có lẽ chăng, cái cười trong thơ Nguyễn Nhược Pháp là của một người đã nếm trải đủ sự ấm lạnh của nhân gian và thấy rằng mọi việc trên cõi đời này đều nhẹ bẫng?
Nguyễn Nhược Pháp là con trai của học giả, dịch giả văn học, nhà báo lừng danh Nguyễn Văn Vĩnh. Ông sinh năm 1914, mất năm 1938, hưởng dương 24 tuổi. Nghĩa là còn vắn số hơn vài cây bút cùng thời khác, cũng mệnh yểu và rất nổi tiếng (Vũ Trọng Phụng mất năm 27 tuổi, Hàn Mặc Tử mất năm 28 tuổi). Phần tiểu dẫn về Nguyễn Nhược Pháp trong  Thi nhân Việt Nam  cho biết: “Làm thơ từ năm 1932. Ngoài thơ có viết nhiều truyện ngắn và kịch”. Cho đến nay, độ lùi thời gian trên 70 năm, có thể khẳng định rằng truyện ngắn và kịch không phải là những thể loại làm nên tên tuổi của Nguyễn Nhược Pháp, mà đó là thơ. Và cũng chỉ là một tập  Ngày xưa  (1935) với vỏn vẹn 10 bài mà thôi. Quý hồ tinh bất quý hồ đa, 10 bài là đủ khiến Nguyễn Nhược Pháp trở thành một thi sĩ có danh trong làng Thơ Mới.
Ba năm sau cái chết của Nguyễn Nhược Pháp, tác giả của  Thi nhân Việt Nam  đã viết về tác giả của tập  Ngày xưa  với những lời trân trọng: “Thơ in ra rất ít mà được người ta mến rất nhiều, tưởng không ai bằng Nguyễn Nhược Pháp. Không mến sao được? Với đôi ba nét đơn sơ, Nguyễn Nhược Pháp đã làm sống lại cả một thời xưa. Không phải cái thời xưa nặng nề của nhà sử học, cũng không phải cái thời xưa tráng lệ hay mơ màng của Huy Thông, mà là một thời xưa gồm những sắc màu tươi vui, những hình dáng ngộ nghĩnh”. Dễ thấy, chữ “xưa” - phiếm chỉ một khoảng thời gian miên viễn trong quá khứ làm nền cho câu chuyện - đã xuất hiện khá nhiều trong thơ Nguyễn Nhược Pháp:

“Ngày xưa, khi rừng mây u ám
Sông núi còn vang um tiếng thần”
(Sơn Tinh Thủy Tinh),
“Ta ngồi bên tảng đá
Mơ lều chiếu ngày xưa”

(Tay ngà),

“Tưởng lại cờ xưa vàng chói lọi
Nên yêu người cũ hồn trên cao”

(Đi cống),

“Người xưa mơ nhìn mây
Đen, đỏ, vàng đua bay”

(Mây)...

Trong bài thơ nổi tiếng  Chùa Hương, ngay dưới nhan đề tác phẩm, tác giả chua dòng chữ: Thiên ký sự của một cô bé ngày xưa. Trọng tâm cảm hứng của cả tập thơ rõ ràng được đặt ở thời đã qua, chứ không phải đặt vào cái “ở đây”, “bây giờ”. Ngoài ra, Nguyễn Nhược Pháp cho thấy ông là một người kể chuyện có tài, ông đã làm sống lại thời xưa bằng những câu chuyện đầy duyên dáng của mình, dù đó là câu chuyện với cốt truyện rất đơn giản như trong  Tay ngà  và  Một buổi chiều xuân,  hay những câu chuyện ít nhiều đã có biến cố, có cao trào, có thắt nút mở nút như trong  Sơn Tinh Thủy Tinh Chùa Hương.
Tay ngà và  Một buổi chiều xuân là hai bài thơ có chung một môtip cốt truyện: nhân vật trữ tình mơ được gặp giai nhân. Điểm đáng chú ý ở đây là ở chỗ người mơ vào vai một nho sinh, chứ không phải vào vai một công tử con nhà quyền quý hay một thanh niên trí thức xuất thân trường Tây nào đó (không nên quên rằng Nguyễn Nhược Pháp từng học Albert Sarraut và ban Luật trường Cao đẳng Hà Nội).

“Ta ngồi bên tảng đá
Mơ lều chiếu ngày xưa
Mơ quan Nghè, quan Thám
Đi có cờ lọng đưa”

Tay ngà)

“Hôm đó buổi chiều xuân
Trông mây hồng bay vân
Liền gập pho kinh sử
Lững thững khỏi lầu văn”
(Một buổi chiều xuân).

Lều chiếu, quan Nghè, quan Thám, cờ lọng, kinh sử, lầu văn... một loạt từ như vậy xuất hiện trong văn bản, lập tức đem lại không khí “ngày xưa” cổ kính, cái ngày mà Nho học ở điểm cực thịnh, chữ thánh hiền còn quý giá hơn vàng bạc châu báu. Trong bầu không khí đặc thù được hình thành bởi giấc mơ như vậy, chàng nho sinh đã có cuộc tao ngộ tài tử - giai nhân của mình, dù chỉ trong thoáng chốc nhưng để lại dư âm bất tận. Bài  Tay ngà  là giấc mơ quan Nghè vinh quy bái tổ, giữa đường gặp hội gieo cầu tìm chồng của tiểu thư khuê các:

“Tay vơ cầu ngũ sắc
Má quan Nghè hây hây
Quân hầu reo chuyển đất
Tung cán lọng vừa quay
Trên lầu mấy thị nữ
Cùng nhau rúc rích cười
Thưa cô đừng thẹn nữa
Quan Nghè trông thấy rồi
Cúi đầu nàng tha thướt
Yêu kiều như mây qua
Mắt xanh nhìn man mác
Mỉm cười vê cành hoa”.

Đặt bài thơ này trong bối cảnh văn hóa xã hội Việt Nam nửa đầu thập kỷ 30 của thế kỷ XX, có thể nói nó thể hiện sự nuối tiếc những giá trị cổ truyền đã một đi không trở lại, nó cho thấy thái độ khước từ thực tại tư sản nhàm chán và cái tâm thế xây dựng một thế giới lý tưởng từ những dư ảnh của quá khứ. Nó cho người đọc quyền được mơ mộng một chút giữa đời thường.
Nếu ở  Tay ngà và   Một buổi chiều xuân   câu chuyện chỉ là cuộc gặp gỡ thoáng qua trong mộng, thì trong  Chùa Hương, đó đã là câu chuyện của đời thường. Vẫn những nhân vật ấy, chàng nho sinh và người con gái đẹp, nhưng vì là câu chuyện của đời thường nên nó thật sinh động và thú vị. Đọc  Chùa Hương, ta sẽ thấy lại cái rối rắm “tình trong như đã mặt ngoài còn e” của các cặp trai gái từ muôn đời nay mà Nguyễn Nhược Pháp đã khéo dựng lên thành các hoạt cảnh. Thoạt nhìn thấy một văn nhân  .“Tướng mạo trông phi thường / Lưng cao dài trán rộng”, cô gái đã đem lòng thương (yêu). Vì thương nên cô phải giữ ý giữ tứ, phải e lệ, phải “làm dáng” trước người mình thương:

“Em đi chàng theo sau
Em không dám đi mau
Sợ chàng chê hấp tấp
Số gian nan không giàu”.

Vì thương nên khi cha cô nói đến việc ra về, nghĩa là phải xa người thương, thì cô:

“Em nghe bỗng rụng rời
Nhìn ai luống nghẹn nhời
Giờ vui đời có vậy
Thoáng ngày vui qua rồi!”

Và rồi cô khấn, rất mạnh dạn, quên sạch cả sự giữ ý:

“Ngun ngút khói hương vàng
Say trong giấc mơ màng
Em cầu xin Giời Phật
Sao cho em lấy chàng”.

Chàng nho sinh cũng vậy: bị “tiếng sét ái tình” ngay từ khi mới gặp, chàng đã nguyện trở thành cái bóng của người đẹp suốt hành trình trảy hội. Tất nhiên là chàng có thừa khôn ngoan để không lộ ra mục đích thật của mình, chàng viện một lý do rất dễ lọt tai:

“Vì thương me quá mệt
Săn sóc chàng đi theo”.

Và rồi, trước người đẹp, dù sao thì chàng cũng không thể tránh khỏi hành vi... “tỏ vẻ”:

“Khi qua chùa Giải Oan
Trông thấy bức tường ngang
Chàng đưa tay lẹ bút
Thảo bài thơ liên hoàn”.

Kết bài thơ, tác giả chua thêm dòng chữ:
“Thiên ký sự đến đây là hết. Tôi tin rồi hai người lấy nhau. Vì không lấy được nhau thì cô bé còn viết nhiều. Lấy nhau rồi là hết chuyện”.
Bảy năm sau, trong tập  Quê ngoại, Hồ Dzếnh viết:

“Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở
Tình mất vui lúc đã vẹn câu thề”.

Cùng một ý, nhưng câu thơ của Hồ Dzếnh có cái vị cay đắng, chua chát, còn câu văn xuôi khép lại bài thơ của Nguyễn Nhược Pháp thì lạc quan, và rất hóm hỉnh. Chả trách Hoài Thanh phải bình luận: “Đọc thơ Nguyễn Nhược Pháp, lúc nào hình như cũng thoảng thấy bóng một người đương khúc khích cười”, và: “Người nhìn đời như một ông già nhìn đàn trẻ con rất ngộ nghĩnh mà cũng rất dễ yêu, mặc dầu người vẫn còn trẻ lắm”. Nụ cười hóm hỉnh của Nguyễn Nhược Pháp còn được giữ mãi suốt bài  Sơn Tinh Thủy Tinh. Nó thể hiện ở sự miêu tả thế giới loài vật vô cùng sống động.

Này là cảnh bộ hạ của Thủy Tinh dâng sính lễ:

“Theo sau cua đỏ và tôm cá
Chia đội năm mươi hòm ngọc trai
Khập khiễng bò lê trên đất lạ
Trước thành tấp tểnh đi hàng hai”.

Này là cảnh quân tướng của thần nước xung trận:

“Cá voi quác mồm to muốn đớp
Cá mập quẫy đuôi cuồng nhe răng
Càng cua lởm chởm giơ như mác
Tôm kềnh chạy quắp đuôi xôn xao”.

Nụ cười hóm hỉnh ấy thể hiện cả ở việc nhà thơ đã “vui vẻ hóa” vua Hùng Vương thứ mười tám:

“Nhưng có một nàng mà hai rể
Vua cho rằng thế cũng hơi nhiều”.

Cuối bài, để lý giải việc cứ 5 năm Thủy Tinh lại một lần dâng nước, Nguyễn Nhược Pháp hạ bút:

“Trần gian đâu có người dai thế
Cũng bởi thần yêu nên khác thường”.

Khi viết những câu này, hẳn nhà thơ cũng đang khúc khích cười? Có lẽ chăng, đó là cái cười của một người đã nếm trải đủ sự ấm lạnh của nhân gian và thấy rằng mọi việc trên cõi đời này đều nhẹ bẫng?
Trong bài khái luận Một thời đại trong thi ca, Hoài Thanh xếp Nguyễn Nhược Pháp vào dòng “có tính cách Việt Nam rõ rệt”. Nhưng chỉ là tạm xếp vậy thôi, vì có những điều mà nhà phê bình buộc phải thú nhận rằng mình không thể lý giải được: “Không biết ai đã giúp Nguyễn Nhược Pháp tìm ra nụ cười kín đáo, hiền lành và có duyên ấy? Alfred de Musset chăng? Dù sao đây rõ ràng là một nụ cười riêng của người Việt. Thế mà lạ, trong vườn thơ nó chỉ nở ra có một lần”. Nụ cười của thi sĩ vắn số Nguyễn Nhược Pháp, có lẽ chăng, cũng bí ẩn và hấp dẫn, cũng bắt người đời phải tìm hiểu mãi không thôi, như nụ cười bất tử của nàng Mona Lisa vậy?

Hoài Nam
Nguồn: Người đại biểu nhân dân
(ĐN s.t & giới thiệu)
...
Все пройдет и печаль и радость
Все пройдет так устроен свет
Все пройдет только верить надо
Что любовь не проходит нет ..
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đồ Nghệ

.

Nhà thơ Quang Dũng: Cẩn tắc vẫn... áy náy


Trái ngược với vóc dáng cao to, hùng dũng và tên gọi cũng rất đỗi... oai phong, sinh thời, nhà thơ Quang Dũng lại là người khá... "nhát gan". Thậm chí, quá ư cẩn thận và hay... lo cũng là một nét đặc trưng tính cách của ông.

Theo nhà thơ Yên Thao, trong ăn uống, Quang Dũng rất ngại gắp những thức ăn lạ. Ông nhìn chúng bằng con mắt cảnh giác, như thể ăn vào là bụng ắt... sinh chuyện. Ở nông thôn, mỗi lần đánh răng ông lại đi xin nước đun sôi về dùng chứ không chịu dùng nước giếng.
Quang Dũng và Trần Lê Văn là đôi bạn thân. Hồi kháng chiến chống Pháp, mỗi lần đi công tác, các ông thường rủ nhau đi cho có đôi. Trần Lê Văn có đặc tính là đi đêm sợ cọp; Quang Dũng đi ban ngày thì sợ máy bay. Thành thử, để đi được cùng nhau, họ thường rủ nhau đi lúc chạng vạng, tranh tối tranh sáng. Có những cung đường vắng vẻ, bọn cướp hay ẩn náu bên đường để ra đòn phủ đầu đối với khách xa. Quang Dũng rất sợ gặp phải bọn này nên ông đã nghĩ ra một mẹo. Vừa đi đường ông vừa lẩm bẩm (cốt để ai đó đang rình núp nghe thấy): "Bảo đợi người ta thì chẳng đợi. Có tiền mang đi hết, để người ta không còn xu nào. Đói bỏ mẹ!". Ông bảo phải ráo trước như vậy mới có cơ thoát nạn.
Sinh thời, Quang Dũng có chiếc xe đạp nhưng rất ít khi ông cho ai mượn. Mỗi lần đi đâu về, bê lên nhà, ông đều lấy dây thừng cột chặt. Có lần, cùng nhà văn Kim Lân từ nơi sơ tán về HN, mặc dù đường xa nắng gắt nhưng ông tỏ ý không muốn đèo ông bạn vàng, dù rằng nhà văn Kim Lân cũng thuộc vào hạng thấp bé nhẹ cân. Không phải ông tiếc gì bạn ông đâu mà vì ông lo đèo 2 người thì... bục lốp.
Thời kỳ không khí văn nghệ ở ta còn chưa được thật cởi mở, các bạn trẻ đến chơi với ông ở nhà xuất bản Văn học, hễ ai đó nhắc tới bài thơ Tây Tiến trứ danh của ông là ông lại ái ngại vô cùng. Có lần, ông phát hoảng lên kêu cầu một người hãy "vặn nhỏ volum" khi anh này cao hứng ngâm nga mấy câu: "Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm" từng bị xem là "rơi rớt" quan điểm tiểu tư sản của ông.
Nhà thơ Trần Lê Văn kể, có lần gặp người tình cũ ở HN Quang Dũng ngây ngất làm một mạch mấy bài thơ "Không đề" và vì sợ "lộ bem" với bà xã, ông đã "gửi nhờ" chúng trong sổ tay của Trần Lê Văn. Thế rồi không hiểu ngẫm ngợi sau trước thế nào, có lần ông đến xin lại để hủy đi. May mà Trần Lê Văn nhất quyết không nghe và nhờ thế mà sau này bạn đọc mới biết bài thơ "Không đề" tài hoa in trong tập "Mây đầu ô" của Quang Dũng.
Nhà nghèo, chỗ ở chật chội, bề bộn, song Quang Dũng cũng không sốt sắng việc sắp đặt sao cho ngăn nắp. Ông muốn đồ đạc lủng củng mỗi nơi một thứ để kẻ trộm nếu đột nhập vào nhà thì kiểu gì cũng sẽ va vấp, phát ra tiếng động. Chính vì vậy, một lần bạn thơ Ngô Quân Miện đến chơi. Khi ông vào tận gian trong thì Quang Dũng mới hay. Quang Dũng giật mình hỏi ngay: "Thế ông vào tận đây mà không... va đụng vào thứ gì à?". Rồi cứ thế nhà thơ luôn miệng thắc mắc: "Lạ thật, lạ thật!"
Cũng theo nhà thơ Ngô Quân Miện, trong những năm Mỹ đánh B52 ác liệt, một lần nhà thơ Quang Dũng đèo cháu bé con trai Ngô Quân Miện về quê. Cứ đi được 10 cây số 2 bác cháu lại dừng lại đi vệ sinh một lần và lần nào ông cũng phải tìm chỗ có hầm trú ẩn mới chịu dừng xe.
Do bộ dạng cao lớn, gương mặt râu ria, nên cũng đã có lần đi công tác địa phương, Quang Dũng bị anh chị em dân quân "bắt sống" vì ngỡ là... phi công Mỹ đang trên đường lẩn trốn. Mọi sự sau đó cũng được giải quyết ổn thỏa, Quang Dũng nói với vẻ sợ: "May mà tôi chưa bị tra tấn".
Tóm lược về tính cách cẩn thận, lo nghĩ một cách thái quá của Quang Dũng (có báo in bài về Quang Dũng, đã đặt cái tít là "Cẩn thận quá đáng"), nhà thơ Vân Long, người bạn thuộc thế hệ hậu sinh của ông đã đúc kết bằng một câu của nhóm văn nghệ sĩ xứ Đoài về tác giả Tây Tiến như sau; "Đó là một người hễ mở cửa sổ khi ngủ thì sợ trúng... gió độc, mà đóng kín cửa thì lại sợ bị... ngạt hơi".

Phạm Nhật Linh
Nguồn: Văn Nghệ Công An
...
Все пройдет и печаль и радость
Все пройдет так устроен свет
Все пройдет только верить надо
Что любовь не проходит нет ..
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đồ Nghệ

.tạm xoá.
...
Все пройдет и печаль и радость
Все пройдет так устроен свет
Все пройдет только верить надо
Что любовь не проходит нет ..
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Phượng Hoàng _Lửa

.

DẤU SON TRÊN MÁ


Hồi Nguyễn bính yêu A.T. một lần sôi nổi Bính ôm hôn lên môi người yêu! A.T. con gái tỉnh nhỏ, tỏ vẻ ngây thơ sợ sệt, ngượng ngùng. Bính bèn rút luôn giấy bút làm một bài thơ tặng :

Anh đi chẳng hen ngày về,
Chỉ thề ai buộc, tóc thề ai chôn.
Muốn gì?  Em muốn gì hơn?
Hôn hoàng nay lại hoàng hôn mai ngày.
Môi khô, tóc liễu, thân gầy,
Anh xa, em kẻ lông mày với ai?
Thơ không làm chọn một bài,
Đàn không gượng gẩy một vài khúc ngâm.
Ông tơ già lắm nên nhầm,
Ai cho xum họp, ai làm chia phôi.
Chẳng thà đừng kết duyên đôi
cho đoàn tụ để rồi xa nhau.
Tính năm, tính tháng thêm rầu,
Ấy hai con én ngang lầu bay bay…


Bài thơ tiên đoán được những khó khăn khó thành công. Riêng A.T. khi nhận ra nhũng chữ đầu câu là :”Anh chỉ muốn hôn môi A.T. Đàn ông ai chẳng có tính ấy” Thì vừa yêu mến, vừa cảm phục, bèn ôm hôn lại vào má Nguyễn Bính một cái. Đôi môi son in dấu đỏ tươi!

Về đến Hà Nội, Nguyễn Bính vẫn giữ dấu son trên má ấy. Các bạn thơ như Hồ Tăng Ấn, Trúc Sơn,Trần Huyền Trân, Thâm Tâm xúm vào đùa chế. Nguyễn Bính mặc kệ, còn tuyên bố :
- Ngày xưa vua Tự Đức khóc Bàng Phi, có câu :

Đập cổ kính ra tìm lấy bóng
Xếp tàn y lại để dành hơi…


Mình không có gương mà tìm bóng, không có quần áo cũ để tìm hơi, chỉ có dấu son môi của nàng, còn quý hơn, phải giữ gìn trân trọng chứ.

Không biết sẽ giữ bao lâu, nếu không có Vũ Hoàng Chương phê phán :
- Dấu son trên má thì quý cái nỗi gì? Hoặc là cô ta chưa yêu cậu say đắm, hoặc là cô ta quê kiểng quá, không dám hôn môi , giữ làm gì ?.

Tuy vậy, Bính cũng giữ được đến thứ bảy.
Tô Hoài còn kể thời đó đến khổ vì hai anh bạn thơ là Vũ Hoàng Chương và Nguyễn Bính, có lần Tô Hoài đi giữa, hai người khoác tay đi hai bên. Hai chàng thi sĩ đa tình, rượu say chếnh choáng vừa đi vừa ngâm thơ tình oang oang. Vũ Hoàng Chương thì rên rỉ : Tố của hoàng ơi! Tố của ta.

Nguyễn Bính thì nghêu ngao :
Ta cười : Bữa ấy mình toan giữ,
Mãi mãi dấu son trên má mình


Kể cũng là những cuồng si !
"Chỉ còn anh và em
Cùng tình yêu ở lại"
______________________________________
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 5 trang (49 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [2] [3] [4] [5]