Trang trong tổng số 14 trang (135 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [2] [3] [4] [5] [6] [7] [8] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

doanhong

東山-

Đông Sơn

Đông Sơn



我徂東山、
慆慆不歸。
我來自東、
零雨其濛。
我東曰歸、
我心西悲。
制彼裳衣、
勿士行枚。
蜎蜎者蠋、
烝在桑野。
敦彼獨宿、
亦在車下。
-

ngã tồ đông sơn
thao thao bất quy
ngã lai tự đông
linh vũ kì mông
ngã đông viết quy
ngã tâm tây bi
chế bỉ thường y
vật sự (sĩ) hàng mi (mai)
quyên quyên giả thục
chưng tại tang dã
đôi bỉ độc túc
diệc tại xa hạ
Ta chinh chiến núi Đông,
Biền biệt không trở về.
Ngày về từ phương Đông,
Trời mưa rơi lất phất.
Ta từ phương Đông về,
Lòng bi thương về tây.
Lo may áo  mặc thường,
Hết ngậm đũa hành quân.
Sâu đâu bò ngọ nguậy,
Ở trên đám ruộng dâu.
Người kia co ro ngủ,
Trơ trọi dưới gầm xe.


我徂東山、
慆慆不歸。
我來自東、
零雨其濛。
果臝之實、
亦施于宇。
伊威在室、
蠨蛸在戶。
町畽鹿場、
熠燿宵行。
亦可畏也、
伊可懷也。
-

ngã tồ đông sơn
thao thao bất quy
ngã lai tự đông
linh vũ kì mông
quả loã chi thực
diệc thi vu vũ
y oai tại thất
tiêu sao tại hộ
đinh thoản lộc trường
dực dực tiêu hành
diệc khả uỷ dã
y khả hoài dã
Ta chinh chiến núi Đông,
Biền biệt không trở về.
Ngày về từ phương Đông,
Trời mưa rơi lất phất.
Quát lâu đà kết trái,
Quả thòng xuống mái hiên.
Đầy nhà gián đất chạy,
Ngoài cửa sổ nhện giăng.
Đất trống thành sân nai,
Đom đóm chiếu lập lòe.
Cảnh thê lương đáng sợ,
Nhưng đáng bao thương nhớ.


我徂東山、
慆慆不歸。
我來自東、
零雨其濛。
鸛鳴于垤、
婦歎于室。
洒掃穹窒、
我征聿至。
有敦瓜苦、
烝在栗薪。
自我不見、
于今三年。
-

ngã tồ đông sơn
thao thao bất quy
ngã lai tự đông
linh vũ kì mông
quán minh vu đạt (điệt)
phụ thán vu thất
sái tảo khung trất
ngã chinh duật chí
hữu đôn qua khổ
chưng tại lật tân
tự ngã bất kiến
vu kim tam niên
Ta chinh chiến núi Đông,
Biền biệt không trở về.
Ngày về từ phương Đông,
Trời mưa rơi lất phất.
Quán kêu trên tổ kiến,
Chinh phụ khóc phòng khuê.
Quét rửa, lấp lỗ vách,
Nghĩ chinh phu sắp về.
Khổ qua trái tròn tròn,
Treo trên dàn củi lật.
Ta từ khi xa cách,
Nay đã có ba năm.


我徂東山、
慆慆不歸。
我來自東、
零雨其濛。
倉庚于飛、
熠燿其羽。
之子于歸、
皇駁其馬。
親結其縭、
九十其儀。
其新孔嘉、
其舊如何。
-

ngã tồ đông sơn
thao thao bất quy
ngã lai tự đông
linh vũ kì mông
thương canh vu phi
dực dực kì vũ
chi tử vu quy
hoàng bác kì mã
thân kết kì li
cửu thập kì nghi
kì tân khổng gia
kì cựu như hà
Ta chinh chiến núi Đông,
Biền biệt không trở về.
Ngày về từ phương Đông,
Trời mưa rơi lất phất.
Chim hoàng ly bay bay,
Cánh chim bay lấp loáng.
Cô kia về nhà chồng,
Ngựa đỏ, vàng, đốm trắng.
Mẹ kết cho khăn giắt,
Nghi lễ thật rườm rà.
Chồng vợ mới hài hòa,
Tình xưa, ta ra sao?
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

doanhong

Nỗi đau thế kỉ và ý nghĩa nhân văn trong tác phẩm Victor Hugo
Bài viết được đăng lúc 3:51:27 PM, 01.09.2008


THÁI THU LAN

Thông thường, mỗi văn nhân nghệ sĩ đều có nỗi đau đời, nỗi đau nhân thế. Nỗi đau này băt nguồn từ tấm lòng nhân ái và ý thức trách nhiệm của người nghệ sĩ trước cuộc sống và số phận con người qua những biến động của xã hội.



Nhà văn Lermontov (l814 - l841) đã có một câu nói rất cảm động:
"Tôi ra đời ở đây, nhưng tâm hồn tôi không ở nơi đây" - Bi kịch của nhà văn Nga là ở mối mâu thuẫn giữa thực tại đời sống và những mong ước của người nghệ sĩ đối với thực tế. Sự dằng xé không nguôi ấy đã khiến tâm hồn ông không yên ổn, phải đi đến những nơi xa, khao khát kiếm tìm một chân trời mà ông hy vọng có thể phù hợp với khát vọng của mình.
Cùng mang một tâm trạng như thế, không nhà thơ lãng mạn của nước Pháp ở thế kỉ XIX đều lâm vào một tình cảnh tương tự. Trước một thực tại xã hội đầy biến động, khi những lí tưởng sáng chói về Tự do dân chủ của các thế hệ những nhà Bách khoa và Cách mạng trước đó bị phản bội; họ đều có tâm lí vỡ mộng một cách sâu cay. Thay cho những giá trị đã từng được cổ vũ trong thế kỉ trước, xã hội hôm nay lại dựng nên tượng đài cho đồng tiền, kích động những dục vọng thấp hèn làm con người trở nên vị kỷ và tàn nhẫn. Thế rồi giữa bãi sa mạc của tính vị kỉ (Stendhal) ấy, xuất hiện bọn người giàu sụ, bất chấp mọi thủ đoạn kiếm tiền, từ đó mà nắm quyền thống trị bằng cách thôn tính và đổi thay xã hội; tạo nên cái tình trạng mà nhà văn Flaubert đã tiên tri từ trước: "Thế là bóng đen của Chủ nghĩa tư bản đã bao phủ toàn bộ Thế kỉ XIX".
Trong bối cảnh của cuộc tranh giành về quyền lực sinh tử ấy, chưa bao giờ xã hội Pháp lại chứng kiến nhiều biến động về thể chế chính trị đến thế:
- hai nền Đế chế của:    - Napoléon I (l804 - l814).
                                               - Napoléon III (1852 - 1870)
- ba triều đại quân chủ của:. - Louis XVIII (1814 - 1824)
- Charles X (1824 - 1830)
- Louis Philippe (1830 - 1848)
- và ba lần thành lập chế độ Cộng hòa:
           - lần 1: năm 1792 (sau Cách mạng 1789)
           - lần 2: năm 1848 (trong Cách mạng tháng II)
           - lần 3: năm 1871 (sau Cách mạng Công xã Paris)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

doanhong

Với sự thông cảm sâu sắc trước nỗi khổ của người dân lương thiện là nạn nhân của các thảm họa chiến tranh, của tình trạng thất nghiệp, đói nghèo, bị ngược đãi v.v...; nỗi buồn vô cớ của nhà thơ lãng mạn đã trở thành nỗi buồn thế kỷ một căn bệnh thời đại được phản ánh trong tác phẩm và thể hiện tấn bi kịch của các nhà thơ, nhà văn và nghệ sĩ không hòa hợp được với một xã hội thực dụng và tàn nhẫn. Điều đó có thể thấy biểu hiện trong thơ văn của những tác giả nổi tiếng nhất trong trường phái lãng mạn Pháp thế kỉ XIX.
FranØois René de Chateaubriand chua chát thốt lên nỗi niềm tủi nhục của Con người thừa bị xã hội ruồng bỏ: "... Người ta lên án tôi là luôn bỏ qua cái đích mà tôi có thể đạt được: hỡi ôi! Tôi chỉ tìm một điều hay lẽ phải chưa từng biết mà bản năng thôi thúc tôi. Phải chăng là lỗi của tôi, nếu tôi thấy khắp nơi những giới hạn. ..?" (l) (René)
Alphonse de Lamartine khóc than nỗi đau của Con người cô đơn nơi trần thế qua các vần thơ:
". ..Bốn phương tám hướng vời trông
Nào đâu hạnh phúc giữa vòng trần ai!" (2)
(Cô đơn - L'isolement)
hoặc:
"... Hỡi đất trời, hỡi thiên nhiên êm ái.
Ta nợ người giọt nước măt bên mồ
Hương thu ngát, ánh ngày trong sáng thế,
Trong măt kẻ lìa đời, đẹp quá nắng ban mai?
(Mùa thu- L' automne)
Alfred de Vigny nêu hình tượng Con người khắc kỉ không được hiểu, không được yêu thương; hiên ngang chống chọi đến cùng với cảnh ngộ:
Giương đôi mắt sói nhìn quanh quẩn
Trên toàn thân dao vẫn căm sâu.
...Thản thiên nhắm mắt, chẳng kêu nửa lời.
... Ôi con người sao ta thấy nhục
Danh cao sang, bạc nhược trăm đường" (4)
(Cái chết của con sói - La mort du loup)
Và Alfred de Musset phác họa nên Con người tuẫn tiết mang sứ mệnh cao cả của người nghệ sĩ, trong những lời thơ:
"Đập vỡ tim, não nùng chết thảm
Chào từ ly giữa khoảng canh trường" (5)
(Đêm tháng năm - Nuit de Mai)
và những dòng tuyên ngôn:
"Hỡi nhân dân các thời đại tương lai... Hỡi những con người tự do!... Hãy nghĩ đến chúng tôi lúc ấy không còn nữa, hãy tự bảo mình rằng chúng tôi đã trả giá đăt cho hạnh phúc của các người, hãy thương xót chúng tôi hơn tất cả các thế hệ cha anh, bởi vì chúng tôi cũng có nhiều nỗi thống khổ như họ trước đây, nhưng lại đã mất những thứ còn an ủi được họ!..."
(Lời thú tội của đứa con thế kỉ - Les confessions d'un enfant du siècle)
Trong số những nhà văn, nhà thơ lãng mạn đương thời, Victor Hugo hiện lên như một ngôi sao sáng. Ông sinh ra khi thế kỉ này lên hai tuổi" và đi vào cõi vĩnh hằng 15 năm trước khi thế kỉ kết thúc. Với cuộc đời bao trùm gần toàn bộ thế kỉ, từ năm 1802 đến 1885; V. Hugo đã chứng kiến và trải qua mọi sự kiện xã hội và chính trị của thế kỉ XIX ở Pháp.
Tâm hồn đa cảm, lòng nhân hậu của ông đã bao phen thổn thức trước nỗi khổ của người dân vô tội. Nỗi đau thể kỉ của ông sớm được phù sa tươi tốt của cuộc sống bồi đắp và đã dần hình thành theo "cuộc hành trình từ ác đến thiện, từ bất công đến công bằng, từ giả đến thật, từ bóng tối đến ánh sáng" (6)
Khác các nhà lãng mạn cùng thời, nỗi đau thế kỉ của V. Hugo không chỉ là bi kịch trong đời sống riêng, mang nặng nỗi đau buồn lẻ loi, mà đã sớm rộng mở theo chiều sâu của nỗi đau nhân thế.
Hầu hết các tác phẩm của ông từ năm 1827 với vở kịch Cromwel có Lời tựa được xem là tuyên ngôn của Chủ nghĩa lãng mạn cho đến tập thơ Tia sáng và bóng tối (Les rayons et les ombres, 1840); đều thấm đượm chất trữ tình và lòng yêu thương con người, tình nhân ái của Hugo rất tự nhiên và sâu xa, thuộc về một bản chất nhân hậu hiếm có. Nhìn một em bé Hy Lạp thơ ngây, côi cút giữa cảnh hoang tàn, chết chóc; với tình thương sâu thẳm không biên giới, nhà thơ xót xa, thổn thức:
...Quân Thổ tràn qua: nơi nơi điêu tàn tang tóc.
...Ôi em bé đáng thương ơi, chân trần trên đá sắc,
Lệ đầm đìa đôi mắt biếc xanh!
Ôi làm sao đây để lau nước măt
Cho đôi măt em như bầu trời, như sóng nước trong xanh
Làm sao đây cho tia sáng vui tươi tràn ngập long lanh
Để mái tóc óng vàng ngẩng dậy!
...Làm sao đây cuốn gọn mái tóc vàng đẹp đẽ,
Vui chảy xuôi trên đôi vai trong trắng,
Đang khóc thầm quanh vầng trán của em!" (7)
(Em bé Hy Lạp - L'enfant grec)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

doanhong

Dẫu sau này khi đã gia nhập Viện Hàn lâm Pháp năm l841, rồi được phong tặng chức Nguyên lão nước Pháp (Pair de France) năm 1845; những danh nghĩa cao quí ấy chẳng làm giảm sút nỗi đau nhân thế của ông.
Cuộc Cách mạng tháng II năm 1848 chấm dứt ba triều đại quân chủ và việc thành lập Đệ nhị Cộng hòa đã nhóm thêm ngọn lửa nhiệt tình của V. Hugo đối với nền Dân chủ. Được bầu làm đại biểu Viện lập pháp - tại Nghị viện, Hugo lên tiếng đấu tranh đòi ân xá cho những người khởi nghĩa. Năm 1881, ông tham gia phong trào phản đối cuộc đảo chính đê hèn của Louis Bonaparte thiết lập nền Đế chế II. Bị truy nã, ông phải dùng căn cước của người thợ in Lanvin rời nước Pháp sang Bruxelles (Bỉ) rồi sau đó đến sống lưu vong ở các đảo Jersey và Guernesey (Anh). Trong thời kì này, Hugo có nhiều hoạt động xã hội tích cực. Tháng 8/1849 tại Đại hội Hòa bình thế giới họp ở Paris , V. Hugo được bầu làm chủ tọa. Ông nói: "Tư tưởng Hòa bình trên khắp thế giới là tài sản của các dân tộc. Mọi người đòi hỏi Hòa bình, vì Hòa bình là Hạnh phúc tối cao của họ". Năm 1859, V. Hugo gửi thư cho chính phủ Mỹ để bảo vệ lãnh tụ da đen John Brao. Và năm 1860, ông lên tiếng chống chiến tranh đế quốc chủ nghĩa, tố cáo Anh và Pháp xâm lược Trung Hoa v.v...
Chính trong giai đoạn này, nhiều áng văn kiệt tác của ông lần lượt ra đời: Tập thơ Trừng phạt (Les Châtiments, 1852) chĩa mũi nhọn công kích Napoléon "tiểu đế" (Napoléon le petit) tàn bạo bất tài, đối lập với Napoléon "đại đế" (Napoléon le grand); tập thơ Chiêm ngưỡng (Les contemplations, 1856) là những suy tư của tác giả về thân phận bất hạnh của con người bị cái ác thống trị: và đặc biệt là ba tập tiểu thuyết Những người khốn khổ (Les misérables, 1862), Những người lao động miền biển (Les travailleurs de la mer: 1866) và Người cười (L'homme qui rit, l869) đều tập trung nói về những số phận oan trái, hẩm hiu, thống khổ trong đời người.
Với niềm thương cảm sâu xa đối với nhân quần, V. Hugo sớm nhận ra nỗi đau nhân thế chính là bi kịch của con người khi bị tước đoạt nhân quyền. Thế là, từ một nghệ sĩ lãng mạn, do bản lĩnh và trí tuệ siêu việt của bản thân, V. Hugo đã đến với cách nhìn rất hiện thực, mới mẻ và hiện đại. Trong khi Stendhal lên án Quyền lực làm tha hóa con người và Balzac chỉ trích Đồng tiền phân chia xã hội thành hai loại người Giàu - Nghèo đối lập: thì V. Hugo đã sớm có được điều phát hiện quan trọng về mối mâu thuẫn gốc rễ trong xã hội đã và sẽ mãi mãi gây nên mọi đau khổ cho con người: đó là tệ nạn Bất bình đẳng (l'lnégalité).
Là một tác phẩm mang phong cách lãng mạn, Những người khốn khổ được V. Hugo viết nên với nỗi đau đời và cách nhìn con người với xã hội sâu sắc như thế.
Nhân vật chính - Jean Valjean là một cố nông chăm chỉ, phải lấy cắp chiếc bánh mì cho bảy đứa cháu mồ côi cha đói khát, do năm ấy mất mùa đói kém; đã bị kết tội cộng với tội vượt ngục cả thảy là 19 năm tù lao động khổ sai với xiềng xích, gông cùm, roi vọt...
Từ nhân vật, tác giả đặt ra những vấn đề của xã hội và lên án cái xã hội đã tác động đến số phận nhân vật một cách tàn nhẫn và bất công. Xen vào những trang văn miêu tả, tự sự, tường thuật sinh động; V. Hugo không ngần ngại có những đoạn văn bình luận gắt gao, sắc sảo:
"Xã hội có nhiệm vụ phải thấy rõ những điều mà chính xã hội đã gây ra... Một người lao động như anh mà phải thất nghiệp, một người siêng năng như anh mà phải đói khát thì có phải đó là một hiện tượng nghiêm trọng không?. .. Xử phạt nặng như thế có phải là để kẻ phạm tội chuộc tội không? Hay là lại đưa đến kết quả đảo ngược là biến cái sai lầm của kẻ phạm tội ra cái sai lầm của người đàn áp, biến thủ phạm thành nạn nhân, biến con nợ thành chủ nợ và cuối cùng đem công lí đặt về bên kẻ đã xâm phạm vào công lí?...".
Nhân vật Jean Valjean là hình tượng Con người nhân ái thánh thiện. Mặc dầu phải trải qua nhiều nỗi đau khổ thầm lặng, sống cô độc giữa cuộc đời; nhân vật này đại điện cho lí tưởng thẩm mỹ và đạo đức của tác giả, phản ánh niềm tin thiết tha của nhà văn nhân đạo: giữa xã hội bất công con người cần trở về với bản chất hướng thiện của mình mới vượt được lên thực tại để tự khẳng định mình.
Ở trường hợp Victor Hugo, hơn đâu hết chúng ta có thể thấy rõ cảm hứng sáng tạo ở ông là bắt nguồn từ tính cách và quan niệm nhân sinh của nhà văn, một quan niệm không chỉ thể hiện trong văn chương mà còn được vận dụng trong hành động và đời sống.
Năm 1869 Napoléon III ra lệnh ân xá cho V. Hugo, nhưng nhà văn từ chối. ông trả lời đanh thép:
"Giữ trọn lời thề với lương tâm, tôi chịu đến cùng số phận của Tự do. Tự do đã bị trục xuất khỏi đất Pháp, khi nào Tự do trở về Đất nước, tôi sẽ trở về cùng Tự do".
Quả như vậy, một năm sau "Napoléon tiểu đế" bị địch quân băt sống trong cuộc chiến Pháp - Phổ khiến Đế chế II phải sụp đổ. Ngày 4/9/1870, V. Hugo trở về trong lòng Tổ quốc tự do. Năm 1871, Hugo được bầu là nghị sĩ thành phố Paris và năm 1876, ông là Thượng nghĩ sĩ Quốc hội. Nhà văn có mối cảm tình nồng hậu với các chiến sĩ Công xã. Con trai ông, Charles Hugo là một chiến sĩ hy sinh trong cuộc Cách mạng Công xã Pari. V. Hugo luôn luôn đấu tranh đòi trả tự do cho những người tham gia Công xã. Ngày 3/6/1880 ông có bài diễn văn nổi tiếng về ý nghĩa Dân chủ ở Thượng nghị viện.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

doanhong

vRiêng trong sự nghiệp sáng tác, V. Hugo còn chứng tỏ quan điểm một cách rành mạch ở trách nhiệm đối với xã hội:
Tôi đã cúi xuống đáy xã hội quan sát và đó là tất cả việc làm của tôi. Tôi muốn tiêu diệt định mệnh tàn ác đè nặng lên nhân loại. Tôi bẻ gãy ách nô lệ. Tôi săn đuổi sự nghèo đói, tôi đẩy lùi sự dốt nát, tôi làm nhẹ bớt bệnh tật. Tôi chiếu sáng cõi tối tăm. Tôi không thìn thấy sự thù hằn.
Đấy là thâm ý của tôi và vì vậy tôi đã viết Những người khốn khổ (8)
Vào thời điểm lúc bấy giờ ở thế kỉ XIX, với cao trào của Chủ nghĩa lãng mạn, khó mà có nhà văn nào khác ở nước Pháp có được một tuyên ngôn dứt khoát như lời phát biểu ấy của V.Hugo.
Mô hình về quan niệm con người và thế giới trên đây chi phối toàn bộ thi pháp tác giả. Luận điểm về một xã hội không giai cấp và một thế giới được điều hòa theo Chủ nghĩa xã hội của Saint Simon và Charles Fourrièr có ảnh hưởng đến mỹ học lạc quan thiên về đạo đức của Hugo. Như ông đã viết:
"Cần trộn lẫn cái Thô kệch với cái Cao cả trong nghệ thuật chính kịch cũng như trong tự nhiên vậy" (9)
Quan niệm này được chứng minh trong hầu hết văn phẩm của ông.
Trong tiểu thuyết Nhà thờ Đức Bà Paris (Notre Dame de Paris, l831), nhân vật chính là Quasimodo được mô tả và nhiều nét dị dạng: gù, thọt, chột, mũi to: miệng khoằm, lại vừa điếc vừa câm. .. Thế nhưng, trái hẳn cái ngoại hình xấu xí nhất thế gian ấy; anh kéo chuông khốn khổ lại có một tâm hồn tế nhị, một tình yêu sâu sắc chung thủy và cao đẹp trong thiên tình sử bi thảm: Bộ xương dị dạng của anh quấn chặt bộ xương cô vũ nữ kiều diễm Esmeralda chôn trong khu mộ chung của nhà thờ sau khi cô bị hành hình một cách tàn bạo.
Và Fantine trong Những người khốn khổ cũng vậy. "Nàng rất đẹp. Nàng cố giữ cho mình trong trắng mãi. Nàng có vàng ngọc làm của riêng như ai, nhưng vàng của nàng xếp trên mái tóc, ngọc của nàng giắt ở sau môi."... Thế mà, sóng gió đường đời đưa đẩy, khiến Fantine phải lâm vào cảnh bán tóc vàng, răng ngọc của mình rồi phải đi làm điếm trong tình trạng móm mém, đầu trọc và ho lao để lấy tiền chữa bệnh cho con. Cách hành xử của nàng quả là của một siêu mẫu về tình mẫu tử cao cả.
Hoặc như Gwynplaine ở tác phẩm Người cười, bị bọn quí tộc vụ lợi tranh chấp rạch môi anh, làm anh phải luôn luôn chua chát nói: 'Tôi cười chính là tôi khóc đấy. .."
Sử dụng nghệ thuật tương phản là một đặc trưng trong thủ pháp tiểu thuyết Hugo, nhằm làm nổi bật cái cao cả (le sublime), cái nhân phẩm tuyệt vời bị che lấp, ẩn náu trong bản thân những con người bị xã hội bất công tước đoạt quyền sống làm cho họ tha hóa, trở nên xấu xí thô kệch... Đây là đặc điểm thi pháp của nhà văn, một thủ pháp sáng tạo độc đáo gây ấn tượng sâu sắc về tính nhân đạo, có đóng góp đáng kể vào bước phát triển của nghệ thuật tiểu thuyết Pháp ở thế kỉ XIX và tạo nên tính thời đại trong những tác phẩm của V. Hugo.
Trong số những tác phẩm được xuất bản ở giai đoạn cuối đời của Hugo, từ năm 1870 đến 1885, như Năm hãi hùng (L'anneé terrible 1872); Nghệ thuật làm ông (L'art d'être grand père, l877); Đức Giáo hoàng (Le pape 1878), Nỗi khổ tối cao (La pitié suprême 1879), Bốn ngọn gió tinh thần (Les quatre vents de l'esprit l874) và tiểu thuyết Năm 93 (Quatre-vingt-treize l874) v.v... nổi bật là tập thơ Truyền kì các thể kỉ (La légende des siècles) được tác giả viết từ năm 1859 đến 1883).
Tác phẩm này dường như đúc kết lại những suy ngẫm của V. Hugo khi cuộc đời đã xế bóng. Hugo không chỉ dừng lại ở mức nhìn nhận, đề cao giá trị nhân phẩm của con người và lên án xã hội bất công nhằm khôi phục nhân quyền cho người dân và công lí bình đằng cho xã hội; mà với anh hùng ca Truyền kì các thế kỉ, chú nghĩa nhân văn của V. Hugo còn được phản ánh với cái tầm bay bổng diệu kì của tác giả trong niềm tin đối với sự chiến thắng của điều Thiện đối với cái Ac" (La victoire du Bien sur le Mal) trên toàn cầu.
Bằng những vần thơ sôi động, tác giả phác họa bức tranh hoành tráng của nhân loại trải qua các thời đại với cuộc hành trình của con người mang tinh thần của đám đông, đi từ thời hồng hoang của bà Eve - mẹ loài người, đến Cách mạng - bà mẹ của dân chúng. Đó là bước phát triển của con người từ tăm tối đến lí tưởng" (des ténèbres à l'idéal). Theo Hugo, cái ác đang tồn tại cần được xóa bỏ với niềm tin chân thành ở Đấng Tối cao, và hành động ấy sẽ đưa nhân loại đến sự hòa đồng tốt đẹp. Truyền kỳ các thế kỉ là tập anh hùng ca đồ sộ nhất của văn học Pháp với kích thước lớn lao về thời gian, không gian và những sự kiện lớn lao trong cuộc sống muôn mặt. Phần cuối tập thơ là sự trở về thời hiện đại với những bài thơ nổi tiếng như Sau trận đánh (Après la bataille), Nghĩa trang Eylau (Le cimetière d'Eylau), Những người cùng khổ (Les pauvres gens) v.v...
Các bài thơ có chung một chủ đề được nối kết với nhau bằng "sợi dây huyền diệu của mê lộ nhân thế là sự Tiến bộ" (lời tựa). Để minh họa cho ý tưởng này, trong bài thơ cuối Giữa bầu trời (Plein ciel), tác giả giới thiệu hình ảnh tuyệt đẹp của chiếc tàu thủy được chắp cánh bằng hiệu quả hiệp đồng của tri thức loài người, đang bay lên đến tận các vì sao...
Mỹ học lãng mạn kết hợp với cảm quan hiện thực tạo nên sức lôi cuốn và thuyết phục của lí tưởng thẩm mỹ V. Hugo đối với cuộc đời. Đó là Cái đẹp của Tình thương yêu hòa đồng, của Hạnh phúc bình đẳng và của sự Tiến bộ vô tận của Con người. Và đó chính là giá trị bất hủ của ý nghĩa nhân văn trong tác phẩm Victor Hugo.
Ông đã không ngần ngại xác định chức năng của nghệ sĩ như là một nhà tiên tri" (prophète), một "pháp sư" (mage), mà tác phẩm là một "âm vang" (écho sonore) của thời đại, hòa hợp cá nhân người sáng tạo với dân tộc, nhân loại và lịch sử trong nhiệm vụ cải tạo cuộc sống để do đó khẳng định vai trò và sứ mệnh cao quí của người nghệ sĩ.

Victor Hugo là một khuôn mặt vĩ đại của thế kỉ XIX, từng được xem như là một "cây cổ thụ mênh mông" (Théophile Gautier) một "Con người có năng khiếu phi thường" (Sainte Beuve), "tiêu biểu cho sức mạnh to lớn của vũ trụ và sự đấu tranh nhịp nhàng của những sức mạnh ấy" (Baudelaire).
Kỷ niệm 200 năm sinh của đại văn hào Victor Hugo trong những ngày đầu năm thứ hai của thiên niên kỷ này; khi nhân loại đang mang nỗi đau của các cuộc chiến tranh sắc tộc tôn giáo, của tệ nạn khủng bố cùng với nỗi lầm than và những thảm họa do tình trạng bất bình đẳng tạo nên còn ngự trị trên cuộc sống con người.
Chúng ta có thể hướng về những tác phẩm của Victor Hugo, coi đó như một nguồn sáng của lòng nhân ái và ý chí đấu tranh cho Hạnh phúc, cho Hòa bình Tự do và Dân chủ của nhân loại.
Đó là những tác phẩm mãi mãi giữ được giá trị nguyên vẹn trong lòng độc giả Việt và thế giới.
TP. HCM, ngày 21 tháng 01 năm 2002
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

doanhong

L'adieu
Apollinaire (1880-1918)


Lời vĩnh biệt

(1)

Ta đã hái nhành lá cây thạch thảo
Em nhớ cho, mùa thu đã chết rồi
Chúng ta sẽ không tao phùng đựợc nữa
Mộng trùng lai không có ở trên đời
Hương thời gian mùi thạch thảo bốc hơi
Và nhớ nhé ta đợi chờ em đó ...

(2)

Ðã hái nhành kia một buổi nào
Ngậm ngùi thạch thảo chết từ bao
Thu còn sống sót đâu chăng nữa
Người sẽ xa nhau suốt điệu chào
Anh nhớ em quên và em cũng
Quên rồi khoảnh khắc rộng xuân xanh
Thời gian đất nhạt mờ năm tháng
Tuế nguyệt hoa đà nhị hoán tam

(3)

Mùa thu chiết liễu nhớ chăng em ?
Ðã chết xuân xanh suốt bóng thềm
Ðất lạnh qui hồi thôi hết dịp
Chờ nhau trong Vĩnh Viễn Nguôi Quên
Thấp thoáng thiều quang mỏng mảnh dường
Nhành hoang thạch thảo ngậm mùi vương
Chờ nhau chín kiếp tam sinh tại
Thạch thượng khuê đầu nguyệt diểu mang
Xa nhau trùng điệp quan san
Một lần ly biệt nhuộm vàng cỏ cây
Mùi hương tuế nguyệt bên ngày
Phù du như mộng liễu dài như mơ
Nét mi sầu tỏa hai bờ
Ai về cố quận ai ngờ ai đi
Tôi hồi tưởng lại thanh kỳ
Tuổi thơ giọt nước lương thì ngủ yên

Bùi Giáng (1925-1998) dịch
(Ði vào cõi thơ, tr 80-82, Ca Dao xuất bản, Sàigon, Việt Nam)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

doanhong

Tình Tuyệt Vọng

.



Lòng ta chôn một mối tình

Tình trong giây phút mà thành thiên thu

Tình tuyệt vọng nỗi thảm sầu

Mà người gieo thảm như hầu không hay

.



Hỡi ơi người đó, ta đây

Sao ta thui thủi đêm ngày chiếc thân ?

Dẫu ta đi trọn đường trần

Chuyện riêng đâu dám một lần hé môi.

.



Người dù ngọc thốt, hoa cười

Nhìn ta như thể nhìn người không quen

Đường đời lặng lẽ bước tiên

Ngờ đâu chân đạp lên trên khối tình.

.



Một niềm tiết liệt đoan trinh

Xem thơ nào biết là mình ở trong

Lạnh lùng lòng sẻ hỏi lòng

Người đâu tả ở mấy dòng thơ đây?

.



Khái Hưng
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

doanhong

La cueillette
Apollinaire

Nous vînmes au jardin fleuri pour la cueillette.
Belle, sais-tu combien de fleurs, de roses-thé,
Roses pâles d'amour qui couronnent ta tête,
S'effeuillent chaque été ?

Leurs tiges vont plier au grand vent qui s'élève.
Des pétales de rose ont chu dans le chemin.
Ô Belle, cueille-les, puisque nos fleurs de rêve
Se faneront demain !

Mets-les dans une coupe et toutes portes closes,
Alanguis et cruels, songeant aux jours défunts,
Nous verrons l'agonie amoureuse des roses
Aux râles de parfums.

Le grand jardin est défleuri, mon égoïste,
Les papillons de jour vers d'autres fleurs ont fui,
Et seuls dorénavant viendront au jardin triste
Les papillons de nuit.

Et les fleurs vont mourir dans la chambre profane.
Nos roses tour à tour effeuillent leur douleur.
Belle, sanglote un peu... Chaque fleur qui se fane,
C'est un amour qui meurt !


Hái hoa

Vườn hoa nở ta cùng em đến hái
Bao nhiêu hoa, hồng trà, hoa tình ái
Trang điểm em vòng vương miện quanh đầu
Đã tàn rụng mỗi mùa hè, em gái ?

Cành gẫy gập khi gió mùa trở động
Cánh hồng tươi rơi rụng lối em đi
Người đẹp ơi, hái thật nhiều hoa mộng
Bởi ngày mai, sẽ tàn héo xuân thì

Cắm vào bình, đóng hết cửa, em thương
Vừa đắm đuối, một chút gì ác độc
Tưởng những ngày sẽ theo nhau đi mất
Nhìn bông hồng hấp hối nấc mùi hương

Khu vườn rộng trụi hoa, ôi ích kỷ
Bướm ngày theo hoa khác trốn đi rồi
Và từ nay nơi khu vườn buồn bã
Chỉ bướm đêm bay lại viếng mà thôi

Những đóa hoa sắp tàn trong căn phòng trần tục
Hồng chúng ta lần luợt trút niềm đau
Em yêu ơi, xin đôi chút nghẹn ngào
Mỗi cánh tàn một tình yêu giẫy chết.

VP & Đặng Thế Kiệt (23 avril 2005)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

doanhong

Thu

Xin chào nhé! khu rừng xanh còn lại!
Cánh đồng xa hiu hắt lá vàng rơi!
Và xin chào, những ngày tàn xinh đẹp
Trời than van trong ánh mắt u hoài!

Tôi bước khẽ, cô đơn trên đường vắng
Lần cuối cùng, mơ ngắm ánh tà dương
Đang dần phai, tỏa dịu dàng ánh sáng
Bước chân tôi chập choạng bóng đêm rừng

Vâng, thiên nhiên, những ngày thu, thở hắt
Mắt mờ sương, tôi quyến luyến bạn ơi
Câu vĩnh quyết và nụ cười sau chót
Và đôi môi thần chết khép muôn đời

Vĩnh biệt nhé! hỡi chân trời dương thế
Khóc những ngày mơ ước đã thành tro
Tim vương vấn tôi quay đầu nhìn lại
Xa hoa đời chưa cảm thụ bao giờ

Đất, nắng, lũng nhai, cảnh vật êm đềm
Tôi đền ơn ở bên mồ nhỏ lệ
Gió ngát hương và ánh sáng trinh nguyên
Phút hấp hối sao nắng hồng đẹp thế

Tôi bây giờ dốc ly này tới cặn
Rượu thơm ngon trộn lẫn vị chua cay
Tận đáy chén, uống cạn nguồn sinh lực
Có lẽ còn, một giọt mật mê say?

Và biết đâu, mai này còn giữ lại
Hạnh phúc kia mà hi vọng tan rồi
Và có lẽ, trong đám đông, ai đấy
Hiểu lòng tôi và đáp ứng lòng tôi?

Hoa kia rụng còn thả hương gió lộng
Vĩnh biệt cõi đời, vĩnh biệt ánh dương
Tôi chết đi và linh hồn bay bổng
Trong âm vang êm ái mối sầu thương

VP & ĐTK dịch
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

doanhong

Nếu chàng trở lại


Nếu một ngày kia anh trở về

Chị ơi, em biết nói gì đây ?

-Bảo rằng chị giữ niềm chung thủy

Chờ đợi anh về hết phút giây…


Nếu chàng còn hỏi những gì thêm

Vì chẳng nhìn ra được dáng em ?

-Hãy nói như người em gái nhỏ

Chàng đau lòng lắm, biết không em…


Nếu chàng có hỏi chị về đâu

Em nói làm sao để khỏi sầu ?

-Chiếc nhẫn vàng đây em gửi lại

Nhìn chàng, có phải nói gì đâu…



Nếu chàng muốn hỏi tại làm sao

Phòng vắng thê lương tự buổi nào ?

-Hãy chỉ chiếc đèn tim đã lụn

Cửa phòng mở toác, gió vào mau…


Nếu chàng còn hỏi thêm giờ chót

Chị đã làm sao, đã nói gì ?

-Hãy bảo sợ chàng rơi lệ thảm

Mỉm cười, chị đã khép đôi mi…



(Hường Hoa dịch)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 14 trang (135 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [2] [3] [4] [5] [6] [7] [8] ... ›Trang sau »Trang cuối