Trang trong tổng số 100 trang (999 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [82] [83] [84] [85] [86] [87] [88] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Poet Hansy

Bước đầu tìm hiểu về
"hiện tượng Kim Dung" tại Việt Nam


Trần Lê Hoa Tranh
Kim DungTiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung là một hiện tượng văn học quan trọng và nổi bật của Trung Quốc thế kỷ XX, nếu quan niệm văn học Trung Quốc bao gồm tất cả những tác phẩm do nhà văn, nhà thơ Trung Quốc ở khắp nơi trên thế giới viết ra, đặc biệt là Hồng Kông và Đài Loan là hai vùng rất phát triển về nhiều mặt. Kim Dung và Quỳnh Dao là hai nhà văn được in ấn khá nhiều ở Trung Quốc và các nước Đông Nam Á. Các nhà nghiên cứu văn học chỉ coi Quỳnh Dao là nhà văn bình dân đáp ứng nhu cầu của bạn đọc đại chúng. Trường hợp Kim Dung thì có nhiều ý kiến khen chê khác nhau.

Tiểu thuyết võ hiệp ra đời vào những năm 30- 40 trước chiến tranh thế giới II, và thực sự phát triển vào những năm 60 với nhiều thay đổi, cách tân nên được gọi dưới cái tên “tân trào võ hiệp tiểu thuyết”( danh từ của các nhà xuất bản Hồng Kông) để phân biệt với loại “cựu trào” trước Thế chiến. Các nhà văn của loại tiểu thuyết võ hiệp mới này gồm có: Ngoạ Long Sinh, Lương Vũ Sinh, Nghê Khuông, Cổ Long, Nam Kim Thạch, Độc Cô Hồng, Gia Cát Thanh Vân, Mộ Dung Mỹ, Ngạc Xuyên, Kim Dung… Tuy nhiên trong số những nhà văn này chỉ riêng Kim Dung được tôn là “minh chủ”, riêng ông được nghiên cứu tại các trường Đại học ở Anh, Mỹ, Úc, được bạn đọc lập hội “Kim Dung học” (như “Hồng học”, “Shakespeares học”…) tại Đài Loan, Hồng Kông, Mỹ, Úc, Pháp… Và vinh dự hơn là ngay tại quê hương mình, tháng 1. 1995, nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa đã mời ông về nước, trao tặng ông hàm giáo sư danh dự của Bắc Đại(Đại học Bắc Kinh). Tại đây, ông đã có buổi nói chuyện trước các học giả, nhà nghiên cứu, giáo viên, sinh viên… Giáo sư Nghiêm Gia Viêm đã khen ngợi: “Kim Dung đã đưa tiểu thuyết võ hiệp lên ngang hàng với văn học cung đình. Thông qua thế giới của các nhân vật võ lâm, ông đã vẽ lên bức tranh muôn màu muôn vẻ của lịch sử, của đời sống bằng tri thức lịch sử uyên thâm cùng với một văn phong làm người đọc say mê”(1). Với đánh giá này, giới văn học Trung Quốc đã nhận định lại tài năng của Kim Dung, công nhận ông như một nhà văn kỳ tài của Trung Quốc thế kỷ XX, là một trong mười nhà văn được độc giả yêu thích nhất. Từ năm 1985, sách của Kim Dung đã được in lại toàn bộ ở Trung Quốc, và đã tái bản đến lần thứ ba tính đến năm 1996.

Riêng tại nước ta, truyện Kim Dung là một hiện tượng tiếp nhận văn học nước ngoài khá độc đáo, có thể xem là “độc nhất vô nhị”, vì những thăng trầm trong cách tiếp nhận, phê bình, đánh giá…

Bài nghiên cứu của chúng tôi xin được phép bỏ qua những phần như tiểu sử, văn nghiệp, đánh giá nội dung, đặc điểm nghệ thuật… của truyện Kim Dung mà chỉ lưu tâm đến- như tựa bài đã đề cập-quá trình tiếp nhận Kim Dung tại Việt Nam từ xưa đến nay.

Bài viết sẽ gồm những mục sau:
1.Truyện Kim Dung vào Việt Nam thế nào?
2.Hiện tượng Kim Dung ở Sài Gòn trước 1975.
3.Phê bình Kim Dung sau 1975.
4. “Đọc lại Kim Dung” những năm gần đây.

1. TRUYỆN KIM DUNG VÀO VIỆT NAM THẾ NÀO ?

Trước 1945, người Việt Nam đã say mê tiểu thuyết kiếm hiệp Trung Quốc (thời đó người ta mới dùng “quyền” chứ chưa nói đến “chưởng”) như Càn Long du Giang Nam, Giang hồ kỳ truyện, Hoả thiêu Hồng Liên tự… Các nhà văn Việt Nam thấy vậy cũng không chịu thua đồng nghiệp Trung Quốc. Một trong những ông tổ của ngành kiếm hiệp Việt Nam thời tiền chiến là Văn Tuyền Phạm Cao Củng với tác phẩm Lục kiếm đồng cũng khá ăn khách… thế là tiểu thuyết kiếm hiệp Trung Quốc chết hẳn nhường chỗ cho sự bành trướng của tiểu thuyết kiếm hiệp Việt Nam. Nhưng cái gì cũng có mức độ, sách ba xu tràn ngập, hoang đường, phi lý quá trở thành nhảm nhí… và khi những biến cố quốc tế dồn dập tràn đến Việt Nam, mầm mống của một cuộc cách mạng đòi độc lập đã quét sạch những sự vô nghĩa, hoang tưởng phi lý đó…

Sau chiến tranh thế giới II, tình hình chính trị biến chuyển mạnh, báo chí ngả về xu hướng đấu tranh, việc đăng tiểu thuyết dài trên mặt báo (feuilleton) không được chú ý mấy. Khoảng năm 1958, vẫn chưa có tờ báo nào đăng tiểu thuyết kiếm hiệp Trung Quốc.

Đến khoảng năm 1959-1960, tờ Dân Nguyện (của ông Hà Thành Thọ) ở Sài Gòn đăng một cuốn tiểu thuyết võ hiệp của Trung Quốc là cuốn Lam Y nữ hiệp (không rõ tác giả), thuộc loại “tân trào võ hiệp tiểu thuyết” lúc bấy giờ, độc giả khen hay. Sau đó, một cuốn khác là Lã Mai Nương cũng được độc giả hưởng ứng nhiệt tình. Thế là hiện tượng đọc chưởng bắt đầu hình thành.

Người Việt Nam đầu tiên dịch truyện Kim Dung là Tiền Phong Từ Khánh Phụng (Ông là người Minh Hương, ở Bắc di cư vào Nam) và hai bộ tiểu thuyết đầu tiên của Kim Dung được dịch ở Sài Gòn là Bích huyết kiếm và Cô gái đồ long. Bộ Cô gái đồ long có tên gốc là Ỷ thiên đồ long ký, nhưng vì muốn câu khách nên đổi tên thành Cô gái đồ long, dù sau này khi in thành sách, độc giả “có lấy kính hiển vi soi từng chữ cũng đừng hòng tìm thấy bóng dáng cái cô gái giết rồng ấy”(2). Hai truyện này được đăng đầu tiên trên tờ Đồng Nai (của ông Huỳnh Thành Vị). Như vậy, Bích huyết kiếm được Kim Dung viết năm 1956 và Ỷ thiên đồ long ký viết năm 1957 thì năm 1960 đã có mặt ở Sài Gòn.
Tam Khôi- một dịch giả trẻ cũng nhảy vào cuộc, ông dịch bộ Anh hùng xạ điêu đăng trên Dân Việt. Từ đó, ong vỡ tổ, “chưởng” Kim Dung bắt đầu tràn ngập làng báo Sài Gòn…

2. HIỆN TƯỢNG KIM DUNG Ở SÀI GÒN TRƯỚC 1975.

Trước tiên, xin đề cập đến những con số biết nói.
Trước năm 1963, thời Ngô Đình Diệm, Sài Gòn chỉ có 9 tờ báo ngày, nhưng đến tháng 12.1963, có đến 44 tờ báo ngày, và tất cả báo này đều đăng feuilleton tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung, nếu không báo sẽ xuống dốc không phanh ngay lập tức. Hơn 30 nhà xuất bản đua nhau in sách chưởng, trong đó in Kim Dung nhiều nhất là các nhà xuất bản Đường Sáng, Tân thế kỷ, An Hưng…, truyện Kim Dung thật và giả có đến hơn 20 bộ. Lôi cuốn theo là một đội ngũ dịch giả đông đảo như: Từ Khánh Phụng, Hàn Giang Nhạn, Thương Lan, Phan Cảnh Trung, Điền Trung Tử, Lã Phi Khanh, Vũ Ngọc, Dương Quân, Khưu Văn… Riêng Hàn Giang Nhạn dịch sách Kim Dung nhiều nhất: 14 bộ gồm 102 tập với ngót 25.000 trang.

Với những số liệu trên, truyện chưởng Kim Dung phát sinh những hiện tượng sau:
2.1. Truyện chưởng Kim Dung lôi cuốn nhiều tầng lớp độc giả, gần như khuynh loát thị trường chữ nghĩa, báo chí trong những năm 1965-1973 (thời điểm năm 1973 khi Lộc Đỉnh ký đến Việt Nam tất cả các báo đều đăng), hầu như ai cũng đọc chưởng “không chỉ có những người trong đại chúng bình dân, những học sinh, thợ thuyền và tiểu công tư chức mà ngay cả những tay đại trí thức, những người đã từng du học bên Au- Mỹ trở về, đã từng đỗ những mảnh bằng cao nhất về luật học hay khoa học cũng say mê võ hiệp tiểu thuyết như điếu đổ”(3), ngay cả “những nhà tu hành cũng thích chưởng (…) những ông bự và những ông đại sứ cho người về nước khuân hàng… thùng tài liệu Kim Dung để đem đi đọc ở xứ người. Các bà cũng thích chưởng. Giáo sư thảo luận với học sinh vì chưởng. Trẻ em đánh nhau ngoài đường cũng dùng chưởng…”(4), nhiều giai thoại quanh việc đọc, mê chưởng, có vị giáo sư đại học bị người bạn quyến rũ đọc Cô gái đồ long rồi mê luôn đến nỗi xem hết cuốn thứ năm hồi 11 giờ đêm, phải lái xe tới nhà bạn cách năm cây số để mượn cho được cuốn thứ sáu giữa thời kỳ Sài Gòn đang lệnh giới nghiêm… Có cầu ắt có cung, báo nào cũng phải đăng chưởng, ngay như những báo thuộc loại nghiêm túc đứng đắn lúc đầu cương quyết không đăng chưởng như Chính luận nhưng sau rồi cũng phải “mở rộng cửa đón tiếp đôi tình nhân Doanh Doanh và Lệnh Hồ Xung”(5), hay như báo Thế giới (của ông Nguyễn Văn Hợi) là một tờ báo đứng đắn nặng về giáo dục nhưng rồi cũng phải đăng Kim Dung. Báo in feuiletton xong rồi thì đến các nhà xuất bản in thành bộ. Có dịch giả nhờ dịch sách Kim Dung mà mua được nhà, tậu xe hơi, mua đất… Có nhà xuất bản sắp sửa phá sản nhờ in những tác phẩm này mà gây dựng lại cơ đồ. Chưởng Kim Dung còn là một “hiện tượng kinh tế”, cơ hội kiếm tiền của nhiều người.

2.2. Những hiện tượng xã hội chung quanh việc tiếp nhận chưởng Kim Dung: rất nhiều nhà văn mê và bình Kim Dung. Từ việc viết sách về Kim Dung như Nguyễn Mộng Giác (Nỗi băn khoăn của Kim Dung- NXB Văn Mới, Sài Gòn 1972), Đỗ Long Vân (Vô Kỵ giữa chúng ta hay là Hiện tượng Kim Dung- NXB Trình bày, Sài Gòn 1968)… đến việc tạp chí Văn học số 34 (15.3.1965) ra một chuyên san về kiếm hiệp với sự góp mặt của nhiều cây bút phê bình như Lưu Trung Khảo, Lý Chánh Trung, Thế Uyên, Nguyễn Hữu Dung….

Nhiều nhà văn từ việc mê chưởng đã lấy bút hiệu bằng tên một số nhân vật mà họ tâm đắc trong truyện Kim Dung. Chu Văn Bình, ngoài những bút hiệu Chu Tử, Ao Thả Vịt… còn lấy thêm bút hiệu Kha Trấn Ac (một trong Giang Nam thất quái trong Anh hùng xạ điêu), Lê Tất Điều dùng bút hiệu Kiều Phong (nhân vật trong Lục mạch thần kiếm), còn những người bạn Vũ Khắc Khoan thì lấy tên Hồng Thất Công (trong Anh hùng xạ điêu) đặt biệt hiệu cho Vũ vì Vũ cũng uống rượu say sưa như nhân vật này, Nguyên Sa lấy bút hiệu Hư Trúc (nhân vật trong Lục mạch thần kiếm), Vũ Đức Sao Biển lấy bút hiệu Mạc Đại tiên sinh (Tiếu ngạo giang hồ)…

Phong trào mê chưởng lan sang giới bình dân, những người mê Kim Dung còn nghĩ ra trò thi đố kiếm hiệp với những câu đố như : nhân vật nào chết hai lần? Nhân vật nào bị Kim Dung bỏ quên trong Tiếu ngạo giang hồ? Trên người Triệu Minh quận chúa có mấy vết sẹo?…
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

* Vì sao truyện Kim Dung được tiếp nhận nhiệt tình ở miền Nam trước 1975?

Tìm hiểu nguyên nhân vì sao truyện Kim Dung lại gây ra một hiện tượng tiếp nhận văn học nước ngoài chưa từng có ở Việt Nam ta, chỉ vì mấy dòng chữ cáo lỗi đăng trên báo” Vì máy bay Hồng Kông không qua kịp…” mà nhiều khi làm cho độc giả buồn hơn là tin vật giá leo thang, thảm sát khủng bố…? Chúng tôi đưa ra một số lý do sau đây:
1. Trước tiên một tác phẩm văn học muốn lôi cuốn độc giả phải có sức hấp dẫn. Tác giả phải nắm vững những quy tắc thu hút độc giả mà người ta thường gọi là “câu khách”. Truyện Kim Dung hội đủ những yếu tố của một tác phẩm ăn khách: tình tiết ly kỳ, bố cục chặt chẽ, giải quyết hợp lý, chi tiết bất ngờ, cốt truyện không trùng lặp nhau, lại đan xen chuyện tình yêu tay ba tay tư, một thế giới nhân vật đông đảo với cá tính phức tạp, sinh động, nhân vật trung tâm của ông không phải lúc nào cũng đẹp trai, hào hoa phong nhã giỏi võ công ngay từ đầu mà có khi ngu đần, khù khờ (như Quách Tỉnh), khuyết tật (như Dương Qua), mù chữ, dốt nát (như Vi Tiểu Bảo)… Kim Dung đưa người đọc vào một thế giới võ lâm tưởng tượng mà sống động như thật. Truyện chưởng lúc đầu còn được đăng feuilleton trên các tờ nhật báo, ra mỗi ngày khoảng 1500 chữ nên lại càng thu hút độc giả hơn.

2. Nhưng đáng nói nhất, là do tình hình chính trị- xã hội trên thế giới và Việt Nam bấy giờ. Vĩ mô là những biến động trên thế giới, Đông- Tây Đức, Nam- Bắc Hàn, chiến tranh lạnh Nga- Mỹ, Mỹ phong toả Cu Ba… chủ nghĩa hiện sinh tràn ngập Châu Au, con người cảm thấy mình là một ốc đảo cô đơn giữa sa mạc cuộc đời này, từ đó nảy sinh những phong trào sống gấp, sống vội, sống cuồng, J.Lennon trần truồng ôm vợ là Y.Ono ngủ cho báo giới chụp hình phản đối chiến tranh, những lời nhạc phản chiến quá khích “Make love, not make war”… Thanh niên bơ vơ, lạc lõng, không biết tin vào cái gì, làm cái gì, cuộc sống này dường như vô nghĩa đối với họ. Từ đó, truyện Kim Dung là một trong những lối thoát, Đỗ Long Vân đã nêu cảm nghĩ về truyện Kim Dung rất “hiện sinh” như sau: “truyện võ hiệp mới thường là truyện anh hùng đi tìm mình: bị ném vào một thế giới mà không hiểu và trong ấy họ phải tự chọn. Mà chọn gì khi tà không ra tà, chính không ra chính, và cả thế giới sa đoạ trong một tình trạng báo động thường trực, không để lại gì hơn là cái nghi vấn chập chùng.”(6)Tác phẩm của ông lôi cuốn thanh niên đâu chỉ ở Việt Nam mà ở cả Hồng Kông, Singapoure, Úc, Thái Lan, Malaisia, Indonesia, Mỹ, Pháp….

Từ bối cảnh chung đó, truyện Kim Dung vào Sài Gòn được đón nhận nhiệt tình là vì tình hình chính trị-xã hội ở đây đang làm dân tình chán ngán (tương tự như vậy, trước chiến tranh thế giới II, truyện võ hiệp cũng bị đẩy lùi khi tình hình chính trị được cải thiện). Nguyễn Mộng Giác đã phân tích khá sắc sảo vì sao người ta (trong đó có cả ông) mê Kim Dung đến thế. Đó là “một biến chứng của cuộc chiến”(7), sự đam mê nào cũng có ý nghĩa tâm lý và xã hội khác thường, giống như trước và sau đó là sự đam mê những hiện tượng văn nghệ khác như mê tiếng hát trác táng của Bích Chiêu, tiếng hát mệt mỏi bất cần của Khánh Ly…. Truyện Kim Dung đã giúp cho người đọc Việt Nam thoát ra khỏi không khí căng thẳng của tình hình chính trị, áp lực của Mỹ đối với chính quyền Nam Việt Nam… Lý Chánh Trung nhắc đi nhắc lại rằng: “tôi đọc liên tiếp Cô gái đồ long, Anh hùng xạ điêu, Thần điêu đại hiệp của Kim Dung” là do “tình hình càng ngày càng bê bối, buồn bã bực bội không biết làm gì (…) đọc kiếm hiệp bây giờ là thoát khỏi cuộc đời chó má”, “là tìm cách trốn chạy”(8). Chẳng phải là một cách thoát ly hiện thực đó sao? Lưu Trung Khảo khi “đi vào thế giới kiếm hiệp” cũng là để “quên thực tại với những biến chuyển dồn dập trọng đại, bên trong cũng như bên ngoài”(9). Hiếu Chân còn nói rõ hơn: “tiểu thuyết võ hiệp phát triển mạnh sau ngày đảo chánh 1.11.1963” (Mỹ hất cẳng Diệm, đưa Nguyễn Khánh lên thay-HT), ông giải thích: “chế độ chính trị và xã hội cứ càng ngày càng trở nên phức tạp và gò bó trói buộc con người (…) chính vì vậy con người muốn tìm một vài lúc giải thoát qua tiểu thuyết võ hiệp (…) nói tóm lại đó là một loại phản ứng, một cách thức nổi loạn của con người về mặt tâm lý”(10)

3. Lý do cuối cùng còn là vì hệ thống xuất bản, in ấn thời bấy giờ đã đẩy hiện tượng này lên đỉnh điểm để kiếm lợi nhuận. Nền văn hoá tiêu thụ Sài Gòn đã tìm thấy miếng mồi ngon là truyện Kim Dung và tung nó ra cho bạn đọc Việt Nam. Tất cả những công đoạn như dịch thuật (có cả dịch ẩu), chạy đua đăng chưởng, in chưởng, các cuộc đàm luận, phân tích, phê bình sách chưởng… đã được tiến hành cùng với một bộ máy quảng cáo, câu khách ồ ạt, một mạng lưới bán sách, thuê sách khổng lồ. Có người lúc đầu bàng quan nhưng rồi khi việc đọc chưởng, phê bình chưởng trở thành phong trào thì họ cũng dần dần ảnh hưởng rồi mê lúc nào không hay (trường hợp Đoàn Thêm, nguyên chánh văn phòng phủ tổng thống thời Diệm, là một ví dụ).

* Các nhà phê bình trước 1975 nghiên cứu hiện tượng Kim Dung thế nào?

Trước 75, phong trào đọc chưởng ở Sài Gòn thật ra là “đọc ào ào để giải trí”(11) mà thôi. Chuyên san về văn chương kiếm hiệp của tạp chí Văn học năm 1965 kết quả là “số độc giả tìm đọc cũng chẳng là bao. Bởi vì độc giả thích đọc truyện hơn là đọc nghiên cứu phê bình”(12)

Điều đó cho chúng ta thấy người đọc chưởng thì nhiều, nhưng bình có hệ thống thì không có bao nhiêu người.

1.Tuy vậy cần phải nói ngay rằng không phải nhà phê bình nào cũng tán thành hiện tượng này, cũng tâng bốc Kim Dung lên tận mây xanh. Nguyễn Viết Khánh đầu năm 1968 đã thẳng thắn gọi việc đọc chưởng là một “thứ dịch” và nhấn mạnh “việc tiểu thuyết Tàu xuất hiện trong làng báo Việt là cả một hiện tượng lạ lùng, ít có trong nền báo chí của các nước khác. Thật ra phải gọi đó là quái tượng”(13) (chúng tôi nhấn mạnh chữ “quái tượng”). Còn Hiếu Chân, so sánh mạnh dạn hơn “trong khi ở miền Nam, phong trào đọc võ hiệp tiểu thuyết đã trở thành môt cái mê phổ biến thì ở miền Bắc hầu như không ai biết đến Kim Dung và chưởng làm gì. Và chúng ta không thể nói thanh niên miền Bắc hiện giờ không biết đọc Hán văn”. Ông khuyên thanh niên “nên đọc những sách tiêu biểu cho nền tân văn học Trung Quốc như Lỗ Tấn, Ba Kim, Lâm Ngữ Đường chứ đừng phí thì giờ đọc hết hàng mấy chục tiểu thuyết trinh thám và võ hiệp”(14). Người làm văn nghệ chân chính không khỏi cảm thấy chán nản trước tình trạng truyện chưởng “độc bá quần hùng”như vậy, gạt ra ngoài vấn đề nội dung, thị hiếu… họ cảm thấy bị xúc phạm vì “bao nhiêu tâm huyết của mình đem ra làm báo đều vô ích: làm cho báo chạy có phải là chủ bút, chủ nhiệm… nhưng là một người xa tít tận đâu đâu viết cho người Trung Hoa coi rồi mình đem ra nhai lại mà thấy vẫn ngon như thường!”(15). Có thể khẳng định rằng, có một lớp nhà văn, nhà phê bình công khai phản đối phong trào đọc chưởng Kim Dung rầm rộ ở Sài Gòn thời đó.

2. Nhưng chủ yếu vẫn là những lời khen ngợi, ca tụng. Hai cuốn sách viết về chưởng Kim Dung như trên đã giới thiệu là Vô Kỵ giữa chúng ta –xuất bản năm 1968 và Nỗi băn khoăn của Kim Dung-1972. Ngoài ra là những bài báo đăng trên các tạp chí như Bách Khoa, Văn học, Tin văn, Điện tín, Đời, Chính luận… Họ ca ngợi Kim Dung những khía cạnh sau:
2.1. Luân lý đạo đức Á Đông: Lý Chánh Trung gọi đó là “một thứ luân lý giản dị và lạc quan (…) sâu xa hơn, sách kiếm hiệp biểu hiện một cách chân thành nhất-vì là ngây thơ nhất- cho một chiều hướng đạo đức căn bản của con người: vượt khỏi chính mình để trở thành chính mình, hoàn tất bản thân”, vì thế mà “đọc truyện chưởng không có hại”(16), Nguyễn Viết Khánh cũng khẳng định “tiểu thuyết kiếm hiệp thực ra không có hại”(17). Ông chia hai loại sách kiếm hiệp: một loại có hại và một loại đề cao tinh thần vũ dũng nghĩa hiệp, nhưng ông không xếp truyện Kim Dung vào một loại nào cả.
2.2.Ca ngợi nghệ thuật viết truyện của Kim Dung, đặc biệt là nghệ thuật xây dựng nhân vật. Thế Uyên cho “kiếm hiệp đã được Kim Dung viết với nhiều nghệ thuật”(18). Hầu hết các nhà phê bình đều khen ngợi cách xây dựng nhân vật của Kim Dung như Lưu Trung Khảo nhận xét “tâm lý nhân vật sống động và phong phú”, “nhân vật sống thực, thông minh, hành động hợp với lẽ tự nhiên chứ không phải là một dụng cụ của tác giả”(19), Thế Uyên “các nhân vật sinh động, nhiều cá tính, nhiều tâm trạng không kém gì các nhân vật Thuỷ Hử (…) Các nhân vật của Kim Dung chẳng có ai là thiên thần, chẳng có ai là ác quỷ (…) họ có vẻ người hơn, do đó gần gũi với chúng ta hơn”(20)…

3. PHÊ BÌNH KIM DUNG SAU 1975.

Sau ngày giải phóng miền Nam, cùng với một số loại sách khác xuất bản ở Sài Gòn trước năm 1975, truyện chưởng của Kim Dung bị xếp vào loại văn hoá phẩm đồi truỵ và bị phê phán, đả kích dữ dội. Phong Hiền cho đó là thứ “văn hoá vong bản và hủ hoá”(21), Phan Đắc Lập khẳng định truyện Kim Dung là “một công cụ nô dịch văn hoá và tư tưởng của chủ nghĩa thực dân mới Mỹ”(22)

Nhược điểm lớn nhất của truyện Kim Dung theo nhiều nhà phê bình là đi ngược lại chủ nghĩa duy vật. Nhân vật của ông chịu sự chi phối của thuyết “vô cầu nhi đắc” (không cầu mà được), nghĩa là không có mục đích, lý tưởng. Chi tiết thì đầy dẫy sự ngẫu nhiên, không mang tính quy luật… Ngoài ra là một số nhược điểm chung sau:

3.1. Tuyên truyền chủ nghĩa hoài nghi: Trịnh Tuệ Quỳnh cho truyện Kim Dung “không thể nào phân biệt rõ chính nghĩa gian tà, không thể nào xét đoán sự việc theo khía cạnh đúng, sai”(23), Trần Trọng Đăng Đàn cũng nhận xét tương tự như vậy “thiện- ác bị đánh đồng, chính tà bị lẫn lộn”(24). Phan Đắc Lập cho rằng “quan niệm về chính và tà của Kim Dung rất phù hợp với chủ trương tuyên truyền chính trị tâm lý của Mỹ- Nguỵ (…) Để biện minh cho hành động xâm lược trực tiếp của Mỹ, chúng đã tạo ra một thứ “mê hồn trận” về tư tưởng, nào là “nội chiến tương tàn”, “Bắc Việt xâm lăng”, nào là “chiến tranh ý thức hệ”. Như vậy là “hoà cả làng”, chẳng có đâu phải, chẳng có đâu trái, hai bên- Mỹ và Bắc Việt- đều là xâm lược”(25).

3.2. Từ việc chính tà lẫn lộn, truyện Kim Dung làm ngưòi đọc băn khoăn như đứng trước ngã ba đường, từ đó phát sinh một “quan niệm nhân sinh hư vô chủ nghĩa”(26), Phan Đắc Lập cũng cho rằng tư tưởng Kim Dung bắt nguồn từ tư tưởng hư vô chủ nghĩa của triết học tư sản hiện đại, từ đó những nhân vật trong truyện Kim Dung hành động “hao hao với những người nổi loạn trẻ tuổi ở các nước Au- Mỹ”(27)…

3.3. Ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cá nhân: những nhân vật trung tâm trong truyện Kim Dung hầu hết đều là những “anh hùng cô đơn”, không dựa vào quần chúng, “những con người này đi cheo leo giữa chính và tà, không phân biệt nổi chính và tà, thiện và ác, quằn quại suy nghĩ, chấp nhận lối sống bất cần đời”(28). Trần Trọng Đăng Đàn cũng phê phán những nhân vật anh hùng này tự giải quyết mọi việc không cần đến sức mạnh của số đông, của quần chúng.

3.4. Truyện Kim Dung đề cao cuồng sát, ca ngợi bạo lực: truyện Kim Dung “tán dương võ lực một cách quá lố… cách phục thù quá tàn bạo, coi mạng người như cỏ rác”(29), Trịnh Tuệ Quỳnh chê trách truyện chưởng “tuyên truyền cho tư tưởng hiếu chiến, hiếu sát bằng các chuyện đấu võ để giành ngôi minh chủ…”(30). Tệ hại hơn, theo Phan Đắc Lập, cùng với loại truyện của Duyên Anh, Nguyễn Thuỵ Long… trước 1975, truyện Kim Dung đã “dắt tuổi trẻ miền Nam đi từ du đãng đến ác ôn để bổ sung cho đội quân đánh thuê của Mỹ”(31).

3.5. Truyện Kim Dung ca ngợi tình yêu trốn tránh hiện thực, bỏ lại sau lưng toàn bộ xã hội mà tìm về một loại “băng hoa đảo”. Đó là kiểu yêu “cá nhân chủ nghĩa cực đoan”, là tình yêu “tách ra khỏi mọi ước thúc của cuộc sống, của xã hội”(32). Chính vì thứ tình yêu như vậy mà thanh niên không còn sức chiến đấu, trở thành thương binh về tâm hồn trước khi cầm súng.

3.6. Thái độ kỳ thị chủng tộc: Kim Dung cho dân tộc Đại Hán là thông minh, tài giỏi, còn các dân tộc khác là man ri, mọi rợ. Đây là một nhược điểm căn bản trong tư tưởng của Kim Dung ở một số tác phẩm (như Lộc Đỉnh ký, Anh hùng xạ điêu…)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

3.7. Chê trách một số đặc điểm nghệ thuật: như tính ngẫu nhiên phi lý, tưởng tượng quái đãn, kiến thức lệch lạc, phi khoa học…

Nếu như sau này, một số loại sách khác được phép xuất bản và lưu hành thì truyện Kim Dung vẫn còn nằm trong hệ thống sách bị cấm. Có thể lý giải vì sao vào giai đoạn đó người ta tập trung phê bình sách Kim Dung cực đoan đến vậy. Tình hình chính trị-xã hội Việt Nam những năm 1977-1980 không thích hợp cho việc lưu hành rộng rãi truyện Kim Dung. Đó là những năm chiến tranh biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam đang căng thẳng, những năm dốc sức vào công cuộc xây dựng đất nước sau ngày giải phóng, những diễn biến phức tạp của tình hình chính trị thế giới cũng như trong nước… truyện Kim Dung sẽ gây ra những phản ứng tức thời và hậu quả lâu dài đến tư tưởng thanh niên trong nước, đặc biệt là miền Nam, lúc này còn đang làm quen với chế độ mới. Vì thế mà ưu tiên phổ biến những tác phẩm có nội dung lành mạnh, rõ ràng, có tinh thần chiến đấu và xây dựng cao, kích thích nhiệt huyết thanh niên… là đúng đắn và phù hợp. Thực tế cho thấy đã có những lớp thanh niên hội nhập với chế độ mới, thay đổi tư tưởng, thực sự không lạc lõng với thời cuộc mà cho đến bây giờ vẫn yêu mến và thuộc nằm lòng những Thép đã tôi thế đấy, Muối của đất, Xa Mạc Tư Khoa… những tác phẩm trong sáng và không gây tranh cãi về mặt nội dung.

Tuy vậy, giờ đây nhìn lại, cũng có thể thấy rằng các nhà phê bình đã hơi quá khích khi phê phán tiểu thuyết Kim Dung mà bỏ qua những ưu điểm trong tác phẩm của ông. Không thể phủ nhận những thủ pháp sáng tác truyền thống của văn học Trung Quốc như sự hoang đường, tính truyền kỳ… đã được Kim Dung sử dụng thuần thục trong tác phẩm của mình. Đặc biệt là nghệ thuật xây dựng nhân vật khá ấn tượng của ông… Những quan niệm cực đoan này đã được sửa chữa trong những năm gần đây.

4. “ĐỌC LẠI” KIM DUNG NHỮNG NĂM GẦN ĐÂY.

Không phải ngẫu nhiên mà Vương Trí Nhàn đã đặt tựa cho một bài nghiên cứu trên tạp chí Văn học nước ngoài số 2.1998 là Nghĩ lại về truyện chưởng Kim Dung. Đã qua rồi cái thời vì hoàn cảnh chính trị- xã hội mà chúng ta lên án quá đà một hiện tượng văn học, cũng không phải là vì thời thị trường, mở cửa mà chúng ta phải đón nhận tất cả các luồng văn hoá. Đây thực sự là một cách nhìn lại, suy nghĩ mới trong tiếp nhận và nghiên cứu văn học. Cho dù Đài Loan mở cửa đón Kim Dung từ năm 1978 và Trung Quốc từ năm 1985 in toàn bộ tác phẩm của ông thì Việt Nam, vì nhiều lý do, vẫn phải dè dặt khi đặt vấn đề tái bản Kim Dung. Thế nhưng một điều nghịch lý là tại sao phim chuyển thể từ truyện Kim Dung lại được phổ biến rộng rãi qua mạng lưới phát hành băng video, và những tác phẩm văn học nghiên cứu, phê bình Kim Dung lại xuất hiện trước khi tác phẩm của ông được xuất bản chính thức (trừ trường hợp năm 1991-1992 nhà xuất bản Quảng Ngãi in lại nhưng lại “chẳng khác gì những người tàng hình ngoài một cái mũ đề mác Kim Dung và một đôi giày mang mác Quảng Ngãi chẳng hạn để đi khắp nước”(33).)?

Tạp chí Kiến thức ngày nay là nơi tiên phong trong việc đề cập đến Kim Dung, bao gồm các bài xung quanh hiện tượng Kim Dung như giai thoại, phê bình, phỏng vấn… Từ năm 1991 đã có bài Những giai thoại về tiểu thuyết Kim Dung (Phan Nghị), sau đó mỗi năm có thêm nhiều người như Vũ Đức Sao Biển, Tuyết Lan, Ngô Thiện, Huỳnh Ngọc Chiến...

Nhắc đến việc nghiên cứu Kim Dung không thể không kể đến nhà nghiên cứu Vũ Đức Sao Biển, người được độc giả yêu mến gọi là nhà “Kim Dung học” với bề dày nghiên cứu là bộ Kim Dung giữa đời tôi gồm ba cuốn Thượng-Trung-Hạ xuất bản trong ba năm 1997-1998-1999, tập hợp những bài viết đăng rải rác trên các báo Kiến thức ngày nay, Thanh niên, Thế giới mới, Pháp luật… và cả những bài chưa hề công bố. Vũ Đức Sao Biển đã trình bày nhiều ý kiến, suy gẫm của mình về các mặt trong tiểu thuyết Kim Dung từ phong cách xây dựng nhân vật, triết lý, võ công, thơ ca nhạc hoạ, rượu, hoa, mỹ nữ, tình dục, chất hài, chất ghen… cho đến phân tích những nhân vật mà ông tâm đắc (Tiêu Phong, A Tử, Nghi Lâm, Nhạc Bất Quần, Vi Tiểu Bảo…) và cả những nhân vật phụ chỉ xuất hiện mấy trang như Lam Phụng Hoàng, Bình Nhất Chỉ…

Nghiên cứu về Kim Dung mang tính khoa học thực sự phải nhắc đến sự mạnh dạn của Tạp chí Văn học nước ngoài đã ra một chuyên san về truyện kiếm hiệp của Kim Dung (số 2.1998), cùng với việc dịch lại và đăng bộ Tuyết sơn phi hồ (do các dịch giả Ngọc Thạch, Hữu Nùng, Phạm Tú Châu), là các bài nghiên cứu phê bình có chất lượng của các học giả uy tín về văn học Trung Quốc như Phạm Tú Châu, Đỗ Lai Thuý, Vương Trí Nhàn, Ông Văn Tùng…

Tựu trung các nhà nghiên cứu đều ca ngợi truyện Kim Dung, yêu cầu đặt ra việc nghiên cứu lại truyện chưởng với một cách nhìn mới, thoáng hơn, khoa học hơn, dân chủ hơn… Một số thành công của truyện Kim Dung mà các nhà nghiên cứu này ghi nhận là:

-Kim Dung có một tri thức lịch sử phong phú.
-Ông coi trọng việc xây dựng nhân vật (đa số các nhà nghiên cứu đều tán thành nhận định này).
-Truyện Kim Dung giải phóng cá tính, độc lập nhân cách, đề cao tình yêu lý tưởng, thuần nhất.
-Cốt truyện thay đổi, biến hoá, khi buông khi bắt.
-Ông kết hợp khéo léo giữa cao nhã và đại chúng.
….

Và tất cả các nhà nghiên cứu đều thống nhất với quan điểm “tiểu thuyết chưởng của Kim Dung đầy đủ tiêu chí của cái gọi là văn học”(34)

Trong xu thế chung đó, nhà xuất bản văn học đã tuyên bố sẽ tiến hành chỉnh lý và dịch lại một số bộ tiểu thuyết hay của Kim Dung (không phải bộ nào cũng dịch) và bộ ngắn nhất: Tuyết sơn phi hồ đã ra mắt bạn đọc cuối năm 1998.

Hy vọng rằng trong tương lai không xa, chúng ta sẽ có trong tay những tác phẩm Kim Dung đích thực, được dịch thuật và biên tập cẩn trọng phù hợp với quan điểm văn nghệ của chúng ta.

Trần Lê Hoa Tranh
___________

CHÚ THÍCH
(1) Nhân dân nhật báo, Dẫn theo Vũ Đức Sao Biển, Kim Dung giữa đời tôi, quyển thượng, NXB Trẻ 1997.
(2), (11) Phan Nghị, Những giai thoại về tiểu thuyết của Kim Dung, Tạp chí Kiến thức ngày nay số 67-1991.
(3), (10), (14) Hiếu Chân, Bàn về tiểu thuyết võ hiệp, mục Thiên hạ sự, Báo Tin văn số 16.6.1967.
(4), (13), (17) Nguyễn Viết Khánh, Tiểu thuyết Tàu trên báo chí Việt, Báo chí tập san xuân 1968.
(5), (7) Nguyễn Mộng Giác, Nỗi băn khoăn của Kim Dung, Bách Khoa số 342,1971.
(6) Đỗ Long Vân, Vô Kỵ giữa chúng ta hay là Hiện tượng Kim Dung, NXB Trình bày, Sài Gòn, 1968.
(8), (16) Lý Chánh Trung, Vài kỷ niệm và cảm nghĩ về truyện kiếm hiệp, Văn học số 34, 15.3.1965.
(9), (19) Lưu Trung Khảo, Đi vào thế giới kiếm hiệp, Văn học số 34, Sđd.
(12) Phan Vĩnh Lộc, Hiện tượng đọc truyện Quỳnh Dao, Văn học số 156, 1972.
(15) Vũ Bằng, Bốn mươi năm nói láo, NXB Văn hoá thông tin, Hà Nội 1993.
(18), (20) Thế Uyên, Trương Vô Kỵ, Văn học số 34, Sđd.
(21) Phong Hiền, Một số công cụ tư tưởng của chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam Việt Nam thời kỳ 1965-1975 trong cuốn Văn hoá văn nghệ miền Nam dưới chế độ Mỹ-Nguỵ, tập 1, NXB Văn hoá 1977-1979.
(22), (25), (27), (31), (32) Phan Đắc Lập, Truyện chưởng Kim Dung-Một công cụ nô dịch văn hoá và tư tưởng của chủ nghĩa thực dân mới Mỹ, Tạp chí Văn học số 4.1977.
(23), (30) Trịnh Tuệ Quỳnh, Điện ảnh Sài Gòn, điện ảnh phản động và sa đoạ trong cuốn Văn hoá văn nghệ miền Nam dưới chế độ Mỹ- Nguỵ, tập 1, Sđd.
(24), (29) Trần Trọng Đăng Đàn, Văn hoá văn nghệ phục vụ chủ nghĩa thực dân mới Mỹ tại Nam Việt Nam 1954-1975, NXB Thông tin-NXB Long An 1990.
(26), (28) Trần Hữu Tá, Vị trí, ảnh hưởng và tác hại của sách nước ngoài tại Nam Việt Nam trước 1975 trong cuốn Văn hoá văn nghệ miền Nam dưới chế độ Mỹ-Nguỵ, tập 1, Sđd.
(33) Phạm Tú Châu, Về hiện tượng chênh lệch giữa bản dịch và nguyên tác tiểu thuyết Kim Dung, tạp chí Văn học nước ngoài số 2.1998.
(34) Ông Văn Tùng, Lạm bàn về tiểu thuyết chưởng của Kim Dung, tạp chí Văn học nước ngoài số 2.1998.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

1
Xếp hạng mỹ nhân
trong truyện kiếm hiệp Kim Dung


Việc bình chọn mỹ nhân vẹn toàn nhất trong tiểu thuyết Kim Dung không bao giờ là một việc dễ dàng.

Ngoài việc tạo ra hàng loạt anh hùng võ nghệ cao cường, tiểu thuyết Kim Dung còn xây dựng một dàn mỹ nhân với tài và sắc khiến người đọc mê mẩn. Cộng đồng mạng Trung Quốc đã đưa ra bình chọn để tìm ra mỹ nhân tài sắc vẹn toàn nhất trong truyện Kim Dung.

30.
Kiến Ninh công chúa
(Lộc đỉnh ký)


Đây là một nhân vật có thật trong lịch sử, Kiến Ninh là muội muội của hoàng đế Thuận Trị, cô ruột của Khang Hy, tuy nhiên, trong Lộc đỉnh ký, Kiến Ninh lại trở thành em gái Khang Hy.

Không giống với những nàng công chúa khác, Kiến Ninh công chúa có tính cách ngang ngạnh, tinh nghịch, thẳng thắn, quyết đoán, vì Vi Tiểu Bảo mà từ bỏ vinh hoa phú quý. Cô trở thành một trong 7 người vợ của Vi Tiểu Bảo.



29.
Tô Thuyên
(Lộc đỉnh ký)


Ngoài võ nghệ cao cường, bản lĩnh, người đẹp Tô Thuyên còn sở hữu vẻ đẹp tuyệt sắc giai nhân. Trong số 7 người vợ của Vi Tiểu Bảo, xét về nhan sắc thì Tô Thuyên chỉ dưới A Kha.

Ngoài ra, nàng còn có nhiều cái nhất so với 6 người đẹp còn lại: Nhiều tuổi nhất, bản lĩnh nhất, võ công cao cường nhất. Do đó, khi về với Vi gia, Tô Thuyên nghiễm nhiên trở thành dâu cả, là người lãnh đạo trong số 7 bà vợ của Vi Tiểu Bảo.



28.
Lục Vô Song
(Thần điêu hiệp lữ)


Là thiên kim tiểu thư của Lục gia trang, sau vụ tàn sát gia đình, Lục Vô Song may mắn sống sót, cô được Lý Mạc Sầu nhận làm đệ tử.

Lục Vô Song biến thành một con người tàn ác, trong lòng chất chứa nhiều hận thù. Cô có tình cảm với Dương Quá nhưng chỉ kết tình huynh muội.

Lục Vô Song được gọi là mỹ nữ áo trắng, tuy nhiên, so với Tiểu Long Nữ - một mỹ nhân nổi tiếng với y phục trắng, cô có phần kém sắc hơn.



27.
A Bích
(Thiên long bát bộ)


A Bích là một trong hai hầu gái của Mộ Dung Phục, sống ở Cầm Vận Tiểu Trúc, kế nghiệp Cầm Tiên Kha Quảng Lăng.

Nàng có giọng nói mềm mại, tướng mạo diễm lệ, thích mặc màu xanh và giỏi đàn hát. Cô rất trung thành với Mộ Dung Phục và tiếp tục phục vụ anh ta ngay cả sau khi anh ta hoá điên.



26.
Chung Linh
(Thiên long bát bộ)


Ban đầu, Chung Linh xuất hiện với tư cách là con gái của cốc chủ Vạn Kiếp cốc Chung Vạn Cừu và Tiết Dạ Xoa Cam Bảo Bảo.

Tuy nhiên, khi tấm màn sự thật hé mở, nàng lại là con gái của Trấn Nam Vương nước Đại Lý Đoàn Chính Thuần, và là cháu ruột của đương kim hoàng đế nước Đại Lý Bảo Định Đế.

Trong Thiên long bát bộ, ở tuổi 16, Chung Linh là một cô gái rất xinh xắn, nhí nhảnh, hồn nhiên, với mái tóc hai bím rất dễ thương. Cô còn gây thiện cảm bởi tính cách hồn nhiên, vô tư, trong sáng, thích giúp đỡ kẻ yếu, ghét những kẻ ngông cuồng, cậy mạnh bắt nạt yếu.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

2
Xếp hạng mỹ nhân
trong truyện kiếm hiệp Kim Dung


25. Ân Ly
(Ỷ thiên đồ long ký)


Ở tuổi 12, Ân Ly đã là một cô bé có khuôn mặt xinh xắn, đôi mắt long lanh như mặt nước hồ mùa thu. Khi lớn lên, vì luyện môn võ công âm độc Thiên Thù Vạn Độc Thủ mà dung mạo của cô bị huỷ hoại, khuôn mặt sưng vù, cực kỳ xấu xí.



Có người đánh giá Ân Ly là nhân vật có tính cách khá điên khùng. Người ta có thể nhìn thấy ở cô một sự cứng rắn pha chút manh động khi dám giết chết mẹ kế chỉ bởi vì bà ta được cha cô sủng ái, rồi cũng chỉ bởi vì anh chàng Tăng A Ngưu mà cô hạ sát Chu Cửu Chân.

Thế nhưng bên ngoài vẻ tà giáo manh động ấy của cô, người ta còn thấy một tâm hồn trong sáng, một trái tim tình si, một tình cảm chân thành và bất diệt mà cô dành cho Trương Vô Kỵ.

24. Tiểu Chiêu
(Ỷ thiên đồ long ký)


Là cô gái mang trong mình hai huyết thống Hán tộc và Ba Tư, Tiểu Chiêu được thừa hưởng những nét đẹp của cả cha và mẹ, ở tuổi 15, Tiểu Chiêu đã như một bông hoa đẹp rực rỡ.

Trong Ỷ Thiên Đồ Long Ký, Tiểu Chiêu là cô gái xinh đẹp nhất và cũng là người có số phận đau khổ nhất. Cô cũng là người con gái thông minh, kiến thức võ học uyên thâm và rất có bản lĩnh.



23. Thuỷ Sinh
(Liên thành quyết)


Lạc lõng giữa dàn mỹ nhân của Thiên long bát bộ, Ỷ thiên đồ long ký, Thần điêu hiệp lữ… là Thuỷ Sinh – mỹ nhân của Liên thành quyết. Qua ngòi bút Kim Dung, Thuỷ Sinh được miêu tả là một mỹ nhân tuổi đôi mươi, dung mạo xinh đẹp, mặc y phục trắng với dải lụa đỏ cài trên đầu.



22. Song Nhi
(Lộc đỉnh ký)


Vừa là người hầu, vừa là bạn, Song Nhi đi theo Vi Tiểu Bảo như cái bóng, liều mình bảo vệ anh chàng họ Vi mỗi khi gặp nguy hiểm. Chính vẻ đẹp tâm hồn và nhân cách của Song Nhi đã tô điểm cho cô gái nhỏ này trở thành mỹ nhân số 1 của Lộc đỉnh ký.

Cô gái nhỏ này võ công cao cường, nhân phẩm đoan chính, có học vấn và có tấm lòng trung thành vô hạn đối với chủ. Khi trở thành một trong bảy người vợ của Vi Tiểu Bảo, cô vẫn giữ được phẩm giá chân chính của một người phụ nữ: Không hề cạnh tranh, so bì, tỵ nạnh.



21. Mộc Uyển Thanh
(Thiên long bát bộ)


Mộc Uyển Thanh là người có võ công không tầm thường và một quá khứ khá đặc biệt. Cô có gương mặt trái xoan xinh đẹp, nước da trắng ngần, hai mắt to tròn và sáng.

Khi hành tẩu giang hồ, Mộc Uyển Thanh thường mặc y phục màu đen và quấn khăn bịt mặt, cưỡi con ngựa mang tên Hắc Mai Khôi (hoa hồng đen). Mộc Uyển Thanh có một mối tình khá ngang trái với Đoàn Dự nhưng sau này cũng được Kim Dung cho kết thúc một cách êm đẹp.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

3
Xếp hạng mỹ nhân
trong truyện kiếm hiệp Kim Dung


Tiểu Long Nữ
Một trong những lý do khiến Trần Nghiên Hy bị "ném đá" khi được Vu Chính giao vai nữ chính trong Tân Thần điêu đại hiệp vì cô không có gương mặt xinh đẹp "tương xứng" với nhân vật Tiểu Long Nữ. Bởi dưới ngòi bút Kim Dung, Tiểu Long Nữ là một tuyệt sắc giai, đứng đầu danh sách những mỹ nhân của nhà văn võ hiệp này.


Lưu Diệc Phi vai Tiểu Long Nữ trong Thần điêu đại hiệp 2006.

Vương Ngữ Yến
So với những nhân vật nữ khác trong tiểu thuyết Kim Dung, Vương Ngữ Yến trong Thiên long bát bộ không để lại nhiều ấn tượng sâu sắc vì hình ảnh của cô quá hoàn hảo - hoàn hảo đến "phẳng lỳ". Xét về nhan sắc, có thể nhiều người cho rằng Vương Ngữ Yến đẹp nhất, song cuộc đời của nàng chỉ "một màu" nên kém hấp dẫn hơn Tiểu Long Nữ.


Trần Ngọc Liên vai Vương Ngữ Yến trong Thiên long bát bộ 1982.

Hương Hương công chúa
Không phải là nhân vật lớn, trong tác phẩm Thư kiếm ân cừu lục cũng không hẳn là vai chính nhưng nhà văn Kim Dung đã dành khá nhiều câu chữ mỹ miều để miêu tả nhan sắc của cô gái người dân tộc Hồi này. Vẻ đẹp của Hương Hương công chúa khiến vua Càn Long bị mê hoặc.


Dĩnh Nhi vai Hương Hương công chúa trong Thư kiếm ân cừu lục 2009.

Hoàng Dung
Trong Anh hùng xạ điêu, Tiểu Đông tà Hoàng Dung là nhân vật có sức hút mãnh liệt. Nàng không chỉ là một thiếu nữ xinh đẹp mà còn rất thông minh, nhiều mưu trí, thiện ác phân minh, có chút kiêu ngạo.


Chu Ân vai Hoàng Dung trong Anh hùng xạ điêu 1994.

Triệu Mẫn
Nhiều người nhận xét, cứ sau mỗi lần xem lại truyện hay phim Ỷ thiên đồ long ký, người ta lại càng thêm yêu thích nhân vật Triệu Mẫn. Ở nàng không chỉ có nhan sắc mà còn hội đủ nhiều điểm hấp dẫn như trí tuệ, dũng khí và đặc biệt là "rất phụ nữ". Chính nhà văn Kim Dung thừa nhận, Triệu Mẫn là nhân vật "phụ nữ nhất trong số những phụ nữ" mà ông sáng tạo ra.


Lê Mỹ Nhân vai Triệu Mẫn trong Ỷ thiên đồ long ký 1986.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

4

Nhậm Doanh Doanh
Là một trong những nhân vật nữ được yêu thích nhất trong các tác phẩm của Kim Dung, Nhậm Doanh Doanh mang nhiều hình ảnh của một cô gái hiện đại, yêu và sẵn sàng hy sinh cho tình yêu, mong manh nhưng không yếu đuối. Chính những điều ấy đã tôn thêm vẻ đẹp của cô trong Tiếu ngạo giang hồ.


Hứa Tịnh vai Nhậm Doanh Doanh trong Tiếu ngạo giang hồ 2001.

A Kha
Thừa hưởng nhan sắc của mẹ là Trần Viên Viên nên dưới ngòi bút Kim Dung, A Kha cũng là một mỹ nhân “khuynh quốc khuynh thành” trong Lộc đỉnh ký. Tuy vậy, sức hấp dẫn của cô không thể bằng Song Nhi và khi viết về A Kha, Kim Dung cũng không thật ưu ái, vì thế mà nhân vật này không phải ai cũng yêu thích.


Giả Thanh vai A Kha trong Lộc đỉnh ký 2014.

Chu Chỉ Nhược
Có lẽ nhiều người không thích Chu Chỉ Nhược, nhưng khi đọc những dòng miêu tả của Kim Dung, hoặc xem cô trên màn ảnh, người ta không thể dửng dưng với vẻ đẹp trí tuệ của vị chưởng môn nhân đời thứ tư của phái Nga Mi này.


Châu Hải Mỵ vai Chu Chỉ Nhược trong Ỷ thiên đồ long ký 1994.

Mộc Uyển Thanh
Được đánh giá là một trong những nhân vật nữ có cá tính mạnh trong truyện Kim Dung, ngang bướng, cố chấp nhưng chung tình, khi yêu cũng rất mạnh mẽ, Mộc Uyển Thanh xuất hiện khá ấn tượng trong Thiên long bát bộ. Chính tính cách đặc biệt đó đã khiến cho nhân vật trở nên hấp dẫn hơn.


Tưởng Hân vai Mộc Uyển Thanh trong Thiên long bát bộ 2003.

Hoắc Thanh Đồng
Đại diện cho vẻ đẹp của dân tộc Hồi Cương, Hoắc Thanh Đồng là nhân vật nữ chính trong tác phẩm Thư kiếm ân cừu lục, được Kim Dung miêu tả như một viên ngọc không tỳ vết, kiên cường, thông minh, võ công cao cường.


Quan Vịnh Hà vai Hoắc Thanh Đồng trong Thư kiếm ân cừu lục 2002.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

CAO THỦ VÕ LÂM


Danh hiệu đệ nhất cao thủ võ lâm truyện Kim Dung thuộc về một nhân vật xuất hiện khiêm tốn, giản dị nhất, thậm chí còn không có một cái tên cụ thể.

Chu Bá Thông
(Thần điêu hiệp lữ và Thần điêu đại hiệp) – 81 điểm

Chu Bá Thông là một nhân vật có thật trong lịch sử, song tư liệu về ông rất ít. Trong Anh hùng xạ điêu và Thần điêu hiệp lữ, Chu Bá Thông được xây dựng là sư đệ của Vương Trùng Dương, sư thúc của Toàn Chân thất tử.



Ông được mô tả là người có tính tình ngây thơ, hay đùa giỡn như trẻ con (nên có biệt danh Lão Ngoan Đồng) và là một con nghiện võ thuật.
Ông là người sáng chế ra món võ công ‘Không minh quyền’, đặc biệt là môn Song Thủ Hỗ Bác, môn võ công kỳ dị chỉ dành cho những người có đầu óc hoàn toàn vô tư, trong sáng.

Giác viễn đại sư
(Thần điêu hiệp lữ và Ỷ thiên đồ long ký) – 84 điểm

Là một tăng nhân trong chùa Thiếu Lâm, sư phụ của Trương Quân Bảo – Trương Tam Phong. Ông có nội lực cao thâm khi luyện thành Cửu Dương thần công.

Mộ Dung Bác
(Thiên long bát bộ) - 86,8 điểm

Mộ Dung Bác là cha của Mộ Dung Phục. Ông chia sẻ ảo tưởng phục quốc với con trai và là kẻ dàn xếp vụ mai phục tại Nhạn Môn quan dẫn đến cái chết của vợ Tiêu Viễn Sơn.



Mộ Dung Phục giả chết và trốn vào chùa Thiếu Lâm trong nhiều năm, bí mật học các bí kíp võ công trong thư viện của chùa. Ông được nhà sư quét rác cứu sống và quyết định từ bỏ tham vọng phục quốc và trở thành học trò của nhà sư.

Tiêu Viễn Sơn
(Thiên long bát bộ) – 87 điểm

Tiêu Viễn Sơn là một cao thủ tuyệt thế người Khiết Đan, cha ruột của Tiêu Phong. Trong một lần bị các cao thủ đứng đầu Trung Nguyên vây đánh ở Nhạn Môn Quan, với võ công thuộc hạng thượng thừa, Tiêu Viễn Sơn đã đánh bại gần hết đám cao thủ.



Sau trận chiến, vợ Tiêu Viễn Sơn không may bị giết chết, quá uất hận, về sau, Tiêu Viễn Sơn đã tạo ra một cuộc trả thù đẫm máu và bị gọi là ‘đại ác nhân’. Cuối truyện, ông được Tảo Địa Tăng điểm hoá và quy ẩn tại Thiếu Lâm Tự.

Vương Trùng Dương
(Anh hùng xạ điêu) - 90 điểm

Tuy là một đạo sỹ xa lánh hồng trần nhưng khi thấy cảnh người dân điêu đứng lầm than vì quân Kim xâm lược, Vương Trùng Dương đã nhập thế để cứu độ chúng sinh, lãnh đạo nhân dân đứng lên chống giặc.

Qua ngòi bút của Kim Dung, người ta biết đến Vương Trùng Dương không chỉ là một anh hùng dân tộc chống quân Kim mà còn là một Trung Thần Thông võ công cái thế.



Tại Hoa Sơn luận kiếm lần thứ nhất, Vương Trùng Dương được bầu là người võ công cao nhất, hiệu là Trung Thần Thông, được giữ bộ Cửu Âm chân kinh, 4 người còn lại là Hoàng Dược Sư (Đông Tà), Âu Dương Phong (Tây Độc), Đoàn Trí Hưng (Nam Đế) và Hồng Thất Công (Bắc Cái) và chỉ 4 người này mới thật sự biết được võ công lợi hại của Vương Trùng Dương tới đâu.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

Đoàn Dự
(Thiên long bát bộ) – 92 điểm

Đoàn Dự cũng là một trong 3 nhân vật nam chính trong truyện Thiên long bát bộ, là vương tử nước Đại Lý, dáng vẻ thư sinh, sùng đạo Phật, ghét bạo lực, thẳng thắn, nhiều khi hơi gàn.



Không chịu học võ nhưng nhờ cơ duyên may mắn, Đoàn Dự học được Bắc Minh Thần Công có thể hút công lực của người khác, Lăng Ba Vi Bộ di chuyển khinh công nhanh chóng, nhẹ nhàng.

Hư Trúc
(Thiên Long bát bộ) – 93 điểm

Xuất thân là 1 tiểu hoà thượng địa vị và võ công rất thấp kém của chùa Thiếu Lâm nhưng sau bước đường phiêu lưu với rất nhiều kỳ duyên, Hư Trúc chẳng những có được 1 thân võ công thượng thừa, nắm giữ nhiều quyền lực mà còn phát hiện lai lịch không hề đơn giản của mình.



Là nhân vật chính xuất hiện cuối cùng, cũng là người được Kim Dung cho ít đất diễn nhất nhưng bù lại Hư Trúc được tác giả ưu ái cho gặp rất nhiều may mắn, lần lượt làm trưởng môn phái Tiêu Dao, chủ nhân Linh Thứu Cung, thống lĩnh 36 động 72 đảo và cuối cùng là phò mã Tây Hạ.

Kiều Phong
(Thiên Long Bát Bộ) - 95 điểm

Là bang chủ của phái Cái Bang, sở hữu phẩm chất lãnh đạo mạnh mẽ và sức mạnh đặc biệt trong võ thuật, Kiều Phong được cả giang hồ kính nể về tài nghệ võ công lẫn nghĩa khí.



Câu nói ‘Bắc Kiều Phong, Nam Mộ Dung‘ đã thành nổi tiếng không ai không biết trong chốn giang hồ (tên tuổi Kiều Phong được xếp trước cả dòng họ Mộ Dung, một võ học danh giá ở Giang Nam).

Độc Cô Cầu Bại
(Thần điêu hiệp lữ) - 99 điểm

Đây là nhân vật bí ẩn nhất trong truyện Kim Dung, Độc Cô Cầu Bại xuất hiện như một con người kiếm thuật vô song trong Thần Điêu Hiệp Lữ theo sự hồi tưởng của Dương Quá.



Tuyệt thế võ công của Độc Cô Cầu Bại là Độc Cô Cửu Kiếm tung hoành thiên hạ. Cuối đời, Độc Cô Cầu Bại sống cô quạnh, chết trong buồn bã vì không thể tìm được một người có thể địch nổi kiếm thuật của mình, mong một lần thất bại mà không được.

Độc Cô Cầu Bại đã chôn các thanh kiếm của mình tại nơi gọi là kiếm mộ và ghi chú giải triết lý của bốn thanh kiếm.

Tảo Địa Tăng
(Thiên Long Bát Bộ) - 100 điểm

Tảo Địa Thần Tăng (nhà sư quét lá) hay còn có tên gọi khác là Vô Danh Lão Tăng, người đã xuất hiện một cách khiêm tốn, giản dị trong tiểu thuyết Kim Dung với bộ áo cà sa sờn cũ, hoà giải ân oán giữa Tiêu Viễn Sơn và Mộ Dung Bác.

Không chỉ đạt được cảnh giới võ học thâm sâu, Tảo Địa Thần Tăng còn am hiểu y lý, đạo pháp Phật mô. Chỉ trong vòng vài chục phút ngắn ngủi, vị lão tăng này đã làm được những việc tưởng chừng như cả thiên hạ không ai làm nổi.



Hai chưởng đánh gục Mộ Dung Bác và Tiêu Viễn Sơn nhẹ như lông hồng, dùng một tay đỡ đòn Hàng Long Thập Bát Chưởng của Kiều Phong mà chỉ lui vài bước đủ để thấy võ công của Thiếu Lâm Thần Tăng này cao thâm tới mức nào.

Lặng lẽ làm người quét dọn Tàng Kinh Các suốt 50 năm nhưng luận về tài và đức của Tảo Địa Tăng thì đến đại đức cao tăng cũng phải nghiêng mình kính phục. Tảo Địa Thần Tăng được coi là người có võ công cao nhất trongThiên Long Bát Bộ, cũng là đệ nhất cao thủ võ công trong tiểu thuyết Kim Dung.

Theo Hoàng Nhi
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

Đoàn Dự
(Thiên long bát bộ) – 92 điểm

Đoàn Dự cũng là một trong 3 nhân vật nam chính trong truyện Thiên long bát bộ, là vương tử nước Đại Lý, dáng vẻ thư sinh, sùng đạo Phật, ghét bạo lực, thẳng thắn, nhiều khi hơi gàn.



Không chịu học võ nhưng nhờ cơ duyên may mắn, Đoàn Dự học được Bắc Minh Thần Công có thể hút công lực của người khác, Lăng Ba Vi Bộ di chuyển khinh công nhanh chóng, nhẹ nhàng.

Hư Trúc
(Thiên Long bát bộ) – 93 điểm

Xuất thân là 1 tiểu hoà thượng địa vị và võ công rất thấp kém của chùa Thiếu Lâm nhưng sau bước đường phiêu lưu với rất nhiều kỳ duyên, Hư Trúc chẳng những có được 1 thân võ công thượng thừa, nắm giữ nhiều quyền lực mà còn phát hiện lai lịch không hề đơn giản của mình.



Là nhân vật chính xuất hiện cuối cùng, cũng là người được Kim Dung cho ít đất diễn nhất nhưng bù lại Hư Trúc được tác giả ưu ái cho gặp rất nhiều may mắn, lần lượt làm trưởng môn phái Tiêu Dao, chủ nhân Linh Thứu Cung, thống lĩnh 36 động 72 đảo và cuối cùng là phò mã Tây Hạ.

Kiều Phong
(Thiên Long Bát Bộ) - 95 điểm

Là bang chủ của phái Cái Bang, sở hữu phẩm chất lãnh đạo mạnh mẽ và sức mạnh đặc biệt trong võ thuật, Kiều Phong được cả giang hồ kính nể về tài nghệ võ công lẫn nghĩa khí.



Câu nói ‘Bắc Kiều Phong, Nam Mộ Dung‘ đã thành nổi tiếng không ai không biết trong chốn giang hồ (tên tuổi Kiều Phong được xếp trước cả dòng họ Mộ Dung, một võ học danh giá ở Giang Nam).

Độc Cô Cầu Bại
(Thần điêu hiệp lữ) - 99 điểm

Đây là nhân vật bí ẩn nhất trong truyện Kim Dung, Độc Cô Cầu Bại xuất hiện như một con người kiếm thuật vô song trong Thần Điêu Hiệp Lữ theo sự hồi tưởng của Dương Quá.



Tuyệt thế võ công của Độc Cô Cầu Bại là Độc Cô Cửu Kiếm tung hoành thiên hạ. Cuối đời, Độc Cô Cầu Bại sống cô quạnh, chết trong buồn bã vì không thể tìm được một người có thể địch nổi kiếm thuật của mình, mong một lần thất bại mà không được.

Độc Cô Cầu Bại đã chôn các thanh kiếm của mình tại nơi gọi là kiếm mộ và ghi chú giải triết lý của bốn thanh kiếm.

Tảo Địa Tăng
(Thiên Long Bát Bộ) - 100 điểm

Tảo Địa Thần Tăng (nhà sư quét lá) hay còn có tên gọi khác là Vô Danh Lão Tăng, người đã xuất hiện một cách khiêm tốn, giản dị trong tiểu thuyết Kim Dung với bộ áo cà sa sờn cũ, hoà giải ân oán giữa Tiêu Viễn Sơn và Mộ Dung Bác.

Không chỉ đạt được cảnh giới võ học thâm sâu, Tảo Địa Thần Tăng còn am hiểu y lý, đạo pháp Phật mô. Chỉ trong vòng vài chục phút ngắn ngủi, vị lão tăng này đã làm được những việc tưởng chừng như cả thiên hạ không ai làm nổi.



Hai chưởng đánh gục Mộ Dung Bác và Tiêu Viễn Sơn nhẹ như lông hồng, dùng một tay đỡ đòn Hàng Long Thập Bát Chưởng của Kiều Phong mà chỉ lui vài bước đủ để thấy võ công của Thiếu Lâm Thần Tăng này cao thâm tới mức nào.

Lặng lẽ làm người quét dọn Tàng Kinh Các suốt 50 năm nhưng luận về tài và đức của Tảo Địa Tăng thì đến đại đức cao tăng cũng phải nghiêng mình kính phục. Tảo Địa Thần Tăng được coi là người có võ công cao nhất trongThiên Long Bát Bộ, cũng là đệ nhất cao thủ võ công trong tiểu thuyết Kim Dung.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 100 trang (999 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [82] [83] [84] [85] [86] [87] [88] ... ›Trang sau »Trang cuối