39
MỘ DUNG PHỤC
Cuộc đời như mộng
Trong bộ tiểu thuyết Thiên long bát bộ , Mộ Dung Phục không phải là kẻ xấu, cũng không phải là ác nhân, càng không thể coi là anh hùng hiệp sĩ. Nhưng kết cục của y lại không bằng đa số kẻ xấu và ác nhân. Đệ nhất đại ác nhân trong thiên hạ Đoàn Diên Khánh tuy cuối cùng không được lên ngôi hoàng đế nước Đại Lý, nhưng phát hiện mình có một đứa con trai, hơn nữa, vì đứa con ấy mà hắn rút chân khỏi chốn giang hồ, là một việc tốt cho nhân gian, coi như kết thúc tốt đẹp.
Đệ nhị đại ác nhân Diệp Nhị Nương cuối cùng cũng tìm thấy đứa con trai của mình, rồi tự sát mà chết, một mặt để tạ tội với thiên hạ, từ đây mụ không hành ác; mặt khác, đấy là Diệp Nhị Nương chủ động lựa chọn cái chết, để sang thế giới bên kia đoàn tụ với người yêu, giành được sự thông cảm và kính trọng của mọi người. Phụ thân của Mộ Dung Phục là Mộ Dung Bác và phụ thân của Tiêu Phong là Tiêu Viễn Sơn cùng buông đao đồ tể, lập tức thành Phật, đương nhiên là một kết cục tốt đẹp. Đôi oan gia Thiên Sơn Đồng Lão và Lý Thu Thuỷ tuy cuối cùng không đi đến tình yêu tốt đẹp, nhưng trước lúc chết ít ra cũng nhận biết chân tướng và hư ảo, có thể yên tâm nhắm mắt.
Tìm hiểu kỹ bình sinh của Mộ Dung Phục, một người với ngoại hiệu “Nam Mộ Dung” từng sánh ngang với “Bắc Kiều Phong”, cuối cùng hoá điên vì chấp mê bất ngộ, độc giả không khỏi thở dài. Mộ Dung Phục ngoại hình anh tuấn, đầu óc thông minh, võ công cao cường, tư chất ưu tú. Dưới con mắt của biểu muội y là Vương Ngữ Yên và rất nhiều độc giả, y là một con chim phượng hoàng hiếm có trên thế gian, lẽ ra phải được hưởng một cuộc đời sung sướng, vì dầu sao y cùng xuất thân trong thế gia Mộ Dung, có trọng nhiệm lịch sử phục hồi ngai vàng Đại Yên, tái lập vương triều Mộ Dung. Huống hồ cha y là Mộ Dung Bác cả đời không làm nên sự nghiệp, chỉ sinh được mình y là con, đặt tên y là Phục, để từ khi ra đời đã gánh vác trách nhiệm không ai thay nổi. Mộ Dung Phục tính cách ngang ngạnh cố chấp, tâm cao khí ngạo, tự cho mình là người phi thường, muốn làm những việc phi thường, điều này đã quyết định vận mệnh khác thường của công tử Mộ Dung lừng lẫy tiếng tăm.
Ở nước Trung Quốc thời trước, có thể nói giấc mơ cao nhất, ham muốn mạnh mẽ nhất của rất nhiều người là được làm hoàng đế. Hoàng đế là “con trời”, “đất đai khắp thiên hạ, đâu cũng là đất của hoàng đế, khách của mọi nhà, ai cung là bầy tôi của hoàng đế”. Làm hoàng đế mới là cực điểm vinh hoa phú quí thật sự, bởi lấy của công khắp thiên hạ làm của riêng một nhà, một người, muốn làm gì tuỳ thích, đã vậy còn được gọi là “Thiên tử thánh minh”, không một ai dám hoài nghi. Bởi thế, trong lịch sử Trung Quốc, có vô số đại trượng phu hoặc hỗn thế ma vương hoặc đục nước béo cò, hoặc giết người cướp của, sử dụng sinh mạng của mình và của người khác để ngoi lên, “vốn chỉ định thử làm vua một chỗ, không ngờ được làm vua cả nước”.
Thì gã lưu manh vô lại Lưu Bang về sau chẳng thành Hán Cao Tổ đó sao? Tôi nói thế chỉ là để lý giải mộng tưởng tổ truyền của gia tộc Mộ Dung. Nếu là một gia tộc bình thường thì khỏi nói, nhưng gia tộc Mộ Dung thì khác, chảy trong máu họ là huyết thống hoàng tộc Đại Yên, nếu không “bác” (thu lấy), không “phục” (phục hồi), thì sẽ có lỗi với tổ tiên mình. Mộ Dung Bác đã cố thu lấy cả đời, Mộ Dung Phục đương nhiên cũng phải tận lực phục hồi. Có điều là trời không giúp Mộ Dung: bấy giờ xung quanh Trung Nguyên các nước tuy phân tranh, phía bắc có Đại Liêu, phía tây có Tây Hạ, tây nam có Đại Lý, Thổ Phiên, nhưng nước nào cũng ra sức củng cố cơ nghiệp, không dễ làm cho họ lung lay.
Ở bản thân Trung Nguyên, vương triều Bắc Tống tuy suy yếu nhưng vẫn chưa chịu chết. Hơn nữa, quân thần Bắc Tống còn tiến hành nhiều cải cách, dân chúng ấm no, đương nhiên không ai muốn thiên hạ rối loạn. Trong tình hình đó, gia tộc Mộ Dung muốn khởi sự, tạo phản đoạt quyền, thật không có cơ hội. Mộ Dung Bác dày công suy tính, muốn tạo ra xung đột ngoại giao và quân sự giữa vương triều Bắc Tống với vương triều Đại Liêu, kết quả trừ việc thay đổi số phận cha con Tiêu Viễn Sơn, Tiêu Phong và một số người thiểu số ra, chẳng có ảnh hưởng gì đến quan hệ giữa hai nước ấy. Đến đời Mộ Dung Phục, tình hình vẫn thế.
Song Mộ Dung Phục lại không bằng cha về bất cứ điểm gì. Thời thế lịch sử không tạo ra anh hùng, mà cứ muốn anh hùng tạo ra thời thế, cố nghịch thiên hành sự, kết quả ra sao cũng đủ biết. Mộ Dung Phục không có nhãn quan chính trị, không có tài năng quân sự, không có tài ngoại giao, nói đến chuyện phục quốc chỉ là nằm mơ. Vậy mà Mộ Dung Phục không nhận ra điều đó, hoặc giả nhận ra mà không công nhận, còn cố dốc sức sáng tạo kỳ tích, kết quả không đâu vào đâu, ai ai cũng thấy rõ, chỉ riêng y dường như không thấy. Như vậy, Mộ Dung Phục tuy thông minh lanh lợi, võ công cao cường, nhưng không phải là người đại trí đại tuệ, không hiểu sự lý thế gian.
II
Mộ Dung Phục không hiểu sự lý, nghịch thiên hành sự, không phải do thiên tư kém cỏi, mà là y quá mơ tưởng phú quí, cá tính cao ngạo, cố chấp. Trong sách có một tình tiết rất quan trọng, “Y muốn làm người Hồ, không muốn làm người Trung Quốc, ngay chữ Trung Quốc y cũng không muốn biết, sách Trung Quốc y cũng không thiết đọc”. (Xem Thiên long bát bộ). Đó là bằng chứng Mộ Dung Phục cố chấp, cũng là nguyên nhân khiến y không hiểu sự lý. Muốn phục hồi vương triều Đại Yên, lẽ ra phải tận dụng mọi nguồn vốn có thể để làm giàu cho mình, để khi giấc mộng trở thành hiện thực còn biết cách quản lý quốc gia. Đằng này lại cố chấp, không muốn biết chữ Trung Quốc, không đọc sách Trung Quốc.
Giá như y biết chữ Trung Quốc, đọc sách Trung Quốc, thì y đã có thể hiểu ra sự lý, hiểu rõ cuộc sống, không chấp mê bất ngộ đối với sự nghiệp phục quốc như thế. Mộ Dung Phục cố chấp như thế cũng không có gì lạ. Đừng nói y là người Hồ, ngay người Trung Quốc cũng khối người không biết chữ Trung Quốc, không đọc sách Trung Quốc. Thậm chí họ còn cho rằng càng đọc sách nhiều càng có hại, càng nhiều tri thức càng ngu xuẩn. Lại nói Mộ Dung Phục, cũng may y có một người từ nhỏ đã yêu kính y là biểu muội Vương Ngữ Yên. Mộ Dung Phục không đọc sách, đã có Vương Ngữ Yên đọc giúp y, kể lại cho y nghe. Dĩ nhiên không phải là đọc sách văn học nghệ thuật, mà là đọc các bí kíp võ công, quyền kinh kiếm phổ.
Không đọc chúng, Mộ Dung Phục làm sao có thể thông hiểu tuyệt kỹ trăm nhà ở Trung Nguyên để “dùng gậy ông đập lưng ông”, trở thành nổi tiếng trên giang hồ? Đã muốn học tinh tuý võ công của Trung Nguyên, lại không chịu đọc điển tích văn hoá Trung Quốc; khinh người cũng chính là khinh mình, tính cách tâm lý của Mộ Dung Phục là vậy. Nói đến Vương Ngữ Yên, đương nhiên không thể không nói đến tình yêu sâu sắc của nàng đối với Mộ Dung Phục. Cơ hồ cả thiên hạ đều biết tình yêu đó, Mộ Dung Phục đương nhiên cũng biết. Nhưng đối với y, ngoài đại nghiệp phục quốc, không có gì đáng kể. Tình yêu ấy chỉ chiếm chỗ rất nhỏ trong lòng Mộ Dung Phục.
Nếu một ngày nào đó y có kết hôn với Vương Ngữ Yên, thì cũng không phải vì tình yêu, mà chỉ là để thực hiện nhiệm vụ duy trì dòng giống theo tập quán mà thôi. Mộ Dung Phục không có tình yêu, không hiểu tình yêu, thậm chí hết sức coi thường tình yêu. Bằng chứng : khi quốc vương Tây Hạ treo bảng kén phò mã, Mộ Dung Phục đương nhiên không bỏ qua cơ hội ngàn năm có một này, lập tức quyết định buộc Vương Ngữ Yên, người luôn ở bên chàng trên bước đường giang hồ hiểm ác, phải trở về nhà. Đoàn Dự khuyên y đừng rời bỏ Vương Ngữ Yên, nói : “Vương cô nương thanh lệ tuyệt tục, thế gian hiếm có, hiền hậu dịu dàng, tìm khắp thiên hạ không ra người thứ hai”.(Xem Thiên long bát bộ).
Song Mộ Dung Phục mặc kệ, đối với y, không gì quan trọng hơn lý tưởng chính trị, sứ mạng phục quốc, đại kế kiến quốc. Chính vì thế, trong hoàng cung Tây Hạ, khi ứng thí, gặp câu hỏi “Người bình sinh công từ yêu quí nhất tên là gì?” Tuy câu hỏi này đã có mấy người trả lời trước y đến lượt Mộ Dung Phục, y nghe xong vẫn ngây ra, rồi mới thở dài, đáp : “Tạ không yêu nhất người nào cả”. (Xem Thiên long bát bộ).
Mộ Dung Phục trả lời thế không phải để lấy lòng công chúa Tây Hạ, mà là nói thật, trong đời y, y chẳng yêu ai nhất cả. Điều đó không chỉ là vô tình vô nghĩa với nàng Vương Ngữ Yên, mà còn không có chút tình thân đối với chính cha đẻ của y. Có một chi tiết nói rõ vấn đề này. Tại Thiếu Lâm tự, khi lão tăng vô danh chỉ chỗ nội thương của Tiêu Viễn Sơn, thì Tiêu Phong là con lập tức quì xuống xin lão tăng cứu chữa cho cha mình.
Còn khi lão tăng vô danh chỉ chỗ nội thương của Mộ Dung Bác, thì phản ứng của Mộ Dung Phục là “Y biết phụ thân tranh cường hiếu thắng, thà chết cũng không chịu nhục cầu xin, nên y không muốn làm như Tiêu Phong, không quì xuống xin lão tăng cứu chữa”. Nếu lão tăng kia không chủ động cứu chữa,thì cha y bị thương có nguy hiểm ra sao, Mộ Dung Phục chắc là cũng mặc kệ.Trên thế gian ai ai cũng có tình, Mộ Dung Phục lại không hề có, chẳng qua là do ý đồ vương bá của y quá lớn, đã ức chế, đè bẹp, triệt tiêu tình cảm thông thường của con người. Lâu dần, Mộ Dung Phục biến thành một kẻ “phi nhân” vô tình.
III
Đối với một kẻ mê muội với “sứ mệnh thần thánh” của mình, chỉ cần đạt mục đích, thì hắn sẽ bất chấp thủ đoạn. Vì thế, một kẻ không xấu, cũng không ác như Mộ Dung Phục, khi mất đi tình cảm thông thường và nhân tính, sẽ còn đáng sợ hơn mọi kẻ xấu và kẻ ác. Cha y, Mộ Dung Bác, để xúi giục hai nước Tống, Liêu phân tranh, căn bản không nghĩ đến trăm họ bị thảm sát hoặc đau khổ, là một ví dụ điển hình. Mộ Dung Phục suy tính chán chê, cuối cùng lợi dụng người mợ của y là Vương phu nhân làm mồi nhử, bắt Đoàn Chính Thuần, giết Đoàn Dự, rồi chủ động câu kết với đệ nhất ác nhân trong thiên hạ Đoàn Diên Khánh để tiện sau này lên ngôi vua nước Đại Lý, phát triển thêm một bước.
Để thực hiện mưu đồ ấy, y giết Nguyễn Tinh Trúc, giết Tần Hồng Cẩm, giết Cam Bảo Bảo. Cuối cùng Vương phu nhân cũng chết dưới mũi kiếm của y, y không hề chớp mắt. Song điều bất ngờ nhất là Mộ Dung Phục thẳng tay đâm chết viên gia tướng rất mực trung thành Bao Bất Đồng, chỉ vì Bao Bất Đồng không tán thành thủ đoạn của y, nói lộ bí mật của y, sợ y biến thành “kẻ bất trung, bất hiếu, bất nhân, bất nghĩa, khó tránh khỏi hổ thẹn với lương tâm”.(Xem Thiên long bát bộ).
Mộ Dung Phục giết Bao Bất Đồng, bọn Lưu Bách Xuyên bỏ đi, Mộ Dung Phục không hề nuối tiếc. Để thực hiện mưu đồ phục quốc, còn việc gì Mộ Dung Phục không làm? Y nhận ác nhân làm cha, đổi sang họ của người khác, giết người vô tội, giết thân nhân, giết thuộc hạ trung thành. Tiếc rằng sau mọi hành động vô sỉ, tàn bạo, đẫm máu ấy, y vẫn chưa đạt được mục đích; chính là vì khi tính người của Mộ Dung Phục bị tuyệt diệt, thì tính người ở đệ nhất ác nhân trong thiên hạ Đoàn Diên Khánh lại bắt đầu phục hồi. Sự so sánh này thật nhiều ý nghĩa. Bắt đầu từ đây, Mộ Dung Phục bước vào thời kỳ phát điên, cuộc sống con người coi như chấm dứt.
Về điểm này, trong sách sớm đã nói đến. Trong hoàng cung Tây Hạ, trước câu hỏi Mộ Dung Phục cảm thấy sung sướng nhất đời là lúc ở đâu, y cứng lưỡi. Sách viết : “Y một đời lúc nào cũng tất bật nay đây mai đó, chỉ lo phục hưng nước Yên, chưa từng lúc nào cảm thấy sung sướng. Người khác tưởng y anh tuấn, võ công cao cường, lừng danh thiên hạ, giang hồ ai ai cũng kinh sợ, thì hẳn phải đắc chí mãn ý lắm lắm. Nhưng trong lòng y quả thực chưa từng cảm thấy sung sướng thật sự. Y ngẩn người một hồi, rồi trả lời: “Nếu bảo cảm thấy sung sướng, thì đó sẽ là trong tương lai, chứ không phải quá khứ” - Niềm sung sướng sẽ là trong tương lai, song không phải ngụ ý việc thành hôn với công chúa Tây Hạ, - Mộ Dung Phục cảm thấy sung sướng, ấy là khi nào y làm chúa nước Đại Yên”. (Xem Thiên long bát bộ).
Thành hôn với công chúa Tây Hạ chỉ là một thủ đoạn để đạt tới mục đích, Mộ Dung Phục thực tế đã không còn biết thưởng thức ý vị của tình yêu và hôn nhân như một con người bình thường. Cuộc đời Mộ Dung Phục hoàn toàn uổng phí, y chỉ tái lập vương triều Mộ Dung trong mộng tưởng. Mộng tưởng ẩy đã làm cho y phát điên; khi điên, mộng tưởng ấy càng mạnh thêm, thế là mộng tưởng và điên rồ, điên rồ và mộng tưởng là mục đích và phương thức tồn tại duy nhất của y.
Đọc phần kết bộ tiểu thuyết Thiên long bát bộ, nhìn cảnh Mộ Dung Phục ở nước Đại Lý, ngồi bên nấm mộ vương triều Mộ Dung, đầu đội chiếc mũ miện làm bằng giấy, dùng kẹo bột dụ bọn trẻ con trong làng ra làm quần thần bái kiến, tung hô vạn tuế, vạn vạn tuế, người ta không khỏi tức cười và thương hại. Nghĩ một lát, chợt cảm thấy không lạnh mà run. Không biết đến bao giờ người ta mới thôi chìm đắm, mê muội trong giấc mộng bá vương, phú quí vạn tuế.