Minh Giáo theo Kim Dung
Không biết rằng vô tình hay cố ý, Kim Dung đã cố tình pha trộn giữa Bái hoả giáo và Ma ni giáo. Mặc dù hai tôn giáo này có những điểm chung, sử sách không nói rằng Ma ni giáo cũng coi lửa làm biểu tượng của quang minh như Bái hoả giáo. Do đó Minh giáo qua Kim Dung là một tổ chức được tiểu thuyết hoá, ít tôn giáo mà nhiều tính chất bang hội. Chính vì thế chúng ta thấy Minh giáo được tổ chức chặt chẽ nhưng lại dựa trên những liên kết thế tục hơn là thần quyền. Từ một đoàn thể bí mật, Minh giáo đã nhanh chóng biến mình để thành một đảng cách mạng. Chúng ta có thể nói rằng Minh giáo của thời Mạt Nguyên có nhiều điểm tương đồng với Thiên địa hội đời Thanh sơ hay Thái Bình Thiên quốc đời Thanh mạt và hoàn toàn khác hẳn những tôn giáo sẵn có ở Trung Hoa, tiêu biểu là Phật giáo hay Lão giáo.
Ngay từ sau chương giới thiệu câu chuyện, Kim Dung đã cho xuất hiện nhiều nhân vật liên quan đến tà giáo nhưng không đề cập đến nguyên uỷ ngọn ngành của họ. Một Ân Tố Tố nữ cải nam trang cố tình làm cho phái Thiếu Lâm tưởng Trương Thuý Sơn là thủ phạm vụ giết người ở Long Môn tiêu cục, một Tạ Tốn thần oai lẫm lẫm khi đến Vương Bàn Sơn đảo cướp thanh đao Đồ Long. Rồi những nhân vật hạng nhì như Thường Kim Bằng hay Bạch Qui Thọ cũng có võ công hơn người khi dương đao lập uy. Hết việc nọ tới việc kia, cho tới khi hai vợ chồng Trương Thuý Sơn – Ân Tố Tố tự sát, chúng ta vẫn chưa hiểu rõ tà phái được tổ chức như thế nào. Tấm màn bí mật đầu tiên được vén lên là khi Trương Tam Phong cứu Thường Ngộ Xuân khi người này bị quân Mông Cổ truy kích trên sông Hán Thuỷ:
“… Đại hán đó ở tại sàn thuyền khấu đầu nói:
- Lão đạo gia cứu mạng cho tiểu nhân, Thường Ngộ Xuân này xin rập đầu bái tạ.
Trương Tam Phong đưa tay đỡ dậy, nói:
- Thường anh hùng không cần phải dùng đại lễ.
Vừa nắm tay y, thấy bàn tay lạnh như băng, hơi kinh hoảng, vội hỏi:
- Phải chăng Thường anh hùng đã bị nội thuơng?
Thường Ngộ Xuân nói:
- Tiểu nhân từ Tín Dương hộ tống tiểu chủ xuôi Nam, giữa đường bốn lần tiếp chiến với bọn ưng trảo của Thát Đát đuổi theo, trên ngực và sau lưng bị một phiên tăng đánh trúng hai chưởng.
Trương Tam Phong cầm cổ tay, thấy mạch nhảy rất yếu, vội cởi áo y ra để xem vết thương, lại càng kinh hãi, thấy chỗ trúng chưởng sưng vù lên cả tấc, không phải là nhẹ, giá như người khác chắc không chịu nổi. Người này chạy trốn hàng ngàn dặm, lại còn phải chống trả cường địch, quả là anh hùng. Thấy vậy ông liền khuyên y đừng nói năng nhiều, chỉ ở trong khoang tĩnh dưỡng.
Cô bé gái tuổi chừng lên mười, quần áo cũ kỹ, hai chân không mang giày dép, tuy con nhà thuyền chài nghèo khổ, nhung mặt mày xinh xắn, thể nào sau này cũng thành một mỹ nhân, chỉ ngồi sụt sùi gạt nước mắt.
Trương Tam Phong thấy cô bé đáng thương, hỏi:
- Cô nương, tên cô là gì?
Cô gái đáp:
- Cháu họ Chu, tên là Chu Chỉ Nhược.
Trương Tam Phong nghĩ thầm: “Con nhà thuyền chài mà sao đặt tên thật hay” nên hỏi tiếp:
- Thế nhà cháu ở đâu? Trong nhà còn những ai? Để ta gọi đò đưa cháu về.
Chu Chỉ Nhược gạt lệ đáp:
- Chỉ có hai cha con cháu sống với nhau trên thuyền thôi… chứ không có ai khác.
Trương Tam Phong ớ một tiếng, nghĩ thầm: “Cô gái này nhà tan người mất, lại bé bỏng quá, làm thế nào bây giờ đây?”
Thường Ngộ Xuân nói:
- Lão đạo gia võ công cao cường, từ xưa tới nay, tiểu nhân chưa thấy ai như thế bao giờ, xin vô phép hỏi pháp hiệu của ngài là gì?
Trương Tam Phong cười:
- Lão là Trương Tam Phong.
Thường Ngộ Xuân “A!” lên một tiếng, vội nhỏm dậy, lớn tiếng:
- Hoá ra lão đạo gia là Trương Chân Nhân của núi Võ Đương, thảo nào thần công cái thế, Thường Ngộ Xuân hôm nay may mắn được gặp tiên trưởng.
Trương Tam Phong mỉm cười:
- Lão đạo bất quá sống hơn vài năm, có gì là tiên với lại không tiên. Xin Thường anh hùng mau nằm xuống, đừng làm động đến vết thương.
Ông thấy Thường Ngộ Xuân khẳng khái hào sảng, ăn nói ào ào, cảm thấy mến y vô cùng, nhưng nghĩ đến y là người trong ma giáo, nên không muốn nói chuyện nhiều, liền nhạt nhẽo:
- Ngươi bị thuơng không phải là nhẹ, chớ nên nói nhiều.
Trương Tam Phong tính tình khoáng đạt, đối với chính tà hai đường, vốn không quá thiên kiến. Trước đây ông đã từng nói với Trương Thuý Sơn:
- Hai chữ chính tà, thật khó phân biệt. Đệ tử trong chính phái mà có tâm thuật bất chính, thì cũng là tà đồ; còn trong tà phái có người nhất tâm hướng thiện, thì cũng là chính nhân quân tử.
Lại còn nói giáo chủ Thiên Ưng giáo là Ân Thiên Chính tuy tính tình nóng nảy, hành sự khác người, nhưng cũng là kẻ quang minh lỗi lạc, có thể kết làm bạn được. Thế nhưng từ khi Trương Thuý Sơn tự vẫn mà chết, ông thương đứa học trò yêu, đối với Thiên Ưng giáo hết sức căm giận, tự nhủ đệ tử thứ ba Du Đại Nham cả đời tàn phế, đệ tử thứ năm Trương Thuý Sơn thân tử danh liệt, cũng do Thiên Ưng giáo mà ra. Tuy nén lòng không đi kiếm Ân Thiên Chính hỏi tội phục thù, nhưng dù bụng dạ có rộng rãi đến đâu, hai chữ “tà ma” càng lúc càng thấy ghét bỏ.
Kẻ tên gọi Chu Tử Vượng kia (tức cấp trên của Thường Ngộ Xuân) chính là đại đệ tử của Di Lặc Tông trong Minh giáo, năm trước khởi sự tại Viễn Châu đất Giang Tây, tự lập làm đế, lấy quốc hiệu là Chu, chẳng bao lâu bị quân Nguyên tiêu diệt, còn Chu Tử Vượng bị bắt chém đầu. Di Lặc Tông và Thiên Ưng giáo tuy không cùng một phái nhưng đều là chi lưư của Minh giáo, có liên hệ với nhau rất sâu xa. Khi Chu Tử Vượng khởi sự, Ân Thiên Chính có thanh viện tại Triết Giang. Trương Tam Phong hôm nay cứu Thường Ngộ Xuân, chỉ vì nhất thời lòng hiệp nghĩa khích động, và lúc đầu cũng không biết y thuộc Minh giáo, nên không lấy gì hợp với bản nguyện.
Canh hai đêm đó thuyền đến Thái Bình điếm. Trương Tam Phong bảo thuyền phu rời thị trấn đến một cái bến ở xa. Người lái đò lên chợ mua đồ ăn, nấu cơm, bày trên thuyền nào thịt gà, thịt heo, cá, rau cả thảy đến bốn bát lớn. Trương Tam Phong bảo Thường Ngộ Xuân và Chu Chỉ Nhược ăn trước, còn tự mình đút cho Trương Vô Kỵ ăn. Thường Ngộ Xuân hỏi nguyên do, Trương Tam Phong nói là y bị hàn độc xâm nhập tạng phủ, đã điểm huyệt đạo các nơi, tạm thời chưa nguy đến tính mệnh. Trương Vô Kỵ tủi thân, nghẹn ngào không nuốt nổi miếng cơm xuống họng. Trương Tam Phong lại gặng đút nữa, y lắc đầu, không chịu ăn.
Chu Chỉ Nhược đón lấy chén cơm trong tay Trương Tam Phong, nói:
- Đạo trưởng ăn trước đi, để cháu bón cơm cho vị tiểu tướng công này.
Trương Vô Kỵ nói:
- Ta no rồi, không muốn ăn nữa.
Chu Chỉ Nhược nói:
- Tiểu tướng công, nếu anh không ăn, lão đạo trưởng trong lòng không vui, ăn cơm không nổi, chẳng hoá ra cũng bị đói ư?
Trương Vô Kỵ nghĩ quả không sai, nên khi Chu Chỉ Nhược đưa cơm tới miệng vội há mồm ăn. Chu Chỉ Nhược gỡ hết xương cá, xương gà, mỗi miếng cơm lại rưới thêm tí nước thịt, Trương Vô Kỵ ăn thấy thật ngon miệng, hết cả một bát lớn.
Trương Tam Phong trong lòng thấy an ủi, nghĩ thầm:”Vô Kỵ số khổ, từ bé cha mẹ chết sớm, lại bị bệnh nặng. Nếu được người con gái có ý tứ thế này chăm sóc quả thật là hay”.
Thường Ngộ Xuân không đụng tới thịt cá, chỉ ăn sạch bát rau, tuy đang trọng thương, nhưng cũng ăn hết bốn bát cơm trắng. Trương Tam Phong không kiêng thịt, thấy y ăn uống thật hào sảng, nên khuyên y ăn tí thị gà.
Thường Ngộ Xuân nói:
- Trương chân nhân, tiểu nhân thờ Bồ Tát nên không ăn mặn.
Trương Tam Phong “A” một tiếng:
- Ồ lão đạo quên.
Lúc đó mới nhớ là người trong ma giáo qui củ rất nghiêm, không ăn mặn, từ đời Đường tới giờ, đều thế cả. Cuối thời Bắc Tống, đại thủ lãnh của Minh giáo là Phương Lạp khởi sự tại Triết Đông, đương thời quan cũng như dân gọi họ là “đạo ăn chay thờ ma”. Ăn chay và phụng thờ ma vương là hai qui luật lớn của ma giáo, đã truyền từ mấy trăm năm nay. Đời nhà Tống, quan phủ chém giết ma giáo rất ngặt, người trong võ lâm cũng coi họ chẳng ra gì, vì thế giáo đồ hành sự cực kỳ ẩn bí, tuy ăn chay nhưng đối với người ngoài phải giả xưng là thờ Phật, bái Bồ Tát, không dám tiết lộ thân phận của mình.
Thường Ngộ Xuân nói:
- Trương chân nhân, ngài có ơn cứu mệnh đối với tôi, lại đã biết rõ lai lịch rồi, nên không dám dấu diếm. Tiểu nhân là người trong Minh giáo, phụng sự Minh tôn. Triều đình quan phủ đối với chúng tôi mười phần căm ghét, người hiệp nghĩa trong các danh môn chính phái cũng coi nhẹ chúng tôi, thậm chí đến bọn đốt nhà cướp của, giết người không gớm tay trong hắc đạo cũng gọi chúng tôi là yêu ma quỉ quái. Lão nhân gia đã biết rõ lai lịch của chúng tôi mà vẫn ra tay tương cứu, cái ân đức đó, quả thực tôi không biết lấy gì báo đáp.
Trương Tam Phong cũng đã từng nghe qua về lai lịch của ma giáo, biết ma giáo phụng thờ đại ma vương tên là Ma Ni, người trong tôn giáo gọi là Minh Tôn. Tôn giáo lày đến trung thổ từ đời Nguyên Hoà, Hiến Tông nhà Đường, khi đó gọi là Ma Ni giáo lại còn gọi là Đại Vân Quang Minh giáo, giáo đồ tự xưng Minh giáo nhưng người ngoài gọi họ là Ma giáo.” (Ỷ Thiên Đồ Long ký, tr. 415-8)
Thế nhưng Minh giáo cũng còn rất mơ hồ, chưa thấy những liên kết với nhau. Khi sáu đại môn phái – Thiếu Lâm, Võ Đương, Hoa Sơn, Không Động, Nga Mi, Côn Luân – tiến hành cuộc trường chinh vây đánh thẳng vào trung khu của Minh giáo là Quang Minh Đính , Diệt Tuyệt sư thái, chưởng môn phái Nga Mi mới tiết lộ qua về tổ chức của Minh giáo:
“Chỉ nghe Diệt Tuyệt sư thái quát lên: “Dập tắt yêu hoả, diệt hết ma hoả”. Bà ta ngừng lại một lát nói tiếp:
- Ma giáo lấy hoả làm thánh, tôn hoả làm thần. Từ khi giáo chủ đời thứ ba mươi ba của Ma giáo là Dương Đính Thiên chết đi, họ không có giáo chủ. Tả hữu Quang Minh sứ giả, bốn đại Hộ giáo Pháp vương, Ngũ Tán Nhân, lại thêm chưởng kỳ sứ Kim Mộc Thuỷ Hoả Thổ, người nào cũng nhòm ngó chức vị giáo chủ, tranh đoạt tàn sát lẫn nhau, nên giữa đường ma giáo trở nên suy yếu. Lúc này lại là lúc sáu chính đại môn phái hưng vượng, âu cũng là cái số của yêu tà phải bị tiêu diệt. Nếu như ma giáo không có tranh chấp bên trong, muốn trừ đám yêu nghiệt này không phải là dễ.
Trương Vô Kỵ từ nhỏ đã nghe đến ma giáo, cũng biết mẹ chàng có liên quan xa gần đến ma giáo, nên mỗi khi hỏi gặng thêm, cha mẹ đều không vui, hỏi nghĩa phụ thì hoặc ông ta lặng thinh xuất thần, rồi bỗng dưng nổi giận, thành ra ma giáo thực sự là gì, thuỷ chung vẫn không biết rõ. Về sau chàng lại thấy thái sư phụ Trương Tam Phong đối với ma giáo ghét bỏ cùng cực, mỗi khi nhắc đến luôn luôn căn dặn, không bao giờ được kết giao với giáo đồ của họ. Thế nhưng khi Trương Vô Kỵ gặp những người như Hồ Thanh Ngưu, Vương Nạn Cô, Thường Ngộ Xuân, Từ Đạt, Chu Nguyên Chương đều là người của ma giáo, nhưng đều khẳng khái trượng nghĩa, chưa hẳn đã chỉ là ác nhân, có điều hành sự nguỵ bí, người ngoài khó mà đo lường được. Tới lúc này khi nghe Diệt Tuyệt sư thái nói tới ma giáo, nên chàng cố hết sức tập trung để nghe cho kỹ.
Diệt Tuyệt sư thái nói tiếp:
- Các đời giáo chủ ma giáo đều lấy “Thánh Hoả Lệnh” làm tín vật truyền từ đời nọ sang đời kia, thế nhưng đến tay đời giáo chủ thứ ba mươi mốt, trời đoạt hồn phách làm sao, không hiểu thế nào đánh mất thánh hoả lệnh, nên hai đời ba mươi hai và ba mươi ba có quyền mà không có lệnh, hai chức giáo chủ đó cũng hơi miễn cưỡng. Dương Đính Thiên chết bất ngờ, chẳng biết do trúng độc hay do người nào ám toán, không kịp chỉ định người kế thừa. Trong ma giáo những đại ma đầu có bản sự không phải là ít, những người đủ tư cách để làm giáo chủ ít ra cũng năm, sáu người, ta không phục người, người chẳng phục ta, nội bộ hoá thành đại loạn. Cho đến lúc này, họ cũng chưa suy định được giáo chủ. Kẻ mà chúng ta gặp ngày hôm nay, cũng trong những người muốn làm giáo chủ. Y là một trong bốn hộ giáo pháp vương, Thanh Dực Bức Vương Vi Nhất Tiếu.
Đám đệ tử chưa ai nghe nói tới cái tên Thanh Dực Bức Vương Vi Nhất Tiếu, nên đều lặng yên không nói gì.
Diệt Tuyệt sư thái nói tiếp:
- Tên này từ trước chưa bước chân vào Trung Nguyên, hành sự của bọn ma giáo lại kín đáo, nên gã này tuy võ công cao cường mà không mấy ai biết đến tên tuổi. Thế nhưng Bạch Mi Ưng Vương Ân Thiên Chính, Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn hai tên đó hẳn các ngươi đã nghe qua rồi?
Trương Vô Kỵ thấy rung động trong lòng, Châu Nhi cũng “A” lên một tiếng nhỏ. Ân Thiên Chính và Tạ Tốn danh tiếng vang dội, trong võ lâm không ai không biết. Tĩnh Huyền hỏi:
- Sư phụ, hai người đó cũng ở trong ma giáo ư?
Diệt Tuyệt sư thái nói:
- Hừ, đâu phải chỉ “cũng ở trong ma giáo” mà thôi? “Ma Giáo Tứ Vương, Tử Bạch Kim Thanh”. Tử Sam Long Vương, Bạch Mi Ưng Vương, Kim Mao Sư Vương, Thanh Dực Bức Vương, đó là tứ vương trong ma giáo. Thanh Dực đứng hàng cuối cùng, thân thủ như thế nào, hôm nay tất cả đều trông thấy rồi. Như thế Tử Sam, Bạch Mi, Kim Mao chỉ tưởng tượng cũng đủ biết ra sao. Kim Mao Sư Vương táng tâm phát điên, hai mươi năm trước hành động rồ dại, đột nhiên giết người vô tội, sau không biết đi đâu mất, thành một đại bí mật trong võ lâm. Ân Thiên Chính không có khả năng lên được chức giáo chủ ma giáo, bực tức bỏ ra sáng lập Thiên Ưng giáo, tự mình làm giáo chủ một phe cho hả dạ. Ta vẫn tưởng Thiên Ưng giáo đã quay lưng với ma giáo rồi, đối với Quang Minh Đính thế thành nước lửa, nào ngờ khi Quang Minh Đính gặp nguy nan, lại chạy đến cầu cứu Thiên Ưng giáo.”(Ỷ Thiên Đồ Long ký tr. 684-5)
Và sau cùng, Minh giáo được tường thuật do chính người của giáo phái này là Bố Đại hoà thượng Thuyết Bất Đắc:
“Thuyết Bất Đắc nói:
- Tiểu huynh đệ, Minh giáo chúng tôi nguyên từ nước Ba Tư, truyền tới Trung Thổ từ đời Đường. Đương thời gọi là Tiên giáo. Vua nhà Đường cho xây chùa Đại Vân Quang Minh tại các nơi, chính là tự viện của Minh giáo. Giáo nghĩa của chúng tôi là làm điều thiện, trừ điều ác, mọi người đều bình đẳng, nếu như có vàng bạc tiền tài, thì đem cứu giúp người nghèo khổ, không được ăn thịt, uống rượu, chỉ thờ Minh Tôn. Minh Tôn tức là thần lửa, mà cũng là thiện thần. Chỉ hiềm là đời nào tham quan ô lại cũng áp bức chúng tôi, anh em trong Minh giáo không chịu nổi, thỉnh thoảng lại nổi lên chống lại. Từ đời Phương Lạp, Phương giáo chủ đời Bắc Tống đến giờ, không biết đã bao nhiêu lần.
Trương Vô Kỵ đã nghe qua tên tuổi của Phương Lạp, biết ông ta ở vào đời Tuyên Hoà, một trong Tứ Đại Khấu, cùng với Tống Giang, Vương Khánh, Điền Hổ nổi danh, nên nói:
- Hoá ra Phương Lạp là giáo chủ của quí giáo?
Thuyết Bất Đắc nói:
- Chính thế. Đến đời Nam Tống thời Kiến Viêm, có giáo chủ Vương Tông Thạch tại Tín Châu khởi sự, thời Thiệu Hưng có giáo chủ Dư Ngũ Bà tại Cù Châu khởi sự, đời Lý Tông, năm Thiệu Định có giáo chủ Trương Tam Thương tại một dải Giang Tây, Quảng Đông khởi sự. Chỉ vì bản giáo xưa nay luôn luôn chống lại triều đình, quan phủ nên triều đình gọi chúng tôi là “ma giáo”, càng cấm đoán nghiêm nhặt hơn. Chúng tôi muốn sống còn, hành sự không khỏi kín đáo, lạ lùng, để tránh tai mắt quan quân. Chính đại môn phái đối với chúng tôi tích oán thành thù hận, thế hia bên ghét nhau như nước với lửa. Đương nhiên, trong số giáo chúng của bản giáo, cũng đôi khi có những kẻ không tự kiềm chế, làm những trò không phải, ỷ mình có võ công, giết người vô tội cũng có, gian dâm cướp bóc cũng có, đem cái tiếng tăm của bản giáo đổ xuống sông xuống…”(Ỷ Thiên Đồ Long ký, tr. 757-8)