44
NHẬM NGÃ HÀNH
Đi chẳng được xa
Nhậm Ngã Hành và Bạch Tự Tại trong Hiệp khách hành giống như hai anh em khác họ, đều có căn bệnh điển hình tự mình bành trướng. Cái khác nhau giữa hai người chỉ là Bạch Tự Tại si tâm vọng tưởng, còn Nhậm Ngã Hành thì tức cảnh sinh tình. Tuy bảo đều là tâm bệnh, nhưng hoàn cảnh khác nhau, bệnh trạng và ảnh hưởng cũng khác nhau. Cái khác căn bản nhất giữa hai người là, Bạch Tự Tại chẳng qua chỉ là một cường hào võ lâm bình thường, còn Nhậm Ngã Hành thì muốn tranh bá võ lâm, hoặc là một lãnh tụ chính trị có hoài bão bất phàm. Nhậm Ngã Hành dĩ nhiên cũng là danh từ chung, chỉ một loại nhân vật chính trị.
I
Sự định vị hình tượng Nhậm Ngã Hành không có gì là đặc biệt thới mẻ trong tiểu thuyết lịch sử chính trị, nhưng trong tiểu thuyết võ hiệp, thì phải được coi là hết sức mới mẻ. Nói đơn giản, tác giả đặt nhân vật này vào vị trí trung gian giữa người hùng võ công và lãnh tụ chính trị, đã không tả y, người lãnh đạo một tổ chức tà giáo, xấu xa hơn so với nhân vật chính phái, cũng không tả y là người tốt hơn Đông Phương Bất Bại, kẻ bức hại y để cướp ngôi giáo chủ của y. Nhậm Ngã Hành xuất hiện lần đầu trong bộ tiểu thuyết là trong địa lao tăm tối ở Tây Hồ, Lệnh Hồ Xung không biết chân tướng đã hoàn toàn đồng tình với lão ta. Ta thấy dù bị nhốt dưới địa lao tăm tối, ẩm thấp, bị đẩy xuống đáy cuộc sống, Nhậm Ngã Hành vẫn là một nhân vật võ công cao cường, kiến thức trác việt, hào khí hơn người.
Giờ phút ấy tôi tin rằng đa số độc giả cũng hoàn toàn đồng tình với lão ta, bất giác còn kính nể lão ta. Đến khi lão ta vượt ngục thành công, do Lệnh Hồ Xung vô ý giúp đỡ trở về Mai trang, thì chúng ta cũng như Lệnh Hồ Xung, mới biết người ấy vốn là vị tiền giáo chủ “Nhật nguyệt thần giáo” đáng sợ Nhậm Ngã Hành. Theo qui tắc của tiểu thuyết võ hiệp, đã là giáo chủ tà giáo, đối địch với chính phái, thì đương nhiên không thể là người tốt. Nhưng trong bộ tiểu thuyết này, tác giả cố ý phá bỏ qui tắc ấy, không tả Nhậm Ngã Hành là kẻ xấu xa hơn so với nhân vật chính phái, ví dụ biểu hiện của Nhậm Ngã Hành ở trong chùa Thiếu Lâm. Trước hết, mới thoát ngục không lâu Nhậm Ngã Hành đã đi cứu con gái y là Nhậm Doanh Doanh, chứng tỏ tình cha con rất sâu đậm.Thứ nữa, khi nói đến ba cao nhân đương thời mà mình thán phục, mọi người không ngờ Nhậm Ngã Hành nhắc đến cả kẻ thù không đội trời chung là Đông Phương Bất Bại và xếp kẻ đó lên hàng thứ nhất, thật là một tâm hồn phóng khoáng, hào khí xung thiên.
Thứ nữa, trong tình hình địch đông ta ít, Nhậm Ngã Hành không chút lo sợ, mà định mưu đâu đấy mới hành động, ba trận quyết thắng, thể hiện võ công, tài trí hơn người, khiến ai nấy bội phục. Nhậm Ngã Hành tuy không nhân từ như Phương Chứng đại sư, song khí độ của lão ta chẳng thua gì các nhân vật còn lại bên phía đối phương. Tuy lão ta hoành hành bá đạo, nhưng trong ngoài là một, ví dụ lão công khai tuyên bố : “Họ của ta không hay, mà tên cũng không tốt. Gọi là “Nhậm Ngã Hành”, thì cứ để cho cái tính của mình thích làm gì thì làm, muốn đi đâu thì đi”. (Xem Tiếungạo giang hồ). Mặt khác, là người bị hại và kẻ tử thù của giáo chủ hiện nhiệm Nhật nguyệt thần giáo, Đông Phương Bất Bại, theo qui củ thông thường của tiểu thuyết võ hiệp, nếu Đông Phương Bất Bại là kẻ không tốt, thì người bị hại là Nhậm Ngã Hành sẽ là anh hùng gặp nạn.
Thực tế tác giả lại không tả như vậy. Chúng ta thấy vị tiền giáo chủ sau khi bị giam cầm, trở lại ngôi vị thành công, cũng chẳng nhân từ gì hơn so với địch thủ là Đông Phương Bất Bại. Ví dụ điển hình : lúc sắp chết, Đông Phương Bất Bại chịu nhận thua, chỉ xin Nhậm Ngã Hành nể hắn từng đối xử tử tế với con gái Nhậm Doanh Doanh của y, mà tha mạng cho Dương Liên Đình, ái đệ của hắn, thì Nhậm Ngã Hành trả lời : “Ta sẽ đem nó phanh thây làm muôn mảnh, lột da lăng trì cho đến chết, hôm nay cắt một ngón tay, ngày mai chặt nửa ngón chân nó”. (Xem Tiếu ngạo giang hồ). Kết quả làm cho Đông Phương Bất Bại như con thú cùng đường, vùng dậy đâm mù con mắt bên phải của Nhậm Ngã Hành, từ đây Nhậm Ngã Hành chỉ còn một mắt để nhìn thế giới, sẽ ngày càng thiên kiến, ngày càng tàn bạo, ngày càng khó hiểu. Chuyện này cứ như chuyện ngụ ngôn.
Đương nhiên, việc này cũng dễ hiểu. Nhậm Ngã Hành vốn đã hành sự tuỳ hứng, sau khi bị ám toán chính trị, bị nhốt vào tử lao, nay thoát ra trở về, giành lại quyền bính, báo thù rửa hận, tất sẽ giết sạch đồng đảng của Đông Phương Bất Bại, nên đối với Dương Liên Đình là nhân vật chẳng có gì quan trọng, Nhậm Ngã Hành cũng hạ độc thủ. Kẻ tiền nhiệm và hậu nhiệm của Đông Phương Bất Bại là thế đó.
II
Hình tượng Nhậm Ngã Hành sau khi trở lại Hắc Mộc nhai, - cao điểm khống chế cuộc sống, phát sinh thay đổi mạnh mẽ. Nếu nói địa lao ở TâyHồ, Hàng Châu là điểm thấp nhất, Hắc Mộc nhai là điểm cao nhất trong cuộc đời của hình tượng nhân vật này, thì sau khi đạt cao điểm khống chế, nhân cách đức hạnh của nhân vật ấy sẽ nhanh chóng tuột xuống điểm thấp nhất. Chỉ khác là trước kia Nhậm Ngã Hành tuy vọng động tuỳ tiện, song vẫn còn giữ bản sắc người hùng chốn giang hồ; còn bây giờ, sau khi trở lại Hắc Mộc nhai, y chính thức đi vào quĩ đạo lịch sử của thể chế chuyên chế, dẫn tới hủ bại truỵ lạc. Vài chi tiết dưới đây có thể chứng minh điều đó.
Chi tiết thứ nhất, sau khi Nhậm Ngã Hành giành lại quyền bính, lập tức có người đến đầu hàng chúc tụng, theo lệ cũ từ hồi Đông Phương Bất Bại, kẻ đó hô to “Giáo chủ thiên thu vạn đại, nhất thống giang hồ”, thì Nhậm Ngã Hành cười, chửi : “Nói nhăng nói cuội! Cái gì mà thiên thu vạn đại, nhất thống giang hồ? Đột nhiên lão cảm thấy, nếu quả thật có thể thiên thu vạn đại, nhất thống giang hồ, thì đúng là sướng nhất trần đời, lão không nhịn được, bèn cười ha hả. Tràng cười này mới thực hả hê, đắc chí hết chỗ nói”. (Xem Tiếu ngạo giang hồ). Lúc này tâm lý của Nhậm Ngã Hành bắt đầu có thay đổi rất nhỏ , nhưng rất quan trọng.
Chi tiết thứ hai, tiếp liền đoạn trên, khi các giáo chúng dựa theo lệ cũ, đến chúc mừng tân giáo chủ, cùng quì xuống, thì thoạt tiên Nhậm Ngã Hành còn chưa quen : “Trước đây Nhậm Ngã Hành làm giáo chủ, vẫn xưng huynh gọi đệ với giáo chúng thuộc hạ, lúc gặp nhau chỉ khoanh tay thi lễ mà thôi. Nay thấy mọi người quì xuống, lão bèn đứng dậy xua tay, nói : không cần ...Nhưng lão bỗng nghĩ : “Không đủ oai thì mọi người không phục, năm xưa ngôi giáo chủ của ta bị gian nhân cướp đoạt là vì ta đối đãi quá thân thiện với mọi người. Nghi lễ này Đông Phương Bất Bại đã đặt ra, ta cũng không cần bãi bỏ”. Lão không nói tiếp hai chữ ‘đa lễ’ nữa, đoạn ngồi xuống. Không lâu, lại có một tốp người vào điện tham kiến, khi họ quì vái lão lão cũng chẳng buồn đứng dậy, chỉ gật đầu. (Xem Tiếu ngạo giang hồ).
Từ lúc bắt đầu không đứng lên, Nhậm Ngã Hành không còn hoàn toàn là Nhậm “Ngã” Hành, mà bất tri bất giác thành Nhậm “Lễ” Hành, chịu sự chi phối của hoàn cảnh xã hội và qui luật lịch sử. Chi tiết thứ ba, trên đỉnh Hoa Sơn, cũng là đỉnh cao nhất trong cuộc đời Nhậm Ngã Hành, đương nhiên không thiếu gì lời ca tụng nhiệt liệt của giáo chúng. Có kẻ bốc đồng, nói Gia Cát Lượng, Quan Vân Trường, Khổng Phu Tử cũng không bằng thánh giáo chủ Nhậm Ngã Hành. Lúc ấy Nhậm Ngã Hành nghe giáo chúng thuộc hạ nịnh hót như sóng dậy, tuy có những lời quá hoang đường, nhưng nghe rất êm tai, nghĩ : “Họ nói thế kỳ thực cũng đúng.
Gia Cát Lượng võ công cố nhiên không địch nổi ta, sáu lần ra Kỳ Sơn mà không lập được công trạng gì, nói về mưu trí, không lẽ bằng nổi ta ư? Quan Vân Trường qua năm cửa ải, chém sáu tướng, quả là thần dũng, nhưng nếu đơn đả độc đấu với ta, làm sao thắng nổi Hấp tinh đại pháp của ta? Khổng Phu Tử thì đệ tử không quá ba ngàn người, trong khi giáo chúng của ta đâu phải chỉ có ba vạn? Khổng Phu Tử thống lĩnh ba ngàn đệ tử hớt hải chạy đông chạy tây, bị cạn lương ở đất Bái, bó tay chịu chết. Ta thì thống lĩnh mấy vạn giáo chúng, tung hoành thiên hạ, muốn sao được vậy, chẳng ai ngăn nổi. Tài trí của Khổng Phu Tử mà đem so với Nhậm Ngã Hành ta thì còn kém xa...” (Xem Tiếu ngạo giang hồ).
Đến lúc này, dù Nhậm Ngã Hành còn chút lý trí để cảm thấy những lời nịnh hót là hoang đường, song tiếng hoan hô dậy đất cũng khiến y bị lây nhiễm, làm gì chẳng có ảo giác “Thiên địa chi gian, duy ngã độc tôn” (Khắp thiên hạ, chỉ có ta tài giỏi). Mấy chi tiết trên chứng tỏ, chế độ chuyên chế cực quyền tất nhiên đẻ ra sự a dua nịnh hót, sự ca tụng công đức trên qui mô lớn, sự thổi phồng đến mức phổ biến. Đồng thời các nghi lễ ca tụng, các phong trào tâng bốc, những lời lẽ hoang đường của quần chúng cũng từng giọt từng giọt thấm vào lý trí của nhà lãnh đạo, khiến y càng thêm chuyên chế độc tài, càng tự cho mình là đúng, càng hủ hoá truỵ lạc. Cái đó vốn chỉ là “hiệu ứng tà giáo”, nhưng do lặp đi lặp lại thành một thể chế văn hoá lịch sử thì sẽ biến thành một thứ ở bên bãi phân lâu ngày không ngửi thấy mùi thối, thành một thứ qui luật văn hoá-lịch sử. Dưới tác động của qui luật đó, người nói đương nhiên không biết ngượng, kẻ nghe càng không biết ngượng. Tuy nói Nhậm Ngã Hành suy cho cùng là sản phẩm của hoàn cảnh lịch sử, nhưng sự bành trướng tự ngã và biến dạng tâm lý của y không hoàn toàn là sản phẩm của hoàn cảnh. Về điểm này, trong sách có một chi tiết đầy ý nghĩa.
Khi Đông Phương Bất Bại chết rồi, Nhậm Ngã Hành dương dương tự đắc lục trong xác Đông Phương Bất Bại, lấy ra cuốn sách Quì hoa bảo điển, phóng cước đá vào xác Đông Phương Bất Bại một cái nữa, rồi nói : “Dù ngươi gian trá như quỉ, cũng không ngờ được dụng ý của lão phu khi truyền Quì hoa bảo điển cho ngươi. Dã tâm và sự lộng quyền lồ lộ của ngươi, lão phu há không nhận ra? Ha ha, ha ha!” (Xem Tiếu ngạo giang hồ). Y thừa biết mình đã luyện được đại pháp của hoá công, không cần luyện Quì hoa bảo điển nữa, thế mà lại bảo y cố ý để cho đối phương mắc lừa; thừa biết mình hoàn toàn không đề phòng Đông Phương Bất Bại, nên bị đối phương cướp mất quyền bính và đày xuống địa lao, thế mà lại bảo y đã phát giác từ sớm, để Lệnh Hồ Xung ở bên cạnh cứ tưởng là thật.
Chẳng trách lịch sử là do người chiến thắng viết nên; Nhậm Ngã Hành đã trở lại nắm quyền, Đông Phương Bất Bại hoàn toàn thất bại rồi, Nhậm Ngã Hành tự tổng kết thì ai mà chẳng tin ? Thực ra, người tinh ý sẽ nhận biết, câu nói của Nhậm Ngã Hành chứng tỏ y đã bắt đầu hư cấu lịch sử theo ý mình, tự tô điểm cho mình, đợi đến lúc y chính thức lên ngôi giáo chủ, nghe giáo chúng a dua nịnh bợ, tâng bốc, Nhậm Ngã Hành sẽ còn biểu hiện thế nào, không nói cũng đoán trước được.
III
Điều rất có ý nghĩa là Nhậm Ngã Hành trên đỉnh Hoa Sơn đang dương dương tự đắc, quyết định quét sạch Ngũ Nhạc kiếm phái, diệt trừ Thiếu Lâm, Võ Đang, để nhất thống giang hồ, hoàn thành bá nghiệp, đang thích chí tiếp nhận sự sùng bái của vạn chúng, thì vị giáo chủ vĩ đại mà Gia Cát Lượng, Quan Vân Trường, Khổng Phu Tử cũng không sánh bằng ấy, lại không nói xong được chữ cuối cùng trong câu “ước gì thiên thu vạn đại, vĩnh viễn như ...” đã ngoẹo đầu, ngất lịm, rồi tắt thở. Lúc đó đại lễ chưa xong, hai chữ “hôm nay” chưa nói ra, khiến ước mong của Nhậm Ngã Hành vĩnh viễn không thành, mà còn có ý trào phúng.
Trong Ngũ Nhạc (năm núi lớn) của Trung Quốc, cổ nhân ví Hoa Sơn như là kinh “Xuân Thu” trong ngũ kinh, tượng trưng danh sơn văn hoá của lịch sử dân tộc cuối cùng là nhân chứng cho việc Nhậm Ngã Hành không thể đi xa. Kết cục đó đương nhiên lại là một ngụ ngôn. Mọi con người phàm tục đều không thể thắng nổi qui luật tự nhiên sinh lão bệnh tử, Nhậm Ngã Hành cũng như mọi đế vương, giáo chủ cũng không phải là ngoại lệ. Có điều, Nhậm Ngã Hành chết không phải vì trúng gió, mà là chết vì sự bành trướng nội lực và sự cắn trả, lại thêm một ngụ ý văn hoá. Môn võ công cao nhất của Nhậm Ngã Hành là Hoá công đại pháp, tức là có thể tuỳ ý biến nội lực của người khác thành của mình.
Thứ võ công tà môn này đã tạo nên Nhậm Ngã Hành, cuối cùng cũng huỷ diệt Nhậm Ngã Hành, không chỉ là lẽ công bằng trong trời đất, mà còn cảnh tỉnh con người. Người trong võ lâm sở dĩ căm thù và kinh sợ Hoá công đại pháp, bởi vì môn võ công này là một thứ trộm cướp cực kỳ tệ hại đối với công sức của mọi người. Có điều họ không nghĩ rằng thực ra Hoá công đại pháp còn có một cách sử dụng khác, ấy là khi lên làm giáo chủ, Nhậm Ngã Hành có thể tuỳ thích biến hoá trí tuệ , sức mạnh của tập thể thành vật sở hữu của y, thành tư tưởng lý luận, thành tích và vinh quang của y, tạo nên vòng hào quang giáo chủ anh minh vĩ đại.
Nhậm Ngã Hành đương nhiên không nghĩ rằng, dù y có tài giỏi mấy, nhiều mưu mô thủ đoạn đến mấy, y cũng không thể trộm cướp được tất cả của người khác, các thứ hút vào cũng sẽ xung đột với nội lực bên trong, cuối cùng làm y phải chết. Đấy là một mặt khác của qui luật lịch sử tự nhiên.