22.
TẠ TỐN
Sám hối làm con người mới.
Trong sách Ỷ thiên Đồ long ký, Diệt Tuyệt sư thái trước sau luôn sai người truy nã Tạ Tốn, nhưng cho đến khi bà ta chết, vẫn không gặp được Kim Mao Sư Vương, khiến tôi cũng tiếc cho bà ta. Tôi thường nghĩ, giả sử hai người ấy gặp nhau; hai tính cách trái ngược ấy đụng nhau, nhất định sẽ xảy ra chuyện bất ngờ. Hai người này sinh ra là để đối đầu với nhau, một bên chính phái, một bên tà phái, một bên sức sống bị áp chế cực độ tới mức biến dạng khô quắt, một bên sức sống phát tiết cực độ tới mức biến dạng bành trướng. Cả hai đều tay nhuốm đầy máu người, chỉ khác là một bên đến chết vẫn không tha thứ cho người khác, còn bên kia thì dành quãng đời còn lại cho sự sám hối. Là người ngoài cuộc, chúng ta thấy trong cái đáng kính của Diệt Tuyệt sư thái có nhiều cái đáng sợ; còn trong cái đáng sợ của Tạ Tốn lại có nhiều cái đáng yêu, đáng thương, đấy là chỗ kỳ diệu của đời người, tính người. Xem chuyện của hai người ấy, chúng ta cứ phải nghĩ mãi không thôi.
1.
Khi một người cao lớn dị thường, tóc vàng xoã xuống vai, cặp mắt xanh biếc phát quang lóng lánh, tay cầm một cây lang nha bổng có hai đầu, dài chừng trượng sáu, trượng bảy, xuất hiện tại đảo Vương Bàn, thì không chỉ những ai có mặt ở đó cảm thấy kinh sợ, mà tôi tin rằng các độc giả cũng bất giác kinh hãi. Người ấy rõ ràng không giống người Hán ở Trung Nguyên, thậm chí cũng không giống con người, mà là một thể hỗn hợp kỳ diệu giữa ma quỉ với thiên thần. Nếu không, tại sao Tạ Tốn lại có khả năng siêu phàm, chỉ gầm lên một tiếng như dã thú cũng đủ làm cho tất cả các nhân vật võ lâm có mặt trên đảo đều bị thương,hoá thành ngu ngốc? Nhưng rất nhanh chúng ta sẽ phát hiện, Kim Mao Sư Vương dưới ngòi bút của Kim Dung, tuy là một đại ma đầu ghê gớm thường gặp trong tiểu thuyết võ hiệp, song thực ra khác hẳn.
Chúng ta nhanh chóng thấy tên đại ma đầu tự xưng “mười ba năm nay ta chỉ làm bạn với cầm thú, ta tin tưởng cầm thú chứ không tin con người. Mười ba năm nay ta giết cầm thú ít hơn là giết người”, (Xem Ỷ thiên Đồ long ký), thực ra lại có một phương diện quân tử nho nhã. Không giết Trương Thuy Sơn và Ân Tố Tố là biểu hiện đầu tiên của phương diện đó. Tuy giữa biển cả mênh mông, đầy các núi băng trôi nguy hiểm, Tạ Tốn chửi trời rủa đất, nổi cơn điên cuồng, suýt nữa bóp chết Ân Tố Tố, đến nỗi Trương Thuý Sơn và Ân Tố Tố phải chống lại, cuối cùng bắn mù hai mắt Tạ Tốn, nhưng khi sóng yên gió lặng, chúng ta vẫn thấy ẩn sau bề ngoài đáng sợ của ông vẫn thấp thoáng cái tướng của bậc quân tử. Không lâu nữa thì chúng ta biết, sở dĩ Kim Mao Sư Vương biến dạng đi như thế hoàn toàn không phải vì ông bẩm sinh đã tàn ác, lòng dạ như ma quỉ, mà thực chất chỉ là vì một thảm cảnh gia đình mà người thường không thể tưởng tượng và càng không thể tin nổi, đã làm cho tính cách, tâm lý Tạ Tốn biến dạng, tinh thần điên cuồng.
Cụ thể, sư phụ của ông là Thành Côn mười ba năm về trước, một ngày nọ đột nhiên giết sạch cả gia đình lớn nhỏ mười ba người, gồm cha mẹ, vợ con ông, chỉ còn lại một mình ông, để ông phải đối mặt với cái cảnh tượng bất ngờ, có tính huỷ diệt tâm lý, tinh thần đó. Cảnh tượng trải qua không chỉ khiến Tạ Tốn cảm thấy đau đớn và phẫn nộ ghê gớm, đồng thời còn hết sức chấn động và bàng hoàng : vị sư phụ chí thân chí ái làm sao lại đi hiếp dâm vợ ông, lại tàn nhẫn giết sạch thân nhân của ông? Việc đó không chỉ làm cho ông nội trong một đêm mất hết người thân, mà còn huỷ diệt chỗ dựa tinh thần và quan niệm giá trị của ông. Trên thế gian, ngoài việc báo thù, Tạ Tốn không còn mục tiêu và đối tượng nào để tin, để dựa, để lưu luyến nữa. Từ đấy trở đi, Tạ Tốn đương nhiên sống chỉ là để báo thù. Nhưng ban đầu võ công của ông không bằng sư phụ, chẳng những báo thù không được, mà còn bị thương.
Sau Tạ Tốn luyện thành Thất thương quyền cực kỳ uy lực, thì lại không tìm đâu ra hình bóng sư phụ Thành Côn nữa. Để tìm được sư phụ Thành Côn báo thù, Tạ Tốn không tiếc bất cứ giá nào, trong cơn tức giận, ông cứ giết bừa bãi người vô tội ở các nơi, gây ra án mạng, rồi viết để lại dòng chữ “Kẻ giết người là Hỗn nguyên tích lịch thủ Thành Côn”, bắt buộc Thành Côn phải ra mặt ứng chiến. Nhưng Thành Côn trước sau không hề xuất hiện, lại mời phương trượng Thiếu Lâm tự là Không Kiến đại sư đến hoà giải. Trong cơn giận dữ không thể kiềm chế, Tạ Tốn đã đánh chết luôn cả Không Kiến đại sư từ bi nhân ái. Do bi thương, phẫn nộ, kinh ngạc, thù hận, tuyệt vọng, cộng với sự tổn hại tâm tạng vì luyện tập Thất thương quyền, nhân việc đánh chết Không Kiến đại sư mà đâm ra hối hận, Tạ Tốn hoá thành một ma vương vừa sát nhân, vừa huỷ hoại thế giới tinh thần của ông, khiến tính khí ông hết sức thất thường.
Tạ Tốn không thể nào ngờ, sư phụ Thành Côn sở dĩ làm thế, là vì cố ý, chứ không phải do hắn say rượu hoặc phát rồ. Hắn muốn thông qua gã đệ tử đang đảm nhiệm chức pháp vương trong Minh giáo là Tạ Tốn, để trả thù cái việc giáo chủ Dương Đính Thiên cướp người yêu của hắn. Thành Côn cố ý biến gã đệ tử của mình thành một công cụ điên cuồng giết người, đối đầu với toàn bộ võ lâm, cốt cho tất cả mọi người thanh toán món nợ máu với Minh giáo. Sở dĩ Thành Côn chọn đệ tử của mình làm công cụ thực hiện âm mưu thâm độc của hắn, bởi vì hắn biết rõ đệ tử Tạ Tốn của hắn thiên tư thông minh nhưng tâm linh yếu đuối, bẩm tính chất phác nhưng tính cách nông nổi.
2.
Tình tiết giàu sức tưởng tượng nhất, cảnh tượng kinh ngạc nhất trong bộ tiểu thuyết này là tiếng khóc chào đời của nhân vật chính vang lên, làm cho Tạ Tốn đang điên cuồng, cơ hồ mất tính người, bỗng bừng tỉnh. Bắt đầu từ giây phút ấy, tình yêu nảy sinh trong lòng Tạ Tốn, tâm trí phục hồi, thù hận tiêu giảm, tâm lý, tính cách và vận mạng của ông biến đổi bắt đầu trở lại bình thường. Cảnh ấy đương nhiên có tính chất tượng trưng, hoàn toàn không phải nhờ tiếng khóc là thần nhạc, kỳ diệu hơn linh đan diệu dược, mà chỉ vì tâm bệnh tích kết ở Tạ Tốn phải được chữa bằng tâm dược. Đối với một người như Tạ Tốn vì mất mấy đứa con mà đến nỗi phát điên vì thù hận, thì tiếng khóc của trẻ sơ sinh có thể đánh thức, phục hồi bản năng người cha ở ông.
Sự phục hồi bản năng người cha ở Tạ Tốn còn giúp cho Ân Tố Tố thông minh chớp ngay lấy cơ hội đó, để cho đứa con vừa ra đời làm con nuôi của đối phương, lấy luôn cả cái tên Tạ Vô Kỵ của đứa con đã mất của Tạ Tốn. Tạ Tốn sung sướng phát khóc, định ẵm đứa bé sơ sinh, nhưng lại sợ mình làm cho đứa bé hốt hoảng, chứng tỏ ông đã thể hiện tình yêu sâu sắc đối với con người. Rồi giữa chốn hoang dã, tiếng cười đắc ý vang lên, không chỉ xua tan mối hận vợ chồng Trương Thuý Sơn làm ông mù loà, mà còn xua tan hết thảy mối thù hận, phẫn nộ và bi thương tích kết trong lòng ông mười mấy năm nay. Từ giờ trở đi, Tạ Tốn bắt đầu làm một con người mới. Tình yêu như của người cha mà Tạ Tốn dành choTrương Vô Kỵ hiển nhiên là một trọng điểm tự sự trong bộ tiểu thuyết này.
Tình yêu đó không chỉ thể hiện ở việc bênh vực Trương Vô Kỵ mỗi khi vợ chồng Trương Thuý Sơn định trách phạt con, đến mức tự nhiên cậu bé Trương Vô Kỵ coi nghĩa phụ như chỗ dựa, người che chở vững nhất của mình; cũng không chỉ thể hiện ở việc từ năm Trương Vô Kỵ lên tám, Tạ Tốn dốc lòng truyền thụ võ công cao thâm cho đứa bé, thậm chí nghiêm khắc bắt học thuộc lòng; mà còn thể hiện ở việc từ khi nhận đứa bé làm con nuôi, mục đích sống của Tạ Tốn bắt đầu chuyển biến hẳn; tìm bí mật trong thanh đao Đồ Long không còn là trọng điểm nữa; mà ông chăm chú theo dõi hướng gió, dòng chảy, nhất tâm nhất ý đưa Trương Vô Kỵ trở về đất liền, để cậu bé được sống sung sướng trong một thế giới bình thường. Tiến hơn nữa, thực sự đáng quý là Tạ Tốn không chỉ tìm cách đưa Trương Vô Kỵ trở về đất liền, mà còn kiên quyết để vợ chồng Trương Thuý Sơn đưa con về đất liền, một mình ông ở lại hòn đảo cách biệt với thế giới. Nguyên nhân là “Ta thương yêu nó mười năm, thế cũng đủ rồi. Tặc lão thiên thể nào cũng gây sự với ta, thằng bé ở bên ta quá lâu, e rằng tặc lão thiên giận lây sang nó, sẽ thành hoạ lớn”. (Xem Ỷ thiên Đồ long ký).
Nguyên nhân thực sự, đương nhiên Tạ Tốn biết rằng ông gây ra quá nhiều nợ máu, không muốn để Trương Vô Kỵ bị ảnh hưởng báo ứng lây, nên thà ông bị trừng phạt bằng nỗi cô đơn nơi hoang đảo, song phải để ba người kia sớm trở về đất liền. Trong tình hình lúc ấy, một người cha chỉ có thể biểu hiện tình yêu đến thế là cùng. Bấy giờ Tạ Tốn quyết ý để Tạ Vô Kỵ trở về đất liền, lấy lại họ Trương, còn một mình ông ở lại hoang đảo, là vì tình yêu đối với Trương Vô Kỵ; nhiều năm sau, bất ngờ Tạ Tốn lại cùng Tử Sam Long Vương của Minh giáo trở về đất liền, lý do chủ yếu nhất cũng là vì ông không nén được niềm thương nhớ đối với đứa con nuôi Trương Vô Kỵ. Thậm chí có thể nói, Tạ Tốn thừa biết ở đất liền đầy rẫy kẻ thù, thanh đao Đồ Long sẽ dẫn đến vô vàn tai hoạ, song ông vẫn cứ trở về, thực chất thể hiện tình yêu sâu xa của ông đối với Trương Vô Kỵ. ông đương nhiên không mơ ước cùng sống một chỗ với chàng, nhưng được ở gần hơn một chút, hoặc chỉ được nghe tin về nó, thì ông cũng không quản nguy hiểm đến tính mệnh trở về cố hương.
Tình yêu của Tạ Tốn đối với Trương Vô Kỵ không chỉ cho ta thấy sự chuyển biến tính cách lớn lao của Tạ Tốn, tình người loé sáng nơi ông, mà còn đoán biết năm xưa ông yêu đứa con đẻ Tạ Vô Kỵ như thế nào. Như vậy cũng dễ hiểu đòn chí mạng mà Thành Côn giáng vào tình cảm và tâm linh ông khi hắn giết hại cả gia đình ông. Chúng ta cũng dễ hiểu vì sao một người lương thiện như Tạ Tốn, đột nhiên lại biến thành một đại ma đầu điên cuồng giết người.
CUỐI
Sau khi Tạ Tốn cùng Trương Vô Kỵ, Chu Chỉ Nhược từ đảo Linh Xà trở về đất liền, ông bị Cái Bang bắt ra sao, rồi bị dẫn giải tới Thiếu Lâm tự thế nào, còn nhiều nghi vấn; nhất là Chu Chỉ Nhược đóng vai trò gì trong quá trình đó, tác giả không nói rõ. Co điều tôi cho rằng việc đưa Tạ Tốn đến Thiếu Lâm tự quả là một cách bố trí tài tình, không chỉ vì sư phụ kiêm kẻ thù của Tạ Tốn là Thành Côn ẩn náu ở đấy, mà đấy còn là nơi nương thân cuối cùng của Tạ Tốn. Nghe tiếng chuông, tiếng trống của Thiếu Lâm tự, tiếng tụng kinh Phật của ba đại cao tăng Độ Ách, Độ Kiếp, Độ Nạn, ông thành tâm sám hối, từ đó xuất gia, đó cũng là một kết cục rất bất ngờ của bộ tiểu thuyết. Tình tiết ấy khởi đầu cho việc xuất gia của hai người Tiêu Viễn Sơn và Mộ Dung Bác trong Thiên long bát bộ sau này.
Phải thấy “Buông cây đao xuống, lập tức thành Phật” luôn là tinh nghĩa của tinh thần nhà Phật, cũng là chủ đề quá quen thuộc trong chuyện dân gian truyền thống Trung Quốc. Chuyện Tạ Tốn sở dĩ làm cho người ta bất ngờ không chỉ là việc ông xuất gia đi tu, mà là việc ông thành tâm sám hối. Sự sám hối của ông diễn ra không phải sau khi ông xuất gia, mà là trước khi ông nảy ra ý định đi tu. Sau khi Tạ Tốn đánh sư phụ Thành Côn mười ba quyền để trả mối thù hắn giết mười ba người nhà của ông, khiến ông điên rồ mười ba năm trời, ông không giết hắn, ông chủ động phế bỏ võ công của mình, xoá sạch ân oán đôi bên. Sau đó ông tình nguyện tiếp nhận sự trả thù của thân bằng cố hữu những người bị ông sát hại, sẵn sàng để họ hành hạ, giết chết ông. Tác giả viết: “Hào sĩ võ lâm coi cái chết nhẹ như lông hồng, song lại quyết không chịu nhục, cho nên mới có câu ‘Sĩ khả sát nhi bất khả nhục’.
Hai người vừa rồi nhổ nước bọt vào mặt ông, quả là đại nhục, mà Tạ Tốn vẫn thản nhiên chịu đựng, đủ biết ông đã hối hận cực điểm về mọi tội lỗi trong quá khứ. Từ trong đám đông một số người lần lượt tiến ra, kẻ tát hai cái, người đá một cái, cũng có kẻ chửi bới nặng nề, song Tạ Tốn trước sau vẫn nín nhịn, không tránh né, cũng không nói lại nửa lời”. (Xem Ỷ thiên Đồ long ký). Tạ Tốn lúc này xứng đáng là một vị anh hùng thật sự dĩ nhiên không phải như một anh hùng võ hiệp, mà như một anh hùng văn hoá, có dũng khí đạo đức lớn lao và tinh thần sám hối phi phàm. Cảnh này đủ để người ta nặn một bức tượng, cảnh tỉnh hậu nhân, nhất là những người Trung Quốc không thành tâm sám hối.
Sự sám hối của Tạ Tốn cũng không phải sau khi đến chùa Thiếu Lâm mới xuất hiện, mà đã có từ hồi còn ở Băng Hoả đảo. Khi ông kể cho vợ chồng Trương Thuý Sơn và Trương Vô Kỵ nghe thảm hoạ của gia đình ông, thuật lại những tội nghiệt mấy chục năm ông gây ra, thuật lại chuyện ông lợi dụng lòng từ bi cứu khổ của phương trượng Thiếu Lâm tự Không Kiến đại sư mà đánh chết phương trượng, ông tự nói “Tạ Tốn này vong ân bội nghĩa, không bằng loài cẩu trệ”, (Xem Ỷ thiên Đồ long ký), thì thực tế là ông đã thực sự chân thành sám hối. Khi đánh chết Không Kiến đại sư, ông cũng đã hối hận, chỉ là thù lớn chưa trả, oán hận khó tan, tâm thần rối loạn, chưa thể sám hối triệt để. Sau khi đột nhiên nghe tiếng khóc chào đời của Trương Vô Kỵ, tính người phục hồi, tâm cảnh dần dần bình an, lương tri phục hồi, sự sám hối bắt đầu nảy sinh và mạnh dần. Nếu không trải qua tình trạng tự trách và hối hận đau khổ lâu dài hàng chục năm, làm sao chỉ ở cạnh Thiếu Lâm tự vài tháng mà Tạ Tốn có thể đột nhiên hối ngộ?
Nếu bảo chỉ nhờ nghe tiếng chuông, tiếng trống của Thiếu Lâm tự, tiếng tụng kinh Phật của ba đại cao tăng Độ Ách, Độ Kiếp, Độ Nạn, mà đại ma đầu hai tay nhuốm máu lập tức thành Phật, thì đúng là chuyện hoang đường. Đấy là chưa kể Thành Côn hơn mười năm ở trong chùa Thiếu Lâm, làm môn hạ của Không Kiến đại sư, mà chẳng thấy hắn sám hối chút nào cả. Chuyện Tạ Tốn kỳ thực không liên quan gì đến kinh Phật hoặc Phật giáo, mà là chuyện liên quan đến tính người và lương tri. Tuy nói cuối cùng ân oán giữa Tạ Tốn với kẻ thù duy nhất của ông là Thành Côn được xoá tan, Tạ Tốn cuối cùng cũng trở thành cao tăng, nhưng nghĩ lại chuyện cũ, ta vẫn không khỏi cảm thấy phẫn uất, bi thương cho số phận bất hạnh của ông. Số phận bất hạnh ấy do Thành Côn gây ra, vậy mà hắn vẫn còn nhởn nhơ sống trên thế gian.