Trang trong tổng số 100 trang (999 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [69] [70] [71] [72] [73] [74] [75] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Poet Hansy

Vương Ngữ Yên
Thương người một mối tình si


Có người bảo: Nàng vô hồn, nhạt nhẽo. Một cô gái yếu đuối, không có chủ kiến, lúc nào cũng bám theo Mộ Dung Phục ....Như một cái bóng ....

Cũng có người bảo nàng ngu ngốc cứ yêu hoài gã biểu ca “Lấy việc khôi phục Đại Yên là mục tiêu lớn nhất của đời mình ".

Trong mắt độc giả, nàng là một cô gái nhỏ đáng thương với mối tình si dại .

Nàng yếu đuối, mỏng manh nhưng trong cái nhìn của xã hội phong kiến hà khắc ấy, nàng vẫn sẵn sàng làm một cái bóng lặng thầm bên Mộ Dung Phục, bất kể đêm ngày ......Vì sao ? Chẳng phải đó là tình yêu ?

Mộ Dung Phục là “nguỵ quân tử ", kẻ có thể vì mục đích của mình mà làm bất cứ điều gì ?

Vương Ngữ Yên biết không ? Nàng biết chứ.

Giữa đại hội võ lâm, biểu ca nàng thất bại nhục nhã, suýt tự tử, Vương Ngữ Yên nhìn thấy tất cả. Nhưng nàng cũng không hề khinh thường chàng. Cái bóng ấy vẫn lặng thầm bên cạnh Mộ Dung Phục. Không cần đền đáp, không cần một lời tri ân. Chỉ cần được nhìn thấy biểu ca, biết chàng vẫn an toàn. Với Vương Ngữ Yên, thế là quá đủ.

Đáp lại nàng là gì ?

Biểu ca nàng đã chà đạp lên mối tình chân thành đó. Cô gái nhỏ ngây thơ ngỡ ngàng nhận ra từ rất lâu, một góc trái tim chàng cũng không còn có chỗ cho mình. Nàng đau đớn, tuyệt vọng. Nhưng hoàn toàn không có oán hận. Trái tim Ngữ Yên có thể tan vỡ nhưng nó không hề như Vương Phu Nhân - mẹ nàng. Nó không oán thù Mộ Dung Phục. Đó là điểm độc giả thích nhất ở Vương Ngữ Yên -”Thần tiên tỉ tỉ ".

Có nhiều độc giả lên án cái sự chuyển hướng quá mau lẹ của nàng qua Đoàn Dự.

Nhưng tại sao lại ngay thời điểm ấy ?

Đoàn Dự vì nàng mới bị Mộ Dung Phục đánh rơi xuống giếng hoang. Trái tim thiếu nữ đã đau lại càng đau. Ngữ Yên cũng không phải là một cô gái vô tình. Với Đoàn công tử, không có tình yêu nhưng làm sao tránh được hai chữ “cảm kích ". Một kẻ quá si tình, vì mình bao lần suýt mất mạng, lại còn vì nàng tha mạng cho biểu ca, suýt nữa đã bị ám toán mất mạng. Ngữ Yên cũng chỉ là một cô gái mới lớn. Đứng trước tấm chân tình ấy, nàng cũng rung động không ít lần. Song Vương Ngữ Yên vẫn là Vương Ngữ Yên, với mối tình tha thiết dành cho Mộ Dung Phục ....Giờ đây, biểu ca của nàng đã thay đổi, còn nỡ đánh Đoàn công tử bỏ mình dưới giếng sâu. Người chết không do mình nhưng vì mình mà chết. Cái duy nhất Ngữ Yên có thể làm là cùng người một chỗ hai mồ ....Và nàng đã làm đúng như thế. Một cô gái trọng tình trọng nghĩa.

Hỡi thế gian, tình ái là chi ?

Lý Mạc Sầu vì tình mà trở nên độc ác. Quách Tương vì tình phí cả tuổi thanh xuân, tìm kiếm một bóng hình trong ảo ảnh ...Ngữ Yên cũng là một trong số những cô gái si tình nhưng nàng may mắn hơn cả, nhận được một kết cuộc hạnh phúc. Giây phút biết Mộc Uyển Thanh là em ruột, Đoàn Dự còn cảm thấy vui nhưng lúc biết Ngữ Yên là em gái mình, trước mắt chàng chỉ có nỗi đau. Thế tại sao lại nói tình yêu của Dự dành cho Ngữ Yên chỉ là sự say mê dáng hình một “thần tiên tỉ tỉ "?.....Ngữ Yên liệu không xứng đáng có được hạnh phúc, được bình yên khi mà bây giờ bên cạnh nàng, vốn đã không còn ai để yêu thương?

“Thương người một mối tình si
Đêm dài cô tịch, riêng mình quặn đau”
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

Đông Phương Bất Bại
Yêu đơn giản là chết cho người mình yêu


Một nhân vật đặc biệt trong tác phẩm “Tiếu ngạo giang hồ” của Kim Dung, Luận về võ công, là đệ nhất, xét về tài trí mưu lược, thuộc hàng nhất nhì, nói đến chữ “si”, lại càng không thể có ai hơn được Đông Phương Bất Bại.

Dưới góc nhìn về hình tượng một đấng trượng phu, Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín của Đông Phương Bất Bại có cái mạnh cái kém.

Nhân: khoan hoà, nhân ái không thấy hiện diện trong Đông Phương Bất Bại, giáo chúng Triêu Dương thần giáo chẳng đã sống trong bầu không khí khiếp sợ, nặng nề sao.

Lễ: “nàng” là một hiện tượng!!! “nàng” giúp Triêu Dương thần giáo bắt kịp triều đình về mặt nghi lễ kiểu cách (xưng tụng, chúc từ, hàng rào vệ sĩ) cũng như cách sống chốn quan trường. Nói chung, Đông Phương Bất Bại chẳng tiết mạn đến đoá hoa tươi đẹp thơm ngát Doanh Doanh.

Nghĩa: bất nghĩa, vì người ngọc mà lạnh lùng xuống tay với kẻ từng vào sinh ra tử cùng mình. Nhưng cũng vì người ngọc mà thảm bại dưới kẻ thù, đến chết vẫn chẳng rời nhau ( với Dương Liên Đình )... Chung quy tuy là kẻ chung tình nhưng bất nghĩa.

Trí: kẻ Tiểu Trí. Không diệt cỏ tận gốc, để Nhậm Ngã Hành trở thành mối hậu hoạ ngày sau. Hồ đồ giữa tình cảm - sự nghiệp. Muốn an nhàn hưởng phước với người ngọc thì rửa tay gác kiếm, quy ẩn giang hồ. Muốn thiên thu trường trị, nhất thống giang hồ thì phải bôn ba tính kế trấn áp các đại phái. Không tính kế dài lâu nên phút chốc mất cả ‘giang sơn” lẫn “mỹ nhân”.

Tín: hứa lo cho “anh iu” Dương Liên Đình suốt đời là làm, dù phải đổi bằng mạng sống bản thân. Ngược lại, chẳng giữ lời “chia sẻ đắng cay, ngọt bùi” với kẻ thuộc hạ từng vì mình xả thân. Cân đi đong lại, vẫn chỉ là bất tín.

“Nàng” là một con người văn võ song toàn nhưng vẫn chết bỡi chữ “si”. “Nàng” si quyền lực để rồi lật đổ Nhậm Ngã Hành, “nàng” si võ công để rồi “tự cung” chính mình và “nàng” si tình để rồi chết cho người mình yêu. Nhưng cái si đó chứng tỏ Đông Phương Bất Bại đúng là một bậc kiêu hùng, dẫu cho tình yêu của “nàng” có phần lệch lạc và mù quáng, nhưng “nàng” dám yêu, dám hận, dám chết cho người mình yêu, đến khi cận kề cái chết vẫn mong người mình yêu được sống sót, nam tử hán mấy người được như “nàng”?

“Hắn nhảy xổ đến bên Dương Liên Ðình, ôm gã đứng lên rồi nhẹ nhàng đặt xuống giường. Trên giường đủ chăn hoa nệm gấm mùi hương ngào ngạt.
Ðông Phương Bất Bại mặt lộ vẻ rất thương yêu Dương Liên Ðình, hắn hỏi:
- Liên đệ có đau lắm không?
Rồi hắn nói tiếp:
- Dù cho Liên đệ có gãy xương sống cũng chẳng cần chi. Liên đệ cứ yên lòng ta tiếp cho Liên đệ khỏi ngay lập tức.
Hắn từ từ cởi giày cho Dương Liên Ðình rồi kéo chăn đắp lên người gã.
Hành động của hắn coi chẳng khác một người vợ hiền phục thị cho chồng. "

Rồi sau đó là một trận ẩu chiến kịch liệt mà nếu ko phải vì Đông Phương Bất Bại “si”, chắc gì bọn Nhậm Ngã Hành đã thắng, Đông Phương Bất Bại đã bại, ko cần phải đổi tên bởi “Ðông Phương Bất Bại này đã bại trận thì chẳng thể sống ở đời được nữa. Còn thay đổi làm chi?”, ngày “nàng” bại cũng là ngày “nàng” ko còn tồn tại nữa, đó là khí phách của bậc đại trượng phu! Nhân vật Đông Phương Bất Bại trong Tiếu ngạo giang hồ đem lại cho người đọc đi từ sự ngạc nhiên, ghê sợ, khâm phục... để rồi cảm thông và luyến tiếc, tiếc cho võ lâm vì mất đi một nhân tài, tiếc cho một con người văn võ song toàn nhưng bất hạnh và tiếc cho một tấm chân tình đặt sai chỗ...

Với Đông Phương Bất Bại yêu đơn giản là chết cho người mình yêu...
Đông Phương ơi hỡi Đông Phương...

“Đoạn trường đau xót thốt bi ca
Trượng phu sừng sửng hoá quần thoa
E ấp trâm cài,tô má phấn
Mềm mại áo the giỡn lượt ngà

Râu mày ca tụng khách trang đài
Não nề nhân thế quằn đôi vai
Giai nhân dạo bước,hồn kiêu hãnh
Ô nhục đường trần..ai hỡi ai?

Phong lưu mỹ tửu,đấng siêu quần
Hoá công khiến tạo biến giai nhân
Lưỡng hình hai cực,thân cong uốn
Vai thon,mũi thẳng..ôi! thương thân

Thức trắng đêm trường khó nghĩ an
Luyến ái nam nhân đã buộc ràng
Đào tơ liễu yếu ăn tâm trí
Bâng khuâng chột dạ...thốt lời than!”
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

Kim Diện Phật Miêu Nhân Phượng
Kẻ cô độc nhất trên thế gian


Bỗng mắt Miêu Nhân Phượng hoe đỏ, dường như muốn khóc. Nhưng sau đó mặt đầy sát khí, gằn từng tiếng hỏi: “Nàng tại sao chết?”

Điền Quy Nông nói: “Nam Lan bảo tại hạ sau khi nàng chết thì đem hoả táng rồi rải tro cốt trên đường đi cho mọi người giày xéo!”. Miêu Nhân Phượng nhảy dựng lên:“Ngươi có làm thế không?”.

Miêu Nhân Phượng ngây người nhìn cái hũ tro cốt rồi thong thả giơ hai tay bưng cái hũ sứ lên đặt vào lòng.

Đó là câu chuyện của rất nhiều năm sau. Đoạn trích để thấy Miêu Nhân Phượng -người có ngoại hiệu là Đả biến thiên hạ vô địch thủ, Kim Diện Phật- mãi mãi chung tình và không thể nào quên được người phụ nữ đầu tiên và duy nhất.
Thế nhưng trước đó ?

******

Một ngày cuối năm từ rất lâu trước đây, Miêu Nhân Phượng trên đường tế mộ tri kỷ Hồ Nhất Đao đã gặp Nam Lan. Cái ngày đầy tuyết lông ngỗng đó đã “tác hợp” cho người có võ công vô địch thiên hạ thời bấy giờ gặp tiểu thư Nam Lan xinh đẹp. Để rồi, con tim vốn đã thê lương của y lại bị dội đầy những tảng băng lạnh giá. Nếu ngày ấy không “đa sự” thì có lẽ cuộc đời y sẽ dễ thở hơn. Vết thương vì lỡ tay hại chết Hồ đại ca chưa kịp lành thì giông tố lại kéo đến. Và hai nỗi đau này ám ảnh Miêu Nhân Phượng đến trọn cả cuộc đời cô độc đến đau thương.

Thế nhưng thế gian vốn vô thường và vô thường là mãi mãi. Khi Nam Lan như con chim nhỏ trong vòng vây của 5 con yêu râu xanh, Miêu Nhân Phượng tả xung hữu đột để cứu mạng nàng và giúp nàng giữ lại cái quý nhất của cuộc đời con gái. Cũng trong lần kịch chiến đó, Phật Mặt Vàng suýt mất mạng và bị trọng thương ở đùi. Nếu chỉ là việc cỏn con là “kiến ngãi hữu vi” thì đó là chuyện bình thường đến nỗi nhắc đến Miêu Nhân Phượng thì xưa nay phải thế. Nhưng, trên người là vết thương đau kịch liệt, trước mắt lại là một cô gái mong manh như pha lê không nơi nương tựa.

Cũng vì cứu Nam Lan mà Kim Diện Phật kết oán với Chung Thị Tam Hùng. Lần tử chiến với 3 anh em họ Chung, y đang cận kề cái chết, 2 chân không thể nhúc nhích trong khi căn nhà trọ đang cháy dữ dội... Nam tiểu thư chạy trốn ra ngoài và nhìn y từ từ đi đến Quỷ môn quan. Ừh, thì họ Miêu bao biện rằng là do nàng còn liễu yếu đào tơ, không quen sóng gió giang hồ. Nhưng đó là lý do Miêu Nhân Phượng tự lừa gạt thiên hạ và lừa gạt chính mình. Bởi người con gái của cuộc đời không thể là như thế! Giá như lúc đó Miêu Nhân Phượng thua và bỏ thây tại đương trường, chắc chắn đó là sự giải thoát. Nhưng điều giả dụ đó chúng ta chỉ nói được khi đã đọc trọn tác phẩm. Còn như tình cảnh lúc đó, không ai muốn Phật Mặt Vàng phải cháy đen trong biển lửa, và bản thân y cũng không muốn như thế. Đại hiệp đang ôm ấp một viễn cảnh về một ngôi nhà đơn sơ hạnh phúc cùng vị tiểu thư kiều diễm đến tuyệt luân.

Và ngôi nhà hạnh phúc đó cũng không phải là cái gì quá xa xôi. Thậm chí bên trong nó còn ấm áp hơn với y từ ngày cô con gái nhỏ ra đời. Nhưng tổ ấm đó không phải là thiên đường cho Miêu Nhân Phượng. Kim Dung có quá tàn nhẫn không qua cái kết tuyệt tình đến đau lòng: “Y không trở về nhà, căn nhà từ đó trở thành hoang vắng”.

******

Mái ấm mà Đả-biến-thiên-hạ-vô-địch-thủ gầy biết bao công sức để xây dựng, gửi gắm vào đó mênh mông là niềm tin đã tan biến. Trở về đó làm gì để ngày ngày phải nhớ về người đàn bà phụ bạc. Một cơn gió khẽ lay cũng gợi lại bao cảm xúc về nàng. Đêm đó mưa nặng hạt lắm, ba người thân thiết nhất trong mái ấm đó mỗi người một cảm xúc, lao vào cơn mưa xa rời tổ ấm. Căn nhà tranh chắc sẽ xiêu vẹo sau một đêm giông gió. Nhưng điều đó có là gì đâu, nó có còn hay mất cũng vậy thôi. Người đàn bà được triều mến nhất trong mái tranh đó đã nhẫn tâm ra đi, thì cho dù ngôi nhà có tan biến theo dòng nuớc mưa đau buồn thống sầu thảm cũng chẳng còn ý nghĩa cho tất cả.

Cũng đêm mưa đó, người người trong Thương Gia Bảo đeo đuổi với suy nghĩ riêng và Miêu Nhân Phượng cũng thế. Tuy nhiên cái khác biệt giữa kẻ bản lĩnh kinh thiên động địa nhất thiên hạ là y không làm gì nhiều nhưng những hành động giản đơn của ông đều toát kên một nét trầm mặc thật xa xăm. Việc làm đầu tiên của y là ghìm chặt cỗ xe lừa trong đôi tay như xích sắt của mình. Hận Điền Quy Nông tột độ và chỉ muốn đánh chết gã ngay lúc đó nhưng đại hiệp họ Miêu đã không làm thế. Miêu Nhân Phượng còn muốn nhìn rõ khuôn mặt của người mình yêu quý nhất thế gian hạnh phúc bên tình lang ra sao. Người vợ mà y hằng yêu quý nhảy xuống xe lừa, không nhìn y lấy một lần, thị vẫy tay kêu Điền Quy Nông lại ngồi cạnh bên mình. Trước mặt người chồng, nàng vẫn rất thản nhiên, mắt nhìn đống lửa, khoé môi hé nụ cười lạt.

Miêu Nhân Phượng đến bên đống lửa để sưởi ấm cho con gái vừa tròn 2 tuổi. Những ngày qua nó đã phải đội mưa cùng cha, trải qua biết bao khó nhọc, tuy đang ngủ nhưng khoé mắt vẫn đọng 2 giọt lê vì nhớ mẹ. Chắc là nó đã khóc nhiều và nhiều lắm. Miêu Nhân Phượng muốn tận mắt “mục thị” người vợ đào tẩu kia sẽ làm gì. Nhưng thị chẳng cần nhìn y. Phải chi thị khiếp sợ y sẽ giết chết cặp tình nhân bạc bẽo thì hay cho Miêu Nhân Phượng biết mấy. Đằng này, nàng nhìn tình lang một cách trìu mến, trìu mến như thể việc nàng bỏ ra đi là một điều hạnh phúc nhất thế gian. Ừh thì nếu xét về cách nhìn của phái nữ hoặc những đấng mày râu dễ tính, nàng có quyền tìm cho mình hạnh phúc riêng. Ừh thì hạnh phúc và tình yêu thì đâu thể miễn cưỡng. Ừh thì Điền tình lang tinh thạo tâm lý và văn chương, lại biết chiều nàng. Ừh thì... có 1001 lý do để nàng rời bỏ con người khô khốc như Miêu Nhân Phượng. Nhưng nàng có còn nhớ cái ngày đông tuyết năm ấy có 1 kẻ đã suýt bỏ mạng vì gia đình nàng. Nàng có còn nhớ những ngày tháng đồng sinh cộng tử trong khách điếm năm xưa. Hay chạnh lòng về những ngày tháng làm dâu nhà họ Miêu. Nàng có bao giờ nghĩ người họ Điền kia chính là bạn của phu quân mình. Nàng có bao giờ chợt có một thoáng phút giây ngắn ngủi để nghĩ về tướng công, người xem nàng còn hơn tất cả bảo vật trên thế gian này.

“Má má ơi! Lan Lan kiếm má má hoài! Má má về đi thôi!”.
“Má má! Má má! Sao không bồng Lan Lan?”.
“Má má! Má má bồng Lan Lan đi !”.

Câu nói vang lên thống thiết từ miệng đứa con mà nàng đã đứt từng khúc ruột. Nguyên sảnh lớn đều nhìn nàng, họ trông đợi nàng, trong đợi đến quên cả xung quanh họ mới đây và sắp tới sẽ phải máu đổ đầu rơi. “Thằng nhỏ Hồ Phỉ” ăn chưa no lo chưa tới cũng chỉ hướng ánh mắt về nàng, mong nàng làm một việc quá đơn giản mà bất kỳ người mẹ nào trên thế gian này cũng mong hàng triệu triệu lần được làm như thế. Nhưng nàng chỉ hôn nó một lần rồi nhẫn tâm quay đi, mặc cho nó gào khóc dữ dội. Làn máu nóng trong người Miêu Nhân Phượng chạy rần rần. Trái tim y bị tíếng kêu réo của đứa nhỏ làm cho tan nát. Người trải qua bao phong ba sóng gió như Bình A Tứ, Mã Hành Không, vô lại như bọn thị vệ hay tàn ác như Diêm Cơ, Thương lão thái, tất cả đều không khỏi chạnh lòng. Riêng nàng, nàng vẫn thản nhiên và chẳng buồn một lần quay đầu nhìn lại. Việc nàng làm là nở một nụ cười kiều diễm với Điền Quy Nông. Và hành động này của nàng đã làm cho Kim Diện Phật “rùng mình”. Miêu Nhân Phượng vừa vào trang với thân hình ướt đẫm, mưa vẫn còn nhỏ giọt trên chiếc áo của ông. Đã biến thiên hạ vô địch thủ đang lạnh chăng?
Câu trả lời là không. Và ngàn vạn lần là không. Bản lĩnh của Kim Diện Phật quán tuyệt khắp thiên hạ, y muốn kéo vợ lại, đạp thị xuống chân rồi phóng chưởng đánh chết thị. Nhưng y đã không làm thế mà chỉ rùng mình thật đáng thương. Miêu Nhân Phượng bước chân ra giang hồ không cần ai nhường nửa chiêu kiếm, không cần ai nói lời xót thương. Thế mà, đêm nay, cả thảy đều nhìn y với ánh mắt đầy thương cảm. Có lẽ, Miêu Nhân Phượng ngạc nhiên và đau khổ tột độ khi chứng kiến cảnh tượng vợ mình cười trìu mến với người bạn từ bấy lâu nay của mình. Nụ cười và ánh mắt nhu tình dành cho tình lang, điều mà bao năm nay, dù là trong đêm tân hôn, y chưa một lần được chứng kiến. Vâng, đích thị là y chưa bao giờ và mãi mãi không bao giờ được thấy nụ cười và ánh mắt đó dành cho mình.

Chẳng còn gì để có thể thương tâm hơn, Miêu Nhân Phượng lẳng lặng đứng dậy, dùng giấy dầu bọc con gái thật cẩn thận -một hành động thể hiện tình cảm trìu mến thắm thiết của người cha. Y cũng chẳng thể chào hỏi ai và lao ào ra trong đêm giông. Miêu Nhân Phượng không dám nán lại thêm phút giây nào nữa, vì biết đâu y sẽ khóc. Kim Diện Phật khóc trước mặt thiên hạ sẽ không bỏ một trận cho quần hào cười nhạo. Nhưng sâu thẳm trong đáy lòng, kẻ khắp thiên hạ không ai địch nổi đã khóc tự lúc nào.

Kim Diện Phật đã hành động không sai một li trong cái đêm bạc bẽo đó. Y đã cư xử rất đúng với hành vi của một kẻ đội trời đạp đất. Hành động chẳng loạn dù lòng dạ đang rối bời. Y không nói một lời, vì càng nói ra sẽ càng là trò đàm tiếu cho bọn hào khách lỡ đường đêm ấy. Y không cần động thủ với tình địch dù cho Điền Quy Nông như con cá đang nằm trong rọ. Y cũng chẳng cần chì chiết với Nam Lan. Vì Miêu Nhân Phượng đã hiểu con người phụ bạc. Vâng, y đã hiểu thế nào là phụ bạc !!!

Ban đầu, Miêu Nhân Phượng ghì chặt cỗ xe, không cho cặp tình nhân phản bội có cơ hội trốn chạy. Nhưng sau đó, y lại chính là người rời khỏi nơi thị phi đó. Vì y chẳng còn gì để muốn chứng kiến, y không còn gì để hiểu thêm. Đêm ấy, kẻ thiên-hạ-không-đối-thủ chính là người thua cuộc! Người đọc chẳng thể nào hiểu được, Miêu Nhân Phượng và con gái Nhược Lan nương náu nơi đâu trong cái đêm mưa gió bão bùng và đầy định mệnh ấy !!!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

Người tình trong mộng của Kim Dung


Giang hồ hiệp khách, “võ công cái thế” cùng những tuyệt chiêu kungfu như “Hàng long thập bát chưởng, Nhất dương chỉ, Song kiếm hợp bích…”, nhưng nhà văn Kim Dung vẫn không tránh khỏi những trăn trở, đau khổ khi vướng “lưới tình”, không đến được với người trong mộng.

Mạng “Tin tức Trung Quốc” vừa tiết lộ chuyện tình không kém phần ly kỳ, hấp dẫn của nhà văn Trung Quốc nổi tiếng Kim Dung (tên thật là Tra Lương Dung), tác giả từng được bạn đọc khắp nơi mến mộ với những bộ tiểu thuyết võ hiệp như “Anh hùng xạ điêu”, “Thần Điêu đại hiệp”, “Thiên long bát bộ”, “Hiệp khách hành” và “Tiếu ngạo giang hồ”…


Diễn viên Hạ Mộng.

Theo đó, người tình trong mộng của nhà văn này chính là Hạ Mộng (tên thật là Dương Mông), một diễn viên nổi tiếng của điện ảnh Hongkong trong các thập kỷ 60 và 70 của thế kỷ trước.

Hạ Mộng sinh ngày 16-2-1932 tại Thượng Hải và quê gốc ở Tô Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Diễn viên này khởi nghiệp vào đầu những năm 50 của thế kỷ trước và sau đó liên tiếp gặt hái được nhiều thành công. Danh tiếng của cô nhanh chóng nổi như cồn, chiếm được tình cảm yêu mến, ngưỡng mộ của vô số khán giả màn bạc.

Không chỉ nổi tiếng với sự nghiệp diễn xuất, Hạ Mộng còn được mến mộ bởi vẻ đẹp hoàn mỹ cả về ngoại hình lẫn tính cách, hội tụ đủ các yếu tố “chân, thiện, mỹ”. Mọi người đã không ngần ngại dùng các mỹ từ như “kiệt tác của thượng đế” để miêu tả vẻ đẹp cũng như nhân cách của diễn viên toàn năng này.

Nhà văn Kim Dung khi trẻ đã bao phen khổ sở vì tương tư người đẹp Hạ Mộng. “Cô ấy trong cuộc sống đời thường đã rất đẹp, nhưng trên sân khấu còn đẹp hơn, khiến trái tim tôi luôn đập rộn rã và dường như muốn bay ra khỏi lồng ngực”, nhà văn nổi tiếng này từng thốt lên như vậy.

Tiếc thay, kết cục chuyện tình kể trên không đẹp như cặp đôi Dương Quá và Tiểu Long Nữ trong “Thần Điêu đại hiệp”. Người đẹp Hạ Mộng năm 21 tuổi đã lên xe hoa, kết duyên cùng người khác khiến cho tác giả của Thiên long bát bộ mãi thở ngắn than dài “hận mỗi nỗi không sớm gặp nhau khi chưa yên bề gia thất”.
15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

Phiêu du lãng mạn trong thế giới Kim Dung
( Kỳ Kết )
Thế giới tiểu thuyết Kim Dung không chỉ đầy ắp mỹ nhân, anh hùng mà còn vẽ nên nhiều địa danh, thắng cảnh tuyệt đẹp. Thiếu Lâm tự, Đào Hoa đảo, Nhạn Môn quan…, những cái tên chỉ mới nghe qua đã gợi lên bao “hùng tâm tráng chí”.

1- Thiếu Lâm tự
Dưới ngòi bút Kim Dung, Thiếu Lâm tự đại diện cho đỉnh cao của võ lâm chính phái với các vị cao tăng võ công tuyệt luân và Tàng Kinh các chứa đầy bí kíp mà nhiều cao thủ thèm muốn. Ngoài đời, Thiếu Lâm tự nằm trên núi Tung Sơn (huyện Dengfeng, tỉnh Khai Phong).
Tàng Kinh Các
Các tháp mộ của các cao tăng Thiếu Lâm Tự
Du khách thích thú “thử” chiêu Kim Cương chỉ nổi danh của Thiếu Lâm tự
Thời gian gần đây, ngôi chùa danh tiếng này đã phần nào bị thương mại hoá. Dưới chân núi Tung Sơn nhan nhản các trường dạy võ ăn theo tên tuổi Thiếu Lâm tự.
Nhờ Kim Dung “quảng cáo”, hàng ngày chùa thu hút hơn 5.000 du khách dù vé vào cổng không “mềm” chút nào, trị giá 100 tệ (tương đương 280.000 đồng).
Trong khuôn viên chùa có đầy đủ các dịch vụ biểu diễn kungfu, xe điện đưa rước tham quan, quán ăn giải khát, quà lưu niệm, bán nhang… khiến không khí thanh tịnh, yên tĩnh nơi cửa Phật bị phá vỡ.
Biểu diễn Kungfu trong chùa
Bán hàng cho khách

2- Đào Hoa đảo
Đào Hoa đảo gắn liền với cuộc đời đầy giai thoại của Đông Tà Hoàng Dược Sư và cô con gái nổi tiếng đa mưu túc trí Hoàng Dung. Không chỉ vậy, nhiều tên tuổi võ lâm khác cũng từng làm khách trên đảo Đào Hoa như chàng khờ Quách Tĩnh, “thần điêu hiệp lữ” Dương Quá, “Lão Ngoan Đồng” Châu Bá Thông, “Cửu chỉ thần cái” Hồng Thất Công…
Giờ đây, Đào Hoa đảo là danh lam bậc nhất ở Hàng Châu – Triết Giang nhờ phong cảnh hữu tình với đền đài, hồ nước. Không hổ danh cái tên “Đào Hoa”, khắp đảo trồng rất nhiều hoa đào và có cả liễu rủ. Mùa xuân là thời điểm du khách cùng dân địa phương nườm nượp rủ nhau lên đảo ngắm hoa đào
Bia ghi “Đào Hoa đảo” do Kim Dung đề tặng trên đảo
Cảnh đình đài, liễu rũ, hoa đào, sông nước… biến đảo Đào Hoa thành điểm du lịch nổi tiếng

3- Hoa Sơn luận kiếm
Còn trong “Tiếu ngạo giang hồ”, Hoa Sơn của chàng lãng tử Lệnh Hồ Xung là một trong Ngũ Nhạc kiếm phái cùng với Thái Sơn, Hằng Sơn, Tung Sơn và Hành Sơn.
Hoa Sơn nằm ở ngoại ô thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây. Núi được tạo thành bởi năm ngọn núi có hình dáng tựa bông hoa, nên gọi là Hoa Sơn. Với độ cao trung bình 2.900m, Hoa Sơn nổi tiếng cheo leo nhiều đồi dốc, trên đỉnh thường có mây mù bao phủ, đẹp như tiên cảnh.
Hoa Sơn bao phủ bởi mây mù
Trên đỉnh Hoa Sơn, trước bia “Hoa Sơn luận kiếm” do Kim Dung đề
Ngày nay, Hoa Sơn đã có cáp treo nhưng chỉ đưa du khách lên núi một đoạn, phần còn lại vẫn phải cuốc bộ nên ngọn núi này trở thành nơi thử thách của nhiều du khách.
Dọc đường lên núi với các ổ khoá và dây cầu may mắn, bình an của du khách

4- Hằng Sơn
Trong “Tiếu ngạo giang hồ”, Hằng Sơn là nơi trú ngụ của ni cô Nghi Lâm thánh thiện ôm mối tình câm với lãng tử Lệnh Hồ Xung.
Hằng Sơn nằm ở thành phố Đại Đồng của tỉnh Sơn Tây, giáp với Nội Mông Cổ, thuộc vùng cao nguyên khô hạn, quanh năm nắng gió, cát bụi. Là nơi tiếp giáp giữa trung nguyên và biên ải năm xưa nên phong cảnh nơi đây rất hùng vĩ. Nắng chói chang trên bầu trời trong xanh thấp thoáng cánh đại bàng, chim ưng, Hằng Sơn đưa du khách về lại thiên nhiên khoáng đạt.
Hằng Sơn với Huyền Không Tự cheo leo trên vách núi
Hằng Sơn còn có chùa Huyền Không, chùa treo lơ lửng trên không, rất độc đáo. Chùa được xây dựng trên vách núi cheo leo và đã tồn tại hơn 1.500 năm. Trong chùa dung hoà cả ba triết lý Phật, Nho, Đạo, kết tinh trong kiến trúc chùa. Kim Dung đã hư cấu ra tình tiết Lệnh Hồ Xung bị bà câm bắt được, nhốt tại chùa Huyền Không rồi sau đó nhậm chức trưởng môn phái Hằng Sơn.

5- Nga My
Nhắc đến Nga My, những cái tên Chu Chỉ Nhược, Diệt Tuyệt sư thái… của “Ỷ thiên đồ long ký” sẽ hiện lên trong tâm trí bạn đọc.
Núi Nga My nằm ở tỉnh Tứ Xuyên, chiều cao trên 3.099m nên khí hậu mát mẻ. Giữa khung cảnh thiên nhiên bạt ngàn thông cổ thụ điểm xuyết những thác nước rì rào, du khách lắng nghe tiếng chuông chùa đều đều điểm tiếng mỗi buổi chiều sẽ thấy như lạc vào cõi thiền, trút bỏ mọi phiền muộn. Khi thu về, rừng phong trên núi đổi sang sắc đỏ càng khiến Nga My lộng lẫy khác thường.
Chưa hết, đứng trên đỉnh núi Nga My, ngắm ánh sáng mặt trời phản chiếu vào những đám mây che phủ vào các thời điểm khác nhau trong ngày sẽ hiện ra nhiều cảnh đẹp hùng vĩ khác nhau.
Nga My trong mây
Mặt trời chiếu vào mây mù, tạo ra những cảnh đẹp khác nhau tuỳ theo thời điểm

6 - Nhạn Môn quan
Nhạn Môn quan - nơi xảy ra bi kịch của gia đình Kiều Phong trong “Thiên long bát bộ” – chính là một trong những cửa ải nổi tiếng nhất Trung Quốc từ xưa đến nay.
Cửa ải Nhạn Môn quan nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa
Là chốt chặn giữa trung nguyên với đại mạc thảo nguyên, Nhạn Môn quan nằm ở tỉnh Sơn Tây, có địa hình hiểm trở, khí hậu khô hạn. Tuy khung cảnh hùng vĩ, nhưng mỗi khi chiều tàn, tiếng sáo văng vẳng ngân nga trong bóng mặt trời đỏ ối khiến không khí chốn biên ải càng thêm u uất.

7 – Đại mạc Nội Mông Cổ
Ra khỏi Nhạn Môn quan là đến địa phận của Nội Mông Cổ, nơi đại hiệp Quách Tĩnh trải qua thời niên thiếu nhiều biến động trong bộ truyện “Anh hùng xạ điêu”.
Thảo nguyên Nội Mông cỏ xanh mướt màu thanh bình
Có dịp đến Nội Mông Cổ vào mùa hè, trải rộng trước mắt là một thảo nguyên xanh mướt, đàn bò nhởn nhơ gặm cỏ thật thanh bình, thấp thoáng trên bầu trời xanh biếc là những chú chim ưng, diều hâu bay lượn săn mồi…
Đến với Nội Mông Cổ, bạn tha hồ cưỡi ngựa tung vó. Người dân du mục hiếu khách sẽ thết đãi bạn ly rượu sữa ngựa thơm nồng ngay khi vừa xuống xe. Ban đêm còn có thể nằm trong những túp lều da cừu, ngửa mặt ngắm những vì sao lấp lánh thơ mộng…
Đêm đại mạc lấp lánh trời sao
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

BÀN VỀ CÁC NHÂN VẬT
TRONG TIỂU THUYẾT
KIM DUNG
Trần Mặc

********
Dịch theo nguyên tác tiếng Hoa CHÚNG SINH CHI TƯỚNG
(KIM DUNG TIỂU THUYẾT NHÂN VẬT ĐÀM).
Thượng Hải Tam liên thư điếm, 6-2001.
Lê Khánh Trường biên dịch.
Nhà Xuất bản Hội Nhà Văn


https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEhL0oX1oK_32F1S2Rx8k794VkgukAXV-AGMDTc66kdOpbR4Mham1hWlHJNIZcorkb-64VYD02sAAiuhcfA3BT8wJckX1bIJvzjPvAP4Ybu-IIaj94h2iwrdQbn05FpkGqPEuITEUXMTy6ErYG70ELDeHw2XGh88WyDI3JnXT0ADbb1JHFyFC5gUlXj36w/w640-h422/100-0-KD.PNG

15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

LỜI NÓI ĐẦU


Nhan đề chính của cuốn sách này là “ Cái tướng của chúng sinh” , bao hàm quan điểm “Chúng sinh bình đẳng” của nhà Phật. Đương nhiên trước hết phải nói rằng người bình đẳng nên không thể chia ra siêu nhân với phàm nhân, người được yêu với kẻ bị ghét, nhân vật lớn với nhân vật nhỏ, nhân vật lịch sử có thật với nhân vật truyền kỳ hư cấu. Thậm chí cũng không thể chia ra nhân vật chính với nhân vật phụ. Hễ cảm thấy đáng bàn thì bàn, e rằng nhân vật ấy chỉ là rất thứ yếu; cảm thấy không đáng bàn nên không đem ra bàn, e rằng đấy lại là nhân vật chính.

Đương nhiên do nhân vật chính trong tiểu thuyết là đối tượng miêu tả chủ yếu của tác giả, có nhiều chuyện cũ, tính cách có khi khá phức tạp, cho nên không những phải bàn nhiều, mà số trang sách phân tích cũng phải nhiều hơn. Gọi là Cái tướng của chúng sinh, không phải chỉ là cái tướng nói chung, mà là chỉ hình tượng cá tính của các nhân vật khác nhau. Chúng sinh trên thế gian thực tế là do vô số cá nhân có tính cách khác nhau, hình tượng khác nhau hợp nên. Hơn nữa Cái tướng của chúng sinh không những chỉ hình tượng của chúng sinh, mà đồng thời còn chỉ “tâm tướng” của chúng sinh bao gồm đặc trưng cá tính và bí ẩn tâm lý của họ. trong thế giới võ hiệp do Kim Dung tạo ra, cái khổ của chúng sinh chủ yếu không phải do thiếu thốn vật chất, như đói ăn thiếu mặc, mà là những hoài bão không thành, hoặc là những dày vò đau khổ về tinh thần. Về việc miêu tả tính cách, tính người và sự khắc hoạ tâm lý, thái độ bi thương của Cái tướng chúng sinh v..v..trong tiểu thuyết của Kim Dung, việc bàn luận của tôi dĩ nhiên không chỉ giới hạn ở kỹ xảo nghệ thuật miêu tả nhân vật, mà còn phải chú trọng đến tâm linh của nhân vật, từ đó còn phải đề cập tinh thần nhân văn ở trên cái đó nữa.

Dưới đây cần nói rõ mấy điểm của cuốn sách này.Liệu cuốn Kim Dung tiểu thuyết nhân luận của tôi (Bách Hoa Châu văn nghệ xuất bản xã, in lần thư nhất tháng 12 năm 1993) với cuốn sách Cái tướng của chúng sinh có trùng lặp nhau hay không? Về điều này, tôi nghĩ là không, bởi vì trọng điểm và thể lệ của hai cuốn sách khác hẳn nhau.

Nói cụ thể, một là cuốn thứ nhất chú trọng lý luận, bao gồm các luận đề khác nhau, như “ Nhân cách luận”, “Nhân tính luận”, “Nhân sinh luận”, “Tình ái luận”, “Nhân tài luận”, “Nhân chủng luận”. Còn cuốn sách này chú trọng thực tế, chuyên bàn về nhân vật cụ thể. Hai là cuốn thứ nhất chú trọng phân tích loại hình nhân vật, đem đối tượng luận bàn chia ra người nghĩa hiệp với kẻ tiểu nhân, người thiện với kẻ ác, thường nhân với dị nhân, kỳ nhân với chân nhân, nam nhân với nữ nhân, siêu nhân với phàm nhân, người Hán với người không phải Hán; còn cuốn sách này không phân loại kiểu đó, mà chú trọng tính cách và cuộc sống của các nhân vật cá biệt. Ba là cách thức giảng thuật khác nhau. Cuốn thứ nhất thì “luận”, còn cuốn này là “đàm”. Tôi hy vọng so với “luận” thì “đàm” tự do hơn, cụ thể hơn, nhẹ nhàng hơn, thân mật hơn. Mà cái chính là “đàm” sẽ bật ra ý mới.

Thứ hai, sở dĩ chọn năm mươi hai nhân vật làm đối tượng phân tích luận bàn, chủ yếu là bởi vì tôi cảm thấy có hứng thú bàn về một số nhân vật, hoặc có thể nói là tôi muốn trao đổi một số cảm nghĩ của mình với mọi người. Nhan đề chính của cuốn sách này là Cái tướng của chúng sinh, là có thể nói về đủ loại chúng sinh, còn là có thể bàn về thật sâu một số nhân vật; do đó, có một vài nhân vật mà mọi người hết sức quen thuộc, cũng vô cùng yêu thích, song cuốn sách này lại không bàn đến. Như Hương Hương Công chúa xinh đẹp trong Thư Kiếm ân cừu lục, Tiểu Chiêu trong Ỷ Thiên Đồ Long ký, Song Nhi trong Lộc Đỉnh ký v..v..Các nhân vật ấy dĩ nhiên rất trứ danh, được mọi người yêu thích, có thể đi sâu vào lòng bạn đọc. Nhưng cuốn sách này lại không chọn Hương Hương Công chúa xinh đẹp hồn nhiên, Tiểu Chiêu và Song Nhi dịu hiền, bơỉ vì họ quá đơn thuần, hoặc thiếu bề dày. Điều này không tránh khỏi làm cho một số người tiếc nuối, nhưng nhan đề Cái tướng của chúng sinh có tiêu chuẩn, tầm sâu nhất định của nó.

Thứ ba, dù theo tiêu chuẩn khá nghiêm ngặt, thỉ trong tiểu thuyết của Kim Dung vẫn còn không ít nhân vật có thể bàn luận, hoặc đáng được bàn luận riêng, như Cầu Thiên Nhẫn, Âu Dương Phong, và Nhất Đăng đại sư trong Anh Hùng xạ điêu, Tiểu Long Nữ, Lục Vô Song, Lâm Triêu Anh trong Thần Điêu hiệp lữ , Ân Ly, Triệu Mẫn, Thành Côn và Trần Hữu Lượng trong Ỷ Thiên Đồ Long ký. Thích Trường Phát, Thích Phương, Uông Thiếu Phong, Lăng Thoái Tư trong Liên Thành quyết. Vương Ngữ Yên, Du Thản Chi, A tử, Đoàn Chính Thuần và mấy vị tình nhân trong Thiên Long bát bộ, Nhậm Doanh Doanh, Tả Lãnh Thiền, Đông Phương Bất Bại, Dư Thương Hải, Lưu Chính Phong và Mạc Đại tiên sinh trong Tiếu Ngạo giang hồ v..v..Các nhân vật ấy không được chọn bàn, đơn thuần chỉ vì cuốn sách này có hạn, nếu nhân vật đáng bàn cứ đưa vào sách, chỉ e sách này sẽ phải dày gấp đôi.

Thứ tư, bạn đọc tinh ý sẽ thấy tất cả nhân vật trong bốn bộ tiểu thuyết Việt Nữ kiếm, Bạch mã tiếu tây phong, Uyên Ương đao, Tuyết sơn phi hồ không một ai được bàn tới ở đây. Bởi lẽ số trang bốn bộ tiểu thuyết ấy tương đối ngắn, có bộ còn không lấy việc tả nhân vật là chính, nhân vật có thể mang ra bàn luận riêng không nhiều, một vài nhân vật đáng bàn luận thì tôi đã đề cập trong cuốn sách khác, mà tôi chưa có ý gì mới để đem bàn trong cuốn sách này, lại nghĩ sách này không phân phối cho đều, không nhất thiết phải bàn đến mọi nhân vật, cho nên họ vắng mặt ở đây.

Thứ năm, trong mục lục sách này cũng không có tên ba nhân vật trọng yếu Tiêu Phong, Đoàn Dự, Vi Tiểu Bảo, dĩ nhiên không phải là vô ý bỏ sót, mà chỉ vì tôi đã có ba bài dài riêng bàn về họ. (Xem Trung Quốc văn hoá linh tinh dữ quái thai : Linh hồn và quái thai của văn hoá Trung Quốc), Luận về Vi Tiểu Bảo, Tuy vạn thiên nhân ngô vãng hỹ (Giữa muôn người ta vẫn hướng tới người), Luận về Tiêu Phong, Đoàn Dự hình tượng cập kỳ ý nghĩa( Ý nghĩa của hình tượng Tiêu Phong, Đoàn Dự) trong Cô độc chi hiệp – Kim Dung tiểu thuyết luận, Thượng hải Tam liên Thư điếm) xuất bản tháng tư năm 1999. Hiện tại tôi chưa nghĩ ra ý gì mới, lại không muốn “rang món cơm nguội” nên đành bỏ qua. Điều cần đặc biệt nói rõ là tôi bàn luận khá nhiều về tiểu thuyết của Kim Dung, nên trong sách này khó tránh được sự lặp lại một quan điểm hoặc một câu nào đó, mặc dù tôi đã hết sức cố gắng để không lặp lại, cố gắng đưa ra ý mới.

Cuối cùng, đã là “đàm” chứ không phải “luận”, nên tôi đã hết sức sử dụng một bút pháp tâm thái tương đối nhẹ nhàng, cũng cố tránh sử dụng hình thức thuần tuý học thuật hoặc nghiên cứu, tức là không đeo mặt nạ cho các nhân vật hoặc lúc nào cũng đưa ra các luận chứng quá ư lôgich. Khi bình luận hình tượng nhân vật, dĩ nhiên chỗ nào hay tôi sẽ nói là hay, chỗ nào dở tôi sẽ nói là dở, song nhiều khi tôi không nhất thiết đành giá hay dở, chỉ cốt phân tích tâm lý nhân vật, nhất là tìm ra nhiều góc độ và phương pháp để nhận thức nhân sinh, có khi khó tránh biểu đạt nhận thức của mình đối với tính người và nhân sinh, thậm chí thường thường kèm theo các suy nghĩ của mình về xã hội, lịch sử v..v..Cũng tức là nói, tôi dựa vào việc bàn luận nhân vật mà đưa ra quan điểm của mình. Việc tôi bàn luận mà đưa ra quan điểm của mình rốt cuộc ra sao, kính mong bạn đọc phê bình uốn nắn cho.

TRẦN MẶC
Tháng Hai đầu xuân năm 2001
Tại Bắc Thổ thành Bắc Kinh
15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

1.-
TRẦN GIA LẠC
“Dở lại hoá hay”


Trần Gia Lạc là nhân vật chính trong bộ tiểu thuyết đầu tiên của Kim Dung, đủ biết tác giả tốn bao tâm huyết cho nhân vật này. Kim Dung để cho Trần Gia Lạc là con trai thứ ba của Trần Thế Quan, một danh nhân lịch sử ở miền quê Hải Ninh, Triết Giang của tác giả, sau đó lại lợi dụng truyền thuyết dân gian ở Hải Ninh, nói Trần Gia Lạc là anh em cùng mẹ với Hoàng đế Càn Long nhà Thanh, từ đó mà cải biên cuộc đấu tranh giữa hai dân tộc Mãn, Hán thành xung đột mâu thuẫn phức tạp giữa anh em với nhau về mặt tình cảm, lễ giáo, dục vọng, pháp lý v...v...Xét từ góc độ kể chuyện mà nói, thật là tài tình.

Rõ ràng tác giả muốn miêu tả nhân vật Trần Gia Lạc thành hiện thân của một thứ lý tưởng hiệp nghĩa, cho nên Trần Gia Lạc không chỉ có lập trường đúng đắn, tư tưởng tiên tiến, mà còn tài mạo tuyệt, vời văn võ toàn tài. Trong bản in lần đầu, Trần Gia Lạc có công danh giải nguyên, chỉ vì tác giả cảm thấy mấy bài thơ mà tác giả làm cho Trần Gia Lạc có trình độ chưa đủ cao “thơ của một vị giải nguyên không thể kém cỏi như thế, cho nên khi sửa chữa lại, tôi đã bỏ đi danh hiệu giải nguyên” (Xem phần “Viết thêm” ở cuối sách Thư Kiếm ân cừu lục, Bắc Kinh, Tam Liên thư điếm, bản in tháng năm, năm 1994).

Sự sửa đổi này thật ra không làm lu mờ chút nào vầng hào quang bao quanh nhân vật này. Nói thẳng ra thì nếu loại bỏ vầng hào quang bao quanh nhân vật này đi, sẽ lập tức phát hiện hình tượng nhân vật này thực chất nhạt nhẽo, tự thân chẳng có tính cách hoặc đặc điểm gì đặc sắc làm xúc động lòng người.

Tôi sở dĩ nhắc đến nhân vật này, bởi vì trong tâm lý và cá tính của Trần Gia Lạc có một phương diện khác không hiện rõ, tôi thiết nghĩ, rất có thể là tác giả tả lệch mà trúng, hoặc nói là tình cờ “dở lại hoá hay”.


1.

Căn cứ để tôi nói vậy là kết cục đầy bi kịch của bộ tiểu thuyết Thư Kiếm ân cừu lục. Đối với nhân vật chính Trần Gia Lạc mà nói, đấy là một thứ bi kịch kép. Về phương diện sự nghiệp, Trần Gia Lạc chẳng những không thành công trong việc “phản Thanh phục Minh”, hoặc “phản Mãn phục Hán”, mà suýt nữa còn bị Hoàng đế Càn Long tiêu diệt sạch các thủ lĩnh Hồng Hoa hội.Về mặt tình cảm cá nhân, Trần Gia Lạc còn bị “thiệt lớn”, trước là làm cho Hoắc Thanh Đồng lâm vào cảnh thà chết còn hơn sống; rồi sau lại phải đem Hương Hương công chúa tiến cống cho Hoàng đế Càn Long, đẩy nàng vào tử lộ.

Đương nhiên, bi kịch của nhân vật chính trong Thư Kiếm ân cừu lục có một phần là thuộc bi kịch của số phận, nghĩa là sức người hữu hạn không chống nổi vận mệnh lịch sử, ví dụ như một bộ lạc nhỏ bé của dân tộc thiểu số Hồi Cương do anh hùng Mộc Trác Luân chỉ huy, cuối cùng khó bề chống chọi lại với đại quân hằng mấy chục vạn người của triều đình nhà Thanh, bị tiêu diệt sạch. Trong bi kịch cá nhân của Trần Gia Lạc cũng có sẵn nhiều nhân tố của một số phận khó lòng thay đổi.

Cuộc hôn nhân của cha mẹ Trần Gia Lạc là một trường bi kịch, mà kết cuộc của trường bi kịch đó là số phận của Trần Gia Lạc ắt phải mang tính bi kịch hết sức rõ ràng. Nếu theo ý muốn của người cha là đi học làm quan, thì sẽ trái với ước muốn của người mẹ; còn nếu theo ý muốn của người mẹ là hành tẩu giang hồ thì sẽ trái với ước muốn của người cha. Điều quan trọng hơn là, Trần Gia Lạc được nghĩa phụ là Vu Vạn Đình, cũng là người cha tinh thần của chàng, chọn làm Thiếu Tổng đà chủ của Hồng Hoa hội lý do thực ra không phải vì chàng tài cán hơn người, mà chỉ vì chàng có thân phận đặc biệt – chàng là anh em cùng một mẹ với Hoàng đế Càn Long, thân phận này rất có lợi cho đại nghiệp “phản Mãn phục Hán” của Hồng Hoa hội.

Chức vụ tuy quan trọng, nhưng mình không được làm chủ. Đó là một sức mạnh của số phận mà mỗi người không thể làm chủ, cái sức mạnh ấy thiếu chút nữa đã làm cho Trần Gia Lạc tan xương nát thịt. Bài này không bàn về bi kịch của số phận, nên không nói nhiều. Điều quan trọng chúng tôi muốn nói là bi kịch tính cách của nhân vật chính Trần Gia Lạc được thể hiện tập trung trong hai mối tình giữa chàng với Hoắc Thanh Đồng và Hương Hương công chúa. Mối tình bi thương thứ nhất của Trần Gia Lạc là thế này: Trần Gia Lạc dẫn anh hùng của Hồng Hoa hội đi giúp bộ lạc của Hoắc Thanh Đồng đoạt lại Thánh vật tôn giáo của họ là “Kinh Khả Lan”.

Hai người không thể nói là vừa gặp hau đã chung tình, nhưng rõ ràng cả hai đều thích nhau: ánh mắt chăm chú của Trần Gia Lạc nhìn Hoắc Thanh Đồng thế nào, hầu như hết thẩy mọi người có mặt đều hiểu; Hoắc Thanh Đồng hào sảng ngay trước mặt mọi người đã đem thanh kiếm tổ truyền của nàng tặng Trần Gia Lạc là vật “kỷ niệm”. Trần Gia Lạc cũng đã nhận kỷ vật đó. Cũng tức là nói rằng hai người do việc lấy sách kinh tặng bảo kiếm – nhan đề Thư Kiếm ân cừu lục là từ đấy mà ra – đã đính lập với nhau minh ước tình riêng. Nhưng chính lúc hai người đang tình ý dạt dào như thế, thì cô gái Lý Nguyên Chỉ cải nam trang lại có cử chỉ “thân thiết” với Hoắc Thanh Đồng, lòng Trần Gia Lạc lập tức đanh lại.

Chàng vốn đã bảo cho Hoắc Thanh Đồng cùng đi giúp Hồng Hoa hội, nhưng bây giờ liền đổi giọng, kiên quyết không đồng ý cho Hoắc Thanh Đồng đi cùng. Lúc chia tay, Hoắc Thanh Đồng thông minh sớm đã biết lý do tại sao, lựa lời nói khéo với Trần Gia Lạc, nhưng chàng không hề nghĩ cách xác minh chân tướng. Trong thực tế, tình cảm của chàng đối với Hoắc Thanh Đồng đã bị sự hiểu lầm nhỏ mọn kia bẻ cong đi. Chuyện thứ hai là Trần Gia Lạc đến báo tin cho Mộc Trác Luân người Hồi Cương, dọc đường chàng gặp Hương Hương công chúa vừa xinh đẹp, vừa hồn nhiên, hai người cùng đi một đường, thật là quá đẹp. Hương Hương công chúa hồn nhiên mau chóng có thiện cảm với “Bạch mã vương tử” – Trần Gia Lạc quả thực có cỡi con ngựa trắng – chàng trai tuấn tú ăn mặc như người Hồi Cương này.

Sau đó tại “Đại hội ôi lang” truyềng thống của bộ lạc này, Hương Hương công chúa xinh đẹp đã chủ động tựa vào người tình lang, công khai biểu thị tình yêu với Trần Gia Lạc, còn Trần Gia Lạc thì sau giây lát do dự, đã thích thú nhảy múa với Hương Hương công chúa. Hương Hương công chúa đẹp nhất bộ lạc đã có ý trung nhân, tất nhiên là đại hỷ sực của tất cả bộ lạc, không ngờ anh hùng Mộc Trác Luân lại ngấm ngầm khổ tâm, còn nàng Hoắc Thanh Đồng thì tưởng như sét đánh ngang tai, cơ hồ hộc máu mà chết! thì ra Hương Hương công chúa không phải ai xa lạ, chính là con gái út của Mộc Trác Luân, cũng là em gái cùng mẹ của Hoắc Thanh Đồng.

Phần lớn độc giả đọc đến đây đều nuối tiếc cho số phận của Hoắc Thanh Đồng. Xem ra trong bi kịch ái tình này, Trần Gia Lạc tựa hồ không chịu trách nhiệm gì, bởi vì chàng không hề biết Lý Nguyên Chỉ là gái giả trai, không biết rốt cuộc Hoắc Thanh Đồng có quan hệ thế nào với Lý Nguyên Chỉ, cũng không biết tại sao Hương Hương công chúa lại nhanh chóng và cả gan công khai biểu thị tình ý với chàng như thế, càng không biết Hương Hương công chúa lại là em ruột của Hoắc Thanh Đồng. Cũng tức là nói rằng bi kịch ấy là một thứ “bi kịch của số phận”.
15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

2.

Tuy nhiên, nếu ta xem xét từ một góc độ khác, suy nghĩ sâu hơn một chút, thì sẽ phát hiện trong chuyện này sự khiếm khuyết hiển nhiên hoặc không lộ rõ về tính cách và tâm lý của nhân vật chính Trần Gia Lạc, mới là nguyên nhân chính dẫn tới “bi kịch của số phận”. Trước hết, chúng ta thấy dù là trong quan hệ tình yêu giữa chàng với Hoắc Thanh Đồng, hay là với Hương Hương công chúa, thì người chủ động đều là bên nữ. Hoắc Thanh Đồng là người đem bảo kiếm tặng chàng làm kỷ vật định tình trước, Hương Hương công chúa càng táo bạo tung giải lụa ái tình trước để quấn lấy Trần Gia Lạc, còn Trần Gia Lạc thì đều giữ vai trò thụ động. Điều này đương nhiên có thể giải thích do sự khác biệt về tập quán và quan niệm sinh hoạt giữa dân tộc Hán và đân tộc thiểu số Hồi Cương.

Thiếu nữ dân tộc thiểu số nói chung tính cách hào sảng; trong khi nam giới dân tộc Hán chịu ảnh hưởng nặng nề của truyền thống lễ giáo nên ở thế bị động. Nhưng đồng thời điều này cũng chưa đủ để giải thích tính chất khiếp nhược của Trần Gia Lạc là chàng không dám, cũng không biết cách biểu đạt tình cảm của mình, đương nhiên càng không dám chủ động biểu đạt một cách công khai. Cách giải thích hợp lý hơn, phải xét đến ảnh hưởng và sự chế ước của truyền thống văn hoá lịch sử dân tộc Hán đối với tâm lý thư sinh của Trần Gia Lạc, khiến cho chàng ta trở thành một gã trai không dám biểu đạt tình cảm của mình.

Thứ hai, ta lưu ý rằng sau khi phát hiện Hoắc Thanh Đồng và Lý Nguyên Chỉ có “cử chỉ” thân thiết với nhau, Trần Gia Lạc lập tức không cho huynh muội Hoắc Thanh Đồng đi theo, khiến cho đối phương mất đi cơ hội giải thích thanh minh. Dĩ nhiên có thể coi đây là sự mẫn cảm và đố kỵ của người yêu, dẫn đến quyết định sai lầm; nghiã là bảo rằng đây là biểu hiện tâm lý tình cảm có tính chất phổ biến. Nhưng chúng ta qua đó có thể thấy nhiều hơn: Trần Gia Lạc thì tự cho mình là đúng, tâm lý thì yếu đuối, và điều quan trọng hơn là chàng ta bụng dạ hẹp hòi.

Thứ ba, Hoắc Thanh Đồng lúc chia tay thực ra đã giải thích, nhắc nhở rất khéo và rõ, bảo Trần Gia Lạc hãy đi hỏi xem Lý Nguyên Chỉ là nam hay nữ, nhưng lạ thay Trần Gia Lạc từ đầu đến cuôí không hề hỏi dò bất cứ ai về tình hình của Lý Nguyên Chỉ. Nếu Trần Gia Lạc không nhận ra được Lý Nguyên Chỉ là nữ giả nam trang, thì chàng chưa đủ kinh nghiệm giang hồ. Nếu bảo chàng không dò hỏi Lục Phỉ Thanh, người của Hồng Hoa hội, về đồ đệ Lý Nguyên Chỉ của họ Lục, là vì chàng tuổi trẻ e thẹn, thì tại sao chàng không dò hỏi qua Dư Ngư Đồng?

Dư Ngư Đồng là sư điệt của Lục Phỉ Thanh, cũng là sư huynh đồng môn của Lý Nguyên Chỉ, đồng thời còn là huynh đệ trong Hồng Hoa hội. Hỏi dò họ Dư về tình hình Lý Nguyên Chỉ là một việc hết sức dễ dàng. Nhưng Trần Gia Lạc trước sau không hỏi, chẳng những không hỏi, mà chàng còn không muốn nghe bất cứ lời giải thích nào về Lý Nguyên Chỉ - trong đêm thành hôn của Từ Thiên Hoằng với Chu Khởi, Lý Nguyên Chỉ lẻn vào phòng của Dư Ngư Đồng, bấy giờ Lục Phỉ Thanh, Dư Ngư Đồng, lần lượt tới chỗ Trần Gia Lạc muốn giải thích rõ về vụ việc Lý Nguyên Chỉ, song Trần Gia Lạc không dành cho họ bất cứ một cơ hội nào để giải thích!

Điều đó chứng tỏ Trần Gia Lạc là một người hết sức cố chấp, chẳng “đàng hoàng” chút nào. Hơn nữa cũng không phải là một thứ “ưa thể diện”, mà thực chất là trò tự khép mình rất đáng sợ. Mà cái tính cố chấp tự khép mình kiểu này, một nửa là do di truyền về tính cách và tâm lý , một nửa là do địa vị và thân phận hiện tại của chàng – chàng đang là Tổng đà chủ Hồng Hoa hội, là minh tinh và anh hùng trẻ tuổi, dĩ nhiên không thể biểu hiện tình riêng, cho nên căn bệnh trong nội tâm càng thêm trầm trọng.

Cuối cùng, Trần Gia Lạc “quên biến” Hoắc Thanh Đồng mà tiếp nhận Hương Hương công chúa , rõ ràng không phải vì chàng không yêu Hoắc Thanh Đồng, thực ra cũng chẳng phải là vì sự hiểu lầm đơn giản về quan hệ giữa Hoắc Thanh Đồng với Lý Nguyên Chỉ, mà là do nguyên nhân tâm lý sâu xa hơn nhiều. Chúng ta thậm chí có thể nghĩ rằng, dẫu không có sự hiểu lầm về Hoắc Thanh Đồng, thì Trần Gia Lạc khi được Lý Nguyên Chỉ ném “quả còn” ái tình, chàng cũng sẽ quên ngay Hoắc Thanh Đồng để coi Hương Hương công chúa là người tình thật sự của mình.

Toàn bộ bí ẩn là ở chỗ, Thuý Vũ hoàng tụ Hoắc Thanh Đồng về mọi mặt, võ công, trí tuệ, hay ý chí, tính nết, phong thái đều thực sự là bậc nữ lưu hào kiệt, không thua gì đấng mày râu anh hùng. Vấn đề là ở đây, Hoắc Thanh Đồng càng xứng đáng, thì Trần Gia Lạc đối với nàng sẽ càng kính nhi viễn chi; Hoắc Thanh Đồng càng có khí phách, thì Trần Gia Lạc lại càng lùi xa.


CUỐI

Vì sao như vậy? Nguyên nhân thật ra hết sức đơn giản. Trần Gia Lạc về thân phận, không chỉ là một nam tử hán đại trượng phu, mà còn là một vị Tổng đà chủ, đại anh hùng, cả thiên hạ đều phải kính nể; song về mặt tâm lý chàng chỉ là một chàng trai bình thường, thậm chí còn là một gã thiếu niên chưa trưởng thành thực sự, còn là một “tiểu nam nhân” non nớt về mặt tâm lý. Xem ra chàng võ công càng cao, quyền lực càng lớn hơn người khác, thì tính cách trong thực tế và trong thâm tâm lại càng tự ti và yếu đuối hơn cả người bình thường.

Trần Gia Lạc đã quen như con công đứng giữa bầy gà luôn ở trong trạng thái tâm lý hơn hẳn người khác, làm sao chàng có thể chấp nhận một người nhận ra sự non kém của chàng như Hoắc Thanh Đồng? Để che dấu cái chân tướng của một “tiểu nam nhân”, cách tốt nhất là tránh tiếp xúc với một nữ anh hào. Trong thực tế, một “tiểu nam nhân”, nhất là một “tiểu nam nhân” về phương diện tâm lý không sao có thể tiếp nhận một nữ anh hào, giống như người mặt mày xấu xí không chấp nhận cái gương vậy. Hương Hương công chúa thì hoàn toàn khác. Nàng không chỉ trẻ hơn, có dung mạo xinh đẹp tuyệt trần, mà điều quan trọng nàng đã không biết võ công, lại không hiểu mưu lược. chỉ có mỗi sự hồn nhiên vô tri vô thức.

Dưới con mắt của Hương Hương công chúa, Trần Gia Lạc gần như là một nhân vật chỉ xuất hiện trong chuyện thần thoại, một vị anh hùng toàn năng. Mặc dù Trần Gia Lạc cũng thừa biết ấn tượng của Hương Hương công chúa về chàng có mấy phần ảo tưởng, vượt xa chân tướng, song cái cảm giác được anh hùng hoá ấy làm thoả mãn cái tâm hư vinh của một “tiểu nam nhân”. Đây mới là bí mật lớn nhất về tính cách và tâm lý của Trần Gia Lạc.

Cuối cùng, Hoàng đế Càn Long thèm muốn sắc đẹp của Hương Hương công chúa, muốn lấy Hương Hương công chúa làm điều kiện trao đổi để phục hồi thân phận Hán tộc của mình, thì Trần Gia Lạc liền đồng ý ngay, hơn nữa còn đích thân nài nỉ Hương Hương công chúa, cô gái rất mực thâm tình với chàng, hãy đến với Càn Long, lý do là ưu tiên cho đại cục, vì đại sự quốc gia, sự nghiệp của dân tộc mà hy sinh tình cảm cá nhân.

Không riêng chàng phải hy sinh, mà còn muốn Hương Hương công chúa cũng hy sinh bằng cách hiến thân cho Càn Long. Thứ đại đạo lý này của người Hán đã khiến Hương Hương công chúa không còn gì để nói, cuối cùng đành lấy cái chết để tuẫn tình. Có thể nói Trần Gia Lạc đã chính tay đẩy Hương Hương công chúa vào chỗ chết. Cái lý do mà Trần Gia Lạc đưa ra nghe rất đường hoàng, một số đọc giả còn xúc động, tưởng rằng Trần Gia Lạc là một đại anh hùng chân chính. Thực ra, đấy còn bắt nguồn từ căn bệnh tâm lý. Có điều nó không chỉ là một căn bệnh tâm lý của một cá nhân Trần Gia Lạc, mà còn là cố tật tâm lý của truyền thống văn hoá dân tộc Hán.

Nguyên nhân của căn bệnh này, thứ nhất, dân tộc Hán luôn có một truyền thống dân gian, coi “người vợ như cái áo, anh em như thể chân tay”. Ngụ ý rất rõ ràng, quần áo có thể thay đổi tuỳ ý, còn anh em thì không thể chia cắt. Càn Long chính là anh em, chân tay của Trần Gia Lạc, còn Hương Hương công chúa thì chưa phải là vợ chàng, nên còn chưa bằng cái áo, chỉ như làn gió thoảng.

Thứ hai, dân tộc Hán luôn có một truyềng thống chính thức, coi “việc giang sơn” lớn, “việc cá nhân” nhỏ, ngụ ý cũng rất rõ ràng. Tức là vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, thiên hạ, tất nhiên có thể hy sinh nguyện vọng cá nhân. Cái giá trị quan này có một hình thức biểu thuật cực đoan là “Tồn thiên lý, diệt nhân dục” ( để lại cái lý của trời, huỷ diệt ý muốn con người). Trần Gia Lạc đã là thư sinh của dân tộc Hán, lại là lãnh tụ của Hồng Hoa hội, dĩ nhiên đã nhiễm cả hai thứ “vi khuẩn gây bệnh” nói trên, rõ ràng khó bề chạy chữa.

Nếu chúng ta đi sâu hơn nữa, còn có thể phát hiện, hành động này của Trần Gia Lạc thực ra còn có nguyên nhân thứ ba, ấy là chàng muốn phô diễn vai trò “đại trượng phu” của mình đến cùng, đem Hương Hương công chúa hiến thân cho Hoàng đế Càn Long, nàng sẽ vĩnh viễn không phát hiện được bí mật “tiểu nam nhân” của chàng, thế chẳng phải là bắn một mũi tên trúng ba con chim hay sao? Đương nhiên, chúng ta biết, cái gọi là bắn một mũi tên trúng ba con chim của Trần Gia Lạc thực chất chỉ là căn bệnh tâm lý hết phương cứu chữa. Căn bệnh tâm lý của Trần Gia Lạc, suy cho cùng còn là do chàng ta hoàn toàn mù tịt về tâm lý, tình cảm và tình người. Thân phận anh hùng, địa vị lãnh tụ, vòng hào quang ngôi sao sáng, khiến Trần Gia Lạc cứ phải diễn mãi cái vai nam tử hán, đại trượng phu, thế giới tâm lý của chàng cứ bị áp chế và bóp méo trong sự cô độc và trong bóng tối.

Nếu sớm đi khám bác sĩ tâm thần, hoặc tìm được phép cứu chữa sớm hơn một chút, thì may ra có cơ hội khỏi bệnh. Có người sẽ hỏi, thời đại Trần Gia Lạc có bác sĩ tâm thần chưa? Câu hỏi rất hay. Điều tôi suy nghĩ là giả dụ thời ấy đã có bác sĩ tâm thần, thì anh hùng đại trượng phu Trần Gia Lạc của chúng ta có đi khám bệnh hay không?
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

2.
DƯ NGƯ ĐỒNG
Huỷ mặt tẩy lòng


Dư Ngư Đồng tuy chỉ đứng thứ mười bốn trên bảng anh hùng Hồng Hoa hội trong bộ tiểu thuyết Thư Kiếm ân cừu lục của Kim Dung, song lại là hình tượng nhân vật được miêu tả thành công nhất, hoặc sâu sắc nhất trong bộ sách đó.

Theo ý tôi, hình tượng Dư Ngư Đồng chân thực hơn, sinh động hơn hẳn hình tượng nhân vật chính của bộ sách ấy là Trần Gia Lạc. điều này có thể là vì Trần Gia Lạc được lấy làm anh hùng số một của tiểu thuyết võ hiệp. Việc miêu tả không tránh khỏi nhiều điều hạn chế, gò bó; còn Dư Ngư Đồng thì là nhân vật phụ, có thể chỉ đi sâu vào một mặt, viết được tự do hơn. Hơn nữa nhân vật số một hiển nhiên phải gánh vác nhiều hơn cái lý tưởng của thế giới võ hiệp. còn Dư Ngư Đồng thì hoàn toàn có thể tự nhiên tiếp cận tính người, cuộc sống chân thực. Ở hồi thứ hai của bộ sách với nhan đề “ Kim phong dã điếm thư sinh địch, Thiết đảm hoang trang hiệp sĩ tâm” Kim địch thư sinh Dư Ngư Đồng vừa xuất hiện đã toả sáng, không chỉ làm cho thiếu nữ Lý Nguyên Chỉ có mặt tại đó hết sức xúc động, mà độc giả cũng phải kinh ngạc.

Cái hay đương nhiên không phải ở chỗ Dư Ngư Đồng thân hình cao ráo, mi thanh mục tú, anh tuấn hào hoa, thậm chí cũng không phải ở thần thái phiêu dật, tài tình trác tuyệt, hình tượng tươi mát, mà đàng sau cái bề ngoài hào hoa phong lưu ấy, là chất văn chương sâu sắc trong tính cách và tâm lý. Một thư sinh văn nhược, tay cầm chiếc kim địch (cây sáo vàng) lấp lánh ánh vàng, ở trong một ngôi dã điếm giữa chốn hương thôn, tốt xấu lẫn lộn, thôỉ lên tiếng sáo, dĩ nhiên sẽ gây được ấn tượng vô cùng sâu sắc với mọi người. Đã thế, trước mặt tai mắt của triều đình, kẻ thù của Hồng Hoa hội, chàng lại tự giới thiệu:“Tại hạ đi không đôỉ họ, về không đôỉ tên, họ Dư, tên Ngư Đồng. Dư với nghĩa người thêm vào, người thừa ra, Ngư là chữ Ngư trong “đục nước bắt ca”, Đồng là cùng, là giống, chứ không phải là kim loại, đồng gỉ sắt han (Xem Thư Kiếm ân cừu lục).

Tự giới thiệu như vậy, càng gây ấn tượng mạnh với mọi người. Điều này có thể lý giải thành khí phách anh hùng đại trượng phu , không đổi tên họ của Dư Ngư Đồng, không coi tai mắt triều đình đang ở trước mặt mình ra gì; còn có thể lý giải rằng Dư Ngư Đồng là người cơ trí, tự tin , dí dỏm, hoạt bát. Đồng thời chúng ta cũng cần thấy cái cách tự giới thiệu ấy cũng bộc lộ tính huyênh hoang, thậm chí khinh bạc của mình. Đấy là chưa nói khi ấy chàng còn chưa biết địch tình trong dã điếm, đã dại dột công khai nói rõ thân phận mình; càng nguy hiểm hơn vì Hồng Hoa hội là một tổ chức bí mật chống triều đình, triều đình đang tiến hành một chiến dịch bắt giữ đại quy mô, mà Dư Ngư Đồng lại chính là liên lạc viên bí mật của tổ chức ở địa phương, tại sao lại đi huyênh hoang tuỳ tiện như vậy? Dư Ngư Đồng đi đâu cũng mang kè kè cây kim địch, chỉ sợ người ta khôngbiết chàng là “Tú tài Kim địch” lừng lẫy tiếng tăm, hoặc là biết sai mà cứ phạm, hoặc là tự tin quá đỗi, hoặc là khoe khoang ngu xuẩn, dẫu là gì thì cũng bộc lộ một khiếm khuyết tính cách của chàng. Cái anh chàng công tử xuất thân vọng tộc Giang Nam, đỗ tú tài, chỉ vì muốn báo cừu rửa hận mới bỏ đi phiêu bạt giang hồ này, đến bất cứ đâu cũng đều muốn tỏ ra mình khác người.


1.


Thoạt tiên, chúng ta còn chưa biết, Dư Ngư Đồng khoe khoang tài thổi sáo thực ra là có ngụ ý khác.Chẳng qua người thổi có ý mà người nghe vô tâm. Thế nên càng thổi sáo, càng u buồn, càng u buồn lại càng phải dùng tiếng sáo để làm vợi nỗi buồn. Thoạt đầu chúng ta đương nhiên cũng không biết, cái gã Dư Ngư Đồng huyênh hoang bộc lộ thực ra có một tâm sự bí mật sâu xa. Cái nỗi đau khổ day dứt khôn nguôi ấy lại chỉ có cách mượn bề ngoài giả điên để khéo léo che giấu mà thôi. Khi đó dấu vết còn chưa chứng tỏ Dư Ngư Đồng biết hay chưa biết, lúc chàng thổi sáo, thì vợ chồng Văn Thái Lai, - người cùng Hồng Hoa hội với chàng - đang lánh nạn trong dã điếm này.

Tiếng sáo chính là để báo tin cho họ biết là chàng đã tới. Nếu biết có phu nhân của Văn Thái Lai là nàng Lạc Băng có mặt ở đây, tiếng sáo nhất định sẽ càng xúc động lòng người hơn. Bởi vì chàng trai phong lưu anh tuấn này từ lâu đã thầm yêu trộm nhớ người phụ nữ có chồng Lạc Băng. Đó là bí mật lớn nhất trong tâm sự của chàng và cũng là nỗi khổ tâm lớn nhất của chàng. Chẳng mấy chốc chúng ta nhìn thấy cảnh kinh tâm động phách, khiến cho người ta phải trố mắt há mồm :Văn Thái Lai bị sai nha bắt trong Thiết Đảm trang, thì vị tú tài anh hùng, có ăn học, biết lễ nghĩa Dư Ngư Đồng ở bên ngoài trang viện đó, lại thừa lúc người ta lâm nguy mà ôm chặt Lạc Băng, - người phụ nữ có chồng, có bệnh, đang nằm ngủ say ! Như thế là hành động này của Dư Ngư Đồng đã phạm ba tội nghiệt nặng nề : một là phạm giới luật của Hồng Hoa hội cấm gian dâm với vợ người khác - trong Hồng Hoa hội, tội này có thể bị chém đầu; hai là phản bội tình nghĩa huynh đệ, bởi vì Lạc Băng không đơn giản chỉ là một người phụ nữ có chồng, mà nàng còn là vợ của VănThái Lai, người anh em kết nghĩa của Dư Ngư Đồng, là nghĩa tẩu của chàng; thứ ba, Văn Thái Lai vừa mới bị bắt, Lạc Băng bị một đòn nặng về tình cảm, cộng với đang bị bệnh, Dư Ngư Đồng đã chẳng tìm cách giải cứu Văn Thái Lai, an ủi Lạc Băng thì chớ, lại thừa lúc người ta bị nguy mà giở trò bỉ ổi với nghĩa tẩu, khiến người ta căm ghét.

Đặt bút miêu tả cảnh này, hiển nhiên tác giả rất táo bạo, cũng thật bất ngờ với mọi người. Bởi vì theo qui tắc của thế giới võ hiệp, hành động của Dư Ngư Đồng thuộc loại tội nghiệt rõ ràng tuyệt đối không thể chấp nhận ở chốn giang hồ, theo qui luật của tiểu thuyết võ hiệp, kẻ làm như thế khẳng định là hạng tà ác điên rồ, mất hết lương tri. Song tác giả lại không định tả Dư Ngư Đồng thành hạng người tà ác, mà tựa hồ có ý đặt ra cho Dư Ngư Đồng, đồng thời cũng đặt ra cho mình một câu hỏi khó : một thanh niên trót yêu một người phụ nữ đã có chồng, hơn nữa còn là nghĩa tẩu của mình, thì phải làm thế nào đây ? Một thanh niên trong lúc không kiềm chế được tình cảm của mình đã trót xâm phạm nghĩa tẩu, thì phải làm thế nào đây ? Chúng ta thấy tác giả một là không tả Dư Ngư Đồng thành một nhân vật phản diện, hai là đối với hành vi sai trái của Dư Ngư Đồng, không tiến hành phê phán đạo đức một cách giản đơn, mà dường như coi đó như một loại khó khăn tâm lý tình cảm bình thường, mà một nhân vật chính diện vấp phải. Rất nhanh sau đó chúng ta sẽ thấy tác giả tuy không hùa theo, càng không tán thành hành vi của Dư Ngư Đồng; nhưng lại có sự thông cảm, đồng tình rõ ràng đối với tâm lý, tình cảm, cảnh ngộ của chàng ta.

Sự đồng tình này dĩ nhiên hoàn toàn không xuất phát từ qui phạm võ hiệp của truyền thống, mà là từ quan điểm nhân văn hiện đại. Dư Ngư Đồng vừa gặp Lạc Băng thì đã bị “tiếng sét ái tình”, và khi đó Lạc Băng đã là người phụ nữ có chồng. Do ngay từ đầu đã biết đây là thứ tình yêu phi đạo đức, Dư Ngư Đồng từ đó không ngừng bị giày vò tình cảm. Đây là nỗi khổ tâm đáng sợ, không thể thổ lộ với người khác, trong nội tâm thì gió táp mưa sa, mà ngoài mặt cứ phải làm như sóng yên gió lặng. Để tránh gặp Lạc Băng nhiều lần, Dư Ngư Đồng chỉ có cách vùi đầu vào công việc, thường xuyên xin đi xa công cán một mình. Để mình không được nhớ, được nghĩ đến Lạc Băng, chàng dùng mũi dao nhọn đâm vào cánh tay cho máu chảy dầm dề. Lâu ngày, cánh tay chàng đã chồng chất bao vết sẹo dao đâm kiểu đó. Nỗi khổ sở tinh thần đủ biết như thế nào; bất kể chàng tự kiềm chế như thế nào, tự chê trách tự trừng phạt mình như thế nào, chàng vẫn không tài gì cắt đứt được các ý nghĩ về Lạc Băng!

Đáng chú ý là Dư Ngư Đồng tuy coi nỗi thầm yêu trộm nhớ nặng nề đáng sợ ấy là phi đạo đức, song lại không coi đó là thứ tình yêu vô vọng. Trong thâm tâm, không biết bao nhiêu lần chàng cho rằng, giả dụ Lạc Băng gặp chàng lúc chưa lấy chồng, thì chắc chắn Lạc Băng sẽ trở thành phu nhân Dư Ngư Đồng. Thậm chí chàng còn mơ tưởng, rồi sẽ có ngày Lạc Băng nhận biết tình ý trong trái tim chàng ... Nói tóm lại, Dư Ngư Đồng luôn luôn cho rằng so với Văn Thái Lai, chàng có ba ưu thế lớn : một là trẻ tuổi hơn, hai là anh tuấn hào hoa, ba là văn võ đa tài. Cũng chính vì có tâm tưởng đó, chàng mới một mặt tự trừng phạt mình, mặt khác lại thương xót mình; một mặt chê trách mình, mặt khác tự hứa hẹn với mình; một mặt tự kiềm chế mình, mặt khác lại tự khích lệ mình. Cũng vì thế mới dám cả gan ôm chặt lấy Lạc Băng, thể hiện tình cảm tha thiết của mình với nàng. Kết quả là Lạc Băng giáng cho chàng một cái tát mạnh, không chỉ là tát vào mặt chàng, mà còn là đánh vào lòng chàng. Lạc Băng không những chỉ rõ hành vi của chàng là hèn hạ vô sỉ, mà còn chỉ rõ suy nghĩ của chàng là ấu trĩ nực cười: tuổi và diện mạo hoàn toàn không phải là căn cứ của tình yêu; sự phong lưu đa tài, thì làm sao có thể sánh với khí phách anh hùng của Văn Thái Lai?

Dư Ngư Đồng bây giờ mới hiểu, Lạc Băng yêu Văn Thái Lai vì khí phách anh hùng, đại nhân đại nghĩa, đáng tin cậy, là những điều mà chàng chưa có đủ. Do đó Dư Ngư Đồng mới rơi vào tâm trạng tuyệt vọng : không chỉ lo sợ sự xét xử và trừng phạt của Hồng Hoa hội, không chỉ hổ thẹn về mặt đạo đức đối với huynh đệ kết nghĩa Văn Thái Lai, cũng không chỉ bị Lạc Băng dứt khoát cự tuyệt; mà tệ hơn, ba cái ưu thế lớn mà chàng vẫn tự tin, tự phụ là tuổi trẻ , tuấn tú tài cao, giờ bỗng chốc tiêu tan ! Thế là tự thẹn, tự ngượng, đau đớn, kinh sợ, tự khinh, tự ti, tự nghĩ mình đê tiện, bao nhiêu cảm giác đó dồn dập đè nặng lên tâm hồn vốn đã có không ít tổn thương của chàng. Hiển nhiên chàng trai Dư Ngư Đồng trước sau không ý thức được nhược điểm tính cách thực sự của mình, không ý thức được cái tính huênh hoang, xung động và ưa cực đoan của mình, mới sa vào tình cảnh tuyệt vọng, không thể trong một thời gian ngắn quay đầu lại thấy bờ. Cái tình yêu cố chấp đối với Lạc Băng, bảo là oan nghiệt kiếp trước cũng được, song đúng ra là sự lựa chọn của kiếp này. Cảnh do tâm tạo, tâm của chàng vừa yếu đuối vừa mù quáng.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 100 trang (999 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [69] [70] [71] [72] [73] [74] [75] ... ›Trang sau »Trang cuối