12.
HOÀNG DUNG
Dạo chơi giữa nhân gian.
Nhìn thấy một cậu bé ăn xin nhếch nhác giữa phố phường đột nhiên biến thành một tiên nữ tóc dài thướt tha xinh đẹp trên thuyền bơi giữa hồ, đừng nói chàng Quách Tĩnh chưa quen thế sự, mà ngay cả một độc giả hiểu biết sâu rộng cũng trố mắt kinh ngạc. Cảnh tượng hài hước này giống như cảnh chàng thiếu niên Ôn Thanh trong Bích huyết kiếm bỗng dưng biến thành thiếu nữ Hạ Thanh Thanh, nhưng ở đây cảnh tượng độc đáo hơn. Khỏi phải nói, tính cách của nhân vật chính Hoàng Dung lanh lợi đa biến hơn hẳn thiếu nữ Hạ ThanhThanh, sắc thái truyền kỳ cũng phong phú hơn. Bắt đầu từ giây phút ấy hình tượng nhân vật Hoàng Dung đã loé sáng, không chỉ bao trùm Quách Tĩnh, mà còn bao trùm toàn bộ sách Anh hùng xạ điêu. Cái tinh linh cực kỳ thông minh và vô cùng ngang ngạnh này, dưới ngòi bút của Kim Dung, một nửa là tiên nữ trên trời, một nửa là yêu tà dưới trần.
I
Đặc điểm tính cách nổi bật của Hoàng Dung đương nhiên là sự thông minh lanh lợi. Khi mới xuất hiện, thiếu nữ này đã treo Hoàng Hà tứ quỉ võ công khá cao lên cây, lại còn làm cho sư thúc của Hoàng Hà tứ quỉ là Hầu Thông Hải cứ loay hoay không sao đối phó được; sau đó nàng lại ung dung thoát thân khỏi Hoàn Nhan vương phủ, một nơi có vô số cao thủ, đủ biết nàng chẳng phải nhân vật tầm thường. Hoàng Dung sở dĩ phục hồi nguyên hình thiếu nữ, là vì nàng muốn trêu ghẹo anh chàng Quách Tĩnh ngốc nghếch, chủ yếu là để Quách Tĩnh biết chân tướng diện mạo của nàng - thiếu nữ này đã phải lòng Quách Tĩnh rồi. Hoàng Dung yêu Quách Tĩnh là vì “ta thấy chàng đối đãi chân thành với ta, bất kể ta là nam hay nữ, ta dễ nhìn hay khó coi”, “Ta mặc bộ quần áo này, ai cũng lấy lòng ta, chuyện đó đâu có gì lạ ? Khi ta làm kẻ ăn xin, chàng đối tốt với ta, đó mới là tốt thật”. (Xem Anh hùng xạ điêu).
Bất kể có môn đăng hộ đối hay không, điều cốt yếu là chân tình đối với nhau, là tình đầu ý hợp. Chỉ riêng việc này cũng đủ thấy Hoàng Dung có kiến thức phi phàm, từ trong đất cát nhận biết, phát hiện được cục vàng, hòn ngọc nguyên khối Quách Tĩnh mà người khác chưa biết, thế mới là tuệ nhãn thức anh hùng. Càng phi phàm cái việc Hoàng Dung không chỉ phát hiện được phẩm chất đạo đức cao quí của Quách Tĩnh, mà còn bồi đắp và phát huy phẩm chất trí tuệ cho chàng. Cùng đi một chuyến với Quách Tĩnh, thực sự nàng là một giáo viên giảng về văn hoá nghệ thuật Trung Nguyên và cuộc sống giang hồ cho người bạn trai của mình. Không có sự hướng dẫn, chỉ dẫn của nàng, chuyến trở về Trung Nguyên của Quách Tĩnh chẳng những không có thu hoạch, mà còn vô vị tẻ ngắt, thậm chí khó đi từng bước. Có nàng đi bên cạnh, hành trình trở nên tươi đẹp vô hạn, đầy hoạ ý thi tình, hơn nữa Hoàng Dung còn tạo ra cho chàng nhiều cuộc kỳ ngộ chốn giang hồ , khiến cho Quách Tĩnh được thoát thai hoán cốt. Gọi là tạo ra nhiều cuộc kỳ ngộ, tức là chỉ ra rằng, chẳng hạn, việc Hoàng Dung đoán đúng, qua vài biểu hiện nhỏ, như việc ông lão ăn xin thích ăn phao câu gà, biết đó là kỳ nhân đương thời Hồng Thất Công, trong giây lát nấu vài món ăn đầy hấp dẫn để lấy lòng vị đại tông sư võ học ấy, khiến cho lão tự nguyện giúp nàng, đem tuyệt kỹ độc môn “Hàng long thập bát chưởng” truyền thụ cho chàng ngốc Quách Tĩnh.
Tiếp đó nàng lại trổ tài nấu nướng vô số món ăn vừa lạ miệng vừa thanh nhã, đặt cho chúng những cái tên thú vị, như “Quân tử hảo cầu”, “Kiều minh nguyệt” ... để Hồng Thất Công bị mắc lừa, chịu đem võ công “Tiêu dao du” cực kỳ phức tạp, đầy biến hoá, môn võ công mà Quách Tĩnh vừa nhìn đã hoa cả mắt, truyền thụ cho Hoàng Dung. Nói Hoàng Dung là cô giáo hướng dẫn văn hoá và dạy cách sống cho Quách Tĩnh là vì nàng tuy không dạy võ công cho chàng như Giang Nam lục quái và Hồng Thất Công, song đã mời các vị giáo sư lỗi lạc dạy cho Quách Tĩnh, thiết kế giáo trình học tập và thực hiện; lại còn tìm ra bộ giáo trình “Vũ Mục toàn thư” của vị anh hùng dân tộc tiền bối Nhạc Phi, một cuốn sách giáo khoa về võ thuật, quân sự, chính trị, đạo đức. Sau khi nàng bị thương, nàng tìm Anh Cô hỏi han, khiến một người tự xưng là Thần Toán Tử như Anh Cô cũng phải thẹn vì thua kém nàng. Đối với bốn cao thủ Ngư, Tiều, Canh, Độc, mưu kế và hiểu biết của nàng cũng khiến họ phải mến phục. Kiệt tác tâm trí của Hoàng Dung dĩ nhiên còn bao gồm kế “Áp quỷ đảo” đánh gục Âu Dương Khắc, tại miếu Thiết Thương dẫn dụ Khúc cô, lột mặt nạ Dương Khang. Cuối cùng đối phó rất lâu dài với đại ma đầu số một thiên hạ Âu Dương Phong, không bị suy tổn chút nào, còn kịp thời truy hỏi Âu Dương Phong “Mi là ai” trên đỉnh Hoa Sơn, khiến vị đại tông sư võ học này trở nên điên điên khùng khùng.
Các đại cao thủ võ lâm siêu cấp như Hoàng Dược Sư, Hồng Thất Công, Quách Tĩnh đều không thắng nổi Âu Dương Phong, chỉ một người có thể đánh bại lão ta, ấy là Hoàng Dung. Đáng chú ý là Hoàng Dung cơ trí linh lợi, đa mưu túc trí, song hoàn toàn không phải mất công suy nghĩ, mà là tuỳ cơ ứng biến, hết sức tự nhiên. Tài trí của nàng đúng là thần tình, tinh linh. Ví dụ về sự thông minh linh lợi, bác học đa năng của Hoàng Dung thật nhiều không kể xiết. Độc giả nói chung có thể đôi chỗ cảm thấy sự tinh minh của nàng thiếu nữ này là “phịa”, khó tin, nhưng nàng là con gái duy nhất của bậc kỳ tài Hoàng Dược Sư thông minh tuyệt đỉnh, chắc là được di truyền cộng với uyên nguyên gia
học, nên lại khiến bạn đọc không thể không tin.
2.
Tính cách của Hoàng Dung không chỉ dừng ở thiên tư thông minh dĩnh ngộ. Trong hành vi cá tính của nàng, thực ra còn bao gồm sự ngang bướng kỳ quái, sự kiêu ngạo, tuỳ hứng, muốn gì làm nấy, tự cho mình là trung tâm, vừa có khí tiên linh vừa có khí yêu tà. Hoàng Dung rõ ràng không chỉ thừa hưởng trí thông minh của vợ chồng Hoàng Dược Sư, mà cả tính cách và quan niệm giá trị của Đông Tà, cho nên tính cách tâm lý của nàng cũng khác mọi người. Hoàng Dung lang bạt giang hồ, tình cờ quen biết rồi yêu Quách Tĩnh, là vì nàng giận cha mà bỏ nhà đi. Một thiếu nữ xinh đẹp, cải trang thành một cậu bé ăn xin nhếch nhác, mục đích chính là để phụ thân hồi tâm chuyển ý. Tuy nàng rất yêu cha, nhưng do từ nhỏ được cưng chiều, nên không thể chịu lép chút nào. Gặp lại cha tuy rất vui, nhưng vì cha đối với người yêu của nàng không chút khách khí, nên nàng lại lao đầu xuống hồ để cảnh cáo và yêu sách; sau khi trở về đảo Đào Hoa, nghe tin Quách Tĩnh gặp nguy hiểm suýt mất mạng, nàng đương nhiên không chút do dự, lại giương buồm vượt biển đi tìm Quách Tĩnh. Vị đại tông sư Hoàng Dược Sư đối với cô con gái như thế trước sau cũng chẳng biết làm cách nào, đành khóc dở cười dở mà thôi.
Đông Tà Hoàng Dược Sư còn như thế, thì những người khác dĩ nhiên chịu hết nổi. Hoàng Dung dám một mình xông pha giang hồ , thậm chí cố ý gây sự với Hoàng Hà tứ quỉ và Hầu Thông Hải, vào Hoàn Nhan vương phủ như vào chỗ không người, cố nhiên là vì nàng tự thị võ công không kém, lại thông minh lanh lợi, nhưng nguyên nhân sâu xa hơn còn vì nàng là độc nữ bảo bối của Hoàng Dược Sư; một mặt tâm cao khí ngạo, không coi người khác ra gì; mặt khác, có chỗ dựa, không sợ trong võ lâm có ai dám cả gan động tới con gái rượu của Đông Tà. Tóm lại, nàng không chủ động gây sự với người khác là may lắm rồi, người khác dẫu là chính phái hay tà phái, cao thấp thế nào, cũng chẳng dại gì gây khó dễ với nàng. Ví dụ thứ nhất, là việc Giang Nam lục quái không cho đệ tử Quách Tĩnh quan hệ với Hoàng Dung. Hàn Bảo Câu nhiếc nàng là “tiểu yêu nữ”, Chu Thông gọi nàng là “đại ma đầu’; nàng đốp lại luôn, nhiếc Chu Thông là “gã tú tài xấu xa dơ dáy”, nhiếc Hàn Bảo Câu là “lão mập lùn khó coi”, lại còn hát mấy câu trêu chọc : “Quả dưa lùn, trái cầu da, đá một cước, bắn tung ra; đá hai cước ...” (Xem Anh hùng xạ điêu).
Các vị sư phụ của Quách Tĩnh, chuyện sư đạo tôn nghiêm, nàng chẳng coi ra gì. Ví dụ thứ hai, Khưu Xứ Cơ quá nhiệt tình, muốn làm mối cho Quách Tĩnh lấy Mục Niệm Từ, chẳng để ý xem hai người ấy đã có yêu ai hay chưa. Làm vậy dĩ nhiên là đắc tội lớn với Hoàng Dung, người đang tha thiết yêu Quách Tĩnh. Thế là nàng bèn bảo Quách Tĩnh sẽ tìm một bà vừa già vừa xấu gả cho Khưu Xứ Cơ. “Khưu Xứ Cơ dĩ nhiên sẽ không chịu. Nhưng lão lại chẳng chịu nghĩ xem, huynh bảo huynh không muốn lấy Mục cô nương, sao lão đạo trưởng cứ ép huynh phải lấy nàng ta. Hừ, đợi một ngày nào đó võ công của muội cao hơn lão đạo sĩ mũi trâu ấy, nhất định muội sẽ ép lão phải lấy một bà vừa xấu xí vừa dữ dằn, cho lão nếm mùi bị người ta ép lấy một mụ vợ thế nào”. (Xem Anh hùng xạ điêu). Tuy về sau Hoàng Dung không bức bách Khưu Xứ Cơ phải lấy một bà xấu xí, nhưng mối hiềm khích đối với Khưu Xứ Cơ nàng cứ để mãi trong lòng. Ví dụ thứ ba, là việc dùng vũ lực cưỡng chế đối với “tình địch” Mục Niệm Từ. Tuy Quách Tĩnh đã biểu thị với nàng, rằng chàng dứt khoát không bao giờ lấy Mục Niệm Từ làm vợ, song Hoàng Dung vẫn không khỏi lo lắng, vì thế khi gặp Mục Niệm Từ, nàng bèn điểm huyệt, rồi vung dao nhọn trước mắt nàng ta, buộc nàng ta thề sẽ không bao giờ làm vợ Quách Tĩnh.
Khi Mục Niệm Từ hiểu ra dụng ý của Hoàng Dung, bèn nói mình đã có người yêu rồi, không đời nào lấy Quách Tĩnh cả, Hoàng Dung mới mừng rỡ, xin lỗi đối phương, làm lành. Sau Hoàng Dung còn “giúp” Mục Niệm Từ trong việc đẩy nàng ta vào vòng tay Dương Khang. Gọi là giúp Mục Niệm Từ, thực ra là để dập tắt nguy cơ đối với mình. Nếu Mục Niệm Từ quả thật có ý với Quách Tĩnh, không biết hậu quả sẽ ra sao ? Ví dụ thứ tư, là việc đối phó với chuyện Âu Dương Khắc cầu hôn nàng. Âu Dương Khắc vừa gặp nàng đã si mê, Hoàng Dung thì trước sau không hề xúc động, cảm thấy người này thật đáng ghét. Tại hoang đảo, Âu Dương Khắc định thừa cơ cưỡng bức nàng, tức là y tự đi vào tử lộ ; Hoàng Dung chỉ thi triển một kế nhỏ , đã khiến y suýt nữa bị chết, nếu Âu Dương Phong không đến kịp, chắc y đã bỏ mạng.
Những việc kể trên, hoặc có động cơ mà chưa làm, hoặc tuy đã làm song gây hậu quả tai hại, hoặc do đối phương nhân phẩm thấp kém phải tự chuốc lấy, không hề làm tổn hại đến hình tượng Hoàng Dung, ngược lại chỉ khắc hoạ sinh động thêm tính cách của nhân vật này. Độc giả chỉ thấy thiếu nữ này đáng yêu, đảo để hơn người, tác giả miêu tả hành vi, tâm tính của Hoàng Dung một cách có chừng mực, thành thử đôi điều không đáng yêu của nhân vật này được tác giả và độc giả hợp tác với nhau, vô tình hoặc cố ý che giấu đi.
CUỐI
Đáng chú ý là đọc đến bộ tiểu thuyết Thần điêu hiệp lữ, tính cách của Hoàng Dung lại thay đổi khiến người ta không thích. Trong đó biểu hiện chủ yếu là thái độ nghi ngờ, bài chiết quá đáng của nàng đối với Dương Quá, dẫn đến sự lạnh nhạt và khe khắt. Chúng ta thấy Hoàng Dung hầu như “trí tuệ vô hạn” trong Anh hùng xạ điêu, thì trong Thần điêu hiệp lữ lại xuất hiện giới hạn hạn chế trí tuệ của nàng, nàng buộc phải thú nhận không thể đoán biết tâm tư của Dương Quá, càng không thể tác động tới hành vi của cậu bé. Điều quan trọng hơn, giới hạn của trí tuệ thực ra lại xuất phát từ giới hạn về tính cách. Hoàng Dung cũng đành phải thừa nhận với Quách Tương (con gái nàng): “Ôi, nói về sự chân thành tin và biết người, ta thật thua xa cha con”. (Xem Thần điêu hiệp lữ). Điều lý thú là Hoàng Dung tuy rất giỏi suy xét, nhưng mỗi lần vào thời điểm quan trọng, nàng lại bất giác trở về thái độ ban đầu, nghi ngờ và bài chiết Dương Quá.
Có lẽ đó là do người cha của Dương Quá là Dương Khang để lại ấn tượng quá xấu trong tâm trí nàng, song đúng hơn phải nói là Hoàng Dung còn thiếu tấm lòng độ lượng nhân ái thật sự, nên không hề có chút tình thân thiết yêu quí đối với Dương Quá. Sự thay đổi tính cách của Hoàng Dung có thể khiến một số độc giả quen biết nàng nhất thời chưa lý giải được, khiến một số độc giả yêu nàng hết sức thất vọng, thậm chí phản đối mạnh. Thực ra, biểu hiện về sau của tính cách Hoàng Dung không những phá vỡ qui tắc thông thường vốn cho rằng tính cách của nhân vật chính trong tiểu thuyết võ hiệp sau khi định hình sẽ không thay đổi nữa, mà còn làm cho tính cách đó phong phú đầy đủ hơn, đáng tin hơn. Cùng với năm tháng, địa vị thay đổi, kinh nghiệm sống và sự chín muồi của tâm chí, tính cách của một con người phát triển, thay đổi là lẽ đương nhiên về lý và về thế. Sự thay đổi tính cách của Hoàng Dung khiến tôi bất giác nhớ đến nhân vật chính trong bộ tiểu thuyết Hồng lâu mộng, Giả Bảo Ngọc có nói đại ý: thiếu nữ chưa lấy chồng giống như viên ngọc, thiếu phụ đã có chồng giống như mắt cá, còn ngươi phụ nữ đã làm mẹ thì giống như mắt của con cá chết. Câu này dĩ nhiên không có ý nghĩa phổ biến, chỉ là sự thể nghiệm của Giả Bảo Ngọc, song cũng có cái lý của nó.
Sự thay đổi của Hoàng Dung rất hợp với câu nói trên : thiếu nữ Hoàng Dung trong Anh hùng xạ điêu tuyệt đối đáng yêu, nhưng sau khi lấy chồng và có con, thì thiếu phụ Hoàng Dung trong Thần điêu hiệp lữ không còn đơn thuần đáng yêu nữa. Chẳng nói đâu xa, chỉ riêng thái độ của nàng đốivới Quách Phù cũng chứng minh rõ điều đó. Hoàng Dung quá yêu và nuông chiều con gái, thậm chí không cho Quách Tĩnh được dạy con một cách bình thường và hữu hiệu, đã làm cho cô con gái rượu cuối cùng trở thành một thứ bị thịt thô bạo, ngu ngốc, vô tích sự. Hoàng Dung làm như thế tất nhiên xuất phát từ bản năng người mẹ, mà cái bản năng người mẹ ấy không chỉ hạn chế nghiêm trọng trí tuệ bẩm sinh của nàng, mà còn là sự tương phản sống động với thái độ của nàng đổi với Dương Quá. Cái tính tự tư tự lợi của nàng phát triển cùng với bản năng người mẹ. Trong Thần điêu hiệp lữ, thiếu nữ Hoàng Dung đã trở thành thiếu phụ Hoàng Dung; một Hoàng Dung tự do tự tại, buông thả đã trở thành một Hoàng Dung có thân phận cao quí, đoan trang, lo nghĩ chuyện được mất. Cùng với địa vị xã hội được đề cao, tâm tư, quan niệm và hành vi của nàng cũng thay đổi lúc nào không biết. Ví dụ khi nàng mới yêu Quách Tĩnh, các quan niệm luân lý đạo đức nàng đâu có coi ra gì?
Nhưng khi nàng đã trở thành phu nhân đại hiệp kiêm bang chủ Cái Bang, thì nàng lại can thiệp vào tình yêu của sư đồ Dương Quá và Tiểu Long Nữ. Về chuyện này, Hoàng Dược Sư từng nói trắng ra : “Hoàng Dung sau khi lấy được đức lang quân như ý, thì không còn nghĩ đến nỗi khổ tương tư của người khác. Đứa con gái rượu của lão phu bây giờ thì, hihi, ngoan phải biết, cứ gọi là ‘xuất giá tòng phu, tam tòng tứ đức’ đâu ra đấy !” (Xem Thần điêu hiệp lữ).Tôi hoàn toàn không định bới lông tìm vết đối với hình tượng nhân vật này, chỉ muốn nói rằng sự phát triển hoặc thay đổi tính cách kiểu này là chuyện thường tình ở con người. Một vài khiếm khuyết hoặc hạn chế tinh thần chỉ làm cho hình tượng Hoàng Dung từ trên trời trở về với cõi nhân gian phàm tục, trở nên gần gũi và đáng tin hơn. Tuy nói là sự nghi ngờ và khe khắt của nàng khiến Dương Quá phải đi đường vòng, phải chịu bao nỗi khổ sở, nhưng cuối cùng nàng kiên trì cùng chồng giữ thành Tương Dương, là có ơn lớn đối với dân tộc Hán ở Trung Nguyên, rồi nàng oanh liệt hi sinh, cho nên hình tượng nàng được kính yêu mãi mãi.