Trang trong tổng số 53 trang (523 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [35] [36] [37] [38] [39] [40] [41] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Poet Hansy

TRUYỆN DÀI KỲ
ĐÃ HẾT ĐẤT SỐNG?-[1]


  Lâu lắm rồi, chữ phơi-dơ-tông (feuilleton- Truyện dài kỳ) không còn xuất hiện trên các trang báo Việt Nam. Nếu như các chuyên mục với những thể loại  điều tra, phóng sự, bình luận, viết tin…được dạy, nghiên cứu, đề tài luận văn thạc sĩ, tiến sĩ thì phơi-dơ-tông-truyện dài kỳ (TDK) không được nhắc đến và nhìn nhận như một chuyên mục đã từng tồn tại trên báo chí VN từ xa xưa và khoảng  năm 1987 – sau “Ván Bài Lật Ngửa” trên báo Tuổi Trẻ, chuyên mục này đã biến mất.Báo chí hiện nay không còn chuyên mục TDK nữa.  
                                                                                                    Truyện dài kỳ là một ‘phát minh’ của làng báo Pháp từ thế kỷ 19. Tờ báo ‘Sìèle’ (Thế kỷ) vào năm 1835 đã đăng một truyện dài kỳ về phong tục ở Tây Ban Nha. Thật đáng tiếc, truyện dài kỳ nầy chỉ đăng được 4 kỳ thì ‘ngủm củ tỏi’ vì bạn đọc chê không hấp dẫn. Năm sau, đại văn hào Balzac cũng thất bại khi đăng truyện ‘Vielle fille’ (Cô Gái Già). Nhưng vẫn hơn đồng nghiệp đi trước đến 11 kỳ. Cũng cùng lý do: Độc giả đòi hỏi truyện phải có tính chất giải trí, hấp dẫn. Phải chi, Balzac đặt tên truyện là ‘Cô gái trẻ’ thì có thể ngon lành rồi.  Có lẽ, thể loại nầy còn hơi thở là nhờ công của tờ báo ‘Journal des Debals’ đăng bộ truyện của Eugène Sue ‘ Les Mystères de Paris’ (Những bí mật của Paris-truyện này đã được xuất bản ở VN). Trong thời gian đăng truyện nầy thì số lượng báo tăng lên vùn vụt. Cạnh tranh, tờ ‘Constitutinnel’ cũng mua bộ truyện ‘Le Juif errant’ (tạm dịch Người Do Thái Lang Thang) cũng của tác giả nầy. Báo đang in ra có 3000 đã vọt lên 40.000 số mỗi ngày. Sau nầy Alexandre Dumas, tác giả những bộ tiểu thuyết phơi-ơ-tông điển hình Les Trois Mousquetaires, Le Comte de Monte-Cristo. Được xem là một trong những người viết truyện dài kỳ nổi tiếng nhất của Pháp.

TRUYỆN DÀI KỲ THỜI TRƯỚC 1975.

  Người Việt Nam học cách làm báo từ người Pháp vì vậy những tờ báo VN thời kỳ đầu cũng  đã có chuyên mục truyện dài kỳ để …bán báo. Theo nhà văn Vũ Bằng trong bài ‘Báo chí Bắc Việt 34-54 – Văn học (Sài gòn) :’ Phong hoá được hoan nghênh vì báo nầy đã đưa ra một cái mới là tiểu thuyết dài và tiểu thuyết ngắn có tính chất tư sản ( phù hợp với người dân lúc đó)’. Theo ông Lại Nguyên Ân thì thời kỳ rực rỡ nhất của báo chí tiếng Việt thời kỳ từ năm 1913 – 1914 đến 1945 là báo văn hoá, văn nghệ, văn chương. Nền văn chương hiện đại của tiếng Việt ra đời và tựa một phần trên báo chí. Phong trào thơ mới cũng được phát động, cổ động trên báo chí. Các tác phẩm được công bố trên báo chí trước khi xuất bản thành các tập sách.

Ở một góc nhìn khác, dịch giả Thuý Toàn cho rằng không chỉ có thơ, văn mà cả văn học dịch cũng đã xuất hiện nhờ báo chí. Dịch giả Thuý Toàn dẫn chứng: “Tờ Tiếng dân ra đời năm 1927 ở Huế, thì ngay số đầu tiên đã đăng tải bản dịch Phục sinh của Hoa Trung. Bản dịch Phục Sinh được đăng tải liên tiếp từ số đầu tiên kéo dài tới số thứ 86”.

Trong khoảng thời gian từ 1950 đến 54, trên các báo Liên Hiệp đã xuất hiện cây bút Hoàng Ly với ‘Tiếng Địch Trên Sông’, ‘ Hận Loa Thành’, ‘Kỹ Nữ Sông Kỳ Cùng’ Nguyễn Quỳnh viết một loạt truyện dã sử trên báo Tia Sáng, còn Bạch Diện là tác giả nhiều bộ dã sử kéo dài mấy năm liền trên các báo Liên Hiệp, Giang Sơn…
 Ở Nam Kỳ, làng báo Sài Gòn cũng đã đọc TDK khoảng cuối những năm 1920. Từ năm 1924, Phú Đức đã xuất hiện ‘Câu Chuyện Canh Trường’ trên báo ‘Trung Lập’ và sau đó là ‘Căn Nhà Bí Mật’. Bên báo ‘Công Luận’ thì có Nam Đình. Năm 1929, Hồ Biểu Chánh đã xuất hiện ‘Vì Nghĩa Hay Vì Tình’ hàng tuần trên Phụ Nữ Tân Văn của ông Nguyễn Đức Nhuận. Từ sau năm 1945 trong làng báo Sài Gòn , TDK giữ một vai trò quan trọng trong việc hình thành một tờ báo. Khi xuất bản một tờ báo là, các chủ báo, nhà quản lý phải nghĩ ngay đến các tác giả viết TDK ăn khách. Theo nhà văn Vũ Hạnh ‘…đặc biệt là tiểu thuyết trang trong (nhật báo)  đủ các thể loại’-( Báo chí hôm nay 1954-65-Bách Khoa số 217 ngày 15.1.66) . Cũng trong tạp chí Bách Khoa số nầy nhà văn Võ Phiến nhận định  ‘…chiếm nhiều chỗ nhất là những truyện để giải trí…’.

  Tại sao các nhật báo Sài gòn đều ‘sống chết’ với chuyên mục nầy. Lý do đơn giàn là TDK là một chuyên mục hấp dẫn với những người bỏ tiền ra mua báo. Một tờ báo có thể có đến bốn TDK đủ các thể loại như tâm lý xã hội, truyện trinh thám, truyện ma, võ hiệp kỳ tình, truyện Tàu…để đáp ứng nhu cầu của đủ thể loại độc giả. Một tờ báo nào đó chỉ cần có một TDK  hay, ăn khách, sẽ làm cho tờ báo đó sống vững, sống mạnh khoẻ-chủ báo chắc chắn có xe hơi nhà lầu. Đó là trường hợp của các tờ nhật báo Sài gòn mới của bà Bút Trà với TDK của Bà Tùng Long, Thần Chung với tiểu thuyết Cô Bạch Mai do chính Chủ nhiệm Nam Đình viết, những năm 1951, 1952. Ngay cả những tờ báo có tiếng về ‘lập trường chính trị’ như ‘ Sống’, Chu Tử cũng phải mời bà Tùng Long viết TDK. Hoặc tờ ‘Xây Dựng’ của linh mục Nguyễn Quang Lãm thì phải nuôi Duyên Anh với ‘Điệu Ru Nước Mắt’-một truyện du đãng thời thượng lúc đó được cho là viết dựa theo cuộc đời trùm du đãng Đại Ca Thay.

  Trong ‘Hồi Ký Bà Tùng Long’ có ghi lại bài viết của ký giả Trần Quân của tờ Times Sài gòn ‘…cái gì trong tờ báo đã khiến cho bà (độc giả) quan tâm chiếu cố đến vậy, bà sẽ nói với bạn không một chút ngần ngại là không phải những chuyện tranh đấu không ngừng của Lumumba, hay cuộc tranh chấp không bao giờ chấm dứt của Phoumi và Phouma, và cũng không phải sự ra đời của một hoàng nam kế vị ngai vàng của xứ Iran, mà chỉ là tiểu thuyết ra hằng ngày trên báo của một cây bút nữ được cả nước nghe tên, được cả nước đọc với bút hiệu Bà Tùng Long… ‘

 Người đọc TDK lúc đó là ai? Vẫn theo nhận định của Trần Quân ‘ Độc giả của bà (Tùng long)  thuộc nhiều thành phần khác nhau, phần đông ở giới lao động, ít học, những người nội trợ muốn tìm cái chìa khoá hạnh phúc, những kẻ không có phương tiện để đến trường nghe lời giảng dạy của các thầy giáo, cả những quân nhân ở những vùng xa xôi hay những thuỷ thủ thiếu mái ấm gia đình’. Đồng tình theo nhận định nầy,  tác giả viết TDK chuyên nghiệp Gã Thâm viết ‘Độc giả tiểu thuyết phơi-ơ-tông những năm xưa ở Sài Gòn đa phần là phụ nữ. Ngoài việc mỗi ngày đi chợ, thường là ra khỏi nhà vài bước là có chợ đầu xóm bán đủ thức ăn, ngoài việc nấu ăn, trông con, những phụ nữ ấy có nhiều thì giờ nhàn rỗi, họ đọc tiểu thuyết đăng từng ngày trong các nhật báo. Họ là lớp độc giả chính, trung thành của tiểu thuyết phơi-ơ-tông, và họ rất chịu bỏ tiền mua báo. Báo nào có tiểu thuyết được họ đọc là báo bán chạy”

  Theo tôi, có lẽ hai tác giả nói trên vẫn còn phiến diện khi không nhắc đến những độc giả là đàn ông ở nhiều lứa tuổi và thành phần khi họ thích đọc những truyện trinh thám như ‘Bàn Tay Máu’ của Phi Long (Ngọc Sơn), truyện Võ hiệp kỳ tình ‘Kỹ nữ Gò Ôn Khâu’ (Hoài Điệp Thứ Lang-nhà thơ Đinh Hùng), ‘Lệnh Xé Xác’ (Lã Phi Khanh-Vũ Bình Thư) và kể cả nhiều tầng lớp trí thức mê say truyện chưởng của Kim Dung. Họ đã hàng ngày chờ đợi ‘ Cô Gái Đồ Long’, ‘Anh Hùng Xạ Điêu’, ‘Tiếu Ngạo Giang Hồ’…của ‘Cấm Dùng’ Tiên Sinh (Kim Dung) qua cách chuyển ngữ rất giang hồ hành hiệp của Hàn Giang Nhạn. Nói không quá là  nhật trình lúc đó sống nhờ truyện chưởng. Họ mua báo hàng ngày chỉ vì muốn đọc truyện chưởng dài kỳ của Kim Dung mà thôi. Trong một buổi hội luận dành cho SV báo chí, nhà báo Từ Chung nêu câu hỏi rất giản dị ‘ Tại sao báo VN nào chũng phải đăng truyện kiếm hiệp’  và tự trả lời’ quan trọng hơn cả, không có kiếm hiệp  thì báo bán không chạy. Báo bán không chạy thì báo chết. Nó giản dị vậy thôi.’ Báo có thể rất nghiêm chỉnh, tin tức bình luận đều hay nhưng không thể không có tiểu thuyết ăn khách. ‘Phi kiếm hiệp bất thành báo’
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

TRUYỆN DÀI KỲ
ĐÃ HẾT ĐẤT SỐNG?-[2]


SỐNG BẰNG TRUYỆN DÀI KỲ.

Một tờ báo được độc giả đón nhận nhờ TDK hấp dẫn thì không những đời chủ báo lên hương mà các tác giả viết TDK vẫn có thể ung dung sống thoải mái, thậm chí có người còn đi xe hơi và nuôi cả gia đình như  Bà Tùng Long xác định viết TDK để nuôi con. Và năm 72 bà đã ngừng viết vì các con đã lớn (theo Hồi Ký Bà Tùng Long). Họ-cnếu gọi là nhà văn- thì đây chính là những nhà văn đã sống bằng chính nhận bút chứ không cần lương cố định của một toà soạn nào. Theo tác giả Hoàng Hải Thuỷ tự nhận xét ‘Tôi trở thành thợ viết tiểu thuyết phơi-ơ-tông chuyên nghiệp, tôi sống bằng việc viết truyện phơi-ơ-tông.’ Lúc ấy, trong làng báo Sài gòn đã xuất hiện những người viết TDK chuyên nghiệp.  Họ chỉ viết TDK để sống và chỉ sống bằng việc viết TDK. Viết xong, nếu  ăn khách, sẽ được nhà xuất bản mua để in thành sách, nhiều tác giả TDK tự xuất bản tác phẩm của mình như Ngọc Linh, Duyên Anh. Thí dụ như trường hợp của Dương Hà, sau khi thành công với TDK đầu tay ‘Bên dòng Sông Trẹm’, từ năm 1952 Dương Hà chuyên viết tiểu thuyết cho nhật báo Sàigòn mới đề sống cho đến khi báo nầy bị đóng cửa vào năm 1964.

   Có lẽ thấy viết TDK đăng nhật trình hàng ngày vừa có tiền sống lại vừa phổ biến được tác phẩm nhanh và rộng nên những nhà văn được cho là ‘chính thống’ như Mai Thảo, Nguyễn Đình Toàn, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Thuỵ Long …đều lao vào viết truyện dài kỳ cho các nhật và tuần báo. Nhờ TDK mà cuộc sống của họ dư dã và ổn định. Họ sống được là vì mỗi ngày họ phải cung cấp TDK cho ít nhất là hai tờ nhật báo như bà Tùng Long viết trong hồi ký ‘Anh thử nghĩ xem tôi còn thì giờ đâu để mà viết cho Sống nữa chớ? Tiếng Vang rồi Sàigòn Mới, rồi hai tờ báo tuần Văn Nghệ Tiền Phong, Phụ Nữ Diễn Đàn (làm thư ký toà soạn), Phụ Nữ Ngày Mai với một truyện dài và một truyện ngắn hằng tuần’.Nhà văn Phú Đức, tác giả ‘Châu Về Hợp phố được cho là người viết TDK với kỷ lục viết cho năm tờ báo hàng ngày. Do đó, đích thân ông phải đi giao bài cho từng toà soạn vì sợ cảnh ‘râu ông nọ cắm cằm bà kia’.

Đã từng có nhà văn do đãng trí đưa nhầm truyện viết cho báo B sang  báo A nên hôm đó độc giả không hiểu tại sao anh Hùng đang đưa em Loan đi chơi tửu lầu Đồng Khánh thì lại xảy ra cuộc đánh ghen của hai bà ở tận xứ chó ăn đá gà ăn muối Chắc cà đao và ngược lại. Để tránh tình trạn này, nhà văn Sơn Nam đến từng toà báo, ngồi vào bàn viết yêu cầu nhân viên toà soạn cho đọc truyện xem lại ngày hôm trước đã viết đến đoạn nào để ráp viết tiếp cho chắc ăn. Vì có lần sau khi truyện đã đăng báo thì ông chủ bút cho biết là nhân vật X. lần trước đã bị ông khai tử rồi sao bây giớ còn xuất hiện. Thế là ông tìm cách cho nhân vật ‘hồi dương’ một cách hợp lý. Ngay cả Kim Dung cũng lâm vào tình trạng cho nhân vật võ hiệp bị chết vì đao kiếm đoạn trước sau đó xuất hiện và đánh tiếp ngon ơ!

   Bạn đọc sẽ không thắc mắc tại sao có sự nhầm lẫn nầy nếu như bạn đã biết các cây bút TDK thường viết đủ số chữ cho phần ‘đất’ trên trang báo chứ ít khi họ viết thành một quyển tiểu thuyết trước rồi lấy ra đăng lại như bây giờ. Chính vì lý do nầy mà nhà văn không được chểnh mảng vì bị ‘thúc vào đít’ hàng ngày bởi trang báo đang để trắng, các ấn công, thầy ‘Cò’ đang chờ bài. Theo họ khi bị ‘rượt đuổi ‘ vào giờ chót như vậy thì họ mới có ‘yên sĩ phi lý thuần’ (aspiration)  mà viết thật hay. Và nhờ viết hàng ngày mà họ có thể đo lường sự quan tâm của bạn đọc về câu chuyện để có ý và hứng thú viết tiếp cho ngày hôm sau. Ông Nam Đình, đang làm chủ báo nhưng lại là cây bút viết TDK, hàng ngày, thường la cà ở các sạp báo để hỏi người bán hoặc độc giả về câu chuyện và các nhân vật của ông xuất hiện trên báo ngày hôm nay. Có độc giả tức tối vì nhân vật nữ bị ám sát thì hôm sau ông liền cho nhân vật nữ sống lại một cách rất thuyết phục –cũng như trong phim, nhân vật chính chết thì lấy gì mà xem!

 Giao bài đủ số trang, số chữ là sự thuận lợi chỉ dành riêng cho người viết chứ các chủ báo, chủ bút thì lên ruột từng đoạn. Khi gần hết hạn đưa bài xuống nhà in, ấn công hối thúc thì chủ bút chỉ lạy trời cho ông ‘Phơi’ xuất hiện. Và khi có bản thảo viết tay chi chít những con chữ thế là một guồng máy bắt đầu  náo loạn từ thợ sắp chữ, sửa lỗi đến thợ bản vổ. Thỉnh thoảng khi không nhận được bài thì chỗ trống đó sẽ được trám vào bằng bài thơ thẩn, sưu tầm nào đó với giòng chữ cáo lỗi bạn đọc ‘Vì tác giả bệnh bất  ngờ nên truyện phải tạm ngưng hôm nay. Mong bạn đọc thông cảm và chờ đọc vào số báo ngày mai’. Đến chế độ Nguyễn Văn Thiệu, các bài viết trái ý kiểm duyệt sẽ bị đục bỏ, nên tranh thủ và cũng để châm biếm sự kiểm duyệt báo chí các toà soạn thường dùng bốn chữ ‘Tự Ý Đục Bỏ’ làm cho bạn đọc tưởng truyện đang có ‘vấn đề’ hay thiên cộng.

Còn nếu như nhà văn bị bệnh dài ngày thì những người trong toà soạn sẽ cùng nhau viết tiếp truyện đang dang dở. Các nhân vật ra sao thì ra để tác giả hết bệnh tự xử trí. Đây là trường hợp của truyện dài “Một Triệu Đồng” của nhà báo Như Phong đăng trên nhật báo Tự Do, khi Như Phong bị lao phổi, do truyện đang ăn khách, toà soạn quyết định tiếp tục. Trong hồi ký ‘Tôi Làm Báo’ nhà văn nhà giáo Tạ Quang Khôi kể lại: " Ông Nguyễn Hoạt yêu cầu mỗi người viết một đoạn để chờ ông Như Phong đi làm lại”. Và truyện dài của nhà báo Như Phong đã được nhà thơ Đinh Hùng, nhà báo Nguyễn Hoạt và sau đó là Tạ Quang Khôi viết thay cho tới khi nhà báo Như Phong trở lại toà báo.

  Vì phải viết cho nhiều tờ báo trong một ngày nên một số ít nhà văn viết TDK đã nhờ người viết thuê ẩn danh để họ ký tên. (Bây giờ gọi là Ghost writer). Việc nầy ít khi được tiết lộ công khai vì thoả thuận ngầm giữa hai bên nhưng không phải là không có. Theo nhà văn Vũ Bằng, Lê Văn Trương và chính ông cũng nhờ người viết thuê rồi đứng tên là tác giả: ‘Có nhiều truyện của Lê Văn Trương viết mà không phải chữ của Trương. Tôi bảo anh chính là ‘mọi’ viết chớ không phải là anh viết thì lập tức anh thề liền ‘tôi mà nói dối chết một đời cha ba đời con’.  Những nhà văn , nhà báo Âu Mỹ nuôi ‘mọi’ để viết rồi ký tên mình vào đó là chuyện thường thấy ,có gì lạ đâu. Tôi đã từng có lúc viết không kịp cũng phải nhờ ‘mọi’ giúp. Đó là thời kỳ 1940-42 tôi đưa ra loạt bài nói về các thứ ma quỷ, siêu hình học ( một ông giáo bây giờ đã qua đời giúp việc cho tôi hàng tháng) lúc tôi viết về loại báo Tabloid của Mỹ đăng trên ‘Trung bắc chủ nhật’. Và lúc tôi nhận viết mỗi tuần một ‘Truyện có thực’ và mỗi tháng một truyện dài hoặc để đăng ‘Phổ thông bán nguyệt san’ hoặc đăng báo ‘Truyền Bá’ (Văn Học- số 74 –sài gòn 1967)

NHỮNG CÂY BÚT TRUYỆN DÀI KỲ CỦA LÀNG BÁO SÀI GÒN.

    Tôi chưa có đủ tài liệu để xác định xem người viết TDK đầu tiên trong làng báo Sài gòn là ai  nhưng, tạm thời, theo dòng thời gian thì một trong những tác giả viết TDK xưa của Sài Gòn là Hồ Biểu Chánh, tác giả những bộ truyện nổi tiếng Tỉnh Mộng, Cay Đắng Mùi Đời, viết năm 1923, Ngọn Cỏ Gió Đùa, viết năm 1926.Tác giả thứ hai là Phú Đức với những bộ truyện đúng kiểu tiểu thuyết phơi-ơ-tông như Châu Về Hiệp Phố, viết năm 1926, Căn Nhà Bí Mật, viết năm 1929, Tình trường huyết lệ, viết năm 1930..vv.

 Riêng nhà văn Phú Đức được cho là người chiếm kỷ lục viết TDK cho năm tờ báo một ngày. Xuất thân từ nghề ‘gỏ đầu trẻ’, đang yêu đương phơi phới, chàng trai tỉnh Gia Định bèn dàn trải mối tình thơ mộng của mình bằng TDK đầu tiên mang tên ‘Câu Chuyện Canh Trường’ trên báo ‘Trung Lập’của ông De Lachevrotière do ông Trương Duy Toản làm chủ bút vào năm 1924. Ai mà dè, từ TDK đầu tiên đó, Phú Đức được ông Trương Duy Toản tiếp tục viết TDK ‘Căn Nhà Bí Mật’, ‘Châu Về Hiệp Phố’.  Cả hai bộ TDK nầy đã mang lại cho báo Trung Lập số độc giả kỷ lục trong làng báo thời ấy. Sau đó, ông được nhà báo Nam Đình mời về báo Công Luận làm chủ bút. Ở tờ báo nầy , mang danh là chủ bút, ăn lương ngang với Đốc Phủ Sứ nhưng chỉ có việc duy nhất là viết TDK ‘ Tiểu Anh Hùng Võ Kiết’ rồi ngồi lên xe hơi xì-gà mà rong chơi với các người đẹp ái mộ khắp Sài Gòn.

  Sau thời kỳ ‘nhung lụa’ ngót nghét cũng gần 20 năm, Phú Đức phải còng lưng viết TDK cho 5 tờ báo mỗi ngày. Ông làm việc như công chức, đúng giờ, đúng khắc. Mỗi buổi sáng, ông đến nhà một bạn làng văn, đóng đô ở đó viết cho đến xế trưa là đã xong số lượng trang viết cho các tờ báo đang chờ bản thảo của cây bút được quảng cáo là ‘…Đứa con tinh thần mà tác giả đắc ý nhất, sau bao nhiêu năm dầy công thai nghén một cốt truyện ly kỳ, rung rợn, quyết làm cho độc giả càng đọc càng mê say, cảm động…’. Nhưng thật ra những đưa con tinh thần nầy chính là những TDK đã đăng trên Trung lập và Công Luận rồi được ông xào nấu lại từng kỳ cho các tờ báo đang đói TDK. Hậu quả là vào năm 1952, một tuần báo đã viết bài với cái tít giật gân là Phú Đức: Tiểu Thuyết Gia Bổn Cũ Soạn Lại’. Một nhà văn thiếu nhi cũng là một nhà báo kênh kiệu đã nhận xét ‘Trong lịch sử làm báo  duy nhất một nhà văn Phú Đức quyến rũ độc giả ròng rã mấy năm bằng Quách si ma , nhân vật kỳ bí của triền miên phơi ơ tông Châu về Hiệp phố. Nhật báo của ông là … Châu về hiệp phố. Độc giả tranh nhau mua báo của ông chỉ để theo bước chân đi của Quách si ma ! Sức quyến rũ của ngòi bút Phú Đức thật đáng nể.

Thời đó, chỉ có một người viết TDK đứng sau Phú Đức là Nam Đình. Dù là chủ tờ báo Thần Chung (1950) cũng thuộc loại có ‘số má’ nhưng ông đích thân viết TDK hàng ngày. Nếu Phú Đức được làng báo lúc ấy phong là người viết TDK ‘Bổn cũ soạn lại’ thì Nam Đình được tặng danh hiệu là ‘đại hải trường giang’. Từ TDK ‘Bà Lớn’ qua ‘Cháu Bà Lớn’ rồi ‘Cô Bạch Mai’ tới ‘Cô Bạch Mai’ tới ‘Cháu Ngọc’ Nam Đình đã cứu tờ Thần Chung đang từ chỗ sắp đình bản vươn lên thứ hạng nhất nhì lúc đó. Trước đó thì có ‘Kòn Trô’(1941), ‘Sương Giò Biên thuỳ’(1948) của nhà văn Lý Văn Sâm.

 Nếu bên Thần Chung có “Cô Bạch Mai” thì năm 1952 bên Sài Gòn mới của bà Bút Trà xuất hiện “Bên Dòng Sông Trẹm” của cây bút mới toanh Dương Hà. Do nổi tiếng nên truyện được xuất bản thành sách ngay sau khi đăng hết trên báo. Không thua kém, bên báo Tiếng Chuông xuất hiện Ngọc Sơn với những TDK ‘ Ngày Về’,  ‘Hồng và Cúc’, ‘Sau Dẫy Nhà Lầu’. Sau 1954 Ngọc Sơn chuyển qua viết TDK trinh thám kỳ tình ‘Bàn Tay Máu’ (có tranh minh hoạ kèm theo)  với bút hiệu Phi Long trên báo Sài Gòn Mới.

  Nói đến TDK tâm lý xã hội ăn khách nhất lúc đó không thể kể đến hai cây bút nổi tiếng của những năm 1950 là bà Tùng Long, bà Lan Phương. TDK của các nữ sĩ nầy đều có nhân vật chính là phụ nữ , thường gặp hoàn cảnh éo le nhưng đều vượt qua nghịch cảnh và kết truyện đều có hậu. Tất cả TDK của hai bà đều đề cao tình nghĩa gia đình, đề cao người phụ nữ nên đa số độc giả là nữ đều mê mẩn. Sau năm 1965 nhật báo Sài Gòn có mấy cây viết phơi-ơ-tông nữ nổi tiếng: Tuý Hồng, Lệ Hằng, Nhã Ca, Nguyễn Thị Hoàng. Tôi đọc được trong một cuộc phòng vấn trên báo bà Nguyễn Thị Hoàng cho biết trên bàn viết lúc nào củng có hai …máy đánh chữ dành để viết hai truyện khác nhau cùng lúc. Khi viết bị bí truyện nầy thì nhảy sang viết truyện kia.

  Không thua bà Tùng Long, Lan Phương các cây bút nam giới cũng có Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc với những truyện dài về sông nước và con nguời nam bộ. Bình Nguyên Lộc đăng đoạn đầu truyện dài kỳ’ Phù sa’,  đăng trên báo Thanh Niên năm 1943, với tên Di dân lập ấp. Ông đã mê hoặc được độc giả nhờ truyện nầy. Sau đó, ông viết lại được độ 1/6 tác phẩm, cho in trên tuần báo Nhân Loại. Theo lời Bình Nguyên Lộc, Phù sa là “tác phẩm quan trọng nhất” của ông, làm sống lại cuộc “tiến vào Nam” của đồng bào Nam-Ngãi để dựng nên miền Lục Tỉnh’. Ngọc Linh với ‘Như Hạt Mưa Sa’, Lê Xuyên với ‘Chú Tư Cầu ‘ (Sài Gòn Mai năm 1961), Dân Việt với TDK của Chu Tử: Sống, Yêu, Tình, Loạn xuất hiện năm 1961, 1962.An Khê với ‘ Hai Chuyến Xe Hoa.Lã Phi Khanh, với TDK Lệnh Xé Xác trên báo Tin Sáng. Văn Quang với ‘Đời Chưa Trang điểm’, Nguyễn Đình Toàn với ‘Áo Mơ Phai’,Trọng Nguyên. Dương Trữ La, Lê Minh Hoàng Thái Sơn…đa dạng sắc màu thể loại TDK trên các nhật báo. Ngay cả nhà thơ như Bùi Giáng cũng viết TDK. Khi tìm tài liệu viết bài nầy, tôi bất ngờ nhất là nhà thơ Bùi Giáng cũng viết TDK...võ hiệp. Theo hồi ký của tác giả Kiều Giang thì ‘Bùi Giáng cũng có thời kỳ viết bộ truyện phơi-ơ-tông đăng trên nhật báo sống năm 1970. Anh thường cho hai nhân vật nam nữ khơi khơi dùng thật nhiều hai chữ ‘liên tồn, tồn liên trong truyện, đại khái:

“Nàng có sắc đẹp tồn liên..
“Nàng nở nụ cười liên tồn…’
‘ Đa tạ đại hiệp đã có dạ tồn liên…’
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

TRUYỆN DÀI KỲ
ĐÃ HẾT ĐẤT SỐNG?-[3]


Được biết nhà thơ và vì là nhà thơ nên Bùi tiên sinh đã thất bại trong việc viết TDK. Do ‘liên’ (tưởng ) hoài nên TDK của ông không ‘tồn’ (tại) được. Không dễ dàng gì để trở thành một người viết TDK ăn khách nếu không biết kỹ thuật ‘câu rê’ sao cho hấp dẫn mà thời đại ta gọi là câu ‘Viu’ (View). Một bí quyết gọi là ‘nhà nghề’ của Phú Đức là ông viết đến chỗ gay cấn thì cắt ngang, bắt độc giả chờ ngày mai đọc tiếp. Nam Đình thì ra sạp báo, lén nghe ý kiến người đọc để sửa chữa và bổ khuyết cho nhân vật.  Viết dài hay ngắn đoạn nào đó là tuỳ theo sự thích thú của bạn đọc.

Câu rê thuộc loại cao thủ là Lê Xuyên.  Trong TDK ‘Chú Tư Cầu’, tác giả nầy cho nhân vật nam từ lúc tay run run chuẩn bị mở nút ‘bóp’ (một loại nút áo bà ba miền nam) cho đến lúc mở được đã kéo dài 15 kỳ nhở vào kỹ thuật viết đối thoại  bằng những từ bình dân nam bộ, linh động và hấp dẫn. Theo kết luận của một nhà văn lão thành thì  ‘…Tuy đăng từng ngày, mỗi ngày một tiểu đoạn, nhưng cách viết và lối dựng truyện phải là những bí quyết sắc bén giam nhốt không rời thần trí và ham thích người đọc, đã bước chân qua cửa truyện, là không thể trở lui, phải từng số từng ngày đợi chờ đọc tiếp.

Mở đầu đã đầy đặc những tình tiết bốc cháy từ những dòng mê đắm thứ nhất. Chuyển đoạn vừa đố vừa giảng. Chuyện đang vòm trời hiện tại thoắt đã chân trời tương lai. Bằng những diễn biến bây giờ, bằng hồi tưởng, đột ngột kéo ngược hết về thì quá khứ. Bất ngờ cắt đứt một sáo trộn đóng khung trong một cảnh trí này, ném bỗng sáo trộn ấy vào một cảnh trí hoàn toàn khác biệt. Đang thuật đang tả chuyển thành viết thư, nghiêng sang nhật ký. Và thuật tả cũng luôn luôn phải đối thoại len vào. Trăm nghìn xảo thuật hâm nóng cảm giác, làm ngỡ ngàng mọi tưởng trước, sai lạc mọi phán đoản ấy, đã được chuyên chở bộn bề vào tiểu thuyết đăng báo chúng ta hiện nay, bằng con đường điện ảnh, bằng vay mượn và phối hợp cách thức viết với cách thức thực hiện phim ảnh. Nói chung, đó là kỹ thuật của loại phim truyện trinh thám, nghẹt thở, giật gân, bao giờ cũng tạo được tác dụng làm căng thẳng giác quan ta.’

 Đó là về mặt kỹ thuật. theo tôi, một yếu tố quan trọng để một TDK thành công là tính chất giáo dục, nhân văn. Tất nhiên, khi viết nhà văn TDK luôn đặt yếu tố hấp dẫn, giải trí lên hàng đầu nhưng nội dung truyện vẫn là cái thiện thắng cái ác, ở hiền gặp lành, đầy đủ ‘nhân, lễ , nghĩa, trí, tín’. Họ thích nhân vật chính là thiếu nữ xinh đẹp, hiền hậu, con nhà nghèo – nghèo mà vẫn giữ được trong sạch – bị rơi vào những cảnh ngộ oan trái nhưng sau cùng vượt thắng được nghịch cảnh, gặp tình yêu. Hoặc nhân vật chính là một thiếu nữ con nhà giàu sang yêu một chàng trai nghèo nhưng lương thiện. Sau cùng tình yêu phải thắng, đôi tình nhân sau trăm cay, nghìn đắng, sẽ thành vợ, thành chồng, sống hạnh phúc bên nhau mãi mãi.  Nếu truyện có tướng cướp thì tướng cướp sẽ hoàn lương, nếu có kẻ giết người thì kẻ đó sẽ chết, đi tù hoặc đi tu để trả giá cho hành động của mình. Đọc TDK, người đọc sẽ luôn thấy được sự hướng thiện của tác phẩm, những bài học đạo đức đến từ những niểm hạnh phúc, nỗi đau, cách xử thế của từng nhân vật. Tóm lại khi chữ Hết được đặt dưới TDK, người đọc đã tìm ra Chân, Thiện, Mỹ. Bà Tùng Long đã kể trong hồi ký ‘ Có lần tôi đang viết một câu chuyện dài, có chiều hướng không cho hai nhân vật yêu nhau đi đến hôn nhân, thì một buổi sáng vừa để cái cặp lên bàn, toan ngồi lại làm việc thì bà Bút Trà– chị dâu của tôi mà cũng là chủ nhiệm của báo Sàigòn Mới lúc bấy giờ – cho người mời tôi vào và nói:
- Thím không định cho Yến và Thanh kết hôn sao?
Thấy tôi cười mà không trả lời thì chị tôi nói:
- Thím nên cho tụi nó kết hôn với nhau, như thế mới hợp tình hợp lý và mới đúng với cái tên tiểu thuyết mà thím đặt Gương Vỡ Lại Lành.’

LÀ NHÀ VĂN HAY NHÀ BÁO?

  Dù những TDK trên các nhật báo đã làm say sưa bạn đọc nhưng người viết vẫn không được xem là nhà văn, thậm chí còn có khuynh hướng xem đây là ‘tiểu thuyết ba xu’. Khuynh hướng nầy đã có từ những nhà văn Pháp vào cuối thập niên thế kỷ 19. Nhà văn Pháp Eugène Sue với những tác phẩm nổi tiếng lúc ấy vẫn chỉ được xem là Feuilletonniste chứ không gọi là nhà văn.  Còn ở Sài gòn thời ấy, theo Trần Quân (Hồi Ký Bà Tùng Long) ‘…Mặc dù không có một quyển sách nào của bà được các nhà phê bình đem ra phê bình như một tác phẩm văn học của những nhà văn được coi là trí thức lúc bấy giờ, chính bà Tùng Long cũng tự nhận mình không phải là một nhà văn…’

  Có lẽ nhà văn Võ Phiến là người không xem trọng TDK như N.H.Qviết :  ‘ Trước 1975, dù biết phơi-dơ-tông rất được ưa chuộng, dù hiểu nguyên nhân của sự ưa chuộng ấy nằm ở phần đàm thoại, song tự thâm tâm, tôi đoán, Võ Phiến có chút khinh rẻ loại văn chương nhật trình mà ông, cũng như nhiều người khác nữa, không coi là văn chương thực sự.’

  Trong một bài viết của mình, nhà văn Võ Phiến đã cho rằng các nhà văn viết TDK đã đi vào xu hướng bình dân:

‘…Mặt khác, viết tân văn tiểu thuyết đăng nhật báo, một việc như vậy không phải chỉ ảnh hưởng đến túi tiền của nhà văn mà thôi, nó còn ảnh hưởng đến bút pháp, văn phong, rồi có thể dần dần đến quan niệm sáng tạo của nhà văn nữa không chừng. Mai Thảo có lần nhận rằng: “Hiện tượng của truyện dài viết từng đoạn, đăng từng kỳ nơi trang trong các nhật báo (...), đẩy hầu hết những cây bút sáng tác chuyên nghiệp hiện nay tới kiếm tìm một văn thể mới, áp dụng một bút pháp mới.” Quả thật phải có văn thể bút pháp khác: truyện nhật trình không thể là thứ truyện cô đọng, văn nhật trình không thể là thứ văn chương cầu kỳ, bí hiểm. Đã chấp nhận viết nhật trình, chấp nhận “xuống đường”, thì phải hoà mình vào quần chúng. Mà một khi hoà mình đôi ba năm liền vào quần chúng, các vị cao sĩ kiểu cách làm sao còn giữ nguyên được kiểu cách xưa! Cho nên xuề xoà như Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam... thì thêm một tí xuề xoà nữa sau thời kỳ trăm hoa đua nở của nhật trình; còn các nữ sĩ thoạt tiên ngại ngùng e lệ như Thuỵ Vũ, Tuý Hồng, Nhã Ca v.v..., viết nhật trình riết một lúc rồi ai nấy lưu loát mạnh dạn, ai nấy ào ào như gió táp mưa sa, nữ cũng bạo mồm bạo miệng không kém nam; đến như Mai Thảo, như Thanh Tâm Tuyền v.v..., thuở suy tư trên Sáng Tạo và lúc dạn dày trên các trang nhật trình phong cách thật khác xa!’

 Ngay cả nữ nhà văn Nguyễn Thị Thuỵ Vũ –một cây bút TDK cũng chua chát nhìn nhận trên Nguyệt san Minh Đức xuân 74 như sau: “Chị Tuý Hồng vốn là bạn thân nhất của tôi thì gặp nhiều thăng trầm rõ rệt trong nghiệp viết văn. Từ Huế vào Saigon, chị được giới độc giả trí thức hoan nghinh nồng nhiệt. Cuộc giao dư giữa chị và các nhà văn thuộc nhóm Sáng Tạo đã đưa đến cuộc hôn nhân giữa nhà văn Thanh Nam và chị. Hạnh phúc lứa đôi làm chị ngưng sáng tác một thời gian dài. Sau khi viết cho tạp chí Vấn Đề loạt truyện dài nhan đề “Những Sợi Sắc Không”, chị được tờ nhật báo Tia Sáng mời viết tiểu thuyết đăng theo thể thức feuilleton. Kể từ đó, chị nắm lấy cơ hội để viết báo. Vì viết nhiều feuilleton, nên chị phải nghỉ dạy học. Kế đó, đứa con gái thứ hai của chị bị chứng sung màng óc và chết tại Bịnh Viện Nhi Đồng, chị liền ngưng viết feuilleton suốt một năm ròng. Đến khi bắt tay vài việc trở lại, chị như mất hết đà mất hết trớn, mất luôn cả hứng thú. Và rồi, chị bỗng nhiên nhận thấy nghề viết feuilleton không phải là nghề bảo đảm lâu bền cho việc sinh nhai nên chị xin đi dạy trở lại.

Kể ra lối viết feuilleton của chị Tuý Hồng đối với độc giả miền Nam, nhất là lớp độc giả miệt Hậu Giang Lục Tỉnh thì hơi cao. Đa số độc giả không theo đuổi kịp tư tưởng của chị và cũng không thể thấm nhập được lối chơi chữ trác tuyệt của chị. Bởi lẽ đó, khi viết feuilleton cho các nhật báo, chị đã bỏ rơi độc giả mỗi ngày ở đằng sau khá xa và họ hào hến bắt hụt liên tiếp những tình ý của chị. Nhưng viết trên các tuần san lẫn nguyệt san, Tuý Hồng đủ thời giờ để cho tình ý của mình thấm vào đầu óc độc giả hoà tan vào cảm xúc của họ nên chị được họ ái một nồng nhiệt. Hiện nay Tuý Hồng vẫn tiếp tục thai nghén và sinh nở. Ngoài ra, chị cũng làm bếp, săn sóc nhà cửa nên cũng không rỗi rảnh để đi lại với bạn bè đồng nghiệp. Tôi thường đến than với chị là càng viết feuilleton, càng đau đầu nhức óc. Chị liền bày cho một diệu kế là khi nào mõi mệt tinh thần, khi nào lao tâm hồn trí thì nên dở quyển kinh hoặc mở tập nhạc ra, ngắt từng đoạn rồi cho vào tác phẩm. Bởi lẻ đó mà nhân vật trong một vài tác phẩm của tôi đều theo đạo Phật và cũng biết ca hát rất là thời trang. Mỗi khi họ có tâm sự là họ niệm Phật đọc kinh. Mỗi khi họ cao hứng là hát véo von bất kể Trời đất. Chị Tuý Hồng là mẫu người Huế không mất gốc. Chị không bao giờ dám vào quán để dùng điểm tâm hay để giải khát. Luôn luôn, chị giữ thái độ trang nghiêm, e ấp dù tác phẩm của chị sôi bỏng, táo bạo.

Nhưng việc viết lách của những nhà văn nữ trang lứa với tôi thì quả thật ồn ào dù không cố tình khoa trương đi nữa. Viết feuilleton cho các nhật báo chỉ là  một công việc cẩu thả của kẻ liều mạng hơn là cuộc xuất thần trong nghệ thuật phóng bút. Đã lỡ theo đuổi vào nghề viết feuilleton rồi, nhà văn không còn thời giờ để đọc sách, không còn thời giờ để suy nghĩ nữa. Chất liệu sống cùng kiến thức càng lúc càng khô kiệt, hao hớt vì sự vung vãi quá trớn của nhà văn. Nguy hiểm ở chỗ khô g có thời giờ để suy nghiệm lại những chặng đường sáng tác của mình và làm những dự định trong tương lai cho đường lối sáng tác của mình. Người đàn bà làm văn nghệ mà chưa thoát khỏi những nhu cầu thúc bách của sinh kế, đã thấy rõ ngày xế bóng của tài năng mình quá gần kề. Công việc viết lách đối với họ giống như cây tre trổ hết bông trong một kỳ để mà chết. Không có gì chua xót cho bằng người đàn bà cầm bút đang độ chán ngán, muốn gát bút để nghỉ xã hơi trong một thời gian, nhưng không tìm đâu cơ hội quý báu ấy. Và rồi họ phải viết như mang ách để kéo cày”

 Dù TDK có được xem là văn học hay không nhưng vào thập niên 1960, nhiều nhà văn Miền Nam, có số lượng sách khá đồ sộ nhờ viết TDK cho các nhật báo. Bà Tùng Long cho biết là ‘tôi đã xuất bản độ 70 bộ truyện dài và truyện vừa. Truyện đã đăng báo nhưng chưa in thành sách vẫn còn khoảng chục bộ. Truyện nhi đồng viết vì yêu cầu của nhà xuất bản Nhi đồng khoảng vài chục truyện. Còn truyện ngắn cũng vài trăm cái.’

 Các tờ báo nhờ TDK mà sống thì chính TDK cũng làm các tác giả trở nên nổi tiếng, gần gũi với công chúng. Ngay ở Mỹ, từng phần của truyện Love story  ban đầu được đăng trên tạp chí The Ladies’ Home Journey[ đã trở thành tác phẩm bán chạy nhất trong năm 1970 tại Mỹ và được dịch ra hơn 20 thứ tiếng. Giống như Kim Dung với những bộ truyện võ hiệp, nếu hàng ngày không viết từng trang cho Minh Báo thì ông sẽ không thể có Trương Vô Kỵ, Vi Tiểu Bảo, Lệnh Hồ Xung. Nhà văn Sài Gòn cũng vậy. Mỗi tác giả đều có một gia tài tác phẩm đáng thèm muốn như nhà văn Võ Phiến nhận định ‘Nhận viết truyện cho báo hàng ngày tức là ép mình vào một thế kẹt: đã “dính” vào là bị lôi đi tuồn tuột, không thể dừng được. Thành thử trong thời kỳ này sức sáng tác của tiểu thuyết gia bỗng tăng vọt lên. Cùng lượt viết cho năm ba tờ báo một lúc, viết liền trong đôi ba năm, mỗi tác giả đã có vài chục tác phẩm xuất bản. ‘ Công bằng mà nói, những TDK sau nầy được in thành sách do sự hấp dẫn của nó, không phải không có những quyển tiểu thuyết có giá trị. “Đò Dọc” của Bình Nguyên Lộc, “Áo Mơ Phai” của Nguyễn Đình Toàn là TDK nhưng vẫn đoạt giải văn học danh giá của miền nam trước kia đấy thôi. Đóng góp vào sự ‘giàu có’ của văn học miền nam (tập trung là ở Sài gòn), bên cạnh những tác phẩm văn học in thành sách hoặc trong các báo, tạp chí của các nhà văn nổi tiếng lúc đó như Vũ Hạnh với ‘Bút Máu’, ‘Lửa Rừng’, ‘Ngôi Trường Đi Xuống’, nhà văn Lý Văn Sâm, nhà văn Trang Thế Hy, nhà văn Sơn Nam, nhà văn Lê Vĩnh Hoà (em ruột nhà văn Võ Phiến), nhà văn Vũ Bằng, nhà văn Nguyên Hùng, nhà văn Ngọc Linh, Cô Hợp Phố … thì các tác giả viết TDK cũng có mặt một số tác phẩm. Những tác giả, những quyển tiểu thuyết còn ‘sống’ đến hôm nay, được độc giả và các nhà phê bình văn học nhắc đến chứng tỏ nó đã vượt qua cái ngưỡng oan nghiệt của cụm từ ‘phơi-dơ-tông’. Ở Sài gòn thì không thiếu những tác giả và tác phẩm vẫn còn được nhắc và nghiên cứu đến tận ngày nay. Thời gian và văn học sử sẽ đem lại sự công bằng cho họ, cho một chuyên mục báo chí đã từng một thời gây mưa gió trong nền báo chí Việt Nam. LÊ VĂN NGHĨA
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

MỐI TÌNH XUÂN DIỆU [1916-1985]
VÀ BẠCH DIỆP [1929-2013]-[1]


[qua di cảo thơ]
Nữ đạo diễn Bạch Diệp vừa qua đời ngày 17-6-2013 sau một thời gian dài trị liệu bệnh ung thư, bà hưởng thọ 85 tuổi, là một nữđạo diễn thế hệ đầu tiên Việt Nam với phim đầu tiên Trần Quốc Toản ra quân và hai phim truyện Ngày lễ thánh và Huyền  thoại mẹ do diễn viên danh tiếng Trà Giang đóng vai chính đều được giải thưởng Bông Sen Bạc.

Vợ chồng nhà thơ Xuân Diệu - Ảnh: internet
Bà còn là dạo diễn nhiều phim nổi tiếng  khác như Người về đồng cói, Câu chuyện làng dừa, Người chưa biết nói, Ai giận ai thương.. bà có tên trong Bách Khoa Toàn Thư Điện Ảnh Liên Xô và  năm 2008 kỷ niệm 55 ngày Điện Ảnh Việt Nam bà là một trong 11 nghệ sĩ điện ảnh đương đại được tôn vinh.

Nhưng bà được mọi người biết đến hơn nữa vì bà là người thơ, là vợ của « Hoàng Tử Thi Ca Việt Nam » mối tình duy nhất có cưới hỏi nhưng chỉ được sáu tháng, hai người chia tay, để lại cho Xuân Diệu những bài thơ, bi thương, cay đắng, đau khổ vô cùng.

Những năm gần đây bà có tiết lộ trên báo chí những nguyên nhân đổ vỡ của mối tình ấy và sau đó có những bài báo xúc phạm nặng nề đến danh dự nhà thơ Xuân Diệu và cả nhà thơ Huy Cận. Là người được nhà thơ Xuân Diệu ký thác di cảo tâm sự, tôi chờ đợi đến ngày bà Bạch Diệp qua đời 33 năm sau ngày Xuân Diệu qua đời, để mở lại những trang thơ di cảo Xuân Diệu. Xuân Diệu nói gì về mối tình mình, những trang thơ di cảo của ông là một lời biện minh sáng tỏ. Điều gì màông cho rằng như :  chiếc dao cắm giữa lòng, ai cắm chiếc dao giữa lòng ông ?. Điều gì màông cho rằng : người màông yêu thương nhất lại là kẻ tàn sát nhất, không nới tay như cầm gươm sắt, chẳng mũi lòng khi nghe tiếng khóc của ta ? Những bài thơ nào đã phản bác lại lời kể bà Bạch Diệp ?

Ai là người sinh ra trên cõi đời, được toàn vẹn, đạo hạnh, không tội lỗi hãy ném viên đá đầu tiên ?   Nhà thơ để lại cho đời những áng thơ tuyệt tác, chúng ta yêu thơ, chúng ta bàn về tác phẩm bằng trí não, bằng thi hứng, bằng sáng tạo nhà thơđã để lại cho đời . Chúng ta biết ơn nhà thơđã để lại cho đời những bài thơ tuyệt tác. Xuân Diệu là một nhà thơ lớn, sáng tác riêng về thơ tình 600 bài  ông bao trùm mọi góc cạnh của tình yêu, tuỳ theo sở thích mỗi người : người đang nhớ nhung cóthể thấy lòng mình những bài thơ tuyệt tác về tương tư, người đang xa cách có thể thấy hàng chục bài thơ nói về xa cách, người yêu âm nhạc có thể thấy Xuân Diệu là một nhạc sĩ  đầy rung cảm, người yêu hoa có thể thấy thơ Xuân Diệu đầy sắc màu của hoa… Chớ nên như người mù sờ voi,  chỉ có chủ tâm sờđuôi voi  , hí hửng khi sờ vào cái « đuôi voi », thậm chí sờ vào phân voi.. xem  như một khám phá mới.

Nếu Thuý Kiều từ những ngày còn thơ, đã phổ vào đời mình Cung đàn bạc mệnh, thì Xuân Diệu từ những ngày còn thơđã phổ vào đời mình Vần thơ ly biệt : Trong gặp gỡ đã có mầm ly biệt, khu vườn xưa nay đoạn tuyệt dấu hài. Hay Hoa nở để mà tàn. Trăng tròn để mà khuyết, Bèo hợp để chia tan. Người gần để ly biệt. Lạ lùng thay Xuân Diệu chưa yêu đã nói đến biệt ly như một định mệnh, để rồi bao nhiêu người yêu như mây như gió thoáng qua đời mình rồi cũng ly biệt.

Ai là giai nhân ? : « Mê nàng bao nhiêu người làm thơ », các chàng thư sinh thi sĩ một thời phải « đứng ngẩn trông vời áo tiểu thơ ».« Em là gái bên song cửa, anh là mây bốn phương trời, anh theo cánh gió chơi vơi, em vẫn ngồi bên nhung lụa ».và nhiều bài thơ khác mang sắc màu hoa cúc… Giai nhân  được tả bằng những câu thơđẹp nhất thế kỷ : «  Vằng vặc muôn thu nét tuyệt vời . » Tôi có thời gian ở hơn 10 năm bên Công Viên Montsouris Paris, cạnh nhà bà,  là người sưu tập tác phẩm bà và có chân trong Hội bạn nhàđiêu khắc và tôi đã từng có dịp đưa các thi nhân từ trong nước sang thăm lại người xưa, người ấy làĐiêu khắc gia Điềm Phùng Thị nhủ danh Phùng thị Cúc. Nay bà còn để lại một Viện Bảo Tàng Điêu Khắc tại Huế và hơn 40 tượng đài khắp nước Pháp.

Tuổi thơấu, tâm hồn Xuân Diệu bị tổn thương vì hai cuộc chia ly : Cuộc chia ly người mẹ sinh ra mình ở Bình Định để về Hà Tĩnh với bà cả, nhà thơ không yêu mến, mẹ ruột đến thăm chỉ nhìn con từ xa. Sau 1954 bà mẹ thương con vượt sông Bến Hải ra sống với Xuân Diệu bà sống đến năm 1962. Cuộc chia ly thứ hai với chị Bốn Nhữ, người bảo bọc chăm sóc nhà thơ từ thuở chào đời, khi còn bé chị phải đi xuống Dã, nhà thơ chạy theo khóc sợ chịđi lấy chồng bỏ em, sau năm 1975 nhà thơ mới trở vềđi Plây Cu thăm chị. Hai biến cố quan trọng ấy đãảnh hưởng đến tinh thần Xuân Diệu. Từđó cuộc chia ly nào  cũng để lại trong lòng nhà thơ một xúc cảm đau đớn, ngày chia tay với Xuân Diệu sau một tháng ở Paris năm 1981, tôi đã cảm nhận điều đó. Trong thư gửi tôi ông viết : Nhất Uyên ơi, XD có một sự xúc cảm lệch, mỗi tình cảm đều có thể trở thành một đau đớn cho XD. Ta nhớ nhau mãi mãi (Thư XD gửi Nhất Uyên ngày 30-9-1981)

Đạo Diễn Bạch Diệp tên thật là Nguyễn Thanh Tâm sinh năm 1929 tại Hà Nội. Lên 6 tuổi học trường Saint Dominique tại Hải Phòng. Năm 1941 gia đình dọn sang Hải Dương, tham gia Tổng Khởi nghĩa phụ trách Hội Phụ Nữ Cứu Quốc, hoạt động Tỉnh Hội và trong thường vụ Liên Khu III. Từ sau năm 1955 chuyển về làm báo Nhân Dân. Năm 1956 Tổng Biên Tập Hoàng Tùng mai mối bà cùng nhà thơ Xuân Diệu lúc đó bà 27 tuổi và Xuân Diệu đã 40 tuổi. Tháng 4 năm 1958 hai người kết hôn tại cơ quan, nhà văn Đặng Thái Mai,  Viện Trưởng Viện Văn Học làm chủ hôn, nhưng vì lý do nào đó lại không làm giấy tờ.. Tháng 10-1958 bà Bạch Diệp dứt khoát chia tay Xuân Diệu về lại nhà cha mẹ. Hai người cùng khóc .

Năm 1958 bà học khoá  Đạo Diễn do Bộ Văn Hoá Thông Tin dưới sự hướng dẫn của chuyên gia Liên Xô tốt nghiệp năm 1963, bà về làm hãng Phim Truyện Việt Nam. Tác phẩm đầu tay Trần Quyốc Toản ra quân được giải Bông Sen Bạc, trong Liên Hoan phim Việt Nam. Bà thực hiện nhiều phim giá trị.

Năm 1975 bà kết hôn cùng ông Nguyễn Đức Tường, nhưng không con cái, 15 năm sau ông mất.

Bà về hưu năm 1992, năm 1997 được phong danh hiệu Nghệ sĩ Nhân Dân.

Có nhiều nguyên nhân gây nên sự đỗ vỡ cho tình yêu, Xuân Diệu  sống cùng mẹ tầng dưới, nhà thơ Huy Cận sống tầng trên, vợ là Xuân Như em cùng mẹ khác cha Xuân Diệu.  Bạch Diệp là một phụ nữ bản lãnh, những người làm việc cùng đạo diễn Bạch Diệp, đều công nhận bà là người thích sự hoàn hảo, bà thích chủ động trong phim trườngđiều khiển bao nhiêu diễn viên, nhân viên,  sáng tạo và thực hiện kịch bản, bà khắc khe trong công việc làm cho hoàn hảo, cũng như trong đời sống, Xuân Diệu tìm đến một người yêu là một nàng thơ dịu dàng, cho ông một nguồn thi hứng, hai người gặp nhau : hai bản lĩnh khác nhau,  đến trong cái không khí chật chội  thời Hà Nội  thiếu thốn sau chiến tranh, Bạch Diệp đến trong gia đình ở chung với bà mẹ Xuân Diệu, không có một không gian riêng cho đôi tình nhân,  một tình bạn đã hiện diện giữa Xuân Diệu và Huy Cận, cả hai gia đình đều đỗ vỡ.

Đằng sau một nhà văn lớn, cần thiết một phụ nữđảm đương tất cả mọi công việc, hiểu chồng và hiểu mọi công việc của chồng chia sẽ cùng chồng trong niềm vui sáng tạo.  Xuân Diệu không có cái may mắn của Giáo Sư Hoàng Xuân Hãn, tôi có những dịp hè về dã thự Cam Tuyền, sống bên cạnh gia đình Bác Hãn, càng kính phục Bác Hãn bao nhiêu thì càng kính phục Bác gái bấy nhiêu, bác gái  là một dược sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam, bác đảm đang mọi việc từ sinh sống gia đình, bếp núc, miếng ăn giấc ngủ cho chồng  đến từng trang bản thảo của chồng bác quí hơn cả vàng, cả chuyện đất nước  nhà thuốc Tây của bác gái tại Hà Nội,  là nơi cung cấp thuốc men cho kháng chiến. Suốt đời ở Paris  bác  Hãn cũng dành hết thì giờ làm công việc nghiên cứu di sản văn học Hán Nôm Việt Nam..  Bác gái  hiểu chồng, khi chồng đầu tư cả công sức vào việc trí tuệ , nghiên cứu, những hoạt động tình dục có phần giảm sút.. Với  Xuân Diệu chúng ta không nên bàn đến chuyện riêng tư cá nhân, mà chỉ nên nói đến thi ca. Bạch Diệp không phải là người sinh ra để làm nàng thơ, mà để trở thành đạo diễn đểđiều khiển những « nàng thơ »  như nghệ sĩưu tú Trà Giang trong tác phẩm của mình.

Bạch Diệp đã để lạicho Xuân Diệu một nguồn cảm hứng vô tận. Năm 2011 tôi có gửi tặng bà quyển Tự Điển Tình yêu Xuân Diệu, qua đạo diễn Lê Hồng Chương, Giám Đốc  Trung Tâm Văn Hoá Việt Nam tại Paris,  có lẽ là những ngày cuối đời bà đã đọc được toàn bộ những bài thơ Xuân Diệu viết cho bà, những bài thơ hạnh phúc  và những bài thơ cay đắng. : Mai sau dù có bao giờ , em ngồi đọc lại chùm thơ đắng này. Có ai trên trái dất này, Yêu em sâu thẳm như ngày anh yêu. Sau cuộc tình Xuân Diệu nhớ lại chuyện cũ và làm thơ tình, hàng trăm bài thơ tình Xuân Diệu viết cho Bạch Diệp trong di cảo thơ Xuân Diệu. Chúng ta hãy đọc  vài  bài thơ tình Xuân Diệu viết cho Bạch Diệp :

THƯƠNG MẾN ĐẦU TIÊN

Đêm thanh trời đất lắng nghiêng tai
Em khẽ bên anh nói một lời.
« Em mấy đêm rồi không ngủ được
Bởi vì em nghĩ đến anh thôi. »

Tình yêu là buổi tiệc muôn ngon
Là suối trong xanh tắm mát hồn
Là gió trên buồm căng phất phới,
Là mây thương mến ấp đầu non.

Nhưng xa hơn cả mọi chân trời
Hạnh phúc đưa ta đến tuyệt vời,
Là lúc trời tình chao sát cánh
Hồn ta như thể én bay đôi.

Em ơi !  đẹp nhất khi con suối
Mới phát nguyên ra được nửa vời,
Thương mến đầu tiên em chẳng ngủ
Cũng vì em nghĩđến anh thôi.

VÀO TRONG SA MẠC

Đã lâu đời anh ở trong sa mạc :
Chỉ mới mươi ngày em kém yêu anh
Chỉ mới cảm nghe em với ân tình
Anh đã một mình đi trong sa mạc.

Anh đi vào xa vắng lắm em ơi !
Anh chạy trốn em, rút lui vào mãi
Cho đến lúc anh quay đầu trở lại,
Thì quanh anh không một bóng người.

Anh là kẻ đắm mình trong nhân loại
Là bánh xe con vui cổ máy đời
Nhưng phải tội trái tim anh ngây dại
Thiếu ân tình thì như cánh bèo trôi.

Bỗng xa xa nghe tiếng gọi của em,
« Anh thương yêu »  thư em về viết thế
Tưởng ghe giọng em yêu lừng bốn bể,
Vang cả trời  em lại gọi cùng anh.

« Anh thương yêu »  thư em về viết thế,
Để lại về ngồi bên em chan chứa ;
Anh thôi chẳng lạc loài sa mạc nữa,
Và cả loài người về giữa tim anh.

HÃY CÒN CHƯA GIẢI HẾT THƯƠNG YÊU

Hãy còn chưa giải hết thương yêu
Còn để trong tim thương mến nhiều!
Thư gửi đã không mang nhớ nỗi,
Lúc gần chẳng nói được bao nhiêu.

Lắm lúc xa em bỗng giật mình,
Tháng ngày như ngoạm tuổi xuân xanh,
Biết bao sự sống em tung toả,
Cho gió mây mà chẳng có anh.

Thu đến như hao lá bớt dày,
Nắng vàng thôi lại gió heo may
Rét vang sang gió mùa đông bắc,
Anh xót thương em tự bấy chày.

Muốn nói yêu em đến ruột rà,
Nói sao cho đủ , xót đôi ta,
Đời còn ai kẻ thương anh đó,
Chỉ có em mà em lại xa.

Bài thơ Anh đi công tác tả cảnh Xuân Diệu đi công tác một tuần xa, dặn dò Bạch Diệp ở nhà với bà má Xuân Diệu, năm đó Bạch Diệp học trường Điện Ảnh tại Hà Nội do chuyên gia Liên Xô dạy:

ANH ĐI CÔNG TÁC

Anh đi công tác một tuần xa,
Anh dặn em khi trở lại nhà.
Chớ thấy vắng anh mà ủ dột,
Phòng chung đừng thấy rộng thêm ra;

Em hãy cùng ăn cơm với má,
Hãy ra vườn  thăm cây dạ hương,
Cây ấy đợt này hoa lại nở,
Anh đã nhờ nói hộ tình thương.

Sách đặt trên bàn em mở xem,
Mắt anh đêm vẫn đậu bên đèn,
Đèn bàn khi bật lên em thấy
Anh nhớ em ngồi viết ban đêm…

Áo anh còn đứt mấy khuy, xin
Em nhẹ nhàng tay đính hộ giùm.
Thứ bảy, người đưa hoa lại đến,
Cắm bình, em hãy ngắm đi em.

Ít thức ăn khô anh sắp sẵn,
Vào trường em hãy nhớ mang theo
Chẳng nề quá mặn hay hơi nhạt,
San sẽ cho nhau dẫu ít nhiều.

Suốt một tuần qua làm việc mệt,
Em về nhà, hôm nghỉ cho vui
Ra đi anh đã hôn nơi cổng
Đặng đón em yêu cả ngọt bùi.

Thơ Xuân Diệu có rất nhiều bài thơ viết về hoa. Theo bà Bạch Diệp: “Ông giống tôi một điểm, rất thích hoa, nên trong phòng luôn luôn có hoa tươi, thường thì là hoa hồng vàng.” Ta thửđọc bài Hoa ngọc trâm bài thơ viết đêm tân hôn.

HOA NGỌC TRÂM

Anh tặng cho em hoa ngọc trâm
Hoa như ánh sáng , ngọc như mầm.
Như cài trên tóc hoa trâm ngọc;
Anh tặng cho em hoa ngọc trâm.

Lá biếc đơn sơ cánh nuột nà,
Rung rinh trên nước một cành hoa.
Một cành hoa nở hoa hai đứa,
Ôi  ! cái đêm đầu hợp giữa ta.

Hoa giúp cho anh tỏ mối tình,
Vì ta, hoa đã nở năm canh..
Dịu dàng xanh một trăng soi bóng,
Tha thiết năm canh nguyệt trở mình.

Từ ấy anh yêu hoa ngọc trâm,
Những khi hoa vắng, vẫn mong thầm.
Mỗi mùa hoa nở trong như tuyết,
Anh lại tìm thăm hoa ngọc trâm.

Xuân Diệu có bốn tập di cảo Mai , Lan, Cúc, Trúc. Xuân Diệu còn  đặt tên cho tập thơ Trúc là Bức Tượng, tên một bài thơ. Xuân Diệu làm thơ như có cảm tưởng mình là một nhàđiêu khắc: Từ thuở yêu em ngay sau buổi đầu tiên. Anh đã tạc hình ảnh em trên nền trời thương nhớ.

BỨC TƯỢNG

Em đến thăm anh trên đôi dép cao su
Em đã vào nhà, mà anh còn thấy bóng em in trên trời rộng
“Khuôn mặt nhìn nghiêng dáng mũi cao
Bấy lâu trong nhớ đẹp làm sao ! “

Anh đã gặp em ở một bến đò
Thương nhớ bao la trên dòng sông vắng.
Phong cảnh đã vào chiều trời hiu hiu nắng
Cây đôi bờ đứng lặng, nặng hồn xa..

Anh đã gặp em ở chân ngọn núi xanh
Núi sẫm biếc như mùa thu đọng lại.
Trong thung lũng hoang sơ, ngô lay cờ  - rộng rãi.
Phấn ngô còn đượm mãi hồn ta.

Anh đã gặp em bên bờ biển sóng xao
Phi lao rì rào hồn trao cho gió.
Bờ cát mịn dạt dào sóng vỗ
Niềm ân tình vạn thuở chẳng hề vơi.

Anh đã gặp em dưới một trời sao
Và đôi mắt em in vào vũ trụ.
Anh ngợp giữa muôn vàn tinh tú.
Đêm mơ màng thơm hương áo của em.

Từ lúc yêu em ngay sau buổi đầu tiên
Anh về đã tạc hình ảnh em trên nền trời thương nhớ.
Ở đâu có nhớ thương, anh đã đặt tượng em vào đó
Nên bây giờ anh nhớ đã gặp em.

Em đến thăm anh trên đôi dép cao su
Em đã vào nhà, mà anh còn thấy bóng em in trên trời rộng,
In giữa đêm trường, in vào giấc mộng;
Vì thế mà anh lồng lộng yêu em.

Bài thơ Đổi trao,  đặt cho ta  nghi vấn về những tiết lộ bà Bạch Diệp, không có chuyện gì xảy ra  trong 6 tháng sống chung giữa hai người.

ĐỔI TRAO

Đêm qua mới thật là đêm
Tình như biển cả, nghĩa thêm sông dài,
Đôi ta đã hoá một người,
Bốn trời con mắt, một nơi tâm hồn.

Hai ta đã đổi trao hồn,
Đổi trao thân, vẫn hãy còn đổi trao
Những gì đẹp nhất thanh cao
Chứa chan bến mắt, nghẹn ngào bờ tim.

Tìm nhau mãi giữa bầu đêm
Ngôi sao anh với sao em mỉm cười
Đổi trao ánh mắt qua trời,
Đôi bông hoa đỏ giữa vời vô biên.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

MỐI TÌNH XUÂN DIỆU [1916-1985]
VÀ BẠCH DIỆP [1929-2013]-[2]


Hàng trăm bài thơ Xuân Diệu viết cho Bạch Diệp, khó mà tóm lược hết tình yêu Xuân Diệu cho Bạch Diệp trong một vài trang giấy, mỗi hành động, mỗi việc làm Bạch Diệp cho Xuân Diệu đều thành thơ. Cơm áo không đùa với khách thơ, từng trái cam, trái táo, chiếc kẹo, cái bánh, con cá, bữa ăn, cái quạt, cái áo, cái chén.. bao nhiêu cánh hoa người yêu tặng cũng thành thơ. Chỉ một mục Tình Hoa thôi, Xuân Diệu viết đến 18 bài thơ về hoa tặng người yêu và người yêu tặng..  Xuân Diệu là người tinh tế đểý từng chi tiết, từng điều nhỏ nhặt, đừng tưởng Xuân Diệu ru với gió và vơ vẫn cùng mây, tách rời thực tế, mà tất cả thực tếđã thành thơ trong thơ Xuân Diệu.. Tôi sẽ trở lại trong từng đề mục.  Ngược lại với Sử thi Iliade chỉ tả cuộc chiến thành Troie trong 42 ngày nhưng  qua đó là mười năm chiến cuộc. Sáu tháng cuộc tình Xuân Diệu - Bạch Diệp trở thành đề tài thơông viết 30 năm. Tôi phải mất 3 năm để sắp xếp lại viết thành tựđiển.

Đã lâu rồi Xuân Diệu đã chết, người thi sĩ đã chết, như con chim ứa máu hót khúc ca cuối cùng, như con chim bồ nông rút ruột rút gan cho con ăn, người thi sĩ rút tinh huyết, trải lòng mình cho đời để dọn cho người đời bữa tiệc trần thế. Người thi sĩ tự hiến tế trái tim mình thành bánh cho đời, máu mình thành rượu cho đời, xin mời mọi người trong đạo ThơTìnhăn no uống cạn bữa tiệc biệt ly cuối cùng. «  Người thi sĩ đã vào làng mây khói. Ở không đâu và ở khắp mọi nơi. Như tiếng vọng trong sương sa dắng dỏi, Máu vu vơ theo giữa trái tim đời. » Và khi mỗi cặp người yêu đương đang tình tự nhau, có gió qua người làm động má thơ ngây. Và nghe như : «  Rằng có ai, người thơ ở đâu đây ?  »  Người thơở dưới trăng sao, ở bãi vắng, in dấu chân mờ trên cát trắng, người thơ trong tiếng chim, tiếng suối, giữa ngàn lau.

Trong Di cảo Xuân Diệu  đã viết những bài thơ Di chúc để lại cho Bạch Diệp :  Khi nào em đã yêu anh : Khi ta đã ngọt bùi, đắng cay anh kể./Anh sẽ không trả thù, mà chỉ để yêu thêm.

CÒN MỘT TRÁI TIM

Dù cho đến giờ cây bút lặng im
Vẫn còn một trái không nghỉ
Vẫn còn một trái tim chung thuỷ
Dù đến giờ bút nghỉ đời im.

Một trái tim nỗi mãi không chìm
Dù cóđá buộc vào trăm tấn
Như cá chuồn trái tim bay lấn
Ném thia thia qua biển thời gian.

Một trái tim đất phải nhả ra
Vì tim đã hoá là vô ảnh
Tim vẫn đập trên trang giấy mảnh
Trong hoa hồng, nơi những cánh chim.

Một trái tim khó kiếm khôn tìm,
Mượn ngực của những người muôn thế kỷ..
Một trái tim, trái tim thi sĩ
Vì cuộc đời chung thuỷ  vì  em.

NHỮNG GÌ VĨNH  CỬU

Những gì vĩnh cửu em nói với anh
Anh đã chép lên trời xanh tinh khiết
Anh đã tạc vào đá vàng bất diệt
Đã ghi vào dòng nước biếc trẻ tuôn.

Những đêm hoà hơi thở của em thơm
Với bóng trăng thanh và hương thảo mộc
Những ngày ánh nước da em bánh mật
Lên nặng chiều thu, lên gương trưa hè.

DI CHÚC

Tôi nhận cái này từđã lâu
Bây giờ nó tới dẫu hơi mau
Đã không tránh khỏi thì tôi tiếp
Một cách đau thương, nhưng ngẩng đầu.

Ai  có thích cái gìđi mãi mãi
Vô trong cái cõi chẳng mô tê
Một khi cập bến vào vô tận
Thì đến vô biên chẳng trở về.

Tuy vậy tôi đã sống hết mình
Suốt đời không một phút coi khinh
Tôi coi trọng nhất khi  làm việc
Hoạ có thua khi sống với tình.

Cái quả cam này đà vất hết
Hiến cho non nước, hiến đời thân
Tuy không biết đến bao giờ kiệt
Nhưng dẫu sao thì cũng phải dừng.

Hãy để cho tôi được giả từ
Vẩy chào cõi thực để vào hư.
Trong hơi thở chót dâng trời đất,
Cũng vẫn si tình đến ngất ngư.

EM VÀ VŨ TRỤ

Giờ đây vũ trụ đã nhập vào em
Em là nỗi nhớ thương vẫn tràn đầy trong nhạc,
Em là niềm êm dịu, đời đời ta khép mắt đêm
Em là hạt cườm trong cổ những con chim hót.

KHI EM ĐÃ YÊU ANH

Có một ngày mai đó
Khi em đã yêu anh
Anh sẽ kể hết tâm tình,
Anh sẽ kể em nghe bao khổ đau anh đã trải chịu.
Anh sẽ không trả thù, mà chỉ càng cảm tạ em yêu.
Thế nào là mỗi phút của anh từ sau khi hai ta quen biết,
Thế nào là hai con mắt mở, nhớ mong chong giữa trái tim;
Em cũng chưa biết hết thế nào là em,
Em được yêu mến như thế nào ở trên trái đất,
Anh thui thủi cứ nằm gai nếm mật,
Còn em là nước sôi lửa bỏng của lòng anh.
…….

Ôi em à !
Mẹ thương con không thể lấy thước màđo,
Đã gọi là tình yêu, tất nó phải là như thế.
Khi ta đã ngọt bùi, đắng cay anh sẽ kể,
Anh sẽ không trả thù, mà chỉ để yêu thêm.

Đó là những bài thơ cuối cùng Xuân Diệu viết cho Bạch Diệp, nữ đạo diễn vừa qua đời ngày 17-6-2013. Xuân Diệu đã qua đời năm 1985, nhưng thơ ông vẫn còn trong trái tim mỗi người Việt Nam khi yêu nhau. Hỏi em từ độ yêu tôi, tình ta còn đọng thơ người trong tim.

Phạm Trọng Chánh

Người đăng: Poet Hansy vào lúc 02:00 Không có nhận xét nào:   
Gửi email bài đăng này
BlogThis!
Chia sẻ lên Twitter
Chia sẻ lên Facebook
Chia sẻ lên Pinterest
Nhãn: Giai Thoại
THỨ HAI, 23 THÁNG 12, 2019
NÓI THÊM VỀ CÁI CHẾT CỦA LƯU QUANG VŨ – XUÂN QUỲNH

NÓI THÊM VỀ CÁI CHẾT
CỦA LƯU QUANG VŨ – XUÂN QUỲNH


…Chỉ có thuyền mới hiểu
      Biển mênh mông nhường nào
Chỉ có biển mới biết
Thuyền đi đâu về đâu

Những ngày không gặp nhau
Biển bạc đầu thương nhớ
Những ngày không gặp nhau
Lòng thuyền đau rạn vỡ

Nếu từ giã thuyền rồi
Biển chỉ còn sóng gió
Nếu phải cách xa anh
Em chỉ còn bão tố…

Mỗi lần nghe đài phát thanh, truyền hình phát bài ca Thuyền và Biển - thơ Xuân Quỳnh, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc - đoạn cuối hay nhất của bài thơ, người nghe ở mọi miền đất nước kể cả kiều bào ở nước ngoài đều xao xuyến bồi hồi thương tiếc đôi tài tử giai nhân Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ mất khi tài năng đang độ chín: Quỳnh 46 tuổi (1942-1988), Vũ 40 tuổi (1948-1988), lại gợi nhớ nhà thơ Nguyễn Bính lúc mất cũng chỉ mới 48 tuổi (1918-1966).

Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ ra đi trong một tai nạn giao thông thảm khốc vào chiều ngày 29-8-1988, để lại cho đời một sự trống vắng lớn lao mà đến nay đã 30 năm vẫn chưa có một nhà viết kịch nào trong nghệ thuật sân khấu cả nước có thể bù đắp thay cho Lưu Quang Vũ và về thơ tình yêu thay cho Xuân Quỳnh.

Lưu Quang Vũ là một hiện tượng đặc biệt của sân khấu Việt Nam. Chỉ trong một khoảng thời gian không dài (độ 15 năm) Lưu Quang Vũ đã xuất bản nhiều tập thơ và sáng tác kịch với hơn 50 vở kịch được cả nước dàn dựng và công diễn - nhiều nhất là các tỉnh phía Bắc - nhận được nhiều giải thưởng và dư luận quần chúng hoan nghênh. Đã có một tác giả nào trong một Liên hoan sân khấu toàn quốc đưa 6 vở với đủ loại đề tài cho các đoàn cả nước dựng dự thi đều đoạt giải cao một cách thuyết phục: 5 huy chương vàng, 1 huy chương bạc như Lưu Quang Vũ? Và tuy có một tác giả phía Nam đã được chi tiền tỉ dựng vở của mình một cách hoành tráng lộng lẫy với nhiều nghệ sĩ các ngành tham gia để mong được nổi tiếng, nhưng chỉ để lại một sự trống rỗng về đề tài cũ rích, một nghệ thuật cải lương pha tạp lai căng và một sự lãng phí đến ngao ngán cho người xem! Nhân đây, lại nhớ đến chuyện có người hỏi cảm tưởng của Thủ tướng Phạm Văn Đồng sau khi ông xem vở kịch kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-1984), có trên 200 diễn viên của 5 đoàn kịch tham gia ở Nhà hát lớn Hà Nội, ông mỉm cười trả lời: “Vở kịch lớn không phải do đông người!”.

Đối với tôi, có thể nói không quá lời, trong lịch sử hàng ngàn năm văn hiến Việt Nam chưa có đôi nghệ sĩ tài hoa nào có thể so sánh được với cặp đôi Quỳnh - Vũ trong thời đại Hồ Chí Minh thế kỷ 20, đã có sự cống hiến lớn lao tài năng và trí tuệ của mình vào nền văn hoá dân tộc hôm nay và có thể cho cả mai sau.

Sau buổi chiều tai nạn thảm khốc đó tôi đã gặp đạo diễn - Nghệ sĩ ưu tú Hoàng Quân Tạo, Giám đốc Nhà hát kịch Hà Nội, người có nhiều duyên nợ với Lưu Quang Vũ, đã xuống ngay bệnh viện Hải Dương sau khi nhận được hung tin Quỳnh - Vũ và con mất. Xin lược ghi lại lời kể của anh:

…Sau khi làm việc xong với đoàn kịch Hải Phòng tại Đồ Sơn về một vở kịch mới của mình, Vũ, Quỳnh và con trai là Lưu Quỳnh Thơ (mới 13 tuổi) cùng gia đình Doãn Châu, hoạ sĩ thiết kế sân khấu, lên đường trở về Hà Nội. Xe chở họ là kiểu xe Command Car của Xí nghiệp xe du lịch Hà Nội, loại 2 băng dài đối diện nhau theo thân xe, do anh Phạm Văn Hải lái - anh là bạn thân, Vũ nhờ lái giùm từ lúc ở Hà Nội đi xuống Hải Phòng.

Khi lên xe về Hà Nội, vợ chồng Vũ - Quỳnh và cháu Quỳnh Thơ ngồi băng trái sau lái xe, còn vợ chồng Doãn Châu và con ngồi băng bên phải. Khi xe vào địa phận Hải Dương đến gần cầu Phú Lương, thấy tấm bảng đỏ người gác trên cầu giơ cao ra hiệu cho các xe ở phía Hải Phòng dừng lại nép bên phải đường nhường chỗ cho các xe hướng Hà Nội xuống. Cần nói rõ thêm, cầu Phú Lương làm từ thời Pháp thuộc trên đường từ Hà Nội xuống Hải Phòng, cách thị xã Hải Dương không xa. Cầu rất hẹp chỉ vừa đủ một chiếc xe hơi chạy qua, chứ không có chỗ hai xe tránh như các cây cầu khác. Ngày xưa khi xe còn ít thì việc qua cầu không bị kẹt, nhưng từ sau khi đất nước đổi mới, mở cửa, hàng hoá cảng Hải Phòng xuất nhập khẩu mở rộng thì xe cộ đi lại rất nhiều, do đó để tránh kẹt xe ngành giao thông tỉnh Hải Dương phải lập hai trạm nhỏ ở hai đầu cầu với tấm bảng xanh đỏ báo hiệu cho phép xe qua lại.

Xe dừng lại, thấy còn lâu nên mọi người trên xe xuống đi vệ sinh. Gia đình Doãn Châu trở lên trước nên ngồi băng bên trái sau lái xe (chỗ vợ chồng Vũ với cháu Thơ ngồi lúc nãy), còn gia đình Vũ lên sau nên ngồi băng bên phải.

Khi bảng xanh bật lên, đoàn xe phía Hải Phòng bắt đầu nối nhau qua cầu. Khi xe Vũ xuống dốc cầu qua địa phận xã Ngọc Châu thì phải dừng lại, vì chiếc xe tải phía trước thắng gấp để tránh hai phụ nữ đèo nhau bất chợt vượt qua mặt vào mép đường. Cũng vừa lúc đó phía sau xe Vũ có một chiếc xe tải lớn chở than của một công ty ở thị xã Hòn Gai (Quảng Ninh) do tài xế Nguyễn Công Thành lái, chạy với tốc độ lớn xuống dốc cầu, không kịp thắng đã lao đâm vào phía trái đuôi xe của Vũ. Bị tác động bởi một lực quá lớn, vợ chồng Doãn Châu ngồi sau lái xe ngã bổ vào thùng xe, còn vợ chồng Quỳnh - Vũ và con trai Quỳnh Thơ ngồi bên phải bị hất tung lên khỏi xe rơi xuống mặt đường. Xuân Quỳnh và cháu Thơ bị gãy cổ chết ngay tức khắc (Xuân Quỳnh vốn bị bệnh tim nặng, cháu Thơ thì còn nhỏ).

Tai nạn thảm khốc xảy ra vào lúc 15 giờ 30 chiều ngày 29-8-1988. Lưu Quang Vũ sau khi bị hất tung xuống đường nằm bất tỉnh, giây phút sau anh mở mắt ú ớ hỏi Doãn Châu đang đỡ anh dậy: “Quỳnh Mí (tên riêng của Thơ) có sao không?”. “Không sao!” - Doãn Châu vội trả lời, nhưng Vũ đã thiếp đi. Giây lát sau anh tỉnh lại ôm ngực rên rỉ “Ôi đau quá!” rồi lại thiếp đi. Doãn Châu vội bế Vũ ra giữa đường giơ tay vẫy xin xe chở Vũ đi cấp cứu, nhưng không có xe nào dừng lại, Doãn Châu phải để Vũ nằm lại rồi ra giữa đường quỳ xuống lạy xin xe. Một chiếc xe nhỏ dừng lại. Doãn Châu bế Vũ ra xe. Nhưng hỡi ơi! Chiếc xe chạy được vài cây số thì lại hỏng máy, Doãn Châu lại phải quỳ lạy nhờ xe khác. Lúc đưa Vũ vào bệnh viện thì Vũ đã chết lâm sàng rồi. Bác sĩ sau này có nói trường hợp Vũ hết sức tránh bế lên đặt xuống vì xương lồng ngực gãy có thể đâm sâu vào gan, phổi nạn nhân. Và điều quan trọng nhất là thời gian vàng khi cấp cứu, sự sống chết chỉ tính bằng phút giây trong vòng mười lăm phút. Sự trắc trở của các xe đón chở Vũ đến bệnh viện khiến đã quá muộn. “Âu cũng là số mệnh” - bác sĩ thở dài tiếc nuối.

Đây là sự thật của tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra với gia đình Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ vào chiều 29-8-1988. Mong rằng đây là một tai nạn duy nhất không bao giờ có nữa trong lịch sử văn học nghệ thuật nước nhà.

DƯƠNG LINH
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

NÓI THÊM VỀ CÁI CHẾT
CỦA LƯU QUANG VŨ – XUÂN QUỲNH


…Chỉ có thuyền mới hiểu
      Biển mênh mông nhường nào
Chỉ có biển mới biết
Thuyền đi đâu về đâu

Những ngày không gặp nhau
Biển bạc đầu thương nhớ
Những ngày không gặp nhau
Lòng thuyền đau rạn vỡ

Nếu từ giã thuyền rồi
Biển chỉ còn sóng gió
Nếu phải cách xa anh
Em chỉ còn bão tố…

Mỗi lần nghe đài phát thanh, truyền hình phát bài ca Thuyền và Biển - thơ Xuân Quỳnh, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc - đoạn cuối hay nhất của bài thơ, người nghe ở mọi miền đất nước kể cả kiều bào ở nước ngoài đều xao xuyến bồi hồi thương tiếc đôi tài tử giai nhân Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ mất khi tài năng đang độ chín: Quỳnh 46 tuổi (1942-1988), Vũ 40 tuổi (1948-1988), lại gợi nhớ nhà thơ Nguyễn Bính lúc mất cũng chỉ mới 48 tuổi (1918-1966).

Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ ra đi trong một tai nạn giao thông thảm khốc vào chiều ngày 29-8-1988, để lại cho đời một sự trống vắng lớn lao mà đến nay đã 30 năm vẫn chưa có một nhà viết kịch nào trong nghệ thuật sân khấu cả nước có thể bù đắp thay cho Lưu Quang Vũ và về thơ tình yêu thay cho Xuân Quỳnh.

Lưu Quang Vũ là một hiện tượng đặc biệt của sân khấu Việt Nam. Chỉ trong một khoảng thời gian không dài (độ 15 năm) Lưu Quang Vũ đã xuất bản nhiều tập thơ và sáng tác kịch với hơn 50 vở kịch được cả nước dàn dựng và công diễn - nhiều nhất là các tỉnh phía Bắc - nhận được nhiều giải thưởng và dư luận quần chúng hoan nghênh. Đã có một tác giả nào trong một Liên hoan sân khấu toàn quốc đưa 6 vở với đủ loại đề tài cho các đoàn cả nước dựng dự thi đều đoạt giải cao một cách thuyết phục: 5 huy chương vàng, 1 huy chương bạc như Lưu Quang Vũ? Và tuy có một tác giả phía Nam đã được chi tiền tỉ dựng vở của mình một cách hoành tráng lộng lẫy với nhiều nghệ sĩ các ngành tham gia để mong được nổi tiếng, nhưng chỉ để lại một sự trống rỗng về đề tài cũ rích, một nghệ thuật cải lương pha tạp lai căng và một sự lãng phí đến ngao ngán cho người xem! Nhân đây, lại nhớ đến chuyện có người hỏi cảm tưởng của Thủ tướng Phạm Văn Đồng sau khi ông xem vở kịch kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-1984), có trên 200 diễn viên của 5 đoàn kịch tham gia ở Nhà hát lớn Hà Nội, ông mỉm cười trả lời: “Vở kịch lớn không phải do đông người!”.

Đối với tôi, có thể nói không quá lời, trong lịch sử hàng ngàn năm văn hiến Việt Nam chưa có đôi nghệ sĩ tài hoa nào có thể so sánh được với cặp đôi Quỳnh - Vũ trong thời đại Hồ Chí Minh thế kỷ 20, đã có sự cống hiến lớn lao tài năng và trí tuệ của mình vào nền văn hoá dân tộc hôm nay và có thể cho cả mai sau.

Sau buổi chiều tai nạn thảm khốc đó tôi đã gặp đạo diễn - Nghệ sĩ ưu tú Hoàng Quân Tạo, Giám đốc Nhà hát kịch Hà Nội, người có nhiều duyên nợ với Lưu Quang Vũ, đã xuống ngay bệnh viện Hải Dương sau khi nhận được hung tin Quỳnh - Vũ và con mất. Xin lược ghi lại lời kể của anh:

…Sau khi làm việc xong với đoàn kịch Hải Phòng tại Đồ Sơn về một vở kịch mới của mình, Vũ, Quỳnh và con trai là Lưu Quỳnh Thơ (mới 13 tuổi) cùng gia đình Doãn Châu, hoạ sĩ thiết kế sân khấu, lên đường trở về Hà Nội. Xe chở họ là kiểu xe Command Car của Xí nghiệp xe du lịch Hà Nội, loại 2 băng dài đối diện nhau theo thân xe, do anh Phạm Văn Hải lái - anh là bạn thân, Vũ nhờ lái giùm từ lúc ở Hà Nội đi xuống Hải Phòng.

Khi lên xe về Hà Nội, vợ chồng Vũ - Quỳnh và cháu Quỳnh Thơ ngồi băng trái sau lái xe, còn vợ chồng Doãn Châu và con ngồi băng bên phải. Khi xe vào địa phận Hải Dương đến gần cầu Phú Lương, thấy tấm bảng đỏ người gác trên cầu giơ cao ra hiệu cho các xe ở phía Hải Phòng dừng lại nép bên phải đường nhường chỗ cho các xe hướng Hà Nội xuống. Cần nói rõ thêm, cầu Phú Lương làm từ thời Pháp thuộc trên đường từ Hà Nội xuống Hải Phòng, cách thị xã Hải Dương không xa. Cầu rất hẹp chỉ vừa đủ một chiếc xe hơi chạy qua, chứ không có chỗ hai xe tránh như các cây cầu khác. Ngày xưa khi xe còn ít thì việc qua cầu không bị kẹt, nhưng từ sau khi đất nước đổi mới, mở cửa, hàng hoá cảng Hải Phòng xuất nhập khẩu mở rộng thì xe cộ đi lại rất nhiều, do đó để tránh kẹt xe ngành giao thông tỉnh Hải Dương phải lập hai trạm nhỏ ở hai đầu cầu với tấm bảng xanh đỏ báo hiệu cho phép xe qua lại.

Xe dừng lại, thấy còn lâu nên mọi người trên xe xuống đi vệ sinh. Gia đình Doãn Châu trở lên trước nên ngồi băng bên trái sau lái xe (chỗ vợ chồng Vũ với cháu Thơ ngồi lúc nãy), còn gia đình Vũ lên sau nên ngồi băng bên phải.

Khi bảng xanh bật lên, đoàn xe phía Hải Phòng bắt đầu nối nhau qua cầu. Khi xe Vũ xuống dốc cầu qua địa phận xã Ngọc Châu thì phải dừng lại, vì chiếc xe tải phía trước thắng gấp để tránh hai phụ nữ đèo nhau bất chợt vượt qua mặt vào mép đường. Cũng vừa lúc đó phía sau xe Vũ có một chiếc xe tải lớn chở than của một công ty ở thị xã Hòn Gai (Quảng Ninh) do tài xế Nguyễn Công Thành lái, chạy với tốc độ lớn xuống dốc cầu, không kịp thắng đã lao đâm vào phía trái đuôi xe của Vũ. Bị tác động bởi một lực quá lớn, vợ chồng Doãn Châu ngồi sau lái xe ngã bổ vào thùng xe, còn vợ chồng Quỳnh - Vũ và con trai Quỳnh Thơ ngồi bên phải bị hất tung lên khỏi xe rơi xuống mặt đường. Xuân Quỳnh và cháu Thơ bị gãy cổ chết ngay tức khắc (Xuân Quỳnh vốn bị bệnh tim nặng, cháu Thơ thì còn nhỏ).

Tai nạn thảm khốc xảy ra vào lúc 15 giờ 30 chiều ngày 29-8-1988. Lưu Quang Vũ sau khi bị hất tung xuống đường nằm bất tỉnh, giây phút sau anh mở mắt ú ớ hỏi Doãn Châu đang đỡ anh dậy: “Quỳnh Mí (tên riêng của Thơ) có sao không?”. “Không sao!” - Doãn Châu vội trả lời, nhưng Vũ đã thiếp đi. Giây lát sau anh tỉnh lại ôm ngực rên rỉ “Ôi đau quá!” rồi lại thiếp đi. Doãn Châu vội bế Vũ ra giữa đường giơ tay vẫy xin xe chở Vũ đi cấp cứu, nhưng không có xe nào dừng lại, Doãn Châu phải để Vũ nằm lại rồi ra giữa đường quỳ xuống lạy xin xe. Một chiếc xe nhỏ dừng lại. Doãn Châu bế Vũ ra xe. Nhưng hỡi ơi! Chiếc xe chạy được vài cây số thì lại hỏng máy, Doãn Châu lại phải quỳ lạy nhờ xe khác. Lúc đưa Vũ vào bệnh viện thì Vũ đã chết lâm sàng rồi. Bác sĩ sau này có nói trường hợp Vũ hết sức tránh bế lên đặt xuống vì xương lồng ngực gãy có thể đâm sâu vào gan, phổi nạn nhân. Và điều quan trọng nhất là thời gian vàng khi cấp cứu, sự sống chết chỉ tính bằng phút giây trong vòng mười lăm phút. Sự trắc trở của các xe đón chở Vũ đến bệnh viện khiến đã quá muộn. “Âu cũng là số mệnh” - bác sĩ thở dài tiếc nuối.

Đây là sự thật của tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra với gia đình Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ vào chiều 29-8-1988. Mong rằng đây là một tai nạn duy nhất không bao giờ có nữa trong lịch sử văn học nghệ thuật nước nhà.

DƯƠNG LINH
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

LAN KHAI


Trước Cách mạng tháng Tám, tuy “cá tháng Tư” chưa phổ biến ở nước ta, nhưng chuyện nhà văn Lan Khai bị ăn quả lừa đã trở thành giai thoại.

Lan Khai (1906 - 1946) tên thật là Nguyễn Đình Khải, sinh trưởng ở Tuyên Quang, được mệnh danh là “nhà văn đường rừng” do ông chuyên viết các câu chuyện hấp dẫn về vùng rừng núi phía Bắc như Truyện đường rừng, Ai lên phố Cát, Gái thời loạn...

Trong cuốn Văn thi sĩ tiền chiến của nhà văn Nguyễn Vỹ (NXB Văn hoá Văn nghệ tái bản 2018) đã kể lại giai thoại nhà văn tuy có tới 2 bà vợ vẫn bị phụ nữ lừa rất thú vị.

Theo Nguyễn Vỹ, Lan Khai lúc làm báo, luôn thích ăn diện, lúc nào cũng đẹp đẽ bảnh bao, ai mới trông thấy ông cũng tưởng đâu là một chàng nho sĩ phong lưu, một kiểu Kim Trọng tân thời nhưng không có Thuý Kiều, và trong túi thường không có một xu nhỏ.

Tuy vậy, ông không sống cùng vợ, bà vợ cả của ông bị tật ở chân, chuyên buôn bán trên Tuyên Quang. Còn bà vợ hai, mà Nguyễn Vỹ tả là “hiền lành lắm, và đẹp, rất yêu mến Lan Khai và cũng bằng lòng để anh ở riêng tuỳ ý theo ý thích”, thì cũng chỉ thỉnh thoảng mới từ Tuyên Quang xuống ở với ông một vài tháng rồi lại về quê.


Cuốn Văn thi sĩ tiền chiến của Nguyễn Vỹ viết về chân dung các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng trước cách mạng tháng Tám.
Câu chuyện xảy ra khi Lan Khai vừa xuất bản tiểu thuyết Hột mận (hoặc Cái hột mận), được độc giả nhiệt tình đón nhận, ông tự hào khoe với bà hai là có nhiều nữ độc giả ái mộ lắm, khiến bà phản bác “Anh Vỹ thì chắc có nhiều người yêu, chứ cậu thì có ma nó yêu cậu!”.

Nguyễn Vỹ kể lại trong sách:

Ba hôm sau, Lan Khai gặp tôi. Anh không bắt tay tôi như mọi lần. Anh cười, thò tay vào túi áo, lấy ra một bao thư, đưa tôi:

- Toa (anh, tiếng Pháp) đọc đi!

- Thư của anh mà…

- Toa cứ đọc đi. Moa (tôi) chỉ xin toa một điều là giữ kín hộ moa nhé. Đừng bảo cho ma femme (vợ tôi) biết.

Tôi xem qua nét chữ ngoài phong bì: nét chữ của một cô gái. Bao thư xanh, đóng dấu dây thép Hà Nội.

Thưa ông Lan Khai.

Tác giả quyển “Hột mận”

Em xin gửi lời thành thật hoan nghênh tất cả các quyển truyện đường rừng của ông. Riêng quyển Hột mận, ông vừa xuất bản, thật là một kiệt tác. Em ao ước được hân hạnh gặp ông để tỏ lòng ái mộ của em. Vậy, nếu ông không bận gì, thì 8h tối thứ bảy tuần này, xin ông vui lòng quá bộ đến hồ Trúc Bạch, khỏi chùa Trấn Quốc một tí. Em sẽ chờ ông tại đấy.

Thưa ông, ông sẽ trông thấy một thiếu nữ 18 tuổi, đang chờ ông bên gốc cây, mặc áo màu bordeaux, tay cầm quyển Hột mận. Em đấy ông ạ. Em sẽ đến đấy đúng 8h, là lúc vắng người. Nếu quá 8h30 ông không lại, thì chắc là ông bận việc, em sẽ đi về.

Trời! Em ước mong sao được gặp nhà văn tài hoa mà em thường mơ tưởng!

Em xin dừng bút nơi đây với tất cả hi vọng tốt đẹp ngập tràn trề lòng em.

Bella Nhung.

Tôi trao thư lại Lan Khai. Anh ta cười khoái trá:

- Nàng có chữ kí đẹp quá nhỉ. Toa xem chữ kí giỏi lắm và xem tướng số được, toa hãy xem hộ moa chữ kí ấy đi. Rồi hôm nào moa giới thiệu nàng cho toa để nhờ toa xem tướng hộ nhé.

- Chữ kí cô này… lãng mạn.
- Thế thôi à?
- Cô này 18 tuổi.
- Trong thư nàng có nói.
- Thế thôi, hết.
- Người tính tình thế nào chứ?

- Vui vẻ, trẻ trung. Người mập chứ không gầy, (nét chữ cũng mập), đẹp chứ không xấu, nét chữ bay bướm.
- Cậu thật là…!

- Thật đấy mà. Nếu tối thứ bảy anh gặp cô mà xấu chứ không đẹp, thì chắc là không phải cô Bella Nhung. Hoặc cô nào gầy chứ không mập, cũng không phải… Gặp gỡ như thế nào, rồi nói chuyện lại cho tôi nghe với nhé.

- Toa đừng cho ma femme biết, nghe chưa?
- Khỏi dặn.

Tối hôm đó, Lan Khai chải tóc láng mướt. Chàng đã thắt cra-vát màu đỏ, mới tinh, vừa mua lúc chiều. Quen lệ, chải tóc xong là chàng đánh phấn. Chàng có tật đánh phấn như đàn bà, vì da mặt hơi ngăm ngăm đen, và đã có vết nhăn. Tôi nhớ năm ấy chàng đã lớn tuổi hơn tôi nhiều lắm, vả lại chàng bị bịnh ghiền thuốc phiện, cho nên mau già. Người gầy còm, lại dong dỏng cao, môi thâm. Nói thật, người không đẹp. Chàng đánh phấn phớt qua một lớp mỏng thôi mà chỉ đánh ban đêm. Chàng rưới nước hoa, diện quần áo tây mới may, đi giày tây đen, bóng lộn. Xong, ngó đồng hồ 8h kém 5, chàng ra gọi xe kéo.

Chàng khấp khởi mừng vì chị Lan Khai đi vắng, chàng khỏi phải nói dối vợ.

Đến trước cổng chùa Trấn Quốc, Lan Khai trả tiền xe, rồi đi bộ một quãng đường trên đê hồ Trúc Bạch. Chàng hồi hộp mừng thầm, xa xa, dưới bóng cây chàng đã thấy bóng “nàng”.

Chàng nghĩ thầm: “Ta sẽ nắm tay nàng, và nhoẻn một nụ cười duyên…”. Nàng chưa thấy chàng, vì nàng quay lưng ra đường đê, đang đứng mơ màng ngó mặt nước hồ phẳng lặng, phản chiếu một vòm trời lóng lánh muôn sao. Gió mát lạ!

Chàng cố ý đi mạnh, cho nàng nghe tiếng giày để nàng quay mặt ra. Chàng đã biết đích là nàng, vì dưới ánh điện lờ mờ, chàng đi nhè nhẹ đến gần chàng đã phân biệt màu áo bordeaux và tay nàng đang cầm quyển Hột mận, như đã dặn kỹ trong thư.

Chàng đi nhè nhẹ đến gần… Tuy chàng chưa thấy mặt, nhưng dưới ánh đèn điện lờ mờ, bóng nàng uyển chuyển thướt tha tuyệt đẹp.

Chàng đến sát bên cạnh, nghĩ rằng nàng mắc cỡ, nên chàng đánh bạo đặt bàn tay dịu dàng trên vai nàng, và giọng nói run run cảm động:

- Em Bella Nhung?

Nàng quay lại.

Lan Khai hoảng hốt, biến sắc mặt ngay, bỗng giận dữ hét lên:

- Mợ đứng chờ ai đây?

Nàng, chính là… vợ Lan Khai, mỉm cười ngạo nghễ:

- Thưa ông, em chờ ông Lan Khai, tác giả Hột mận ạ.

- Mợ đánh lừa tôi hả?

Lan Khai giận run cả người lên, nghẹn miệng nói không được nữa. Chàng bỏ vợ đấy, đi thật nhanh ra đường Quán Thánh gọi xe về nhà. Chị Lan Khai mỉm cười đắc chí, đủng đỉnh theo sau.

Khi về nhà, “nhà văn đường rừng” bực tức hỏi vợ:

- Ai viết hộ thư cho mợ? Chứ nét chữ đâu phải của mợ?

- Nét chữ của con Mão đấy.

- Con Mão nào?

- Cháu của cậu, con gái của chị Phán, cậu không biết à? Tôi đọc cho nó viết đấy. Tôi phải năn nỉ mãi nó mới chịu viết đấy.

- Mợ mặc áo màu bordeaux của ai?

- Áo cũng của con Mão chớ còn của ai nữa.

- Mợ chơi xỏ tôi làm gì thế?

- Để cho cậu một bài học về Hột mận đấy, cậu à! Quả mận chua lắm phải không cậu?

Theo Nguyễn Vỹ, “Lan Khai làm thinh, mãi ba tháng không nói với vợ một tiếng”.

LÊ TIÊN LONG
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

KIẾM BÁU KỲ LẠ
CỦA TỔ TIÊN NGƯỜI DAO-[1]


Cuộc thiên di và những cổ vật quý

Trước đây, lên Hoàng Su Phì (Hà Giang), tôi đã nghe mấy anh ở Phòng Văn hoá huyện kể những câu chuyện hấp dẫn về thanh kiếm báu của tổ tiên người Dao ở Việt Nam. Tuy nhiên, các cán bộ văn hoá của huyện đều chưa nhìn thấy thanh kiếm báu ấy, thậm chí cũng chẳng biết ai đang giữ nó. Họ chỉ biết rằng, thanh kiếm đó là báu vật của tổ tiên người Dao để lại.

Vì nó là báu vật, là linh hồn của dân tộc Dao, nên không phải ai cũng được tận mắt, dù là quan chức, cán bộ văn hoá. Hơn nữa, vì kiêng, hoặc sợ mất, mà người Dao cũng giấu tung tích của thanh kiếm, không tiết lộ ai giữ nó.

3 năm trước, nghe tin ở bản Đoàn Kết, xã Hồ Thầu, cũng có phiên bản của kiếm cổ, do một dòng tộc người Dao cất giữ, cán bộ Bảo tàng Hà Giang đã tìm đến xem. Vì muốn có vật độc đáo trưng bày, nên Bảo tàng Hà Giang đã tìm mọi cách thuyết phục người Dao ở đây bán lại cho Nhà nước, để Nhà nước cất giữ, trưng bày cho cả nước xem, nhằm bảo tồn văn hoá người Dao.

Với nghĩa cử cao đẹp ấy, dòng họ người Dao ở bản Đoàn Kết phải miễn cưỡng đồng ý. Buổi rước kiếm từ bản Đoàn Kết về Bảo tàng Hà Giang, có sự chứng kiến của chính quyền địa phương, nhiều lãnh đạo huyện, tỉnh. Cả họ người Dao đã đến tiễn đưa thanh kiếm.

Trước đó, họ đã cúng bái suốt đêm. Lúc người của bảo tàng mang kiếm đi, cả trăm người, đủ cả già trẻ, lớn bé, đàn ông, đàn bà, đứng bên đường khóc tu tu. Ai cũng không ngờ, người Dao lại trọng vọng thanh kiếm cũ mèm, han gỉ như vậy.

Với người Dao, thanh kiếm đó là vô giá, nhưng vì ý nghĩa cao cả, nên Bảo tàng Hà Giang mua được với giá rất rẻ, gồm 3 triệu đồng và 1 con lợn. Hiện thanh kiếm này đang trưng bày tại Bảo tàng văn hoá các dân tộc Việt Nam ở Thái Nguyên.

Tuy nhiên, đó chỉ là phiên bản của kiếm báu của tổ tiên người Dao. Thanh kiếm báu thực sự, do dòng tộc đứng đầu của người Dao ở Việt Nam hiện đang sở hữu, thì không mua nổi. Bảo tàng tỉnh đã đề xuất trả 100 triệu đồng, để được đưa về bảo tàng trưng bày, nhưng bị dòng tộc này từ chối. Thậm chí, các cán bộ của bảo tàng cũng chưa được vinh dự xem thanh kiếm này.

Lần này, lên Hà Giang, tôi lại nghe anh em ở Phòng Văn hoá huyện Hoàng Su Phì bàn tán sôi nổi về thanh kiếm báu của tổ tiên người Dao. Có đồng chí kể rằng, kiếm báu, cùng bát hương, trống, chiêng, tranh cổ đã bị dòng họ người Dao ở xã Nậm Ty giấu vào một hang đá bí mật. Những vật dụng này là của tổ tiên người Dao, truyền đến đời các con trưởng, cháu trưởng.

Tuy nhiên, người được truyền những vật tối cổ kia là người không tốt, không xứng đáng được cất giữ kho báu, không xứng đáng được thờ tổ tiên, nên dòng họ đã quyết định đem những món đồ cổ đó cất giấu vào hang động.

Nhưng, lại có đồng chí cán bộ văn hoá của huyện khẳng định chắc chắn rằng, thanh kiếm cổ và những vật dụng của tổ tiên người Dao hiện do Phàn Tà Loàng cất giữ. Nhà anh này ở bản Nậm Ty (xã Nậm Ty, Hoàng Su Phì, Hà Giang).


Thanh kiếm của người Dao ở Hoàng Su Phì.
Mặc dù khó có cơ hội được chiêm ngưỡng thanh kiếm báu của tổ tiên người Dao ở Việt Nam, bởi đến cán bộ văn hoá của huyện, tỉnh còn không tiếp cận được, song tôi vẫn thử tìm đến nhà Loàng, biết đâu lại có duyên với kiếm báu.

Đường vào nhà Phàn Tà Loàng đúng là khủng khiếp, cứ dốc ngược lên đỉnh núi, với đá hộc lởm chởm, mây giăng khắp ngả. Gặp ngôi nhà to nhất bản, tôi hỏi nhà Loàng, thì một người trẻ tuổi bảo: “Loàng đây, anh hỏi Loàng có việc gì?”.

Tôi vốn mang ý nghĩ, Phàn Tà Loàng, người giữ kiếm báu của tổ tiên người Dao phải có tuổi, uy nghi, đạo mạo, thậm chí râu dài trắng như cước, hoặc ít ra cũng như ông thầy cúng đầy vẻ bí ẩn. Nhưng không ngờ, Loàng còn trẻ, chưa đến 40 tuổi, đang vật lộn với cái máy sao chè.

Tôi giới thiệu với Loàng là nhà báo, muốn tìm hiểu về kiếm báu của người Dao, Loàng tỏ ra lạnh nhạt, nhát gừng, như vẻ không muốn nói, cũng chẳng muốn kể. Uống hết ấm trà, Loàng cũng chỉ nói đại ý rằng: Bố Loàng là ông Phàn Chòi Cuối, là con cháu của tổ tiên người Dao, được truyền giữ đôi kiếm báu, gồm kiếm đực và kiếm cái từ năm 1974.

Năm 2007, ông Cuối chết, thì kiếm báu được truyền cho con trai là Loàng. Nhưng đầu 2011, đôi kiếm báu đã được chuyển cho người anh họ là Phàn Tà Phâu. Lúc này, tôi mới biết, dòng họ này giữ cả đôi kiếm báu, gồm cả kiếm đực và kiếm cái. Trước đó, các cán bộ văn hoá huyện kể rằng, kiếm cái do dòng họ Dao ở Nậm Ty giữ, còn kiếm đực do một dòng họ khác ở Lào Cai thờ.

Tôi hỏi rằng, có chuyện các cán bộ Bảo tàng Hà Giang hỏi mua thanh kiếm hay không, anh Loàng bảo có. Các cán bộ văn hoá đã tìm vào hỏi mua, trả giá 100 triệu đồng, song Loàng khẳng định không ai có thể mua được, vì đó là linh hồn của người Dao ở Việt Nam. Nếu người giữ kiếm mà bán, thì dòng họ sẽ cho lên giàn hoả thiêu.

Tuy nhiên, theo lời Loàng, thì những bức tranh cổ mới là quý, thậm chí còn quý hơn cả kiếm. Tôi ngỏ ý nhờ Loàng dẫn đường đến nhà ông Phâu, song Loàng không đồng ý. Loàng bảo, dù có gặp ông Phâu, cũng không xem được kiếm.

Trong lúc trò chuyện với Loàng, tôi mới biết, Loàng là em của ông Ké, Chủ tịch UBND xã Nậm Ty. Như vậy, ông Ké cũng là em họ của ông Phâu – người gữi kiếm cổ.

Tôi vốn quen ông Ké từ năm 1998, trong chuyến đi bộ 50km từ Tân Quang vào Hoàng Su Phì. Ngày đó, lũ lớn, núi lở, lấp hàng chục đoạn đường vào huyện này, nên xe cộ không đi được. Tôi đi bộ từ sáng đến đêm thì được nửa đường, ghé vào nhà ông Ké ăn nhờ, ngủ nhờ. Tôi vẫn nhớ hình ảnh bà vợ ông Ké, ngồi nhai quả mướp đắng mà uống 6 bát rượu ngô.

Gặp lại người cũ thật vui. Giờ ông Ké đã lấy vợ khác. Bà vợ này uống rượu kém hơn, chỉ 3 bát là say. Tôi hỏi chuyện về kiếm báu người Dao, ông Ké suy nghĩ rồi bảo khó có thể xem được. Tuy nhiên, ông dẫn tôi xuống núi tìm vào nhà ông Phâu. Nếu nhà Loàng ở trên đỉnh núi, thì nhà ông Phâu lại ở tận thung lũng.

Con dốc đá hộc lẫn đất đỏ trơn chuồi chuỗi xuyên qua đại ngàn vầu lẫn những cây cổ thụ to vài người ôm. Đi đến tối mịt thì đến nhà ông Phàn Tà Phâu. Ông Ké giao tôi và anh bạn đồng nghiệp cho ông Phâu rồi về luôn.


Ông Phàn Tà Phâu mở tủ lấy hai thanh kiếm báu cho phóng viên xem.
Ông Phâu khẳng định rằng, không thể xem kiếm báu được, nhưng vì nể quen “thằng em” là chủ tịch xã, nên ông sẽ kể chuyện về kiếm báu cho nghe. Sau khi mỏi mồm chửi “thằng em” con chú làm chủ tịch xã mà không chịu quan tâm đến dân bản, ông sai cô con gái vừa bị chồng bỏ đi mổ gà.

Ông bảo, chuyện về thanh kiếm thì dài dòng lắm, nó là của tổ tiên người Dao, rất xa xưa, nhưng hỏi ngay lúc đó thì ông không nhớ được, không biết kể từ đâu, nhưng uống mấy bát rượu rồi, có khi sẽ nhớ ra chuyện để kể cho nhà báo.

Không biết ông Phàn Tà Phâu cảnh giác với chúng tôi, hay muốn có người đỡ rượu, nên gọi thêm vợ chồng người cháu ở bên kia sườn núi đến nhà, rồi mới dùng bữa. Phàn Dùn Khuân mới 26 tuổi, nhỏ thó, song đã có vợ và 2 con.

Dù tửu lượng chẳng được mấy, nhưng biết cái bụng người vùng cao, nên tôi cứ uống. Chỉ là rượu sắn, rượu ngô, nhưng trong khung cảnh tĩnh mịch rừng già thấy chẳng có thú nào bằng.

Đi vùng cao nhiều, hiểu về phong tục người Dao chút ít, nên tôi và ông Phâu nói chuyện nhiều lắm. Hiểu được bụng mình, với lại rượu đã ngà say, sự cảnh giác của ông Phâu dường như đã tan vào chén rượu. Câu chuyện về thanh kiếm cổ, “kho báu” và cuộc thiên di của người Dao cứ bảng lảng sương khói giữa rừng rậm Hoàng Su Phì.

Thuỷ tổ của người Dao vốn là Bàn Hồ (Bàn Vương) ở phương Bắc xa xôi. Bàn Hồ vốn là một long khuyển mình dài 3 thước, lông đen với các sọc vàng từ đầu đến đuôi. Ông này vốn từ trên trời giáng xuống trần gian. Do lập nhiều công trạng đánh đông dẹp bắc, nên Bàn Hồ được Bình Hoàng gả cung nữ.

Ông sinh được 6 người con trai và 6 người con gái. 12 con lấy 12 họ khác nhau, lập ấp sinh sống ở các vùng khác. Do đất chật, người đông, chiến tranh liên miên, nên các dòng họ Dao phân tán đi khắp ngả. Thế nhưng, truyền thuyết về thuỷ tổ Bàn Vương của mình thì bất cứ dòng họ nào cũng nhớ.

Có nguồn sử liệu ghi chép rằng, người Dao đã di cư từ phương Bắc về Việt Nam chừng 1.000 năm trước, song gia phả, truyền thuyết, sách vở của các họ người Dao thì đều cho rằng, họ mới đi cư vào Việt Nam khoảng 300-400 năm mà thôi.

Theo ông Phâu, sách cổ của người Dao mà ông giữ, thì họ Bàn mới di cư đến Việt Nam gần 400 năm trước, vào thời nhà Lê và cũng là dòng họ đầu tiên thiên di từ phương Bắc về phía Nam. Họ Bàn và họ Phàn là một, là do mỗi vùng có một cách gọi khác nhau mà thành.

Cuộc thiên di của họ vô cùng vất vả, gian khổ, phải vượt qua không biết bao nhiêu sông, núi, rừng hoang cách trở. Họ bị chết hàng loạt vì đói khát, vì bị kẻ thù truy sát, tộc người bản địa sát hại, bệnh tật…

Mỗi cuộc thiên di là cả họ người Dao cùng kéo đi, đông đến hàng ngàn, hàng vạn người. Thứ mà mỗi cuộc thiên di họ đều phải mang theo và bảo vệ nghiêm cẩn như báu vật là những vật thờ tổ tiên.


Cờ quạt được sử dụng trong lễ múa kiếm.
Theo ông Phâu, những vật dụng đó vô cùng quan trọng với người Dao. Trong cuộc thiên di, khi qua con sông, qua ngọn núi, người Dao đều bày lễ cúng rất linh đình tưởng nhớ tổ tiên, cầu mong tổ tiên phù hộ cho chuyến vượt sông, leo núi.

Những đồ cổ của tổ tiên truyền lại được bày ra trong lễ cúng. Điều đặc biệt, trong lễ cúng đó, họ “mặc cả” với tổ tiên rằng, nếu phù hộ cho họ thành công khi vượt sông, vượt núi, họ sẽ rèn thêm dao, thêm kiếm, thêm vật dụng để tổ tiên… có đồ mà dùng.

Tổ tiên người Dao rèn, chế ra đủ các loại vật dụng như dao, kiếm, búa lớn, búa nhỏ, liềm, cuốc, bát, đĩa, bát hương, gậy… Trong số những món cổ vật, đặc biệt quý là tranh, gồm 18 bức khổ lớn. Những bức tranh thờ này vẽ đủ các vai vế, từ đế vương đến quan chức, dân thường, đàn ông, đàn bà, trẻ con, thầy cúng, binh mã, thế giới âm phủ...

Những bức tranh mô tả toàn bộ đời sống, sinh hoạt, văn hoá của người Dao thời xa xưa, kể cả cõi dương lẫn cõi âm. Chính vì thế, những bức tranh này vô cùng quý giá, đặc biệt quan trọng, như tính mạng của họ.

“Kho báu” ông Phàn Tà Phâu hiện đang giữ là những vật tối cổ của người Dao. Bản thân ông Phâu cũng không biết những vật dụng này có từ khi nào, nhưng chắc chắn nó có trước khi dòng họ này thiên di về Việt Nam, tức là hơn 400 năm trước.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

KIẾM BÁU KỲ LẠ
CỦA TỔ TIÊN NGƯỜI DAO-[2]


Cuộc thiên di vô cùng vất vả, khốc liệt và sự tồn tại của người Dao đến ngày hôm nay, theo suy nghĩ của họ, là nhờ sự phù hộ của tổ tiên. Chính vì lẽ đó, người Dao rất coi trọng việc thờ cúng thần linh và tổ tiên.

Những vật dụng của tổ tiên được họ giữ gìn cẩn trọng như báu vật và trong những buổi lễ truyền thống, họ mang “kho báu” đó ra để dâng tổ tiên bằng lòng thành kính với những nghi lễ tối cổ.

Người Dao có rất nhiều nghi lễ phức tạp trong năm và mỗi khi thầy cúng hành nghề, đều dùng đến những đồ vật cổ. Tuy nhiên, những vật dụng đem ra cúng bái chỉ là phiên bản. Ngay cả lễ cấp sắc quan trọng nhất đời người, các thầy cúng trong dòng họ cũng chỉ được mượn một số vật dụng đơn giản trong “kho báu” của tổ tiên người Dao do ông Phâu giữ.

Để mượn được đồ, thầy cúng phải đem lễ là miếng vải đỏ, túm gạo, xâu thịt dài và chút ít tiền. Thầy cúng phải mang bồ to đến đựng đồ vật. Tuy nhiên, không thầy cúng nào, không dòng họ nào được phép mượn đôi kiếm báu gồm kiếm đực và kiếm cái của tổ tiên người Dao.

Tôi hỏi, trong năm, khi nào thì kiếm báu mới xuất hiện để mọi người chiêm ngưỡng, thì Phàn Tà Phâu bảo rằng, chỉ duy nhất vào ngày tết Cúng nhảy. Tết Cúng nhảy có thể chọn bất kỳ ngày nào, từ ngày mùng 1 đến 15 tháng giêng. Tết Cúng nhảy chính là lễ cúng tổ tiên. Khi đó, tất cả các cổ vật sẽ được trưng ra, đôi kiếm báu sẽ xuất hiện trong cảnh cực kỳ liêu trai chí dị.


Trong lễ cúng, thầy cúng vung kiếm đâm loạn xạ, nhưng không làm ai bị thương.
Rượu ngà say, ông Phàn Tà Phâu mới mở lời: “Sự thực thì tôi cũng không muốn giấu giếm gì, cũng muốn cho nhà báo thấy, để tuyên truyền, giữ gìn văn hoá người Dao, nhưng ngặt nỗi, đây là kiếm báu của tổ tiên người Dao cả nước này, với những mười mấy họ, nên tôi rất sợ.

Cho nhà báo xem rồi, nhỡ dòng họ xảy ra chuyện gì, người ta lại trách mắng thì tôi gánh sao hết tội. Ngay cả người Dao ở bản này, cũng có mấy ai được nhìn kiếm báu đâu, chứ đừng nói chạm vào… Mà có phải chỉ có mỗi kiếm đâu, còn nhiều tranh cổ, đồ cổ quý lắm”.

Ông Phâu vừa uống rượu vừa kể về kiếm cổ với lòng thành kính sâu sắc như kính ngưỡng tổ tiên. Xưa kia, chính bố ông là người giữ “kho báu” này. Bố ông mất, thì chuyển cho chú ruột ông là ông Phàn Chòi Cuối.

Ông Cuối mất năm 2007 thì con trai là Phàn Tà Loàng giữ. Đến đầu năm nay, các báu vật mới chuyển cho ông Phâu, tức là ông mới được giữ có 8 tháng. Câu chuyện chuyển kiếm cổ và kho báu sang nhà Phàn Tà Phâu quả là nhuốm màu liêu trai, kỳ bí.

Câu chuyện đang đến hồi hấp dẫn thì anh Triệu Dào Và, người Dao trong bản soi đèn pin đến nhà ông Phâu chơi. Nâng chén rượu, Và bảo, sống ở đất này từ bé, đã 40 năm, mà cũng chưa một lần được nhìn kiếm báu.

Rồi anh chàng Phàn Dùn Khuân, cháu ruột của ông Phâu cũng chêm vào, rằng mang tiếng là sống ở ngay cạnh nhà chú, uống rượu với chú bao nhiêu lần, mà cũng chưa biết hình thù kiếm báu ra sao.

Bản thân Khuân cũng đã mấy lần nhảy lửa, vác búa xông vào trận tiền trong các buổi lên đồng trong lễ Cúng nhảy, nhưng cũng chưa được nhìn kỹ kiếm báu lần nào. Lúc kiếm báu “ra trận”, là lúc Khuân đang say máu với đống lửa, với những trận chiến kinh hồn bạt vía không thể giải thích nổi.

Rượu tàn canh, cả nhà báo và gia chủ say mèm, ông Khuân vững dạ tuyên bố: “Thế thì sáng mai ta sẽ cho nhà báo được xem kiếm báu của tổ tiên ta”. Nói xong, ông lên giường ngáy o o.

Trận chiến kỳ lạ

Chuyện chuyển kiếm báu và các cổ vật từ nhà Phàn Tà Loàng sang nhà Phàn Tà Phâu mang chất liêu trai kỳ dị. Theo lời ông Phâu, kiếm cổ và các vật báu không nhất thiết phải truyền đến những người trong gia đình, mà có thể truyền cho các gia đình khác, thậm chí dòng họ khác, miễn là người Dao, chung một ông tổ Bàn Vương.

Việc kiếm báu được luân chuyển không phụ thuộc vào ý chí của các gia đình, cá nhân, mà phụ thuộc vào “mong muốn của tổ tiên”. Nếu gia đình nào tốt, thì kho báu và kiếm cổ ở, còn không tốt, thì sẽ “đòi” đi nhà khác.

Nếu tổ tiên muốn đến ở nhà ai, thì nhà đó phải phụng sự. Tổ tiên sẽ tạo ra các dấu hiệu để nhận biết mong muốn của tổ tiên. Tổ tiên đã ẩn linh hồn trong đôi kiếm báu cùng các vật cổ này. Nếu dòng họ không còn ai tốt nữa, thì sẽ phải mang những vật báu này giấu vào hang động và vĩnh viễn không được sờ đến nữa.


Ông Phâu và hai thanh kiếm báu của tổ tiên người Dao.
Theo ông Phâu, suốt năm 2010, giữa nhà ông và nhà Phàn Tà Loàng xảy ra rất nhiều biến cố kinh dị tương đối giống nhau. Cả hai nhà vợ chồng không êm ấm, bố mẹ chết, con cái chia lìa (con rể ông Phâu bỏ đi lấy vợ khác), nhiều người ốm đau, bệnh tật, trâu lăn ra chết, gà lợn mắc dịch, sâu ăn hết lúa ngô, cơm chưa nguội đã thiu.

Ban ngày, chó quan hệ với lợn, nửa đêm trèo lên mái nhà tru như sói, mèo lên bàn thờ ngủ… Rơi vào hoàn cảnh đó, tin rằng, tổ tiên đang hành nhà Loàng và nhà ông Phâu, ý muốn được về nhà ông Phâu ở, nên cả hai nhà đi gặp thầy bói. Thầy bói cũng phán, tổ tiên muốn về nhà ông Phâu ở nên mới gây sự đảo điên như thế.

Xem bói xong, họ tộc họp bàn và quyết định như ý thầy bói. Ông Phâu buộc phải có trách nhiệm với tổ tiên, còn Loàng thì dù không muốn trao vật báu gia đình đã giữ mấy chục năm, song cũng phải tuân theo. Có lẽ, vì nguyên do đó, mà chúng tôi hỏi về kiếm báu, Loàng giữ thái độ lạnh nhạt.

Lễ cúng chuyển vật báu của tổ tiên diễn ra hết sức quan trọng. Ông Phâu mổ gà, mổ lợn kính báo tổ tiên, thết đãi dòng họ, ăn uống linh đình cả ngày. Cả dòng họ có mặt đưa tiễn và rước tổ tiên về nhà ông Phâu. Các cụ già, thanh niên, trẻ con đều khóc to lắm, khi được đưa rước tổ tiên đến ngôi nhà mới.

Đưa kho báu về rồi, ông Phâu được chia 9 sào ruộng tốt nhất vùng. Ông Phâu sẽ nhận cấy hái, trồng trọt và dùng lương thực đó phục vụ các nghi lễ cúng tổ tiên.

Khi gà rừng cất tiếng gáy, con bìm bịp chạy ra từ bụi vầu trước nhà, tôi trở dậy, thì thấy bố con ông Phàn Tà Phâu cùng vợ chồng cậu cháu Phàn Dùn Khuân đã mổ xong gà, chuẩn bị rượu làm lễ cúng, xin tổ tiên cho phép nhà báo được xem kiếm báu. Bàn thờ nghi ngút khói, ông Phâu đứng trước ban thờ đọc bài cúng dài dằng dặc tới cả chục trang sách.

Ông Phâu trèo lên nóc tủ mở khoá, cẩn thận mang một số cổ vật cho chúng tôi xem. Ông Phâu vừa nhấc đôi kiếm cổ, Phàn Dùn Khuân và Triệu Dào Và đã chạy đến đỡ thanh kiếm với sự sững sờ và thành kính. Tôi cứ ngỡ, kiếm báu của tổ tiên người Dao phải lớn lắm, sắc lắm, thậm chí nạm vàng, nhưng hoá ra, đó là đôi kiếm đen sì, xỉn màu và đang han gỉ.

Quả thực, đây là đôi kiếm rất cổ. Thanh kiếm to là kiếm đực, nhỏ hơn là kiếm cái. Kiếm đực có chuôi nhọn, kiếm cái chuôi vuông. Ở đuôi chuôi kiếm là những chiếc vòng sắt treo các đồng xu. Chuôi và lưỡi ngăn cách bằng hình chữ U.

Tôi cầm thanh kiếm múa thử, nhưng cảm giác không được thoải mái. Có lẽ, đôi kiếm này chỉ mang giá trị tâm linh, chứ không phải dùng để ra trận. Khi nâng hạ kiếm, những chiếc đồng xu va đập vào nhau leng keng nghe vui tai và có lẽ để tạo âm thanh trong những buổi thầy cúng múa kiếm.


Với kiểm trang trí này, thanh kiếm giống “kiếm cúng” sử dụng trong nghi lễ hơn là kiếm thực chiến.
Ngoài đôi kiếm đực - cái quý nhất này, thì còn nhiều loại dao rựa, dao phay, dao quắm, kiếm, búa, lao lớn bé và các thứ vũ khí khác nữa. Những thứ vũ khí này sẽ được đem ra sử dụng vào tết Cúng nhảy đầu năm. Ngày tết Cúng nhảy, hàng trăm người của dòng tộc sẽ có mặt ở nhà ông Phâu, mổ lợn, gà sống 18 con, rượu nhiều can, cúng bái, ăn uống linh đình.

Sau khi cúng Bàn Vương, sẽ diễn ra nhiều nghi lễ huyền bí, trong đó có lễ nhảy lửa. Người ta sẽ đốt một đống gỗ to tướng để lấy than. Sau khi thầy bói đọc thần chú, lần lượt từng người sẽ nhảy vào đống than hồng.

Hứng chí thì lăn lê bò toài trên đống than, bốc than nóng nghịch, cho vào mồm nhai lạo xạo.

Cùng với màn nhảy lửa, sẽ là các màn múa thiêng diễn tả lại các sự kiện, huyền tích tổ tiên, về hành trình gian khổ đi tìm đất mới, cuộc chiến đấu giữa thiện và ác, lao động sản xuất, bài học làm người…

Màn lễ bí ẩn nhất trong lễ Cúng nhảy tại nhà ông Phâu là cuộc chiến đấu trực diện. Người cầm thanh kiếm đực là vua, người cầm kiếm cái là tướng. Những người cầm dao, búa, chuỳ, liềm, gậy gộc là các tiểu tướng, binh lính. Màn múa này gọi là múa dao, hay còn gọi là điệu múa “ra binh vào tướng”.

Quang cảnh thời khắc đó thật khó lý giải. Những người tham gia cầm vũ khí như bị thôi miên, nhập đồng. Bình thường, họ chỉ là những nông dân chân lấm tay bùn, chưa một ngày tập võ, vác đao đi đánh giặc, thế nhưng, rơi vào trạng thái đó, họ múa kiếm cực kỳ điêu luyện, đẹp mắt.


Sau màn múa kiếm kỳ ảo, sẽ diễn ra cuộc chiến cực kỳ quái gở. Những người múa kiếm, đao, búa sẽ xông vào nhau đâm chém ác liệt. Cứ như thể thần linh nhập vào những người này và dùng những miếng võ ác hiểm sát hại nhau. Những mũi kiếm lao vun vút, cắm thẳng vào mặt, họng, ngực đối phương.

Nhưng kỳ lạ thay, dù đâm chém cật lực, song chẳng ai bị thương. Những người tham gia múa kiếm đều chống đỡ hoặc né tránh được các đòn hiểm ác. Tại nhà ông Phâu, trong dịp Cúng nhảy đầu năm, một số trường hợp tránh đòn đã nhảy phốc một cái lên tận xà nhà cao tới 3m, rồi lại lao xuống phóng thẳng vào đầu đối thủ.

Nhiều vụ đâm chém gãy cả kiếm, búa, nhưng người thì vẫn không hề hấn gì. Sau trận chiến kinh hồn đó, vũ khí gẫy la liệt. Những người thợ của dòng họ này lại phải rèn những vũ khí mới bù vào số vũ khí gẫy, hỏng để chuẩn bị cho trận chiến năm sau.

Câu chuyện về kiếm báu, cuộc thiên di gian khổ, cùng với những câu chuyện kỳ bí liên quan đến các buổi hành lễ của người Dao nơi đại ngàn Hoàng Su Phì thật hấp dẫn, nhuốm màu huyền thoại.

Ông Phâu bảo: “Kiếm báu là tổ tiên của người Dao, tổ tiên ẩn mình trong kiếm báu, bảo vệ mùa màng, văn hoá, cuộc sống của người Dao, nên với người Dao kiếm cổ là thứ vô giá. Giá trị của kiếm cổ cũng như các cổ vật tổ tiên người Dao để lại không thể đo đếm bằng tiền được. Tự thân dòng họ sẽ có ý thức bảo tồn, giữ gìn các cổ vật và phát huy giá trị của nó”.

VTCNews
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

TRẠNG NGUYÊN CUỐI CÙNG
TRỊNH HUỆ


Trong lịch sử khoa bảng Việt Nam từ năm 1075 đến năm 1919, nếu Trạng nguyên đầu tiên Lê Văn Thịnh (1075) có công lớn đòi lại được vùng đất 6 Huyện và 3 Động, thì Trạng nguyên cuối cùng Trịnh Huệ (1736) là một nhân tài đáng kinh ngạc, khiến lắm kẻ ban đầu dị nghị nhưng sau cùng cũng chỉ có thể tâm phục khẩu phục.

Dòng dõi nhà Chúa

Theo ghi chép từ sách “Kim Giám Thực Lục” (1802) và “Kim Giám Tục Biên” (1869) thì Trịnh Huệ là cháu 5 đời của chúa Trịnh Tùng, thuộc dòng của Thuần Nghĩa Công Trịnh Dương. Tuy vậy gia cảnh của ông rất nghèo, đến đời bố ông thì phải rời nơi sinh sống từ xã Sóc Sơn (huyện Vĩnh Phúc, tỉnh Thanh Hoá) đến bãi Cồn Thần (nay là phần đất tại hai trường THCS Nguyễn Du và trường THPT Quảng Xương I).

Nhưng cuộc sống vẫn khó khăn tứ bề khiến bố ông phải chuyển đến làng Ngọc Am, xã Bất Quần (nay là xã Quảng Thịnh, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hoá) để sinh sống. Tại đây bố ông đã gặp và nên duyên với một thôn nữ vừa đẹp người vừa đẹp nết. Hai người kết hôn và sinh được một nhân tài hiếm có đó chính là Trịnh Huệ.

Thần đồng hiếm có từ nhỏ

Theo “Trịnh Vương ngọc phả” thì Trịnh Huệ thuở nhỏ rất thông minh và chịu khó học hành, liếc mắt qua một lượt thuộc ngay mười hàng chữ, chục năm sau có thể đọc lại vanh vách.


(Tranh minh hoạ của hoạ sĩ Đức Hoà trong bộ “Lịch sử Việt Nam bằng tranh”)
Năm 1723 Trịnh Huệ thi Hương và đỗ ngay Hương cống (tức đỗ đầu), được chúa Trịnh Giang mời vào cung Tân Nhân giao cho chức phó Tri Hình Phiên.

Tại khoa thi năm Bính Thìn (1736), ông đỗ đầu kỳ thi Hội, vào đến thi Đình ông cũng lại đỗ đầu, trở thành Trạng nguyên.

Tại Văn Miếu Hà Nội ngày nay vẫn còn bia tiến sĩ khoa thi năm Bính Thìn (1736), bia có đề rằng:

Cho đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ, đệ nhất danh: Trịnh Huệ, làng Sóc Sơn, huyện Vĩnh Phúc, trú quán xã Bất Quần, huyện Quảng Xương… Ra lệnh khắc tên vào đá để truyền mãi mai sau.

Sau năm 1736, dù các kỳ thi khoa bảng vẫn còn nhưng ngôi Trạng nguyên không còn có ai nữa.

Sau khi đỗ Trạng nguyên, Trịnh Huệ được phong Đông các đại học sĩ, rồi lên tới chức Tham tụng Thượng thư bộ Hình (tước Quận Công) tức ngang với chức Tể Tướng trong triều.

Năm 1740, Phủ Chúa có biến, chúa Trịnh Doanh lên thay Trịnh Giang, Trịnh Huệ bị nghi ngờ theo phe của Hoàng Công Phụ nên bị bắt giam để điều tra. Tuy nhiên nhận thấy ông vô tội nên chúa tha và phong làm Tế Tửu Quốc tử giám. (Về biến cố của Phủ Chúa, xem bài: “Làm ác gặp ác báo”: Vị Chúa trong sử Việt phải chui nhủi dưới hầm suốt 20 năm cuối đời)

Trạng nguyên mở lòng: “Ai có câu hỏi gì khó… xin trả lời hết”

Nhìn lại, con đường hoạn lộ của Trịnh Huệ tiến nhanh, nhưng vì ông là con cháu nhà Chúa nên nhiều người dị nghị tỏ ra không phục. Thậm chí nhiều người cho rằng việc đỗ Trạng nguyên của ông cũng do là người của nhà Chúa.

Trong dân gian lưu truyền câu chuyện như một giai thoại, kể rằng nghe được những lời dị nghị này Trịnh Huệ bèn nói:

Tôi đã nhất Tam khôi mà nói là do Vương phủ thiên vị thì còn gọi gì là văn chương nữa! Nay để khỏi nghi ngờ, trong triều ngoài nội ai có câu hỏi gì khó ở bất cứ sách vở nào về kinh sử, tả truyện, ý nho, lý số thì đem đến tôi xin trả lời hết!

Lập tức nhiều người không phục đến chất vất thử tài nhằm đưa ông vào thế bí để bêu rếu khắp nơi. Biết ông đương nhiên hiểu việc trong nước, nên nhiều người hỏi sách vở Trung Hoa. Trịnh Huệ đều rất tỏ tường khiến không ai tìm ra điểm yếu.

Họ quay lại hỏi các vấn đề trong nước nhưng cũng không sao bắt bí được, các vấn đề ông đều trả lời thông suốt.


(Tranh minh hoạ của hoạ sĩ Đức Hoà trong bộ “Lịch sử Việt Nam bằngtranh”)
Thế nhưng không ai muốn thua cuộc và thừa nhận tài năng của ông một cách dễ dàng. Để ông lâm vào thế bí, một người đã hỏi rằng:

Chiếc đũa là vật thiêng không có chân, lúc thì gãy, lúc thì mất. Vậy nó chạy đi đâu, ở trong kinh điển nào?

Thế nhưng ông vẫn mỉm cười, dáng đứng khoan thai đọc hai câu thơ của vua Lê Thánh Tông:

Trời còn giành để An Nam mượn
Vạch chước bình Ngô mãi mới vừa.

Rồi ông nói:

Đó chẳng phải là câu thơ của Lê Thánh Tông bản Triều vịnh núi Chiếc Đũa, nơi khởi phát đế nghiệp mở ra công cuộc bình Ngô của nước ta hay sao? Núi Chiếc Đũa không có chân mà chạy về góc đó.

Quả là ở Thanh Hoá, nơi của biển Thần Phù, nay thuộc địa phận làng Văn Đức, xã Nga Phú, huyện Nga Sơn có ngọn núi đứng một mình tên chữ là “Chính Trợ Sơn” gọi nôm là núi Chiếc Đũa, đã có tên trong sách vở. Xưa nhiều vị Vua Chúa đi qua đều có vịnh thơ ca ngợi cảnh đẹp nơi đây.

Lúc này mọi người cũng chẳng còn gì để hỏi ông nữa cả, chỉ còn có thể tâm phục khẩu phục tài học của ông.

Dạy học miễn phí cho người dân

Sau này khi nghỉ hưu Trịnh Huệ về nhà ở thôn Thọ Sơn, xã Bất Quần ở chân núi Voi. Tương truyền xưa khi bà Triệu thua trận, những con voi chạy tán loạn, trong đó con voi đầu đàn đã chạy đến vùng này thì hoá đá tạo thành dãy núi. Người dân nơi đây thấy con vật linh thiêng liền gọi dãy núi này là núi Voi.

Khi Trạng nguyên Trịnh Huệ về đây dạy học, ông bỏ tiền thuê người xây dựng nhà để người dân tới học chữ. Đặc biệt ông dạy học không phân biệt giàu nghèo, trai gái hay tuổi tác, ai có tâm muốn học là ông dạy, và ông cũng dạy hoàn tiền miễn phí, không thu tiền của người dân.

Vì thế người dân trong vùng cũng có người thân mật gọi ông là Trạng Voi.


Chùa Voi, nơi đây xưa kia là nhà của Trạng nguyên Trịnh Huệ dùng để dạy học miễn phí cho người dân. (Ảnh từ báo Thanh Hoá)
Ngôi nhà năm xưa Trạng nguyên Trịnh Huệ dùng để dạy học đến nay không còn nữa, vị trí ngôi nhà được thay thế bằng ngôi chùa Voi khang trang. Bên cạnh ngôi chùa vẫn còn đó hai chiếc cột đá, vốn là vật dụng mà khi xưa Trịnh Huệ dùng để treo kẻng, mỗi khi đến giờ ông liền gõ kẻng để học trò vào lớp.

Trong số các học trò của ông có nhiều người đỗ cao và làm quan. Khi ông mất các học trò của ông đã cho xây nhà thờ để thờ phụng người thầy đáng kính của mình.


Tấm biển đá “Trạng Nguyên từ”. (Ảnh từ báo Thanh Hoá)
Lê Quý Đôn khi còn làm đốc học ở Thanh Hoá đã đến thăm đền thờ Trịnh Huệ, ông đã quyên góp tiền để tu sửa lại rồi khắc biển treo trước đền là “Trạng nguyên từ” để người đời ngàn năm ghi nhớ.


Phong cảnh nơi đây hữu tình, vua Tự Đức đã làm thơ tạc trên núi. (Ảnh từ kienthuc.net.vn)
Đến thời vua Tự Đức, một lần nhà Vua đi qua dãy núi hình con voi đồ sộ, dưới chân núi là dòng sông thơ mộng, nhà vua cảm hứng mà làm một bài thơ, không chỉ ca ngợi cảnh đẹp mà còn nói lên đức độ của Trạng nguyên Trịnh Huệ, rồi yêu cầu Tổng đốc Thanh Hoá lên đỉnh núi Voi để khắc ghi.

Trần Hưng
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 53 trang (523 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [35] [36] [37] [38] [39] [40] [41] ... ›Trang sau »Trang cuối