Trang trong tổng số 53 trang (523 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [36] [37] [38] [39] [40] [41] [42] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Poet Hansy

NGƯỜI TÌNH CUỐI TRONG CUỘC ĐỜI
HỒ XUÂN HƯƠNG LÀ AI?


Mối tình cuối cùng của Hồ Xuân Hương là với Tham hiệp trấn Yên Quảng Trần Phúc Hiển vào khoảng năm 1814 -1818, đây có lẽ là thời gian hạnh phúc nhất của bà.
Nữ sĩ họ Hồ là một tài thơ hiếm thấy và có mối kết giao rộng rãi với các bậc văn nhân tài tử đương thời. Xuân Hương từng kết bạn với Nguyễn Du, Tốn Phong Thị, Chiêu Hổ, Tham hiệp trấn Sơn Nam Hạ Trần Quang Tỉnh.... và đã làm lẽ vài lần.

Những mối tình của bà luôn gắn với những giai thoại lưu truyền trong dân gian và trong thơ ca. Mối tình cuối cùng của Hồ Xuân Hương là với Tham hiệp trấn Yên Quảng Trần Phúc Hiển. Hồ Xuân Hương làm vợ lẽ Trần Phúc Hiển vào khoảng năm 1814 đến 1818, và đây có lẽ là khoảng thời gian hạnh phúc nhất của bà.

Tranh minh hoạ thơ Hồ Xuân Hương của Bùi Xuân Phái.
Trần Phúc Hiển là người đàng trong. Ông vốn con nhà thi thư, năm Gia Long thứ 2 (1803), được bổ chức Hàn lâm viện thi thư, sau đó làm Tri phủ Tam Đái thuộc trấn Sơn Tây. Đến năm Gia Long thứ 12 (1813), Trần Phúc Hiển được thăng chức Tham hiệp trấn Yên Quảng, trấn lị Yên Quảng bấy giờ đóng tại Quảng Yên, nay là thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh. Trần Phúc Hiển khi đó đã có vợ ở quê nhưng người vợ không theo chồng ra Bắc nên đã lấy lẽ Hồ Xuân Hương và đến sống ở Quảng Yên.

Trong thời gian yêu và lấy Trần Phúc Hiển, Xuân Hương đã vài lần phải tạm xa chồng, bằng chứng là có hai bài thơ Nôm trong tập Lưu Hương ký ghi lại việc này. Bài thơ vừa đề tặng và cũng để nhắc nhở đấng phu quân chớ quên tình nghĩa vợ chồng.

Bạch Đằng giang tặng biệt (Tặng bạn khi chia tay ở sông Bạch Đằng)

Khấp khểnh đường mây bước lại dừng,
Là duyên là nợ phải hay chăng.
Vín hoa khéo kẻo lay cành gấm,
Vục nước xem mà động bóng giăng.
Lòng nọ chớ rằng mây nhạt nhạt,
Lời kia này đã núi giăng giăng.
Với nhau tình nghĩa sao là trọn,
Chớ thói lưng vơi cỡ nước Đằng.

Khi chồng giữ chức Tham hiệp trấn Yên Quảng, Xuân Hương đã được chồng nhờ giúp các công việc hành chính ở công đường và nổi tiếng là một tài nữ.

Trong thời gian sống cùng chồng ở Yên Quảng, Xuân Hương đã đi thăm nhiều nơi. Trấn Yên Quảng khi đó có phủ Hải Đông gồm 3 huyện (Yên Hưng, Hải Đông, Hoành Bồ) và 3 châu (Tiên Yên, Vạn Ninh, Vân Đồn) với 16 tổng, 123 phường, phố, vạn, xóm.

Tranh Thi sĩ Hồ Xuân Hương của hoạ sĩ Phùng Dzi Thuần.
Vịnh Hạ Long - vũng Hoa Phong đã gây cho bà những ấn tượng đặc biệt, chùm thơ chữ Hán của Xuân Hương viết về vịnh Hạ Long là cảm nhận riêng về cảnh vật, con người và những hoạt động trên vùng quê sông nước.

Năm bài thơ chữ Hán đó là Độ Hoa Phong (Qua vũng Hoa Phong), Trạo ca thanh (Trỗi tiếng ca chèo), Nhãn phóng thanh (Mắt toả màu xanh), Thuỷ vân hương (Về chốn nước mây) và Hải ốc trù (Nghóng đỉnh Toan Ngoan). Cả năm bài thơ về Vịnh Hạ Long đều ghi lại những cảnh đẹp khác nhau của vùng biển và con người nơi đây. Dưới đây là bài Độ Hoa Phong (Qua vũng Hoa Phong):

Lá buồm thủng thỉnh vượt Hoa Phong,
Đá dựng bờ son mọc giữa dòng.
Dáng nước lần theo chân núi chuyển,
Mình lên nghiêng lối để duềnh thông.
Cá rồng lẩn nấp hơi thu nhạt,
Âu lộ cùng bay bóng xế hồng.
Băm sáu phòng mây cùng động ngọc,
Đâu nào là cái Thuỷ tinh cung?
(Hoàng Xuân Hãn dịch)

Nhưng ngày vui chẳng được bao lâu, năm Gia Long thứ 17 (1818), Trần Phúc Hiển bị người châu Vạn Ninh (Móng Cái) tố cáo nhận hối lộ, Phúc Hiển bị bắt giam và bị xử tử vào năm sau (1819).

Sau năm 1819, câu hỏi về cuộc đời Xuân Hương vẫn còn bỏ ngỏ. Có ý kiến cho rằng sau đó Xuân Hương đã lên núi Yên Tử viết đơn, mong giải cứu cho chồng...

TẦN TẦN
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

GIỮA HỒ XUÂN HƯƠNG
VÀ ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU
CÓ MỘT MỐI TÌNH?


Xuân Hương đang ở tuổi 18 căng tràn sức sống, Nguyễn Du 24 tuổi nhiều ưu tư, họ gặp nhau trong một lần hái sen Hồ Tây, cảm mến tài thơ và có mối quan hệ tình cảm trong ba năm.

Nguyễn Du sinh năm 1766, Hồ Xuân Hương sinh năm 1772, hai người cùng lứa (chênh nhau 7 tuổi), có những khoảng thời gian cùng sống ở kinh thành Thăng Long. Nguyễn Du là con nhà đại quý tộc, Hồ Xuân Hương cũng con nhà trâm anh. Đời sống của cả hai đều có nhiều lận đận, trong khi Nguyễn Du sớm mất cha, rồi mồ côi mẹ, thì Hồ Xuân Hương cũng là con vợ lẽ, cha mất, mẹ tái giá.

Điều quan trọng nhất, cả hai đều là những tao nhân mặc khách sống cùng thời, những văn nhân, thi hào nổi tiếng của dân tộc. Vì thế, có nhiều người đặt ra giả thiết, cho rằng giữa bà chúa thơ Nôm và đại thi hào dân tộc thực sự đã có mối tình riêng.

Mối tình chốc đã ba năm vẹn

Câu chuyện có lẽ bắt nguồn từ một bài thơ có trong tập Lưu Hương ký của Hồ Xuân Hương. Bài thơ có tên bằng chữ Hán: Cảm cựu kiêm trình Cần chánh học sĩ Nguyễn Hầu, nghĩa là Nhớ bạn cũ, viết gửi cần chánh học sĩ Nguyễn Hầu; dưới tên bài thơ còn ghi chú: “Hầu Nghi Xuân Tiên Điền Nhân”.

Nguyễn Hầu ở đây chính là Nguyễn Du, quê ở Nghi Xuân, Tiên Điền, năm 1805 được phong Du Đức Hầu, đến năm 1813 được thăng Cần chánh học sĩ sung Chánh sứ sang nhà Thanh.

Bài thơ được Hồ Xuân Hương được viết năm 1813, năm Nguyễn Du được phong làm Cần Chánh học sĩ, như sau:“Dặm khách muôn nghìn nỗi nhớ nhung/ Mượn ai tới đấy gửi cho cùng/ Chữ tình chốc đã ba năm vẹn/ Giấc mộng rồi ra nửa khắc không/ Xe ngựa trộm mừng duyên tấp nập/ Phấn son càng tủi phận long đong/ Biết còn mảy chút sương đeo mái/ Lầu nguyệt năm canh chiếc bóng chong”.

Phân tích bài thơ, có thể thấy rõ tình cảm của Hồ Xuân Hương. Hai câu “Chữ tình chốc đã ba năm vẹn/ Giấc mộng rồi ra nửa khắc không” cho thấy hai người có tình cảm trong ba năm tròn. Giả thiết đặt ra hai người gặp nhau ở một trong những lần Nguyễn Du qua Thăng Long và nảy sinh tình cảm.

Với hai câu thơ “Xe ngựa trộm mừng duyên tấp nập/ Phấn son càng tủi phận long đong” có nhiều cách lý giải khác nhau. Có ý kiến cho rằng “mừng duyên tấp nập” ở đây là chỉ chuyện Nguyễn Du được thăng chức Cần chính Học sĩ và đi sứ. Nhưng cũng có ý kiến nói “duyên tấp nập” ở đây là nói chuyện Nguyễn Du cưới vợ; còn Xuân Hương thấy vậy chỉ chạnh nghĩ đến duyên phận long đong của mình mà tủi phận.

Về phía Nguyễn Du, không có bất cứ một tác phẩm nào lưu lại cho thấy ông nhắc trực diện tới tình cảm với Hồ Xuân Hương. Trong những lần Nguyễn Du qua lại Thăng Long, thi hào có để lại bài thơ Long thành cầm giả ca, cảm thương tiếng đàn, nhan sắc của người con gái đất Thăng Long.

Có nhiều người cho rằng nhân vật cô gái trong bài thơ là Hồ Xuân Hương. Nhưng nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, trong một bài viết ông tưởng tượng ra cảnh gặp Nguyễn Du và hai người đối thoại; trong cuộc trò truyện đó, Nguyễn Du khẳng định Hồ Xuân Hương không phải nhân vật trong Long thành cầm giả ca, bởi bà chúa thơ Nôm không phải là kỹ nữ.

Theo Nguyễn Trọng Tạo, Hồ Xuân Hương chính là nhân vật trong bài thơ Mộng Đắc thái liên (Mộng thấy hoa sen) của Nguyễn Du. Căn cứ vào những câu thơ trong bài “Hái, hái sen Hồ Tây… Sáng nay đi hái sen/ Nên mới hẹn cô láng giềng xóm Đông” khiến nhiều người cho rằng Nguyễn Du và Xuân Hương là hàng xóm của nhau, nảy sinh tình cảm qua lại trong ba năm. Để rồi sau đó tình cảm của họ vấn vương mãi, như lời thơ Nguyễn Du viết: “Hoa sen ai cũng ưa/ Cuống sen chẳng ai thích/ Trong cuống có mành tơ/ Vấn vương không thể dứt”.

Tiểu thuyết về mối tình như mơ giữa Hồ Xuân Hương và Nguyễn Du

Giai thoại về tình cảm của Hồ Xuân Hương và Nguyễn Du còn được tác giả Hoàng Khôi - một nhà nghiên cứu trong hội Kiều học - viết thành sách. Trong cuốn tiểu thuyết Nguyễn Du Trên đường gió bụi, tác giả viết về quãng thời gian 10 năm lưu lạc của Nguyễn Du (1786-1796), trong đó có những năm đại thi hào lưu lại kinh thành và có tình cảm với nữ sĩ Xuân Hương.

Sách viết, khoảng năm 1790, Nguyễn Du ở tại gác tía gần Hồ Tây của anh trai là Nguyễn Khản (lúc đó đang làm quan Tham tụng). Làng Nghi Tàm hồi ấy có gia đình thầy đồ Diễn trú ngụ. Gia đình thầy đồ có cô con gái tên Xuân Hương.

Xuân Hương đang ở tuổi 17-18, là cô gái xinh xắn, thông minh, tinh nghịch được ông bà đồ chiều chuộng. Cô học chữ Hán, chữ Nôm tinh thông, lại biết làm thơ, ứng đối sắc sảo. Vì thế nhiều người trong đám học trò cảm mến Xuân Hương.

Sách Nguyễn Du trên đường gió bụi đặt ra giả thiết về mối tình giữa Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương.
Cuốn sách vẽ ra một cuộc tình đẹp như mơ. Năm ấy, Nguyễn Du 24 tuổi, ưu tư, thâm trầm; còn Xuân Hương đang tuổi 18 căng tràn sức sống, thông minh hoạt bát. Xuân Hương gặp Nguyễn Du trong một lần bơi thuyền đi hái sen. Họ nhanh chóng cảm mến nhau.

Sách viết: “Xuân Hương gặp Nguyễn Du, thấy chàng vừa sâu sắc vừa thông minh hóm hỉnh nên ngày càng cảm mến. Còn Nguyễn Du trong nỗi cô đơn dằng dặc mấy năm trời, nay gặp được một cô gái trẻ sắc sảo, tài hoa lại mạnh mẽ nên tự nhiên thấy mình như có sự bù đắp. Dù chưa ai nói gì với ai, cả hai đều ngầm cảm nhận một tình cảm lạ đang nhen nhóm trong mình”.

Cuốn sách còn miêu tả hai tao nhân mặc khách cùng nhau xướng thơ, quan tâm chăm sóc, đưa nhau đi thăm thú bè bạn chốn kinh thành. Đặc biệt, hai hồn thơ lớn đều mượn thi cả để bày tỏ tình cảm. Xuân Hương làm bài Hỏi trăng, mượn lời cô gái ướm hỏi ý người yêu: “Hỏi con bạch thỏ đà bao tuổi/ Lại chị Hằng Nga đã mấy con?/ Đêm tối cớ chi soi gác tía?/ Ngày xanh còn thẹn với vừng son/ Năm canh lơ lửng chờ ai đó?/ Hay có tình riêng với nước non?”.

Đại thi hào cũng bày tỏ nỗi lòng sâu kín của mình qua bài thơ Thạch Đình tặng biệt: “Đường nghĩa bấy lâu trót vẽ vời/ Nước non sầu nặng muốn đi về/ Cung hoàng diệu vợi đường khôn lọt/ Đường nguyệt mơ màng giấc hãy mê/ Đã chắc hương đâu cho lửa bén Lệ mà hoa lại quyến xuân đi/ Xanh vàng chẳng phụ lòng nhân ái/ Tròn trặn gương tình cũng khó khi”.

Cuốn sách viết, mối tình của Xuân Hương và Nguyễn Du kéo dài trong ba năm, cho tới khi Nguyễn Du phải về lại Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh trông coi việc xây từ đường cho dòng họ.

Từ đó, mỗi người đều có con đường riêng. Xuân Hương hai lần lấy chồng đều làm lẽ, còn số phận Nguyễn Du thăng trầm theo những biến động của chính trị, thời thế.

TẦN TẦN
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

THƠ QUÁ TÁO BẠO VỀ TÌNH DỤC
HỒ XUÂN HƯƠNG CHỊU NHIỀU THỊ PHI
Thơ Hồ Xuân Hương đậm chất phong tình, đến mức nhiều tranh vẽ về bà và tác phẩm của bà thường là tranh nude, đậm tính phồn thực.

Người yêu văn chương Việt mấy ai mà không thuộc vài vần thơ tinh nghịch, đùa cợt, mỉa mai của Hồ Xuân Hương; Xuân Diệu phong bà là “bà chúa thơ Nôm”. Nhưng con người thật của bà, những thăng trầm trong cuộc đời bà lại rất khó mà xác định.

Dù đã có nhiều nghiên cứu về Hồ Xuân Hương, song cuộc đời, con người bà bao phủ bởi những giả thiết, giai thoại; đúng như lời thơ Hoàng Trung Thông viết: “Người ta nói nhiều về Hồ Xuân Hương/ Nhưng người đó là ai/ Thật mỉa mai/ Không ai biết rõ/ Như có như không như không có… Mờ mờ tỏ tỏ”.

Cuộc đời chìm nổi, bị gán nhiều giai thoại phóng túng

Cho đến nay, vẫn chưa tìm được bất cứ tư liệu cổ điển nào ghi chép về lai lịch của Hồ Xuân Hương. Chúng ta biết bà sống ở giai đoạn cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19, một số nguồn tư liệu viết bà sinh năm 1772, mất năm 1822.

Sách Giai nhân di mặc (tác giả Nguyễn Hữu Tiến) viết Hồ Xuân Hương là con của cụ tú tài Hồ Phi Diễn (người Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An) với người vợ thứ; được sinh ra tại phường Khán Xuân, huyện Vĩnh Thuận (gần Hồ Tây hiện nay).

Theo học giả Trần Thanh Mại, cha của Hồ Xuân Hương là ông Hồ Sĩ Danh (cũng người Nghệ An) với người vợ lẽ là Hà Thị.


Hồ Xuân Hương - tranh của hoạ sĩ Lê Lam.
Con nhà trâm anh nên Hồ Xuân Hương được hưởng tuổi thơ êm đềm, nhiều nguồn tư liệu viết bà sống ở một dinh thự lớn tên là Cổ Nguyệt Đường ven hồ Tây. Cha mất, mẹ tái hôn nên nữ sĩ không chịu vòng gia giáo nghiêm khắc, tuy vậy bà vẫn hưởng nền giáo dục tốt và có tư chất thông minh.

Tình duyên và hôn nhân của Hồ Xuân Hương đầy sóng gió với bao giai thoại. Theo sách Giai nhân di mặc, từ khi còn trẻ, bà bị ép gả làm lẽ cho một hào phú có biệt hiệu là Tổng Cóc.

Sách viết: “Tổng Cóc (vốn là cường hào) đã dốt nát lại có tính ăn chơi bạt mạng, sau mỗi lần đánh bạc thua nhẵn túi, gia sản khánh kiệt đã tiếc của mà chết. Xuân Hương bèn làm bài thơ nổi tiếng Khóc Tổng Cóc với lời lẽ trào phúng”.

Tuy vậy, một số học giả khác cho rằng giai thoại trên chỉ là suy đoán từ bài thơ Khóc Tổng Cóc khi bà viết để khóc một mối tình. Dựa trên điều tra điền dã, các học giả này khẳng định Tổng Cóc con nhà gia thế, hay chữ lại giỏi võ, mến tài văn chương của Xuân Hương nên lấy bà làm vợ lẽ.

Tổng Cóc thường xướng hoạ cùng bà, hết lòng chiều chuộng, cho đắp một gò đất giữa hồ, xây nhà thuỷ tạ có cầu bắc qua làm nơi nghỉ ngơi, làm thơ cho Hồ Xuân Hương.


Tranh vẽ Hồ Xuân Hương trên bìa cuốn Giai nhân di mặc.
Tuy được chồng chiều chuộng, song Hồ Xuân Hương chịu nhiều điều tiếng và mâu thuẫn với vợ cả cùng gia đình Tổng Cóc. Bà đã dứt áo ra đi, sau này trở thành vợ lẽ của quan tri phủ Vĩnh Tường - ông Phạm Viết Ngạn. Làm vợ Phạm Viết Ngạn hơn hai năm thì ông mất, Hồ Xuân Hương đã viết bài thơ Khóc ông Phủ Vĩnh Tường.

Sau khi người chồng thứ hai mất, quãng đời của Hồ Xuân Hương bị gắn thêm nhiều giai thoại phong tình. Người có nhiều thơ xướng hoạ với bà là Chiêu Hổ, nhiều người cho đó chính là Phạm Đình Hổ.

Bên cạnh đó, các giai thoại cho rằng Hồ Xuân Hương quen biết nhiều văn nhân tài tử, có nhiều bạn tình khác như Nguyễn Hầu, Trần Hầu, Trần Quang Tĩnh, Tốn Phong, Thạch Đình, Cự Đình… và cả Nguyễn Du.

Cuốn Lưu Hương ký có bài Cảm cựu kiêm trình Cần chánh học sĩ Nguyễn Hầu với nhiều câu thơ tình cảm: “Dặm khách muôn nghìn nỗi nhớ nhung”. Nguyễn Hầu ở đây chính là Nguyễn Tiên Điền - Nguyễn Du.

Bài thơ được Hồ Xuân Hương viết năm 1813, năm Nguyễn Du đi sứ sang nhà Thanh, qua Thăng Long và gặp lại nữ sĩ. Gần đây, cuốn sách Nguyễn Du trên đường gió bụi của tác giả Hoàng Khôi cũng dành nhiều dung lượng viết về mối tình giữa Hồ Xuân Hương và Nguyễn Du.

Những vần thơ xuân tình khiến nhiều người đỏ mặt

Có lẽ Hồ Xuân Hương bị gán cho nhiều giai thoại phóng túng, phong lưu cũng bởi thơ bà viết nhiều về tình dục táo bạo - điều cấm kị trong thơ ca phong kiến.

Thơ Hồ Xuân Hương được văn bản hoá trong Quốc văn tùng ký. Sau này, hầu hết sáng tác của bà được tập hợp trong cuốn Xuân Hương thi tập (ấn hành tại Hà Nội năm 1930).

Năm 1964, Lưu Hương ký được công bố, gồm 28 bài thơ chữ Hán và 24 bài thơ chữ Nôm, được cho là của Hồ Xuân Hương, nội dung ghi chép khá nhiều bạn trai, bạn thơ, bạn tình của nữ sĩ. Bên cạnh đó, còn có mảng thơ Nôm truyền tụng được coi là của Hồ Xuân Hương.

Thơ Nôm truyền tụng được đánh giá là “tục”, đó không phải là cái tục suy đồi, mà là một ý thức đậm mùi tục luỵ. Nhiều bài thơ bà viết về những sự vật, sự việc hết sức bình thường quanh cuộc sống nhưng luôn gợi liên tưởng tới tình dục.

Tranh minh hoạ bài Kiếp tu hành của hoạ sĩ Bùi Xuân Phái.
Ví dụ, vịnh cái quạt, Hồ Xuân Hương viết: “chành ra ba góc, da còn thiếu/ khép lại đôi bên, thịt vẫn thừa”. Hay khi tả quang cảnh một cái đèo (vốn là đèo có thật, địa phận giữa hai tỉnh Ninh Bình và Thanh Hoá) bà viết: “Cửa son đỏ loét tùm hum nóc/ Hòn đá xanh rì lún phún rêu”, “Hiền nhân quân tử ai là chẳng/ Mỏi gối chồn chân vẫn muốn trèo” (Đèo Ba Dội).

Hoặc trong bài thơ Quả mít có viết: “Thân em như quả mít trên cây/ Da nó xù xì, múi nó dầy/ Quân tử có thương thì đóng cọc/ Xin đừng mân mó, nhựa ra tay”.

Ở một số bài thơ Nôm truyền tụng, tính chất xuân tình không còn là ẩn dụ, ví von nữa, mà được nêu một cách trực diện, thẳng thắn. Ví dụ dễ thấy nhất là bài Thiếu nữ ngủ ngày: “Mùa hè hây hẩy gió nồm đông/ Thiếu nữ nằm chơi quá giấc nồng/ Lược trúc biếng cài trên mái tóc/ Yếm đào trễ xuống dưới nương long/ Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm/ Một lạch đào nguyên nước chửa thông/ Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt/ Đi thì cũng dở, ở không xong”.

Các bài thơ Nôm truyền tụng của Hồ Xuân Hương được đánh giá là tuyệt bút, bên cạnh tính phong tình, còn là những ý tưởng táo bạo. Trong thơ bà, có thể thấy ý thức phản kháng, cái nhìn đối lập với truyền thống lề lối cũ đang mục rữa.

Có lẽ chính vì sự táo bạo trong các bản thơ Nôm truyền tụng, những giai thoại bao phủ, cuộc đời và con người còn nhiều khoảng mờ bí ẩn quanh Hồ Xuân Hương đã gợi cảm hứng cho nhiều sáng tác về bà ra đời.

Tranh của danh hoạ Bùi Xuân Phái minh hoạ bài thơ Đánh cờ.
Bên cạnh các giai thoại truyền miệng, có nhiều cuốn sách của cả học giả trong và ngoài nước đặt ra các giả thiết về Hồ Xuân Hương, tác phẩm hư cấu với nhân vật Hồ Xuân Hương.

Nhiều tác phẩm mỹ thuật vẽ Hồ Xuân Hương hoặc cảm tác từ thơ Hồ Xuân Hương với hình ảnh người phụ nữ trong trạng thái nude, phồn thực. Điển hình là bộ tranh của danh hoạ Bùi Xuân Phái minh hoạ thơ Hồ Xuân Hương. Trong loạt hoạ phẩm này, các nhân vật nữ đều khoả thân, cảnh ân ái cũng được danh hoạ thể hiện.

Mới đây nhất, một nhóm bạn trẻ Việt đã đưa Hồ Xuân Hương thành một nhân vật trong game card Sử Hộ Vương. Hình ảnh ban đầu đưa ra cho thấy tạo hình Hồ Xuân Hương quá hở hang, nóng bỏng đã gây tranh luận, phản ứng dữ dội từ cộng đồng.

Một luồng ý kiến cho rằng hình ảnh đó dung tục, không phù hợp với một nữ sĩ nổi tiếng của dân tộc. Nhưng cũng có nhà nghiên cứu Hán Nôm đánh giá so với các bài thơ xuân tình của Hồ Xuân Hương, thì tạo hình như nhân vật trong game Sử Hộ Vương vẫn còn “non tay lắm”.

TẦN TẦN
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

NGUYỄN DU VIẾT TRUYỆN KIỀU
NĂM 14 TUỔI?


Như chúng tôi đã có lời thưa từ bài báo trước, trong Thơ quốc âm Nguyễn Du (Nxb Giáo dục, H, 1996), thay vì việc xem “bản Kinh” của Truyện Kiều là bản sách in bởi vua Tự Đức, Nguyễn Thạch Giang đã viết đó chỉ là những bản chép tay bởi các quan văn trong triều. Điều này là rất đúng.

Nhà nghiên cứu Đào Thái Tôn - Ảnh: vietnamnet.vn
Thế nhưng, cũng trong công trình này, nếu như trước đây (1972), khi viết về việc Phạm Quí Thích “đưa in” Truyện Kiều ở phố Hàng Gai - tức “bản phường” đầu tiên, Nguyễn Thạch Giang còn dùng hai chữ “tương truyền” thì nay, ông lại khẳng định việc đó(1). Chẳng những thế, ông còn cho biết năm Phạm Quí Thích mang khắc in Truyện Kiều thì Nguyễn Du đã...mười lăm (15) tuổi (Sđd, tr. 14). Như thế thì kỳ lạ quá. Nhưng ta đừng lấy làm lạ. Bởi vì ở hai trang sau (17 và 18), ông đã đưa ra tài liệu để chứng minh Nguyễn Du viết xong Truyện Kiều từ năm 14 tuổi. Tôi xin phép được chép nguyên văn sự trình bày của ông để bạn đọc tiện theo dõi:

“Năm 1771, thân phụ ông là Nguyễn Nghiễm về trí sĩ, (...) Nguyễn Du cùng mẹ là Trần Thị Tần theo cha về Tiên Điền, suốt thời thơ ấu đến năm 19 tuổi đi thi ra Bắc làm quan.

“Bấy giờ ở Tiên Điền và Trường Lưu có trường học lớn của Tiến sĩ Nguyễn Huệ, anh Nguyễn Nghiễm, bác Nguyễn Du, có Phúc Giang thư viện của Thám hoa Nguyễn Huy Oánh. Nguyễn Du chắc chắn là môn sinh của những trường học lớn này. Lại nữa, Nguyễn Huy Oánh đi sứ năm Ất Dậu (1763) có mang về nhiều sách Trung Quốc. Ta không loại trừ khả năng Nguyễn Huy Tự đã đọc Đệ bát tài tử thư Hoa tiên ký để viết Hoa tiên cũng như khả năng Nguyễn Du đã đọc Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân để viết Truyện Kiều trong thời gian ở quê nhà, qua lại thư viện Phúc Giang ở Trường Lưu. Mà điều này là có thật. Bản Vương Thuý Kiều truyện - Cổ Hoan Nghi Tiên Nguyễn gia tàng bản - Biệt hữu diễn Nam âm nhất bản vốn lưu giữ tại Viện Văn hoá Trung Bộ mà ta đọc được ở thư viện nhà thờ Quận vương Tôn Thất Hân (Huế) là một chứng cứ.

“Bản này là bản sao lại bản gốc chép tay vào năm Long Phi Kỷ Hợi (1779) Cảnh Hưng thứ 40. Bản sao trên khổ giấy 14x24, gồm 67 tờ tóm tắt thật đầy đủ 20 hồi Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, liền một mạch...

“Chúng ta tin rằng chính bản thư thành 1779 này là do Nguyễn Du tóm lược cuốn Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân mà Nguyễn Huy Oánh đã mang từ Trung Quốc về tàng trữ tại Phúc Giang thư viện trong thời gian Nguyễn Du lui tới học tập (?), nấu sử sôi kinh ở đây (?). Và Nguyễn Du đã dựa vào cuốn truyện đó mà sáng tác truyện Kiều.

“Điều này cũng phù hợp với lời các cố lão ở Tiên Điền và Trường Lưu kể rằng: Nguyễn Du có thói quen nằm đưa võng mà làm Kiều, được câu nào thì ghi lên vách đố, thỉnh thoảng sang Trường Lưu trao đổi với bà con họ Nguyễn Huy, bấy giờ có bà Nguyễn Thị Đài, cháu Nguyễn Du, vợ Nguyễn Huy Tự, giỏi Nôm đã góp nhiều ý kiến cho chú. Có điều, Nguyễn Du bấy giờ chỉ cảm thấy tài sắc Kiều bị vùi dập mà động lòng trắc ẩn, mới là bản thảo đầu chưa trải qua những lần sửa chữa về sau của chính tác giả, trải qua nhiều lần nhuận sắc của bạn bè (?), của nhân dân (?) để có một bản Kiều hoàn hảo như ngày nay”...

“Bản Biệt hữu diễn âm nhất bản chắc chắn là bản sao của bản Kiều Tiên Điền. Bản này còn nguyên vẹn trong tủ sách của cụ Nghè Mai (...) mà chúng tôi đã có dịp nghiên cứu văn bản từ những năm 1953, 1961, 1962, 1963 trong những lần đi nghiên cứu ở Tiên Điền.
“Chúng tôi cho rằng bản Vương Thuý Kiều truyện này vốn là sách của thư viện Tụ Khuê, hay của thư viện Càn Thành được sáp nhập vào Viện Văn hoá Trung Bộ thành lập vào tháng 10 năm 1945 do cụ Nguyễn Đình Ngân làm giám đốc, bấy giờ cũng chịu chung số phận khi mặt trận Thừa Thiên bị vỡ ngày 9.2.1947. Tài sản của Viện bị phá hoại nghiêm trọng, sách Hán Nôm đủ loại tản mác trong dân gian và được dùng vào đủ mọi việc kể cả việc đun nấu. May bản Vương Thuý Kiều truyện không bị phá huỷ mà được thư viện cụ Tôn Thất Hân lưu giữ. Gia đình cụ Tôn Thất Hân cho tôi biết chắc rằng thư viện cụ còn một bản Kiều chép tay nằm lạc trong mấy tủ sách lớn còn lại, hiện chưa tìm thấy”(2) (Sđd, tr.17,18,19)

Tôi đã cố gắng ghi hết sức đầy đủ tư liệu, lập luận của soạn giả Thơ Quốc âm Nguyễn Du. Đoạn trích có vẻ khá dài, nhưng không có cách nào khác được. Bạn đọc có thể thấy rồi, vì nghề nghiên cứu văn bản vẫn là rắc rối. Nhưng rối, còn là vì đoạn văn của soạn giả có nhiều chỗ mâu thuẫn. Chẳng hạn đã nói “bản Vương Thuý Kiều truyện không bị phá huỷ” “mà ta đọc được”, thì tất nhiên là cái bản Truyện Kiều chép tay kia phải còn chứ sao lại “chưa tìm thấy”? Mà đã “chưa tìm thấy” sao “biết chắc rằng” “còn”? Bản Kiều “chưa tìm thấy” này có phải là bản Biệt hữu diễn âm nhất bản (riêng có một bản diễn ra thơ Nôm) được đóng liền vào Vương Thuý Kiều truyện - Cổ Hoan Nghi Tiên Nguyễn gia tàng bản - như tên tài liệu đã thể hiện chăng?

Để bạn đọc tiện theo dõi, tôi xin trình bày sự hiểu của tôi về đoạn văn của Nguyễn Thạch Giang như sau: Soạn giả muốn công bố cho ta biết rằng ông có một tài liệu “sao lại bản gốc chép tay”. Bản gốc này được viết vào năm 1779 (tức năm Nguyễn Du 14 tuổi). Trong bản sao này, có hai văn bản: Một là Vương Thuý Kiều truyện - Cổ Hoan Nghi Tiên Nguyễn gia tàng bản, là bản “Nguyễn Du tóm lược cuốn Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân”. Ta có thể hình dung đây là bản tóm tắt 20 hồi sách Trung Quốc mà Nguyễn Du dùng làm “đề cương” để viết Truyện Kiều; Hai là Biệt hữu diễn Nam âm nhất bản, “chắc chắn là bản sao của bản Kiều Tiên Điền” mà soạn giả đã có dịp nghiên cứu từ những năm 1953 đến 1963.

Thế nghĩa là năm 1779, Nguyễn Du 14 tuổi, đã viết xong Truyện Kiều. Đó là bản Tiên Điền!

Nhưng nếu dúng như thế thì sao Nguyễn Thạch Giang lại nói rằng đây “mới là bản thảo ban đầu chưa trải qua những lần sửa chữa về sau của chính tác giả...”? Đây là cái lầm lớn của Nguyễn Thạch Giang. Tôi không khó khăn gì để chứng minh chắc chắn rằng “bản Tiên Điền” mà Nguyễn Thạch Giang đã nghiên cứu, chỉ là bản chép lại bản in năm 1902 của Kiều Oánh Mậu chứ quyết không thể là “bản thảo ban đầu” của Nguyễn Du vào năm 1779. Làm sao mà một cậu bé 13 tuổi tang cha chưa xong đã chịu tang mẹ như thế mà có thể nằm võng mà sáng tác được Truyện Kiều khi 14 tuổi?! Mà làm sao cậu ta ở lì tại quê cha từ năm 1771 (7 tuổi) đến năm 19 tuổi mới “đi thi, ra Bắc làm quan” mà lại có thể gặp cụ Tiến sĩ Phạm Quí Thích (1759 - 1825) đúng vào cái năm cụ đỗ Tiến sĩ (1779) để cụ có thể mang in cái Truyện Kiều của tác giả 14 tuổi kia! Trong việc nghiên cứu này mà cứ đặt toàn giả thiết như “ta không loại trừ khả năng” này “khả năng” nọ; “Chúng ta tin rằng”; Lời các cố lão kể rằng; “Truyện Kiều đã” qua nhiều lần nhuận sắc của bạn bè, của nhân dân”... thì rất nguy. Nguy, là vì cứ tin vào giả thuyết, giai thoại như thế thì khi gặp phải tài liệu rất dễ bị “say”, bị mắc cạn trong đó.

Quả thật là Nguyễn Thạch Giang đã dùng phải tài liệu giả đề năm “Long Phi Kỷ Hợi Cảnh Hưng thứ 40” (1779). Giả là giả ở hai chữ LONG PHI này.

Số là, ngày xưa, để ghi các dòng “lạc khoản” trên bia đá hay đề “lạc khoản” - năm, ngày tháng viết tác phẩm, thường thì người ta viết rõ là năm thứ mấy của niên hiệu vua nào. Thí dụ: trên bia đá khắc " Hoàng triều Vĩnh Thịnh vạn vạn niên chi thất” tức là năm thứ bảy niên hiệu của triều vua Vĩnh Thịnh (1711). Cách ghi theo niên hiệu vua (như Vĩnh Thịnh, Cảnh Hưng, Gia Long, Minh Mệnh, Tự Đức...) vừa giản đơn vừa không sợ nhầm lẫn, dễ qui ra năm dương lịch; mà người đương thời cũng thấy dễ hiểu vì họ sống ở thời vua nào thì bia đá sách vở ghi niên đại bằng niên hiệu thời vua ấy.

Thế nhưng, ở Việt , ngoài cách ghi niên đại đơn giản ấy lại còn nhiều cách ghi rắc rối khác - trong đó cách ghi theo thuật ngữ tượng trưng cho triều đại. “Đây là cách ghi đặc thù trong văn bản bi ký nước ta. Hiện tượng này không nhiều về mặt thuật ngữ sử dụng. Chúng tôi mới gặp hai trường hợp là THIÊN VẬN và LONG PHI. Tuy nhiên sự xuất hiện của chúng lại khá phổ biến” (3). Tìm nguồn gốc và sự xuất hiện của cách ghi niên đại này, các chuyên gia Hán Nôm thấy hai chữ “Thiên vận” xuất hiện vào thời LÊ (nửa sau thế kỷ XVII và đầu thế kỷ XVIII). “Nghĩa của hai chữ “Thiên vận” là “mệnh trời, triều đại hưng thịnh, đã nhờ được mệnh trời”.

Còn hai chữ LONG PHI đến đời NGUYỄN mới xuất hiện. “Long phi vốn là chữ trong sách Kinh Dịch, chỉ bậc thánh nhân ở ngôi báu. Người đời sau dùng để chỉ bậc đế vương ở ngôi vị cao quí”. Ta dễ dàng tìm thấy hai chữ “Long phi” trên bia đá, sách in sau đời vua Tự Đức.Thí dụ “Trên chuông Đông Dư (Gia Lâm Hà Nội) vừa ghi “Hoàng triều Bảo Đại”, vừa ghi “Long phi Giáp Thân”. Tra ra, thì thấy năm Giáp Thân (1944) thuộc triều Bảo Đại. Tra cứu, khảo sát nhiều tấm bia, các chuyên gia Hán Nôm dám khẳng định rằng: chắc chắn hai chữ LONG PHI ra đời " ở giai đoạn cuối Nguyễn mà sớm nhất không thể vượt quá niên hiệuTự Đức được (4). Thí dụ năm Long Phi Ất Sửu trên bia chùa Phương Viên Hà Nội là năm 1925; cuốn Quốc âm thi tuyển có chép thơ Hồ Xuân Hương khắc in năm “Long Phi Giáp Dần” (tức năm 1914); lần sau khắc lại đề “Long phi Tân Dậu xuân tân san” (tức năm 1921). Đã nói đến hai chữ “Long Phi”, cán bộ viện Hán Nôm ai cũng biết là văn bản đó thuộc vào niên đại “Nguyễn muộn” (tức là từ sau đời Tự Đức - 1848 đến 1883).

Vậy thì hai chữ LONG PHI trên văn bản mà Nguyễn Thạch Giang khai thác đã chứng tỏ đó là văn bản “Nguyễn muộn”, văn bản viết sau đời Tự Đức (1848 - 1883). Sau, là vì đời Tự Đức chỉ có các năm Kỷ Dậu (1849), Kỷ Mùi (1859), Kỷ Tỵ (1869), Kỷ Mão (1879) chứ không có Kỷ Hợi. Thế mà sau Tự Đức thì năm Kỷ Hợi là năm 1899. Năm này đã thuộc đời vua Thành Thái (1889 - 1907) rồi!

Thế thì, sớm nhất, văn bản mà Nguyễn Thạch Giang đưa ra phải được viết vào năm 1899 chứ không thể là năm 1779 được. Tôi còn ngờ rằng: vào năm 1899, chưa ai cố ý cổ hoá văn bản, làm văn bản giả về những sự quanh Truyện Kiều. Nếu cái ngờ của tôi là đúng, thì văn bản này đã được “sản xuất” vào năm Kỷ Hợi (1959) tức là năm thứ 15 niên hiệu Việt Nam dân chủ Cộng hoà!

Rõ ràng là không thể dựa vào văn bản ở nhà thờ Quận vương Tôn Thất Hân (Huế) - một tư liệu mang niên đại giả cổ - để làm chứng cứ cho việc Nguyễn Du vừa nằm võng vừa viết Truyện Kiều từ năm 14 tuổi.

Các cụ bảo: sai một ly đi một dặm. Việc đời đã thế, việc nghiên cứu văn học cổ, văn bản cổ càng là như thế. Rất mệt. Mà viết một bài như thế này, cũng mệt lắm. Mệt, không hẳn chỉ ở lập luận khoa học mà mệt nhiều khi lại là mệt ở cái lẽ “tôi yêu thầy tôi nhưng tôi còn yêu lẽ phải hơn”, nên cứ phải vượt qua sự đàm tiếu xì xèo mà viết.

ĐÀO THÁI TÔN
----------------------------------------------------------------
(1) Chúng tôi đã chứng minh: không có bản in này (Tạp chí Sông Hương và Tạp chí Văn học số 1 năm 1998)
(2) Những dấu (?) xen vào giữa các đoạn văn trích cùng những chữ nghiêng, in đậm là cho chúng tôi. Đ.T.T
(3), (4) Đinh Khắc Thuân: Một số vấn đề về niên đại bia Việt . Tạp chí Hán Nôm số 2/1987.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

YÊU HÀN MẶC TỬ
NHƯNG MỘNG CẦM LẤY ĐẠI GIA LỪNG DANH


Ông Hồ Lộng Địch (1907 - 1973)

Xưa nay nhiều người biết đến bà Mộng Cầm cùng mối tình thời con gái với thi sĩ Hàn Mặc Tử nhưng ít ai biết đến người chồng của bà, ông Hồ Lộng Địch, một người tài năng, trí tuệ.

Ông Địch bằng tài năng và tình yêu của mình đã tạo lập một gia đình hạnh phúc, sự nghiệp lừng lẫy, đóng góp không nhỏ cho sự hình thành và phát triển của Phan Thiết (Bình Thuận).

Chàng trai mồ côi thanh chuyên gia y khoa bậc nhất, người Pháp quý trọng

Hồ Lộng Địch sinh năm 1907 trong một gia đình có đông anh chị em tại ngôi làng nhỏ nằm đoạn cuối sông Thạch Hãn thuộc miền cát nóng Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
Cha là quan huyện, lại học hành đỗ đạt cao nên từ nhỏ anh em ông Địch được cha giáo dục rất kỹ đức tính cần cù, sự hiếu học và ý chí vượt khó vươn lên.

Từ lúc lên năm lên bảy, Địch đã tỏ ra là một người thông minh sáng dạ. Cậu luôn được bọn trẻ con trong làng yêu thích vì nghĩ ra nhiều trò chơi hấp dẫn.

Ông giáo làng đã khuyên ba cậu nên cho cậu học hành đến nơi đến chốn để sau này giúp đời. Sau khi học xong tiểu học ở Quảng Trị, Địch thi đậu vào trường Quốc học Huế.

Học được vài năm thì cha mất. Nhà chẳng có của cải gì, mẹ thì già yếu nên anh em ông Địch đùm bọc nhau sống. Các anh của ông phải vất vả lắm mới lo cho ông yên tâm học hành những ngày ở Huế.

Cũng như nhiều người dân vùng quê nghèo miền Trung có khát vọng vươn lên thời đó, anh em ông Địch lớn lên hết người này đến người kia dần rời quê hương lưu lạc khắp mọi miền đất nước.

Sau khi hoàn tất chương trình học ở Trường Quốc học Huế, ông Địch quyết định một mình vào Sài Gòn lập nghiệp.

Tốt nghiệp tú tài và có vốn tiếng Pháp lưu loát, ông Địch dễ dàng xin làm nhân viên phụ việc cho một bác sĩ người Pháp tại bệnh viện Grall (hay còn gọi là bệnh viện Đồn Đất, nay là bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM ).

Công việc này giúp ông tiếp cận thế giới khoa học, làm quen với phòng thí nghiệm và am tường các hoá chất.

Vì quý mến chàng trai đất Việt hiền lành, chịu khó, một nhân viên phòng thí nghiệm người Pháp đã hướng dẫn ông những kiến thức cơ bản của quy trình thí nghiệm đến thực hành.

Là người thông minh, sáng dạ, qua sự hướng dẫn của người bạn Pháp, rồi tự nghiên cứu sách vở, tài liệu, chỉ một thời gian sau Hồ Lộng Địch đã là một nhân viên phòng thí nghiệm có chuyên môn cao trong bệnh viện này.

Thời gian sau, với kiến thức và khả năng chuyên môn sâu trong lĩnh vực thí nghiệm sinh hoá, cũng như được sự khuyến khích của vị bác sĩ Pháp, ông Địch đăng ký dự thi rồi trúng tuyển vào ngạch nhân viên phòng thí nghiệm vật thực Y viện Pasteur Sài Gòn, một chức danh khoa học danh giá bậc nhất nhất thời đó. Phòng thí nghiệm này chỉ có duy nhất ông Địch là người Việt Nam.

Năm 1932, người anh thứ hai, trước đây thay cha lo cho anh em ông Địch ăn học, đang làm việc tại một bệnh viện tại Phan Thiết chẳng may bị tai nạn, sức khoẻ suy yếu.

Là người nặng tình nặng nghĩa, thương anh đông con và các cháu còn quá nhỏ, mặc dù đang có công việc mà bao người mơ ước, ông Địch vẫn quyết định xin nghỉ về Phan Thiết, sống cùng anh trai, lo cho các cháu.

Viện Pasteur Sài Gòn động viên ông ở lại làm việc, hứa tăng lương, cấp học bổng du học Pháp, nhưng ông thưa lại rằng rất yêu nghề và hạnh phúc khi được làm việc tại Viện Pasteur nhưng vì gia đình ông phải về Phan Thiết.

Chuyến xe lửa Sài Gòn - Phan Thiết chiều cuối năm ấy đưa chàng thanh niên, cựu nhân viên Viện Pasteur Sài Gòn, xuống ga Phan Thiết với hành trang chỉ có 1 chiếc va ly nhỏ đựng quần áo cùng ý chí quyết tâm lập nghiệp tại xứ này.

Đại gia lừng danh và chuyện tình với Mộng Cầm

Những ngày đầu tại Phan Thiết, ông Địch  không nề hà làm bất cứ  việc gì để mưu sinh. Những năm ấy đô thị Phan Thiết bắt đầu phát triển, chính quyền thuộc địa và người dân chú trọng đến  làm đường, xây nhà, lập phố.

Vốn là người thông minh, nhanh nhạy hơn người, ông nhanh chóng nắm bắt cơ hội kinh doanh. Ông  tự tìm tòi, học  nghề thầu khoán và chỉ một thời gian ngắn sau, tên tuổi Hồ Lộng Địch đã nổi lên tại Phan Thiết như một thầu khoán có chuyên môn cao.
Không dừng lại, ông Địch mở xưởng cưa, đóng đồ gỗ nội thất. Với vốn tiếng Pháp lưu loát, cũng như quen biết rộng ông dễ dàng trúng thầu, cung cấp toàn bộ  thiết bị  nội thất cho khu nhà nghỉ dưỡng 23 căn của Pháp ở biển Thương Chánh.

Thương vụ này  mang lại uy tín và lợi nhuận rất lớn cho ông. Giai đoạn từ 1930 đến 1945, Hồ Lộng Địch là nhà thầu xây dựng và nhà sản xuất đồ nội thất lớn nhất tại Phan Thiết. Khu vực đầu đường Trương Văn Ly cạnh trường tiểu học Đức Long ngày xưa là một trong những xưởng mộc lớn của ông  tại Phan Thiết. Sản phẩm nội thất  của ông  không những  bán tại Phan Thiết mà còn chuyển ra Nha Trang, Đà Nẵng và vào Sài Gòn, Nam kỳ Lục tỉnh.

Năm 1942, ông Hồ Lộng Địch lập gia đình với bà Huỳnh Thị Nghệ ( tức bà Mộng Cầm), sinh được 4 người con, 3 gái 1 trai.

Lại nói thêm về bà Mộng Cầm. Từ lâu  bà  vốn quý trọng người đàn ông tài năng Hồ Lộng Địch. Vốn là  người  chuộng thơ văn, hiểu biết rộng, bà tìm thấy ở Hồ Lộng Địch một tâm hồn nhạy cảm, yêu thương con người, biết trân quý những giá trị của cuộc sống.

Vì vậy khi  ông ngỏ lời, bà không tỏ ra băn khoăn, coi như đã tìm thấy một bờ vai  vững chắc để nương tựa.

Góp công  vào sự phát triển nước mắm Phan Thiết

Trong quá trình tìm hiểu tư liệu cho loạt bài “Hàm hộ nước mắm Phan Thiết - Họ là ai?”, khi chúng tôi nêu thắc mắc tại sao nước mắm Phan Thiết khi đưa ra thị trường đều là những sản phẩm có chất lượng cao, hầu hết các gia đình hàm hộ đều cho biết theo quy định của chính quyền thời đó nước mắm trước khi ra thị trường  phải qua kiểm nghiệm, kiểm định chất lượng.

Sản phẩm nào không có giấy kiểm định sẽ bị phạt rất nặng và cấm kinh doanh luôn. Điều hết sức bất ngờ và thú vị là phòng thí nghiệm, kiểm định chất lượng nước mắm đầu tiên , uy tín nhất tại Phan Thiết thời đó là của ông Hồ Lộng Địch ở số 80A Trần Hưng Đạo (nay là 394 Trần Hưng Đạo).

Đây cũng là căn nhà mà gia đình ông Địch sinh sống và ngày nay nhiều người thường hay gọi là nhà bà Mộng Cầm hay quán Mộng Cầm.

Một mẫu phiếu kiểm nghiệm của phòng thí nghiệm nước mắm Hồ Lộng Địch
Con gái thứ 2 của ông Địch và bà Mộng Cầm - Hồ Thị Đức, đang ở căn nhà 394 Trần Hưng Đạo tự hào nói với chúng tôi: “Ngày xưa mẹ tôi là người phụ cha làm xét nghiệp, kiểm định nước mắm.

Khi nhận thấy ngành sản xuất nước mắm đang phát triển, cũng như chính quyền quy định là phải kiểm định trước khi đưa ra thị trường, với uy tín  của một cựu nhân viên Y viện Pasteur Sài Gòn, ông Địch đã được tỉnh trưởng Bình Thuận thời đó cấp phép mở phòng kiểm định.

Đây là phòng kiểm định nước mắm tư đầu tiên ở Bình Thuận. Kết quả kiểm nghiệm do phòng thí nghiệm nước mắm Hồ Lộng Định cấp,  luôn được tin tưởng.
Không những ở Bình Thuận, nhiều cơ sở sản xuất nước mắm ở Đà Nẵng, Nam Ô, Quảng Ngãi và Phú Quốc đều gởi mẫu ra Phan Thiết để cha tôi kiểm nghiệm và cấp giấy chứng nhận”.

Về sau, tại Phan Thiết xuất hiện thêm một số phòng thí nghiệm nước mắm khác, ông Địch được tín nhiệm bầu làm giám đốc các phòng thí nghiệm tại Bình Thuận.
Ông Địch mất năm 1973, thọ 66 tuổi, được an táng tại Phan Thiết, quê hương thứ hai của ông. Cuộc đời cùng những đóng góp của ông cho, tuy ít được người thời nay biết đến, nhưng với nhiều bậc cao niên, các hàm hộ nước mắm  mà chúng tôi trong khi đi tìm tư liệu có dịp tiếp xúc, thì ông là một người tài năng, trí tuệ  của đất Phan Thiết  nửa cuối thế kỷ 20.

Lê Huân
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

NGUYỄN HIỀN


Theo Việt Nam văn hoá sử cương của nhà sử học Đào Duy Anh, năm 1075, dưới thời vua Lý Nhân Tông, triều đình mở khoa thi đầu tiên nhằm chọn hiền tài phục vụ đất nước.

Năm 1247, nhà Trần đặt ra tam khôi - Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa. Chính trong năm này, thần đồng nhỏ tuổi Nguyễn Hiền thi đỗ trạng nguyên và được vua Trần Thái Tông phong là “Khai quốc Trạng Nguyên” - vị trạng nguyên đầu tiên ở nước ta, theo Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên.

Nguyễn Hiền sinh năm 1234 (một số tài liệu ghi là 1235) ở làng Dương An, huyện Thượng Hiền (nay là xã Nam Thắng, huyện Nam Trực), tỉnh Nam Định.

Ông mồ côi cha từ bé và được mẹ cho theo học sư thầy trong làng. Cậu bé Nguyễn Hiền sớm thể hiện tư chất vượt trội, học tập rất nhanh. 11 tuổi, Hiền đã nổi tiếng và được mệnh danh thần đồng.

Năm 1247, triều đình mở khoa thi. Nguyễn Hiền, lúc đó mới 13 tuổi, khăn gói lên kinh, dự kỳ thi đình với bài phú “Áp tử từ kê mẫu du hồ phú”. Trí tuệ tinh thông giúp ông đạt danh hiệu trạng nguyên - vị trí cao nhất trong tam khôi.

Khi vào cung diện kiến nhà vua, vua Trần Thái Tông rất thán phục khả năng ứng đối trôi chảy của trạng nguyên nhỏ tuổi, bèn hỏi ông học thầy nào.

Khi nghe Nguyễn Hiền kể ông chỉ tự học, chỗ nào không hiểu thì hỏi sư thầy, vua cho rằng, trạng có tài nhưng còn nhỏ tuổi, chưa hiểu hết lễ nghĩa và phán: “Trạng nguyên niên ấu vị tri lễ hứa hồi gia học lễ đãi tam niên nhi hậu dụng”.

Vì thế, mặc dù đỗ cao, Nguyễn Hiền chưa được phong chức quan hay mũ áo. Ông trở về quê, tiếp tục đọc sách.

Trên thực tế, sử sách viết về Nguyễn Hiền không nhiều, đa phần là những giai thoại truyền miệng, trong đó, nổi tiếng nhất là câu chuyện ông nặn voi biết đi và câu trả lời về cách xâu chỉ qua ốc.

Trong cuốn Kho tàng về các ông trạng Việt Nam, giáo sư Vũ Ngọc Khánh viết về hai giai thoại trên.

Tương truyền, sau khi về quê, ngoài việc phụng dưỡng mẹ và đọc sách, cậu bé Nguyễn Hiền vẫn thường xuyên chơi đùa cùng các bạn. Có lần sứ giả nước khác sang thăm, thách đố vua quan nhà Trần xâu chỉ qua con ốc. Triều đình bó tay. Lúc đó, vua mới nhớ đến trạng Nguyễn Hiền, sai người đến hỏi ý kiến.

Viên quan được giao việc đến quê trạng gặp ngay một lũ trẻ chăn trâu đang nghịch đất ngoài làng. Trong đó, một đứa bé mặt mũi khôi ngô chỉ huy nhóm bạn nặn voi từ đất. Kỳ lạ là con voi đó có thể đi, hỏi ra mới biết, họ dùng cua làm mình voi và lấy đỉa làm vòi nên con voi có thể di chuyển.

Viên quan đoán đây là trạng Nguyễn Hiền nhưng vẫn ra vế đố để thử tài: “Tự là chữ, cắt giằng đầu, chữ tử là con, con ai con ấy?”.

Trạng nhanh chóng ứng đối: “Vu là chưng, bỏ ngang lưng, chữ đinh là đứa, đứa nào đứa này!”.

Biết chắc đây là người cần tìm, viên quan xuống, truyền lại ý chỉ vua muốn mời Nguyễn Hiền về kinh nhưng trạng không chịu vì cho rằng, vua làm vậy cũng không đúng lễ.

Quan đành thuật lại câu đố của sứ giả nước ngoài, Nguyễn Hiền xui bọn trẻ hát:

“Tích tịch tình tang
Bắt con kiến càng buộc chỉ ngang lưng
Bên thì lấy giấy mà bưng
Bên thì bôi mỡ kiến mừng kiến sang”.

Quan nghe xong, biết đây là câu trả lời triều đình cần liền vội vã về kinh.

Hai giai thoại này cho thấy sự thông minh, lanh lợi của Nguyễn Hiền.

Sau này, Nguyễn Hiền vào triều làm quan. Theo cuốn Danh nhân văn hoá Nam Định, sử sách không ghi lại được quá trình làm quan cùng những công trạng của ông khi giữ trọng trách trong triều đình. Ông cũng không sáng tác thơ văn hoặc có sáng tác nhưng đã thất truyền.

Theo một số ghi chép, có thể Nguyễn Hiền làm đến chức Thượng thư Bộ Công và từng cho đắp đê quai vạc sông Hồng.

Năm 1255 (một số tài liệu ghi là 1256, 1257), Nguyễn Hiền lâm bệnh nặng, qua đời. Nhà vua thương tiếc truy phong ông là “Đại vương thành hoàng” và tôn làm thần ở 32 nơi.

Cuộc đời ngắn ngủi của vị Khai quốc trạng nguyên được tóm gọn trong cuốn Ngọc phả được bảo tồn tại đền thờ trạng nguyên Nguyễn Hiền ở quê hương ông.

“Thập nhị tuế khôi khai lưỡng quốc
Vạn niên thiên tuế lập tam tài”.

Hai câu thơ trên phần nào khái quát được tài năng lỗi lạc của ông “trạng non” - trạng nguyên đầu tiên và nhỏ tuổi nhất trong lịch sử khoa cử nước ta.

Nguyễn Sương
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

DU TỬ LÊ


Sau sự ra đi của nhà thơ Tô Thuỳ Yên mấy tháng trước, ngày 9/10/2019, giới văn nghệ hải ngoại lại thêm một mất mát nữa. Đó là sự ra đi của nhà thơ Du Tử Lê.

Nhà thơ Du Tử Lê  (1942) vừa qua đời. Ông học Đại học Văn khoa Sài Gòn, tu nghiệp báo chí tại Indianapolis, Indiana (1969). Giải thưởng Văn chương toàn quốc tại Sài Gòn năm 1973 (tập Thơ tình Du Tử Lê 1967-1972). Ông có tới 70 tập thơ và văn xuôi. Du Tử Lê cũng là nhà thơ châu Á duy nhất được phỏng vấn và có thơ đăng trên hai nhật báo lớn của Hoa Kỳ: Los Angeles Times (1983) và New York Times(1996). Thơ ông cũng đã và đang được đưa vào giảng dạy, làm tài liệu nghiên cứu, đọc thêm tại một số trường đại học tại Hoa Kỳ và Châu Âu. Vĩnh biệt ông, Tuần Việt Nam xin giới thiệu bài viết về ông của nhà thơ Nguyễn Thuỵ Kha và ba bài thơ của ông.

           Sau sự ra đi của nhà thơ Tô Thuỳ Yên mấy tháng trước, ngày 9/10/2019, giới văn nghệ hải ngoại lại thêm một mất mát nữa. Đó là sự ra đi của nhà thơ Du Tử Lê.

           Ngay sau ngày thống nhất, tôi đã đọc thơ Du Tử Lê in trên các tạp chí văn nghệ ở miền Nam trước 1975. Được biết ông đã đoạt giải văn chương năm 1972 do nhà thơ Vũ Hoàng Chương và nhà thơ Bàng Bá Lân làm chủ khảo. Tôi đồ rằng có lẽ Du Tử Lê rất thích bài hát “Lời du tử” của Nguyễn Đình Phúc nên mới lấy chữ “Du Tử” gắn với họ Lê của mình thành ra bút danh Du Tử Lê. Tôi gặp ông ở TP.HCM trong một cuộc bàn tròn trao đổi về thơ hồi cuối tháng 3/ 2007. Năm đó, tôi cũng sang Mỹ dự hội thảo về chủ nghĩa cổ điển tự nhiên tại đại học Dallas, người ta bảo Du Tử Lê cũng đã từng đến đây đọc thơ. Trong số các nhà thơ Việt Nam ở hải ngoại, có lẽ thơ Du Tử Lê được quảng bá ở Mỹ và châu Âu khá nhiều.

Có lẽ vì hơi thơ lãng mạn hoà trộn với hiện đại ở thơ ông đã khiến cho bạn đọc nước ngoài chú ý. Tới năm 2014, khi Du Tử Lê ra mắt tập thơ “Giỏ hoa thời mới lớn” ở Hà Nội, tôi mới có dịp đọc thơ ông nhiều hơn bởi được ông tín nhiệm để tôi giới thiệu thơ ông với mọi người. Ở tập thơ, tôi chú ý những bài viết về mảnh đất Gia Lai mà tôi đã từng gắn bó thời chiến tranh. Du Tử Lê cũng thế. Chỉ có khác là hai người ở hai chiến tuyến đối đầu nhau. Khác với Nguyễn Bắc Sơn trăn trở về cuộc chiến tranh thật rõ nét qua tập thơ “Chiến tranh Việt Nam và tôi”,  Du Tử Lê luôn lãng mạn hoá vùng chiến địa này qua những bài thơ tình, như thể ở đó chưa hề xảy ra bom rơi, đạn nổ.

Ngay cả đến dấu vết “mai xa lắc trên đồn biên giới” như Vũ Hữu Định, cũng không có trong thơ Du Tử Lê. Đọc bài “Khi ngang qua Pleime” – một địa danh nổi tiếng với chiến công thắng Mỹ cuối 1966, không thấy một tí ti ùng oàng nào trong thơ Du Tử Lê: “Khi ta đến cây im rừng nín thở - một mặt trời rực rỡ đỉnh truông xa – một hồn xanh gọi rét mướt hiên nhà – một tóc chảy theo trăm dòng suối lạ…” Ở bài “Pleiku và hoa quỳ” cũng thế. Đọc thơ Du Tử Lê, thấy rười rượi một màu vàng hoa quỳ trên đất đỏ bazan phố núi: “Khi ta trở lại rừng – chỉ còn nghe gió hú – núi trong buổi chiều nay – nhìn ta bằng mắt lạ - hoa nở vàng chân mây – tái tê từng cánh nhỏ”. Có lẽ bởi thế,  Du Tử Lê được phổ nhạc khá nhiều. Trong những tình ca ấy, ám ảnh nhất là “Khúc Thuỵ Du” qua giai điệu Anh Bằng. Bài thơ nói về việc tìm kiếm người yêu ở miền Phú Lâm (bây giờ thuộc quận 6) Sài Gòn sau đổ nát của cuộc Tổng Tấn Công Tết Mậu Thân 1968, từ đấy tác giả thấm thía về những mất còn mà chiến tranh mang lại.

           Năm 2017, tôi sang Mỹ và ghé chơi quận Cam, lại gặp Du Tử Lê nhỏ thó nơi góc bàn cà phê quen thuộc. Cũng năm ấy, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn đã ấn hành trường ca “Mẹ về biển Đông” của ông. Trường ca lấy cảm hứng từ sự ra đi của chính mẹ ông. Nó gồm 5 khúc. Khúc thứ nhất “Ngôi nhà trắng, chiếc quan tài và những cây phong ở đường Beach”. Khúc thứ hai “”Những cánh cửa sổ, hồi chuông và buổi sáng”. Khúc thứ ba “Những bông hoa birdflower, nắm đất và sự trở lại”. Khúc thứ tư “Chuyến bay muộn ký ức và mẹ ở xa”. Khúc thứ năm “Cõi mẹ về”. Thật rưng rưng khi ông viết: “Những ngôi mộ ở bên ngoài đất nước – ngàn năm sau hai tiếng Việt Nam – không ai gọi, không còn ai nhắc nữa! dúm xương xưa tanh lợm, thiếu nguồn”.  Nỗi bi kịch sinh tử của người xa xứ hình như đã được ông cảm nhận trước khi bước đến khoảnh khắc làm bạn với cái chết. Vĩnh biệt ông. Cầu mong linh hồn ông sớm bay về đất mẹ Việt Nam.

Chùm thơ Du Tử Lê

Chân dung
tôi ngồi trong nỗi tôi riêng
bên trong ghế lạnh, ngoài hiên bóng rời
phòng tôi trần thiết gương người
tường sơn kỷ niệm, vách bồi dáng xưa
tóc người chảy suốt cơn mưa
ngực thơm hoa bưởi, môi đưa bão về

tôi ngồi giữa cõi-tôi-khuya
có ai gõ cửa? mà nghe lá chào
tưởng người ngọn sóng lao xao
biển muôn năm gọi tôi nào có vui
người về có nén hương, thôi
cắm lên phần mộ hồn tôi úa vàng

Chẳng lớn lao nào hơn nỗi cô đơn

cảm ơn kỷ niệm nuôi em lớn.
như bóng nuôi hình lúc thiếu nhau.
cảm ơn ngực ấm nuôi thương bạn.
giọt lệ nuôi tình sâu kiếp sau.
cảm ơn xa, vắng nuôi em lớn.
như lá nuôi rừng thuở thiếu niên.
cảm ơn chăn, gối cho mưa, nắng.
quá khứ như người có tuổi, tên.
cảm ơn định mệnh nuôi em lớn.
hạt giống u tình kia, tự tâm.
cảm ơn lênh láng / đêm / da, thịt.
những ngón tay thơm chọn lựa, mình.
cảm ơn thần thánh nuôi em lớn.
như gió nuôi trời lúc bão lên.
cảm ơn núi nhắc sông xa, nhớ.
chẳng lớn lao nào hơn cô đơn.
cảm ơn sách vở nuôi em lớn.
con chữ nuôi người trong giấc mơ.
hồn nuôi rưng rưng từng khối đá.
tôi trầm mình trong em, đời sau.
cảm ơn hiện tại không sau, trước.

Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển

khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
đời lưu vong không cả một ngôi mồ
vùi đất lạ thịt xương e khó rã
hồn không đi, sao trở lại quê nhà

khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
nước ngược dòng sẽ đẩy xác trôi đi
bên kia biển là quê hương tôi đó
rặng tre xưa muôn tuổi vẫn xanh rì

khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
và nhớ đừng vội vuốt mắt cho tôi
cho tôi hướng vọng quê tôi lần cuối
biết đâu chừng xác tôi chẳng đến nơi

khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
đừng ngập ngừng vì ái ngại cho tôi
những năm trước bao người ngon miệng cá
thì sá gì thêm một xác cong queo

khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
cho tôi về gặp lại các con tôi
cho tôi về nhìn thấy lệ chúng rơi
từ những mắt đã buồn hơn bóng tối
.
khi tôi chết nỗi buồn kia cũng hết
đời lưu vong tận huyệt với linh hồn /.
(12-1977.)

Nguyễn Thuỵ Kha
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

NGUỒN GỐC TÊN GỌI
CHỢ BẾN THÀNH


Nhiều người, kể cả không phải dân Sài Gòn, đều biết đến ngôi chợ nổi tiếng nhất của Sài Gòn này. Tuy nhiên không phải ai cũng biết tại sao lại gọi chợ là chợ Bến Thành.
Nguồn gốc chợ Bến Thành?

Nguồn gốc của tên gọi này có liên quan đến thành Bát Quái do Nguyễn Vương xây dựng.

Năm 1788, Nguyễn Vương Nguyễn Phúc Ánh chiếm lại được Gia Định từ quân Tây Sơn, liền cho xây dựng thành quách để ngăn quân Tây Sơn.

Năm 1789, Bá Đa Lộc cũng về đến Gia Định, dù không thực hiện được việc cầu viện nước Pháp nhưng Bá Đa Lộc quyên góp tiền từ các thương gia có ý định buôn bán với Đại Việt cùng số tiền 15.000 Francs của mình để mua súng đạn và tàu chiến, chiêu mộ khoảng 20 người Pháp giỏi về kỹ thuật vũ khí, kỹ nghệ, và xây dựng để giúp Nguyễn Vương. (Xem thêm: Trả lại vai trò thật sự của giám mục Bá Đa Lộc đối với nhà Nguyễn)

Trong đó kiến trúc sư người Pháp Theodore Lebrun và kỹ sư công binh người Pháp Victor Olivier de Puymanel đã thiết kế xây thành Bát Quái. Thành được xây dựng vào năm 1789 với số nhân công là 30.000 người.

Bát Quái thành được xây dựng theo kiến trúc Vauban. Dù sử dụng kiến trúc phương Tây, nhưng lại rất gần với văn hoá phương Đông, có 8 cạnh thành, nên còn có tên là thành bát quái. Năm 1790, thành được xây xong có chu vi khoảng 4.176 mét, ba mặt được sông che chở.

Thành Bát Quái khiến tuyến phòng thủ Nam Bộ trở nên vô cùng chắc chắn, quân Tây Sơn không sao đánh vào được. Nó có thể chống chọi được cả đạn pháo hiện đại nhất vào thời bấy giờ.

Sông Bến Nghé có một bến sông nằm gần thành Bát Quái, bến này dùng cho khách vãng lai và quân nhân vào thành, vì vậy mà được gọi là Bến Thành (tức bến trước khi vào thành); gần sát bến này có một khu chợ (ở vị trí xưởng Ba Son ngày nay) vì thế mà chợ này cũng được gọi là “chợ Bến Thành”. Và tên “chợ Bến Thành” chính là được xuất phát từ đây.

Sơ đồ thành Bát Quái do Trương Vĩnh Ký vẽ, Nguyễn Đình Đầu lược dịch và chú giải. (Ảnh từ wikipedia.org)

Bản đồ Sài Gòn năm 1790 do người Pháp vẽ, ở chính giữa là thành Bát Quái. (Ảnh từ 2saigon.vn)
Lịch sử phát triển chợ Bến Thành

Chợ Bến Thành ban đầu này được xây bằng gạch, sườn gỗ, lợp tranh. Nơi bến sông này thuận lợi cho ghe thuyền trong và ngoài nước lui tới, vì thế mà việc buôn bán trở nên sầm uất. Hàng hoá nước ngoài xuất hiện ở chợ khá nhiều thu hút người dân và người Pháp đến đây mua sắm.

Hàng buôn bán trong nước gồm tơ lụa, gốm sứ, thảo dược, gạo, trái cây… từ miền Tây và miền Trung chen nhau cập bến cùng với các loại thuyền ghe Gia Ðịnh mũi đỏ xanh lườn. Vì thế mà thời đó có câu:

Ghe ai mũi đỏ xanh lườn,
Phải ghe Gia Định xuống vườn thăm em.

Năm 1833, Lê Văn Khôi lấy thành Bát Quái làm căn cứ khởi nghĩa chống lại triều đình. Năm 1835, triều đình đánh bại Lê Văn Khôi, vua Minh Mạng cho phá huỷ toàn bộ thành này, rồi xây một thành mới nhỏ hơn ở vị trí đông bắc thành cũ, gọi là “thành Phụng”, “thành Phượng” hay thành Gia Định.

Chợ Bến Thành lúc này vẫn còn đó nhưng không được sầm uất như trước nữa, dù vẫn là nơi đông đúc nhất. Các ghe thương thuyền thường đậu chen chúc nhau, tạo thành một thành phố nổi trên mặt nước.

Tháng 2/1859, Pháp đánh chiếm thành Gia Định, các binh lính người Việt chống Pháp đã cho thiêu huỷ chợ Bến Thành để thông thoáng cho tàu ghe lưu thông trên sông Sài Gòn.

Chợ Bến Thành khi còn trên kênh Charner, đường Nguyễn Huệ ngày nay. (Ảnh: Manhhaiflick – wikipedia.org)

Để có nơi buôn bán, năm 1860 người Pháp đã cho dời chợ vào trong, xây mới tại con kênh gọi là Kinh Lớn (sau này lấp lại thành đường Nguyễn Huệ), dọc bờ kênh này là đường Charner nên con kênh này còn được gọi là là kênh Charner. Việc xây chợ tại con kênh này giúp ghe thuyền buôn bán hàng hoá lưu thông dễ dàng.

Do chợ Bến Thành nằm ở vị trí giao điểm của khu đô thị và hợp lưu của hai tuyến đường thuỷ là kênh Lớn và rạch Cầu Sấu (nay là đường Hàm Nghi) nên luôn nhộn nhịp đông đúc, các cửa hiệu phần nhiều là của người Hoa, người Ấn Độ và người Pháp.

Một cảnh mua bán ở chợ Bến Thành khi còn ở kênh Charner. (Ảnh từ wikipedia.org)

Đến năm 1911 thì chợ Bến Thành đã cũ kỹ, xuống cấp và nguy cơ bị đổ, vì thế người Pháp quyết định chọn một địa điểm để xây lại chợ Bến Thành thật khang trang, chắc chắn và đẹp hơn.

Địa điểm được chọn chính là khu chợ Bến Thành ngày nay. Thời đấy đó là một cái ao sình lầy gọi là ao Bồ Rệt (Marais Boreses) chen chúc nhà cửa lợp tranh tre tạm bợ. Chiếc ao này được lấp đi, chợ được xây với bốn của lớn nhìn ra 4 mặt đường.

Ao Bồ Rệt (Marais  Boreses) ngày xưa, tức vị trí chợ Bến Thành ngày nay. (Ảnh từ baotreonline.com)

Chợ được hãng thầu Brossard et Maupin khởi công xây dựng từ năm 1912, đến năm 1914 thì xây xong. Chợ rộng 13.000m2 với nền đất đá ong. Lễ khai thị (tức khai trương) diễn ra trong 3 ngày 28, 29 và 30/3/1914 với rất nhiều lễ hội văn hoá ẩm thực cùng các gian hàng, thu hút 100.000 người Sài Gòn và các tỉnh lân cận đến vui chơi.

Chợ Bến Thành lúc mới xây xong tháng 3/1914, chưa làm lễ khai thị. (Ảnh từ ilovesaigon.net)

Chợ Bến Thành năm 1914 khi mới làm lễ khai thị (Ảnh từ ilovesaigon.net)

Xe ngựa bốn bánh – phương tiện đi lại của người giàu ở Sài Gòn thuộc địa – trước Chợ Bến Thành năm 1921. (Ảnh từ ilovesaigon.net)

Chợ Bến Thành 1920 – 1930. (Ảnh từ ilovesaigon.net)

Chợ Bến Thành đã trải qua vài lần trùng tu, lần mới nhất là năm 1985. Tuy chợ không còn nét đẹp trầm lắng như trăm năm trước nhưng vẫn là biểu tượng của thành phố Sài Gòn.

Trần Hưng
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

BÙI GIÁNG
NHỮNG GIAI THOẠI TIÊU BIỂU


Ðã có rất nhiều giai thoại, huyền thoại về ông; vô số được thế gian tô bồi sau này, khó minh xác thực hư. Xin lai rai vài chuyện tiêu biểu.

Chuyện thứ nhất. Xưa kia ở Quảng Nam, quê chúng tôi, người ta kể rằng khi còn trẻ Bùi Giáng đã có vợ. Vợ sớm qua đời.  Hôm tẩm liệm, ông nhờ người hàng xóm làm thịt 21 con gà. Ông thành tâm bỏ thịt con gà còn sống vào quan tài tẩm liệm người vợ thân yêu. Họ hàng thấy quái. Bèn can ngăn. Ông bảo: “Vợ tôi ưa ăn thịt gà, nay có thể lên thiên đường hoặc xuống địa phủ chi đó, thịt gà đâu ăn”. Câu chuyện trên là hoàn toàn khó tin. Bịa đặt, phao tin đồn nhảm, gia đình người ta kiện cho. Nhưng cái tuyệt hảo ở đây là người đời rất đỗi yêu ông, giai thoại trên như phóng hoạ phần nào những quái ảnh kỳ tâm nơi một Bùi Giáng lắm điều xem ra bất khả tư nghị.

Bà đi thể điệu bước ra/ Tay khăn tay áo là hoa thêu thùa/ Bà về cỏ rậm dậu thưa/ Đêm tàn cấm nguyệt chiều trưa lâm tuyền.

Chuyện thứ hai. Vào đầu thập niên sáu mươi có lúc ông đi dạy Việt văn ở trường trung học tỉnh lỵ. Một hôm giảng Truyện Kiều, đến chỗ nàng Kiều phải hồng trần lưu lạc, thầy Giáng khóc oà. Khóc vỡ tan. Nhảy phóc qua cửa sổ lớp học, băng bộ ra bến xe, về Sài Gòn. Học trò nam nữ ngồi chờ mãi, tưởng thầy đi đâu đó sẽ trở lại. Trên bàn sách vở, bao thuốc lá hãy còn. Hoá ra thầy “bay” luôn, bỏ lớp bỏ trường, bỏ cả tỉnh lỵ nhiều năm sau. Hỏi hà cớ. Thầy ngậm ngùi nói mần răng trở lại nơi Em Kiều đã một lần hy sinh cho cái trò chơi nhân gian kỳ ảo chỗ liên tồn.

Nguyễn Du xưa kia đã một lần than thở “Ðịa địa xứ xứ giai Mịch La” (Trên mặt đất này đâu đâu cũng là dòng Mịch La) . Bùi Giáng hôm nay cũng có thể.

Sau này, đọc Mùa Thu Thi Ca, đoạn nói về Ðoạn trường tân thanh, ta thấy ông viết:
“Nguyễn Du không kinh hoàng nhảy lui. Cũng không bị tẩu hoả nhập ma rú lên một tiếng như Zarathustra also sprach. Ông đạm nhiên làm Nam Hải Ðiếu Ðồ. Kẻ câu cái gì tại Nam Hải?

Ðáp cho câu hỏi ấy, ta mượn một câu thơ Phùng Khánh:

Con làm Nam Hải Ðiếu Ðồ
Ngồi câu con Cá Hư Vô Tâm Hồn.

Tựu trung mỗi phen sờ mó vào Kiều nhi, vừa chạm tới những tuyệt diệu từ lãng đãng phù động kia, chớm gặp Xuân đã ngộ phải Thu, vừa ướm hỏi ra Thu đã vấp phải Ðông Phong Thanh Hạ, vừa tân thanh ngâm bãi đã trường đoạn thê nhiên, chợt mới hội thương tình đã hốt bách cảm sinh, mới vừa mơ màng nhìn Hồng Lĩnh vân phong đã giật mình nghe ra Tiền Ðường triều tiêu, chưa kịp qui ẩn kinh, đã bàng hoàng với phiến oan thanh. Bỏ ra Nam Hải buông câu chỉ bắt được Hư Vô Con Cá...”

Chuyện thứ ba. 1975. Thời của thu vàng một loáng hoá rừng phong hoang hồng, xao xác đến muôn trùng số mệnh con người hoa cỏ. Tôi có dịp lai rai sống với Bùi Trung Niên Thi Sĩ. Thưở ấy đói kinh. Người người tăng gia, nhà nhà sản xuất. Cuốc đào cả lề đường hè phố, vườn biệt thự, trồng luống khoai hàng sắn. Cày xới nát bộ não vì cái ăn, cái Ði - Ở. Tâm linh màu chì. Một hôm chúng tôi đang đi long nhong gần nhà thờ Ba Chuông kiếm vài chung quốc lủi, Bùi Giáng bỗng nói: nè cha, ta về nhà chút đã. Tôi hỏi về mần chi. Ông bảo cho heo gà ăn chớ không tụi nó chết. Hoá ra thi sĩ cũng tăng gia sản xuất. Về nhà - trong hẻm, gần cửa xe lửa số 6 - đã thấy ngay trước hàng hiên có mấy con... heo đất, mấy con vịt nhựa - loại được khoét một đường rãnh trên lưng, để bỏ tiền tiết kiệm. Chúng được đặt trong rọ, hoặc úp bằng những cái rổ đàng hoàng, như heo gà thật. Bên con heo đất hãy còn mấy cọng rau tươi, nơi gà vịt nhựa có dăm hạt gạo vung vãi. Một người bà con nói nhỏ với tôi: “Phải chăm sóc cẩn thận, ảnh về thấy heo gà không có thức ăn ảnh khóc”.

Trên đây, ba giai thoại tiêu biểu về mỗi Bùi Giáng.

Giai đoạn đầu, thuở liệm vợ bằng thịt gà sống đã phôi pha hoang đường, định mệnh chỉ ra ông sẽ là một hiện tượng kỳ vĩ, khác người. Một cái Ðiên đang hăm he cái Tỉnh. Một Muôn Ðiệu Tài Hoa sẽ vùi chôn người Bùi Giáng thường tình. Cuộc điêu linh sẽ gạn lọc, phiên dịch, phơi bày ông ra giữa trận đồ hoang vu nồng cháy của Phố Thị Ðìu Hiu, của Mù Sa Cố Quận. Sông ơi em bỏ sa mù/ Đi thiêm thiếp cõi quân thù gọi nhau/... Một đời lận đận đo rồi đếm/ Mỏi gối người đi đứng lại ngồi.

Giai thoại thứ hai nhằm vào thời ông rời quê nhà - xứ Trung Việt nơi ông đã từng chăn dê; đã lùa bò vào đồi sim trái chín - để vào Sài Gòn; là khởi nguyên nơi ông mùa tinh hoa tụ hội: Thi tập Mưa Nguồn chào đời. Xin chào nhau giữa con đường/ Mùa xuân phía trước miên trường phía sau. Sau đó là những tuyệt phẩm: Lá Hoa Cồn, Ngàn Thu Rớt Hột, Mùa Thu Thi Ca, Ðường Ði Trong Rừng, Sương Tỳ Hải, Sa Mạc Phát Tiết, Sa Mạc Trường Ca, Trăng Châu Thổ, Lễ Hội Tháng Ba, Sương Bình Nguyên, Biển Ðông Xe Cát, Lời Cố Quận, Ngày Tháng Ngao Du v.v... Ông dịch vô số tác giả từ Đông chí Tây, cổ kim; dịch rất tài hoa thông suốt, như Hoàng Tử Bé, Ngộ Nhận, Khung Cửa Hẹp, Kim Kiếm Ðiêu Linh, Hoà Âm Ðiền Dã v.v...

Sức điên, sức rong chơi, sức đọc, sức làm việc của Bùi Giáng là vô cùng tận. Ông là tượng trưng cho sự nhạy cảm, sự thông minh thoáng đạt, và sự bất định, bay bổng. Ðây là tai hoạ tự chính ông - tự đoạ đày trực diện. Lúc này ông đã là một hấp lực kỳ vĩ với người đọc. Ðọc ông là si mê mơ màng, là lơ đãng tìm ra thuốc chữa cho một cần thiết thoát ly, đối kháng, chối từ, tái thẩm định. Là dìu dặt vào hương vị đắng cay mật ngọt thời hoang hoá hòn đạn làm nổ trái bom, điêu linh giữa tồn sinh phân huỷ, giữa gươm đao đang thừa mà hụt hao nhân ái. Là chiến đấu thoát vượt cuộc khổn vây công bằng tự do; một xô bồ rừng rú tư tưởng; một trần gian xanh đen đến tiêu hao, phân ly chính mình. Bờ Lúa của Bùi Giáng.

Em chết bên bờ lúa
Ðể lại trên đường mòn
Một dấu chân bước của
Một bàn chân bé con
Anh qua miền cao nguyên
Nhìn mây trời bữa nọ
Ðêm cuồng mưa khóc điên
Trăng cuồng khuya cuốn gió
Mười năm sau xuống ruộng
Ðếm lại lúa bờ liền
Máu trong mình mòn rỗng
Xương trong mình rã riêng
Anh đi về đô hội
Ngó phố thị mơ màng
Anh vùi thân trong tội lỗi
Chợt đêm nào gió bờ nọ bay sang.

Giai thoại thứ ba là hiển thị cuộc hí lộng đã dắt díu thi sĩ chơi với đồ nhựa vô tri. Ký gởi sự sống trên những “con-vật-không-có-sống-không-có-chết”, là lúc ông xấn tới tột đỉnh đất trời đổ lộn nguyên khê. Ông tỉnh táo trong một trạng thái đặt biệt của người điên. Ông sắp xếp cái Ðiên theo cách người tỉnh. Cái điên phần nào giúp ông siêu thoát. Nhưng cũng đặc biệt đoạ đày cho ông là chính ông ý thức về cái điên của mình: Xuống sông xuống biển hãi hùng/ Mà không thể giết được linh hồn mình/ Trải bao nhiêu trận bất bình/ Cuồng điên tôi tự giết mình tôi chơi. Là tự hiểu: Tôi từ khởi sự cuồng điên/ Tôi từ uống rượu triền miên tháng ngày/ Hét la tháng rộng năm dài/ Tình yêu tiêu diệt từ ngoài tử sinh.

Khoảng đầu thập niên 70 có lần người ta đưa ông vào nhà thương Biên Hoà chữa cái bệnh đứng ngã ba nhìn ra ngã bảy. Từ nhà thương điên trở ra, bữa gặp nhau thấy ông rất tỉnh, bèn hỏi một câu thường tình: “Nhà thương điên Biên Hoà trị cái tẩu hoả hay hỉ!”. Ông trả lời tỉnh queo: “Chữa trị quái gì đâu. Chẳng là ở ngoài mình thấy mình điên số một, khi vô nhà thương điên mới hiểu ra mình là đồ bỏ, điên nhí, điên tiểu thủ công nghiệp; trong nhà thương điên nhiều cha điên thượng thừa, điên vĩ đại hơn mình nhiều. Do vậy mà mình tự động thôi điên”.

Có thể Bùi Giáng chẳng điên. Thiên địa nó tẩu hoả nhập ma; chính thái cực lưỡng nghi nó lôi ông vào trận địa gây cấn tà huy. Hãy đọc một đoạn nhỏ trong Mùa Thu Thi Ca, sau khi nhà thơ đứt phèo phổi được tin Marilyn Monroe đang lộng-lẫy-một-toà lại tự động chuyển-sang-từ-trần bên trời Tây:

“Mọi Nhỏ - Tại sao chị tự tử
Monroe - Tại vì chị là người da trắng. Huống hồ nữa là...
Mọi Nhỏ - Là sao huống nữa?
Monroe - Huống nữa là màu da trắng của chị còn trắng hơn tất cả màu da của mọi người da trắng khác.
Mọi Nhỏ - Thế nghĩa là màu da trắng của chị đã đạt quai nhai cảnh giới của lô hoả thuần thanh thánh thần thiên tiên liên tồn tố bạch?
Monroe - Nhiên
Mọi Nhỏ - Sao gọi là liên tồn tố bạch?
Monroe - Tố bạch là tách bộ.
Mọi Nhỏ - Còn liên tồn? Cũng đồng nghĩa với tồn liên chăng?
Monroe - Nhiên”.
Sau, chết rồi mà em Monroe lại gặp tình cờ em Mọi Nhỏ. Mọi Nhỏ lúc này đã dấn mình một cách nhiệt huyết vào trung tâm điểm lửa đạn chiến tranh Việt Nam. Monroe ngậm ngùi hỏi:
“Monroe - Chị tự tử đã đành. Sao em cũng tự tử? Em ở trong rừng mát mẻ, em tự tử làm gì cho phí mất màu da bồ quân bánh mật của em như thế?
Mọi Nhỏ - Em đâu có tự tử. Chính là thật ra cái hòn đạn nó tự tử em.
Monroe - Hòn đạn nào như thế?
Mọi Nhỏ - Hòn đạn hoặc trái bom gì đấy. Nó nổ một trận tam bành. Nó tự tử mất em, đồng thời với cái truông đèo thơ mộng chiều hôm qua.
Monroe - Sao em không dời đi nơi nào ẩn trú, lại ở yên một chỗ mà chờ đợi đạn bom mà làm gì như thế?
Mọi Nhỏ - Dời đi nơi khác thì đồng thời phải dời cái truông đèo đi nơi khác. Em sức mấy mà làm cho xuể sự đó. Kể ra lúc bấy giờ em cũng định lặn xuống ở dưới đáy nước cái khe kia thì thật là bảo đảm nhưng không kịp. Cái bom nổ còn chớp nhoáng hơn cái ý định nảy ra trong đầu óc em.”

Ðâu phải con người không chuẩn bị kịp cho một trái bom nổ chớp nhoáng. Trong kiếp người chúng ta có những cái vô cùng không kịp. Ðã vô cùng từ bỏ vườn cũ truông đèo không mang theo, trong hun hút máu xương. Ðã một phương trời gom nhặt phút sống, mà vắng mất nắm đất bên đàng chỗ cổng làng khe nước rẫy nương. Bây giờ ta hỏi lại thu/ Khu vườn lá ngọc sao thu phiêu bồng. Nơi hải giác thiên nhai anh hay tôi, Em Mọi hay Ðêm Nguyệt Cầm Ca - Ly, đã thức giấc nỗi lòng Nhật mộ hương quan hà xứ thị( Lúc trời chiều đứng ngắm cảnh tự hỏi đâu là quê nhà - Hoàng Hạc Lâu, Thôi Hiệu) Và đâu phải anh tự do hân hạnh được quyền có hay không cái tẩu hoả nhập ma. Trái bom nó - tự - tử - em kia mà

Cung Tích Biền
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

BÙI GIÁNG CHƠI


Con người và thơ ca Bùi Giáng dường như ăn nằm với một chữ “Chơi”.
Một cuộc chơi lu bù, bất tận, điên đảo, “tục tĩu mà thần tiên”.

Nói theo ngữ ngôn của ông là: trùng du điệp hí, anh nhi hí, đồng tử hí, trần gian du hí, thần thông du hí, ngày tháng ngao du, đùa với tuyết rỡn với vân, tót vời cuộc chơi, mở trận đùa rỡn từng cơn cơn cuộc cuộc, chơi theo lối nghịch hành, chơi trùng khơi trí hải….

Chơi thiên nhiên, chơi đời, chơi thơ, chơi huyền thoại, chơi kinh điển, chơi giai nhân, chơi hỗn độn, chơi thiêng liêng, chơi sáng tạo. Và chơi cái chết.

Thế giới đầy sáng tạo này là Vishnu Lila, trò chơi của Vishnu theo người Ấn Độ. Lila là chơi đùa, nhảy múa. Riêng cõi thơ này là Bùi Giáng Lila.

Đừng đọc thơ Bùi Giáng. Hãy chơi đùa và nhảy múa cùng thơ ấy.

Đó là thơ của Hồn du mục, thơ của Đời vui đón hội và thơ của Ngữ ngôn cuồng dại.

HỒN DU MỤC
Tập Mưa Nguồn là thơ của du tử, mục tử hiểu theo mọi nghĩa. Trang thơ mở đầu đã ngân lên hồn du mục:

Cỏ hoa từ bỏ ruộng đồng
Hồn du mục cũ xa gần hử em

Bùi Giáng từng chăn dê chăn bò vào mấy năm cuối thập niên 40 vào cuối thế kỷ trước. Có thể thấy rõ việc làm đó cũng là trò chơi, đúng cốt cách Bùi Giáng.

Và chắc chắn nhà thơ mục tử xem chuyện chăn dắt ấy có hẳn một tư cách khác. Con người là mục tử chăn giữ “Tính thể”. Ý tưởng ấy Heidegger bày tỏ trong Thư về Nhân bản luận, một tác phẩm mà Bùi Giáng rất tán tụng.

Không chỉ cánh đồng của du mục là cánh đồng mà thân thể cũng là cánh đồng theo cách nói của Chí Tôn ca (Bhagavad Gita, khúc 13).

Trong lời tựa cho cuốn L’Anti – Oedipe của Deleuze, Foucault viết: “Hãy chuộng lấy những gì lạc quan và đa dạng, chuộng khác biệt hơn là đồng dạng, lưu lãng hơn là đóng khép, biến chuyển hơn là hệ thống. Hãy tin rằng những thành tựu không đến từ ngồi yên mà từ hồn du mục” (1).

Bùi Giáng đem phong cách du mục vào thơ ca, một phong cách tràn đầy tự do, ngang tàng, táo bạo, bất chấp, phụng dâng, tận hiến, tung hê, cuồng ngạo.

Mọi thứ trong thơ Bùi Giáng đều khác thường, lưu lãng, biến chuyển, đều trôi, bay, cuộn sóng, bão giông, quay cuồng, xô đẩy, ầm ào, lên đường, tách bến, ra khơi…
Từ đó mà:

Gót chân khơi rộng bóng cành…
Trùng quan vó ngựa tế nhanh trong mù
Trời đêm tinh tú chạy vòng…
Người xuống theo giòng trôi nước lũ
Người xuống theo thu gió thổi trời
Ô vạn vật vẫn chờ nguồn nước lũ
Nghe mùa nước lũ nguồn trôi phăng đồng
Nguồn trôi nước lũ xuống đè cát xanh

Cái lưu lãng không chỉ nằm ở tứ mà còn nằm ngay trong ngữ âm:

Bờ thánh thót động giòng em đi đến
Làn lênh lang lau lách lại luân lưu…

Trong bài Tuổi Trẻ (Mưa Nguồn) nhà thơ không ngớt giục: “Chạy đi em!”, “Chạy đi em!”… Với người thương, không là ru ngủ như thường tình mà là giục chạy, có lạ không!
Không chỉ có người mới đi và chạy. Cả bản thân THƠ nữa, thơ cũng trôi:

Thơ còn có chảy dưới chân em?

Đó là thế giới của gió và nước, của phiêu du và chuyển hoá.
Nhưng cái đi đến một lúc nào đó lại trùng phục với cái về.
Nước đi ra bể lại MƯA về NGUỒN
(Tản Đà)

Hồn du mục, hồn phiêu lưu cũng là hồn của về nguồn, hồi nguyên. Hồn của Ulysse, Từ Thức. Cội nguồn, ngõ ban sơ, cố quận, nguyên xuân…

Ra đi hẹn với xuân đầu
Buổi hồi nguyên lại pha màu bình minh

Thế cho nên Mưa nguồn mở đầu với hồn du mục và kết tập với:

Em về mấy thế kỷ sau
Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không
Ta đi còn gửi đôi giòng
Lá rơi có dội ở trong sương mù

Như vậy là đi và về được nối kết, xưa và sau được nối kết. Cũng thế, sống và chết được nối kết. Tất cả ở trong trò chơi bất tuyệt.

Cả cái chết cũng là trò chơi. Chơi cái chết. Đã chết rồi lại chết nữa. Chết thêm một trận:

Con bèn tái điệp dấn liều
Chết thêm một trận hoang liêu song trùng

Nều hồn chỉ là tâm, thể chỉ là thân thì không thể chơi đùa như thế được. Nhưng với tâm thần phân lập (schizo) thì khác. “Schizo là vũ trụ của cơ chế dục vọng, có thể sản xuất và tái sản xuất”, theo Deleuze (2).

Do vậy mà có hai câu thơ độc đáo và phân lập trong Rong rêu:

Em đi như thể thân là thể
Anh ở một mình thể mất thân

Hoặc như:

Chúng tôi người ngợm vô thường
Lúc mê man lúc chán chường thể thân

Đùa rỡn hết mực, thơ Bùi Giáng trở thành một thứ NGHỊCH THƠ. Nghịch là đùa mà cũng là ngược. Thơ ấy có thể nghịch mắt trái tai với những người xem thơ ca nghệ thuật là trịnh trọng trang nghiêm.

Nhưng phải nhận ra gương mặt thơ của Bùi Giáng như một trò hài (farce).

Nhận xét về văn chương nghệ thuật hiện đại, Ortega trong tiểu luận Giải nhân hoá nghệ thuật (The Dehumanization of Art) cho rằng: “Nghệ thuật được nhận ra như một trò hài (farce)… là trò hài chính là sứ mệnh và đạo lý của nghệ thuật… mời gọi chúng ta nhìn tác phẩm như một trò đùa (a joke) tự chế nhạo mình trong yếu tính… Nghệ thuật mới tự lố bịch hoá mình” (Art… is recognized as a farce… to be a farce may be precisely the mission and the virtue of art… invite us to look at a piece of art that is a joke and that essentially makes fun of itself… The new art ridicules art itself) (3).

Những lời ấy Ortega viết từ năm 1925 ở Tây Ban Nha trongGiải nhân hoá nghệ thuật.
Đến năm 1971, ở Việt Nam, trong Ngày tháng ngao du, có thể là tình cờ Bùi Giáng cũng nêu lên “giọng nói lố bịch” trong triết học và thơ ca:

“Nietzsche thường có giọng nói lố bịch như thế. Lố bịch một cách khệ nệ khệnh khạng như Lão Tử. Hoặc như những ông thiền sư lố bịch ‘Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư’.

Thơ văn tôi làm cũng có lố bịch, nhưng lố bịch một cách thơ dại, khiến người đọc vui vẻ trường thọ…

Lố bịch như thế khiến cõi đời thơ mộng ra. Chúng ta không còn ngạc nhiên gì nữa, nếu thấy bao nhiêu hoàng hậu trong sử xanh đều yêu mến Bùi Giáng, và xa lánh Nietzsche, xa lánh Lão Tử, xa lánh những ông thiền sư”.

Có một trò chơi văn bản (text play) mà Bùi Giáng hết sức ưa vận dụng tạm gọi theo thể cách của ông là trùng phục thu hồi. Đó là cách mà thơ ông tiếp biến với văn chương kinh điển, đặc biệt là với Nguyễn Du, Kinh Phật và Camus. Thường là ông lặp lại (trùng phục) một ít ngữ ngôn hay ý cảnh của họ, từ đó khai lộ những khả tính mới hay hồi nguyên (thu hồi) cái ẩn mật giấu mình nơi đó.

Trùng phục thu hồilà dụng ngữ ông dịch từ Heidegger (nguyên văn tiếng Đức là Wiederholung) khi triết gia này đọc lại Kant.

Ta tạm lấy cụm từ Trùng phục thu hồi để chỉ một thủ pháp thường thấy trong thơ Bùi Giáng.
Trong bài lục bát Hoàng hậu, thử nhặt ra hai câu thơ quen thuộc:

Ngõ ban sơ hạnh ngân dài
Cổng xô còn vọng điệu tài tử qua

Thơ Nguyễn Du luôn ám ảnh Bùi Giáng. Hơn một lần Bùi Giáng nhắc đến ngõ hạnh. Bắt đầu từ câu 2862 trong Truyện Kiều:

Cửa trời rộng mở đường mây
Hoa chào ngõ hạnh hương bay dặm phần

Ngõ hạnh viênlà nơi các tân khoa tiến sĩ dự yến, xem hoa, dạo chơi. Hạnh đàn là nơi dạy học, ca hát gảy đàn. Dương Quý Phi được gọi là Hạnh hoa thần…

Bản thân Bùi Giáng có dịch bài tản văn Những cây hạnh (Les Amandiers) của Camus in trong Mùa hè sa mạc, trong đó có câu: “một đêm duy nhất lạnh giá và thuần khiết tháng hai, những cây hạnh trong thung lũng Consuls sẽ đơm đầy bông trắng”. Điều này trùng hợp với những cây hạnh Á Đông, nơi tháng hai (âm lịch) là tháng hoa hạnh (Hạnh hoa phát vu lộ hàn: hoa hạnh nở trong sương lạnh).

Và chữ hạnh còn làm ta liên tưởng đến hạnh phúc, hạnh vận, hạnh ngộ…

Khi người tài tử đi qua cuộc đời thì phong tư tài mạo tuyệt vời của họ sẽ ngân dài trong khí quyển của những niềm vui hạnh ngộ, và những ngõ hạnh sẽ nở đầy hoa trắng bất tuyệt, và những mặt hạnh môi đào sẽ đón chờ đâu đó, mặc buốt giá lạnh sương.

Đó chính là đời vui đón hội:

ĐỜI VUI ĐÓN HỘI
Giọng người đổ xuống bến xanh
Đời vui đón hội sao đành sớm tan

Thơ Bùi Giáng là lời tụng ca trần thế, tụng ca cuộc sống. Trước cõi đời và mặt đất, thơ ông dâng lễ mừng, dâng lời tạ ơn. Với ông, đời là hội, như hai câu lục bát trong Mưa nguồn kể trên. Ông gọi trần gian là lễ hội. Ông gọi thi sĩ xưa nay là những người trẩy hội trần gian:
“Họ vào cuộc Lễ Hội Trần Gian cũng đơn sơ như con chim về mùa Xuân ca hót… chỉ xin vào cuộc Hội Hoa Đăng, ca một lời cho Hoa Đăng xán lạn. Cho mọi người cùng yến tiệc giữa Hoa Đăng…” (Đi vào Cõi Thơ).

Giả như Ta hỏi: Tại sao thế, thì có lẽ ông sẽ đáp rằng: “Vì đời là rất mực rất thiêng liêng” (trong bài Vì có lẽ).

Nhưng cái thiêng liêng ở Bùi Giáng không là cái gì cách biệt với cái phàm tục. Do vậy ông thản nhiên viết:

Mở hai hàng cỏ tháng ba
Lễ là Đi Tiểu hội là Vén Xiêm
(Ngày tháng ngao du)

Có ai viết hoa Đi Tiểu và Vén Xiêm như Bùi Giáng không, xin chỉ cho tôi.

Chưa hết đâu, những người con gái của ông sẽ vén xiêm đi tiểu ở trên môt cõi Phật Quốc thiêng liêng và thanh tịnh:

“Lúc bấy giờ, tại ngưỡng cửa một non nước tinh khiết Chúng Hương, ‘những người con gái sẽ vén xiêm đi tiểu’…” (Ngày tháng ngao du).

Phải yêu trần gian thế nào mới làm ra những câu thơ phàm tục ấy? Bùi Giáng không báng bổ Phật Quốc hay Thiên quốc nào. Và quan trọng hơn là ông không bao giờ báng bổ trần gian:

Tôi đã nguyện yêu trần gian nguyên vẹn
Hết tâm hồn và hết cả da xương
(Mưa nguồn)

Tôi đã đặt trong bàn tay vạn vật
Quả tim mình nóng hổi những chờ mong
(Mưa nguồn)

Quả tim ấy tràn đầy lòng biết ơn đối với vạn vật, từ “kiến bé một con”… đến “cô em mọi nhỏ” và “mây nước rộng xanh trời”…

Dâng lễ mừng là dâng lời cảm tạ với nàng trần gian, với Nương tử thiên nhiên, là đáp đền thơ vì đã được sống trên đời.

Bùi Giáng xui ta nhớ đến Osho trong tác phẩm Cỗ bài Tarot trong linh hồn Thiền – Trò chơi Đời (Tarot in The Spirit of Zen – The Game of Life):

“Dâng lễ mừng là tràn đầy cảm tạ; đó là lời cầu nguyện xuất phát từ lòng biết ơn… được sống, chỉ vậy thôi đã là hội hè… để dâng lễ mừng, chỉ đời là cần – mà đời thì bạn có rồi. Để dâng lễ mừng, chỉ hiện hữu là cần – mà hiện hữu thì bạn đang có. Để dâng lễ mừng, cây lá, chóc chim và sao trời là cần, và chúng có sẵn đấy thôi. Bạn còn cần gì khác?” (4).

Chẳng những nhà thơ ca mừng đời, với tư cách mục tử, ông còn để cho đàn dê mình chăn dắt trên đường trở về ca mừng cuộc sống:

Rập ràng về bế hế rập ràng ca

Đọc thơ Bùi Giáng, khó mà quên tiếng bế hế rập ràng ấy của đàn dê hoà thanh với lời ca “thi dựng” của nhà thơ trong “Ngữ ngôn cuồng dại chập chờn”.

NGỮ NGÔN CUỒNG DẠI
Đọc Bùi Giáng như thể là đi lạc vào một thế giới hỗn độn, chập chờn. Thiên la địa võng của ngôn từ tuôn ra từng trận từng cơn, trùng trùng điệp điệp.

Câu thơ “Ngữ ngôn cuồng dại chập chờn” của chính Bùi Giáng trong Ngày tháng ngao du có thể dùng để miêu tả thế giới Bùi Giáng – đó là thế giới của người thật dắt tay người ảo. Các nhân danh địa danh nửa có nửa bịa. Các trích dẫn chương cú hư hư thực thực. Những đối thoại tưởng tượng (với Nguyễn Du, Nietzsche, Trang Tử, Simone Weil, với các “mẫu thân”, với chính mình, với cả châu chấu, chuồn chuồn) thì quá ư tiếu ngạo, trộn lẫn mọi thứ có thể và không thể…

Bùi Giáng tung ngọc vào bùn, chẳng cần quan tâm thị phi, khinh trọng.

Ông trộn nhã và tục trong nói lái, pha điên và tỉnh trong triết lý, lẫn giả và chân trong trò chơi văn bản, chen hay và dở những câu thơ.

Thế giới đó, dẫu sao đi nữa, là có một không hai.

Bùi Giáng hồn nhiên như trẻ con và tinh ranh như hồ ly, như khi con chồn nó lùi.

Còn ghì lại ân tình trong cỏ nhặt
Múa vi vu vì hẹn với truông ngàn

Hai câu thơ đẹp chứ gì. Nhưng ai đó lại đọc lái chữ “cỏ nhặt”.
Lại câu thơ khác:

Vườn hoa nụ đứng nụ đằm…

Đó là nói lái Bùi Giáng.
Và bây giờ là nói đảo:

Bây giờ riêng đối diện tôi
Còn hai con mắt khóc người một con

Câu thơ rất nổi tiếng, nhất là sau khi được phổ nhạc. “Người một con” là gì? Vẫn còn cãi nhau.

Đó có lẽ chỉ là cách nói đảo của “một con người”. Cách này Bùi Giáng vẫn hay chơi. Ví dụ:

Bây giờ em đếm đầu năm ngón
Lát nữa sương dầm tuyết sẽ pha
(Ly Tao)

“Đầu năm ngón” tức là “năm đầu ngón”.

Tay năm ngón bốn mùa em đi đếm
(Biểu tượng sơ nguyên)

Tay năm ngón – Năm ngón tay.
Kiến bé một con
Bò trên cỏ dại
(Lá thổi như bay)

“Kiến bé một con” – Một con kiến bé.

Giản dị hơn là cách nói đảo của những từ thân thể và xương xẩu:

- Chán chường thể thân
- Kiệt tận xẩu xương
(Lời người điên)

Đôi khi trích dẫn kinh văn, Bùi Giáng không buồn ghi xuất xứ. Đã thế còn tráo chữ, cưỡng từ đoạt ý. Chẳng hạn, trong Ngày tháng ngao du, ông dẫn kinh văn như sau:

“Lúc bấy giờ Trí Hải Ưu Bà Di ngồi toà chơn kim, đội mão hải tạng chân chu võng,… rủ tóc xanh ngần…”

Ta có thể đoán biết ông đang dẫn kinh Hoa Nghiêm. Có điều trong kinh ấy không có Trí Hải Ưu Bà Di mà chỉ có Hưu Xả Ưu Bà Di.

Bùi Giáng cố tình đưa Thích Nữ Trí Hải (tức Phùng Khánh) vào kinh Hoa Nghiêm. Trong thơ văn của mình, ông liên tục nhắc đến mẫu thân Phùng Khánh, cũng như ca ngợi thần thông trí hải, trùng khơi trí hải.

Sau đoạn trích trên, ông còn điểm thêm câu “Chùa Vạn Hạnh nức nở reo mừng…”

Và sau đó, ông thản nhiên trích dẫn kinh văn tiếp tục:

“Kẻ nào có dịp nhìn thấy vị Ưu Bà Di kia, lập thời mọi mọi phiền não liền được trừ diệt, rời xa mọi nhơ bợn kiến chấp, xô nhào mọi núi non chướng ngại, mà nhập vào cảnh giới vô ngại thanh tịnh… trở thành thy sĩ thượng thừa thù thắng trung niên…”

Tất nhiên, Trung niên thy sĩ ở đây là Bùi Giáng.

Bùi Giáng ơi, Chơi như Ngài có ai đâu
Trùng khơi trí hải gieo mầu nhiệm thơ.

Nhật Chiêu                                                                   
--------------
Chú dẫn:
Dịch theo bản tiếng Anh: Anti-Oedipus, Nxb. Continuum, 2004, tr.XV.
Anti-Oedipus, như trên, tr.5.
The Dehumanization of Art, Ortega, Nxb. Doubleday, 1956, tr.44.
Tarot in the Spirit of Zen – The Game of Life, Osho, St. Martin’s Griffin, 2003, tr.105.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 53 trang (523 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [36] [37] [38] [39] [40] [41] [42] ... ›Trang sau »Trang cuối