NGUYỄN TRÃI
Nguyễn Trãi (1380-1442) (阮廌), hiệu là Ức Trai (抑齋), quê ở xã Chi Ngại (Chí Linh, Hải Dương) sau dời về làng Nhị Khê, huyện Thượng Phúc nay là huyện Thường Tín, Hà Nội. Ông là con của ông Nguyễn Phi Khanh và bà Trần Thị Thái, là cháu ngoại của Tư đồ Trần Nguyên Đán.
Lúc còn ít tuổi Nguyễn Trãi đã tỏ ra rất ham học. Điều đó được thân phụ ông nói đến trong bài thơ “Gia viên lạc”:
Cố viên loạn hậu hữu tiên lư,
Lục tuế nhi đồng phả ái thư.
(Sau loạn, trong vườn cũ còn mái nhà xưa,
Đứa trẻ sáu tuổi đã ham đọc sách.)
Thi đỗ Thái học sinh năm 1400, Nguyễn Trãi từng làm quan dưới triều Hồ. Sau khi Việt Nam bị rơi vào Bắc thuộc lần 4, Nguyễn Trãi tham gia vào cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo chống lại ách đô hộ của nhà Minh. Ông trở thành mưu sĩ của nghĩa quân Lam Sơn trong việc bày tính mưu kế cũng như soạn thảo các văn thư ngoại giao với quân Minh.
Ông từng đề xuất một diệu kế nhằm tuyên truyền thanh thế cho nghĩa quân Lam Sơn. Ông dùng nước cơm trộn mỡ viết vào nhiều lá cây tám chữ:
“Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần” (黎利為君, 阮廌為臣)
nghĩa là “Lê Lợi làm vua, Nguyễn Trãi làm tôi”, với ý đồ khiến đàn kiến ăn mỡ khoét thành chữ trên mặt lá, rồi lá theo dòng nước trôi đi các ngả như tin báo từ trên trời xuống. Tuy vậy, một số tướng lĩnh khác như Lê Sát, Phạm Vấn, Lê Thụ bất bình vì cho rằng Nguyễn Trãi quá cao ngạo và coi thường họ, những người đã chịu nhiều lao khổ từ khi cuộc khởi nghĩa còn trong trứng nước. Đinh Liệt hoà giải mâu thuẫn bằng cách đề nghị Nguyễn Trãi đổi lại thành:
“Lê Lợi vi quân, bách tính vi thần” (黎利為君, 百姓為 臣),
nghĩa là “Lê Lợi làm vua, trăm họ làm tôi”.
Thế là tin Lam Sơn khởi nghĩa truyền đi khắp nơi, khiến cho mọi người hết sức tin tưởng vào tương lai của nghĩa quân.
Kháng chiến thành công, ông thay Lê Lợi viết bài “Bình Ngô đại cáo” nổi tiếng.
Ông là khai quốc công thần và là văn thần có uy tín ở thời đầu nhà Hậu Lê. Tuy nhiên, năm 1442, toàn thể gia đình Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc trong vụ án Lệ Chi Viên. Năm 1464, vua Lê Thánh Tông xuống chiếu giải oan cho ông.
Nguyễn Trãi là một nhà văn hoá lớn, có đóng góp to lớn vào sự phát triển của văn học và tư tưởng Việt Nam. Ông được coi là anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá của Việt Nam.
Ông để lại rất nhiều trước tác văn chương, cả bằng chữ Hán và chữ Nôm, bao gồm các lĩnh vực văn học, lịch sử, địa lý, luật pháp, lễ nghi ... song đã bị thất lạc sau vụ án Lệ Chi Viên. Các tác phẩm còn lại đến nay của ông, phần lớn được sưu tập và tập hợp trong bộ Ức Trai di tập của Dương Bá Cung, được khắc in vào năm 1868 đời nhà Nguyễn.
Các tác phẩm chính khác:
Quân trung từ mệnh tập
Bình Ngô đại cáo
Lam Sơn thực lục
Vĩnh Lăng thần đạo bi
Dư địa chí
Băng Hồ di sự lục
…
Quốc âm thi tập là tập thơ bằng chữ Nôm của Nguyễn Trãi, gồm 254 bài thơ, chia làm 4 mục.
1/
Thơ đùa ả bán chiếu :
Tương truyền một hôm Nguyễn Trãi dạo chơi bên Hồ Tây, trời đã sẩm tối, ông gặp người con gái đi bán chiếu, nhan sắc tuyệt trần, ông liền đọc bỡn bốn câu thơ quốc âm:
Ả ở đâu ta bán chiếu gon?
Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn?
Xuân thu phỏng độ chừng bao tuổi?
Đã có chồng chưa, được mấy con?
Cô gái bán chiếu ấy tên là Nguyễn Thị Lộ, vốn xuất thân là con nhà gia thế sau vì cửa nhà sa sút phải đi bán chiếu, nên văn chương chữ nghĩa cũng không phải xoàng, lại cũng rất giỏi thơ Nôm bèn đọc ngay một bài tứ tuyệt đáp lại:
Tôi ở Tây Hồ bán chiếu gon.
Cớ chi ông hỏi hết hay còn?
Xuân thu tuổi mới trăng tròn lẻ,
Chồng còn chưa có, hỏi chi con!
Nguyễn Trãi thấy Thị Lộ đã có nhan sắc lại thao văn từ, liền lấy nàng làm thiếp.
Chẳng bao lâu, nàng lại được phong làm Lễ nghi nữ học sĩ trong triều và được Lê Thái Tông rất quý mến. Rồi cũng chính vì thế mà sau đó, gây nên tấn thảm kịch rất đáng thương tâm cho gia đình và họ hàng Nguyễn Trãi.
Nguyên sau hồi Lê Thái Tổ mất, Nguyễn Trãi bị bọn gian thần gièm pha nên đã phải xin về nghỉ ở Côn Sơn. Nhưng chẳng được bao lâu, ông lại bị triệu ra làm quan. Một hôm, Lê Thái Tông đi duyệt binh ở xứ Hải Dương về, dọc đường nhà vua ngủ lại ở Lệ Chi Viên, thuộc huyện Gia Định đất Kinh Bắc (nay thuộc thôn Đại Lai, xã Đại Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh). Hôm đó, Thị Lộ cũng được triệu tới hầu hạ nhà vua ở nơi hành tại (cung vua nghỉ tạm ở dọc đường). Sớm hôm sau, vua mất một cách đột ngột. Bọn gian thần nhân đấy tìm cách hại Nguyễn Trãi. Chúng vu oan cho ông tội xúi giục Thị Lộ giết vua, rồi đem tru di cả ba họ nhà ông. Đến năm 1464, vua Lê Thánh Tông mới xuống chiếu giải oan cho ông.
2/
Thơ ghen vẫn tình :
Tương truyền, Nguyễn Thị Lộ chẳng những có nhan sắc mà thơ phú văn chương cũng tài giỏi. Nàng sở trường về thơ quốc âm và Đường luật, thường cùng xướng hoạ với Nguyễn Trãi hàng trăm bài rất tương đắc. Sau khi về làm thiếp Nguyễn Trãi được ít lâu, vua Lê Thái Tông nghe đồn Thị Lộ có tài văn chương, đã cho triệu nàng vào cung, giao cho giữ chức Lễ nghi nữ học sĩ để dạy phép tắc cho các cung nữ. Vì mến tài, mến sắc, nhà vua thường cùng Thị Lộ đàm đạo văn chương. Có khi lại giữ Thị Lộ ở lâu trong cung, tỏ ý quyến luyến không nỡ rời xa. Chuyện đó không tránh khỏi lời dị nghị trong quần thần cùng đám cung nữ.
Rồi tiếng đồn cũng đến tai Nguyễn Trãi; ông vừa nhớ, vừa ghen, đã gửi Thị Lộ bài thơ, lấy chữ “tình” làm vận. Thơ như sau:
Thiên cao địa hậu tứ thời thanh,
Khả trách hà nhân đạo bất minh.
Kính diện tuy thanh trần dĩ nhiễm,
Đức tâm phương nhuệ dục tuỳ tranh.
Nhân thanh tằng hựu Chu vương đức,
Thệ chỉ tương đam Hán đế tình.
Hạnh đắc thiên nhân tương bán trợ,
Tất nhiên xã tắc cánh xuân sinh.
Dịch thơ:
Trời cao đất rộng bốn mùa thanh,
Đáng trách cho ai đạo chẳng minh.
Mặt kính gương trong nhơ đã vấy,
Đức cao dù đẹp dục còn tranh.
Chu vương từng học lòng nhân đức,
Hán đế còn đam chuyện ái tình.
May được trời người cùng hiệp trợ,
Nước nhà ắt hẳn lại hồi sinh.
Thị Lộ đọc thơ, biết Nguyễn Trãi có ý nghi ngờ mối quan hệ giữa nàng với nhà vua, nhất là câu “Kính diện tuy thanh trần dĩ nhiễm” (Mặt kính gương trong nhơ đã vấy) khiến nàng vô cùng đau lòng, nàng đã theo nguyên vận gửi cho Nguyễn Trãi bài thơ rằng:
Đan tâm khẩn khẩn sự do thành,
Thuỳ vị cương thường đạo bất minh.
Nhật hoả hà ưu vân thốn điểm,
Mộc cù khởi phụ cát tuỳ tranh.
Anh hùng miễn đại anh hùng chí,
Nữ tử phi nhi nữ tử tình.
Phúc quyến thiên duyên cầm sắt hợp,
Nghiệm chư tôn tử thánh hiền sinh. Dịch thơ:
Lòng son khăn khắn việc mong thành,
Ai bảo cương thường đạo chẳng minh.
Ngày nắng sao lo mây chút gợn,
Cây cao há ngại sắn leo tranh.
Anh hùng gắng giữ anh hùng chí,
Phận gái đừng theo phận gái tình. (1)
Phúc luyến duyên trời cầm sắt hợp,
Nghiệm xem con cháu thánh hiền sinh.
(1) Cả câu nầy ý nói, tuy phận gái nhưng không theo thói nữ nhi thường tình.
Thị Lộ đã khéo léo, mềm mỏng, giãi bày lòng mình với Nguyễn Trãi. Nàng vì lo hoàn thành công việc trong cung nên ít về nhà, chớ chẳng có gì mờ ám. Ý thơ cũng nói rõ, mình trong sáng thì ngại gì những lời dị nghị. Lại tôn vinh ông là cây cao, là bậc anh hùng. Mong hai người hoà hợp sắt cầm, để chung hưởng hạnh phúc dài lâu mà xem con hiền cháu thánh …
Nguyễn Trãi xem thơ hoạ, chắc cũng đẹp ý, nên không trách móc gì Thị Lộ nữa. Rồi khi nhà vua ngự giá đến Lệ Chi Viên, ông cũng bằng lòng để nàng cùng thưởng ngoạn phong cảnh với đức vua. Đáng tiếc, chính tại Lệ Chi Viên, nhà vua đã mất một cách đột ngột, khiến cả Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ đều bị tội chết. Song, dư luận đương thời đều cho rằng Nguyễn Trãi bị hại, phải chết oan, cũng chính là vì Thị Lộ gây nên.
Có hai dư luận về việc này: Một là theo huyền tích dân gian, nói Thị Lộ chính là hoá thân của rắn, lấy ông cốt để báo oán, vì trước kia, ông sai học trò dọn cái gò để làm nhà học, đã xúc phạm đến một ổ rắn, làm con rắn mẹ bị thương. Để báo thù, sau khi vua chết, Thị Lộ đã khai là do Nguyễn Trãi xui nàng giết vua. – Hai là vì Thị Lộ có nhan sắc, để vua mê đắm, đêm ở Lệ Chi Viên, do nhà vua đã ngủ với nàng, nên bị cảm mà chết. Lỗi do vua, nhưng cũng có phần trách nhiệm của Thị Lộ.